Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao tôi tìm được bạn tốt?

Làm sao tôi tìm được bạn tốt?

Chương 8

Làm sao tôi tìm được bạn tốt?

MỘT bạn trẻ tên Nam than thở: “Tôi đã học ở đây tám năm rồi nhưng vẫn chưa tìm được một người bạn nào! Không một người”. Có thể đôi khi bạn cũng cảm thấy mình không thành công trong việc kết bạn. Nhưng thế nào là một người bạn tốt? Và đâu là bí quyết để tìm được những người bạn như thế?

Một câu châm ngôn nói: “Bạn hữu mà lúc nào cũng yêu thương, trong cơn cùng khốn trở thành anh em”. (Châm-ngôn 17:17, Trịnh Văn Căn) Vậy, bạn hữu không chỉ đơn thuần là nơi thổ lộ tâm sự. Một phụ nữ trẻ tên Mai nói: “Đôi khi những người mình xem là bạn chỉ đứng nhìn mình gặp rắc rối rồi sau đó nói: ‘Tôi đã thấy trước thế nào bạn cũng gặp rắc rối nhưng tôi ngại không dám nói’. Nhưng một người bạn tốt sẽ cố gắng cảnh giác bạn lúc thấy bạn lầm lạc trước khi quá trễ, dù biết rằng bạn có thể không thích những gì cô ta nói”.

Bạn có vì tự ái mà bỏ một người bạn khi người đó nói thật vì quan tâm đến bạn không? Châm-ngôn 27:6 nói: “Bạn-hữu làm cho thương-tích, ấy bởi lòng thành-tín; còn sự hôn-hít của kẻ ghen-ghét lấy làm giả-ngụy”. Vậy, hãy chọn kết bạn với người chín chắn và ăn nói ngay thật.

Bạn bè giả và bạn bè chân thật

Phi Anh, 23 tuổi, nói: “Cuộc đời tôi là một bằng chứng cho thấy không phải tất cả ‘bạn bè’ đều có ảnh hưởng tốt”. Khi ở tuổi thiếu niên, Phi Anh buộc phải rời gia đình. Tuy nhiên, cô được kết bạn với hai Nhân Chứng ­Giê-hô-va là anh Bình và vợ anh, chị Liên. Họ bắt đầu học hỏi Kinh Thánh với Phi Anh. Cô nói: “Những tháng ngày tôi quen biết với họ thật vui vẻ, thỏa lòng và bình an”. Nhưng rồi, cô đi theo một số thanh thiếu niên cô đã gặp trước đây, bỏ anh Bình và chị Liên.

Cô kể thêm: “Tôi học được nhiều thứ từ những ‘bạn bè’ mới này—ăn cắp máy hát, rút tiền bằng ngân phiếu giả, hút cần sa, và cuối cùng là học cách để thỏa mãn ‘liều’ ma túy 200 Mỹ kim mỗi ngày của mình”. Lúc 18 tuổi, cô gặp một thanh niên tên Rậu cung cấp ma túy miễn phí cho cô. Cô nghĩ: “Mọi khó khăn của mình thế là đã qua. Mình sẽ không bao giờ phải đi ăn cắp và lường gạt nữa”. Tuy nhiên, Rậu đã dẫn cô vào con đường mãi dâm. Cuối cùng, Phi Anh đã phải trốn khỏi nơi cô sống cùng lối sống trác táng của đám “bạn bè” cô.

Tại chỗ ở mới, một ngày nọ cô được hai chị Nhân Chứng ­Giê-hô-va đến thăm. Phi Anh thuật lại: “Hai chị ấy thật ngỡ ngàng khi tôi ôm chầm lấy họ và khóc vì sung sướng. Tôi ngày càng khinh bỉ sự giả dối của đám ‘bạn bè’ cũ của tôi, còn đây mới là những người bạn chân thật”. Phi Anh học Kinh Thánh trở lại.

Tuy nhiên, việc thay đổi đời sống theo đường lối Đức Chúa Trời không dễ dàng với cô. Khó khăn nhất là việc bỏ hút thuốc. Tuy vậy, một người bạn Nhân Chứng khuyên: “Thay vì cầu xin sự tha thứ sau mỗi lần thất bại, sao em không cầu xin trước cho có thêm sức mạnh mỗi khi thấy thèm hút thuốc?” Phi Anh nói: “Lời khuyên ân cần và thực tiễn này đã giúp tôi vượt qua được... Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi cảm thấy mình có lương tâm trong sạch và hiểu được thế nào là lòng tự trọng”.

