Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao phải nói “không” với ma túy?

Tại sao phải nói “không” với ma túy?

Chương 34

Tại sao phải nói “không” với ma túy?

MINH, một thanh niên 24 tuổi, nói: “Về tình cảm thì tôi vẫn là con nít. Đôi khi những người đồng trang lứa cũng làm tôi sợ hãi và lép vế. Tôi mang tâm trạng buồn chán, bất an, và có khi nghĩ cả đến việc tự tử”.

Ánh, 36 tuổi, miêu tả mình là “rất ngây thơ về mặt tình cảm, ít có lòng tự trọng”. Cô nói thêm: “Tôi thấy rất khó có được cuộc sống bình thường”.

Minh và Ánh đang phải gánh lấy hậu quả của một quyết định thuở thiếu thời của họ, đó là thử dùng ma túy. Hàng triệu thanh thiếu niên ngày nay đang làm thế—chích, nuốt, hít, và hút mọi thứ ma túy từ cô-ca-in đến cần sa. Đối với một số người trẻ, ‘chơi ma túy’ là một cách để tránh né các vấn đề. Những người khác bị dính vào vì tính hiếu kỳ. Cũng có người dùng ma túy để giải sầu hoặc cho đỡ buồn. Và một khi đã bắt đầu, nhiều người tiếp tục dùng nó, đơn thuần để được hưởng cảm giác sảng khoái do nó tạo nên. Chánh, 17 tuổi, nói: “Tôi hút [cần sa] chỉ để hưởng tác dụng của nó. Chẳng phải để có bạn hay vì lý do xã hội nào hết... Tôi chẳng bao giờ hút vì bị áp lực bạn bè, nhưng chỉ vì tôi muốn”.

Dù sao đi nữa, không sớm thì muộn chắc bạn cũng sẽ đối diện hoặc trực tiếp được mời thử ma túy. Một bạn trẻ nói: “Ngay cả những người giữ an ninh ở trường chúng tôi cũng bán cần sa”. Các dụng cụ để hút ma túy được bày bán công khai. Mặc dù ma túy rất phổ biến, bạn có lý do chính đáng để nói “không” với ma túy. Tại sao?

Ma túy cản trở sự phát triển

Hãy xem xét trường hợp của các thanh thiếu niên dùng ma túy để tránh né vấn đề như Minh và Ánh. Như đã nói trong chương trước, tình cảm phát triển là nhờ đương đầu với các thách thức của cuộc sống, ứng xử tốt trước thành công và sống sót qua thất bại. Các thanh thiếu niên dựa vào ma túy để lẩn tránh vấn đề cản trở sự phát triển tình cảm của họ. Họ không phát huy được những kỹ năng cần thiết để đối phó với các vấn đề.

Giống như các kỹ năng khác, khả năng đối phó với vấn đề cũng đòi hỏi sự rèn luyện. Chẳng hạn, bạn đã bao giờ xem một cầu thủ đá banh điêu luyện chơi chưa? Anh ta có thể dùng đầu và chân của mình một cách thật đáng nể! Nhưng làm thế nào người cầu thủ này phát triển được một kỹ năng như thế? Bằng nhiều năm rèn luyện. Anh ta tập đá banh, chạy theo banh, lừa banh, v.v... cho đến khi trở nên điêu luyện.

Phát triển khả năng ứng phó rất giống vậy. Nó đòi hỏi phải có sự rèn luyện—kinh nghiệm! Tuy nhiên, ở Châm-ngôn 1:22 Kinh Thánh nói: “Hỡi kẻ ngu-dốt, các ngươi sẽ mến sự dại-dột cho đến bao giờ... và kẻ dại-dột sẽ ghét sự tri-thức cho đến chừng nào?” Người trẻ nào nấp đằng sau cảm giác phởn phơ do ma túy đem lại là “mến sự dại-dột”; người đó không phát triển sự hiểu biết và kỹ năng ứng phó cần thiết để đương đầu với cuộc sống. Cuốn sách Talking With Your Teenager nói về các thiếu niên dùng ma túy: “Họ không bao giờ học được bài học là người ta có thể vượt qua những giây phút đau khổ của cuộc đời mà không cần đến các chất này”.

