Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao đương đầu với áp lực của bạn bè?

Làm sao đương đầu với áp lực của bạn bè?

Chương 9

Làm sao đương đầu với áp lực của bạn bè?

Ở TUỔI 14, Khanh đã nghiện ma túy nặng và thường xuyên có quan hệ tình dục. Còn Giáp, khi 17 tuổi, đã luôn say sưa và hoang đàng. Cả hai đều thú nhận rằng họ thật sự không thích lối sống đó cũng như những chuyện họ đã làm. Vậy, tại sao họ lại làm những điều đó? Đó là vì áp lực bạn bè!

Khanh giải thích: “Tất cả bạn bè tôi đều làm thế, và điều đó ảnh hưởng nhiều đến tôi”. Giáp đồng tình: “Tôi không muốn mất bạn bè bằng cách tỏ ra khác chúng”.

Tại sao các bạn trẻ thường hay bắt chước bạn bè?

Khi một số thanh thiếu niên lớn lên, ảnh hưởng của cha mẹ trên họ ngày một giảm dần, trong khi ước muốn được bạn bè chấp nhận và ưa chuộng lại ngày càng gia tăng. Một số khác cảm thấy cần phải tâm sự với người biết “thông cảm” hoặc có thể khiến họ cảm thấy được yêu mến hay cần thiết. Khi cứ thiếu sự trò chuyện như thế ở gia đình, chúng tìm đến bạn bè. Sự thiếu tự tin và thiếu tin cậy cũng là nguyên nhân khiến các bạn trẻ dễ bị bạn bè ảnh hưởng.

Ảnh hưởng của bạn bè không nhất thiết là xấu. Một câu châm ngôn nói: “Sắt mài nhọn sắt. Cũng vậy người bổ-dưỡng diện-mạo bạn-hữu mình”. (Châm-ngôn 27:17) Như một con dao sắt có thể mài bén một lưỡi dao cùn, bạn bè cũng có thể “mài” sắc nhân cách bạn và giúp bạn trở thành một người tốt hơn, nếu những người bạn ấy có thái độ thành thục và lành mạnh.

Nhưng điều đáng buồn là phần lớn các bạn trẻ thường thiếu sự thành thục, cả về tinh thần lẫn thiêng liêng. Nhiều thanh thiếu niên có quan điểm không đúng đắn, không đáng tin cậy và còn liều lĩnh nữa. Vì thế, nếu một người trẻ hoàn toàn để bạn bè điều khiển, thì người ấy chẳng khác nào một người mù lại phó mình vào tay kẻ mù. (So sánh Ma-thi-ơ 15:14). Hậu quả có thể rất tai hại.

Ngay dù bạn bè không xui giục bạn làm những điều vô đạo đức, chúng vẫn có thể gây một áp lực nặng nề cho bạn. Diễm nói: “Tôi rất muốn được những đứa trẻ khác chấp nhận. Khi 18 tuổi, tôi rất sợ bị người khác không ưa vì như thế sẽ chẳng ai rủ tôi đi chơi. Tôi sợ bị cô lập”. Vì thế, Diễm đã hết sức cố gắng để được lòng bạn bè.

Tôi có đang bị bạn bè ảnh hưởng không?

Bạn có bắt đầu ăn mặc, nói năng, hay cư xử theo một cách nào đó để được chấp nhận không? Sương, 17 tuổi, nói: “Không đứa trẻ nào có thể thật sự bắt bạn làm những chuyện bạn không muốn”. Đúng vậy, tuy nhiên áp lực bạn bè có thể tinh vi đến nỗi bạn không nhận thức được mức độ ảnh hưởng của nó. Chẳng hạn, hãy xem xét trường hợp của sứ đồ Phi-e-rơ. Ông là một người can đảm, có đức tin vững chắc, và là một rường cột của hội thánh tín đồ Đấng Christ. Đức Chúa Trời tỏ cho ông biết rằng người từ mọi nước, mọi dân tộc đều có thể hưởng được ân huệ của Ngài. Vì thế, Phi-e-rơ đã giúp những người ngoại tin đạo đầu tiên trở thành tín đồ Đấng Christ.—Công-vụ 10:28.

