Những gì tôi đọc có quan trọng không?
Chương 35
Những gì tôi đọc có quan trọng không?
VUA Sa-lô-môn đã cảnh giác: “Người ta chép nhiều sách chẳng cùng; còn học quá thật làm mệt-nhọc cho xác-thịt”. (Truyền-đạo 12:12) Không phải Sa-lô-môn có ý khuyên bạn đừng đọc sách; trái lại, ông chỉ muốn khuyên bạn nên khéo chọn sách để đọc.
Nhà triết học Pháp thuộc thế kỷ 17, René Descartes, nói: “Khi đọc những cuốn sách hay, bạn như đối thoại với những nhân vật có giáo dục đã sống trong quá khứ. Chúng ta thậm chí có thể gọi đó là cuộc nói chuyện có tính chọn lọc, trong đó tác giả nêu lên những ý tưởng cao quý nhất của mình”. Mặc dù vậy, không phải tất cả các nhà văn đều đáng cho chúng ta ‘nói chuyện’, cũng như không phải tất cả các ý tưởng của họ đều thực sự “cao quý”.
Vì vậy, một lần nữa chúng ta có thể áp dụng nguyên tắc thường được trích dẫn trong Kinh Thánh: “Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Đúng vậy, những người mà bạn giao du có thể uốn nắn nhân cách bạn. Bạn đã bao giờ dành quá nhiều thời gian với một người bạn đến nỗi bạn bắt đầu cư xử, nói năng hay thậm chí suy nghĩ giống người đó chưa? Tương tự như thế, đọc sách cũng giống như bỏ hàng giờ nói chuyện với người viết sách vậy.
Vì vậy, nguyên tắc Chúa Giê-su nêu ra nơi Ma-thi-ơ 24:15 rất thích hợp: “Ai đọc phải để ý”. Hãy học cách phân tích và cân nhắc những gì bạn đọc. Mỗi người đều có một số thành kiến riêng, nên đôi khi họ không hoàn toàn trung thực khi truyền đạt các sự kiện. Thế thì đừng chấp nhận một cách mù quáng tất cả những gì bạn đọc hay nghe được: “Kẻ ngu-dốt tin hết mọi lời; nhưng người khôn-khéo xem-xét các bước mình”.—Châm-ngôn 14:15.
Đặc biệt bạn nên thận trọng khi đọc những lời giải thích về triết lý sống. Chẳng hạn các tạp chí dành cho thanh thiếu niên thường đầy đặc những lời cố vấn về mọi phương diện, từ cách hẹn hò đến tình dục trước hôn nhân; tuy nhiên không phải lúc nào tín đồ Đấng Christ cũng nên áp dụng những lời khuyên này. Còn về các sách bàn đến các đề tài triết lý sâu sắc thì sao?
Kinh Thánh cảnh giác: “Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết-học và lời hư-không, theo lời truyền-khẩu của loài người,... không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng”. (Cô-lô-se 2:8) Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, như quyển sách bạn đang cầm trong tay, cho chúng ta những lời khuyên tốt hơn nhiều.—2 Ti-mô-thê 3:16.
Các tiểu thuyết lãng mạn—Vô hại chăng?
Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, đọc tiểu thuyết lãng mạn đã trở thành nỗi đam mê của khoảng 20 triệu người. Dĩ nhiên, chính Đức Chúa Trời đã đặt trong lòng người nam và người nữ sự mong muốn được yêu thương và dựng vợ, gả chồng. (Sáng-thế Ký 1:27, 28; 2:23, 24) Vậy, không ngạc nhiên gì khi thấy trong hầu hết các tiểu thuyết, người ta đều đề cao những mối tình lãng mạn, và điều này không hẳn đáng chê trách. Thậm chí một số tiểu thuyết lãng mạn còn trở thành các tác phẩm văn học kiệt tác. Nhưng theo tiêu chuẩn thời nay, các tiểu thuyết cổ đã trở nên nhạt nhẽo, vì vậy nhiều nhà văn thấy cần phải tung ra một loại tiểu thuyết lãng mạn mới để được lợi nhuận hơn. Một số tiểu thuyết vẫn còn sử dụng bối cảnh lịch sử hoặc thời trung cổ để thêm phần kịch tính và tạo văn phong cho câu chuyện. Một số khác thì sử dụng cách hành văn cũng như bố cục hiện đại. Tuy có vài thay đổi nhỏ, nhưng các tiểu thuyết hiện đại này vẫn theo một công thức mà chúng ta có thể dễ dàng đoán trước: đó là các nam, nữ nhân vật chính đều phải vượt qua các trở ngại ghê gớm đang đe dọa mối tình mới chớm của họ.
