Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao tôi phải “tôn-kính cha mẹ”?

Tại sao tôi phải “tôn-kính cha mẹ”?

Chương 1

Tại sao tôi phải “tôn-kính cha mẹ”?

“HÃY tôn-kính cha mẹ ngươi”. Đối với nhiều người trẻ những lời này nghe như thể chuyện thời Trung Cổ.

Vi công khai chống lại cha cô bằng cách hẹn hò với một bạn trai nghiện rượu và ma túy, và ngang nhiên đi khiêu vũ cho tới sáng. Cô giải thích: “Tôi cảm thấy cha tôi quá nghiêm khắc. Tôi đã 18 tuổi, và tôi thiết nghĩ là tôi đã biết tất cả rồi. Tôi cảm thấy cha quá khắt khe và không muốn cho tôi vui chơi, nhưng tôi cứ đi và làm những gì tôi muốn”.

Phần đông những người trẻ có lẽ sẽ không tán thành các hành động của Vi. Thế nhưng, nếu cha mẹ bảo họ dọn dẹp phòng họ, làm bài tập, hay về nhà đúng giờ, thì nhiều người sẽ ấm ức hoặc tệ hơn sẽ công khai thách thức cha mẹ! Tuy vậy, quan điểm của người trẻ về cha mẹ mình không chỉ đưa đến sự hòa thuận yên ổn hay xào xáo trong gia đình mà còn ảnh hưởng đến chính cuộc sống của họ nữa. Vì điều răn “hãy tôn-kính cha mẹ ngươi” đến từ Đức Chúa Trời và Ngài cho chúng ta lý do sau đây để vâng theo điều răn này: “Hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất”. (Ê-phê-sô 6:2, 3) Phần thưởng Ngài hứa quả là quý. Vì thế chúng ta hãy xem xét tôn kính cha mẹ thật sự có nghĩa gì.

“Tôn-kính” cha mẹ có nghĩa gì?

Từ ngữ “tôn kính” liên quan đến việc nhìn nhận uy quyền được chỉ định. Chẳng hạn, tín đồ Đấng Christ được lệnh phải “tôn-trọng vua”. (1 Phi-e-rơ 2:17) Có thể không phải lúc nào bạn cũng đồng ý với một nhà cầm quyền trong nước, nhưng địa vị hoặc chức vụ của người đó vẫn phải được tôn trọng. Tương tự, Đức Chúa Trời đã trao cho các bậc cha mẹ một số quyền trong gia đình. Điều này có nghĩa bạn phải công nhận quyền Đức Chúa Trời ban cho cha mẹ để đặt ra các phép tắc mà bạn phải tuân theo. Hẳn nhiên có thể những cha mẹ khác khoan dung hơn cha mẹ bạn. Dầu vậy, cha mẹ bạn vẫn có trách nhiệm quyết định điều gì tốt nhất cho bạn—và những gia đình khác có thể có những tiêu chuẩn khác.

Đành rằng các bậc cha mẹ tốt nhất đôi khi cũng có thể độc đoán—ngay cả không công bằng, nhưng nơi Châm-ngôn 7:1, 2 một người cha khôn ngoan đã nói: “Hỡi con [nam hay nữ],... khá tuân-thủ các mạng-lịnh ta, thì con sẽ được sống”. Cũng vậy, các phép tắc hay “mạng-lịnh” của cha mẹ bạn thường là để mang lại lợi ích cho bạn và cho thấy sự quan tâm và tình yêu thương chân thật của họ.

Chẳng hạn, Dân được mẹ em nhắc đi nhắc lại là khi băng qua đại lộ có sáu lằn xe gần nhà thì phải dùng cầu dành riêng cho người đi bộ. Một hôm, hai cô gái cùng trường thách em băng tắt qua con đường đó. Lờ đi những lời chế nhạo ‘đồ thỏ đế’ của hai cô gái, Dân cứ đi theo lối dành riêng cho người đi bộ. Khi đang đi trên cầu, Dân nghe tiếng bánh xe rít lên. Nhìn xuống, em kinh hoàng khi chứng kiến hai cô gái bị một chiếc xe đụng và hất tung cả hai lên trời! Đương nhiên, việc vâng lời cha mẹ hiếm khi là vấn đề sinh tử. Tuy nhiên, sự vâng lời thường có ích cho bạn.

‘Tôn-kính cha mẹ ngươi’ cũng có nghĩa là chấp nhận sự sửa trị, không hờn dỗi hay tỏ ra giận dữ khi bị quở trách. Lời Châm-ngôn 15:5 nói chỉ kẻ ngu dại mới “khinh sự khuyên-dạy của cha mình”.

Cuối cùng, tỏ sự tôn kính không chỉ có nghĩa là tôn trọng cho có lệ hay vâng lời cách bất đắc dĩ. Gốc động từ Hy Lạp nguyên thủy được dịch là “tôn-kính” ở trong Kinh Thánh về căn bản có nghĩa nhìn nhận một người nào đó có phẩm giá cao. Vậy thì bạn phải kính trọng và quý mến cha mẹ bạn. Điều này có nghĩa bạn phải tỏ lòng yêu thương và biết ơn cha mẹ. Tuy nhiên, một số người trẻ hoàn toàn không có tình thương nồng nàn đối với cha mẹ họ.

