Làm sao kiểm soát được thói quen xem truyền hình?
Chương 36
Làm sao kiểm soát được thói quen xem truyền hình?
ĐỐI VỚI nhiều người, cả già lẫn trẻ, việc xem truyền hình đã trở thành một sự đam mê đáng sợ. Các cuộc nghiên cứu cho thấy, đến năm 18 tuổi, trung bình một thanh niên Mỹ dành 15.000 giờ để xem truyền hình! Và người ta thấy rõ sự đam mê này là một loại nghiện thật sự khi xem các tay ghiền truyền hình thứ thiệt cố gắng bỏ thói quen này.
“Tôi thấy truyền hình có sức hấp dẫn không cưỡng lại được. Một khi đã mở nó lên thì tôi không thể không xem, càng không thể tắt nó đi được... Mỗi khi đưa tay lên tắt ti vi thì sức lực tôi dường như biến mất. Tôi đành phải ngồi xem hết giờ này sang giờ khác”. Phải chăng đó là lời của một bạn trẻ chưa trưởng thành? Không đâu, đó là lời phát biểu của một giảng viên đại học môn Anh văn! Nhưng thanh thiếu niên cũng có thể nghiện truyền hình. Hãy xem phản ứng của một số người đã đồng ý tham gia “Tuần lễ không truyền hình”:
“Tôi như bị trầm cảm... Tôi gần như sắp phát điên lên”.—Sương, 12 tuổi.
“Tôi không nghĩ mình sẽ bỏ được thói quen này. Tôi quá mê ti vi ”.—Liên, 13 tuổi.
“Tôi bị áp lực kinh khủng. Tôi luôn bị thôi thúc xem ti vi. Thời gian từ 8 đến 10 giờ tối là lúc khó khăn nhất”.—Lợi, 11 tuổi.
Vì vậy, không lạ gì khi hầu hết thanh thiếu niên tham gia chương trình “Tuần lễ không truyền hình” đều sung sướng điên cuồng chạy ngay đến trước ti vi khi tuần lễ này chấm dứt. Tuy nhiên, sự đam mê này không có gì đáng
cười vì nó gây ra biết bao vấn đề. Chúng ta hãy xem xét một vài ví dụ:Bị điểm kém: Viện Sức Khỏe Tâm Thần Quốc Gia (Hoa Kỳ) cho biết xem truyền hình quá mức có thể dẫn đến “kết quả học tập kém, đặc biệt là ở môn đọc”. Cuốn The Literacy Hoax còn buộc tội thêm: “Ảnh hưởng của truyền hình đối với trẻ em là làm cho chúng trông đợi việc học hành sẽ dễ dàng, thụ động và thú vị”. Vì vậy, những em ghiền truyền hình có thể cảm thấy học hành là cả một thử thách.
Ít đọc sách: Lần cuối cùng bạn đụng đến một quyển sách và đọc từ đầu đến cuối là khi nào? Một phát ngôn viên của Hiệp Hội Kinh Doanh Sách ở Tây Đức than phiền: “Chúng ta đã trở thành một dân tộc chỉ biết đi làm về rồi ngủ ngay trước máy truyền hình. Càng ngày chúng ta càng ít đọc sách”. Một bản báo cáo ở Úc cũng nói tương tự: “Trung bình một đứa trẻ ở Úc đọc sách được một giờ thì dành ra bảy giờ để xem truyền hình”.
Đời sống gia đình bị thu hẹp: Một nữ tín đồ Đấng Christ viết: “Vì xem truyền hình quá nhiều... nên tôi rất cô đơn và cảm thấy mình lẻ loi. Tôi thấy như gia đình mình chỉ toàn những người xa lạ”. Bạn có cảm thấy là mình cũng đang dành ít thời gian hơn cho gia đình vì truyền hình không?
