Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Uống rượu—Tại sao không?

Uống rượu—Tại sao không?

Chương 33

Uống rượu—Tại sao không?

‘UỐNG rượu có sai không? Nó thật sự có hại không? Hay nó chỉ có hại đối với tôi, còn với người lớn thì không?’ Có lẽ bạn cũng đã từng thắc mắc như thế. Rốt lại, cha mẹ bạn có thể là những người uống rượu. Nhiều thanh thiếu niên cỡ tuổi bạn (mặc dù chưa đến tuổi được luật pháp cho phép) cũng uống. Các chương trình truyền hình và phim ảnh khiến cho việc uống rượu có vẻ hấp dẫn.

Khi được sử dụng một cách chừng mực, rượu có thể thật sự là một nguồn sảng khoái. Kinh Thánh thừa nhận rằng rượu có thể khiến lòng vui vẻ hoặc giúp ăn ngon miệng hơn. (Truyền-đạo 9:7) Tuy nhiên, khi bị lạm dụng, rượu gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng từ việc gây gỗ với cha mẹ, thầy cô và cảnh sát, cho đến việc chết yểu. Như Kinh Thánh nói: “Rượu khiến người ta nhạo-báng, đồ uống say làm cho hỗn-hào; phàm ai dùng nó quá độ, chẳng phải là khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 20:1) Vì thế, điều quan trọng là bạn phải có một quyết định có ý thức về vấn đề uống rượu.

Nhưng bạn thật sự biết gì về rượu và tác động của nó? Các câu hỏi sau sẽ giúp bạn tự trắc nghiệm. Bạn chỉ cần đánh Đúng hay Sai cho mỗi câu sau:

1. Rượu chủ yếu là chất kích thích ____

2. Rượu, dù uống ít hay nhiều, đều có hại cho cơ thể ____

3. Tất cả các thức uống có cồn—rượu cất, rượu vang, bia—được hấp thụ vào máu như nhau ____

4. Một người có thể tỉnh rượu nhanh hơn nếu anh ta uống cà phê đen hoặc tắm nước lạnh ____

5. Cùng một lượng rượu có tác động như nhau trên mọi người uống ____

6. Say rượu với nghiện rượu giống nhau ____

7. Rượu và các thuốc an thần khác (như các loại thuốc có chứa axít barbiturate) khi dùng chung sẽ làm tăng hiệu quả của nhau ____

8. Thay đổi thức uống sẽ giúp một người khỏi say ____

9. Cơ thể hấp thụ rượu giống như tiêu hóa thức ăn ____

Bây giờ, hãy so sánh câu trả lời của bạn với đáp án nơi trang 270. Phải chăng bạn có một số quan điểm sai lầm về rượu? Nếu thế, hãy biết rằng sự thiếu hiểu biết về rượu có thể nguy hiểm chết người. Kinh Thánh cảnh giác chúng ta rằng nếu không được sử dụng đúng đắn, rượu “cắn như rắn, chít như rắn lục”.—Châm-ngôn 23:32.

Chẳng hạn như Hoàng kết hôn khi còn ở tuổi thiếu niên. Một đêm, sau khi xung đột với người vợ trẻ của mình, anh giận dữ bỏ đi khỏi nhà và quyết định phải uống thật say. Sau khi tu hết nửa lít vodka, anh bị hôn mê. Nếu không có sự nỗ lực của các bác sĩ và y tá, Hoàng có thể đã mất mạng. Rõ ràng anh ta đã không biết rằng nốc nhanh một lượng rượu lớn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Anh ta suýt chút nữa đã mất mạng vì sự thiếu hiểu biết của chính mình.

Tác dụng phản hồi

Đây là một trong những tác dụng khó thấy nhất của rượu. Rượu là chất làm suy giảm, chứ không phải là chất kích thích. Cảm giác lâng lâng bạn cảm thấy sau khi uống xảy ra bởi vì rượu làm suy giảm, hay giảm đi mức độ lo lắng của bạn. Bạn cảm thấy sảng khoái, bớt lo lắng hơn trước khi uống. Vì thế, nếu uống một cách chừng mực, rượu có thể giúp một người phần nào ‘quên điều cực-nhọc của mình’. (Châm-ngôn 31:6, 7) Chẳng hạn, một thanh niên tên Phong đã uống để chạy trốn những vấn đề trong gia đình. Anh kể lại: “Tôi sớm học được rằng uống rượu là một cách để thoát khỏi các áp lực mà tôi phải chịu. Nó khiến đầu óc tôi nhẹ nhàng”.

