Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao cha mẹ không hiểu tôi?

Tại sao cha mẹ không hiểu tôi?

Chương 2

Tại sao cha mẹ không hiểu tôi?

PHÀM là con người ai chẳng muốn được người khác hiểu mình. Nếu cha mẹ hay chỉ trích hoặc không lưu tâm đến những gì bạn thích hoặc cho là quan trọng, bạn sẽ cảm thấy hết sức nản lòng.

Bình, 16 tuổi, cảm thấy cha em không hiểu em về sở thích chọn nhạc. Bình nói: “Ông chỉ biết hét lên: ‘Tắt ngay!’ Vì vậy tôi tắt máy và cũng không nói chuyện với ông nữa”. Tương tự, nhiều bạn trẻ thu mình vào thế giới riêng khi thấy dường như cha mẹ thiếu cảm thông. Trong một cuộc nghiên cứu rộng rãi nhằm tìm hiểu về giới trẻ, 26 phần trăm các bạn trẻ được phỏng vấn đều thừa nhận: “Tôi cố gắng ở nhà càng ít càng tốt”.

Do đó, có sự rạn nứt hoặc hố sâu ngăn cách rất lớn giữa cha mẹ và con cái trong nhiều gia đình. Điều gì gây ra nông nỗi này?

“Sức-lực” đối nghịch với “tóc bạc”

Châm-ngôn 20:29 nói: “Sức-lực của gã trai-trẻ là vinh-hiển của người”. Nhưng sức mạnh hay “sức-lực” này có thể là căn nguyên của nhiều cuộc xung đột giữa bạn và cha mẹ. Câu châm-ngôn trên nói tiếp: “Còn tóc bạc là sự tôn-trọng của ông già”. Cha mẹ bạn có thể chưa có “tóc bạc” theo nghĩa đen, nhưng họ lớn tuổi hơn và có cái nhìn cuộc đời cách khác hơn. Họ hiểu rằng không phải mọi tình huống trong cuộc đời đều có một kết cuộc tốt đẹp. Kinh nghiệm đắng cay của bản thân có thể đã làm thay đổi lý tưởng mà họ đã từng có khi còn trẻ. Vì có sự khôn ngoan do trải qua nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời—ví như “tóc bạc”—có lẽ họ không thể chia sẻ sự nhiệt tình của bạn về một số việc nào đó.

Giáp nói: “Cha mẹ tôi (đã từng sống qua thời kinh tế suy thoái lúc thiếu thời) cảm thấy nên dành dụm tiền để mua hoặc chi tiêu cho những thứ quan trọng. Thế nhưng, tôi đang sống ngay thời này... Tôi muốn đi du lịch nhiều”. Vâng, giữa “sức-lực” của tuổi trẻ và “tóc bạc” của cha mẹ có thể có một hố ngăn cách rất lớn. Nhiều gia đình vì thế bị chia rẽ trầm trọng vì những vấn đề như cách ăn mặc chải chuốt, cách cư xử với người khác phái, việc sử dụng ma túy, rượu, giờ giấc ấn định phải về nhà, bạn bè, và các công việc vặt trong nhà. Tuy vậy, khoảng cách thế hệ có thể được lấp lại. Nhưng nếu muốn cha mẹ hiểu mình, thì mình phải cố gắng hiểu họ trước.

Cha mẹ cũng là người

Dân nói: “Khi còn nhỏ, dĩ nhiên tôi cảm thấy mẹ tôi là người ‘hoàn hảo’ và không có bất cứ sự yếu kém và cảm xúc nào như tôi”. Sau đó, cha mẹ anh ly dị, mẹ anh phải một mình chăm sóc bảy người con. Chị của Dân là Âu nhớ lại: “Tôi nhớ đã thấy mẹ khóc vì bực tức do không thể quán xuyến hết mọi mặt. Sau đó, tôi nhận thấy rằng chúng tôi đã có một quan điểm sai lầm. Mẹ không thể lúc nào cũng làm được mọi điều đúng lúc và đúng cách. Chúng tôi hiểu rằng mẹ có cảm xúc và cũng chỉ là người mà thôi”.

