Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao tôi không hài lòng về mình?

Tại sao tôi không hài lòng về mình?

Chương 12

Tại sao tôi không hài lòng về mình?

“TÔI thấy mình chẳng có gì đặc biệt”, Lan than thở. Đôi khi bạn cũng nghĩ như vậy về mình phải không?

Thật ra, mỗi người cần phải có phần nào lòng tự trọng. Nó được gọi là “nhân tố khiến con người hãnh diện về sự hiện hữu của mình”. Hơn nữa, Kinh Thánh nói: “Hãy yêu kẻ lân-cận như mình”. (Ma-thi-ơ 19:19, chúng tôi viết nghiêng) Nếu bạn không cảm thấy hài lòng về chính mình, có lẽ nào bạn lại hài lòng về người khác.

“Tôi thật vô tích sự!”

Điều gì có thể khiến bạn có những cảm nghĩ tiêu cực như thế về mình? Trước hết, sự thiếu năng lực có thể là một trong những nguyên nhân khiến bạn nản lòng. Ở tuổi đang lớn, bạn thường phải trải qua một giai đoạn lúng túng, khi mà việc làm rơi vỡ hay va vấp đồ đạc là ­chuyện thường ngày. Kế đến, sự thiếu kinh nghiệm của người trưởng thành khiến bạn khó lấy lại thăng bằng sau những lần bị thất vọng. Ngoài ra, vì “khả năng phân biệt” của bạn chưa được rèn luyện hữu hiệu “nhờ thực hành”, không phải lúc nào bạn cũng có thể quyết định một cách khôn ngoan nhất. (Hê-bơ-rơ [Do-thái] 5:14, Nguyễn Văn Bình) Đôi khi bạn có thể cảm thấy mình thật vô tích sự!

Không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ cũng có thể là nguyên nhân khác khiến bạn đánh giá thấp chính mình. Một bạn trẻ nói: “Nếu tôi đạt điểm ‘A trừ’ ở trường, thì cha mẹ muốn biết ngay tại sao không phải là ‘A’, rồi cho rằng tôi là kẻ bất tài”. Dĩ nhiên, việc cha mẹ thúc đẩy con cái cố gắng hết sức là điều bình thường. Khi bạn không hoàn thành được những ước muốn hợp lý ấy, chắc chắn sẽ bị quở trách. Lời khuyên của Kinh Thánh là: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên-dạy của cha, chớ bỏ phép-tắc của mẹ con”. (Châm-ngôn 1:8, 9) Thay vì nản lòng, hãy sẵn sàng chấp nhận và học hỏi từ những lời phê bình đó.

Nhưng nếu cha mẹ có những so sánh không công bằng thì sao? (“Sao con không bắt chước anh Phan của con hả? Anh con luôn luôn là học sinh xuất sắc đấy”). Những sự so sánh như thế dù đau lòng thật lúc đó nhưng thường nêu lên một điều hợp lý; ấy là cha mẹ chỉ muốn điều tốt nhất cho bạn. Và nếu như bạn cảm thấy cha mẹ quá nghiêm khắc đối với mình, tại sao không bình tĩnh thảo luận mọi vấn đề với cha mẹ?

Gây dựng lòng tự trọng

Làm thế nào bạn có thể củng cố lòng tự trọng đang bị lung lay? Trước tiên, hãy thành thật xem xét những ưu điểm và nhược điểm của mình. Bạn sẽ thấy rằng nhiều nhược điểm của bạn thật ra không đáng kể. Nói sao về những nhược điểm nghiêm trọng như: tính dễ nóng giận hay ích kỷ? Hãy chú tâm sửa chữa những nhược điểm này, lòng tự trọng của bạn chắc chắn sẽ phát triển.

Hơn nữa, đừng quên rằng bạn có những ưu điểm riêng của mình! Có thể bạn không nghĩ rằng việc biết nấu ăn hay thay một bánh xe là quan trọng. Nhưng một người đang đói hay một người lái xe lâm vào hoàn cảnh khó khăn sẽ rất khâm phục tài của bạn! Cũng hãy nghĩ đến những đức tính tốt của bạn: Bạn có siêng năng không? Có kiên nhẫn không? Có cảm thông không? Có rộng lượng không? Có tử tế không? Những đức tính này vượt xa những nhược điểm nhỏ nhặt.

