Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôi đã sẵn sàng để lập gia đình chưa?

Tôi đã sẵn sàng để lập gia đình chưa?

Chương 30

Tôi đã sẵn sàng để lập gia đình chưa?

HÔN NHÂN không phải là trò đùa. Đức Chúa Trời muốn vợ chồng có mối quan hệ vĩnh cửu, mật thiết hơn bất cứ mối quan hệ nào khác. (Sáng-thế Ký 2:24) Vì thế người hôn phối là người mà bạn sẽ gắn bó—hoặc chung sống—trong suốt quãng đời còn lại.

Bất kỳ cuộc hôn nhân nào cũng gặp “sự khó-khăn”. (1 Cô-rinh-tô 7:28) Nhưng Marcia Lasswell, giáo sư môn nghiên cứu hành vi con người, cảnh báo: “Về sự lâu bền của hôn nhân, chúng ta có thể khẳng định một điều: những người lập gia đình khi còn quá trẻ thường ở trong thế bất lợi ngay từ đầu”.

Tại sao quá nhiều cặp vợ chồng trẻ thất bại? Lời giải đáp cho câu hỏi này có thể là nền tảng để xét xem liệu bạn đã sẵn sàng để lập gia đình chưa.

Trông chờ quá nhiều

Một thiếu nữ thừa nhận: “Trước đây chúng tôi hiểu rất ít về hôn nhân. Chúng tôi nghĩ ai muốn làm gì thì làm, rửa chén hay không cũng được, nhưng thực tế không phải vậy”. Nhiều thanh thiếu niên nuôi dưỡng những tư tưởng thiếu chín chắn về hôn nhân. Họ tưởng tượng nó giống như một chuyện tình lãng mạn, hoặc họ muốn kết hôn để chứng tỏ mình đã trưởng thành. Một số khác chỉ muốn thoát khỏi những khó khăn ở nhà, ở trường, hay trong cộng đồng. Một cô gái tâm sự với chồng sắp cưới của mình: “Em sẽ rất sung sướng khi chúng ta lấy nhau. Khi đó em sẽ không phải quyết định bất cứ việc gì nữa!”

Nhưng hôn nhân không phải là chuyện tưởng tượng cũng không phải là cách để thoát khỏi mọi rắc rối. Có chăng nó chỉ gây thêm những vấn đề mới. Viên, có con đầu lòng lúc 20 tuổi, nói: “Nhiều thiếu niên lập gia đình để chơi trò làm nhà. Ồ, thật thú vị! Bạn nghĩ đến một đứa bé giống như một con búp bê nhỏ xinh xắn và bạn chỉ cần chơi với nó, nhưng thực tế không phải vậy”.

Nhiều thanh thiếu niên còn có những trông đợi không thực tế về quan hệ tình dục. Một thanh niên lập gia đình lúc 18 tuổi nói: “Sau khi kết hôn, tôi nhận ra rằng cái hứng thú trong tình dục phai đi rất nhanh và sau đó chúng tôi bắt đầu có nhiều vấn đề nghiêm trọng”. Một cuộc nghiên cứu các cặp vợ chồng ở tuổi thiếu niên cho thấy sau các vấn đề về tài chánh, phần lớn các cuộc cãi vã là về vấn đề tình dục. Chắc chắn điều này là do những người trẻ thường thiếu tính bất vị kỷ và tự chủ—là những đức tính cần thiết để cả hai vợ chồng được thỏa mãn về tình dục.—1 Cô-rinh-tô 7:3, 4.

Kinh Thánh khôn ngoan khuyên các tín đồ Đấng Christ nên kết hôn khi họ đã “qua tuổi bồng bột”. (1 Cô-rinh-tô 7:36, Nguyễn Thế Thuấn) Kết hôn khi đang ở cao điểm của sự đam mê có thể bóp méo suy nghĩ của bạn và khiến bạn không nhìn thấy khuyết điểm của người hôn phối tương lai.

Không sẵn sàng để đảm nhiệm vai trò của mình

Một cô dâu ở tuổi thiếu niên nói về chồng: “Sau khi kết hôn, anh ấy chỉ tỏ ra quan tâm đến tôi khi anh ấy muốn gần tôi. Anh nghĩ bạn trai của anh cũng quan trọng như tôi vậy... Trước đây tôi cứ nghĩ mình sẽ là người được anh ấy yêu thương nhất, nhưng tôi đã lầm to”. Điều này cho thấy các thanh niên thường có một quan điểm sai lầm: Họ nghĩ rằng khi làm chồng, họ vẫn có thể sống như khi còn độc thân.

