Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vì sao cha mẹ chia tay?

Vì sao cha mẹ chia tay?

Chương 4

Vì sao cha mẹ chia tay?

“Tôi vẫn nhớ lúc cha bỏ đi. Chúng tôi thực sự không biết chuyện gì đã xảy ra. Mẹ tôi phải đi làm và luôn để chúng tôi ở nhà một mình. Đôi khi chúng tôi chỉ ngồi ngóng bên cửa sổ và lo lắng phải chăng mẹ cũng đã bỏ chúng tôi luôn...”—Một cô gái trong cảnh gia đình ly dị.

SỰ LY DỊ của cha mẹ đối với một người cũng giống như tận thế vậy, một tai họa có thể gây đau khổ triền miên. Nó thường làm nảy sinh những cảm xúc như hổ thẹn, tức giận, lo lắng, sợ bị bỏ rơi, có tội, buồn nản, và mất mát to lớn—ngay cả ước muốn trả thù.

Nếu cha mẹ bạn vừa mới ly hôn, có lẽ bạn cũng đang trải qua những cảm xúc như thế. Đấng Tạo Hóa có ý định cho bạn được nuôi nấng trong vòng tay của cha mẹ. ­(Ê-phê-sô 6:1-3) Vậy mà giờ đây bạn đã bị cướp đi sự có mặt hằng ngày của người cha hay người mẹ mà bạn yêu thương. Phi, có cha mẹ ly dị lúc cậu lên bảy, đã than vãn: “Tôi thật sự kính trọng cha và muốn ở với cha. Nhưng mẹ đã được quyền nuôi dưỡng chúng tôi”.

Tại sao cha mẹ chia tay?

Thường cha mẹ hay giữ kín các vấn đề của họ. Linh, có cha mẹ ly dị khi cô còn bé, nói: “Tôi không nhớ đã nhìn thấy cha mẹ tôi cãi nhau. Tôi cứ tưởng họ rất hòa thuận”. Và ngay như cha mẹ có cãi vã đi nữa, việc họ thật sự chia tay vẫn có thể gây sửng sốt vô cùng!

Trong nhiều trường hợp, sự tan vỡ xảy ra vì người cha hay người mẹ đã phạm tội ngoại tình. Đức Chúa Trời cho phép người hôn phối vô tội được ly dị. (Ma-thi-ơ 19:9) Trong các trường hợp khác, ly dị là do “tức mình, kêu-rêu, mắng-nhiếc” đã bộc phát thành sự hung bạo, khiến cho người cha hay người mẹ lo sợ cho sự an toàn của chính mình và của con cái.—Ê-phê-sô 4:31.

Phải thừa nhận là một số vụ ly dị không có lý do chính đáng. Thay vì giải quyết các vấn đề của họ, một số người chọn ly dị một cách vị kỷ, cho rằng họ ‘không hạnh phúc’ hay ‘không còn yêu nhau nữa’. Điều này không làm vui lòng Đức Chúa Trời, Đấng “ghét sự ly dị”. (Ma-la-chi 2:16, NW) Chúa Giê-su cũng cho thấy rằng có người không muốn tiếp tục cuộc hôn nhân vì người hôn phối của họ trở thành tín đồ Đấng Christ.—Ma-thi-ơ 10:34-36.

Dù sao đi nữa, việc cha mẹ im lặng hay chỉ trả lời mập mờ các câu hỏi của bạn về vụ ly dị không có nghĩa là họ không yêu thương bạn. * Nỗi đau khổ riêng chồng chất, cha mẹ bạn có lẽ cảm thấy khó đề cập đến vấn đề này. (Châm-ngôn 24:10) Họ cũng có thể ngượng ngùng và xấu hổ khi phải nhìn nhận sự thất bại của họ.