Vô hại chăng? Sai! Rượu có tác dụng phản hồi. Sau hai ba giờ, khi tác dụng an thần của rượu tan biến, sự lo lắng của bạn trở lại—nhưng không phải trở lại mức bình thường. Nó vọt lên mức cao hơn trước khi bạn uống! Bạn cảm thấy lo lắng và căng thẳng hơn bao giờ hết. Tác dụng phản hồi của rượu có thể kéo dài đến 12 giờ. Công nhận là nếu bạn uống một ly nữa, sự lo lắng của bạn sẽ lại giảm xuống. Nhưng một vài tiếng sau, nó sẽ tăng, lần này còn cao hơn trước! Và cứ thế tiếp tục vòng lẩn quẩn, hết sảng khoái giả tạo lại cảm thấy tồi tệ hơn.

Vậy về lâu về dài, rượu không thật sự giảm bớt sự lo lắng của bạn. Nó rất có thể làm tăng thêm sự lo lắng. Và khi đã giã rượu, các vấn đề của bạn vẫn còn nguyên đó.

Cản trở sự phát triển về tình cảm

Những người khác cho rằng rượu giúp họ sinh hoạt tốt hơn. Chẳng hạn như Dũng, rất nhút nhát và cảm thấy khó bắt đầu ngay cả một cuộc nói chuyện đơn giản. Nhưng rồi anh khám phá ra một điều. Anh nói: “Sau khi uống một vài ly, tôi cảm thấy thoải mái”.

Vấn đề là một người trở nên thành thục là nhờ đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn, chứ không phải tránh né chúng, như Dũng đã làm. Tập đối phó với những vấn đề bạn gặp khi còn trẻ là một sự rèn luyện để đương đầu với những thử thách lúc trưởng thành. Vì thế, Dũng đã nhận thấy rằng về lâu về dài, tác dụng tạm bợ của rượu không giúp được anh vượt qua tính nhút nhát của mình. Anh kể lại: “Khi giã rượu, tôi lại chui vào vỏ sò của mình”. Còn bây giờ, sau nhiều năm sau thì sao? Dũng kể tiếp: “Tôi đã không bao giờ thật sự học được cách nói chuyện với người khác ở trình độ thật của mình. Tôi nghĩ tôi đã bị còi cọc về phương diện này”.

Việc dùng rượu như một cái nạng để đương đầu với sự căng thẳng cũng dẫn đến kết quả tương tự. Loan, làm thế khi còn là thiếu nữ, thừa nhận: “Gần đây, khi đang bị căng thẳng tôi nghĩ: ‘Có lẽ uống một ly rượu bây giờ sẽ dễ chịu’. Bạn tưởng bạn sẽ đương đầu với hoàn cảnh tốt hơn khi uống một ly”. Không phải như vậy!

Một bài báo được đăng trên tờ New York State Journal of Medicine nói: “Khi thuốc [gồm cả rượu] trở thành phương tiện để làm dịu bớt các hoàn cảnh khó khăn—trong học tập, xã hội, hay giao tiếp—ta cảm thấy không còn phải học những kỹ năng đối phó lành mạnh nữa. Ảnh hưởng của điều đó có thể phải đến lúc trưởng thành mới thấy được. Khi đó một người sẽ thấy khó tạo các mối quan hệ cá nhân mật thiết và cảm thấy bị cô độc”. Gặp và đương đầu trực tiếp với các vấn đề và hoàn cảnh khó khăn thì tốt hơn nhiều!

“Ngài không uống”

Hãy xem xét gương mẫu của Chúa Giê-su Christ. Vào đêm cuối cùng sống trên đất, Chúa Giê-su đã phải chịu một thử thách căng thẳng cực độ. Bị phản bội, rồi bị bắt, Chúa Giê-su đã phải trải qua hàng loạt các cuộc tra khảo cùng với các lời cáo gian chống lại ngài. Cuối cùng, sau khi thức suốt đêm, ngài bị đưa đi hành quyết trên cây khổ hình.—Mác 14:43–15:15; Lu-ca 22:47–23:25.

