Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôi có thể đối phó thế nào với việc tái hôn của cha mẹ?

Tôi có thể đối phó thế nào với việc tái hôn của cha mẹ?

Chương 5

Tôi có thể đối phó thế nào với việc tái hôn của cha mẹ?

Shane hồi tưởng: “Ngày ba kết hôn với dì Rita là ngày đau buồn nhất đời tôi. Tôi thật tức giận. Giận vì ba đã phản bội mẹ. Giận vì mẹ đã đi học luật, bỏ chúng tôi ở nhà. Điên vì hai đứa ôn con, con riêng của dì Rita, sẽ đến sống trong nhà chúng tôi... Nhưng, người làm tôi tức giận nhất là dì Rita... Tôi ghét dì ấy. Và vì biết rằng thù hận là không đúng lý, nên tôi cũng đã giận chính mình”.—Stepfamilies—New Patterns in Harmony, của tác giả Linda Craven.

SỰ TÁI HÔN của cha hoặc mẹ phá tan hy vọng một ngày nào đó cha mẹ sẽ tái hợp. Điều đó có thể khiến bạn cảm thấy bất an, bị phản bội, và ghen tức.

Việc tái hôn đặc biệt gây đau đớn nếu nó theo sau cái chết của người cha hay người mẹ thân yêu. Minh, 16 tuổi, đã thừa nhận: “Cái chết của mẹ tôi đã khiến tôi trở nên cay đắng. Tôi nghĩ rằng vị hôn thê của ba đã chiếm chỗ của mẹ, nên tôi đã rất cay nghiệt với bà”. Vì trung thành với cha hoặc mẹ ruột nên thậm chí có thể bạn cảm thấy có tội khi bắt đầu yêu mến cha mẹ kế.

Bởi thế, chẳng ngạc nhiên gì khi nhiều người trẻ trút nỗi đau khổ của mình qua nhiều cách phá hoại. Một số còn âm mưu phá vỡ cuộc hôn nhân mới của cha hoặc mẹ mình. Nhưng hãy nhớ rằng mẹ hoặc cha ruột của bạn và cha hoặc mẹ kế đã cùng thề nguyền trước Đức Chúa Trời. “Vậy, loài người [hay người con] không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp”. (Ma-thi-ơ 19:6) Và cho dù bạn có thể phân rẽ họ đi nữa, việc này cũng không giúp cha mẹ ruột của bạn tái hợp.

Cũng chẳng khôn ngoan gì nếu cứ mãi chống lại với cha hoặc mẹ kế. Châm-ngôn 11:29 cảnh cáo: “Ai khuấy-rối nhà mình sẽ được gió làm cơ-nghiệp”, điều đó có nghĩa là kết cuộc chẳng được gì. Nỗi oán hận của một cô gái 15 tuổi tên Diệu với mẹ kế cuối cùng đã dẫn đến một cuộc cãi cọ dữ dội. Hậu quả là gì? Người mẹ kế đòi cha của Diệu phải chọn lựa giữa bà và con gái ông. Rốt cuộc, Diệu đành lui về sống với mẹ ruột, là người cũng đã tái hôn.

Tình yêu thương giúp bạn đương đầu

Bí quyết để đối phó thành công với việc tái hôn của cha hoặc mẹ bạn là gì? Đó là áp dụng tình yêu thương theo nguyên tắc diễn đạt nơi 1 Cô-rinh-tô 13:4-8:

Tình yêu thương chẳng kiếm tư-lợi”. Nói cách khác, “chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác”. (1 Cô-rinh-tô 10:24) Nếu cha hoặc mẹ bạn đã quyết định cần một người bạn đời, liệu bạn có nên bực tức về điều này không?

Tình yêu-thương chẳng ghen-tị”. Thông thường người trẻ không muốn san sẻ tình yêu thương của cha mẹ ruột với người khác. Nhưng bạn chẳng nên lo sợ là cha mẹ bạn sẽ hết yêu thương bạn vì tình thương có thể chan hòa. (So sánh 2 Cô-rinh-tô 6:11-13). Cha mẹ ruột của bạn có thể phát triển tình yêu của họ đối với người hôn phối mới mà không hề mất đi sự trìu mến dành cho bạn! Bạn có mở rộng lòng mình để tiếp nhận một người cha hoặc mẹ kế không? Làm thế không có nghĩa là bạn phản bội người cha hoặc mẹ đã chia tay.