Kinh nghiệm của Phi Anh cho thấy rõ lẽ thật trong Kinh Thánh ở Châm-ngôn 13:20: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”. Phi Anh nói: “Nếu tôi chỉ kết bạn với những người yêu mến Đức Chúa Trời thì tôi đã tránh được những kỷ niệm buồn”.

Tìm bạn

Bạn có thể tìm những người bạn yêu mến Đức Chúa Trời ở đâu? Trong vòng hội thánh tín đồ Đấng Christ. Hãy tìm kiếm những bạn trẻ không chỉ nói mình có đức tin mà còn chứng tỏ đức tin và sự dâng mình của họ bằng hành động. (So sánh Gia-cơ 2:26). Nếu khó tìm những người trẻ như thế, hãy làm quen với những tín đồ Đấng Christ lớn tuổi hơn bạn. Tuổi tác không phải là một trở ngại cho tình bạn. Kinh Thánh tường thuật lại tình bạn mẫu mực giữa Đa-vít và Giô-na-than, mặc dù Giô-na-than đáng tuổi cha của Đa-vít!—1 Sa-mu-ên 18:1.

Nhưng, làm thế nào để khởi đầu một tình bạn?

Hãy tích cực quan tâm đến người khác

Chúa ­Giê-su Christ đã xây dựng được tình bạn bền vững đến độ bạn bè của ngài sẵn sàng chết vì ngài. Tại sao? Trước hết là vì Chúa ­Giê-su quan tâm đến người khác. Ngài chủ động giúp đỡ họ. (Ma-thi-ơ 8:3) Đúng vậy, tỏ sự quan tâm đến người khác là bước đầu để tiến tới việc kết bạn.

Chẳng hạn, một thanh niên tên Đại nói anh đã thành công trong việc kết bạn vì anh “thật sự yêu thương và tích cực quan tâm đến người khác”. Anh nói thêm: “Một trong những điều quan trọng nhất là biết tên của người đó. Việc bạn nhớ tên của họ chứng tỏ bạn có quan tâm đến họ và điều này thường gây được ấn tượng tốt. Vì lý do này có thể họ sẽ sẵn lòng chia sẻ với bạn một kinh nghiệm hay một vấn đề nào đó và thế là tình bạn bắt đầu”.

Điều này không có nghĩa là bạn phải là một người giỏi ngoại giao gặp ai cũng cười nói xởi lởi. Chúa ­Giê-su là một người “khiêm-nhường”, không màu mè kiểu cách. (Ma-thi-ơ 11:28, 29) Chính sự quan tâm thật sự đến người khác thu hút họ đến với bạn. Thường những việc nhỏ nhặt như cùng dùng bữa với nhau, hay giúp làm một việc gì, cũng có thể thắt chặt thêm tình bạn.

“Cách các ngươi nghe”

­Giê-su khuyên: “Hãy coi chừng về cách các ngươi nghe”. (Lu-ca 8:18) Mặc dù ở đây Chúa ­Giê-su có ý nói đến tầm quan trọng của việc lắng nghe Lời Đức Chúa Trời, nhưng nguyên tắc này cũng có thể áp dụng để phát triển các mối quan hệ. Biết lắng nghe là điều thiết yếu trong việc xây dựng tình bạn.

Nếu thật sự chú ý đến những điều người khác nói thường chúng ta sẽ thu hút được họ. Điều này đòi hỏi chúng ta “chớ chăm về lợi riêng mình [có lẽ về những gì mình muốn nói], nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”.—Phi-líp 2:4.

Hãy trung thành

Chúa ­Giê-su gắn bó với bạn hữu ngài. Ngài “yêu” họ “cho đến cuối-cùng”. (Giăng 13:1) Một thanh niên tên Giang cũng đối xử với bạn mình cách tương tự. Anh nói: “Đức tính chính của một người bạn là sự trung thành. Người đó có còn thật sự gắn bó với bạn khi bạn gặp khó khăn không? Tôi và bạn tôi sẽ bảo vệ nhau khi có người nói xấu chúng tôi. Chúng tôi bênh vực nhau—nhưng dĩ nhiên chỉ khi chúng tôi làm điều phải”.

