Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bỏ nhà đi—Có nên chăng?

Bỏ nhà đi—Có nên chăng?

Chương 7

Bỏ nhà đi—Có nên chăng?

“Thưa ba má,

“Cuối cùng con cũng ra đi. Như con đã nói từ trước, hành động này không phải để chọc giận hay chống lại ba má. Con không thể hạnh phúc trong vòng kiềm tỏa của ba má. Có thể làm thế này con cũng sẽ không hạnh phúc nhưng con vẫn muốn thử xem”.

ĐÓ LÀ lời mở đầu bức thư từ biệt của một cô gái 17 tuổi gửi cho cha mẹ. Hiện nay, ở Cộng Hòa Liên Bang Đức, cứ ba thiếu nữ hoặc bốn nam thanh niên tuổi từ 15 đến 24 thì có một người bỏ gia đình đi sống riêng. Có lẽ chính bạn cũng đã từng nghĩ đến việc bỏ nhà đi.

Đức Chúa Trời thấy trước sự mong muốn lập gia đình sẽ khiến cho một người “lìa cha mẹ”. (Sáng-thế Ký 2:23, 24) Cũng có những lý do hợp lý khác để rời khỏi gia đình, như để gia tăng công việc phụng sự Đức Chúa Trời chẳng hạn. (Mác 10:29, 30) Tuy nhiên, nhiều người trẻ rời gia đình chỉ để thoát khỏi những tình trạng mà họ không thể chịu đựng được. Một bạn trẻ nói: “Đơn giản là bạn muốn tự do hơn. Sống ở nhà với cha mẹ không còn thấy thoải mái nữa. Lúc nào bạn cũng phải tranh cãi, và họ không hiểu nhu cầu của bạn. Ngoài ra, bạn cảm thấy bị gò bó quá, nhất cử nhất động đều phải giải trình với cha mẹ”.

Bạn đã sẵn sàng sống tự lập chưa?

Nhưng việc bạn muốn độc lập phải chăng có nghĩa là bạn đã sẵn sàng để sống tự lập? Chắc chắn sống tự lập không dễ dàng như bạn nghĩ. Việc làm thì khó kiếm. Giá thuê nhà thì tăng vùn vụt. Những người trẻ thường phải làm gì khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế? Các tác giả của cuốn Pulling Up Roots (Nhổ rễ đi nơi khác) nói: “Họ lại quay về gia đình và trông chờ sự cấp dưỡng của cha mẹ”.

Còn sự trưởng thành về tinh thần, tình cảm và thiêng liêng thì sao? Bạn có thể tưởng rằng mình đã lớn, tuy nhiên cha mẹ vẫn thấy ở bạn “những điều thuộc về con trẻ”. (1 Cô-rinh-tô 13:11) Chẳng phải cha mẹ là người biết rõ nhất bạn nên được tự do đến mức nào hay sao? Chống lại ý kiến của cha mẹ và làm theo ý riêng của mình có thể dẫn bạn đến thảm họa!—Châm-ngôn 1:8.

‘Tôi không hợp với cha mẹ tôi!’

Đó có phải là trường hợp của bạn không? Dù vậy, đó không phải là lý do để bắt đầu khăn gói ra đi. Là một người trẻ, bạn vẫn cần cha mẹ và có thể sẽ nhận được nhiều lợi ích từ sự khôn ngoan sáng suốt của họ trong tương lai. (Châm-ngôn 23:22) Bạn có nên loại họ khỏi đời sống bạn chỉ vì một vài trở ngại với họ không?

Một bạn trẻ người Đức tên Karsten rời gia đình để làm thánh chức trọn thời gian cho biết như sau: “Đừng bao giờ bỏ nhà đi chỉ vì bạn không thể hợp với cha mẹ. Nếu bạn không thể hợp với họ thì làm thế nào bạn có thể hợp với những người khác? Rời gia đình sẽ không giải quyết được vấn đề của bạn. Ngược lại nó chỉ chứng tỏ bạn thiếu chín chắn, không thể tự lập được, và sẽ càng thêm bất hòa với cha mẹ”.

Đạo đức và động cơ

Khi rời bỏ gia đình sớm, các bạn trẻ có khuynh hướng xem thường những mối nguy hiểm về mặt đạo đức. Ở Lu-ca 15:11-32, Chúa ­Giê-su nói về một thanh niên muốn được độc lập và đã rời khỏi gia đình. Không còn dưới ảnh hưởng tốt của cha mẹ, anh ta bắt đầu “ăn chơi hoang-đàng”, sa vào tình dục vô luân. Chẳng bao lâu anh ta phung phí hết tiền bạc của mình. Việc làm khó kiếm đến nỗi anh ta phải làm một công việc mà người Do Thái khinh miệt: đó là nghề chăn heo. Tuy nhiên, đứa con trai hoang đàng hay phá của ấy đã tỉnh ngộ. Dẹp lòng tự ái của mình, anh ta trở về nhà và cầu xin sự tha thứ của người cha.