Tình yêu thương “chẳng làm điều trái phép”. Sống chung với anh chị em mới khác giới tính có thể tạo những áp lực về đạo đức. Theo báo cáo, khoảng 25 phần trăm những gia đình có cha hoặc mẹ kế có quan hệ tình dục bất chánh với nhau.

Việc tái hôn của mẹ cậu Đại đã thêm vào gia đình bốn chị em gái ở lứa tuổi thiếu niên. Cậu nói: “Tôi phải đề phòng để tâm trí tránh nghĩ đến những cảm giác tính dục”. Bạn cũng nên cẩn thận tránh sự thân mật thái quá, đồng thời tránh ăn mặc và cư xử khêu gợi.—Cô-lô-se 3:5.

Tình yêu thương “hay dung-thứ mọi sự,... nín-chịu mọi sự”. Đôi khi dường như chẳng có điều gì có thể khiến cho nỗi đau đớn của bạn nguôi ngoai! Mai kể rằng: “Tôi cảm thấy mình thừa thãi trong gia đình. Thậm chí tôi đã nói với mẹ rằng phải chi tôi đừng sinh ra”. Mai nổi loạn và bỏ nhà ra đi! Tuy nhiên, giờ đây cô cho biết: “Điều tốt nhất là nhịn nhục”. Nếu bạn cũng nhịn nhục như thế thì cuối cùng, sự cay đắng, bối rối và nỗi đau mà bạn đã cảm thấy lúc đầu sẽ lắng dịu.

‘Ông/Bà không phải là cha/mẹ ruột tôi!’

Đặt mình vào kỷ luật của cha mẹ mới không phải là dễ, và khi họ bảo làm một việc gì đó, có thể bạn muốn buột miệng ngay: ‘Ông/Bà không phải là cha/mẹ ruột tôi!’ Nhưng hãy nhớ đến nguyên tắc ghi nơi 1 Cô-rinh-tô 14:20: “Về việc hiểu biết, nên chín chắn như người lớn”.—Bản Diễn Ý.

Chấp nhận quyền dạy dỗ của cha mẹ kế là một cách để chứng tỏ rằng bạn đã ‘chín chắn như người lớn’. Người cha hoặc mẹ kế ấy làm tròn bổn phận của cha mẹ ruột và đáng được bạn kính trọng. (Châm-ngôn 1:8; Ê-phê-sô 6:1-4) Vào thời Kinh Thánh được viết ra, Ê-xơ-tê được cha nuôi, hay người “bảo-dưỡng” chăm nom, khi cha mẹ nàng qua đời. Dù không phải là cha ruột, mỗi khi Mạc-đô-chê ‘dặn dò’ nàng đều vâng lời, ngay cả khi trưởng thành! (Ê-xơ-tê 2:7, 15, 17, 20) Thật vậy, sự dạy dỗ của cha mẹ kế thường là sự biểu lộ tình yêu thương và mối quan tâm của họ đối với bạn.—Châm-ngôn 13:24.

Tuy nhiên, vẫn sẽ có những than phiền chính đáng. Nếu thế, hãy chứng minh rằng bạn là người ‘chín chắn’ bằng cách hành động theo lời khuyên giục nơi Cô-lô-se 3:13: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau”.

Hãy tập chia sẻ và dung hòa

Lúc 15 tuổi, My sống một mình với mẹ, có phòng riêng và mặc quần áo đắt tiền. Khi mẹ cô tái hôn, My thấy mình lọt vào một gia đình có bốn trẻ con, và mọi sự đã thay đổi. Cô than: “Bây giờ tôi chẳng còn phòng riêng nữa và phải san sẻ mọi thứ”.

Bạn cũng có thể phải từ bỏ vị trí con trưởng hay con một. Nếu là con trai, trước đây bạn có lẽ được coi như người đàn ông trong nhà—địa vị này bây giờ bị bố dượng chiếm mất. Còn nếu bạn là con gái, trước đây mẹ con bạn thân thiết như hai chị em, ngay cả cùng ngủ chung một phòng, nhưng giờ bạn phải dọn ra khỏi phòng vì bố dượng.

Kinh Thánh khuyên: “Hãy cho mọi người biết tính phải lẽ của anh em”. (Phi-líp 4:5, NW) Từ ngữ gốc được dùng có nghĩa là “hay nhân nhượng” và truyền đạt tinh thần của một người không khăng khăng đòi mọi quyền lợi hợp pháp của mình. Thế nên, hãy tập nhân nhượng và dung hòa. Hãy cố gắng thích nghi với tình thế mới và tránh nuối tiếc quá khứ. (Truyền-đạo 7:10) Hãy sẵn sàng chia sẻ với anh chị em ghẻ và không nên coi họ như người ngoài. (1 Ti-mô-thê 6:18) Càng sớm đối xử với nhau như anh em ruột, thì cảm tình đối với nhau càng chóng nảy nở. Còn đối với người đàn ông mới trong nhà, đừng phẫn nộ với ông. Hãy vui mừng rằng đã có người giúp gánh vác trách nhiệm gia đình.