Ngược lại, bạn bè giả đâm chọt nhau sau lưng. Châm-ngôn 18:24 (Nguyễn Thế Thuấn) nói: “Có (loại) bạn đưa đến đổ vỡ”. Liệu bạn sẽ làm ‘đổ vỡ’ danh dự của bạn mình qua các cuộc chuyện trò ngồi lê đôi mách, hay sẽ trung thành bênh vực người ấy?

Hãy chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Chúa ­Giê-su khiến người khác yêu mến ngài hơn bằng cách chia sẻ với họ những cảm nghĩ sâu kín nhất của ngài. Đôi khi ngài cho thấy ngài “động lòng thương-xót”, “yêu”, hay “buồn-bực”. Ít nhất ngài đã một lần “khóc”. Chúa ­Giê-su không e ngại tâm sự hết nỗi lòng với những người ngài tin cậy.—Ma-thi-ơ 9:36; 26:38; Mác 10:21; Giăng 11:35.

Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên thổ lộ mọi cảm xúc của mình với bất cứ người nào bạn gặp! Nhưng bạn có thể thành thật với mọi người. Và một khi đã biết rõ và tin tưởng một người, bạn có thể từ từ thổ lộ với người đó những cảm nghĩ sâu kín nhất của mình. Đồng thời, tập “thông cảm” với người khác cũng là điều cần thiết để có được một tình bạn đầy ý nghĩa.—1 Phi-e-rơ 3:8, Tòa Tổng Giám Mục.

Đừng trông đợi sự hoàn hảo

Dù một tình bạn có khởi đầu tốt đẹp biết mấy đi nữa cũng đừng trông đợi sự hoàn hảo. “Chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp-phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn-vẹn”. (Gia-cơ 3:2) Hơn nữa, tình bạn đòi hỏi thời gian và tình cảm. Một thanh niên tên Phát nói: “Mình phải sẵn lòng cho đi. Đó là điều trọng yếu trong tình bạn. Mỗi người có quan niệm riêng của mình, nhưng ta cũng phải sẵn sàng nhường nhịn cũng như chấp nhận ý kiến và cảm nghĩ của người bạn mình”.

Tuy nhiên, cái giá để được tình bạn không nghĩa lý gì so với cái giá của sự thiếu yêu thương—đó là một cuộc sống cô đơn trống trải. Vậy hãy tập kết bạn. (So sánh Lu-ca 16:9). Hãy dành thời gian cho bạn mình. Hãy lắng nghe và tỏ sự quan tâm thật sự đến người khác. Như Chúa ­Giê-su, bạn cũng có thể nói với nhiều người: “Các ngươi là bạn-hữu ta”.—Giăng 15:14.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Làm thế nào để nhận biết một người bạn chân thật? Những loại bạn nào là bạn giả?

◻ Bạn có thể tìm bạn ở đâu? Họ có nhất thiết phải cùng lứa tuổi với bạn không?

◻ Bạn nên làm gì khi một người bạn gặp khó khăn nghiêm trọng?

◻ Bốn cách giúp kết bạn là gì?

[Câu nổi bật nơi trang 66]

“Tôi học được nhiều thứ từ những ‘bạn bè’ mới này—ăn cắp máy hát, rút tiền bằng ngân phiếu giả, hút cần sa, và cuối cùng là học cách để thỏa mãn ‘liều’ ma túy 200 Mỹ kim mỗi ngày của mình”

[Khung nơi trang 68, 69]

Tôi có nên báo về việc của bạn tôi không?

Nếu biết bạn mình đang tập tành hút sách, tình dục, lừa gạt, hay trộm cướp, liệu bạn có đi báo việc đó cho người có trách nhiệm không? Phần đông sẽ không làm thế, giữ đúng luật im lặng đặc thù phổ biến trong giới trẻ.

Một số sợ mang tiếng là “kẻ tọc mạch”. Những người khác thì đặt sự trung thành sai chỗ. Vì xem sự sửa trị như một sự thiệt hại, nên họ tưởng rằng giấu giếm vấn đề của bạn mình là làm điều tốt cho bạn. Ngoài ra, nếu không tuân thủ luật im lặng, họ có thể bị bạn bè chế giễu và loại trừ.

