Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Nỗi buồn của tôi có bình thường không?

Nỗi buồn của tôi có bình thường không?

Chương 16

Nỗi buồn của tôi có bình thường không?

MINH nhớ lại ngày cha anh qua đời: “Tôi đã ở trong tình trạng khủng hoảng... luôn tự nhủ: ‘Không thể như thế được’ ”.

Có thể một người mà bạn rất yêu quý, như cha, mẹ, anh, chị, em, hay một bằng hữu vừa mất đi. Chẳng những bạn cảm thấy buồn rầu, mà còn giận dữ, hoang mang, và sợ hãi nữa. Dù cố gắng, bạn không cầm được nước mắt. Hoặc bạn cố đè nén nỗi đau, giấu kín nó tận đáy lòng.

Thật vậy, xúc động khi người thân qua đời là điều tự nhiên. Ngay chính Chúa ­Giê-su Christ khi nhận được tin người bạn thân chết cũng đã “khóc” và “đau lòng”. (Giăng 11:33-36; so sánh 2 Sa-mu-ên 13:28-39). Biết rằng những người khác cũng từng có những cảm xúc như mình có thể sẽ giúp bạn đối phó tốt hơn với sự mất mát của mình.

Phủ nhận

Thoạt tiên bạn có thể cảm thấy bị tê liệt. Có lẽ trong tiềm thức, bạn hy vọng đó chỉ là một ác mộng, sẽ có người đến đánh thức bạn dậy và mọi việc sẽ lại diễn biến bình thường. Điển hình là trường hợp mẹ của Cúc, chết vì ung thư. Cúc giải thích: “Tôi đã không chịu chấp nhận rằng mẹ đã qua đời. Có điều gì đó có lẽ tôi đã bàn với mẹ trước đây nay sắp xảy ra, và tôi tự nhủ: ‘Mình phải nói với mẹ chuyện này mới được’ ”.

Người có thân nhân vừa mới mất thường có khuynh hướng phủ nhận sự thật đau buồn đó. Thậm chí họ ngỡ mình vừa bất chợt nhìn thấy người đã khuất trên đường phố, trong chiếc xe buýt vừa chạy ngang qua, hay trên xe điện ngầm. Bất cứ điểm tương đồng nào cũng có thể dấy lên niềm hy vọng có lẽ người thân của bạn vẫn còn sống. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời đã tạo nên con người để sống chứ chẳng phải để chết. (Sáng-thế Ký 1:28; 2:9) Thế nên, nếu chúng ta bối rối trong việc chấp nhận sự chết cũng là điều bình thường.

“Sao nó nỡ đối xử với tôi như thế?”

Chớ ngạc nhiên nếu có những lúc bạn cảm thấy oán giận người đã khuất. Cúc nhớ lại: “Khi mẹ đã qua đời, nhiều lúc tôi nghĩ: ‘Mẹ đã không cho chúng con biết mẹ sắp ra đi vĩnh viễn. Mẹ chỉ im lặng ra đi vội vã’. Tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi”.

Cái chết của anh, chị, em cũng có thể gợi lên những cảm xúc tương tự. Khanh giải thích: “Thật ngớ ngẩn khi hờn dỗi một người đã chết, nhưng khi em gái tôi mất, tôi đã không thể không nghĩ thế. Những ý tưởng như ‘Tại sao nó chết đi bỏ lại tôi cô độc một mình? Sao nó nỡ đối xử với tôi như thế?’ cứ vương vấn mãi trong tâm trí tôi”. Một số người giận anh, chị, em vừa mới mất vì nỗi đau đớn do cái chết của người ấy gây ra. Có người cảm thấy mình bị bỏ quên, thậm chí hờn giận, vì tất cả thời giờ và sự chú ý của mọi người đều dồn vào người anh hoặc chị bị bệnh trước khi người đó qua đời. Vì lo sợ mất thêm một đứa con khác, những cha mẹ đang bị đau khổ cùng cực có thể bỗng nhiên trở nên bảo vệ thái quá, và vì thế cũng có thể tạo nên sự oán ghét đối với đứa con vừa mất.

“Phải chi...”

