Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để biết đâu là tình yêu thật?

Làm sao để biết đâu là tình yêu thật?

Chương 31

Làm sao để biết đâu là tình yêu thật?

TÌNH YÊU—dưới con mắt của những người lãng mạn, đó là một tình cảm mới lạ khó hiểu xâm chiếm tâm tư bạn, một cảm xúc ngây ngất vượt khỏi lý trí chỉ xảy ra một lần trong đời. Họ tin rằng tình yêu hoàn toàn là chuyện của con tim, là điều không thể hiểu được, chỉ có thể nếm trải mà thôi. Tình yêu chinh phục tất cả và kéo dài mãi mãi...

Các câu nói lãng mạn cứ thế tuôn ra. Chắc chắn tình yêu có thể là một kinh nghiệm đẹp không gì sánh được. Nhưng thế nào là tình yêu thật?

Thoạt nhìn đã yêu rồi ư?

Dũng gặp Thu lần đầu tại một buổi tiệc. Ngay lập tức anh bị hấp dẫn bởi thân hình đẹp và những lọn tóc xõa xuống mắt cô mỗi khi cô cười. Còn Thu thì bị thu hút bởi đôi mắt nâu sâu thẳm và cách nói chuyện thông minh hóm hỉnh của anh. Dường như đây là một điển hình của cú sét ái tình!

Trong ba tuần kế tiếp, Dũng và Thu không hề rời nhau. Rồi một đêm, Thu nhận được một cú điện thoại đáng sợ từ một bạn trai cũ. Cô điện thoại cho Dũng để được anh yên ủi. Nhưng Dũng, lo sợ và lúng túng, đã đáp lại một cách lạnh lùng. Tình yêu mà họ nghĩ sẽ kéo dài mãi mãi chấm dứt ngay đêm đó.

Phim ảnh, sách truyện và truyền hình muốn bạn tin rằng tình yêu ngay từ phút đầu gặp gỡ sẽ kéo dài mãi mãi. Đương nhiên, ngoại hình hấp dẫn thường là điều khiến hai người chú ý đến nhau khi gặp lần đầu. Như một thanh niên nói: “Khó mà ‘nhìn thấy’ được nhân cách của một người”. Nhưng thật ra cái người ta “yêu” là gì, khi mối quan hệ của họ chỉ mới kéo dài vài giờ hay vài ngày? Đó chẳng phải chỉ là hình ảnh phản chiếu của người kia thôi sao? Thật sự, bạn không biết gì nhiều về ý tưởng, hy vọng, sự sợ hãi, dự định, thói quen, kỹ năng hay khả năng của người đó. Bạn chỉ mới gặp cái vỏ bên ngoài, chứ không phải “con người trầm ẩn, nơi tấm lòng”. (1 Phi-e-rơ 3:4, Nguyễn Thế Thuấn). Tình yêu như thế có thể kéo dài bao lâu?

Vẻ bề ngoài đánh lừa

Hơn nữa, bề ngoài có thể đánh lừa bạn. Kinh Thánh nói: “Duyên là giả-dối, sắc lại hư không”. Giấy gói quà bóng loáng không cho bạn biết được cái gì ở bên trong. Thật vậy, giấy gói quà đẹp nhất có thể bao bọc một món quà vô dụng.—Châm-ngôn 31:30.

Châm-ngôn nói: “Một người đờn-bà đẹp-đẽ mà thiếu dẽ-dặt, khác nào một vòng vàng đeo nơi mũi heo”. (Châm-ngôn 11:22) Vòng đeo mũi là đồ trang sức phổ biến vào thời Kinh Thánh được viết ra. Chúng đẹp sắc sảo, và thường được làm bằng vàng ròng. Dĩ nhiên, một chiếc vòng như thế sẽ là món trang sức đầu tiên bạn chú ý nơi một người phụ nữ.