Khi đó người ta đưa cho Chúa Giê-su một đồ uống có tác dụng làm các giác quan của ngài mất cảm giác—một hoán thái tố nhằm giúp ngài đương đầu với hoàn cảnh khó khăn này dễ dàng hơn. Kinh Thánh giải thích: “Họ cho Ngài uống rượu hòa với một-dược; song Ngài không uống”. (Mác 15:22, 23) Chúa Giê-su muốn hoàn toàn làm chủ lý trí mình. Ngài muốn trực tiếp đương đầu với hoàn cảnh khó khăn này. Ngài không phải là kẻ trốn tránh! Sau đó, khi người ta đưa cho ngài một lượng rượu vừa phải rõ ràng không pha thuốc để ngài đỡ khát, Chúa Giê-su đã chấp nhận.—Giăng 19:28-30.

So với thử thách trên, các vấn đề, áp lực, hay căng thẳng của bạn trở nên không đáng kể. Nhưng bạn có thể học được một bài học quí giá từ kinh nghiệm của Chúa Giê-su. Thay vì dùng hoán thái tố (như rượu) để đương đầu với khó khăn, áp lực và những hoàn cảnh khó chịu, cách tốt hơn nhiều là bạn nên đối phó trực diện với chúng. Càng có kinh nghiệm đối phó với những khó khăn trong cuộc sống, bạn sẽ càng khéo giải quyết. Tình cảm của bạn sẽ phát triển cách lành mạnh và vững vàng.

Khi đến tuổi được phép, bạn (và có lẽ cha mẹ bạn nữa) sẽ quyết định có nên thỉnh thoảng uống rượu một cách chừng mực hay không. Bạn hãy quyết định khôn ngoan và sáng suốt. Nếu bạn chọn không uống, không có gì sai. Nhưng nếu bạn đã đến tuổi được phép và chọn uống rượu, hãy uống một cách có ý thức. Đừng bao giờ uống rượu để trốn chạy hoặc để tạo can đảm giả tạo. Lời khuyên của Kinh Thánh đơn giản và thẳng thắn: “Rượu gây cãi cọ, chất say gây ẩu đả, sa vào đó là mất khôn ngoan”.—Châm-ngôn 20:1, Trịnh Văn Căn.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Tại sao nhiều thanh thiếu niên uống rượu?

◻ Có một số quan điểm sai lầm nào về rượu?

◻ Uống rượu khi lái xe nguy hiểm như thế nào?

◻ Những nguy hiểm của việc uống rượu để chạy trốn khó khăn là gì?

◻ Một thiếu niên nên làm gì khi gặp vấn đề khó khăn, và tại sao?

[Câu nổi bật nơi trang 268]

Việc uống rượu có thể khiến một người trẻ bị sa vào vòng luẩn quẩn, hết sảng khoái giả tạo lại cảm thấy tồi tệ hơn

[Câu nổi bật nơi trang 271]

“Tôi đã không bao giờ thật sự học được cách nói chuyện với người khác ở trình độ thật của mình. Tôi nghĩ tôi đã bị còi cọc về phương diện này”.—Trích lời một thanh niên lạm dụng rượu khi còn ở tuổi thiếu niên

[Khung nơi trang 264]

‘Tại sao chúng tôi đã bắt đầu uống rượu’

Phỏng vấn một số người đã từng uống rượu ở tuổi thiếu niên

Phóng viên: Tại sao hồi ấy các bạn uống rượu?

Bình: Bản thân tôi thì lúc đầu chỉ vì cái nhóm tôi chơi. Đó là điều tụi nó thường làm, đặc biệt vào cuối tuần.

Dũng: Tôi bắt đầu uống rượu khoảng 14 tuổi. Cha tôi là một tay uống rượu khá nhiều. Ở nhà luôn có tiệc rượu. Hồi nhỏ, tôi nghĩ uống rượu là điều cần thiết trong giao tiếp xã hội. Rồi khi lớn lên, tôi nhập bọn với một đám ham chơi. Tôi đã uống để được chúng chấp nhận.

Mạnh: Hồi ấy tôi chơi thể thao. Tôi nhớ mình bắt đầu uống rượu lúc khoảng 15 tuổi với đám bạn trong đội bóng rổ. Tôi nghĩ tôi đã uống chủ yếu vì tò mò.

