Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để kháng cự áp lực bạn bè?

Làm sao để kháng cự áp lực bạn bè?

CHƯƠNG 15

Làm sao để kháng cự áp lực bạn bè?

“Ở trường, bạn đối mặt với nhiều vấn đề như thuốc lá, ma túy và tình dục. Bạn biết những gì đám bạn muốn mình làm là dại dột. Nhưng có lúc, bạn cũng muốn làm theo vì không thích bị xem là ‘đồ thỏ đế’”.—Eve.

Áp lực bạn bè thường có tác dụng, nó đánh vào ước muốn tự nhiên của chúng ta là được người khác chấp nhận. Ví dụ, nếu lớn lên trong gia đình đạo Đấng Ki-tô, bạn biết những hành vi như quan hệ tình dục trước hôn nhân và lạm dụng rượu là sai trái (Ga-la-ti 5:19-21). Nhưng nhiều bạn đồng lứa lại thúc giục bạn cùng làm những chuyện đó. Đa số các bạn ấy đã chiều theo áp lực. Vì muốn được chấp nhận nên họ đã để người khác ảnh hưởng đến điều mình tin. Bạn có như thế không? Hay bạn can đảm bênh vực niềm tin?

Trong một trường hợp, anh của Môi-se là A-rôn đã bị khuất phục trước áp lực. Khi dân Y-sơ-ra-ên tụ họp quanh A-rôn và giục ông làm một vị thần cho họ, ông đã làm theo! (Xuất Ai Cập 32:1-4). Hãy nghĩ xem, ông chính là người đã đối mặt với Pha-ra-ôn và dạn dĩ tuyên bố thông điệp của Đức Chúa Trời (Xuất Ai Cập 7:1, 2, 16). Nhưng khi dân sự gây áp lực dồn dập, A-rôn lại nhượng bộ. Ông thấy việc đối mặt với vua Ai Cập còn dễ hơn là với người đồng hương!

Còn bạn thì sao? Bạn có thấy khó bênh vực những điều đúng không? Bạn có muốn giữ được bình tĩnh khi kháng cự áp lực bạn bè không? Bạn có thể làm được. Bí quyết là lường trước sự việc và dự tính cách ứng phó. Bốn bước sau sẽ giúp bạn:

1. Lường trước (Châm ngôn 22:3). Thường thì bạn có thể thấy trước vấn đề. Ví dụ, khi thấy một nhóm bạn học đang hút thuốc, bạn nghĩ họ sẽ mời bạn một điếu không? Bằng cách lường trước, bạn sẽ chuẩn bị tinh thần để tránh hoặc đối mặt với vấn đề.

2. Suy nghĩ (Hê-bơ-rơ 5:14). Bạn có thể tự hỏi: “Về lâu về dài, mình sẽ thế nào nếu hùa theo đám bạn này?”. Đúng là tạm thời bạn có thể được họ chấp nhận. Nhưng sau đó bạn sẽ cảm thấy ra sao khi ở bên cha mẹ và anh em đồng đạo? Bạn có muốn hy sinh vị thế trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời chỉ để làm hài lòng bạn bè không?

3. Quyết định (Phục truyền luật lệ 30:19). Không sớm thì muộn, tất cả tôi tớ của Đức Chúa Trời phải chọn giữ trung thành và được ban phước hoặc bất trung và gánh lấy hậu quả cay đắng. Những người như Giô-sép, Gióp và Chúa Giê-su đã lựa chọn đúng đắn. Còn Ca-in, Ê-sau và Giu-đa thì đã chọn làm điều sai trái. Bây giờ tới lượt bạn phải quyết định. Bạn sẽ làm gì?

4. Hành động. Có lẽ bạn nghĩ đây là bước khó nhất. Nhưng không đâu! Nếu bạn đã suy nghĩ về hậu quả và đưa ra quyết định thì sẽ dễ nói lên lập trường và điều đó có thể mang lại kết quả tốt đẹp (Châm ngôn 15:23). Đừng lo, bạn không cần phải thuyết giảng Kinh Thánh cho bạn bè. Chỉ cần dứt khoát nói: “Không” là đủ. Hoặc bạn có thể chọn những cách sau để nói rõ lập trường:

“Chừa mình ra!”.

“Mình không làm mấy chuyện đó!”.

“Thôi đi, bạn thừa biết mình rồi mà!”.

Bí quyết là tự tin trả lời ngay lập tức. Nếu làm thế, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy đám bạn rút lui nhanh chóng. Tuy nhiên, nói sao nếu họ chế nhạo bạn, chẳng hạn như: “Sao vậy? Đúng là đồ chết nhát!”. Những lời như thế chỉ là cách bạn bè gây áp lực cho bạn. Bạn có thể đối phó ra sao? Có ít nhất ba lựa chọn:

● Thừa nhận lời chế giễu. (“Ừ, mình sợ lắm!”. Sau đó nói ngắn gọn lý do của bạn).

● Đẩy lùi áp lực bằng cách nói lên quan điểm của mình mà không cần tranh cãi.

● Lật ngược tình thế. Hãy nói lý do bạn từ chối và sau đó gợi suy nghĩ của bạn bè. (“Mình tưởng là bạn biết tác hại của thuốc lá!”).

Nếu bạn bè tiếp tục chế giễu bạn, hãy rời khỏi đó ngay! Càng nán lại thì áp lực càng mạnh. Dù bạn phải bỏ đi, hãy nhớ rằng: Bạn đã kiểm soát được tình thế và không để bạn bè ép mình rập khuôn theo họ.