Cảm giác có lỗi cũng là một phản ứng thường thấy. Những câu hỏi và hoài nghi cứ tuôn ra trong trí: ‘Còn điều gì lẽ ra chúng ta đã nên làm chăng? Có lẽ chúng ta nên tham khảo ý kiến của một bác sĩ khác?’ Và rồi đến những câu phải chi. ‘Phải chi chúng tôi đừng gây gỗ với nhau nhiều đến thế’. ‘Phải chi tôi tử tế hơn’. ‘Phải chi tôi ra cửa hàng thay cho nó’.

Minh nói: “Ước gì tôi kiên nhẫn và thông cảm với cha tôi hơn. Ước gì tôi chịu khó làm công việc nhà nhiều hơn để cha được thoải mái hơn mỗi khi về đến nhà”. Còn Linh thì nói: “Khi mẹ đột nhiên ngã bệnh và qua đời, nhớ lại những bất đồng giữa mẹ và tôi, tôi cảm thấy mình có lỗi rất nhiều. Tôi nghĩ đến tất cả những điều lẽ ra tôi nên nói và không nên nói với mẹ, đến tất cả những lầm lỗi mà tôi đã phạm”.

Bạn cũng có thể tự trách mình về những chuyện đã xảy ra. Cúc hồi tưởng: “Tôi cảm thấy có lỗi về các cuộc tranh cãi với mẹ, về những căng thẳng mà tôi đã gây ra. Tôi nghĩ chính những căng thẳng ấy có lẽ đã góp phần khiến căn bệnh của mẹ trở nên trầm trọng hơn”.

“Tôi biết nói gì với các bạn của tôi đây?”

Một góa phụ đã nhận xét về con trai mình: “Sơn không thích nói cho các bạn của nó biết rằng cha nó chết. Điều đó khiến nó lúng túng và chính sự lúng túng này khiến nó tức giận”.

Sách Death and Grief in the Family (Sự chết và nỗi đau buồn trong gia đình) giải thích: “Câu hỏi quan trọng bậc nhất đối với những trẻ có anh, chị, em vừa mới mất là: ‘Tôi biết nói gì với các bạn của tôi đây?’ Thông thường những trẻ này nghĩ rằng bạn bè chẳng thể nào hiểu được những gì chúng đang trải qua. Những cố gắng để chia sẻ ý nghĩa của sự mất mát có thể được đáp lại bằng những cái nhìn trống rỗng và ánh mắt giễu cợt... Do đó, anh, chị, em của người đã khuất có thể cảm thấy bị hắt hủi, cô lập và đôi khi còn bị xem là bất bình thường”.

Tuy nhiên, hãy hiểu rằng đôi khi người ta không biết nên nói gì với một người bạn đang đau buồn, và vì thế họ im lặng. Cũng có thể sự mất mát của bạn đang gợi cho họ nghĩ rằng điều đó cũng có thể xảy đến với họ, và vì không muốn nghĩ đến chuyện đó nên họ lảng tránh bạn.

Đối mặt với nỗi đau buồn

Nhận thức được rằng sự đau buồn của mình chỉ là điều bình thường sẽ giúp bạn chống chọi với nó. Chối bỏ thực tế chỉ kéo dài thêm nỗi đau khổ. Có gia đình chừa chỗ trống tại bàn ăn cho người vừa qua đời, như thể người ấy sắp vào dùng bữa. Nhưng có một gia đình chọn cách giải quyết vấn đề khác hơn. Người mẹ nói: “Chúng tôi không ngồi ăn trong bếp theo vị trí cũ nữa. Giờ đây chồng tôi ngồi vào ghế của Đang và việc đó giúp lấp khoảng trống ấy”.

Một điều hữu ích khác là ý thức rằng ngay dù có những điều lẽ ra bạn đã không nên nói hay làm, thường chúng cũng không phải là nguyên nhân gây ra cái chết cho người thân của bạn. Ngoài ra, “chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm”.—Gia-cơ 3:2.

Chia sẻ cảm xúc của bạn

Tiến sĩ Earl Grollman khuyên: “Nhận ra những cảm xúc xung khắc nhau trong lòng bạn thôi chưa đủ; bạn phải công khai đối đầu với chúng... Đây là lúc cần chia sẻ cảm xúc của bạn”. Chẳng phải là lúc để tự cô lập mình.—Châm-ngôn 18:1.