Nét đặc trưng thường thấy là nhân vật nam phải là một người mạnh mẽ, thậm chí ngạo mạn, tự tin. Trái lại, nhân vật nữ thì yếu đuối, dễ bị tổn thương và thường trẻ hơn nhân vật nam 10 hay 15 tuổi. Và mặc dù chàng luôn xem thường nàng nhưng nàng vẫn bị quyến rũ.
Thường cũng có thêm nhân vật tình địch. Mặc dù chàng này tử tế, ân cần nhưng lại không được lòng nàng. Vì thế,
nàng dùng sắc đẹp quyến rũ để cố uốn nắn người hùng của mình thành một chàng trai lãng mạn, nay tuyên bố công khai tình yêu vĩnh viễn của mình. Họ xóa tan và bỏ qua mọi hoài nghi trước kia, và sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi...Tình yêu có giống như các chuyện tình trong tiểu thuyết không?
Những câu chuyện tưởng tượng này có khiến bạn có cái nhìn ảo tưởng về thực tế không? Bông, bắt đầu đọc tiểu thuyết lãng mạn từ năm 16 tuổi, nhớ lại: “Tôi chỉ tìm những thanh niên cao lớn, nước da ngăm và đẹp trai; những người sôi nổi và có tính cách áp chế”. Cô còn thú nhận: “Khi đi chơi với một thanh niên, nếu anh ta không muốn hôn hay chạm vào người tôi thì tôi xem đó chỉ là một chàng ngốc, cho dù anh ta có tử tế hay ân cần đi nữa. Tôi muốn tìm cảm giác kích thích như trong các tiểu thuyết tôi đã đọc”.
Sau khi lập gia đình, Bông vẫn tiếp tục đọc tiểu thuyết lãng mạn. Cô nói: “Tôi có một ngôi nhà khang trang và một gia đình hạnh phúc, nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ... Tôi muốn có cái cảm giác phiêu lưu, kích thích và rạo rực được miêu tả đầy quyến rũ trong tiểu thuyết. Tôi cảm thấy cuộc hôn nhân của mình có điều gì không ổn”. Tuy vậy, Kinh Thánh đã giúp Bông nhận thức được rằng người chồng phải cho vợ nhiều hơn chứ không chỉ sự quyến rũ hay ‘sự kích thích’. Kinh Thánh nói: “Chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi-nấng săn-sóc nó”.—Ê-phê-sô 5:28, 29.
Còn các chủ đề quá quen thuộc trong các tiểu thuyết lãng mạn, các kết cục không tưởng và sự dung hòa một cách dễ dàng các mối bất hòa thì sao? Thật ra, những điều đó rất xa vời thực tế. Bông nhớ lại: “Mỗi khi có sự bất hòa với chồng, thay vì hai người cùng ngồi xuống giải quyết, tôi lại bắt chước những trò của nhân vật nữ trong tiểu thuyết. Và khi chồng tôi không phản ứng giống nhân vật nam thì tôi hờn giận”. Những lời khuyên của Kinh Thánh dành cho người vợ không thực tế hơn hay sao? Kinh Thánh nói: “Hỡi người làm vợ, hãy vâng-phục chồng mình”.—Cô-lô-se 3:18.
Nội dung khiêu dâm
Điều đáng chú ý là các tiểu thuyết lãng mạn miêu tả sống động những cảnh tình dục—có trong các thư viện tại một số thành phố—lại là loại truyện được thanh thiếu niên yêu cầu nhiều nhất. Những truyện như vậy có thể ảnh hưởng xấu đến bạn không? Kim, 18 tuổi, giải thích: “Các truyện này thực sự kích thích mạnh mẽ các cảm xúc nhục dục và gợi sự tò mò của tôi. Trạng thái ngây ngất, phấn khích của nhân vật nữ khi sung sướng gặp người tình khiến tôi cũng muốn có được cảm giác đó”. Cô nói tiếp: “Vì vậy, khi hẹn hò, tôi cố tạo ra các cảm giác như vậy. Điều này đã dẫn tôi đến việc phạm tội tà dâm”. Nhưng kinh nghiệm của cô có giống như của nhân vật nữ mà cô đã đọc và tưởng tượng ra không? Kim đã khám phá ra rằng: “Các cảm xúc đó đều là sản phẩm của trí tưởng tượng của nhà văn. Chúng chẳng có thật chút nào”.