Sự biếng nhác: Một số người cho rằng sự thụ động của truyền hình “có thể khiến những người trẻ nhầm tưởng rằng mọi nhu cầu của cuộc sống kiếm được một cách dễ dàng và điều đó khiến họ không có thái độ tích cực trong cuộc sống”.
Chịu các ảnh hưởng không lành mạnh: Một số cáp truyền hình đưa các hình ảnh khiêu dâm vào nhà. Các chương trình truyền hình cũng thường chiếu những cảnh đụng xe, các vụ nổ, đâm chém, bắn giết và các đòn cước ka-ra-tê. Người ta ước tính một người trẻ ở Hoa Kỳ, khi đến tuổi 14, sẽ chứng kiến khoảng 18.000 vụ giết người trên truyền hình, đó là chưa kể đến các cảnh đấm đá hay phá hoại tài sản.
Nhà nghiên cứu người Anh William Belson nhận thấy rằng những thiếu niên thích xem các cảnh bạo lực trên màn ảnh thường hay “dính líu vào các vụ đánh nhau nghiêm trọng” hơn so với những trẻ không xem những cảnh đó. Ông cũng cho rằng những cảnh bạo lực trên truyền hình có thể khuyến khích “việc chửi thề, sự hung bạo trong thể thao hay những cuộc chơi, đe dọa dùng bạo lực với những trẻ khác, viết bậy lên tường, [và] đập vỡ cửa sổ”. Bạn có thể nghĩ rằng mình sẽ không bị những ảnh hưởng như thế. Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu của Belson cho thấy mặc dù việc tiếp xúc với các cảnh bạo lực trên màn ảnh không “làm thay đổi thái độ nhận thức của thanh thiếu niên về” bạo lực, nhưng rõ ràng nó đã làm mất đi tiềm thức chống lại bạo lực nơi các em.
Điều đáng quan tâm hơn nữa là việc mê xem những cảnh bạo lực trên truyền hình có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời, là Đấng “ghét... kẻ ưa sự hung-bạo”.—Thi-thiên 11:5.
Làm sao kiểm soát được việc xem truyền hình?
Điều này không nhất thiết có nghĩa là truyền hình hoàn toàn xấu. Nhà văn Vance Packard nói: “Nhiều chương trình truyền hình ở Mỹ rất đáng xem... Các chương trình vào đầu các buổi tối thường là những thành tựu lớn của điện ảnh trong việc ghi lại đời sống thiên nhiên—từ các hoạt động của loài dơi, hải ly, bò rừng cho đến các loài cá hoa. Các
kênh truyền hình phổ thông có các chương trình múa ba-lê, nhạc kịch và nhạc thính phòng tuyệt vời. Truyền hình cũng truyền tải rất tốt những sự kiện quan trọng... Thỉnh thoảng truyền hình cũng chiếu các tác phẩm kịch nghệ đặc sắc”.Tuy nhiên, quá nhiều điều tốt cũng có thể có hại. (So sánh Châm-ngôn 25:27). Và nếu bạn cảm thấy thiếu tự chủ đến nỗi không thể tắt các chương trình có hại thì nên nhớ lời của sứ đồ Phao-lô: “Chẳng để sự gì bắt phục được tôi”. (1 Cô-rinh-tô 6:12) Vậy làm thế nào bạn có thể thoát khỏi vòng nô lệ của truyền hình và kiểm soát được thói quen này?
