Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm thế nào thành công trong giai đoạn tìm hiểu?

Làm thế nào thành công trong giai đoạn tìm hiểu?

Chương 32

Làm thế nào thành công trong giai đoạn tìm hiểu?

“PHẦN lớn các sự thất bại trong hôn nhân là do thất bại trong thời gian tìm hiểu. Nhắc đi nhắc lại điều này không phải là thừa”. Đó là lời phát biểu của Paul H. Landis, một nhà nghiên cứu về đời sống gia đình. Lý có thể minh chứng cho sự chính xác của câu nói đó. Cô giải thích: “Lỗi lầm lớn nhất của tôi là đã quá khắng khít về mặt tình cảm với Ẩn trước khi biết con người anh ấy. Chuyện tìm hiểu của chúng tôi chỉ giới hạn trong những lần gặp gỡ giữa hai chúng tôi. Ngoài những lần gặp gỡ ‘lý tưởng’ này, tôi chưa hề biết cách anh xử sự với người khác”. Cuộc hôn nhân của họ tan vỡ, đi đến ly dị. Bí quyết để tránh một bi kịch như thế là gì? Hãy sử dụng hiệu quả thời gian tìm hiểu!

Trước khi hẹn hò

“Người khôn-khéo xem-xét các bước mình”. (Châm-ngôn 14:15) Vun trồng tình cảm lãng mạn với một người mà bạn chưa hiểu rõ sẽ dẫn đến tai họa—dù cho người đó có vẻ quyến rũ đi nữa. Nó có thể dẫn đến việc kết hôn với một người có tình cảm và mục tiêu khác xa bạn hàng dặm! Vì thế, trước hết hãy cẩn thận quan sát người đó khi sinh hoạt nhóm, như trong các cuộc giải trí chung chẳng hạn.

Dân, đã lập gia đình hạnh phúc được mười năm, giải thích: “Tôi biết rằng nếu tôi quá gần gũi ngay từ đầu, cảm xúc sẽ khiến tôi mù quáng. Vì thế, tôi quan sát Hồng từ xa, không để nàng biết tôi chú ý đến nàng. Tôi có thể nhìn thấy cách nàng đối xử với người khác, và biết nàng có phải là mẫu người chỉ chú trọng bề ngoài hay không. Qua những lần nói chuyện xã giao, tôi biết được hoàn cảnh và mục tiêu của nàng”. Tìm hiểu về danh tiếng của anh ta hay cô ta bằng cách nói chuyện với những người quen thân của họ cũng là một điều có ích.—So sánh Châm-ngôn 31:31.

Những cuộc hẹn đầu tiên

Một khi đã quyết định một người nào đó có thể là người hôn phối tốt cho mình, bạn có thể đến gặp người đó và bày tỏ ước muốn được tìm hiểu người đó nhiều hơn. * Giả sử người kia đồng ý, cuộc hẹn đầu tiên không cần phải quá rườm rà. Có lẽ một cuộc hẹn ăn trưa hoặc ngay cả đi chơi chung với một nhóm sẽ giúp hai người quen biết nhau hơn và qua đó bạn có thể quyết định xem mình có muốn tiến xa hơn hay không. Tạo không khí thân mật thoải mái có thể giúp hai người đỡ cảm thấy lúng túng lúc đầu. Và bằng cách tránh những lời hứa hẹn quá sớm, bạn có thể làm dịu bớt cảm giác bị ruồng bỏ—hoặc xấu hổ—nếu một trong hai người về sau rút lui.

Dù là loại hẹn hò nào chăng nữa, hãy có mặt đúng giờ, ăn mặc gọn gàng và đàng hoàng. Hãy tỏ ra là người biết nói chuyện và tích cực lắng nghe. (Gia-cơ 1:19) Tuy không có qui định khắt khe nào về các vấn đề này, người nam thường nên giữ đúng phép xã giao địa phương. Điều này có thể bao gồm việc mở cửa cho cô gái hoặc kéo ghế cho cô. Một thiếu nữ, mặc dù không chờ đợi được đối xử như một nàng công chúa, nên nhã nhặn hợp tác với các nỗ lực của người bạn trai. Bằng cách tôn trọng lẫn nhau, hai người có thể đặt một khuôn mẫu tốt cho tương lai. Một người chồng được khuyên phải ‘ăn-ở với vợ mình như với giống yếu đuối hơn’. Còn người vợ thì phải “kính chồng”.—1 Phi-e-rơ 3:7; Ê-phê-sô 5:33.