Ánh, người đã sử dụng ma túy như một lối thoát, đã thừa nhận: “Trong 14 năm tôi đã không chịu đương đầu với các vấn đề của mình”. Minh biểu lộ ý nghĩ tương tự: “Tôi đã sử dụng ma túy từ lúc 11 tuổi. Khi tôi ngưng, lúc 22 tuổi, tôi cảm thấy mình như một đứa trẻ. Tôi dựa vào người khác để cố tìm sự an toàn. Rồi tôi nhận ra rằng sự phát triển về tình cảm của tôi đã ngừng lại khi tôi bắt đầu dùng ma túy”.

Thành, lạm dụng ma túy từ lúc 13 tuổi, nói thêm: “Tôi đã lãng phí tất cả những năm tháng phát triển đó. Khi tôi ngưng hút xách, tôi đau đớn nhận ra rằng mình hoàn toàn chưa được chuẩn bị để đương đầu với cuộc đời. Tôi trở lại là một đứa bé 13 tuổi với cùng những rối loạn tình cảm mà các thiếu niên khác gặp phải”.

Ma túy có thể hủy hoại sức khỏe của tôi không?

Đây là một khía cạnh khác cần quan tâm. Phần lớn các thanh thiếu niên đều hiểu rằng ma túy hạng nặng có thể giết chết người ta. Thế còn cái gọi là ma túy hạng nhẹ, như cần sa, thì sao? Có phải tất cả những cảnh báo về chúng đều chỉ để dọa người ta? Để trả lời, chúng ta hãy tập trung xem xét cần sa.

Cần sa đã là đề tài của nhiều cuộc tranh cãi sôi nổi giữa các chuyên gia. Và phải thừa nhận là có nhiều điều còn chưa được biết đến về loại thuốc phổ biến này. Thứ nhất là vì cấu tạo chất cần sa cực kỳ phức tạp; một điếu cần sa chứa đựng hơn 400 hợp chất hóa học trong khói của nó. Các bác sĩ phải mất hơn 60 năm mới nhận ra rằng khói thuốc lá gây bệnh ung thư. Tương tự, người ta có thể phải mất nhiều thập kỷ mới biết chắc được 400 hợp chất của cần sa có tác động gì đối với cơ thể con người.

Tuy nhiên, sau khi xem xét hàng ngàn tài liệu nghiên cứu, một nhóm chuyên gia thuộc Học Viện Y Khoa uy tín của Mỹ đã kết luận: “Các bằng chứng khoa học được xuất bản đến nay cho thấy cần sa có nhiều tác động về mặt tâm lý và sinh học, và ít nhất dưới một số điều kiện, một số tác động này có hại cho sức khỏe con người”. Những tác hại này là gì?

Cần sa—Có tác động gì đối với cơ thể của bạn

Chẳng hạn, hãy xem xét buồng phổi. Ngay cả những người hết mực bênh vực cần sa cũng phải thừa nhận rằng hít khói nó vào phổi không thể nào có lợi cho bạn. Khói cần sa giống như khói thuốc, có chứa một số chất độc hại, như cặn thuốc.

Bác sĩ Forest S. Tennant, Jr., đã thực hiện một cuộc thăm dò trên 492 lính Mỹ từng sử dụng cần sa. Gần 25 phần trăm trong số đó “bị đau cổ họng vì hút loại ma túy lấy từ cây gai dầu, và khoảng 6 phần trăm cho biết họ từng bị viêm cuống phổi”. Trong một nghiên cứu khác, 24 trong số 30 người hút cần sa được phát hiện “bị tổn thương cuống phổi mang đặc tính giai đoạn đầu của ung thư”.

Đúng vậy, không ai có thể đoan chắc rằng những tổn thương đó sau này có thật sự phát triển thành ung thư hay không. Nhưng liệu bạn có muốn liều lĩnh thử không? Ngoài ra, Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời “ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài”. (Công-vụ 17:25) Liệu bạn có tỏ sự tôn trọng đối với Đấng ban cho sự sống không nếu bạn cố ý hít vào những thứ có hại cho phổi và cuống họng?

