Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao đến gần đức chúa trời?

Làm sao đến gần đức chúa trời?

Chương 39

Làm sao đến gần đức chúa trời?

ĐẾN GẦN—Đức Chúa Trời ư? Đối với nhiều người, Đức Chúa Trời có vẻ là một Đấng bàng quan, xa vời, một ‘Đấng Tạo Hóa’ vô nhân cách. Vì thế, ý tưởng đến gần Ngài có thể làm bạn băn khoăn lo lắng, ngay cả sợ hãi.

Nếu vậy, có lẽ bạn có cùng kinh nghiệm với một phụ nữ trẻ tên Liên. Liên lớn lên trong đạo Đấng Christ, cô kể: “Hồi còn niên thiếu, tôi ít khi bỏ một buổi nhóm họp nào của tín đồ Đấng Christ, và tháng nào cũng đi rao giảng, thế nhưng tôi chưa từng vun trồng mối quan hệ cá nhân mật thiết với Đức ­Giê-hô-va”.

Tuy nhiên, tương lai bạn tùy thuộc vào việc bạn đến gần Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su Christ nói: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật”. (Giăng 17:3) Sự “nhìn biết” này không chỉ bao hàm khả năng học thuộc và trình bày lại những sự hiểu biết—một người vô thần cũng có thể làm thế. Nó bao gồm việc vun trồng một mối quan hệ với Đức Chúa Trời, trở thành bạn Ngài. (So sánh Gia-cơ 2:23). Đức Chúa Trời không phải là một Đấng không thể đến gần, trái lại, Ngài mời chúng ta hãy “tìm-kiếm..., và hết sức rờ tìm cho được [Ngài]” vì “Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”.—Công-vụ 17:27.

Làm thế nào có thể biết về Đức Chúa Trời

Đã bao giờ bạn nhìn ngắm những vì sao xa tít, kinh ngạc khi lắng nghe tiếng gầm của biển, say mê trước cánh bướm dịu dàng, hay thán phục trước vẻ đẹp thanh tao của một chiếc lá nhỏ? Các công trình sáng tạo này của Đức Chúa Trời chỉ cho thấy một phần rất nhỏ quyền năng vô song, sự khôn ngoan phi thường, và tình yêu thương bao la của Ngài. “Những sự trọn lành của [Đức Chúa Trời] mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài,... vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài”.—Rô-ma 1:19, 20.

Tuy nhiên, bạn còn cần phải biết thêm về Đức Chúa Trời nữa, ngoài những gì sự sáng tạo tiết lộ. Vì thế, Đức Chúa Trời đã cho chép ra Lời Ngài. Cuốn sách đó cho chúng ta biết Đức Chúa Trời không phải là một vật thể vô danh tánh hay một sức mạnh vô nhân cách, mà là một Nhân Vật thật có danh xưng. “Phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời”, người viết Thi-thiên tuyên bố. (Thi-thiên 100:3) Kinh Thánh cũng cho biết về Nhân Vật mang danh đó: “là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6) Những sự tường thuật chi tiết của Kinh Thánh về cách Đức Chúa Trời đối xử với nhân loại cho phép chúng ta thấy Đức Chúa Trời hành động! Vì thế, đọc Kinh Thánh là một phần thiết yếu để đến gần Đức Chúa Trời.

Tạo sự thích thú khi đọc Kinh Thánh

Phải thừa nhận rằng Kinh Thánh là một cuốn sách dài. Thường chỉ nội độ dày của nó cũng đủ khiến thanh thiếu niên phát sợ, không muốn đọc. Một số em còn than thở là Kinh Thánh chán ngắt. Nhưng Kinh Thánh là sự mặc khải của Đức Chúa Trời cho loài người. Kinh Thánh cho biết chúng ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu, đồng thời chỉ cho chúng ta biết chính xác mình phải làm gì để được sống mãi trong Địa Đàng trên đất. Làm sao những điều như thế có thể chán được? Đúng là Kinh Thánh không dễ đọc, và trong đó có “mấy khúc khó hiểu”. (2 Phi-e-rơ 3:16) Tuy nhiên, đọc Kinh Thánh không nhất thiết là chán.