Nắm tay, hôn, hay ôm có đứng đắn không, và nếu có thì khi nào? Những cử chỉ âu yếm, nếu xuất phát từ sự trìu mến chân thật chứ không phải từ đam mê ích kỷ, có thể vừa trong sạch vừa đứng đắn. Sách Nhã-ca trong Kinh Thánh cho thấy rằng nàng Su-la-mít cùng chàng chăn chiên mà nàng yêu và sẽ lấy làm chồng đã trao đổi những cử chỉ trìu mến đứng đắn với nhau. (Nhã-ca 1:2; 2:6; 8:5) Nhưng cũng như đôi uyên ương trong sáng này, một đôi tình nhân nên cẩn thận sao cho các cử chỉ âu yếm của mình không trở nên ô uế hoặc dẫn đến sự vô luân. * (Ga-la-ti 5:19, 21) Điều hợp lý là những cử chỉ trìu mến như thế chỉ nên được biểu lộ khi quan hệ giữa hai người đã trở nên khắng khít và đám cưới dường như đã gần kề. Bằng cách tỏ ra tự chủ, bạn có thể tránh bị lệch khỏi mục tiêu chính của một cuộc tìm hiểu thành công, đó là...

Tìm hiểu “con người bề trong”

Một nhóm nghiên cứu đã tường thuật trên Journal of Marriage and the Family (Tập san hôn nhân và gia đình) số ra tháng 5-1980 như sau: “Hôn nhân dường như có cơ hội tồn tại và phát triển hơn nếu khi lập gia đình, người ta hiểu biết tương đối đầy đủ về con người bên trong của nhau”. Vâng, tìm hiểu “con người bề trong” của người bạn đang tìm hiểu là điều tối cần thiết.—1 Phi-e-rơ 3:4, Bản Diễn Ý.

Tuy nhiên, để ‘múc lấy’ những suy tính trong lòng người khác đòi hỏi phải có nỗ lực và sự khôn sáng. (Châm-ngôn 20:5) Hãy sắp xếp những sinh hoạt giúp thấy được con người bên trong của người bạn đang tìm hiểu. Đi xem phim hay ca nhạc có thể thích hợp lúc đầu, nhưng tham gia vào các hoạt động tạo môi trường dễ nói chuyện (như chơi ván trượt, bowling, thăm sở thú, bảo tàng và phòng trưng bày tranh) có thể giúp các bạn tìm hiểu nhau nhiều hơn.

Hầu biết sơ qua về tình cảm của người đó, hãy cố gắng đặt những câu hỏi gợi chuyện như: ‘Khi rảnh anh/em thường làm gì?’ ‘Nếu có tiền, anh/em thích làm gì?’ ‘Anh/Em thích khía cạnh nào trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời nhất? Tại sao?’ Những câu hỏi này cho phép người kia nói lên ý nghĩ sâu xa của mình, như thế bạn có thể biết được người đó quí trọng điều gì.

Khi mối quan hệ đã đậm đà hơn và hai người đã suy nghĩ nghiêm túc hơn đến việc kết hôn, các bạn cần thảo luận nghiêm túc về một số vấn đề quan trọng như: chuẩn mực đạo đức của các bạn; các bạn sẽ sống ở đâu và bằng cách nào; vấn đề tài chánh, bao gồm cả việc liệu hai người có cùng đi làm hay không; con cái; kế hoạch sinh đẻ; khái niệm về vai trò của mỗi người trong hôn nhân; mục tiêu trước mắt và lâu dài của cả hai và cách để đạt được những mục tiêu đó. Nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va trẻ tuổi trở thành người truyền giáo trọn thời gian sau khi học xong và mong muốn tiếp tục phụng sự như thế sau khi kết hôn. Đây là lúc xem xét để biết chắc mục tiêu thiêng liêng của hai người hòa hợp với nhau hay không. Đây cũng là lúc để nói ra những điều, có lẽ đã xảy ra trong quá khứ, và có thể ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân. Điều này có thể bao gồm các khoản nợ lớn hoặc bổn phận quan trọng. Các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như một căn bệnh nghiêm trọng, và hậu quả của chúng cũng nên được thảo luận thẳng thắn.