Các cha mẹ có khuyết điểm—Có xứng đáng được tôn kính không?

Một cô gái tên Diễm viết: “Cha tôi uống rượu rất nhiều. Tôi không thể ngủ được vì cha mẹ tôi thường cãi vã và la hét. Tôi nằm trên giường và chỉ biết khóc. Tôi không thể nói cho cha mẹ biết tâm trạng của mình vì mẹ có thể sẽ đánh tôi. Kinh Thánh nói ‘hãy tôn-kính cha ngươi’, nhưng tôi thì không thể”.

Những cha mẹ nóng tính, vô luân, say sưa hoặc thường xuyên cãi vã nhau, có thật sự xứng đáng được tôn kính không? Có, bởi vì Kinh Thánh lên án việc “nhạo-báng” cha hay mẹ. (Châm-ngôn 30:17) Hơn nữa, Châm-ngôn 23:22 cũng nhắc nhở chúng ta rằng cha mẹ “đã sanh ra” mình. Chỉ lý do đó thôi cũng đủ để tôn kính cha mẹ rồi. Duy, một thời rất vô lễ, bây giờ nói: “Tạ ơn Giê-hô-va Đức Chúa Trời vì [mẹ tôi] đã không phá thai khi cưu mang tôi hoặc vứt tôi vào thùng rác khi tôi còn là một đứa bé sơ sinh. Một mình mẹ phải nuôi cả thảy sáu đứa con. Tôi biết cuộc sống đối với mẹ thật khó khăn”.

Mặc dù bất toàn, cha mẹ cũng đã hy sinh nhiều cho bạn. Duy nói tiếp: “Một lần kia, trong nhà chúng tôi chỉ còn vỏn vẹn một hộp bắp và một ít cháo bắp. Mẹ tôi đã sửa soạn bữa ăn cho bọn con nít chúng tôi, còn mẹ thì nhịn. Tôi đi ngủ, bụng no, nhưng cứ tự hỏi tại sao mẹ đã không ăn gì. Giờ đây, khi đã có gia đình riêng, tôi mới hiểu được là mẹ đã hy sinh cho các con”. (Theo một bản tường trình ở Canada, thì việc nuôi một đứa trẻ đến tuổi 18 tốn 66.400 đô la).

Cũng cần nhận thức rằng không phải vì cha mẹ không nêu gương tốt thì mọi điều họ nói với bạn đều sai cả. Vào thời Chúa Giê-su, các nhà lãnh đạo tôn giáo đều bại hoại. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói với dân chúng như sau: “Hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi; nhưng đừng bắt-chước việc làm của họ”. (Ma-thi-ơ 23:1-3, 25, 26) Nguyên tắc này không thể áp dụng cho một số cha mẹ sao?

Phản ứng ra sao khi cảm thấy bực bội

Còn nếu bạn cảm thấy cha hay mẹ bạn đang lạm dụng quyền hành một cách nghiêm trọng thì sao? * Hãy bình tĩnh. Nổi loạn hoặc tỏ thái độ thù hằn hay hằn học chẳng giải quyết được gì. (Truyền-đạo 8:3, 4; so sánh Truyền-đạo 10:4). Một cô gái 17 tuổi bực bội cha mẹ cô vì họ chỉ lo cãi nhau ầm ĩ và dường như chẳng quan tâm gì đến cô. Rồi vì bực bội với cha mẹ mình nên cô đâm ra oán ghét các nguyên tắc Kinh Thánh mà cha mẹ đã cố gắng dạy dỗ cô. Chỉ vì tức giận, cô đã liều lĩnh lao vào sự vô luân và lạm dụng ma túy. “Tôi cảm thấy đó là cách tôi trả đũa họ”, đó là lời giải thích cay đắng của cô. Nhưng bởi lòng đầy hằn học, cô chỉ làm tổn thương chính bản thân mình.

Kinh Thánh cảnh cáo: “Chớ để cơn giận giục [bạn] chống-cự cùng sự sửa-phạt... Khá giữ lấy mình, chớ xây về tội-ác” (Gióp 36:18-21). Hãy nhận thức rằng cha mẹ có trách nhiệm trước mặt Đức Giê-hô-va về hạnh kiểm của họ và sẽ phải khai trình với Ngài về bất cứ sự bất công nghiêm trọng nào của mình.—Cô-lô-se 3:25.