Nhà văn Linda Nielsen nhận xét: “Việc tự chủ bắt đầu bằng cách tập đặt ra các mục tiêu”. Trước hết, hãy phân tích các thói quen hiện thời của bạn. Trong một tuần lễ, hãy chú ý xem bạn dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày và xem những chương trình nào trên truyền hình. Bạn có thói quen mở truyền hình ngay khi vừa về đến nhà không? Khi nào
thì bạn tắt? Mỗi tuần có bao nhiêu chương trình thuộc loại “phải xem”? Có lẽ kết quả sẽ khiến bạn phải kinh ngạc.Sau đó bạn nên nghiêm túc xét lại các chương trình mà mình đã xem. Kinh Thánh đặt câu hỏi: “Tai ta chẳng nhận biết lời nói, như miệng nhận biết mùi vị thức ăn sao?” (Gióp 12:11, Trịnh Văn Căn) Vậy bạn hãy dùng khả năng suy xét của mình (cùng với lời khuyên của cha mẹ) và kiểm điểm lại xem những chương trình truyền hình nào thực sự đáng xem. Một số thiếu niên chọn trước các chương trình họ sẽ xem và chỉ mở để xem các chương trình ấy! Một số khác nghiêm khắc hơn, đặt ra quy tắc không xem truyền hình trong những ngày đi học hoặc hạn chế chỉ xem một giờ mỗi ngày.
Nhưng nếu chỉ nhìn thấy máy truyền hình thôi cũng đủ khiến bạn bị cám dỗ thì sao? Có một gia đình giải quyết vấn đề bằng cách này: “Chúng tôi để ti vi dưới tầng hầm cho khuất mắt... Để dưới tầng hầm, bạn ít bị cám dỗ mở nó lên khi bước vào nhà. Nếu bạn muốn xem thì phải xuống tận dưới đấy”. Vậy nếu bạn cất nó vào tủ hoặc chỉ cần không cắm điện thì cũng rất hiệu quả.
Thú vị thay, từ trong vô số ‘các dằn vặt khi phải bỏ truyền hình’ các bạn trẻ tham gia vào “Tuần lễ không truyền hình” đã tìm được những trò bổ ích khác thay cho nó. Một bạn gái nhớ lại: “Tôi đã nói chuyện với mẹ. Tôi thấy mẹ là
người thú vị hơn nhiều, bởi vì tôi không còn bị phân tâm giữa mẹ và truyền hình nữa”. Một bạn gái khác thì dùng thời giờ để thử học nấu ăn. Thậm chí một thanh niên tên Tân còn khám phá ra rằng “đi dạo trong công viên thay vì xem truyền hình”, hoặc đi câu cá, đọc sách, hay đi biển cũng rất thú vị.Kinh nghiệm của Thanh (xem phần trong khung “Tôi từng nghiện truyền hình”) cho thấy một cách khác để kiểm soát việc xem truyền hình là “làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn”. (1 Cô-rinh-tô 15:58) Bạn cũng sẽ thấy rằng việc đến gần Đức Chúa Trời, học Kinh Thánh với sự trợ giúp của các ấn phẩm hiện có, và bận rộn trong công việc của Đức Chúa Trời sẽ giúp bạn vượt qua sự đam mê này. (Gia-cơ 4:8) Quả thật, hạn chế việc xem truyền hình cũng có nghĩa là bạn phải bỏ lỡ một vài chương trình mình ưa thích. Nhưng tại sao lại phải làm nô lệ cho mỗi một chương trình truyền hình? (Xem 1 Cô-rinh-tô 7:29, 31). Tốt hơn bạn nên ‘cứng rắn’ với chính mình như sứ đồ Phao-lô từng nói: “Tôi đãi thân-thể tôi cách nghiêm-khắc, bắt nó phải phục”. (1 Cô-rinh-tô 9:27) Điều này không tốt hơn là làm nô lệ cho một cái máy truyền hình sao?
Câu hỏi để thảo luận
◻ Tại sao việc xem truyền hình có thể được gọi là một thói nghiện đối với một số người trẻ?
◻ Xem truyền hình quá nhiều có những ảnh hưởng tai hại nào?
◻ Bạn có thể kiểm soát việc xem truyền hình bằng những cách nào?
◻ Bạn có thể làm gì thay vì xem truyền hình?
[Câu nổi bật nơi trang 295]
“Tôi như bị trầm cảm... Tôi gần như sắp phát điên lên”.—Sương, 12 tuổi, đã tham gia “Tuần lễ không truyền hình”
[Khung nơi trang 292, 293]
‘Tôi từng nghiện truyền hình’—Cuộc Phỏng vấn
Phóng viên: Em bắt đầu nghiện truyền hình từ lúc mấy tuổi?