Câu châm ngôn đã so sánh một cách xác đáng một người phụ nữ đẹp bên ngoài nhưng thiếu sự “dẽ-dặt” với “vòng vàng đeo nơi mũi heo”. Vẻ đẹp không phù hợp với một người phụ nữ thiếu suy nghĩ; chiếc vòng trở thành một món trang sức vô dụng trên người cô ta. Về lâu về dài, nó không thể tạo cho cô vẻ hấp dẫn, cũng như một chiếc vòng đeo mũi sặc sỡ không thể khiến một con heo đẹp được! Vì thế, thật là một lầm lẫn lớn biết bao khi đi yêu vẻ bề ngoài của một người—mà không xem xét con người bề trong.

“Dối-trá hơn mọi vật”

Tuy nhiên, một số nghĩ rằng trái tim con người phán đoán tình yêu không bao giờ sai. Họ nói: ‘Hãy lắng nghe con tim của bạn. Bạn sẽ biết đó có phải là tình yêu thật hay không!’ Thật không may, sự thật trái hẳn với quan niệm này. Một cuộc thăm dò cho thấy 1.079 người trẻ (từ 18 đến 24 tuổi) cho biết đến nay họ đã trải qua trung bình bảy mối tình. Phần lớn thừa nhận rằng các mối tình đã qua của họ chỉ là đam mê—một cảm xúc chóng phôi pha. Tuy nhiên, những bạn trẻ này “luôn mô tả mối tình hiện tại của họ là tình yêu!” Nhưng có lẽ một ngày nào đó hầu hết họ cũng sẽ xem mối tình hiện tại của mình như các mối tình trước đây—chỉ là đam mê.

Bi kịch ở đây là mỗi năm có hàng ngàn cặp kết hôn trong ảo giác ‘yêu đương’ này, để rồi chỉ một thời gian ngắn sau nhận ra rằng họ đã sai lầm nghiêm trọng. Ray Short nói trong cuốn sách của ông nhan đề Sex, Love, or Infatuation (Tình dục, tình yêu hay sự đam mê) như sau: Sự đam mê “đưa những người đàn ông và đàn bà ngây thơ đến những cuộc hôn nhân tồi tệ như dắt những con cừu đến hàng làm thịt”.

“Kẻ nào tin-cậy nơi lòng mình là kẻ ngu-muội”. (Châm-ngôn 28:26). Sự phán đoán của lòng chúng ta rất thường lầm lẫn hay đặt sai chỗ. Thật vậy, Kinh Thánh nói: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật”. (Giê-rê-mi 17:9) Nhưng câu châm ngôn trên nói tiếp: “Còn ai ăn-ở cách khôn-ngoan sẽ được cứu-rỗi”. Bạn cũng có thể thoát khỏi những nguy hiểm và bực tức mà những người trẻ khác phải chịu nếu bạn biết phân biệt sự đam mê với tình yêu thật được mô tả trong Kinh Thánh—tình yêu không bao giờ thất bại.

Tình yêu trái ngược với đam mê

Cang, 24 tuổi, thừa nhận: “Sự đam mê thường mù quáng và nó thích được như thế. Nó không muốn nhìn vào thực tế”. Kim, 16 tuổi, nói thêm: “Khi mê một người, bạn nghĩ mọi điều người đó làm đều hoàn hảo”.

Sự đam mê là tình yêu giả mạo. Nó vị kỷ và không thực tế. Những người đam mê có khuynh hướng nói: ‘Tôi cảm thấy mình quan trọng khi ở bên anh ấy. Tôi không ngủ được. Tôi không thể tin được điều này lại tuyệt diệu đến thế’, hoặc ‘Cô ấy làm tôi vui’. Bạn chú ý thấy từ “tôi” được sử dụng bao nhiêu lần? Một mối quan hệ dựa trên sự ích kỷ chắc chắn sẽ thất bại! Tuy nhiên, hãy chú ý sự mô tả của Kinh Thánh về tình yêu thật: “Tình yêu-thương hay nhịn-nhục; tình yêu-thương hay nhân-từ; tình yêu-thương chẳng ghen-tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư-lợi, chẳng nóng-giận, chẳng nghi-ngờ sự dữ”.—1 Cô-rinh-tô 13:4, 5.