Xem xét những điểm sau đây có thể hữu ích cho bạn:

Đặt ra những mục tiêu thực tế: Nếu bạn luôn mơ mộng chuyện hái sao trời, bạn sẽ thất vọng não nề. Hãy đặt ra những mục tiêu có thể đạt được. Bạn nghĩ sao về việc học một kỹ năng, như đánh máy chẳng hạn? Hãy học chơi một nhạc cụ hay học ngoại ngữ. Nâng cao và mở rộng việc đọc sách. Những thành quả đạt được sẽ giúp bạn có thêm lòng tự trọng.

Làm việc thật tốt: Nếu làm việc cẩu thả, bạn sẽ không cảm thấy hài lòng về chính mình. Đức Chúa Trời vui thích về công việc sáng tạo của Ngài, và khi công việc đã hoàn tất, Ngài tuyên bố rằng những sự sáng tạo ấy là “tốt-lành”. (Sáng-thế Ký 1:3-31) Bạn cũng có thể lấy làm vui thích về bất cứ điều gì bạn làm ở nhà hay ở trường bằng cách thực hiện nó một cách khéo léo và chu đáo.—Xem Châm-ngôn 22:29.

Làm điều tốt cho người khác: Bạn sẽ không đạt được lòng tự trọng nếu chỉ bó gối ngồi chờ người khác hầu hạ mình từng li từng tí. Chúa Giê-su đã nói rằng “hễ ai muốn làm lớn... thì sẽ làm đầy-tớ” cho người khác.—Mác 10:43-45.

Thí dụ, Kim, một cô gái 17 tuổi, dùng 60 giờ mỗi tháng trong kỳ nghỉ hè để giúp người khác học lẽ thật Kinh Thánh. Cô nói: “Điều đó đem tôi đến gần Đức Giê-hô-va. Nó cũng giúp tôi phát triển tình yêu thương thật đối với người khác”. Khó có thể nói rằng người thiếu nữ tràn đầy hạnh phúc này lại thiếu lòng tự trọng!

Chọn bạn cách cẩn thận: Bạch, một cô gái 17 tuổi, nói: “Tôi không tin chính mình. Khi làm việc với những người tin cậy nơi tôi, tôi làm rất tốt. Còn với những ai xem tôi như một thứ phụ tùng máy móc, tôi trở nên đần độn”.

Những người tự cao hoặc hay chỉ trích quả thật có thể khiến bạn mặc cảm. Thế nên, hãy chọn lựa những người bạn chân thành quan tâm đến lợi ích của bạn, và có tinh thần xây dựng.—Châm-ngôn 13:20.

Hãy chọn Đức Chúa Trời làm người bạn thân thiết nhất: “Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi, đồn-lũy tôi”, người viết Thi-thiên là Đa-vít đã tuyên bố như vậy. (Thi-thiên 18:2) Lòng tự tin của Đa-vít không dựa trên năng lực của chính ông nhưng được đặt trên tình bằng hữu thân thiết với Đức Giê-hô-va. Vì vậy, sau này khi tai họa xảy đến, ông đã có thể bình tĩnh đứng vững trước những lời chỉ trích gay gắt. (2 Sa-mu-ên 16:7,10) Cả bạn nữa, bạn cũng có thể “đến gần Đức Chúa Trời” và “khoe mình” không phải về chính bản thân bạn, nhưng về Đức Giê-hô-va!—Gia-cơ 2:21-23; 4:8; 1 Cô-rinh-tô 1:31.

Những ngõ cụt

Một nhà văn viết: “Đôi khi những thiếu niên thiếu cá tính và ít tự trọng cố tạo một bề mặt hay một vẻ bên ngoài giả tạo để đối phó với đời”. Một số thường chọn những vai khá quen thuộc như một “tay cứng cỏi”, một người có vai vế trong xã hội, một fan nhạc punk rock ăn mặc quái đản. Nhưng ẩn sau các dáng vẻ bên ngoài đó, họ vẫn tự ti mặc cảm.—Châm-ngôn 14:13.