Bạn trẻ Mạnh cho biết một phương pháp thực tế có thể khiến việc đọc Kinh Thánh trở nên thú vị hơn: “Tôi cố gắng hình dung ra bối cảnh và đặt mình vào đó”. Chẳng hạn, hãy thử xem lại câu chuyện nơi Đa-ni-ên chương 6. Thay vì đọc một cách thụ động, hãy thử tưởng tượng bạn là Đa-ni-ên. Bạn bị bắt vì một tội vô lý là cầu nguyện với Đức Chúa Trời của bạn. Hình phạt là gì? Tử hình! Mấy tên lính Phe-rơ-sơ nhẫn tâm lôi bạn xuống mồ của bạn—một cái hang đầy sư tử đói.

Tiếng rền vang, đá khổng lồ đậy miệng hang được lăn ra. Phía dưới sư tử rống lạnh ớn xương sống. Bạn kinh khiếp lùi lại, nhưng quân vua nắm lấy bạn, ném xuống hang tử thần rồi lăn đá lại. Trong bóng tối đen kịt, có một con vật lông lá nào đó chạm mình vào người bạn...

Chán ư? Không thể nào! Nhưng hãy nhớ rằng: Bạn không đọc Kinh Thánh để giải trí. Hãy cố gắng tìm xem sự tường thuật đó dạy chúng ta điều gì về Đức Giê-hô-va. Ví dụ, chẳng phải kinh nghiệm của Đa-ni-ên cho thấy Đức Giê-hô-va cho phép tôi tớ Ngài chịu thử thách khó khăn sao?

Cũng hãy cố gắng sắp đặt một thời khóa biểu đọc Kinh Thánh đều đặn. Vì nếu bạn chỉ dành 15 phút mỗi ngày để đọc Kinh Thánh, bạn sẽ đọc xong trong khoảng một năm! “Hãy lợi-dụng thì-giờ” trước kia dùng vào những hoạt động kém quan trọng—như xem truyền hình chẳng hạn. (Ê-phê-sô 5:16) Khi để tâm đọc Kinh Thánh, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy gần gũi với Đức Chúa Trời hơn bao giờ hết.—Châm-ngôn 2:1, 5.

Cầu nguyện đưa bạn đến gần Ngài

Một thiếu nữ tên Lan nhận xét: “Khó mà nói được rằng bạn có quan hệ cá nhân với một người, nhưng lại không nói chuyện với người đó”. Là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”, Đức Giê-hô-va mời chúng ta nói chuyện với Ngài. (Thi-thiên 65:2) Nếu cầu nguyện Ngài với đức tin, “chúng ta theo ý-muốn Ngài mà cầu-xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta”.—1 Giăng 5:14.

Liên (được nói đến ở trên) đã có kinh nghiệm về điều này. Cô kể lại trước đây có lúc cô gặp rất nhiều khó khăn và căng thẳng, khi đó cô ‘đã cầu nguyện liên tục trong nhiều ngày liền để tìm cách giải quyết các vấn đề của mình’. Đức Chúa Trời, trước đây rất xa vời đối với cô, đã bắt đầu trở nên gần gũi khi cô tìm được sức mạnh để đối phó với những khó khăn của mình. Một bạn trẻ khác tên Kim cũng đã học được giá trị của sự cầu nguyện: “Đôi khi bạn muốn thổ lộ tâm sự cùng ai đó, và không ai tốt hơn là Đức Giê-hô-va vì Ngài thông cảm, và bạn biết rằng Ngài là người duy nhất thật sự giúp bạn được”.

Nhưng có phải lời cầu nguyện chỉ có thể giúp giải tỏa cảm xúc không? Không, Gia-cơ 1:2-5 bảo đảm với chúng ta rằng khi gặp đủ loại thử thách, nếu chúng ta cứ “cầu-xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng-rãi, không trách-móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho”. Có thể Đức Chúa Trời sẽ không giúp chúng ta thoát khỏi thử thách, nhưng Ngài bảo đảm cho chúng ta có sự khôn ngoan để đương đầu với thử thách đó! Ngài có thể giúp bạn nhớ lại những nguyên tắc Kinh Thánh có liên quan đến vấn đề đó. (So sánh Giăng 14:26). Hoặc Ngài có thể lưu ý bạn về một số điều nào đó khi học hỏi Kinh Thánh cá nhân hay khi dự các buổi nhóm họp của tín đồ Đấng Christ. Và đừng quên rằng “Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng... Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi”. Vâng, Ngài sẽ không “bỏ” bạn. (1 Cô-rinh-tô 10:13; 2 Cô-rinh-tô 4:9) Chẳng lẽ bạn không cảm thấy gần gũi với Đức Chúa Trời hơn, sau khi được Ngài giúp đỡ để đương đầu với thử thách hay sao?

