Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao vượt qua sự si mê của mình?

Làm sao vượt qua sự si mê của mình?

Chương 28

Làm sao vượt qua sự si mê của mình?

MỘT tạp chí chuyên đề thanh thiếu niên viết: “Đối với hầu hết các thiếu niên, bị si tình là chuyện bình thường như cảm lạnh vậy”. Hầu hết các bạn trẻ đều trải qua kinh nghiệm này, và phần lớn đều “sống sót” đến tuổi trưởng thành với đầy đủ sự tự trọng và tính khôi hài hóm hỉnh. Tuy nhiên, bị si tình thì chẳng có gì đáng cười. Một thiếu niên kể lại: “Tôi bực tức vì không thể làm gì được. Tôi biết nàng lớn tuổi hơn tôi nhiều, nhưng tôi thích nàng. Tôi thật sự tiều tụy vì chuyện này”.

Căn nguyên của sự si mê

Không có gì là sai trái khi bạn có tình cảm mãnh liệt với một người nào đó—miễn là tình cảm đó đứng đắn và không phi đạo đức (như yêu một người đã có gia đình chẳng hạn). (Châm-ngôn 5:15-18) Tuy nhiên, khi còn trẻ, “dục vọng tuổi trẻ” thường chi phối ý tưởng và hành động của bạn. (2 Ti-mô-thê 2:22, Bản Diễn Ý) Trong khi đang tập chế ngự những tình cảm mới mẻ và mãnh liệt của tuổi dậy thì, các bạn trẻ có thể bị khuấy động bởi những tình cảm lãng mạn, nhưng lại không tìm được đối tượng để biểu lộ tình cảm.

Hơn nữa, “các cô gái thường trưởng thành và biết giao tiếp sớm hơn các chàng trai”. Vì thế, “các cô thường cảm thấy các bạn trai cùng lớp thiếu chín chắn và kém thú vị so với các thầy giáo” hay những người đàn ông khác lớn tuổi hơn, mà các cô không thể đạt được. (Tạp chí Seventeen) Một cô gái có thể tưởng tượng một thầy giáo, ca sĩ, hay một người quen lớn tuổi nào đó mà mình thích là mẫu người đàn ông “lý tưởng” của mình. Các bạn trai cũng có thể bị phải lòng như thế. Tuy nhiên, tình yêu dành cho một người xa vời như vậy rõ ràng bắt rễ từ trí tưởng tượng nhiều hơn là thực tế.

Si tình—Tại sao có hại

Mặc dù phần lớn sự si mê chỉ thoáng qua, nhưng vẫn có thể gây ra nhiều tổn thương cho các thanh thiếu niên. Trước hết, vì đối tượng tình cảm của nhiều bạn không phải là những người đáng trọng. Một người khôn ngoan từng nói: “Ấy là kẻ ngu-muội được đặt ở nơi cao”. (Truyền-đạo 10:6) Một ca sĩ được tôn sùng chỉ vì có giọng ca dịu dàng và ngoại hình hấp dẫn. Nhưng đạo đức của người đó có đáng được khen ngợi không? Anh ta hay cô ta có phải là tín đồ Đấng Christ đã dâng mình “trong Chúa” không?—1 Cô-rinh-tô 7:39.

Kinh Thánh cảnh cáo: “Làm bạn với thế-gian tức là thù-nghịch với Đức Chúa Trời”. (Gia-cơ 4:4) Nếu bạn yêu mến một người có hạnh kiểm bị Đức Chúa Trời lên án, điều đó không làm tổn hại đến tình bạn giữa bạn với Đức Chúa Trời sao? Kinh Thánh cũng khuyên: “Hãy giữ mình về hình-tượng”. (1 Giăng 5:21) Bạn gọi đó là gì khi một bạn trẻ dán đầy phòng mình hình ảnh của một ngôi sao âm nhạc? Từ ngữ “thờ hình tượng” không thích hợp sao? Làm sao điều này có thể làm vui lòng Đức Chúa Trời được?

Nhiều thanh thiếu niên còn để óc tưởng tượng che khuất lý trí họ. Một thiếu nữ nói: “Cứ mỗi lần tôi hỏi anh ấy có cảm nghĩ thế nào về tôi, anh luôn chối là không có tình cảm gì với tôi. Nhưng qua ánh mắt và hành động của anh, tôi biết điều đó không phải là sự thật”. Người thanh niên được nói đến ở trên đã cố gắng tử tế nói ra tình cảm thật của anh, nhưng thiếu nữ đó vẫn cố chấp không chịu tin.