Mặc dù ví dụ này được kể với mục đích nhấn mạnh lòng thương xót của Đức Chúa Trời, nhưng nó cũng chứa đựng một bài học thực tiễn: Bỏ nhà đi với động cơ thiếu khôn ngoan có thể nguy hại đến đạo đức và thiêng liêng! Tiếc thay, một số tín đồ trẻ mới bắt đầu sống tự lập đã bị tổn hại về thiêng liêng. Vì không ổn định về tài chính, nhiều người đã phải kết hợp để chia chi phí với những người trẻ khác có lối sống trái với các nguyên tắc Kinh Thánh.—1 Cô-rinh-tô 15:33.

Một thanh niên người Đức tên Horst nhớ lại một người trẻ cùng tuổi với cậu đã bỏ nhà đi: “Anh ta bắt đầu sống chung với người bạn gái dù chẳng cưới gả gì. Họ mở những buổi tiệc rượu chảy như nước, và anh ta thường uống đến say khướt. Nếu còn trong khuôn khổ gia đình, chắc hẳn cha mẹ anh đã không cho phép làm như thế”. Horst kết luận: “Đúng là một khi rời gia đình, bạn có nhiều tự do hơn. Nhưng thành thật mà nói, chẳng phải việc ra đi thường là dịp để thực hiện những chuyện xấu xa hay sao?”

Vì thế, nếu bạn mong muốn được tự do hơn, hãy tự hỏi: Tại sao tôi muốn tự do nhiều hơn? Có phải để có nhiều của cải vật chất hay để được tự do làm những điều mà cha mẹ sẽ ngăn cấm nếu tôi sống ở nhà? Hãy nhớ những gì Kinh Thánh nói trong ­Giê-rê-mi 17:9: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa: ai có thể biết được?”

Làm sao tôi có thể trưởng thành nếu cứ ở nhà?

Cuốn Adolescence (Tuổi thiếu niên) nhận xét: “Việc rời khỏi gia đình tự nó không đảm bảo bạn sẽ thành công trở thành người lớn. Sống trong gia đình cũng chẳng cản trở bạn tiến tới sự trưởng thành”. Thật vậy, sự trưởng thành có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ sở hữu về tiền bạc, việc làm và chỗ ở. Bạn chỉ làm chủ được cuộc sống mình khi mạnh dạn đương đầu trực tiếp với các vấn đề. Sẽ không lợi ích gì nếu tránh né những tình huống mà bạn không thích. Ca-thương 3:27 nói: “Thật tốt cho người mang ách lúc trẻ-thơ”.

Ví dụ những bậc cha mẹ khó hòa hợp hoặc rất khắt khe chẳng hạn. Anh Mẫn, nay đã 47 tuổi, có một người cha trước đây thường bắt anh làm nhiều việc vặt sau giờ học. Suốt kỳ nghỉ hè, trong khi những đứa trẻ khác chơi đùa, Mẫn phải làm việc. Anh nói: “Trước đây, tôi nghĩ cha tôi là người khắc nghiệt nhất trên đời vì đã không cho chúng tôi chơi đùa và vui hưởng cuộc sống. Tôi luôn nghĩ: ‘Phải chi mình có thể đi khỏi đây và tìm một chỗ riêng cho mình!’ ” Tuy nhiên, giờ đây anh Mẫn nhìn vấn đề cách khác: “Những gì cha đã làm cho tôi thật vô giá. Cha đã dạy tôi cách làm việc siêng năng và chịu đựng khó khăn. Sau này tôi gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn, nhưng tôi biết cách đối phó”.

Hạnh phúc hão

Tuy nhiên, chỉ sống trong gia đình không đảm bảo cho sự trưởng thành của bạn. Một bạn trẻ nói: “Sống chung với cha mẹ giống như sống trong hạnh phúc hão. Họ làm mọi thứ cho tôi”. Một phần của sự trưởng thành là học cách tự mình làm mọi việc cho chính mình. Đồng ý là đổ rác hay giặt ủi không thú vị bằng nghe những bản nhạc ưa thích. Nhưng sẽ ra sao nếu bạn chẳng bao giờ học làm những việc đó? Bạn có thể trở thành một người vô dụng, hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ và người khác.

