Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lương thiện có phải là thượng sách chăng?

Lương thiện có phải là thượng sách chăng?

Chương 27

Lương thiện có phải là thượng sách chăng?

BẠN đã từng bị cám dỗ nói dối chưa? Đoàn nói với mẹ là cậu đã dọn dẹp phòng ngủ mình rồi, nhưng thật ra cậu đã ném mọi thứ xuống gầm giường. Khải cũng đã vụng về cố che mắt cha mẹ mình. Cậu đã nói với họ cậu thi trượt, không phải vì không học bài, mà vì ‘không hợp với thầy giáo’.

Cha mẹ và người lớn thường biết hết những trò lừa bịp như thế của con cái. Nhưng điều đó không ngăn được nhiều bạn trẻ, ít nhất, thử nói dối, bóp méo sự thật, hoặc gian lận trắng trợn khi thấy có lợi. Một phần là do cha mẹ không luôn luôn phản ứng điềm tĩnh khi có vấn đề. Vì thế khi về nhà trễ hai tiếng so với thường lệ, bạn dường như bị cám dỗ để nói là do có tai nạn giao thông trên xa lộ, thay vì phải xấu hổ khai thật với cha mẹ là bạn ham chơi quên mất giờ giấc.

Trường học cũng có thể là một môi trường thử thách tính lương thiện. Các học sinh thường cảm thấy có quá nhiều bài tập phải làm ở nhà. Giữa bạn học lại thường có sự ganh đua ráo riết. Vì thế, tại Hoa Kỳ, các cuộc thăm dò cho thấy có đến hơn phân nửa học sinh gian lận hoặc đã từng gian lận. Nhưng dù nói dối có vẻ hấp dẫn và gian lận là phương cách dễ dàng, nhưng gian dối có thật sự có lợi không?

Nói dối—Tại sao không có lợi

Nói dối để tránh bị phạt dường như có lợi nhất thời. Nhưng Kinh Thánh cảnh cáo: “Kẻ buông điều giả-dối không sao thoát-khỏi”. (Châm-ngôn 19:5) Tội nói dối rất dễ bị lộ và trước sau gì cũng không tránh được hình phạt. Lúc ấy cha mẹ bạn sẽ giận dữ không chỉ vì lỗi đã phạm mà còn vì bạn đã nói dối họ!

Còn việc gian lận ở trường thì sao? Một giám đốc các chương trình kỷ luật tại đại học nói: “Sinh viên nào gian lận trong phạm vi học đường là đang liều lĩnh đánh mất các cơ hội được học và làm việc trong tương lai”.

Công nhận là nhiều người dường như qua mặt được người lớn. Việc gian lận rất có thể giúp bạn được lên lớp, nhưng ảnh hưởng lâu dài thì sao? Chắc chắn bạn đồng ý rằng gian lận trong lớp học bơi lội là điều dại dột, vì cuối cùng ai lại muốn bị đứng chôn chân trên bờ trong khi mọi người khác đang vui đùa dưới nước! Và nếu bạn bị ai đó xô ngã xuống hồ, thói quen gian lận của bạn có thể khiến bạn bị chết đuối!

Còn chuyện gian lận trong môn toán hoặc tập đọc thì sao? Công nhận là thoạt đầu có thể không có ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, nếu bạn không phát triển các kỹ năng học vấn căn bản, có thể bạn sẽ thấy mình “chới với” trên đường tìm việc! Và một mảnh bằng có được nhờ gian lận sẽ không cứu được bạn. Kinh Thánh nói: “Tài-vật nhờ dùng lưỡi dối-gạt mà được, ấy là một điều hư-không mau hết”. (Châm-ngôn 21:6) Bất cứ thuận lợi nào do sự nói dối mang lại đều phù du như hơi nước. Chẳng phải là tốt hơn cho bạn sao nếu chịu khó chăm chỉ học hành, thay vì nói dối và gian lận ở trường! Châm-ngôn 21:5 nói: “Các ý-tưởng của người cần-mẫn dẫn đến sự dư-dật”.