Tuy nhiên, khi một thanh niên tên Lý biết rằng người bạn thân nhất của anh là Can hút thuốc, anh quyết định hành động. Lý nói: “Lương tâm tôi rất cắn rứt vì tôi biết rằng mình phải báo cho ai đó biết!” Một thanh niên vào thời Kinh Thánh cũng đã gặp phải hoàn cảnh tương tự. “Giô-sép, tuổi mười bảy, chăn chiên với các anh mình... Giô-sép thuật lại với cha các chuyện xấu của họ nói”. (Sáng-thế Ký 37:2) Giô-sép biết rằng nếu mình giữ im lặng, tình trạng thiêng liêng của các anh sẽ bị nguy hại.

Tội lỗi là một ảnh hưởng tai hại làm hư hỏng con người. Nếu một người bạn lầm lỗi không nhận được sự giúp đỡ, có lẽ là dưới hình thức sửa trị cương quyết dựa trên Kinh Thánh, thì anh ta hay cô ta có thể sẽ còn lún sâu hơn trong tội lỗi. (Truyền-đạo 8:11) Do đó, che giấu việc làm sai quấy của một người bạn không những không tốt mà còn có thể gây hại vô phương cứu chữa.

Vì thế, Kinh Thánh khuyên: “Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình-cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh-linh [“khả năng thiêng liêng”, “NW”], hãy lấy lòng mềm-mại mà sửa họ lại”. (Ga-la-ti 6:1) Bạn có thể nghĩ rằng bạn không có khả năng thiêng liêng để sửa một người bạn lầm lỗi. Nhưng chẳng phải là khôn ngoan hay sao nếu cho người có đủ điều kiện biết chuyện để giúp?

Do đó, hãy nói rõ cho bạn mình thấy lỗi lầm của họ. (So sánh Ma-thi-ơ 18:15). Điều này đòi hỏi bạn phải có can đảm và dạn dĩ. Hãy tỏ ra cương quyết, đưa ra những bằng chứng thuyết phục về lỗi lầm của bạn mình, nói rõ những điều bạn biết, và làm sao bạn biết được những điều đó. (So sánh Giăng 16:8). Đừng hứa là bạn sẽ không nói việc đó với ai, vì lời hứa như thế không có giá trị trước mắt Đức Chúa Trời là Đấng lên án việc che giấu những sự sai quấy.—Châm-ngôn 28:13.

Cũng có thể đã có một sự hiểu lầm nào đó. (Châm-ngôn 18:13) Còn nếu quả thật bạn của bạn đã làm điều xấu, có lẽ người đó sẽ thấy nhẹ nhõm hơn khi nói ra được vấn đề. Vậy, hãy biết lắng nghe. (Gia-cơ 1:19) Đừng bóp nghẹt dòng tâm sự của bạn mình bằng những lời lẽ đoán xét như: “Lý ra bạn không nên làm như vậy!” hay bằng những lời đầy kinh ngạc như: “Sao bạn lại làm thế chứ!” Hãy cố gắng thông cảm với bạn mình.—1 Phi-e-rơ 3:8.

Thường thì những hoàn cảnh như thế đòi hỏi một sự giúp đỡ vượt ngoài khả năng bạn. Vì thế, hãy thúc giục người bạn đó thổ lộ vấn đề với cha mẹ hoặc những người lớn khác có trách nhiệm. Nếu người bạn đó từ chối thì sao? Hãy cho bạn đó biết nếu anh ta không chịu nói ra trong một thời hạn hợp lý, thì bạn, với tư cách là một người bạn thật, sẽ buộc phải làm thế thay cho người đó.—Châm-ngôn 17:17.

Lúc đầu, người bạn đó có thể sẽ không hiểu được hành động của bạn. Anh ta có thể bực tức và cắt đứt ngay quan hệ với bạn. Nhưng Lý nói: “Tôi biết mình đã làm đúng khi nói lại với người khác. Lương tâm tôi bớt cắn rứt vì Can đã nhận được sự giúp đỡ cần thiết. Sau đó, Can cho tôi biết anh ấy không giận tôi về việc đã qua và điều này khiến tôi thanh thản”.

Nếu người bạn của bạn vẫn tiếp tục tức giận về hành động can đảm của bạn, thì rõ ràng người đó không phải là một người bạn thật. Còn bạn sẽ được thỏa lòng vì biết rằng mình đã trung thành với Đức Chúa Trời và đã chứng tỏ mình là một người bạn thật.

[Hình nơi trang 67]

Bạn có thấy khó kết bạn không?

[Hình nơi trang 70]

Quan tâm đến người khác là bí quyết bắt đầu một tình bạn