Trong các cuộc thảo luận như thế, hãy theo gương của Ê-li-hu, người nói: “Lời lẽ của tôi phát xuất từ một tấm lòng ngay chính, môi tôi sẽ nói thành thực”. (Gióp 33:3, Trịnh Văn Căn) Khi giải thích bằng cách nào thời gian tìm hiểu đã giúp cô có được một hôn nhân hạnh phúc, Châu nói: “Tôi không bao giờ cố gắng ‘giả vờ’ hoặc nói tôi đồng ý với Hiếu trong khi lại cảm thấy khác. Đến bây giờ tôi vẫn không làm thế. Tôi luôn cố gắng trung thực”.

Đừng lẩn tránh hoặc chỉ đề cập qua loa những vấn đề tế nhị vì sợ khiến người kia bối rối. Bạch đã phạm phải sai lầm này khi cô tìm hiểu Hùng. Bạch nói cô đặt nặng việc dành dụm tiền cho tương lai và không hoang phí tiền bạc. Hùng nói anh cũng đồng ý như thế. Bạch không thảo luận sâu hơn nữa, nghĩ rằng hai người có cùng quan điểm về vấn đề tài chánh. Nhưng hóa ra thì theo Hùng, chuyện dành dụm tiền cho tương lai có nghĩa là để dành tiền để mua một chiếc xe đua mới! Sau khi kết hôn, sự bất hòa giữa họ về vấn đề chi tiêu tiền bạc lộ ra rõ rệt, và trở nên vô cùng nghiêm trọng.

Có thể tránh được những sự hiểu lầm như thế. Lý, được đề cập trước đây, nhìn lại giai đoạn tìm hiểu của cô như sau: “Đáng lẽ tôi phải đặt nhiều câu hỏi hơn nữa, chẳng hạn như: ‘Nếu lỡ em có thai nhưng anh lại không muốn có con, thì anh sẽ làm gì?’ Hay: ‘Nếu chúng ta mắc nợ nhưng em muốn ở nhà chăm sóc con cái, thì anh sẽ giải quyết ra sao?’ Rồi lẽ ra tôi nên cẩn thận chú ý phản ứng của anh ấy”. Những cuộc thảo luận như thế có thể làm sáng tỏ mọi ngõ ngách của lòng người, là điều bạn nên hiểu rõ trước khi kết hôn.

Hãy xem xét hành động của anh ta hay cô ta!

Châu giải thích: “Một người có thể tỏ ra rất đáng yêu với bạn khi chỉ có hai người. Nhưng khi có người khác xung quanh, họ thường bị đặt trong những tình huống bất ngờ. Một người bạn có thể nói với anh ta điều gì đó anh ta không thích, lúc đó mới thấy được anh ấy phản ứng ra sao trước áp lực. Anh ta sẽ quở trách người này hay tỏ ra châm biếm?” Cô kết luận: “Đi chơi chung với bạn bè và gia đình của nhau trong thời gian tìm hiểu đã giúp chúng tôi rất nhiều”.

Ngoài chuyện giải trí, cũng hãy dành thời gian làm việc chung. Hãy chia sẻ công việc của đạo Đấng Christ, gồm học hỏi Lời Đức Chúa Trời và thánh chức rao giảng. Cũng hãy làm chung một số công việc hàng ngày mà sau khi kết hôn sẽ thành lối sống—chẳng hạn như đi chợ, nấu ăn, rửa chén và lau nhà. Bằng cách làm việc chung trong những hoàn cảnh thực tế—ngay cả khi người tình biểu lộ những nét không hay—bạn sẽ có thể nhìn thấy sự thật đằng sau bất cứ sự che đậy giả tạo nào.

Chàng chăn chiên trong sách Nhã-ca đã nhìn thấy cách cô gái anh yêu xử sự khi nàng thất vọng hoặc khi nàng phải làm việc dưới trời nắng gắt—ướt đẫm mồ hôi và mệt lử. (Nhã-ca 1:5, 6; 2:15) Rồi sau khi thấy nàng một mực chung thủy từ chối sự quyến rũ của Vua Sa-lô-môn giàu có, chàng mới nói: “Hỡi bạn ta, mình vốn xinh-đẹp mọi bề, nơi mình chẳng có tì-vít gì cả”. (Nhã-ca 4:7) Chắc chắn anh không có ý nói nàng hoàn hảo, nhưng muốn nói nàng không có một nhược điểm đạo đức nghiêm trọng nào. Vẻ đẹp thể chất được tô điểm thêm nhờ những ưu điểm về đạo đức, có thể bù đắp cho bất cứ nhược điểm nào của nàng.—So sánh Gióp 31:7.