Một cô dâu 19 tuổi nêu ra một vấn đề thường thấy nơi những người vợ trẻ: “Tôi thích xem truyền hình và ngủ hơn là lau nhà và nấu ăn. Tôi thật xấu hổ khi cha mẹ chồng đến thăm vì họ chăm sóc nhà cửa thật gọn ghẽ, còn tôi thì luôn bê bối. Tôi lại là một đầu bếp tồi”. Hôn nhân sẽ càng căng thẳng hơn khi một cô gái không có khả năng nội trợ! Viên (được trích ở trên) nói: “Hôn nhân đòi hỏi phải hết lòng. Đây không phải là trò chơi. Cuộc vui trong ngày cưới sẽ qua đi. Nó nhanh chóng trở thành cuộc sống hàng ngày và điều đó không phải dễ”.

Còn gánh nặng phải nuôi gia đình hàng ngày thì sao? Mạnh, chồng của Viên, nói: “Tôi nhớ khi còn làm chỗ làm đầu tiên, tôi phải thức dậy lúc 6 giờ sáng để đến sở. Tôi thường nghĩ: ‘Công việc gì mà khổ quá. Biết bao giờ tôi mới được nghỉ ngơi đây?’ Và khi về đến nhà, tôi cảm thấy Viên không hiểu tôi đã phải chịu vất vả đến thế nào”.

Vấn đề tiền bạc

Một nguyên nhân khác dẫn đến sự bất hòa trong hôn nhân của các cặp vợ chồng trẻ là tiền bạc. Có 48 cặp vợ chồng vị thành niên đã thừa nhận rằng sau khi kết hôn ba tháng, vấn đề lớn nhất của họ là “chi tiêu các khoản thu nhập của gia đình”. Sau gần ba năm, 37 cặp vợ chồng trong số này được hỏi lại cùng một câu hỏi. Tiền bạc vẫn là vấn đề số một—và thậm chí họ còn lo lắng nhiều hơn nữa! Biển hỏi: “Cuộc sống có gì vui nếu bạn không bao giờ có đủ tiền để mua những thứ mình thích?... Khi bạn không đủ tiền để tiêu giữa hai kỳ lương, thì bắt đầu có lắm cuộc cãi vã mất hạnh phúc”.

Vấn đề tiền bạc thường thấy ở thiếu niên vì họ thuộc nhóm có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất và lương thấp nhất. Thành thừa nhận: “Vì tôi không tự nuôi nổi gia đình, nên chúng tôi phải sống chung với cha mẹ tôi. Điều này đã tạo nên nhiều căng thẳng thật sự, nhất là vì chúng tôi có con”. Châm-ngôn 24:27 khuyên: “Hãy sửa-sang công-việc ở ngoài của con, và sắm-sẵn tại trong ruộng con; rồi sau hãy cất nhà của con”. Vào thời Kinh Thánh được viết ra, người đàn ông phải làm việc cực nhọc để sau này có đủ khả năng nuôi gia đình. Vì không được chuẩn bị đầy đủ như thế nên nhiều người chồng trẻ ngày nay cảm thấy việc nuôi gia đình là một gánh nặng.

Ngay cả lương cao cũng không giải quyết nổi vấn đề tiền bạc nếu cặp vợ chồng có quan điểm ấu trĩ về vật chất. Một cuộc nghiên cứu cho thấy “các thiếu niên thường nghĩ rằng họ sẽ có thể sắm sửa ngay cho gia đình tương lai của họ những thứ mà cha mẹ họ có lẽ đã phải dành dụm nhiều năm mới có được”. Nhất định hưởng ngay các tiện nghi vật chất đã khiến nhiều người bị nợ nần chồng chất. Vì thiếu sự chín chắn để có thể thỏa lòng với việc “đủ ăn đủ mặc” nên họ càng làm cho hôn nhân thêm căng thẳng.—1 Ti-mô-thê 6:8-10.

Khác xa về tính cách

Mỹ Tiên kể lại: “Trước đây tôi rất yêu Dân. Anh ấy đẹp trai hết sảy, khỏe mạnh, và là một vận động viên tài năng rất được mến mộ... Cuộc hôn nhân của chúng tôi chắc chắn phải hạnh phúc”. Nhưng không. Sự bực tức ngày một chồng chất cho đến lúc, như Mỹ Tiên nói: “Mọi điều Dân làm đều khiến tôi tức giận—ngay cả kiểu chép môi của anh ấy khi chúng tôi ăn chung. Cuối cùng, cả hai chúng tôi đều không thể chịu đựng được nữa”. Hôn nhân của họ đổ vỡ sau khoảng hai năm.