Bạn (bất kể là nam hay nữ thanh niên) đã chuẩn bị cho việc tự lập sau này bằng việc học nấu ăn, giặt, ủi, làm việc nhà hay sửa xe chưa?

Độc lập về kinh tế

Những bạn trẻ trong những xứ giàu có thường quan niệm kiếm tiền thì dễ mà tiêu xài còn dễ hơn. Nếu có được một việc làm bán thời gian, họ thường tiêu xài vào việc mua sắm dàn máy âm thanh nổi hay quần áo đắt tiền. Nhưng những người trẻ đó sẽ biết rằng một sự thật phũ phàng đang chờ đợi họ khi họ rời khỏi gia đình! Anh Horst (được đề cập ở phần trước) nhớ lại: “Đến cuối tháng [hồi tôi ở riêng], cả thực phẩm lẫn tiền bạc đều sạch nhẵn”.

Tại sao bạn không học cách dùng tiền khi còn sống trong gia đình? Cha mẹ có nhiều năm kinh nghiệm về vấn đề này, do đó họ có thể giúp bạn tránh nhiều nỗi khó khăn. Cuốn Pulling Up Roots đề nghị bạn hãy hỏi cha mẹ những câu hỏi như: ‘Mỗi tháng phải chi bao nhiêu cho điện, nước, ga, điện thoại? Cần phải trả những loại thuế nào? Tiền thuê nhà bao nhiêu?’ Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những người trẻ đi làm việc thường có nhiều tiền túi hơn cha mẹ họ! Vì thế, nếu bạn có việc làm, hãy tự nguyện đóng góp ở mức vừa phải để giúp trả các chi phí gia đình.

Hãy học tập trước khi bạn rời khỏi gia đình

Không, không nhất thiết bạn phải rời khỏi gia đình thì mới trưởng thành. Nhưng bạn phải siêng năng làm việc khi còn sống trong gia đình để phát triển óc phán đoán và khả năng xét đoán đúng đắn. Cũng hãy tập hòa thuận với người khác. Hãy chứng tỏ bạn có thể chịu đựng được những lời chỉ trích, sự thất bại hay những điều thất vọng. Hãy trau dồi đức tính ‘hiền-lành, trung-tín, mềm-mại, tiết-độ’. (Ga-la-ti 5:22, 23) Những điểm này là dấu hiệu thật sự của một người nam hay nữ tín đồ Đấng Christ đã trưởng thành.

Sớm muộn gì, những hoàn cảnh, như việc kết hôn, có thể sẽ đưa đến việc rời khỏi mái ấm gia đình. Tại sao lại vội vã ra đi khi chưa đến lúc? Hãy bàn kỹ vấn đề đó với cha mẹ. Có lẽ họ sẽ sung sướng được tiếp tục chung sống với bạn, đặc biệt nếu bạn thật sự góp phần vào hạnh phúc của gia đình. Với sự giúp đỡ của họ, bạn có thể tiếp tục lớn lên, học tập, và trưởng thành ngay tại gia đình.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Tại sao nhiều người trẻ nôn nóng rời khỏi gia đình?

◻ Tại sao đa số người trẻ chưa sẵn sàng cho việc ra đi như thế?

◻ Những mối nguy hiểm của việc rời khỏi gia đình sớm là gì?

◻ Những người trẻ bỏ nhà đi thường phải đương đầu với những vấn đề nào?

◻ Bằng cách nào bạn có thể trưởng thành dù vẫn sống trong gia đình?

[Câu nổi bật nơi trang 57]

“Đừng bao giờ bỏ nhà đi chỉ vì bạn không thể hợp với cha mẹ... làm thế nào bạn có thể hợp với những người khác?”

[Khung nơi trang 60, 61]

Bỏ nhà đi có phải là giải pháp không?

Hơn một triệu thanh thiếu niên bỏ nhà đi mỗi năm. Một số vì muốn trốn khỏi những hoàn cảnh không thể chịu đựng được như bị hành hạ hoặc bị sách nhiễu tình dục. Nhưng thông thường phần lớn bỏ nhà đi vì cãi cọ với cha mẹ về những vấn đề như giờ giấc ấn định phải về nhà, kết quả học tập ở trường, việc vặt trong nhà, hay việc lựa chọn bạn bè.

Có lẽ cha mẹ bạn không có cùng một quan điểm và cách nghĩ với bạn. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ đến việc cha mẹ có trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời về việc nuôi dạy bạn theo “sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa” không? (Ê-phê-sô 6:4) Vì lý do đó, họ có thể bảo bạn phải cùng họ tham dự các buổi nhóm họp và hoạt động tôn giáo hoặc ngay cả hạn chế mối giao du của bạn với những bạn trẻ khác. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Đó có phải là những lý do để bạn chống đối hay bỏ nhà đi không? Bạn cũng có trách nhiệm trước mặt Đức Chúa Trời: “Hãy tôn-kính cha mẹ ngươi”.—Ê-phê-sô 6:1-3.