Những điều bạn có thể làm

Hãy cố gắng tìm dịp thuận tiện để điềm tĩnh thảo luận với cha mẹ về những mối quan tâm của bạn. (Châm-ngôn 25:11) Hãy cho họ biết việc ly dị khiến bạn buồn khổ và bị xáo trộn ra sao. Có lẽ họ sẽ giải thích thỏa đáng. Nếu không, đừng thất vọng. Chẳng phải chính Chúa ­Giê-su đã không cho môn đồ ngài biết những điều mà ngài cảm thấy họ chưa đủ khả năng nhận thức? (Giăng 16:12) Hơn nữa, chẳng lẽ cha mẹ lại không có quyền giữ kín một số chuyện riêng của họ hay sao?

Cuối cùng, hãy hiểu rằng dù lý do gì đi nữa, ly dị là một sự tranh chấp giữa cha mẹ bạn—chứ không phải với bạn! Trong cuộc nghiên cứu về 60 gia đình ly dị, Wallerstein và Kelly thấy rằng khi đề cập đến ly dị thì các cặp đổ lỗi cho nhau, cho chủ của họ, cho họ hàng, và cho các bạn bè. Nhưng, các nhà nghiên cứu nói: “Thật đáng chú ý là không một người nào đổ lỗi cho con cái”. Tình cảm của cha mẹ bạn đối với bạn không thay đổi.

Thời gian có tác dụng chữa lành

“Có kỳ chữa lành”. (Truyền-đạo 3:3) Và y như một vết thương theo nghĩa đen, chẳng hạn như bị gẫy xương, có thể cần vài tuần lễ ngay cả vài tháng để hoàn toàn lành lặn, thì những vết thương lòng cũng cần có thời gian để chữa lành.

Wallerstein và Kelly, hai nhà nghiên cứu về ly dị, thấy rằng chỉ trong vòng vài năm sau vụ ly dị, “những sự sợ hãi, sự đau buồn, sự không tin do bị sốc... đều giảm đi hoặc biến mất”. Một số chuyên gia nhận xét rằng chỉ trong vòng ba năm, những tác động tệ hại nhất của cuộc ly dị sẽ qua đi. Thời gian này có vẻ dài, nhưng nhiều điều phải xảy ra trước khi cuộc sống bạn có thể được ổn định.

Trước hết, nếp sinh hoạt trong gia đình—bị rối loạn từ vụ ly dị—phải được tổ chức lại. Cha mẹ bạn cũng cần có thời gian để bình phục về mặt cảm xúc. Rồi họ mới có thể cho bạn sự nâng đỡ cần thiết. Khi cuộc sống của bạn phần nào ổn định, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy bình thường trở lại.

Tuy nhiên, Sa-lô-môn cho lời cảnh giác này: “Chớ nói rằng: Nhân sao ngày trước tốt hơn ngày bây giờ? Vì hỏi vậy là chẳng khôn”. (Truyền-đạo 7:10) Cứ mãi nuối tiếc quá khứ khiến bạn không nhận thức rõ hiện tại. Hoàn cảnh gia đình bạn trước cuộc ly dị như thế nào? Ánh nhìn nhận: “Lúc nào cũng có xô xát—la hét và chửi rủa”. Biết đâu giờ đây bạn mới được vui hưởng sự bình an trong gia đình?

‘Tôi có thể đem cha mẹ trở lại với nhau’

Một số người trẻ nuôi mộng là đem cha mẹ trở lại với nhau, có lẽ cứ đeo đẳng những mơ tưởng như thế, ngay cả sau khi cha mẹ đã tái hôn!

Tuy nhiên, cố phủ nhận vụ ly dị không thay đổi được gì cả. Tất cả nước mắt, lời van xin, và mưu mẹo có lẽ cũng sẽ chẳng đem cha mẹ bạn trở lại với nhau. Vậy tại sao lại tự làm khổ mình bằng cách cứ nghĩ đến những chuyện không thể có? (Châm-ngôn 13:12) Sa-lô-môn nói rằng “có kỳ mất”. (Truyền-đạo 3:6) Vậy hãy chấp nhận cả thực tại lẫn tính chất bất biến của vụ ly dị. Đó là một bước lớn giúp bạn vượt qua vấn đề.

