Làm thế nào để xua đi nỗi cô đơn?
Chương 14
Làm thế nào để xua đi nỗi cô đơn?
Đó là tối Thứ Bảy. Cậu ta ngồi một mình trong phòng.
“Tôi ghét những ngày cuối tuần!” cậu hét lên. Nhưng không có ai trong phòng để trả lời. Cậu cầm lên một tạp chí và thấy bức ảnh một nhóm thanh niên trên bãi biển. Cậu ném mạnh tờ báo vào tường. Nước mắt dâng trào. Cậu bặm môi, cố nín khóc, nhưng nước mắt vẫn tuôn tràn. Không còn tự chủ được nữa, cậu gieo mình xuống giường và nấc lên: “Tại sao tôi luôn bị bỏ rơi?”
PHẢI chăng cũng có lúc bạn cảm thấy như thế—cảm giác như mình bị tách rời khỏi thế giới bên ngoài, cô đơn, vô dụng, và trống rỗng? Nếu có, đừng tuyệt vọng. Tuy cảm giác cô đơn chẳng phải là một điều thú vị, nhưng đó không phải là một căn bệnh hiểm nghèo. Nói một cách đơn giản, sự cô đơn là một tín hiệu báo động. Bụng đói báo hiệu chúng ta cần ăn. Sự cô đơn cho biết chúng ta cần sự gần gũi, tình bầu bạn, sự mật thiết. Cũng như thức ăn mang lại sức khỏe cho cơ thể, tình bạn giúp chúng ta phát triển tốt về mặt tinh thần.
Bạn đã từng quan sát một đống than cháy bừng chưa? Nếu người ta gắp một cục than ra khỏi lò, nó sẽ tắt, nhưng khi được bỏ trở vào lò, nó cháy trở lại! Tương tự
như vậy, khi ở trong sự cô lập, con người chúng ta cũng không “cháy”, hay hoạt động tốt lâu dài được. Nhu cầu bạn bè nằm trong bản chất của chúng ta.Một mình nhưng không cô đơn
Bình luận gia Henry David Thoreau đã viết: “Tôi chưa bao giờ tìm được một người bạn đồng hành nào dễ mến bằng sự đơn độc”. Bạn có đồng ý không? Biển, 20 tuổi, đồng tình: “Đúng vậy. Tôi rất yêu thiên nhiên. Thỉnh thoảng tôi leo lên chiếc thuyền nhỏ của mình và chèo ra giữa hồ. Tôi ngồi một mình ở đó suốt mấy giờ liền. Nó giúp tôi có thời gian suy ngẫm về những điều mình đang làm trong đời. Thật thú vị!” Sang, 21 tuổi, cũng tán đồng. Anh nói: “Tôi sống trong một tòa cao ốc lớn và thỉnh thoảng tôi leo lên sân thượng của cao ốc để được yên tĩnh một mình. Tôi suy nghĩ và cầu nguyện. Thật sảng khoái!”
Đúng vậy, nếu được sử dụng đúng, những giây phút đơn độc có thể đem lại cho chúng ta sự thỏa lòng sâu xa. Chúa Giê-su cũng ưa thích những lúc như thế: “Sáng hôm sau, trời còn mờ-mờ, Ngài chờ dậy, bước ra, đi vào nơi vắng-vẻ, và cầu-nguyện tại đó”. (Mác 1:35) Hãy nhớ là Đức Giê-hô-va không nói: ‘Người ta tạm thời ở một mình là không tốt’. Thay vì thế, Đức Chúa Trời nói nếu người ta “tiếp tục ở một mình” thì không tốt. (Sáng-thế Ký 2:18-23, NW) Vậy thì thời kỳ cô lập kéo dài có thể dẫn đến sự cô đơn. Kinh Thánh cảnh giác: “Kẻ nào ở riêng cách tìm điều chính mình ưa-thích; nó cãi-cọ với những sự khôn-ngoan thật”.—Châm-ngôn 18:1.