Đương đầu với sự đối xử thiên vị

Sau khi thừa nhận rằng bố dượng có biểu lộ tình yêu thương, một cô gái trẻ đã nói thêm: “Nhưng có sự khác biệt. Ông ta đòi hỏi nhiều hơn, sửa phạt nhiều hơn, ít thông cảm đối với chúng tôi... hơn là đối với các con ruột của ông ở cùng trang lứa với chúng tôi. Điều đó làm chúng tôi khó chịu”.

Phải hiểu rằng thường thì giữa con ghẻ và con ruột, cha mẹ kế không có đồng tình cảm. Điều đó không hẳn là do sự ràng buộc máu mủ với con ruột mình, nhưng là vì họ đã cùng san sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống. Xét cho cùng, ngay cả cha mẹ ruột cũng có thể yêu mến đứa này nhiều hơn đứa khác. (Sáng-thế Ký 37:3) Tuy nhiên có sự khác biệt quan trọng giữa bình đẳng và công bằng. Mỗi người có nhân cách riêng và những nhu cầu khác biệt nhau. Thay vì quan tâm quá mức đến việc bạn có được đối xử bình đẳng hay không, hãy cố nhận định xem cha mẹ kế của bạn có nỗ lực đáp ứng những nhu cầu của bạn không. Nếu bạn cảm thấy những nhu cầu này chưa được đáp ứng thì bạn có lý do để thảo luận vấn đề này với cha mẹ kế của bạn.

Anh chị em ghẻ của bạn cũng có thể là manh mối của sự tranh cạnh. Đừng quên rằng có thể họ cũng có khó khăn trong việc thích nghi với sự tái hôn của cha mẹ ruột họ. Có thể họ cũng phẫn nộ vì bạn là kẻ xâm nhập vào gia đình của họ. Vậy nên, hãy hết sức ân cần. Nếu họ hắt hủi bạn thì hãy cố gắng ‘lấy điều thiện thắng điều ác’. (Rô-ma 12:21) Ngoài ra, không lạ gì việc chính anh chị em ruột cũng thỉnh thoảng bất đồng với nhau.—Xem Chương 6.

Lòng kiên nhẫn mang lại kết quả!

“Cuối-cùng của một việc hơn sự khởi-đầu nó; lòng kiên-nhẫn hơn lòng kiêu-ngạo”. (Truyền-đạo 7:8) Thông thường phải mất vài năm những người trong một gia đình có cha mẹ kế mới có đủ sự tin cậy để có thể cảm thấy thoải mái với nhau. Chỉ khi ấy, các thói quen và các quan điểm khác nhau mới được dung hòa thành một đời sống bình thường. Thế nên hãy kiên nhẫn! Đừng mong sẽ có tình yêu thương ngay tức khắc giữa bạn và anh chị em ghẻ, hay sẽ có một gia đình lý tưởng ngay lập tức.

Khi mẹ của Thông tái hôn, quả thật cậu cảm thấy khó chịu. Mẹ cậu có bốn đứa con và người đàn ông mà bà kết hôn có ba đứa con riêng. Thông viết: “Chúng tôi đã đánh nhau, gây gổ, rối ren, và rất căng thẳng với nhau”. Sau rốt điều gì đã mang lại thành công? “Bằng cách áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh, mọi việc đã được giải quyết; không hẳn luôn được dàn xếp ngay lập tức, nhưng với thời gian và nhờ áp dụng các bông trái thánh linh của Đức Chúa Trời, tình thế cuối cùng đã êm đẹp”.—Ga-la-ti 5:22, 23.

Kinh nghiệm của những bạn trẻ sau đây mà chúng tôi đã phỏng vấn sẽ cho thấy rằng việc hết lòng áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh thật sự mang lại thành công trong một gia đình có cha mẹ kế:

Những người trẻ thành công trong những gia đình có cha mẹ kế

Phóng viên: Làm thế nào bạn tránh bực tức khi bố dượng sửa phạt?

Liên: Mẹ và bố dượng tôi luôn luôn đồng ý với nhau trong việc sửa phạt. Khi có chuyện xảy ra, cả hai đều chung một quyết định hành động, nên lúc bị đánh đòn, tôi hiểu rằng điều đó do cả hai nhất trí.