Tiến sĩ Grollman nói khi cố phủ nhận nỗi đau, “bạn chỉ kéo dài sự đau khổ và làm nỗi đau lâu hết mà thôi”. Ông khuyên: “Hãy kiếm một người biết lắng nghe, một người có thể hiểu được rằng những cảm xúc của bạn chẳng qua là những phản ứng thông thường khi gặp đau khổ quá lớn”. Cha, mẹ, anh, chị, em, bạn bè hoặc một trưởng lão trong hội thánh tín đồ Đấng Christ thường là nguồn nâng đỡ tốt.

Bạn cảm thấy muốn khóc ư? Tiến sĩ Grollman nói thêm: “Trong vài trường hợp, nước mắt là liệu pháp tốt nhất làm dịu sự căng thẳng thần kinh do cảm xúc gây ra, đối với đàn ông cũng như đàn bà và trẻ em. Khóc là phương pháp tự nhiên làm vơi phiền muộn và xoa dịu nỗi đau”.

Gia đình cùng nhau gắng sức

Cha mẹ bạn có thể là một nguồn giúp đỡ lớn lao khi gia đình vừa mất một người thân—và chính bạn cũng có thể là một nguồn trợ giúp cho họ. Như trường hợp của Jane và Sarah ở Anh Quốc, bị mất anh trai Darrall, 23 tuổi. Làm thế nào họ vượt qua được nỗi đau buồn ấy? Jane cho biết: “Vì chúng tôi có bốn người, tôi cùng cha làm chung tất cả mọi việc trong khi Sarah làm chung với mẹ. Bằng cách đó chúng tôi không bao giờ ở riêng lẻ một mình”. Jane nhớ lại: “Trước đó chưa bao giờ tôi thấy cha khóc. Giờ đây, đôi khi cha khóc, và đó là điều tốt thôi. Nghĩ lại, tôi thấy hài lòng là mình đã có mặt để an ủi cha”.

Một hy vọng giúp vượt qua

David, một thanh niên người Anh, đã bị mất cô em gái 13 tuổi tên Janet bởi bệnh Hodgkin nói rằng: “Một trong những điều đã giúp ích cho tôi rất nhiều là bài diễn văn ở buổi tang lễ. Bài diễn văn xác định: ‘Vì Đức Chúa Trời đã chỉ-định một ngày, khi Ngài sẽ lấy sự công-bình đoán-xét thế-gian, và Đức Chúa Trời đã khiến Người, Chúa ­Giê-su, từ kẻ chết sống lại, để làm chứng chắc về điều đó cho thiên-hạ’. Diễn giả đã nhấn mạnh ý tưởng ‘làm chứng chắc’ liên quan đến sự sống lại. Đó là nguồn sức mạnh lớn đã nâng đỡ tôi sau tang lễ”.—Công-vụ 17:31; cũng xem Mác 5:35-42; 12:26, 27; Giăng 5:28, 29; 1 Cô-rinh-tô 15:3-8.

Hy vọng của Kinh Thánh về sự sống lại không thể hoàn toàn xóa đi sự đau buồn. Bạn sẽ chẳng bao giờ quên được người thân yêu của mình. Tuy nhiên, nhiều người đã được an ủi thật sự nhờ lời hứa của Kinh Thánh và đã dần dần nguôi ngoai được nỗi đau mất người thân.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Theo bạn, đau buồn khi một người thân yêu qua đời có phải là điều tự nhiên không?

◻ Một người đang đau buồn có thể trải qua những cảm xúc nào, tại sao?

◻ Một người trẻ đang đau buồn có thể bắt đầu đối phó với những cảm xúc của mình bằng những cách nào?

◻ Bằng cách nào bạn có thể an ủi một người bạn có người thân vừa qua đời?

[Câu nổi bật nơi trang 128]

“Tôi đã không chịu chấp nhận rằng mẹ đã qua đời... tôi tự nhủ: ‘Mình phải nói với mẹ chuyện này mới được’ ”

[Câu nổi bật nơi trang 131]

“Khi mẹ đã qua đời,... tôi nghĩ: ‘Mẹ đã không cho chúng con biết mẹ sắp ra đi vĩnh viễn. Mẹ chỉ im lặng ra đi vội vã’. Tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi”

[Hình nơi trang 129]

“Chuyện này không thể xảy ra với tôi được!”

[Hình nơi trang 130]

Khi mất một người thân, chúng ta cần sự nâng đỡ của một người có lòng thương xót