Nơi Truyền-đạo 12:6, bộ óc con người được ví von một cách văn hoa là “chén vàng”. Chỉ lớn hơn nắm tay bạn một tí và chỉ cân nặng khoảng 1,4 kilôgam, bộ óc không chỉ là nơi quí giá chứa đựng bộ nhớ của bạn mà còn là trung tâm điều hành toàn bộ hệ thần kinh của bạn. Hãy ghi nhớ điều đó và lưu ý lời cảnh cáo của Học Viện Y Khoa: “Chúng tôi có thể nói chắc rằng cần sa gây ra nhiều tác động mạnh và nghiêm trọng đối với bộ não, gồm những thay đổi về mặt hóa chất và điện sinh lý học”. Hiện tại, không có bằng chứng xác quyết nào cho thấy cần sa gây ra tác hại vĩnh viễn cho bộ não. Tuy nhiên, chúng ta không nên xem thường khả năng là cần sa, trong một cách nào đó, có thể gây hại cho “chén vàng”.

Và còn viễn cảnh một ngày kia bạn lập gia đình và có con thì sao? Học Viện Y Khoa báo cáo rằng cần sa được biết là “gây khuyết tật cho bào thai khi tiêm một liều lượng lớn cho các thú vật thí nghiệm”. Liệu nó có gây ra cùng hậu quả trên con người hay không là điều còn chưa được chứng minh. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng khuyết tật của bào thai (như trường hợp do hoóc-mon DES gây ra) thường nhiều năm sau mới lộ rõ. Như vậy, tương lai của con—và cháu—của những người hút cần sa còn phải chờ xem. Bác sĩ Gabriel Nahas nói rằng việc hút cần sa có thể được ví như “trò chơi quay số bằng di truyền”. Những ai xem con cái như “cơ-nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra” có nên liều lĩnh chấp nhận những hậu quả đó không?—Thi-thiên 127:3.

Ma túy—Quan điểm của Kinh Thánh

Dĩ nhiên, cần sa chỉ là một trong nhiều loại ma túy phổ biến. Nhưng nó cho thấy rõ là chúng ta có nhiều lý do để tránh dùng các chất thay đổi tinh thần để được sảng khoái. Kinh Thánh nói: “Sức-lực của gã trai trẻ là vinh-hiển của người”. (Châm-ngôn 20:29) Là một người trẻ tuổi, bạn chắc chắn có sức khỏe tốt. Tại sao lại liều lĩnh ném nó đi?

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là chúng ta biết quan điểm Kinh Thánh về vấn đề này. Nó dạy chúng ta “gìn giữ... khả năng suy xét”, chớ hủy hoại nó do lạm dụng hóa chất. (Châm-ngôn 3:21, NW) Kinh Thánh khuyên thêm: “Hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh, lại lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta”. Thật vậy, Đức Chúa Trời chỉ hứa lời sau đây với những ai đã “làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn”, tránh những thực hành như lạm dụng ma túy; Ngài nói: “Ta sẽ tiếp nhận các ngươi: Ta sẽ làm Cha các ngươi”.—2 Cô-rinh-tô 6:17–7:1.

Tuy nhiên, từ chối ma túy có thể là điều không dễ làm.

Bạn bè và áp lực của chúng

Vào một buổi tối mùa hè mát mẻ, Trung và Chánh, là hai anh em họ và cũng là bạn thân, kết ước với nhau. Trung, là người trẻ hơn, đề nghị: “Người khác làm gì mặc kệ, chúng ta không bao giờ đụng tới ma túy”. Hai bạn trẻ bắt tay thề. Chỉ năm năm sau, người ta tìm thấy xác của Trung chết trong xe hơi do một tai nạn có liên quan đến việc dùng ma túy. Còn Chánh thì nghiện ma túy nặng.

Vì sao lại như vậy? Câu trả lời nằm trong lời cảnh cáo khẩn thiết này của Kinh Thánh: “Anh em chớ mắc lừa. Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Cả Trung và Chánh đều chọn nhầm bạn bè. Khi ngày càng trở nên thân thiết hơn với những người dùng ma túy, họ cũng bắt đầu thử dùng ma túy.

Sách Self-Destructive Behavior in Children and Adolescents (Hành vi tự hủy hoại của trẻ em và thiếu niên) nhận xét: “Thiếu niên là nhóm thường được bạn thân giới thiệu hoặc ‘móc nối’ với nhiều loại ma túy khác nhau nhất... Chủ ý của người bạn đó có thể là để chia sẻ kinh nghiệm được hưng phấn, sảng khoái”. Minh, được nói đến lúc đầu, xác nhận điều này: “Áp lực bạn bè là một trong những điều khó đương đầu nhất đối với tôi... Lần đầu tiên tôi hút cần sa là vì mọi đứa trẻ chơi với tôi đều hút, và tôi muốn hòa đồng”.