Để đánh giá được như thế cần phải có thời gian. Vì thế, hãy tránh hấp tấp trong việc tìm hiểu. (Châm-ngôn 21:5) Thường một người nam và một người nữ sẽ cố gắng hết sức để chinh phục tình cảm của nhau. Nhưng nếu dành đủ thời gian tìm hiểu, những thói quen và những khuynh hướng xấu sẽ từ từ lộ ra. Những cặp không chỉ dành nhiều thời gian tìm hiểu mà còn biết cách sử dụng thời gian đó cách tốt nhất sẽ dễ dàng hòa hợp hơn sau khi kết hôn. Họ có thể sáng suốt khi bước vào hôn nhân với sự tin tưởng rằng mọi sự bất đồng nảy sinh rồi sẽ được giải quyết êm đẹp. Một cuộc tìm hiểu thành công đã chuẩn bị cho họ có hôn nhân thành công và hạnh phúc.

[Chú thích]

^ đ. 8 Điều này áp dụng ở những xứ nơi mà việc hẹn hò là một tập quán và được xem là phù hợp với cách cư xử của tín đồ Đấng Christ. Thường thì người nam sẽ mở lời trước, tuy vậy không có nguyên tắc Kinh Thánh nào ngăn cấm một phụ nữ bày tỏ tình cảm của mình một cách nhã nhặn trong trường hợp người nam có vẻ nhút nhát hay lưỡng lự.—So sánh Nhã-ca 8:6.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Mục đích chính của thời gian tìm hiểu là gì, và nó quan trọng thế nào đối với hạnh phúc hôn nhân?

◻ Điều gì sẽ giúp bạn biết được ‘con người bề trong’ của người kia?

◻ Những kiểu trò chuyện nào sẽ giúp bạn thành công trong việc tìm hiểu?

◻ Tại sao dành nhiều thời gian với nhau trong những bối cảnh khác nhau là lợi ích?

◻ Đâu là những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ có vấn đề?

◻ Khi nào nên chấm dứt chuyện tìm hiểu?

[Câu nổi bật nơi trang 255]

“Hôn nhân dường như có cơ hội tồn tại và phát triển hơn nếu khi lập gia đình, người ta hiểu biết tương đối đầy đủ về con người bên trong của nhau”.—Journal of Marriage and the Family

[Khung/​Hình nơi trang 256, 257]

Chúng tôi có nên chia tay không?

Khi một cuộc tình đã đến chỗ phải quyết định, những sự nghi ngờ thường bắt đầu xuất hiện. Nếu những mối nghi ngờ đó xuất phát từ những nhược điểm nghiêm trọng của người kia hoặc từ bản thân mối quan hệ thì sao?

Chẳng hạn, ngay cả những người thật sự yêu nhau đôi khi cũng có thể bất đồng ý kiến. (So sánh Sáng-thế Ký 30:2; Công-vụ 15:39). Nhưng nếu các bạn luôn bất đồng ý kiến về mọi việc, nếu mỗi cuộc nói chuyện đều kết thúc trong cãi cọ, và nếu mối quan hệ của hai người chỉ là một chuỗi không dứt những lúc giận hờn rồi hòa giải, thì hãy cẩn thận! Một cuộc thăm dò trên 400 bác sĩ cho thấy rằng các cuộc cãi vã nhỏ nhặt thường xuyên là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy một người “chưa sẵn sàng về tình cảm cho hôn nhân”, thậm chí còn có thể phản ánh “mâu thuẫn không thể hòa giải giữa hai người”.

Một nguyên nhân khác có thể khiến bạn lo lắng là bạn nhận ra một nhược điểm rất khó chịu trong nhân cách của người hôn phối tương lai. Những biểu hiện của tính hung bạo, ích kỷ, thiếu chín chắn, tính khí thất thường, hoặc bướng bỉnh có thể khiến bạn tự hỏi mình có muốn sống suốt đời với người này không? Tuy nhiên, nhiều người xem nhẹ hoặc cố bào chữa cho những nhược điểm trên và dường như cương quyết tiến tới hôn nhân bằng mọi giá. Tại sao như thế?