Nhưng không nên chỉ cầu nguyện cho những vấn đề cá nhân. Trong lời cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su đặt sự làm thánh danh Đức Chúa Trời, sự đến của Nước Ngài, và sự hoàn tất ý định của Đức Chúa Trời lên tầm quan trọng hàng đầu. (Ma-thi-ơ 6:9-13) “Sự tạ ơn” cũng là một phần quan trọng trong lời cầu nguyện.—Phi-líp 4:6.

Nếu bạn cảm thấy lúng túng khi cầu nguyện thì sao? Hãy cầu nguyện về điều đó! Xin Đức Chúa Trời giúp bạn thổ lộ lòng mình với Ngài. Hãy “bền lòng mà cầu-nguyện”, rồi sẽ đến lúc bạn có thể nói chuyện thoải mái với Đức Giê-hô-va như với một người bạn thân. (Rô-ma 12:12) Một bạn trẻ tên Mai nói: “Tôi biết rằng bất cứ khi nào gặp khó khăn, tôi cũng có thể cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn và Ngài sẽ giúp tôi”.

Không cần phải dùng những ngôn từ bóng bẩy, kiểu cách để nói chuyện với Đức Chúa Trời. Người viết Thi-thiên nói: “Hãy dốc đổ sự lòng mình ra tại trước mặt Ngài”. (Thi-thiên 62:8) Hãy cho Ngài biết những cảm xúc và mối lo âu của bạn. Xin Ngài giúp đỡ để vượt qua những yếu đuối của bản thân. Xin Ngài ban phước cho gia đình bạn và các anh em tín đồ Đấng Christ. Cầu xin Ngài tha thứ khi lầm lỗi. Cám ơn Ngài mỗi ngày đã cho bạn sự sống. Khi việc cầu nguyện đã trở thành thói quen trong đời sống bạn, nó có thể đưa bạn đến một mối quan hệ mật thiết và hạnh phúc với Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Công khai tuyên bố tình bạn với Đức Chúa Trời

Một khi đã được nếm thử tình bạn với Đức Chúa Trời, chẳng lẽ bạn không háo hức muốn giúp người khác cũng có được mối quan hệ quí báu này sao? Thật ra, Đức Chúa Trời đòi hỏi những người muốn làm bạn với Ngài phải “làm chứng mà được sự cứu-rỗi”.—Rô-ma 10:10.

Nhiều người bắt đầu bằng cách chia sẻ đức tin của mình một cách bán chính thức với bạn cùng trường, hàng xóm và người thân. Sau đó, họ cùng Nhân Chứng Giê-hô-va tham gia công việc rao giảng “từng nhà”. (Công-vụ 5:42) Tuy nhiên, đối với một số bạn trẻ, công việc làm chứng công khai này là một trở ngại. Một tín đồ trẻ nói: “Tôi nghĩ nhiều người trẻ cảm thấy xấu hổ khi đi từ nhà này sang nhà kia. Họ sợ phản ứng của bạn bè”.

Nhưng bạn thật sự quí trọng sự chấp nhận của ai—của bạn bè hay của Người Bạn trên trời, Đức Giê-hô-va? Bạn có nên để sự sợ hãi hay xấu hổ cản trở bạn nhận sự cứu rỗi không? Sứ đồ Phao-lô khuyên giục: “Hãy cầm-giữ sự làm chứng về điều trông-cậy chúng ta chẳng chuyển-lay”. (Hê-bơ-rơ 10:23) Rồi bạn sẽ thấy rằng với sự rèn luyện và chuẩn bị đầy đủ, bạn có thể tìm thấy niềm vui thật sự trong công việc rao giảng!—1 Phi-e-rơ 3:15.