Liễu: Thoạt đầu thật là khó vì tôi hay nói: “Ông có quyền gì để bảo tôi làm việc này?” Nhưng sau đó tôi suy nghĩ Kinh Thánh khuyên dạy là ‘Hãy kính trọng cha mẹ ngươi’. Dù ông không phải là cha ruột tôi, nhưng dưới mắt Đức Chúa Trời ông vẫn là cha tôi.

Bằng: Tôi hiểu là mẹ tôi sẽ đau lòng biết bao nếu tôi phẫn nộ với người bà yêu.

Phóng viên: Điều gì tạo được những cuộc trò chuyện cởi mở?

Liên: Bạn phải quan tâm đến những gì cha mẹ kế làm. Tôi đã giúp bố dượng tôi trong công việc ngoài đời của ông. Chúng tôi thường trò chuyện khi cùng làm việc. Điều này giúp tôi biết ông nghĩ gì. Nhiều lúc tôi chỉ ngồi kề bên ông để cùng nói chuyện phiếm.

Vân Ly: Tôi và mẹ kế dành nhiều thời gian bên nhau, và tôi thật sự hiểu bà. Chúng tôi trở nên bạn thân thiết nhất của nhau.

Bằng: Ba tôi chết chỉ một năm thì mẹ tái hôn. Tôi đã không chịu thân thiện với bố dượng vì không muốn ông ấy thế chỗ ba tôi. Tôi đã cầu xin Đức Chúa Trời giúp tôi vơi nỗi buồn về cái chết của ba tôi và đến gần bố dượng hơn. Tôi cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện. Đức ­Giê-hô-va đã nhậm những lời cầu xin này.

Phóng viên: Bạn đã làm gì để gần gũi hơn với họ?

Vân Ly: Thỉnh thoảng tôi mời mẹ kế đi xem trình diễn—chỉ hai chúng tôi đi thôi. Hay khi ra phố, tôi mua vài cành hoa hoặc một cái bình, một vật gì đó để chứng tỏ là tôi có nghĩ đến bà. Bà thật sự cảm động về việc này.

Trí: Bạn phải tìm ra điều gì chung mà cả hai cùng vui thích. Điều duy nhất mà tôi có chung với bố dượng là ông đã kết hôn với mẹ tôi, và chúng tôi sống chung một nhà. Sự giúp đỡ lớn nhất đã đến khi tôi cũng bắt đầu chú ý đến Kinh Thánh như ông. Khi tôi đến gần với ­Giê-hô-va Đức Chúa Trời hơn, tôi càng gần gũi hơn với bố dượng. Bây giờ chúng tôi thật sự đã có chung một điều quan trọng!

Phóng viên: Riêng cá nhân, bạn được lợi ích nào?

Bằng: Khi sống một mình với mẹ, tôi là đứa con bất trị và hư đốn. Tôi luôn đòi hỏi mọi việc phải theo ý mình. Bây giờ tôi đã tập quan tâm đến người khác và bớt ích kỷ đi.

Liên: Bố dượng giúp tôi suy nghĩ như một người lớn. Ông đã dạy tôi những kỹ năng làm việc và biết sử dụng đôi bàn tay mình. Khi tôi gặp khó khăn và cần người giúp đỡ, ông luôn sẵn sàng hỗ trợ. Ông đúng là người cha tốt nhất chưa từng có.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Nhiều người trẻ cảm thấy thế nào khi cha mẹ họ tái hôn? Tại sao?

◻ Tình yêu thương của tín đồ Đấng Christ giúp người trẻ đối phó với vấn đề ra sao?

◻ Bạn có cần tuân theo kỷ luật của cha mẹ kế không?

◻ Tại sao biết dung hòa và chia sẻ là quan trọng?

◻ Bạn có nên mong đợi được đối xử bình đẳng với anh chị em ghẻ không? Bạn sẽ làm gì nếu cảm thấy không được đối xử công bằng?

◻ Bạn có thể làm những gì để hòa hợp hơn với cha mẹ kế?

[Câu nổi bật nơi trang 45]

“Tôi nghĩ rằng vị hôn thê của ba đã chiếm chỗ của mẹ, nên tôi đã rất cay nghiệt với bà”

[Hình nơi trang 43]

Sự tái hôn của cha mẹ ruột thường làm phát sinh những cảm xúc giận dữ, bất an và hờn ghen

[Hình nơi trang 46]

Kỷ luật của cha mẹ kế thường gây bực tức