Thanh: Khoảng mười tuổi. Vừa mới đi học về là em mở truyền hình lên ngay. Đầu tiên em xem phim hoạt họa và các chương trình thiếu nhi. Khi đến phần tin tức thời sự... thì em xuống bếp lục đồ ăn. Sau đó em trở lên xem truyền hình cho đến lúc buồn ngủ.
Phóng viên: Vậy thì em chơi với bạn bè vào lúc nào?
Thanh: Truyền hình là bạn em.
Phóng viên: Chắc em không bao giờ có thời gian chơi thể thao?
Thanh: [cười] Em hoàn toàn không có khiếu chơi thể thao. Vì xem truyền hình suốt nên em không có thì giờ tập chơi. Em chơi bóng rổ rất dở. Trong giờ thể dục em luôn là người cuối cùng được chọn. Nhưng em ước gì mình đã luyện tập nhiều hơn—không phải để khoe khoang với người khác, nhưng ít nhất để em có thể cảm thấy thích.
Phóng viên: Còn về học lực của em thì sao?
Thanh: Em cũng xoay xở được khi học cấp 2. Em thức khuya và làm bài tập vào phút chót. Nhưng khi lên cấp 3 thì khó khăn hơn vì đã có thói quen học tập xấu.
Phóng viên: Em có bị ảnh hưởng khi xem truyền hình nhiều như vậy không?
Thanh: Vâng. Thỉnh thoảng khi ở trong đám đông, em hay ngồi quan sát mọi người—như thể đang xem truyền hình vậy—thay vì phải tham gia vào cuộc nói chuyện. Em ước gì mình biết cách giao tiếp tốt hơn với những người xung quanh.
Phóng viên: Xem ra thì em đã nói chuyện rất tốt trong cuộc phỏng vấn này đó chứ. Chắc em đã vượt qua được chứng nghiện của mình rồi đó.
Thanh: Em đã bắt đầu bỏ xem truyền hình từ khi lên trung học... Em cố gắng kết hợp với các Nhân Chứng trẻ tuổi và bắt đầu có những tiến bộ về thiêng liêng.
Phóng viên: Nhưng điều này có liên quan gì đến việc xem truyền hình của em?
Thanh: Khi bắt đầu biết quí trọng những điều thiêng liêng hơn, em nhận ra rằng nhiều chương trình truyền hình mà em thường xem trước đây không tốt cho tín đồ Đấng Christ. Em cũng cảm thấy cần phải học hỏi Kinh Thánh và sửa soạn nhiều hơn cho những buổi nhóm họp của tín đồ Đấng Christ. Điều này có nghĩa là em phải bỏ bớt phần lớn thời gian xem truyền hình. Mặc dù vậy, thực hiện được điều này không phải là dễ. Trước đây em rất thích xem chương trình phim hoạt họa vào sáng Thứ Bảy. Nhưng rồi một anh tín đồ Đấng Christ trong hội thánh mời em cùng đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia vào sáng Thứ Bảy, nên em đã bỏ được thói quen xem truyền hình vào sáng Thứ Bảy. Cuối cùng thì em cũng đã tập giảm bớt việc xem truyền hình.
Phóng viên: Nhưng hiện giờ thì sao?
Thanh: Vâng, em vẫn còn gặp khó khăn là mỗi khi truyền hình mở thì em không làm gì được hết. Vì thế em thường không mở truyền hình. Thực ra thì truyền hình của em đã bị hư cách đây vài tháng nhưng em cũng chưa thèm sửa.
[Hình nơi trang 291]
Đối với một số người, xem truyền hình là một loại nghiện đáng sợ
[Hình nơi trang 294]
Khi đặt truyền hình vào một chỗ không thuận tiện, bạn ít bị cám dỗ để mở nó hơn