Đến một lúc nào đó, lòng quí trọng Người Bạn trên trời nên thúc đẩy bạn dâng mình vô điều kiện cho Đức Chúa Trời và biểu hiện điều đó qua việc làm báp têm trong nước. (Rô-ma 12:1; Ma-thi-ơ 28:19, 20) Chúng ta không nên xem nhẹ bước làm báp têm để biểu lộ công khai rằng mình đã trở thành môn đồ của Đấng Christ. Điều đó đòi hỏi bạn phải ‘liều mình’—từ bỏ những tham vọng cá nhân và tìm kiếm trước hết quyền lợi của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Mác 8:34) Nó cũng đòi hỏi bạn phải nhận diện mình thuộc về tổ chức của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới.

Một bạn trẻ tên Biển nhận xét: “Tôi nghĩ nhiều người trẻ ngại làm báp têm. Họ sợ đó là bước cuối cùng và sau đó không rút lại được”. Thật vậy, một người không thể rút lại sự dâng mình cho Đức Chúa Trời. (So sánh Truyền-đạo 5:4). Nhưng “kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội”—dù đã làm báp têm hay chưa! (Gia-cơ 4:17) Vấn đề ở đây là: Bạn có quí trọng tình bạn với Đức Chúa Trời không? Bạn có mong muốn phụng sự Ngài mãi mãi không? Nếu có, thì đừng để sự sợ hãi cản trở bạn công bố mình là một người bạn của Đức Chúa Trời!

Lợi ích vĩnh cửu cho những người bạn của Đức Chúa Trời!

Chọn làm bạn với Đức Chúa Trời sẽ khiến bạn trở nên khác biệt với cả thế gian. (Giăng 15:19) Bạn có thể sẽ trở thành mục tiêu châm chích. Khó khăn, rắc rối và thử thách có thể đến với bạn. Nhưng đừng để bất cứ ai hay bất cứ điều gì cướp đi mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời. Ngài hứa chắc chắn rằng Ngài sẽ ủng hộ bạn: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”.—Hê-bơ-rơ 13:5.

Quyển sách này chỉ là một bằng chứng nhỏ cho thấy Đức Giê-hô-va và tổ chức Ngài quan tâm đến hạnh phúc đời đời của bạn. Mặc dù những trang sách này không thể giải đáp hết mọi thắc mắc và vấn đề của bạn, chắc chắn bạn vẫn nhận thấy rõ hơn bao giờ hết Kinh Thánh là một nguồn khôn ngoan vô biên! (2 Ti-mô-thê 3:16, 17) Khi có vấn đề khiến bạn lo lắng, hãy tra xem cuốn sách thánh đó. (Châm-ngôn 2:4, 5) Nếu cha mẹ bạn là những người kính sợ Đức Chúa Trời, bạn có thêm một nguồn khôn ngoan và trợ giúp thiêng liêng—bạn chỉ cần thổ lộ lòng mình với họ.

Trên hết, hãy nhớ rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời biết mọi giải pháp. Ngài “sẵn giúp-đỡ trong cơn gian-truân”, và có thể hướng dẫn bạn vượt qua bất cứ khó khăn nào. (Thi-thiên 46:1) Vì thế, ‘hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa bạn trong buổi niên thiếu’. (Truyền-đạo 12:1) Đó là lối sống sẽ khiến Đức Giê-hô-va vui lòng. (Châm-ngôn 27:11) Và đó cũng chính là cách để nhận được sự sống đời đời trong một Địa Đàng vĩnh cửu—là phần thưởng Đức Chúa Trời dành cho những người bạn của Ngài.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Tại sao có quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời là điều quan trọng?

◻ Kinh Thánh cho biết gì về Đức Chúa Trời?

◻ Làm thế nào để việc đọc Kinh Thánh trở nên thú vị và hiệu quả?

◻ Công khai “làm chứng” về đức tin của bạn bao hàm điều gì? Bạn có mong muốn làm điều đó không? Tại sao?

◻ Nhóm họp đóng vai trò nào trong việc đến gần Đức Chúa Trời, và làm sao bạn có thể tận dụng các buổi nhóm họp?