Vì “chẳng kiếm tư-lợi”, nên tình yêu dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh không chỉ nghĩ đến bản thân cũng không ích kỷ. Công nhận rằng hai người có thể có tình cảm mãnh liệt đối với nhau và hấp dẫn nhau. Nhưng những tình cảm này được thăng bằng bởi lý trí và sự tôn trọng sâu sắc đối với nhau. Khi bạn yêu thật sự, bạn quan tâm đến lợi ích và hạnh phúc của người kia cũng như của chính bạn. Bạn không để cho tình cảm quá mãnh liệt lấn át sự phán đoán tốt.

Một gương mẫu về tình yêu thật

Lời tường thuật của Kinh Thánh về Gia-cốp và Ra-chên minh họa sống động điều này. Hai người gặp nhau bên một giếng nước, nơi Ra-chên đưa bầy chiên của cha nàng đến uống nước. Gia-cốp lập tức bị nàng hấp dẫn không phải chỉ vì nàng “hình-dung đẹp-đẽ, vẻ mặt tốt-tươi” mà còn vì nàng là một người thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Sáng-thế-ký 29:1-12, 17.

Sau khi ở trọn một tháng với gia đình Ra-chên, Gia-cốp cho mọi người biết ông yêu Ra-chên và muốn cưới nàng. Chỉ là đam mê chăng? Hoàn toàn không! Trong suốt một tháng đó, ông đã nhìn thấy Ra-chên bộc lộ tự nhiên—cách nàng đối xử với cha mẹ và những người khác, cách nàng chăn chiên, và thấy nàng xem sự thờ phượng Đức Giê-hô-va nghiêm túc ra sao. Chắc chắn ông đã thấy rõ cả điểm “tốt nhất” lẫn điểm “xấu nhất” của nàng. Vì thế, tình yêu của ông không phải là cảm xúc không thể kiềm chế nhưng đúng hơn là tình yêu bất vị kỷ dựa trên lý trí và sự tôn trọng sâu xa.

Vì có tình yêu như thế, Gia-cốp có thể nói rằng ông sẵn lòng làm việc cho cha nàng trong bảy năm để được cưới nàng. Chắc chắn không có nỗi đam mê nào có thể kéo dài như thế! Chỉ có tình yêu chân thật, một sự quan tâm bất vị kỷ đến người kia, mới có thể khiến những năm đó dường như “bằng chừng đôi ba bữa”. Vì có tình yêu thật, họ mới có thể giữ được sự thanh sạch của mình trong suốt thời gian đó.—Sáng-thế Ký 29:20, 21.

Cần có thời gian!

Vậy, tình yêu chân thật không bị thời gian tàn phá. Thật ra, cách tốt nhất để thử thách tình cảm của bạn đối với một người thường là để qua một thời gian. Hơn nữa, như một phụ nữ tên Sương nhận xét: “Người ta không dễ gì để lộ ra nhân cách của họ cho bạn bằng cách nói: ‘Anh là thế đó. Bây giờ em đã biết tất cả về anh’ ”. Không, cũng cần phải có thời gian để tìm hiểu người mà bạn chú ý.

Thời gian cũng cho phép bạn kiểm tra tình cảm của mình theo quan điểm của Kinh Thánh. Hãy nhớ là tình yêu “chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư-lợi”. Người tình của bạn có mong muốn bạn thành công trong mọi kế hoạch không—hay chỉ chăm lo việc của anh ta hay cô ta thôi? Anh ấy hay cô ấy có tôn trọng quan điểm, tình cảm của bạn không? Anh ta hay cô ta có thúc đẩy bạn làm những điều thật sự ‘trái phép’ để thỏa mãn những đam mê ích kỷ không? Người đó thường hạ thấp bạn hay đề cao bạn trước mặt người khác? Đặt những câu hỏi như thế có thể giúp bạn đánh giá tình cảm của mình khách quan hơn.