Hãy làm hòa với cha mẹ

Có thể bạn có lý do để tức giận cha mẹ vì họ đã phá vỡ cuộc sống bạn. Một thanh niên đã tâm sự một cách cay đắng: “Cha mẹ tôi thật ích kỷ. Họ đã không nghĩ đến chúng tôi và không ý thức điều họ làm sẽ ảnh hưởng thế nào đến con cái. Họ chỉ làm theo những gì họ đã định”. Điều này có thể đúng. Nhưng làm sao bạn có thể sống suốt đời với nỗi giận dữ và cay đắng này mà không tự làm tổn hại mình?

Kinh Thánh khuyên: “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay-đắng, buồn-giận, tức mình... Hãy ở với nhau cách nhân-từ, đầy-dẫy lòng thương-xót, tha-thứ nhau”. ­(Ê-phê-sô 4:31, 32) Làm thế nào bạn có thể tha thứ một người đã làm cho bạn đau đớn tột cùng? Hãy cố gắng có cái nhìn khách quan về cha mẹ, xem họ như những người bất toàn, có thể phạm sai lầm. Vâng, ngay cả cha mẹ cũng ‘phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời’. (Rô-ma 3:23) Nhận thức rõ điều này có thể giúp bạn làm hòa với cha mẹ.

Hãy bộc lộ cảm nghĩ của bạn

“Thật sự tôi chưa bao giờ bày tỏ cảm tưởng của mình về chuyện cha mẹ ly dị”, một thanh niên đã trả lời khi được phỏng vấn. Dù lúc đầu tỏ vẻ thản nhiên, nhưng sau đó cậu mỗi lúc một xúc động hơn—ngay cả rưng rưng nước mắt—khi nói về vụ ly dị của cha mẹ mình. Những cảm xúc bị chôn kín lâu nay đã được khơi dậy. Ngạc nhiên về điều này, cậu thú nhận: “Thổ lộ được chuyện ấy thật sự đã giúp ích cho tôi”.

Cũng vậy, bạn có thể thấy ích lợi khi giãi bày tâm sự với một người nào đó thay vì tự cô lập mình. Hãy cho cha mẹ biết về những cảm xúc, sợ hãi và lo lắng của bạn. (So sánh Châm-ngôn 23:26). Những tín đồ Đấng Christ thành thục cũng có thể giúp bạn. Như Kiệt chẳng hạn, anh đã gần như không được sự hỗ trợ nào cả từ gia đình, một gia đình tan nát vì ly dị. Tuy nhiên anh đã tìm được sự hỗ trợ ở nơi khác. Kiệt nói: “Hội thánh tín đồ Đấng Christ đã trở thành gia đình của tôi”.

Trên hết mọi sự, bạn có thể tìm được một Đấng biết lắng nghe là Cha trên trời của bạn, “Đấng nghe lời cầu-nguyện”. (Thi-thiên 65:2) Một bạn trẻ tên Phi nhớ lại điều đã giúp cậu vượt qua được vụ ly dị của cha mẹ: “Lúc nào tôi cũng cầu nguyện và luôn luôn cảm thấy rằng Đức Giê-hô-va là một Đấng có thật”.

Hãy tiếp tục cuộc sống của bạn

Sau một vụ ly dị, mọi việc có thể sẽ không như xưa nữa. Dầu vậy, điều này không có nghĩa là cuộc sống của bạn không thể thành đạt và hạnh phúc. Kinh Thánh khuyên: “Hãy siêng-năng mà chớ làm biếng”. (Rô-ma 12:11) Thật vậy, thay vì để chuyện buồn khổ, đau đớn, hay là tức giận chi phối mình, hãy tiếp tục cuộc sống của bạn! Chuyên tâm về việc học hành. Tìm một thú tiêu khiển. Và hãy “dẫy tràn thêm việc làm của Chúa luôn luôn”.—1 Cô-rinh-tô 15:58, Nguyễn Thế Thuấn.