Nói dối và lương tâm của bạn

Một cô gái tên Mỹ đã đổ thừa cho em mình làm vỡ một đồ trang trí mà cha mẹ cô rất quí. Tuy nhiên, sau đó cô cảm thấy phải thú lỗi với cha mẹ. Mỹ giải thích: “Tôi hầu như luôn cảm thấy xấu hổ. Cha mẹ đã tin cậy tôi nhưng tôi đã phụ lòng họ”. Điều này cho thấy rõ Đức Chúa Trời đã đặt lương tâm vào lòng con người. (Rô-ma 2:14, 15) Lương tâm của Mỹ cắn rứt khiến cô cảm thấy có lỗi.

Dĩ nhiên, một người có thể lờ đi tiếng nói của lương tâm. Nhưng càng nói dối, người đó càng trơ trơ trước lỗi lầm này—‘có lương-tâm đã lì’. (1 Ti-mô-thê 4:2) Bạn có thật sự muốn mình có một lương tâm chai lì chăng?

Quan điểm của Đức Chúa Trời về sự nói dối

“Lưỡi dối-trá” là một trong những điều “Đức Giê-hô-va ghét”. (Châm-ngôn 6:16, 17) Suy cho cùng chính Sa-tan Ma-quỉ là “cha sự nói dối”. (Giăng 8:44) Và Kinh Thánh không phân biệt sự nói dối và cái gọi là nói dối vô hại. “Chẳng có sự dối-trá nào bởi lẽ thật mà ra”.—1 Giăng 2:21.

Vì vậy tính lương thiện phải là phương châm cho bất cứ ai muốn làm bạn với Đức Chúa Trời. Bài Thi-thiên 15 hỏi: “Hỡi Đức Giê-hô-va, ai sẽ ngụ trong đền-tạm Ngài? Ai sẽ ở trên núi thánh Ngài?” (Thi-thiên 15:1 Câu 1) Chúng ta hãy xem xét câu trả lời được đưa ra trong bốn câu Kinh Thánh tiếp theo đó:

“Ấy là kẻ đi theo sự ngay-thẳng, làm điều công-bình, và nói chân-thật trong lòng mình”. (Thi-thiên 15:2 Câu 2) Câu này có miêu tả kẻ đi ăn cắp hàng hoặc kẻ gian lận không? Có phải đó là người nói dối với cha mẹ hoặc huênh hoang mình là này nọ trong khi chẳng là gì cả? Tất nhiên không! Vậy nếu muốn làm bạn với Đức Chúa Trời, bạn cần phải lương thiện, không chỉ qua hành động, mà còn ngay từ chính trong lòng bạn nữa.

“Kẻ nào có lưỡi không nói hành, chẳng làm hại cho bạn-hữu mình, không gieo sỉ-nhục cho kẻ lân-cận mình”. (Thi-thiên 15:3 Câu 3) Bạn có bao giờ để mình hùa theo một đám bạn nói hành người khác không? Hãy cương quyết từ chối tham gia vào các cuộc nói chuyện thể ấy!

“Người nào khinh-dể kẻ gian-ác, nhưng tôn-trọng kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va; kẻ nào thề-nguyện, dầu phải tổn-hại cũng không đổi-dời gì hết”. (Thi-thiên 15:4 Câu 4) Hãy từ chối làm bạn với những người trẻ hay nói dối, gian lận, hoặc khoe khoang về những thành tích bất hảo của mình; chúng sẽ muốn bạn cũng làm theo những điều xấu đó. Một bạn trẻ tên Bình nhận xét: “Một người bạn mà bạn hùa theo nói dối sẽ lôi cuốn bạn vào chuyện lôi thôi. Đó không phải là một người bạn đáng tin cậy”. Hãy kết bạn với những người biết tôn trọng các tiêu chuẩn lương thiện.—So sánh Thi-thiên 26:4.