Nhìn nhận cha mẹ chỉ là người với những cảm xúc giống như bạn là một bước lớn giúp bạn hiểu họ. Chẳng hạn, họ có lẽ cảm thấy lo âu về khả năng của họ trong việc dạy dỗ bạn cách thích hợp. Hoặc vì cảm thấy bị áp đảo trước những nguy hiểm và cám dỗ vô luân mà bạn phải đương đầu, đôi khi họ có thể phản ứng quá mạnh mẽ trước các điều đó. Cũng có thể họ phải đối phó với các khó khăn về thể chất, tài chánh hoặc tình cảm. Chẳng hạn, một người cha có thể không bao giờ phàn nàn, mặc dù ông chán ngán công việc làm của mình. Vì vậy khi con ông nói: “Con chán học lắm rồi”, chẳng ngạc nhiên gì nếu ông không thông cảm mà còn đốp ngay: “Chuyện gì thế? Đi học sướng quá còn gì!”

Lưu ý đến “quyền lợi”

Vậy thì làm thế nào bạn có thể biết được cảm nghĩ của cha mẹ? Bằng cách “đừng vị kỷ nhưng phải lưu ý đến quyền lợi người khác”. (Phi-líp 2:4, Bản Diễn Ý) Hãy thử hỏi mẹ bạn về thời niên thiếu của mẹ. Cảm nghĩ và mục tiêu của mẹ là gì? Tạp chí ’Teen (Thiếu niên) cho biết: “Có thể khi thấy bạn quan tâm và ý thức về những nguyên do gây nên những cảm xúc của bà, bà sẽ cố gắng để quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của bạn”. Điều này chắc chắn cũng đúng cho cha bạn.

Nếu mâu thuẫn xảy ra, chớ vội buộc tội cha mẹ bạn là vô tình. Hãy tự hỏi: ‘Có phải cha mẹ không cảm thấy khỏe, hay lo lắng về điều gì chăng? Cha hay mẹ có lẽ đang buồn vì một việc làm hay lời nói thiếu suy nghĩ nào đó của tôi chăng? Có phải chỉ đơn giản là cha mẹ hiểu lầm điều tôi muốn nói không?’ (Châm-ngôn 12:18) Tỏ ra thông cảm sâu xa như vậy là sự khởi đầu tốt để lấp khoảng cách thế hệ. Bấy giờ bạn có thể cố gắng làm cho cha mẹ hiểu bạn! Thế nhưng nhiều bạn trẻ khiến điều này trở thành một việc hết sức khó khăn. Do đâu vậy?

Sống cuộc đời hai mặt

Ái Vân, 17 tuổi, đã sống như thế khi cãi lời cha mẹ lén lút hẹn hò với một bạn trai. Cô tin chắc cha mẹ sẽ chẳng hiểu được những cảm xúc cô dành cho người bạn trai đó. Lẽ dĩ nhiên, khoảng cách giữa cô và cha mẹ ngày một lớn. Ái Vân nói: “Chúng tôi làm khổ nhau và tôi không thích về nhà”. Cô quyết định sẽ lập gia đình và ra khỏi nhà bằng bất cứ giá nào!

Tương tự, nhiều bạn trẻ ngày nay sống cuộc đời hai mặt—làm những điều cha mẹ họ không biết và ngăn cấm—và sau đó than thở cha mẹ ‘không hiểu họ’! May mắn thay, Ái Vân lại được một nữ tín đồ Đấng Christ lớn tuổi giúp đỡ khuyên nhủ: “Ái Vân à, hãy nghĩ đến cha mẹ cháu... Họ đã nuôi dưỡng cháu lớn lên. Nếu cháu không thể giữ mối quan hệ với cha mẹ, làm sao cháu có thể giữ mối quan hệ với một người ở tuổi cháu, một người mà trong 17 năm qua chưa từng yêu thương cháu?”