Điều này đòi hỏi phải có sự cố gắng, lòng cương quyết và thời gian. Rồi cuối cùng cuộc hôn nhân tan vỡ của cha mẹ sẽ không còn chi phối đời sống bạn nữa.

[Chú thích]

^ đ. 10 Hai nhà nghiên cứu Wallerstein và Kelly đã khám phá ra rằng “trong số những người được nghiên cứu, bốn phần năm trẻ em nhỏ nhất [có cha mẹ ly dị] đã không được giải thích thỏa đáng hoặc bảo đảm sẽ được tiếp tục chăm sóc. Khi thức giấc vào một buổi sáng, chúng nhận ra rằng một người [cha hoặc mẹ] đã ra đi”.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Vài nguyên do khiến cha mẹ ly dị là gì?

◻ Tại sao cha mẹ bạn có lẽ thấy khó giải thích về chuyện họ ly dị? Bạn có thể làm gì nếu họ có vẻ ngại nói đến chuyện đó?

◻ Tại sao cứ mãi nghĩ về quá khứ hay mơ tưởng đến việc đem cha mẹ bạn trở lại với nhau là điều vô ích?

◻ Vài điều tích cực mà bạn có thể làm để tự giúp mình vượt qua vụ ly dị của cha mẹ là gì?

◻ Làm sao bạn có thể đối phó với cơn tức giận mà bạn có thể cảm thấy đối với cha mẹ?

[Khung nơi trang 36, 37]

‘Ly dị sẽ làm hỏng cuộc đời tôi chăng’?

Sau khi cha mẹ ly dị, một số người trẻ hầu như làm hỏng cuộc đời mình. Một số đi đến những quyết định thiếu suy nghĩ, như nghỉ học. Một số khác trút nỗi bực bội và tức giận bằng cách hành động sai quấy—như thể để phản đối việc cha mẹ ly hôn. Đông nhớ lại: “Tôi rất buồn khổ và chán nản sau khi cha mẹ ly hôn. Tôi bắt đầu có những vấn đề ở trường học và phải ở lại lớp một năm. Sau đó... tôi trở thành đứa hay quậy phá trong lớp và dính líu vào nhiều trận ẩu đả”.

Lối cư xử chướng ấy rất có thể làm cho cha mẹ chú ý đến chúng. Nhưng thật sự được gì nếu không phải là chỉ khiến cho tình thế vốn đã căng thẳng càng thêm căng thẳng? Quả thật, chỉ người làm quấy sẽ phải gánh lấy hậu quả mà thôi. (Ga-la-ti 6:7) Hãy cố hiểu rằng cha mẹ bạn cũng đang đau khổ, và họ không chủ tâm bỏ mặc bạn, dù bề ngoài họ có vẻ lơ là đối với bạn. Mẹ của Đông thú nhận: “Quả thật tôi đã bỏ bê mấy đứa nhỏ. Sau khi ly dị, chính tôi cũng rối bời như mớ bòng bong, tôi không sao giúp được chúng”.

Kinh Thánh khuyên nơi Hê-bơ-rơ 12:13: “Khá làm đường thẳng cho chân anh em theo, hầu cho kẻ nào què khỏi lạc đường”. Cho dù không có kỷ luật của cha mẹ đặt ra đi nữa, thì cũng không có lý do gì để cư xử sai trái. (Gia-cơ 4:17) Hãy mang lấy trách nhiệm về những hành động của bạn và thực hiện kỷ luật tự giác.—1 Cô-rinh-tô 9:27.