Yêu đương hấp tấp chỉ dẫn đến tai họa. Thủy, 20 tuổi, giải thích: “Tôi yêu thật nhanh chóng và sâu đậm”. Sau một cơn lốc tình cảm hai tháng, cô kết hôn. Nhưng những nhược điểm được che giấu bắt đầu lộ ra. Thủy bắt đầu biểu lộ sự bất an và vị kỷ. Thành, chồng cô, thì mất vẻ lãng mạn đáng yêu và trở nên ích kỷ. Sau khi kết hôn khoảng hai năm, một ngày kia Thủy hét rủa chồng cô là “hèn hạ”, “lười biếng” và là một người chồng “vô tích sự”. Thành đáp lại bằng cú đấm vào mặt cô. Khóc tức tưởi, Thủy bỏ nhà đi—và bỏ cả cuộc hôn nhân của họ.

Vâng theo lời khuyên Kinh Thánh chắc hẳn đã có thể giúp họ bảo tồn cuộc hôn nhân của mình. (Ê-phê-sô 5:22-33) Mọi việc đáng lẽ đã khác biết bao nếu họ hiểu rõ nhau hơn trước khi thành hôn! Họ sẽ không yêu một “hình ảnh” mà là một nhân cách thật—với mọi ưu và nhược điểm. Những điều họ trông đợi nơi người kia nhờ thế chắc đã thực tế hơn.

Tình yêu thật không nảy sinh một sớm một chiều. Cũng như người sẽ chứng tỏ là một người hôn phối tốt không nhất thiết phải là người hoàn toàn hấp dẫn bạn. Chẳng hạn Bông đã gặp một thanh niên mà cô thú thật là đã không hấp dẫn lắm đối với cô—lúc đầu. Bông kể lại: “Nhưng khi tôi biết rõ anh ấy hơn, mọi việc thay đổi. Tôi thấy anh quan tâm đến người khác và luôn đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi mình. Đây là những đức tính tôi biết sẽ làm nên người chồng tốt. Tôi bị anh thu hút và bắt đầu yêu anh”. Một cuộc hôn nhân bền vững đã theo sau.

Vậy làm thế nào bạn có thể nhận ra được tình yêu thật? Trái tim của bạn có thể nhắn nhủ bạn, nhưng hãy tin cậy lương tâm được Kinh Thánh luyện tập. Hãy tìm hiểu nhiều hơn là “hình ảnh” bề ngoài của người đó. Hãy cho mối quan hệ có thời gian phát triển. Hãy nhớ rằng sự đam mê nhanh chóng đạt đến đỉnh điểm nhưng rồi sẽ phôi pha. Tình yêu thật ngày một vững chắc theo thời gian và trở thành “dây liên-lạc của sự trọn lành”.—Cô-lô-se 3:14.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Yêu vẻ bề ngoài của một người nguy hiểm như thế nào?

◻ Bạn có thể trông cậy vào lòng mình để nhận biết đâu là tình yêu thật không?

◻ Sự khác biệt giữa tình yêu và đam mê là gì?

◻ Tại sao các cặp hẹn hò thường chia tay? Điều này có luôn luôn sai không?

◻ Làm thế nào bạn có thể đối phó với cảm giác bị ruồng bỏ khi cuộc tình chấm dứt?

◻ Tại sao phải dành thời gian để tìm hiểu nhau?

[Câu nổi bật nơi trang 242]

Bạn yêu con người đó hay chỉ yêu một “hình ảnh”?

[Câu nổi bật nơi trang 247]

“Sự đam mê thường mù quáng và nó thích được như thế. Nó không muốn nhìn vào thực tế”.—Một thanh niên 24 tuổi

[Câu nổi bật nơi trang 250]

“Bây giờ tôi chỉ còn biết nói ‘Chào anh, anh có khỏe không?’ Tôi không muốn bất cứ ai đến gần mình”

[Khung/​Hình nơi trang 248, 249]

Làm thế nào vượt qua sự thất tình?