Ái Vân thành thật suy xét chính mình. Cô sớm nhận ra rằng cha mẹ cô đúng và lòng cô bị lạc lối. Cô ngừng giao thiệp với bạn trai và bắt đầu lấp khoảng cách giữa cô và cha mẹ. Cũng vậy, nếu trong cuộc sống, bạn còn giấu cha mẹ điều quan trọng nào nữa, thì đây chẳng phải là lúc để thành thật tỏ bày với họ sao?—Xin xem phần “Làm thế nào tôi có thể nói cho cha mẹ biết?”

Dành thời gian để nói chuyện

Dân nói về một chuyến đi chơi với cha cậu: “Đó là thời gian tốt đẹp nhất mà tôi đã từng có với cha tôi!” Cậu nói tiếp: “Suốt cả đời, tôi chưa bao giờ ở một mình với cha sáu giờ đồng hồ liền. Sáu tiếng đi, sáu tiếng về không có radio trên xe. Chúng tôi thật sự tâm sự với nhau. Cứ như thể lần đầu tiên chúng tôi biết về nhau. Ở cha có nhiều điều hay hơn tôi tưởng. Dịp ấy đã biến chúng tôi thành bạn thân”. Tương tự, tại sao bạn lại không cố gắng thường xuyên thảo luận vui vẻ với mẹ hay cha của bạn?

Kết thân với những người lớn tuổi khác cũng là một điều hữu ích. Ái Vân nhớ lại: “Trước đây, tôi tuyệt đối không quan hệ với những người lớn tuổi hơn. Nhưng rồi tôi quyết định cố gắng đi theo cha mẹ khi họ giao thiệp với những người lớn tuổi khác. Với thời gian, tôi đã tạo được sự thân thiện với những người cùng lứa tuổi với cha mẹ, và điều này giúp tôi có một cái nhìn hoàn thiện hơn. Nó giúp tôi dễ dàng nói chuyện với cha mẹ hơn. Không khí trong gia đinh được cải thiện rõ rệt”.

Quan hệ với những người có sự khôn ngoan từng trải cũng sẽ giúp bạn tránh đi theo một quan điểm sống hạn hẹp là điều có thể xảy ra khi chỉ kết bạn với người đồng lứa.—Châm-ngôn 13:20.

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Người trẻ Ê-li-hu nói: “Các lời tôi nói sẽ chiếu theo sự chánh-trực của lòng tôi; điều tôi biết lưỡi tôi sẽ nói cách thành-thực”. (Gióp 33:3) Đó có phải là cách bạn thảo luận với cha mẹ khi bất đồng ý kiến về những vấn đề như quần áo, giờ giấc ấn định phải về nhà, hoặc âm nhạc không?

Một bạn trẻ tên Duy cảm thấy mẹ cậu hoàn toàn vô lý. Vì thường cãi cọ gay gắt với mẹ, cậu càng vắng nhà. Nhưng sau đó cậu đã áp dụng lời khuyên của vài trưởng lão trong đạo Đấng Christ. Cậu nói: “Tôi bắt đầu nói cho mẹ biết cảm nghĩ của tôi. Tôi giải thích tại sao tôi muốn làm những điều đó thay vì cho rằng mẹ chắc đã biết rồi. Nhiều lần tôi trút hết nỗi lòng và giải thích rằng tôi không cố tình làm điều gì sai trái, và tôi cảm thấy khó chịu khi mẹ đối xử với tôi như một đứa con nít. Rồi mẹ tôi bắt đầu hiểu và dần dần mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn”.

Tương tự như thế, bạn có thể nhận thấy rằng nói theo ‘sự chánh-trực của lòng’ có thể giải quyết nhiều sự hiểu lầm.