Vì tín đồ Đấng Christ xem việc tìm hiểu là chuyện nghiêm túc, và đúng nên như thế, nên một số người cảm thấy bị áp lực phải lấy người mình đang tìm hiểu. Có thể họ cũng sợ phải đối mặt và làm tổn thương người kia. Có người lo rằng họ sẽ không tìm được một ai khác. Tuy nhiên, đây không phải là những lý do chính đáng để kéo dài một mối quan hệ đầy vấn đề.

Mục đích của việc tìm hiểu là xem xét khả năng kết hôn. Nếu một tín đồ Đấng Christ bắt đầu việc tìm hiểu một cách thật lòng, anh hay chị ấy không bắt buộc phải tiếp tục nếu mối quan hệ không được tốt đẹp. Chẳng phải là phi lý và ích kỷ sao khi cố kéo dài một mối quan hệ đang ngày một xấu đi chỉ vì ‘có lẽ mình không tìm được một ai khác?’ (So sánh Phi-líp 2:4). Vì thế, điều quan trọng là hai người đối mặt—không lẩn tránh—các vấn đề của đôi bên. Hãy bắt đầu bằng việc xem xét kỹ người mà bạn đang tìm hiểu.

Chẳng hạn, có biểu hiện nào cho thấy cô gái này sẽ là một người vợ tài đức, biết vâng phục hay không? (Châm-ngôn 31:10-31) Có bằng chứng nào cho thấy người đàn ông này có tình yêu vị tha và có khả năng chu cấp cho gia đình không? (Ê-phê-sô 5:28, 29; 1 Ti-mô-thê 5:8) Một người có thể nói mình là tôi tớ sốt sắng của Đức Chúa Trời, nhưng người đó có việc làm để chứng minh cho lời tuyên bố ấy chăng?—Gia-cơ 2:17, 18.

Dĩ nhiên, nếu bạn đã dành nhiều thời gian và tình cảm để vun đắp một mối quan hệ, thì đừng vội chấm dứt mối quan hệ đó chỉ vì phát giác ra anh ta hay cô ta không hoàn hảo. (Gia-cơ 3:2) Biết đâu bạn có thể chấp nhận được những nhược điểm của người đó.

Nếu không thì sao? Hãy thảo luận cặn kẽ mọi vấn đề. Mục tiêu và quan điểm sống của các bạn về căn bản có khác nhau không? Hay đó chỉ là những sự hiểu lầm mà thôi? Có thể cả hai người cần tập ‘chế-trị lòng mình’ và giải quyết các vấn đề một cách điềm tĩnh hơn? (Châm-ngôn 25:28) Nếu có những cố tật trong nhân cách, anh ta hay cô ta có khiêm nhường thừa nhận các nhược điểm của mình và chịu thay đổi hay không? Bạn có cần phải bớt nhạy cảm, tự ái đi chăng? (Truyền-đạo 7:9) ‘Lấy lòng thương-yêu mà chìu nhau’ là điều kiện thiết yếu trong một cuộc hôn nhân tốt đẹp.—Ê-phê-sô 4:2.

Thảo luận vấn đề cặn kẽ không làm hỏng đi mối quan hệ của bạn, nhưng rất có thể sẽ cho thấy khả năng tiếp tục phát triển mối quan hệ! Nhưng nếu cuộc thảo luận chấm dứt trong bực tức, đừng làm ngơ trước những dấu hiệu rõ ràng của một tai họa trước mắt. (Châm-ngôn 22:3) Mọi việc không chắc sẽ thay đổi sau khi thành hôn. Chấm dứt chuyện tìm hiểu có lẽ là điều tốt nhất cho cả hai người.

[Hình nơi trang 253]

Quan sát nhau khi chơi trong nhóm có thể giúp các bạn biết nhau mà không cần phải đặt quan hệ tình cảm

[Hình nơi trang 254]

Tuân theo phép xã giao địa phương và cư xử đúng đắn đặt một khuôn mẫu cho việc tôn trọng lẫn nhau, có thể tiếp tục sau khi kết hôn

[Hình nơi trang 259]

Khi chuyện tìm hiểu hiển nhiên không tiến triển tốt, tốt hơn nên thảo luận thẳng thắn với người đó, giải thích tại sao phải chấm dứt mối quan hệ