Tuy nhiên, sau này Phi-e-rơ đến thành An-ti-ốt, nơi có nhiều người không thuộc gốc Do Thái trở thành tín đồ Đấng Christ. Ông đã thường kết hợp với những người ngoại tin đạo này. Một ngày kia, một số tín đồ Đấng Christ gốc Do Thái, vẫn còn mang nặng thành kiến kỳ thị người không thuộc gốc Do Thái, từ thành Giê-ru-sa-lem đến thành An-ti-ốt. Phi-e-rơ đã xử sự ra sao trước sự hiện diện của những người bạn gốc Do Thái này?

Phi-e-rơ tách mình ra khỏi những tín đồ Đấng Christ gốc Dân Ngoại, không ăn chung với họ nữa! Tại sao? Hình như ông sợ làm mất lòng các bạn mình. Có lẽ ông đã lý luận: “Ta chỉ uyển chuyển một chút trong khi họ còn ở đây, rồi sẽ tiếp tục ăn chung với những anh em người ngoại khi họ đã đi khỏi. Sao lại để chuyện nhỏ nhặt này làm hỏng đi mối quan hệ tốt đẹp của ta với họ?” Như vậy, Phi-e-rơ đã giả hình. Ông từ bỏ những nguyên tắc của chính bản thân mình và làm những điều mà ông không thật sự nghĩ là đúng. (Ga-la-ti 2:11-14) Vậy, rõ ràng không ai tránh khỏi áp lực bạn bè.

Tôi nên phản ứng thế nào?

Vì thế, nói: ‘Tôi không sợ những gì người khác nghĩ!’ thì dễ, nhưng giữ vững lập trường này trước áp lực bạn bè là một chuyện khác hẳn. Chẳng hạn, bạn sẽ làm gì trong những tình huống sau:

Một đứa bạn học đưa cho bạn một điếu thuốc trước mặt nhiều đứa trẻ khác. Bạn biết hút thuốc là sai. Nhưng tất cả bọn chúng đều đang nhìn xem bạn sẽ làm gì...

Mấy đứa con gái trong trường đang nói chuyện về quan hệ tình dục của chúng với bạn trai. Một đứa hỏi bạn: “Bộ mày vẫn còn trinh hả?”

Bạn muốn mặc cái áo đầm giống những đứa con gái khác, nhưng mẹ bạn nói nó ngắn quá. Chiếc áo đầm bà muốn bạn mặc khiến bạn trông giống một đứa bé lên sáu. Bạn bè trong trường chế giễu bạn. Một đứa nói: “Sao mày không để dành tiền túi mà mua một cái áo mốt hơn? Mày không cần phải cho mẹ mày biết. Cứ cất quần áo mặc đi học ở trong tủ khóa của trường ấy”.

Đó có phải là những tình huống dễ đối phó không? Không, nhưng nếu bạn ngại từ chối bạn bè, thì bạn sẽ phải từ chối chính mình, các tiêu chuẩn của mình, và cha mẹ mình. Làm thế nào bạn có thể có đủ nghị lực để đứng vững trước áp lực của bạn bè?

“Khả năng suy luận”

Bình bắt đầu hút thuốc khi cô 15 tuổi, không phải vì cô thích nhưng vì mọi đứa bạn khác đều làm thế. Cô kể lại: “Sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ: ‘Mình không thích hút thuốc sao mình lại hút?’ Và thế là tôi không hút thuốc nữa”. Bằng cách tự quyết định cho mình, cô đã có thể chống lại áp lực của bạn bè!

Chính vì thế, Kinh Thánh khuyến khích những người trẻ hãy phát triển “sự hiểu biết và khả năng suy luận”. (Châm-ngôn 1:1-5, NW) Một người có khả năng suy luận không cần phải dựa vào sự hướng dẫn của những người bạn thiếu kinh nghiệm. Đồng thời, người đó cũng không trở nên quá tự tin và bỏ qua ý kiến của người khác. (Châm-ngôn 14:16) Người đó sẽ sẵn lòng “nghe lời khuyên-dạy và tiếp-nhận sự giáo-hối [“sửa trị”, NW]” để “được khôn-ngoan”.—Châm-ngôn 19:20.