Xử lý các bất đồng

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa cha mẹ bạn sẽ lập tức có cùng quan điểm với bạn. Do đó, bạn phải kềm chế cảm xúc của mình. “Kẻ ngu xuẩn buông theo cơn giận dữ, nhưng người khôn ngoan kềm chế chúng và làm dịu bớt”. (Châm-ngôn 29:11, Nguyễn Thế Thuấn) Hãy bình tĩnh giải thích tại sao quan điểm của bạn có lý. Đề cập thẳng vào vấn đề cần bàn thay vì cãi bướng là “ai cũng làm như vậy!”

Thỉnh thoảng cha mẹ bạn sẽ không đồng ý với bạn. Điều này không có nghĩa họ không hiểu bạn. Họ có lẽ chỉ muốn ngăn chặn trước tai họa xảy ra. Một bạn gái 16 tuổi thừa nhận: “Mẹ tôi thật nghiêm khắc với tôi. Tôi rất khó chịu khi mẹ cấm tôi làm một số điều, hoặc [bắt tôi phải] về nhà vào giờ giấc nhất định. Nhưng, trong thâm tâm, mẹ tôi thực sự quan tâm... Mẹ muốn bảo vệ tôi”.

Sự hiểu biết lẫn nhau đem lại cho gia đình sự an toàn và đầm ấm không sao tả hết. Nó biến gia đình thành nơi ẩn náu trong những lúc khó khăn. Nhưng điều cần thiết là mỗi người trong cuộc phải nỗ lực thực sự.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Tại sao những người trẻ và cha mẹ thường mâu thuẫn với nhau?

◻ Việc hiểu cha mẹ hơn có thể ảnh hưởng quan điểm của bạn đối với họ như thế nào?

◻ Làm thế nào bạn có thể hiểu cha mẹ hơn?

◻ Tại sao sống cuộc đời hai mặt làm sâu thêm sự rạn nứt giữa bạn và cha mẹ?

◻ Tại sao cho cha mẹ biết các vấn đề nghiêm trọng bạn đang gặp phải là phương cách tốt nhất? Làm thế nào bạn có thể nói cho cha mẹ biết?

◻ Làm thế nào bạn có thể giúp cha mẹ hiểu bạn hơn?

[Câu nổi bật nơi trang 22]

“Khi thấy bạn quan tâm và ý thức về những nguyên do gây nên những cảm xúc của bà, bà sẽ cố gắng để quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của bạn”.—Tạp chí Teen.

[Khung/​Hình nơi trang 20, 21]

Làm thế nào tôi có thể nói cho cha mẹ biết?

Việc phải thú nhận lỗi lầm với cha mẹ thật chẳng có gì là thú vị. Một bạn trẻ tên Vinh nói: “Tôi luôn luôn cảm thấy cha mẹ tin tưởng tôi rất nhiều và điều ấy khiến tôi khó tâm sự với họ, bởi vì tôi không muốn làm họ đau lòng”.

Những bạn trẻ cố che giấu lỗi lầm của mình thường làm cho lương tâm bị dằn vặt. (Rô-ma 2:15) Các lỗi lầm của họ có thể trở thành “một gánh nặng”, quá nặng đến nỗi không thể mang nổi. (Thi-thiên 38:4) Một điều hầu như không thể tránh khỏi là họ sẽ buộc phải nói dối để phỉnh gạt cha mẹ họ, và như thế vi phạm thêm sai lầm khác. Như vậy, mối liên lạc của họ với Đức Chúa Trời bị thiệt hại.

Kinh Thánh nói: “Người nào giấu tội-lỗi mình sẽ không được may-mắn; nhưng ai xưng nó ra và lìa-bỏ nó sẽ được thương-xót”. (Châm-ngôn 28:13) Như bạn Bích, 19 tuổi, đã nói: “Dù sao Đức ­Giê-hô-va cũng thấy hết mọi điều”.