Nói trắng ra, nếu bạn bè của bạn bắt đầu chơi ma túy, bạn sẽ bị áp lực mạnh về tình cảm phải hòa đồng. Nếu không đổi bạn, chắc rồi cuối cùng bạn cũng sẽ trở thành người chơi ma túy.

“Giao-tiếp với người khôn-ngoan”

Châm-ngôn 13:20 nói: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn hại”. Để minh họa điều này, nếu bạn đang cố gắng tránh bị cảm, chẳng lẽ bạn không tránh tiếp xúc gần gũi với những người đang bị mắc bệnh hay sao? Sách Adolescent Peer Pressure (Áp lực bạn bè ở tuổi thiếu niên) nói: “Tương tự như thế, nếu chúng ta muốn ngừa việc lạm dụng ma túy, chúng ta cần duy trì điều kiện thăng bằng, lành mạnh và giảm tiếp xúc với những ảnh hưởng xấu”.

Bạn có muốn nói “không” với ma túy không? Vậy hãy coi chừng những người mà bạn giao thiệp. Hãy kết bạn với những tín đồ Đấng Christ kính sợ Đức Chúa Trời, là những người sẽ ủng hộ quyết định của bạn không dính vào ma túy. (So sánh 1 Sa-mu-ên 23:15, 16). Cũng hãy lưu ý những lời ghi ở Xuất Ê-díp-tô Ký 23:2. Mặc dù những lời này chủ yếu để dạy những người thề làm chứng đúng, nó cũng là lời khuyên tốt cho những người trẻ: “Ngươi chớ hùa đảng đông đặng làm quấy”.

Người cứ mù quáng làm theo bạn bè thì không khác nào một người nô lệ. Kinh Thánh nói nơi Rô-ma 6:16: “Anh em há chẳng biết rằng nếu anh em đã nộp mình làm tôi-mọi đặng vâng-phục kẻ nào, thì là tôi-mọi của kẻ mình vâng-phục... hay sao?” Đó là lý do tại sao Kinh Thánh khuyến khích các bạn trẻ phát triển “khả năng suy xét”. (Châm-ngôn 2:10-12, NW) Hãy tập suy nghĩ cho bản thân mình, và bạn sẽ không còn muốn theo gót chân những đứa trẻ hư hỏng.

Đành rằng bạn có thể tò mò muốn biết về ma túy và tác động của chúng, nhưng bạn không cần phải làm ô nhiễm tâm trí và thân thể mình để biết tác động của ma túy trên người ta. Hãy quan sát những người dùng ma túy ở tuổi bạn—đặc biệt là những người đã dùng lâu năm. Chúng trông có tỉnh táo và sắc sảo không? Chúng có thường được điểm tốt không? Hay chúng có vẻ đờ đẫn và vô ý, đôi khi thậm chí không biết chuyện gì đang xảy ra xung quanh? Các tay dùng ma túy có đặt ra một từ để miêu tả những kẻ như thế: “thân tàn ma dại”. Tuy nhiên, rất có thể nhiều tay “thân tàn ma dại” đã bắt đầu dùng ma túy chỉ vì tò mò. Vì thế, không lạ gì khi Kinh Thánh khuyên tín đồ Đấng Christ hãy đè nén tính hiếu kỳ không lành mạnh và “về sự gian-ác, thật hãy nên như trẻ con vậy”.—1 Cô-rinh-tô 14:20.

Bạn có thể nói “không”!

Một sách mỏng do Hội Nghiên Cứu Việc Lạm Dụng Ma Túy Quốc Gia Hoa Kỳ nhắc nhở chúng ta: “Từ chối dùng ma túy... là quyền của bạn. Những bạn bè muốn gây áp lực trên quyết định của bạn thật ra đang tước mất quyền tự do cá nhân của bạn”. Bạn có thể làm gì nếu một người nào đó mời bạn dùng ma túy? Hãy can đảm nói “không”! Bạn không nhất thiết phải nói một bài thuyết giáo về tác hại của việc lạm dụng ma túy. Sách mỏng trên đề nghị cách trả lời đơn giản: “Thôi, cám ơn, tôi không muốn hút”, hoặc “Không, tôi không muốn rắc rối”, hay ngay cả đùa: “Tôi không muốn làm ô nhiễm thân xác đâu”. Nếu chúng kèo nài, bạn có thể phải nói “không” một cách cương quyết! Cho người khác biết bạn là một tín đồ Đấng Christ cũng có thể là một sự che chở.