Tuy nhiên, đừng ngạc nhiên nếu bạn bị ghét hay bị chế giễu vì đã sử dụng khả năng suy luận của mình. Châm-ngôn 14:17 (NW) nói: “Người có khả năng suy nghĩ thì bị ghét”. Thật ra, ai là người có nghị lực hơn, kẻ buông mình theo những ham muốn và cảm xúc của bản thân hay người có thể khước từ những dục vọng không chính đáng? (So sánh Châm-ngôn 16:32). Những người hay chế giễu bạn đang đi về đâu? Có phải bạn cũng muốn đời sống bạn trở nên giống như vậy? Biết đâu họ chế giễu bạn chỉ vì ghen tị với bạn và cố che đậy sự thiếu tự tin của chính họ?

Thoát khỏi bẫy

Châm-ngôn 29:25 nói: “Sự sợ loài người gài bẫy”. Vào thời Kinh Thánh, một cái bẫy có thể nhanh như cắt chụp lấy con thú ngây ngô đến ăn mồi. Ngày nay, việc mong muốn được bạn bè chấp nhận cũng có thể là một miếng mồi. Nó có thể lừa bạn vào bẫy vi phạm tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Vậy, làm thế nào bạn có thể thoát hay tránh được cái bẫy của sự sợ loài người?

Trước hết, hãy khéo chọn bạn bè! (Châm-ngôn 13:20) Hãy kết bạn với những người giữ theo tiêu chuẩn của tín đồ Đấng Christ. Dĩ nhiên, như thế bạn sẽ không có nhiều bạn bè. Như một thiếu niên nói: “Vì tôi không có cùng lối suy nghĩ với những thiếu niên khác ở trường về ma túy và tình dục, nên bọn họ nhanh chóng tẩy chay tôi. Mặc dù điều này giúp tôi tránh phải đương đầu với áp lực của bạn bè nhưng nó cũng khiến tôi cảm thấy phần nào lẻ loi”. Tuy nhiên, thà phải cảm thấy lẻ loi phần nào còn hơn để áp lực của bạn bè kéo bạn xuống dốc về thiêng liêng và đạo đức. Kết hợp với những người trong gia đình và trong hội thánh tín đồ Đấng Christ có thể giúp khỏa lấp sự cô đơn đó.

Vâng lời cha mẹ cũng sẽ giúp bạn chống lại áp lực của bạn bè. (Châm-ngôn 23:22) Chắc hẳn cha mẹ đang cố gắng rất nhiều để dạy bạn những tiêu chuẩn đúng đắn. Một cô gái trẻ nói: “Cha mẹ tôi rất nghiêm đối với tôi. Đôi khi tôi không thích điều đó, nhưng tôi mừng vì họ đã cứng rắn và đã giới hạn bạn bè của tôi”. Nhờ có sự giúp đỡ của cha mẹ, cô đã thoát được áp lực đẩy cô tới chỗ dùng ma túy và có quan hệ tình dục.

Beth Winship, nhà cố vấn cho thanh thiếu niên, nhận xét thêm: “Các thiếu niên có tài về một mặt nào đó thường tự nhiên đánh giá cao về bản thân và không cần bạn bè chấp nhận mới có lòng tự trọng”. Vậy, sao bạn không nỗ lực chu toàn mọi việc tại trường và tại nhà một cách khéo léo? Trong thánh chức đạo Đấng Christ, các Nhân Chứng ­Giê-hô-va trẻ tuổi đặc biệt phấn đấu để trở thành những “người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”.—2 Ti-mô-thê 2:15.

Sau khi cảnh giác về cái “bẫy” của sự sợ loài người, Châm-ngôn 29:25 nói tiếp: “Ai nhờ-cậy Đức ­Giê-hô-va được yên-ổn vô-sự”. Trên tất cả mọi sự, một mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời sẽ thêm sức cho bạn kháng cự lại áp lực của bạn bè. Chẳng hạn như Diễm (được nhắc đến ở trên) đã theo bạn bè một thời gian, say sưa, nghiện ngập. Nhưng rồi, cô bắt đầu học hỏi Kinh Thánh nghiêm túc và bắt đầu tin cậy vào Đức ­Giê-hô-va. Kết quả là gì? Diễm nói: “Tôi quyết định dứt khoát không tiếp tục bắt chước lũ bạn cũ”. Cô đã nói với các bạn bè cũ của mình: “Đường ai nấy đi. Nếu muốn tiếp tục làm bạn, thì các bạn cũng phải tôn trọng cùng những tiêu chuẩn như tôi. Các bạn có nghĩ sao đi nữa tôi cũng không cần biết. Đó là điều tôi sẽ làm”. Không phải tất cả bạn bè của Diễm đều tôn trọng niềm tin mới của cô. Nhưng Diễm nói: “Tôi thật sự hài lòng với chính mình nhiều hơn sau khi quyết định như thế”.