Cũng hãy tránh những quyết định thiếu suy nghĩ, chẳng hạn như bỏ nhà ra đi. “Người khôn-khéo xem-xét các bước mình”. (Châm-ngôn 14:15) Nếu cha mẹ bạn dường như quá xao lãng đến độ không để tai lắng nghe bạn, sao bạn không thảo luận quyết định của mình với một người bạn lớn tuổi hơn?

Tuy nhiên, có thể giờ đây bạn băn khoăn về tương lai của mình. Vì cha mẹ bạn đã thất bại trong hôn nhân, nên điều dễ hiểu là bạn có thể lo cho triển vọng thành công của cuộc hôn nhân của bạn. May thay, sự bất hạnh trong hôn nhân không phải là yếu tố di truyền như những vết tàn nhang. Bạn là một cá thể riêng biệt, và đời sống hôn nhân của bạn trong tương lai sẽ ra sao, nó không tùy thuộc vào thất bại của cha mẹ, nhưng tùy thuộc vào mức độ bạn và người hôn phối bạn áp dụng Lời của Đức Chúa Trời.

Bạn cũng có thể lo lắng về những thứ mà trước kia bạn cho là tất nhiên—thức ăn, quần áo, chỗ ở, tiền bạc. Tuy nhiên, cha mẹ thường tìm cách để cấp dưỡng cho con cái họ sau khi ly dị, ngay cả nếu người mẹ phải đi làm. Tuy thế, quyển Surviving the Breakup (Vượt qua cuộc tan vỡ) báo trước một cách thực tế: “Những thứ mà trước kia chỉ để cấp dưỡng cho một gia đình bây giờ phải cấp dưỡng cho hai gia đình, cho nên buộc phải có sự cắt giảm về mức sống cho mọi người trong gia đình”.

Do đó, có lẽ bạn sẽ phải tập quen dần, không đòi hỏi những thứ mà bạn thường có trước đây, như quần áo mới chẳng hạn. Nhưng Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta: “Chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng”. (1 Ti-mô-thê 6:7, 8) Có lẽ bạn cũng có thể phụ giúp lập ngân sách mới cho gia đình. Cũng hãy nhớ rằng Đức ­Giê-hô-va là “cha kẻ mồ-côi”. (Thi-thiên 68:5) Bạn có thể tin chắc rằng Ngài quan tâm sâu xa đến những nhu cầu của bạn.

Giê-rê-mi nhận xét: “Thật tốt cho người mang ách lúc trẻ-thơ”. (Ca-thương 3:27) Dĩ nhiên, chẳng có gì “tốt” khi phải chứng kiến cha mẹ ly hôn. Nhưng bạn có thể biến kinh nghiệm không hay này thành điều ích lợi cho bạn.

Nhà nghiên cứu Judith Wallerstein nhận xét: “Sự khủng hoảng trong gia đình đã tác động mạnh đến sự phát triển về cảm xúc và trí tuệ [của những đứa trẻ có cha mẹ ly dị]. Sự phát triển này rất lạ lùng và đôi khi rất cảm động. Các em... biết nghiêm chỉnh xem xét kinh nghiệm của cha mẹ chúng và rút ra những kết luận chín chắn cho tương lai của chính mình. Chúng để ý tìm cách tránh những sai lầm mà cha mẹ chúng đã phạm phải”.

Chắc chắn sự tan vỡ của cha mẹ sẽ để lại dấu vết trong cuộc đời bạn. Nhưng dấu vết này sẽ như vết nhơ phai nhạt dần hay sẽ thành vết thương mưng mủ, chuyện đó tùy thuộc rất nhiều nơi bạn.

[Hình nơi trang 35]

Chứng kiến sự tan vỡ hôn nhân của cha mẹ có thể là một trong những kinh nghiệm đau thương nhất

[Hình nơi trang 38]

Cứ nuối tiếc cuộc sống trong quá khứ có lẽ chỉ làm bạn thêm chán nản