Trưởng thành không phải là điều dễ dàng. Nhưng nếu bạn cố lẩn tránh khó khăn của tuổi trẻ bằng cách sử dụng ma túy, bạn có thể cản trở nghiêm trọng cơ hội để mình lớn lên trở thành một người thành thục, có trách nhiệm. Hãy tập đối phó với các vấn đề. Nếu vấn đề dường như quá lớn, đừng tìm kiếm lối thoát bằng cách dùng hóa chất. Hãy nói chuyện với cha mẹ hoặc một người lớn có trách nhiệm có thể giúp bạn giải quyết vấn đề. Cũng hãy nhớ lời khuyên của Kinh Thánh: “Chớ lo-phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em”.—Phi-líp 4:6, 7.

Vâng, ­Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ cho bạn sức mạnh để nói “không”! Đừng bao giờ để người khác gây áp lực và làm bạn nhụt chí. Minh khuyên: “Đừng thử ma túy. Bạn sẽ đau khổ suốt đời!”

Câu hỏi để thảo luận

◻ Tại sao nhiều thanh thiếu niên dính vào ma túy?

◻ Việc dùng ma túy có thể cản trở sự phát triển tình cảm của bạn ra sao?

◻ Cần sa được biết có ảnh hưởng nào trên cơ thể?

◻ Quan điểm của Kinh Thánh về việc dùng ma túy là gì?

◻ Tại sao việc khéo chọn bạn là quan trọng nếu không muốn bị dính vào ma túy?

◻ Một số cách để nói “không” với ma túy là gì?

[Câu nổi bật nơi trang 274]

“Ngay cả những người giữ an ninh ở trường chúng tôi cũng bán cần sa”, một bạn trẻ nói

[Câu nổi bật nơi trang 279]

“Rồi tôi nhận ra rằng sự phát triển về tình cảm của tôi đã ngừng lại khi tôi bắt đầu dùng ma túy”.—Minh, từng là tay chơi ma túy

[Khung nơi trang 278]

Cần sa—Một loại tân thần dược chăng?

Người ta đã tranh luận sôi nổi về những lời tuyên bố cho rằng cần sa có giá trị điều trị bệnh tăng nhãn áp và bệnh suyễn cũng như làm dịu cảm giác buồn nôn đối với các bệnh nhân ung thư đang trải qua hóa trị. Một báo cáo của Học Viện Y Khoa Hoa Kỳ thừa nhận rằng những lời tuyên bố này có phần đúng. Nhưng phải chăng điều này có nghĩa là tương lai gần đây các bác sĩ sẽ kê toa thuốc lá cần sa cho bệnh nhân?

Chắc là không, vì mặc dù một vài trong số 400 hợp chất hóa học của cần sa có thể có ích, nhưng hút cần sa để lấy những chất này thì quả thật không hợp lý lắm. Tiến sĩ Carlton Turner, một chuyên gia nổi tiếng, nói: “Sử dụng cần sa cũng giống như cho người ta ăn bánh mì mốc để lấy pê-ni-xi-lin”. Vì vậy, nếu quả một hợp chất nào đó của cần sa có thể dùng làm thuốc, thì các bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân dùng những chất “dẫn xuất của cần sa hoặc một chất tương tự như cần sa”, tức các hợp chất có cấu trúc tương tự với nó. Vì thế, không lạ gì khi Bộ Trưởng Y Tế Hoa Kỳ viết: “Cần phải nhấn mạnh rằng khả năng cần sa có thể có lợi trong việc chữa trị không thể bào chữa tác hại lớn của nó đối với sức khỏe”.

[Hình nơi trang 275]

Hãy can đảm nói “không” với ma túy!

[Các hình nơi trang 276, 277]

Lẩn tránh các vấn đề của bạn bằng cách dùng ma túy bây giờ... thì bạn sẽ khó đương đầu với khó khăn khi trưởng thành