Hơn nữa, bỏ nhà đi không giải quyết được gì cả. Cô Mỹ Linh bỏ nhà đi lúc 14 tuổi tâm sự: “Bỏ nhà đi chỉ gây thêm nhiều khó khăn cho bạn mà thôi”. Tác giả Margaret O. Hyde nói trong cuốn My Friend Wants to Run Away (Bạn tôi muốn bỏ nhà ra đi) như sau: “Thực tế chỉ một số ít người trẻ kiếm được việc làm để sống tự lập khi bỏ nhà đi. Còn phần lớn đều có đời sống tệ hơn so với trước khi họ rời bỏ gia đình”. Và tạp chí ’Teen (Thiếu niên) ghi nhận: “Các thanh thiếu niên không tìm thấy tự do ngoài đường phố. Thay vào đó, họ chỉ tìm thấy những người giống như họ—bỏ nhà đi hoặc bị gia đình bỏ bê—sống trong những ngôi nhà bỏ hoang, không được bảo vệ hầu tránh khỏi những tên hiếp dâm và trấn lột. Họ cũng gặp những kẻ chuyên nghề bỉ ổi lợi dụng người trẻ, và những thanh thiếu niên bỏ nhà đi là những miếng mồi ngon cho chúng”.

Khi bỏ nhà đi, Mỹ Linh được một tên 22 tuổi “quan tâm”, bắt cô trả giá chỗ ở “bằng quan hệ tình dục với hắn và với chín thằng bạn của hắn”. Cô cũng “say sưa rượu chè và nghiện ma túy”. Một cô gái khác tên Xuân bị ông nội nuôi sách nhiễu tình dục và đã bỏ nhà đi. Cô trở thành gái mãi dâm sống ngoài đường và ngủ trên những chiếc ghế công viên hoặc bất kỳ nơi nào cô có thể tìm được. Những người này tiêu biểu cho phần lớn những người rời bỏ gia đình.

Đa số những người bỏ nhà đi đều không đủ năng lực để tìm việc làm. Họ cũng không có bất kỳ một thứ giấy tờ cần thiết nào để tìm được việc làm, như giấy khai sinh, thẻ an sinh xã hội, địa chỉ thường trú. Luân nói: “Tôi phải đi ăn cắp, ăn xin, nhưng chủ yếu là ăn cắp vì chẳng ai cho tôi gì cả”. Khoảng 60 phần trăm trẻ bỏ nhà đi là nữ, nhiều người trong số họ sống bằng nghề mãi dâm. Những kẻ chuyên về tài liệu khiêu dâm, buôn bán ma túy, và kẻ mối lái thường hay lui tới các trạm xe buýt tìm kiếm những đứa trẻ bỏ nhà đi để lợi dụng. Họ có thể cho những người trẻ đang lo sợ kia chỗ ở và thức ăn. Họ thậm chí còn có thể cho bọn trẻ những gì chúng thiếu thốn ở gia đình—đó là cảm giác được yêu thương.

Rồi đến lúc nào đó, những bậc “ân nhân” này đòi trả ơn. Và điều đó có nghĩa là phải làm việc cho họ như gái mãi dâm, tham gia vào những trò dâm dục bậy bạ, hay chụp ảnh khiêu dâm. Chẳng ngạc nhiên gì khi nhiều trẻ bỏ nhà đi kết cuộc bị thương tổn trầm trọng—hoặc chết!

Chính vì thế điều khôn ngoan là nên cố gắng hết sức nói chuyện với cha mẹ bạn—không chỉ một lần mà thôi. Hãy cho họ biết cảm xúc của bạn và chuyện gì đang xảy ra. (Xem Chương 23). Trong trường hợp bị hiếp đáp hoặc bị sách nhiễu tình dục, có lẽ bạn cần phải yêu cầu sự giúp đỡ bên ngoài.

Trong bất kỳ trường hợp nào, hãy thảo luận, đừng rời bỏ gia đình. Cho dù cuộc sống ở nhà không lý tưởng đi nữa, hãy luôn nhớ rằng mọi chuyện có thể còn tồi tệ hơn nữa khi bạn bỏ nhà đi.

[Các hình nơi trang 59]

Có thể học tập những kỹ năng tề gia nội trợ cần thiết cho một cuộc sống tự lập ở ngay nhà bạn