Có lẽ một số người bạn sẽ chế nhạo và nói rằng bạn không nghĩ cho bản thân. Nhưng thực chất là bạn có! Đức Giê-hô-va muốn bạn tự chứng minh cho chính mình rằng làm theo ý ngài là đường lối khôn ngoan nhất (Rô-ma 12:2). Sao phải để bạn bè biến mình thành con rối? (Rô-ma 6:16). Hãy bênh vực cho những điều bạn biết là đúng.

Bạn không thể tránh khỏi áp lực bạn bè. Nhưng bạn biết điều mình muốn làm, và có thể nói ra lập trường cũng như kiểm soát tình thế. Suy cho cùng, sự lựa chọn là của chính bạn!—Giô-suê 24:15.

XEM THÊM VỀ ĐỀ TÀI NÀY TRONG TẬP 1, CHƯƠNG 9

TRONG CHƯƠNG TỚI

Bạn đang sống hai mặt? Nếu cha mẹ biết thì có lợi gì chăng?

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

Ai bước đi với người khôn ngoan sẽ nên khôn ngoan, ai giao thiệp với kẻ ngu muội sẽ chịu thiệt hại”.Châm ngôn 13:20.

MẸO

Nhiều tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va đã có thể bênh vực cho điều đúng. Hãy đọc những kinh nghiệm của họ để có thêm can đảm.

BẠN CÓ BIẾT...?

Sau khi ra trường, có lẽ bạn sẽ hiếm gặp lại các bạn học, thậm chí nhiều người còn không nhớ tên bạn. Nhưng gia đình, và trên hết là Đức Giê-hô-va, sẽ luôn quan tâm đến bạn.​—Thi thiên 37:23-25.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Mình có thể chuẩn bị để kháng cự áp lực bạn bè bằng cách: ․․․․․

Nếu bạn bè cố gây áp lực để mình làm điều sai trái, mình sẽ ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Bốn bước được đề cập ở chương này có thể giúp ích cho bạn trong những trường hợp nào?

● Chuyện gì xảy ra nếu bạn nhượng bộ trước áp lực bạn bè?

● Bạn có thể kháng cự áp lực bạn bè bằng cách nào?

[Câu nổi bật nơi trang 131]

“Nhiều bạn biết mình là Nhân Chứng nên họ tôn trọng mình. Nếu sắp nói về chuyện vô luân thì họ sẽ bảo: ‘Mike, nếu không muốn nghe điều tụi này nói thì đi chỗ khác đi’”.—Mike

[Biểu đồ nơi trang 132, 133]

Trắc nghiệm

Kế hoạch kháng cự áp lực

Mẫu

1 Lường trước

Áp lực nào? Hút thuốc.

Có thể mình sẽ gặp áp lực này ở đâu? Phòng vệ sinh.

2 Suy nghĩ

Chuyện gì xảy ra nếu mình nhượng bộ?

Mình sẽ làm buồn lòng Đức Giê-hô-va và ba mẹ. Lương tâm mình sẽ bị cắn rứt. Lần tới mình sẽ khó từ chối hơn.

Chuyện gì xảy ra nếu mình kháng cự?

Có thể mình sẽ bị chọc, bị đặt biệt danh, thậm chí một số bạn còn xa lánh mình. Nhưng Đức Giê-hô-va sẽ vui lòng, và mình trở thành người mạnh mẽ hơn.

3 Quyết định

Nếu mình nhượng bộ thì đó là vì

mình chưa chuẩn bị kỹ để đối mặt với áp lực bạn bè. Mình xem trọng việc được bạn bè chấp nhận hơn là Đức Giê-hô-va.

Mình sẽ kháng cự vì

biết rằng nếu mình hút thuốc thì Đức Giê-hô-va sẽ buồn lòng, và thuốc lá cũng gây hại cho sức khỏe.

4 Hành động

Mình sẽ

từ chối và bỏ đi.

Lời chế giễu của bạn bè

Nếu một bạn nói:“Thôi mà, hút một điếu đi. Hay không dám?”.

Mình có thể đối phó với áp lực bằng cách:

Thừa nhận

“Ừ. Mình không dám hút thuốc. Mình không muốn bị ung thư phổi”.

Đẩy lùi

“Có đưa thuốc lá cho mình cũng như không”.

Lật ngược tình thế

“Không. Mình tưởng là bạn biết tác hại của thuốc lá!”.

LƯU Ý:Hãy rời nơi đó thật nhanh nếu bạn bè tiếp tục gây áp lực cho bạn. Càng nán lại, bạn càng có nguy cơ trở thành con rối của họ. Bây giờ, hãy điền vào phiếu kế hoạch của bạn ở trang bên.

Kế hoạch kháng cự áp lực

Làm theo mẫu này!

1 Lường trước

Áp lực nào? ․․․․․

Có thể mình sẽ gặp áp lực này ở đâu? ․․․․․

2 Suy nghĩ

Chuyện gì xảy ra nếu mình nhượng bộ?

․․․․․

Chuyện gì xảy ra nếu mình kháng cự?

․․․․․

3 Quyết định

Nếu mình nhượng bộ thì đó là vì...

․․․․․

Mình sẽ kháng cự vì...

․․․․․

4 Hành động

․․․․․

Mình sẽ...

․․․․․

Lời chế giễu của bạn bè

Nếu một bạn nói: ․․․․․

Mình có thể đối phó với áp lực bằng cách:

Thừa nhận

․․․․․

Đẩy lùi

․․․․․

Lật ngược tình thế

․․․․․

Thực tập các câu trả lời của bạn với cha mẹ hoặc một người bạn thành thục.

[Hình nơi trang 135]

Nếu nhượng bộ trước áp lực bạn bè, bạn sẽ trở thành con rối của họ