Nếu vấn đề liên quan đến một sai lầm nghiêm trọng, hãy tìm kiếm sự tha thứ của Đức ­Giê-hô-va, xưng lỗi lầm của bạn ra trong lời cầu nguyện. (Thi-thiên 62:8) Kế tiếp, hãy nói cho cha mẹ bạn biết. (Châm-ngôn 23:26) Với kinh nghiệm trong cuộc sống, họ thường có thể giúp bạn từ bỏ và tránh tái phạm các lỗi lầm của mình. Cường, 18 tuổi, thuật lại: “Nói ra các lỗi lầm thực sự có thể giúp ích cho bạn. Cuối cùng nó sẽ khiến cho đầu óc bạn thanh thản”. Vấn đề là làm thế nào bạn nói cho cha mẹ biết?

Kinh Thánh đề cập đến “lời nói phải thì”. (Châm-ngôn 25:11; so sánh Truyền-đạo 3:1, 7). Khi nào là đúng lúc? Cường nói tiếp: “Tôi đợi cho tới giờ ăn tối và nói cho cha biết tôi muốn nói chuyện với cha”. Con trai của một người mẹ đơn chiếc thì thử vào một dịp khác: “Tôi thường nói chuyện với mẹ ngay trước giờ đi ngủ, khi ấy đầu óc mẹ thư giãn hơn. Khi mẹ vừa đi làm về, mẹ còn rất căng thẳng”.

Bạn có thể nói như thế này: “Ba má à, con đang có chuyện lo lắng”. Và nếu cha mẹ dường như quá bận không chú ý đến thì sao? Bạn có thể nói: “Con biết ba má đang bận, nhưng con đang có chuyện rất lo lắng. Con có thể thưa chuyện với ba má được chứ?” Rồi bạn có thể hỏi: “Ba má đã bao giờ làm điều gì quá xấu hổ đến độ không dám nói ra không?”

Bây giờ đến phần khó: kể cho cha mẹ bạn biết lỗi lầm đó. Hãy khiêm tốn và “nói thật”, đừng cố giảm bớt tính nghiêm trọng của lỗi lầm này hoặc giấu giếm những chi tiết không hay. (Ê-phê-sô 4:25; so sánh Lu-ca 15:21). Hãy dùng ngôn từ mà cha mẹ bạn có thể hiểu được, tránh dùng tiếng lóng của riêng giới trẻ.

Dĩ nhiên, cha mẹ bạn có thể cảm thấy đau lòng và thất vọng lúc đầu. Vì vậy, chớ ngạc nhiên hay phẫn nộ nếu bạn phải hứng chịu một loạt những lời quở trách! Nếu bạn chú ý đến những lời cảnh giác của cha mẹ lúc đầu, có lẽ bạn đã không lâm vào tình trạng này. Do đó hãy bình tĩnh. (Châm-ngôn 17:27) Hãy lắng nghe cha mẹ bạn nói và trả lời những câu hỏi của họ, dù cách họ đặt câu hỏi có thế nào đi nữa.

Chắc chắn việc bạn thành tâm muốn sửa chữa lỗi lầm sẽ tạo một ấn tượng sâu sắc với họ. (So sánh 2 Cô-rinh-tô 7:11). Tuy nhiên, cũng nên chuẩn bị để nhận một hình thức kỷ luật tương xứng nào đó. “Thật các sự sửa-phạt lúc đầu coi như một cớ buồn-bã, chớ không phải sự vui-mừng; nhưng về sau sanh ra bông-trái công-bình và bình-an cho những kẻ đã chịu luyện-tập như vậy”. (Hê-bơ-rơ 12:11) Cũng nên nhớ rằng đây sẽ không phải là lần cuối cùng bạn cần đến lời khuyên chín chắn và sự giúp đỡ của cha mẹ. Hãy tập thói quen tâm sự với cha mẹ về những vấn đề nhỏ nhặt để khi những vấn đề nghiêm trọng xảy ra, bạn sẽ không ngại nói cho họ biết những điều làm bạn bận tâm.

[Hình]

Hãy chọn lúc cha mẹ bạn đang thư thái