Một cô gái khác viết về sự si mê của cô dành cho một ca sĩ nổi tiếng như sau: “Tôi muốn anh ấy là bạn trai của tôi, và tôi đã cầu xin cho điều đó thành sự thật! Tôi thường ngủ với album nhạc của anh bởi vì tôi chỉ có thể đến gần anh đến mức đó. Tôi si mê đến nỗi nếu không chiếm được anh, tôi sẽ tự tử”. Liệu sự si mê mù quáng như thế có làm vui lòng Đức Chúa Trời, Đấng muốn chúng ta hầu việc Ngài với “tâm trí sáng suốt” không?—Rô-ma 12:3, NW.

Châm-ngôn 13:12 nói: “Sự trông-cậy trì-hưỡn khiến lòng bị đau-đớn”. Nuôi dưỡng hy vọng về những quan hệ tình cảm không thể có là tình yêu đơn phương không lành mạnh, mà các bác sĩ gọi là một trong những nguyên nhân của chứng “buồn nản, lo lắng, và trầm uất... mất ngủ hay đờ đẫn, đau ngực hay khó thở”. (So sánh 2 Sa-mu-ên 13:1, 2). Một cô gái si tình thú nhận: “Tôi không muốn ăn... Tôi học không vô. Cả ngày tôi... cứ mơ mộng về anh ấy... Tôi đau khổ”.

Hãy nghĩ đến điều tai hại bạn đang tự gây ra cho mình khi để trí tưởng tượng chi phối cuộc sống bạn. Bác sĩ Lawrence Bauman nhận xét rằng một trong những dấu hiệu đầu tiên của sự si mê thiếu kiềm chế là “lơ là việc học”. Xa lánh bạn bè và gia đình cũng là một hậu quả thường thấy. Có khi nó còn khiến bạn có những hành vi đáng hổ thẹn nữa. Nhà văn Gil Schwartz nói: “Tôi thật xấu hổ phải thừa nhận điều này, nhưng tôi đã cư xử như một thằng ngốc trong giai đoạn si mê Judy”. Ngay cả sau khi cơn cuồng si đã qua đi từ lâu, những kỷ niệm về việc bạn theo đuổi một người nào đó, gây rối nơi công cộng, và cư xử như người dại dột có thể vẫn đọng lại trong tâm trí bạn.

Đối diện với thực tế

Vua Sa-lô-môn, một trong những người khôn ngoan nhất trong lịch sử, trước đây đã yêu mãnh liệt một cô gái không đáp lại tình yêu của mình. Ông viết tặng nàng những bài thơ hay nhất từng được sáng tác, ca tụng nàng “đẹp như mặt trăng, tinh-sạch như mặt trời”, nhưng vẫn không chiếm được trái tim nàng!—Nhã-ca 6:10.

Tuy nhiên, cuối cùng Sa-lô-môn đã đầu hàng, không còn theo chinh phục nàng. Cũng vậy, làm thế nào bạn có thể tự kiềm chế cảm xúc của mình? Kinh Thánh nói: “Kẻ nào tin-cậy nơi lòng mình là kẻ ngu-muội”. (Châm-ngôn 28:26) Điều này đặc biệt đúng khi bạn bị vướng vào một cuộc tình mộng tưởng. Tuy nhiên, “người bước đi trong khôn-ngoan sẽ thoát”. Điều này có nghĩa là phải nhận thức đúng bản chất sự việc.

Tiến sĩ Howard Halpern hỏi: “Làm thế nào bạn có thể phân biệt đâu là hy vọng có căn cứ và đâu là hy vọng hão huyền? Bằng cách thẳng thắn và cẩn thận xem xét sự việc”. Hãy xem xét những câu hỏi sau: Cơ hội để bạn phát triển tình cảm với người này là bao nhiêu phần trăm? Nếu đó là một người nổi tiếng, thì bạn không bao giờ có thể gặp được người đó! Cơ hội của bạn cũng mờ nhạt như thế nếu đó là một người lớn tuổi hơn, như thầy giáo chẳng hạn.

Hơn nữa, người mà bạn thích có tỏ ra chú ý chút nào đến bạn không? Nếu không, thì có lý do thật sự nào để tin rằng sự việc sẽ thay đổi trong tương lai không? Hay là bạn chỉ đang tưởng tượng, tô thêm sự tình tứ vào những lời nói và hành động vô tình của anh ta hay cô ta? Ở hầu hết các xứ, theo lệ thường, đàn ông là người thổ lộ tình cảm trước. Một cô gái có thể tự hạ thấp phẩm giá mình nếu điên cuồng theo đuổi một người không hề chú ý đến mình.

Ngoài ra, bạn sẽ làm gì nếu người đó thật sự đáp lại tình cảm của bạn? Bạn có sẵn sàng gánh những trách nhiệm của hôn nhân chưa? Nếu chưa, thì “khá giải sầu khỏi lòng” bạn bằng cách ngưng sống trong mộng tưởng. “Có kỳ yêu”, và lúc đó có thể là khoảng vài năm nữa khi bạn lớn hơn.—Truyền-đạo 3:8; 11:10.