Vấn đề của họ là gì? Mỹ Tiên giải thích: “Mục đích cuộc sống của chúng tôi rất khác nhau. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng tôi cần một người có thể san sẻ kiến thức với mình. Nhưng cả cuộc sống của Dân là thể thao. Những điều tôi cho là quan trọng lúc 18 tuổi bỗng nhiên không còn ý nghĩa gì với tôi nữa”. Thanh thiếu niên thường có lối suy nghĩ rất trẻ con về những gì họ muốn nơi người hôn phối, cho rằng bề ngoài là quan trọng hàng đầu. Châm-ngôn 31:30 cảnh giác: “Duyên là giả-dối, sắc lại hư-không”.

Tự xét mình

Kinh Thánh gọi người hứa nguyện long trọng với Đức Chúa Trời, nhưng chỉ ‘sau khi đã khấn-nguyện rồi mới suy-xét đến’ là người hấp tấp thiếu suy nghĩ. (Châm-ngôn 20:25) Vậy, chẳng phải điều khôn ngoan là nên tự xét mình theo quan điểm của Kinh Thánh trước khi dấn thân vào một việc quan trọng như lời thề nguyện trong hôn nhân hay sao? Mục đích của đời sống bạn là gì? Nó sẽ bị hôn nhân ảnh hưởng thế nào? Có phải bạn muốn kết hôn chỉ để được nếm mùi chăn gối hay để trốn tránh khó khăn không?

Ngoài ra, bạn có sẵn sàng đảm nhiệm vai trò làm chồng hay làm vợ không? Bạn có khả năng quán xuyến việc nhà hay kiếm kế sinh nhai không? Nếu bạn thường xuyên xung đột với cha mẹ, liệu bạn có thể sống thuận hòa với người hôn phối của mình chăng? Bạn có thể đứng vững trước thử thách và khổ cực của đời sống hôn nhân không? Bạn đã thật sự bỏ “những điều thuộc về con trẻ” trong việc quản lý tiền bạn chưa? (1 Cô-rinh-tô 13:11) Chắc chắn cha mẹ có thể giúp bạn biết bạn đã sẵn sàng đến đâu.

Hôn nhân có thể là nguồn hạnh phúc tràn trề cũng có thể là nguồn đau khổ đắng cay nhất. Điều này tùy thuộc phần lớn vào sự chuẩn bị của bạn cho hôn nhân. Nếu bạn vẫn còn là một thiếu niên, tại sao không chờ thêm một thời gian nữa trước khi bắt đầu hẹn hò? Sự chờ đợi sẽ không gây tổn hại gì cho bạn. Nó sẽ cho bạn thời gian cần thiết để thật sự sẵn sàng nếu và khi bạn tiến tới giai đoạn nghiêm túc—và vĩnh viễn—là lập gia đình.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Một số thanh thiếu niên nuôi dưỡng tư tưởng thiếu chín chắn nào về hôn nhân?

◻ Tại sao bạn nghĩ rằng kết hôn chỉ để hưởng ân ái là điều không thực tế?

◻ Một số thanh thiếu niên tỏ ra thiếu chuẩn bị như thế nào cho vai trò làm chồng hoặc làm vợ?

◻ Tại sao các cặp vợ chồng trẻ thường gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về tiền bạc?

◻ Một số thanh thiếu niên phạm phải sai lầm nào khi lựa chọn người hôn phối?

◻ Bạn có thể tự đặt những câu hỏi nào để biết mình có sẵn sàng cho hôn nhân hay chưa? Sau khi xem xét các câu hỏi này, bạn cảm thấy mình đã sẵn sàng đến đâu cho hôn nhân?

[Câu nổi bật nơi trang 240]

“Về sự lâu bền của hôn nhân, chúng ta chỉ có thể khẳng định một điều: những người lập gia đình khi còn quá trẻ thường ở trong thế bất lợi ngay từ đầu”.—Marcia Lasswell, giáo sư môn nghiên cứu hành vi con người

[Hình nơi trang 237]

Nhiều thanh thiếu niên bước vào hôn nhân chỉ được chuẩn bị hơn thế này một chút