Tưởng tượng ra các hình ảnh khiêu dâm thực ra là chủ ý của một số nhà văn. Bạn hãy xem cách một nhà xuất bản chỉ đạo cho các tác giả viết tiểu thuyết lãng mạn: “Phải tập trung mô tả sự cuồng nhiệt và cảm giác ham muốn nhục dục do nụ hôn và cử chỉ vuốt ve âu yếm của nhân vật nam tạo nên”. Các nhà văn cũng được cố vấn thêm rằng các chuyện tình “phải gây kích thích cũng như tạo ham muốn nhục dục nơi độc giả”. Rõ ràng đọc các loại sách như vậy không thể nào giúp một người làm theo lời răn của Kinh Thánh “làm chết các chi-thể của anh em ở nơi hạ-giới, tức là tà-dâm, ô-uế, tình-dục, ham-muốn xấu-xa”.—Cô-lô-se 3:5.
Hãy chọn lọc
Vậy, hãy tránh đọc các tiểu thuyết gợi lên tình cảm vô luân hoặc những mong muốn không thực tế. Tại sao bạn không đọc các loại sách khác như sách lịch sử hay khoa học chẳng hạn? Chúng tôi không có ý muốn nói là không nên đọc mọi loại tiểu thuyết, vì một số tiểu thuyết không chỉ có tác dụng giải trí mà còn mang tính giáo dục nữa. Nhưng bạn có nên bỏ phí thời gian đọc các sách đề cao tình dục, bạo lực phi nghĩa, ma thuật, hay “các anh hùng” sống buông thả, tàn nhẫn hay tham lam không?
Vậy, hãy cẩn thận. Trước khi đọc một quyển sách, hãy xem bìa và tựa sách có điểm gì không nên đọc hay không. Và ngay dù bạn đã thận trọng xem xét trước, nhưng trong lúc đọc nếu thấy nội dung không lành mạnh, hãy cương quyết gấp sách lại.
Trái lại, đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm có liên quan đến Kinh Thánh sẽ giúp ích, chứ không làm hại bạn. Chẳng hạn, một cô gái Nhật nói việc đọc Kinh Thánh giúp cô tránh nghĩ đến tình dục—mà đây thường là vấn đề của giới trẻ. Cô nói: “Tôi luôn đặt sách Kinh Thánh gần giường để đọc trước khi đi ngủ. Chính những lúc ở một mình và không làm gì (như giờ ngủ chẳng hạn), tôi thường hay nghĩ đến tình dục. Nhưng việc đọc Kinh Thánh thực sự giúp tôi!” Vâng, “nói chuyện” với những người có đức tin được Kinh Thánh nói đến có thể giúp bạn có phẩm chất đạo đức cao và góp phần tạo hạnh phúc cho bạn.—Rô-ma 15:4.
Câu hỏi để thảo luận
◻ Tại sao bạn cần phải chọn lựa sách để đọc?
◻ Tại sao các tiểu thuyết lãng mạn lại có sức hấp dẫn đối với nhiều người trẻ? Nhưng những tiểu thuyết này nguy hiểm như thế nào?
◻ Làm thế nào bạn có thể chọn sách thích hợp để đọc?
◻ Những lợi ích của việc đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh là gì?
[Câu nổi bật nơi trang 287]
“Tôi có một ngôi nhà khang trang và một gia đình hạnh phúc, nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ... Tôi muốn có cái cảm giác phiêu lưu, kích thích và rạo rực được mô tả đầy quyến rũ trong tiểu thuyết. Tôi cảm thấy cuộc hôn nhân của mình có điều gì không ổn”
[Hình nơi trang 283]
Trước hàng ngàn loại sách, bạn cần phải khéo chọn lựa
[Hình nơi trang 285]
Các tiểu thuyết lãng mạn có thể làm bạn đọc say sưa nhưng liệu chúng có chỉ dạy các quan điểm đúng đắn về tình yêu và hôn nhân không?