Bạn chỉ biết đây là người mình sẽ kết hôn. Hai người thích được ở bên nhau, có cùng sở thích với nhau, và hấp dẫn lẫn nhau. Thế rồi mối quan hệ bất ngờ chấm dứt, nổ tan trong một cơn giận dữ—hoặc tan chảy trong nước mắt.

Trong cuốn sách nhan đề The Chemistry of Love, tiến sĩ Michael Liebowitz ví sự bắt đầu của tình yêu giống như tác động của một liều ma túy mạnh. Nhưng như ma túy, tình yêu đó có thể gây ra ‘cơn vật vã’ nếu nó không còn nữa. Dù đó là tình yêu chân thật hay chỉ là sự đam mê sốc nổi, hậu quả không mấy khác nhau. Cả hai đều có thể nâng người ta lên cao ngất—và hạ người ta xuống tột cùng một khi mối quan hệ chấm dứt.

Cảm giác bị ruồng bỏ, tổn thương, và có lẽ cả tức giận khi mối quan hệ vừa đổ vỡ có thể khiến bạn có cái nhìn bi quan về tương lai. Một phụ nữ trẻ nói cô đã bị ‘tổn thương’ vì bị phụ bạc. Cô nói: “Bây giờ [khi gặp người khác phái] tôi chỉ còn biết nói ‘Chào anh. Anh khỏe không?’ Tôi không muốn bất cứ ai đến gần mình”. Tình cảm bạn càng sâu nặng bao nhiêu, thì sự tổn thương càng lớn bấy nhiêu khi chia tay.

Thật vậy, việc tự do tìm hiểu người mình thích có một giá rất đắt: đó là khả năng bị từ chối. Thật ra, không gì có thể đảm bảo tình yêu chân thật sẽ nảy nở. Vì vậy, nếu một người thật lòng muốn tìm hiểu bạn nhưng sau đó thấy rằng không nên tiến tới hôn nhân, thì không nhất thiết là bạn đã bị đối xử không tốt.

Vấn đề là ngay cả khi sự chia tay được thu xếp một cách khéo léo và tử tế nhất, bạn vẫn cảm thấy bị tổn thương và ruồng bỏ. Tuy nhiên, không có lý do gì để đánh mất lòng tự trọng của bạn. Việc bạn không phải là người “thích hợp” với người này không có nghĩa là bạn sẽ không thích hợp với người khác!

Hãy cố gắng có cái nhìn sáng suốt về mối tình đã qua. Việc chia tay rất có thể giúp bạn thấy rõ hơn những nét không hay của người tình cũ—sự thiếu trưởng thành về tình cảm, thiếu quyết đoán, cứng cỏi, không khoan dung và không quan tâm đến tình cảm của bạn. Đó chắc chắn không phải là những đức tính đáng chuộng nơi một người bạn đời.

Nhưng nếu việc chia tay hoàn toàn là do một phía, còn bạn vẫn tin rằng hôn nhân giữa hai người sẽ tốt đẹp thì sao? Đương nhiên bạn có quyền cho người kia biết cảm nghĩ của mình. Có thể vấn đề chỉ là do có sự hiểu lầm nào đó. Nói năng giận dữ lớn tiếng sẽ không đem lại lợi ích gì. Và nếu anh ấy hay cô ấy vẫn kiên quyết muốn chia tay, bạn không nên tự hạ thấp mình bằng cách khóc lóc van xin tình thương của một người rõ ràng không hề có tình cảm với bạn. Sa-lô-môn nói “có kỳ tìm, và có kỳ mất”.—Truyền-đạo 3:6.