Châm-ngôn 19:11 nói: “Sự khôn-ngoan của người khiến cho người chậm nóng-giận; và người lấy làm danh-dự mà bỏ qua tội phạm”. Đôi khi, tốt nhất là cố gắng tha thứ và quên đi những điều mà cha hay mẹ đã làm mình đau lòng. Hãy chú ý đến những đức tính tốt đẹp của cha mẹ hơn là nhớ mãi những lỗi lầm. Ví dụ, cô Điệp có một người mẹ lạnh lùng và một ông bố dượng nghiện rượu. Hãy lưu ý làm thế nào mà việc hiểu rõ về khuyết điểm của cha mẹ cô đã giúp cô khỏa lấp được sự cay đắng. Cô nói: “Có lẽ chẳng bao giờ mẹ tỏ tình yêu thương đối với chúng tôi vì khi còn bé mẹ đã bị bạo hành thay vì được yêu thương. Dượng tôi thì có chú ý đến các sinh hoạt của chúng tôi khi ông không say rượu, nhưng những lúc như thế thật hiếm. Tuy vậy, tôi và em gái tôi vẫn có nơi ăn, chốn ở”.

May mắn thay, những cha mẹ bất thường hoặc thờ ơ chỉ là thiểu số. Rất có thể là cha mẹ bạn chú ý đến bạn và cố gắng nêu gương tốt. Dầu vậy đôi lúc bạn vẫn cảm thấy bực bội cha mẹ về chuyện gì đó. Một thanh niên tên Lộc thú nhận: “Khi đem một chuyện gì ra nói với mẹ, tôi cảm thấy mẹ không hiểu ý tôi. Tôi phát cáu và nói điều gì đó cho hả giận cốt làm cho mẹ đau lòng. Tôi trả đũa bằng cách đó. Nhưng lúc bỏ đi, tôi cảm thấy rất đau buồn và tôi biết mẹ cũng chẳng hơn gì”.

Những lời thiếu suy nghĩ có thể ‘đâm thủng’ và làm ‘tổn thương’, nhưng chúng không giải quyết được các vấn đề của bạn. “Lưỡi người khôn ngoan làm lành vết thương”. (Châm-ngôn 12:18; 15:1, Nguyễn Thế Thuấn) Lộc giải thích: “Dù khó làm tôi cũng vẫn trở về và xin lỗi. Khi ấy tôi có thể thảo luận vấn đề bình tĩnh hơn, và chúng tôi giải quyết được vấn đề”.

‘Cha tôi nói đúng’

Điều đáng chú ý là một số người trẻ đã làm cho họ và cha mẹ họ mệt mỏi bằng cách cưỡng lại những chỉ dẫn của cha mẹ, nhưng sau đó thì nhận ra cha mẹ họ hoàn toàn đúng. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của Vi (được đề cập ở đầu chương). Một hôm, cô và bạn trai lái xe đi chơi. Anh ta say cần sa và uống nhiều bia. Vì không kịp phản ứng, chiếc xe leo lên lề và đụng vào một trụ đèn ở tốc độ 100 cây số giờ. Vi sống sót—bị một vết thương dài và sâu ở trên trán. Người bạn trai chạy trốn, thậm chí không hề chường mặt tại bệnh viện để giúp đỡ cô.

Vi thú nhận: “Khi cha mẹ tôi đến bệnh viện, tôi nói rằng mọi điều cha tôi đã nói đều đúng và lẽ ra tôi nên nghe theo từ trước... Tôi đã lầm lẫn lớn, và suýt mất mạng”. Sau đó, thái độ của cô đối với cha mẹ đã thay đổi rất nhiều.

Có lẽ bạn cũng nên có những thay đổi nào đó. “Tôn-kính cha mẹ ngươi” dường như có vẻ là một quan niệm lỗi thời. Nhưng đó không những là một điều khôn ngoan nên làm mà còn là điều đúng phải làm trước mắt Đức Chúa Trời. Tuy thế, nếu bạn muốn tỏ ra kính trọng cha mẹ nhưng lại cảm thấy bị hiểu lầm hoặc có lẽ bị gò bó khắt khe thì sao? Hãy xem xét bằng cách nào bạn có thể cải thiện nếp sống bạn trong những hoàn cảnh như thế.

[Chú thích]

^ đ. 18 Ở đây chúng tôi không đề cập đến những trường hợp sách nhiễu tình dục hay những bạo hành mà người trẻ cần phải tìm đến sự giúp đỡ chuyên môn từ bên ngoài gia đình.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Tôn kính cha mẹ có nghĩa gì?

◻ Tại sao cha mẹ đặt ra nhiều luật lệ như thế? Các luật lệ ấy có lợi ích gì cho bạn không?

◻ Bạn có phải tôn kính cha mẹ nếu họ có hạnh kiểm đáng trách không? Tại sao?

◻ Có vài cách ứng xử tốt nào để đối phó với sự bực tức mà bạn đôi khi có thể có với cha mẹ? Cách ứng xử nào là dại dột?

[Câu nổi bật nơi trang 16]

“Tôi cảm thấy cha quá khắt khe và không muốn cho tôi vui chơi, nhưng tôi cứ đi và làm những gì tôi muốn”

[Hình nơi trang 12]

Bạn nên nghĩ gì về các phép tắc của cha mẹ bạn?

[Hình nơi trang 14]

Bạn có phải tôn kính cha mẹ nếu họ có hạnh kiểm đáng trách không?