Sự cô đơn tạm thời
Đôi lúc sự cô đơn của chúng ta phát sinh từ những hoàn cảnh ngoài ý muốn, chẳng hạn như phải xa cách bạn bè
khi thay đổi chỗ ở. Sang kể lại: “Khi còn ở chỗ cũ, tôi và An thân thiết với nhau hơn cả anh em. Khi phải dời đi, tôi biết rằng tôi sẽ rất nhớ anh ấy”. Ngưng một chút, như để sống lại phút chia tay, Sang nói tiếp: “Đến giờ lên máy bay, tôi nghẹn lời. Tôi ôm anh ấy rồi quay đi. Tôi có cảm giác như mình vừa mất đi một điều gì quý giá!”Sang đã làm thế nào để thích ứng với môi trường mới? Anh nói: “Thật khó khăn. Lúc ở chỗ cũ, bạn bè đều thích tôi, nhưng ở đây một số đồng nghiệp khiến tôi cảm thấy mình không ra gì. Tôi nhớ mình cứ nhìn đồng hồ, tính lui bốn tiếng (thời gian chênh lệch) rồi tưởng tượng những điều mà tôi và An lẽ ra đang làm lúc đó. Tôi cảm thấy cô đơn”.
Khi có chuyện bất ổn, chúng ta thường hay luyến tiếc những ngày êm đẹp đã qua. Tuy nhiên, Kinh Thánh nói: “Chớ nói rằng: nhơn sao ngày trước tốt hơn ngày bây giờ?” (Truyền-đạo 7:10) Tại sao có lời khuyên này?
Trước hết là vì hoàn cảnh có thể thay đổi tốt hơn. Đó chính là lý do vì sao các nhà nghiên cứu thường nói đến “sự cô đơn tạm thời”. Nhờ vậy mà Sang đã khắc phục được nỗi cô đơn của mình. Bằng cách nào? “Nói ra những cảm xúc của mình với một người biết quan tâm đã giúp ích cho tôi. Bạn không thể sống mãi với quá khứ. Tôi đã tự buộc mình phải giao tiếp với người khác, và tỏ ra chú ý đến họ. Điều này rất công hiệu và tôi đã có thêm nhiều bạn mới”.
Còn An thì sao? ‘Tôi đã nhầm. Việc dọn nhà đi không chấm dứt tình bạn giữa chúng tôi. Tôi vừa điện thoại cho An ngày hôm kia. Chúng tôi đã nói chuyện trong suốt một giờ 15 phút’.Tình trạng cô đơn kinh niên
Dầu vậy, đôi khi cảm giác cô đơn gặm nhấm dai dẳng và tưởng chừng như không có lối thoát. Phong, một học sinh trung học, kể: “Tôi đã đi học ở quận này trong suốt tám năm trời mà chưa hề có được một người bạn nào!... Không ai biết tôi nghĩ gì và cũng chẳng ai muốn biết. Đôi lúc tôi tưởng chừng mình không thể chịu đựng được nữa!”
Giống như Phong, nhiều thanh thiếu niên từng trải qua cái gọi là tình trạng cô đơn kinh niên. Tình trạng này nghiêm trọng hơn sự cô đơn tạm thời. Thật thế, theo các nhà nghiên cứu, hai điều này “khác nhau như bệnh cúm với bệnh viêm phổi” vậy. Nhưng cũng như bệnh viêm phổi có thể chữa được, tình trạng cô đơn kinh niên cũng có thể được khuất phục. Bước đầu tiên là phải cố gắng tìm hiểu nguyên nhân. (Châm-ngôn 1:5) Rhonda, 16 tuổi, đã chỉ ra được nguyên nhân phổ thông nhất dẫn đến tình trạng cô đơn kinh niên khi nói: “Tôi nghĩ nguyên nhân khiến mình cảm thấy rất cô đơn, đó là bạn chẳng thể có bạn bè nếu bạn có ý nghĩ tiêu cực về mình. Mà tôi lại không hài lòng lắm về mình”.—Trích Lonely in America (Tình trạng cô đơn ở Hoa Kỳ).
Sự cô đơn của Rhonda phát sinh từ bên trong. Sự thiếu lòng tự trọng tạo một hàng rào ngăn trở cô cởi mở và kết bạn. Một nhà nghiên cứu phát biểu: “Những ý tưởng như: ‘Tôi không duyên dáng’, ‘tôi tẻ nhạt’, ‘tôi bất tài’, là những đề tài phổ biến của những người bị cô đơn kinh niên”. Vậy bí quyết để vượt qua nỗi cô đơn của bạn có thể nằm ở việc xây dựng lòng tự trọng. (Xem Chương 12). Khi bạn phát triển điều mà Kinh Thánh gọi là “người mới”, thể hiện qua lòng nhân từ, khiêm nhường, và mềm mại, lòng tự trọng của bạn chắc chắn sẽ lớn dần!—Hơn nữa, khi bạn tập yêu mến bản thân, những đức tính hấp dẫn của bạn sẽ lôi cuốn người khác. Nhưng, cũng như bạn chỉ có thể ngắm màu sắc trọn vẹn của một đóa hoa khi nó vừa nở, người khác chỉ có thể hoàn toàn quí trọng các đức tính của bạn nếu như bạn cởi mở với họ.