Còn nếu bạn có lý do mạnh mẽ để nghi ngờ rằng mình đã bị lợi dụng vì người kia ngay từ đầu đã không hề có thành ý muốn kết hôn thì sao? Bạn không nên dùng đến những biện pháp trả thù cay độc. Hãy tin chắc rằng Đức Chúa Trời nhìn thấy sự lừa dối của anh ấy hay cô ấy. Lời Ngài nói: “Kẻ hung-bạo xui khổ-cực cho thịt mình”.—Châm-ngôn 11:17; so sánh Châm-ngôn 6:12-15.

Thỉnh thoảng có thể bạn sẽ vẫn bị dằn vặt bởi sự cô đơn và những kỷ niệm lãng mạn. Khi điều đó xảy ra, khóc được là điều tốt. Bận rộn với hoạt động thể dục thể thao hoặc thánh chức của người tín đồ Đấng Christ chẳng hạn, cũng giúp ích. (Châm-ngôn 18:1) Hãy luôn nghĩ đến những điều vui vẻ và xây dựng. (Phi-líp 4:8) Hãy tâm sự với một người bạn thân thiết. (Châm-ngôn 18:24) Cha mẹ cũng có thể là một nguồn an ủi lớn, ngay dù bạn cảm thấy mình đã đủ lớn để tự lập. (Châm-ngôn 23:22) Và trên hết, hãy tâm sự với Đức Giê-hô-va.

Bây giờ bạn có lẽ thấy mình cần phải trau dồi thêm nhân cách. Bạn có lẽ đã biết rõ hơn những đức tính bạn mong muốn nơi một người bạn đời. Đã từng yêu và từng bị thất bại, có lẽ bạn thấy cần tìm hiểu cẩn thận hơn khi gặp một người đáng mến khác—và khả năng đó hoàn toàn không khó như bạn nghĩ đâu.

[Biểu đồ/​Bảng thống kê nơi trang 245]

Tình yêu hay đam mê?

TÌNH YÊU ĐAM MÊ

1. Quan tâm bất vị kỷ đến 1. Ích kỷ, gò bó. Người đó nghĩ:

quyền lợi của người kia ‘Điều này có lợi gì cho tôi?’

2. Tình cảm thường bắt đầu 2. Tình cảm bắt đầu nhanh,

chậm, có lẽ qua nhiều có lẽ chỉ trong vài giờ hay

tháng hay nhiều năm vài ngày

3. Bạn bị hấp dẫn bởi toàn bộ 3. Ngoại hình của người kia tạo ấn tượng

nhân cách và thiêng liêng sâu xa hoặc gây sự chú ý nhiều

tính của người kia nơi bạn(‘Anh ấy có cặp mắt mơ

màng làm sao’. ‘Cô ấy có thân

hình tuyệt vời’)

4. Nó có tác dụng giúp bạn 4. Có ảnh hưởng xấu,

trở thành một người tốt hơn làm bại hoại

5. Bạn đánh giá người kia một 5. Không thực tế. Người kia

cách thực tế, thấy rõ cả có vẻ hoàn hảo. Bạn bỏ qua

những nhược điểm của anh bất cứ sự nghi ngờ khó chịu nào về

ta hay cô ta, nhưng vẫn yêu những nhược điểm nghiêm trọng

người đó trong nhân cách của người đó

6. Tuy có những bất đồng, nhưng 6. Thường xuyên có cãi vã.

hai người có thể nói chuyện Không thật sự giải quyết được

và dàn xếp những bất đồng đó gì. Nhiều lần được “dàn xếp”

bằng một nụ hôn

7. Bạn muốn ban cho và chia sẻ 7. Chỉ chú trọng đến chuyện

với người kia được nhận, đặc biệt để thỏa

mãn nhục dục

[Hình nơi trang 244]

Một người đàn ông hay đàn bà có ngoại hình hấp dẫn nhưng thiếu suy nghĩ ‘khác nào vòng vàng đeo nơi mũi heo’

[Hình nơi trang 246]

Một người thường xuyên hạ thấp bạn trước mặt người khác có lẽ thiếu tình yêu chân thật đối với bạn