Phân tích tình cảm của bạn

Tiến sĩ Charles Zastrow nhận xét: “Sự đam mê xảy ra khi một người lý tưởng hóa người mình say mê như là một ‘người tình hoàn hảo’; nghĩa là, kết luận rằng người đó có tất cả những đức tính lý tưởng của một người bạn đời”. Tuy nhiên, không bao giờ có được ‘người tình hoàn hảo’ như thế. Kinh Thánh nói: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 3:23.

Vậy hãy tự hỏi: Tôi thật sự biết gì về người tôi yêu? Tôi có đang yêu một hình ảnh không? Tôi có nhìn thấy những nhược điểm của người này không? Đánh giá một cách khách quan người tình trong mộng của bạn có lẽ cũng đủ để kéo bạn ra khỏi tình trạng yêu đương mù quáng của mình! Phân tích loại tình yêu bạn dành cho người đó cũng có ích. Nhà văn Kathy McCoy nói: “Tình yêu thiếu chín chắn đến và qua đi nhanh chóng... Trọng tâm chính là bạn, và thật ra bạn đang yêu cái ý tưởng là mình có người yêu... Tình yêu thiếu chín chắn có tính cách đeo đẳng, chiếm đoạt và đầy ghen tuông... Tình yêu thiếu chín chắn đòi hỏi sự hoàn hảo”.—Đối chiếu 1 Cô-rinh-tô 13:4, 5.

Hãy loại bỏ hình ảnh anh ta hay cô ta ra khỏi tâm trí bạn

Đương nhiên, không một lý lẽ nào trên đời có thể hoàn toàn xóa đi tình cảm của bạn. Nhưng bạn có thể tránh nuôi dưỡng vấn đề. Đọc những truyện tình lãng mạn, xem phim tình cảm trên truyền hình, hay chỉ cần nghe một số loại nhạc nào đó có thể làm tăng thêm cảm giác cô đơn của bạn. Vì thế, đừng nghĩ mãi về chuyện đó. “Lửa tắt tại thiếu củi”.—Châm-ngôn 26:20.

Một cuộc tình mộng tưởng không thể thay thế những người thật sự yêu thương và chăm lo cho bạn. Đừng ‘ở riêng cách’. (Châm-ngôn 18:1) Rồi bạn sẽ thấy cha mẹ có thể giúp bạn rất nhiều. Mặc dù bạn cố gắng che giấu tình cảm của mình, cha mẹ vẫn có thể thấy được bạn đang phân tâm về một vấn đề nào đó. Sao không đến và mở lòng mình với họ? (So sánh Châm-ngôn 23:26). Bạn cũng có thể tâm sự với một tín đồ Đấng Christ thành thục.

Esther Davidowitz, nhà văn chuyên viết cho thiếu niên, thúc giục: “Hãy luôn bận rộn”. Theo đuổi một sở thích, tập thể dục, học một ngoại ngữ, bắt đầu một chương trình nghiên cứu Kinh Thánh. Việc bận rộn tham gia các hoạt động hữu ích có thể làm dịu bớt triệu chứng muốn thu mình lại.

Vượt qua một sự si mê không phải là một việc dễ dàng. Nhưng thời gian sẽ làm dịu bớt nỗi đau của bạn. Bạn sẽ học được nhiều điều về bản thân và tình cảm của mình, và bạn sẽ được chuẩn bị kỹ hơn để đối phó với tình yêu thật khi nó đến trong tương lai! Nhưng làm thế nào bạn có thể phân biệt đâu là ‘tình yêu thật’?

Câu hỏi để thảo luận

◻ Tại sao các thanh thiếu niên thường mắc bệnh si tình?

◻ Ai thường là đối tượng trong các cuộc tình mộng tưởng của các thanh thiếu niên, và tại sao?

◻ Tại sao si tình có hại?

◻ Các bạn trẻ có thể làm gì để vượt qua sự si mê?

◻ Làm thế nào một bạn trẻ có thể tránh nuôi dưỡng một cuộc tình mộng tưởng?

[Câu nổi bật nơi trang 223]

‘Tôi không muốn ăn. Tôi học không vô. Cả ngày tôi cứ mơ mộng về anh ấy. Tôi đau khổ’

[Hình nơi trang 220]

Sự si mê đối với người khác phái lớn tuổi hơn, không phù hợp là chuyện thường xảy ra

[Hình nơi trang 221]

Đánh giá người đó một cách thẳng thắn, khách quan có thể xóa tan các ảo tưởng tình yêu của bạn