Bạn có để ý thấy rằng Đức Giê-hô-va quí, hoặc “tôn-trọng”, những người giữ lời hứa của họ không? Có lẽ bạn đã hứa sẽ phụ dọn dẹp nhà vào ngày Thứ Bảy này, nhưng bây giờ bạn lại được mời đi chơi banh vào trưa hôm đó. Liệu bạn sẽ xem nhẹ lời hứa của mình và đi chơi với bạn bè, để cho cha mẹ bạn làm hết việc nhà, hay là bạn sẽ giữ lời hứa?

“Người nào không cho vay tiền lấy lời, chẳng lãnh hối-lộ đặng hại người vô-tội. Kẻ nào làm các điều ấy sẽ không hề rúng-động”. (Thi-thiên 15:5 Câu 5) Chẳng phải sự tham lam là nguyên nhân chính dẫn đến sự gian lận và bất lương sao? Học sinh nào gian lận trong các kỳ thi là tham lam, muốn được lên lớp hay thi đậu mà khỏi cần phải học bài. Những kẻ nhận của hối lộ xem đồng tiền nặng hơn công lý.

Chắc chắn một số người sẽ nói rằng các lãnh tụ chính trị và doanh nghiệp vẫn thường vi phạm luật lương thiện để đạt được mục tiêu của họ. Nhưng sự thành công của những người như thế bền được bao lâu? Thi-thiên 37:2 trả lời: “Chẳng bao lâu chúng nó sẽ bị phát như cỏ, và phải héo như cỏ tươi-xanh”. Nếu không bị người khác bắt gặp và bêu xấu, cuối cùng họ cũng sẽ bị Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán xét. Tuy nhiên, bạn hữu của Đức Chúa Trời “sẽ không hề rúng-động”. Tương lai vĩnh cửu của họ được đảm bảo chắc chắn.

Vun trồng ‘một lương-tâm lương thiện’

Vậy phải chăng không có lý do mạnh mẽ để tránh mọi hình thức nói dối? Sứ đồ Phao-lô nói về chính mình và các bạn đồng hành của ông: “Chúng tôi biết mình chắc có lương-tâm tốt [“lương thiện”, NW]”. (Hê-bơ-rơ 13:18) Lương tâm của bạn có nhạy cảm như thế đối với sự giả dối không? Nếu không, hãy huấn luyện nó bằng cách học hỏi Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh như tạp chí Tháp Canh Tỉnh Thức!

Bình đã làm như thế, và đạt được kết quả tốt. Cậu đã tập không che giấu vấn đề bằng sự nói dối. Lương tâm của cậu thúc đẩy cậu gần gũi cha mẹ và thành thật thảo luận vấn đề. Đôi khi điều này dẫn đến việc cậu bị sửa trị. Tuy nhiên, cậu thú nhận rằng cậu ‘cảm thấy dễ chịu hơn trong thâm tâm’ vì đã lương thiện.

Nói thật không phải lúc nào cũng dễ. Nhưng người nào quyết định nói thật sẽ duy trì được lương tâm trong sạch, một mối liên lạc tốt với các bạn thật của mình, và tốt nhất là đặc ân được làm “khách” trong lều của Đức Chúa Trời! Vậy, tính lương thiện không chỉ là thượng sách, mà còn là phương châm đúng cho tất cả tín đồ Đấng Christ.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Những tình huống nào dễ cám dỗ người ta nói dối?

◻ Tại sao nói dối hoặc gian lận không có lợi? Bạn có thể minh họa điều này qua sự quan sát hoặc kinh nghiệm cá nhân không?

◻ Một lời nói dối làm tổn hại lương tâm như thế nào?

◻ Đọc bài Thi-thiên 15. Làm sao ứng dụng các câu này cho vấn đề lương thiện?

◻ Làm sao một bạn trẻ có thể vun trồng một lương tâm lương thiện?

[Câu nổi bật nơi trang 212]

‘Học sinh nào gian lận trong phạm vi học đường là đang liều lĩnh đánh mất các cơ hội tương lai’

[Câu nổi bật nơi trang 216]

Kinh Thánh không phân biệt giữa sự nói dối và cái gọi là nói dối vô hại

[Hình nơi trang 214]

Cha mẹ thường biết tẩy của con cái khi chúng cố biện minh để chạy tội không vâng lời