Bạn cũng sẽ ‘hài lòng với chính mình nhiều hơn’ và tránh được nhiều đau khổ nếu bạn thoát khỏi cái bẫy áp lực của bạn bè!

Câu hỏi để thảo luận

◻ Tại sao các thanh thiếu niên thường dễ bị bạn bè ảnh hưởng? Điều này có nhất thiết là xấu không?

◻ Kinh nghiệm của sứ đồ Phi-e-rơ dạy chúng ta điều gì về áp lực của bạn bè?

◻ Những tình huống nào (kể cả những kinh nghiệm cá nhân) có thể thử thách sự can đảm dám từ chối của bạn?

◻ Bạn nên xem xét những điều gì khi bị thách thức?

◻ Những điều gì có thể giúp bạn thoát khỏi cái bẫy của sự sợ loài người?

[Câu nổi bật nơi trang 74]

Diễm nói: “Tôi rất muốn được những đứa trẻ khác chấp nhận... Tôi rất sợ bị người khác không ưa... Tôi sợ bị cô lập”

[Khung nơi trang 75]

‘Thách mi dám làm!’

Bạn cùng lớp của Linh giục: “Đi đi. Nói với cô giáo là miệng cô hôi lắm!” Không, đây không phải là vấn đề vệ sinh răng miệng. Linh đang bị thách thức—một thách thức khá nguy hiểm! Đúng thế, một số thanh thiếu niên dường như thích thú việc thách thức những đứa trẻ khác làm từ những trò đùa tinh nghịch đến những hành động không khác gì tự sát!

Nếu bạn bị thách thức làm một việc điên rồ, không tốt, hay thật sự nguy hiểm, hãy suy nghĩ thật kỹ. Một người khôn ngoan từng nói: “Con ruồi chết làm cho thúi dầu thơm của thợ hòa-hương; cũng vậy, một chút điên-dại làm nhẹ danh một người khôn-ngoan sang-trọng”. (Truyền-đạo 10:1) Vào thời xưa, một lọ dầu thơm quí giá có thể bị một vật nhỏ bé như một con ruồi chết làm hư đi. Tương tự, danh tiếng mà một người đã dày công gầy dựng cũng có thể bị tiêu tan bởi chỉ “một chút điên-dại”.

Những trò dại dột thường dẫn đến việc bị điểm thấp, bị đuổi học, hay ngay cả bị bắt! Nhưng nói gì nếu bạn không bị bắt quả tang? Hãy tự hỏi: Điều mà bạn bè xúi giục mình làm có hợp lý chăng? Nó có thể hiện tình yêu thương không? Nó có vi phạm tiêu chuẩn Kinh Thánh hay những sự dạy dỗ của cha mẹ tôi không? Nếu có, thì tôi có muốn để cho những đứa bạn hay nghịch ngợm điều khiển cuộc sống của mình không? Những đứa muốn tôi liều mạng và làm mất danh tiếng mình có phải là bạn tốt không?—Châm-ngôn 18:24.

Rồi, hãy cố lý luận với đứa bạn đưa ra lời thách thức. Tường, 18 tuổi, thích làm bạn bè “cụt hứng” bằng cách hỏi: ‘Tại sao tôi phải làm thế? Tôi chứng tỏ được gì khi làm thế?’ Cũng hãy cho mọi người biết là bạn có những tiêu chuẩn nhất định trong cuộc sống. Một cô gái đã cố khiêu khích một cậu trai để làm tình bằng cách nói: “Anh không biết anh đang bỏ lỡ một cái gì”. Cậu trai đáp: “Có chứ, tôi biết: bệnh mụn giộp, bệnh lậu, bệnh giang mai...”

Đúng vậy, bằng cách can đảm từ chối bạn bè, bạn có thể tránh được nhiều điều đáng tiếc sau này!

[Hình nơi trang 76]

Các thanh thiếu niên thường gắn bó với nhau để tìm sự ủng hộ

[Hình nơi trang 77]

Bạn đã bao giờ bị bạn bè ép mình phải làm trái với những điều mình biết là đúng chưa?

[Hình nơi trang 78]

Hãy có nghị lực đương đầu với áp lực của bạn bè!