Loan: Tôi bị tác động rất nhiều bởi các chương trình truyền hình. Tôi thường thấy các nhân vật trong phim uống rượu. Trông rất tuyệt.

Phong: Cha tôi là một tay nghiện. Bây giờ tôi có thể nhận ra rằng tất cả các vấn đề chúng tôi gặp phải hồi ấy đều do sự nghiện rượu mà ra. Tôi đã cố gắng lẩn trốn nó. Mỉa mai thay, đó lại chính là lý do khiến tôi quay sang rượu.

Loan: Thường cha mẹ tôi không uống nhiều. Nhưng tôi còn nhớ một điều về cha tôi, đó là trong các buổi tiệc, ông thường tự hào về tửu lượng của mình. Tôi cũng phát triển một thái độ tương tự—cho mình là người vô song. Có một lần tôi cùng một đám bạn nhậu bí tỉ. Chúng tôi cứ uống trong nhiều giờ liền. Tôi đã không bị say như những đứa khác. Tôi nhớ lúc đó đã thầm nghĩ ‘Mình giống cha’. Tôi nghĩ quan điểm của ông về rượu quả thật đã ảnh hưởng đến tôi.

Phóng viên: Nhưng tại sao nhiều người lại uống cho đến say?

Mạnh: Đó là lý do chúng tôi uống rượu—để say. Tôi thật sự không thích vị của nó.

Phóng viên: Vậy bạn uống vì hiệu quả của nó?

Mạnh: Phải.

Hưng: Tôi cũng vậy. Nó giống như leo thang vậy. Mỗi lần uống bạn lại lên cao hơn—lên nấc thang kế tiếp.

[Khung nơi trang 270]

Đáp án của bài trắc nghiệm đúng sai (Trang 263)

1. SAI. Rượu chủ yếu là chất làm suy giảm hoạt động. Sở dĩ nó khiến bạn hứng khởi là vì nó làm giảm đi mức độ lo lắng của bạn, khiến bạn cảm thấy thoải mái, bớt lo lắng hơn trước khi uống.

2. SAI. Uống rượu chừng mực hay chỉ một ít dường như không gây tác hại nghiêm trọng cho cơ thể. Nhưng nếu uống nhiều và dai dẳng có thể làm hại tim, não, gan và các cơ quan khác.

3. SAI. Rượu mạnh thường được hấp thụ nhanh hơn rượu vang hoặc bia.

4. SAI. Cà phê có thể khiến bạn tỉnh ngủ, còn tắm nước lạnh có thể làm bạn ướt, nhưng rượu thì vẫn nằm trong máu bạn cho đến khi nó được gan lọc hết với tốc độ 14 gam một giờ.

5. SAI. Một số yếu tố, chẳng hạn như trọng lượng cơ thể và việc bạn có ăn hay không trước khi uống rượu, có thể ảnh hưởng đến tác động của rượu trên bạn.

6. SAI. Say rượu là hậu quả của việc uống quá nhiều. Còn nghiện rượu chỉ sự mất tự chủ trong việc uống rượu. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người say đều là dân nghiện, mà cũng không phải tất cả bợm rượu đều say.

7. ĐÚNG. Khi uống chung với rượu, một số thuốc có thể làm tăng rất nhiều tác dụng của rượu hoặc của thuốc hơn là khi uống một thứ. Chẳng hạn, vừa uống thuốc gây mê hay thuốc giảm đau vừa uống rượu có thể gây ra triệu chứng co rút trầm trọng, hôn mê, hoặc ngay cả tử vong. Bởi vậy, một ly rượu cộng với một viên thuốc có tác động mạnh hơn bạn tưởng rất nhiều. Thật vậy, tác động của thuốc có thể tăng lên gấp ba, bốn, mười lần, hoặc thậm chí hơn nữa!

8. SAI. Say rượu là hậu quả của tổng cộng lượng rượu, dù đó là rượu gin, whiskey, vodka hay là bất cứ thứ gì.

9. SAI. Rượu không được tiêu hóa chậm như phần lớn các thức ăn khác. Đúng hơn, khoảng 20 phần trăm được hấp thụ ngay vào máu qua thành bao tử. Phần còn lại đi từ bao tử xuống ruột non, và từ đó được hấp thụ vào máu.