◻ Những lợi ích của việc làm bạn với Đức Chúa Trời là gì?

[Câu nổi bật nơi trang 311]

Tôi có thể thật sự đến gần Đức Chúa Trời không?

[Câu nổi bật nơi trang 312]

Kinh Thánh là sự mặc khải của Đức Chúa Trời cho loài người. Kinh Thánh cho biết chúng ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu

[Khung/​Hình nơi trang 316, 317]

Nhóm họp—Một sự giúp đỡ để đến gần Đức Chúa Trời

“Tôi nhận thấy rằng việc kết hợp thân thiết với những người cùng yêu mến Đức ­Giê-hô-va giúp tôi đến gần Ngài”. Một thanh niên người Nigeria đã phát biểu như trên. Nhân Chứng ­Giê-hô-va sắp đặt những dịp kết hợp như thế tại các Phòng Nước Trời địa phương của họ. (Hê-bơ-rơ 10:23-25) An, 16 tuổi, nói: “Tại Phòng Nước Trời, tôi tìm được những người bạn thật”.

Tuy nhiên, các buổi nhóm họp đó không chỉ là dịp để giao tiếp. Các Phòng Nước Trời cung cấp một chương trình giáo dục Kinh Thánh, gồm năm buổi nhóm họp hàng tuần. Nhiều chủ đề khác nhau được thảo luận, chẳng hạn như đời sống gia đình, những lời tiên tri trong Kinh Thánh, hạnh kiểm, giáo lý và thánh chức của tín đồ Đấng Christ, đó chỉ là mới nêu một vài điều. Mặc dù không phải là những buổi biểu diễn được dàn dựng công phu, song các buổi nhóm họp đó rất thú vị. Các bài diễn văn và thảo luận theo nhóm thường được xếp xen kẽ với những buổi phỏng vấn và các màn trình diễn sống động. Trường Thánh Chức Thần Quyền đặc biệt nổi bật vì đã huấn luyện hàng ngàn người trở thành những diễn giả giỏi.

Nếu bạn đang tham dự các buổi nhóm họp thì sao? Hãy cố gắng tận dụng chúng. (1) Hãy chuẩn bị: “Tôi dành ra một số thời gian nhất định để học các cuốn sách mà chúng tôi sẽ dùng trong các buổi nhóm họp”, An nói. Điều này sẽ giúp bạn dễ (2) Tham gia: Khi còn là thiếu niên, Chúa ­Giê-su đã tích cực lắng nghe, đặt câu hỏi, và trả lời khi các vấn đề thiêng liêng được thảo luận tại đền thờ. (Lu-ca 2:46, 47) Bạn cũng có thể “chú ý hơn gấp bội vào các điều đã nghe”, ghi chép để giữ đầu óc mình tập trung. (Hê-bơ-rơ 2:1, Nguyễn Thế Thuấn) Khi cử tọa được mời tham gia, hãy góp ý bình luận.

Một đề nghị hữu ích khác là (3) Sử dụng những điều bạn học: Hãy chia sẻ những điều bạn học được với người khác. Quan trọng hơn nữa là áp dụng những điều bạn học vào đời sống, làm những sự thay đổi cần thiết. Hãy chứng tỏ rằng lẽ thật “hành-động trong anh em”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13.

Hãy đặt ưu tiên cho các buổi nhóm họp. Nếu bạn có quá nhiều bài làm ở nhà, hãy cố gắng làm xong trước buổi nhóm. Một thiếu niên tên Xem nói: “Tôi thích nói chuyện với các anh chị sau buổi nhóm họp và thường ở lại cho tới cuối cùng. Nhưng khi có nhiều bài làm ở nhà, tôi về ngay để làm bài”. Tuy nhiên, tự bạn hãy xem xét sắp đặt công việc của mình, hãy cố gắng hết sức để tham gia nhóm họp đều đặn. Nó rất quan trọng cho sự phát triển thiêng liêng của bạn.

[Hình nơi trang 315]

Đọc Kinh Thánh là một phần thiết yếu để phát triển tình bạn với Đức Chúa Trời

[Hình nơi trang 318]

“Tôi biết rằng bất cứ khi nào gặp khó khăn, tôi cũng có thể cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn và Ngài sẽ giúp tôi”