Hãy xem trường hợp những người sống buông thả theo tình dục vô luân “để xua đuổi nỗi trầm uất, để gia tăng lòng tự trọng [bằng cảm giác được ham muốn], để có được một quan hệ mật thiết, và cuối cùng chịu mang thai để tìm sự yêu thương và chấp nhận vô điều kiện của một sanh linh khác—một đứa bé”. (Coping With Teenage Depression) Một phụ nữ trẻ bị vỡ mộng đã viết: “Tôi đã thử tìm nguồn an ủi trong quan hệ tình dục thay vì xây dựng mối quan hệ bền vững với Đấng Tạo Hóa. Tất cả những gì tôi đã tạo được là sự trống rỗng, cô đơn và chán nản nhiều hơn”. Vậy, hãy cảnh giác với những ngõ cụt như thế.

Lời cảnh giác

Điều đáng chú ý là Kinh Thánh thường cảnh giác việc một người có tư tưởng tự cao! Tại sao vậy? Vì hầu hết chúng ta, trong khi nỗ lực đạt được sự tự tin, thường có khuynh hướng vượt quá mục tiêu. Nhiều người trở nên ích kỷ và quá cường điệu về tài khéo và năng lực của mình. Một số người tự nâng cao mình bằng cách hạ thấp người khác.

Trở lại thế kỷ thứ nhất, sự kình địch mạnh mẽ giữa dân Do Thái và Dân Ngoại (tức không phải người Do Thái) đã gây phương hại cho hội thánh tín đồ Đấng Christ ở Rô-ma. Vì vậy, sứ đồ Phao-lô đã nhắc nhở Dân Ngoại rằng chỉ nhờ “sự nhân-từ” của Đức Chúa Trời mà họ được “tháp vào” vị trí nhận được ân điển của Ngài. (Rô-ma 11:17-36) Còn những người Do Thái tự xưng là công bình cũng phải đương đầu với sự bất toàn của mình. Phao-lô nói: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”.—Rô-ma 3:23.

Phao-lô đã không đánh đổ sự tự trọng của họ, nhưng ông nói: “Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người... chớ có tư-tưởng cao quá lẽ”. (Rô-ma 12:3) Vậy nên, sự tự trọng là phải “lẽ” nhưng nên tránh rơi vào thái cực về phương diện này.

Như tiến sĩ Allan Fromme nhận xét: “Một người có cái nhìn đầy đủ về chính mình thì chẳng buồn rầu nhưng cũng không vui mừng thái quá... Người đó không bi quan nhưng cũng không lạc quan quá mức. Anh không phải là kẻ liều lĩnh dại dột cũng chẳng phải là người không có nỗi sợ hãi cụ thể nào... Người đó nhận thức được rằng mình không thể luôn luôn đạt được những thành công vượt bực nhưng cũng không là kẻ thất bại thường xuyên”.

Thế nên hãy khiêm nhường. “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu-ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm-nhường”. (Gia-cơ 4:6) Hãy nhận biết những ưu điểm của mình nhưng cũng đừng lờ đi những sai lầm của chính bạn. Hơn thế nữa, hãy cố gắng sửa chữa những sai lầm ấy. Thỉnh thoảng bạn cũng sẽ hoài nghi chính mình nhưng đừng bao giờ nghi ngờ giá trị cá nhân bạn hoặc nghi ngờ rằng Đức Chúa Trời không quan tâm đến bạn. Bởi vì “nếu có một người yêu-mến Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời biết người đó”.—1 Cô-rinh-tô 8:3.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Tại sao một số bạn trẻ có cảm nghĩ tiêu cực về chính mình? Bạn có cảm nghĩ giống họ không?

◻ Làm sao bạn có thể đáp ứng những yêu cầu của cha mẹ?

◻ Những phương cách nào giúp phát triển lòng tự trọng?

◻ Đâu là những ngõ cụt trong việc phát triển lòng tự trọng?

◻ Tại sao bạn phải cẩn thận về sự tự cao?

[Câu nổi bật nơi trang 98]

Lòng tự trọng được gọi là “nhân tố khiến con người hãnh diện về sự hiện hữu của mình”

[Hình nơi trang 99]

Bạn có cảm thấy chán nản, tự ti không? Có một giải pháp đấy

[Hình nơi trang 101]

Trở thành kẻ khoe khoang, khoác lác không phải là giải pháp cho sự mặc cảm tự ti

[Hình nơi trang 102]

Đôi khi bạn có cảm thấy mình thật vô tích sự không?