[Khung/Hình nơi trang 266, 267]

Lái xe và uống rượu—Một sự kết hợp chết người

“Lái xe trong khi say là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trong thanh thiếu niên từ độ tuổi 16 đến 24”, trích Report on the National Conference for Youth on Drinking and Driving năm 1984. Thật vậy, “khả năng thiếu niên bị tai nạn xe cộ do rượu cao gấp bốn lần so với những nhóm tuổi khác”. (Just Along for the Ride) Sở dĩ có nhiều cái chết vô ích như thế là vì còn có nhiều quan niệm sai lầm về ảnh hưởng của rượu. Sau đây là một vài ví dụ điển hình:

QUAN NIỆM SAI: Nếu bạn chỉ uống một vài lon bia, thì lái xe vẫn an toàn.

SỰ THẬT: “Lượng cồn trong 2 lon bia 355 cc nếu uống trong vòng chưa đầy 1 giờ có thể làm chậm phản ứng của tài xế mất 2/5 giây—tức là cho phép một xe chạy với vận tốc 90 km/giờ chạy thêm 10 m—đó có lẽ là khoảng cách tạo nên sự khác biệt giữa một vụ đụng xe và một lần thoát nạn”.—Development of a Traffic Safety and Alcohol Program for Senior Adults, của Tiến Sĩ Giáo Dục James L. Malfetti và Tiến Sĩ Darlene J. Winter.

QUAN NIỆM SAI: Chừng nào bạn còn chưa cảm thấy say thì vẫn có thể lái xe.

SỰ THẬT: Dựa vào cảm giác của bạn là điều nguy hiểm. Rượu tạo ảo giác khỏe khoắn, khiến người tài xế tưởng rằng mình vẫn tự chủ trong khi thật ra khả năng của anh ta đã suy giảm.

Rõ ràng lái xe trong tình trạng say rượu là điều nguy hiểm cho tất cả mọi người, nhưng nó càng nguy hiểm hơn đối với thanh thiếu niên. Khả năng lái xe của thanh thiếu niên uống rượu “giảm nhanh hơn so với người lớn vì lái xe là một kỹ năng mới của họ, một kỹ năng họ vẫn chưa quen. Tóm lại, phần lớn thanh thiếu niên vừa là tài xế thiếu kinh nghiệm vừa là tay nhậu chưa dạn dày, và còn thiếu kinh nghiệm hơn nữa khi kết hợp cả lái xe và uống rượu”.—Senior Adults, Traffic Safety and Alcohol Program Leader’s Guide, của Tiến Sĩ Darlene J. Winter.

Người trẻ cũng dễ say hơn người lớn. Thanh thiếu niên nói chung có trọng lượng nhẹ hơn người lớn, và một người càng cân nhẹ bao nhiêu thì cơ thể càng có ít chất lỏng để hòa tan lượng rượu mà anh ta uống bấy nhiêu. Nồng độ rượu trong máu càng cao bao nhiêu thì bạn càng dễ bị say bấy nhiêu.

“Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình; nhưng kẻ ngu-muội cứ đi luôn và mắc phải vạ”. (Châm-ngôn 22:3) Vì kết hợp lái xe và uống rượu rất nguy hiểm, “khôn-ngoan” là bạn nên tự hứa với bản thân không làm điều đó. Như thế bạn có thể tránh được những thương tích gây ra tàn phế—hoặc tử vong—đồng thời tỏ sự tôn trọng đối với mạng sống của người khác.

Bạn cũng nên cương quyết (1) đừng bao giờ đi xe chung với một người lái xe đã uống rượu và (2) đừng bao giờ để một người bạn lái xe nếu anh ta đã uống rượu. Điều này có thể khiến người bạn kia bực mình, nhưng có lẽ anh ta sẽ biết ơn bạn về việc bạn đã làm khi tỉnh rượu.—So sánh Thi-thiên 141:5.

[Các hình]

Đừng bao giờ đi xe chung với một người đã uống rượu và đừng bao giờ để một người bạn lái xe nếu anh ta đã uống rượu

[Các hình nơi trang 262]

Ảnh hưởng của bạn bè, truyền hình, và đôi khi của cả cha mẹ có thể khiến các thiếu niên bắt đầu uống rượu

[Các hình nơi trang 265]

Rượu, khi dùng không đúng, có thể ‘cắn như rắn’

[Các hình nơi trang 269]

Uống rượu và lái xe thường dẫn đến điều này