Đánh tan sự ngăn cách ban đầu
Một ấn phẩm gần đây của Viện Sức Khỏe Tâm Thần Quốc Gia Hoa Kỳ nói: ‘Lời khuyên tốt nhất cho một người cô đơn là hòa mình với người khác’. Lời khuyên này phù hợp với lời dạy của Kinh Thánh là “hãy mở rộng lòng” và “thông cảm với nhau”, hay có tính đồng cảm. (2 Cô-rinh-tô 6:11-13; 1 Phi-e-rơ 3:8, Tòa Tổng Giám Mục) Điều đó rất hiệu nghiệm. Quan tâm đến người khác không chỉ giúp bạn thôi nghĩ đến sự cô đơn của mình mà còn thúc đẩy người khác chú ý đến bạn.
Thế nên, Nga, 19 tuổi, đã quyết định sẽ không chỉ ngồi thu mình phía sau và chờ người ta chào hỏi nữa. Cô nói: ‘Tôi cũng phải tỏ ra thân thiện. Nếu không thì người ta sẽ nghĩ rằng tôi kiêu ngạo’. Vậy, hãy bắt đầu với một nụ cười. Người khác có thể sẽ mỉm cười đáp lại.
Bước kế tiếp, hãy chủ động bắt chuyện. Liên, 15 tuổi, thừa nhận: “Lần đầu tiên tiếp xúc với người lạ thật là đáng ngại. Tôi sợ họ sẽ không đáp lại tôi”. Liên đã bắt chuyện như thế nào? Cô nói: “Tôi hỏi những câu thông thường như: ‘Bạn từ đâu đến?’ ‘Bạn có biết anh này chị nọ không?’ Có thể cả hai chúng tôi đều biết về một người và cứ thế chẳng bao lâu chúng tôi đã vào chuyện”. Cũng thế, thái độ tử tế và tính rộng lượng sẽ giúp bạn thắt chặt tình bằng hữu quý giá.—Cũng hãy nhớ rằng bạn có thể có một người bạn chẳng bao giờ bỏ rơi bạn. Chúa Giê-su Christ nói với các môn đồ ngài: “Ta không ở một mình, vì Cha ở cùng ta”. (Giăng 16:32) Đức Giê-hô-va cũng có thể trở thành người bạn thân thiết nhất của bạn. Hãy học biết cá tính của Ngài bằng cách đọc Kinh Thánh và quan sát công trình sáng tạo của Ngài. Hãy củng cố tình bạn với Ngài qua lời cầu nguyện. Rốt lại, tình bạn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời là liều thuốc tốt nhất chữa khỏi sự cô đơn.
Nếu như đôi khi bạn vẫn còn cảm thấy cô đơn, hãy nghỉ ngơi, thư giãn. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu như tính rụt rè quá độ ngăn trở bạn trong việc kết bạn và hòa hợp với người khác thì sao?
Câu hỏi để thảo luận
◻ Ở một mình có nhất thiết là không tốt không? Sự đơn độc có đem lại lợi ích không?
◻ Tại sao phần lớn sự cô đơn có tính cách tạm thời? Bạn có thấy điều này nghiệm đúng trong trường hợp của bạn không?
◻ Tình trạng cô đơn kinh niên là gì, và bạn có thể đối phó với vấn đề này như thế nào?
◻ Một số phương cách nào có thể ‘đánh tan sự ngăn cách ban đầu’ với người khác? Phương pháp nào đã hiệu nghiệm đối với bạn?
[Câu nổi bật nơi trang 119]
Viện Sức Khỏe Tâm Thần Quốc Gia Hoa Kỳ nói: ‘Lời khuyên tốt nhất cho một người cô đơn là hòa mình với người khác’
[Các hình nơi trang 116, 117]
Bạn bè vẫn có thể giữ liên lạc dù ở xa nhau
[Các hình nơi trang 118]
Có những lúc ở một mình có thể thú vị