Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để đạt điểm cao hơn?

Làm sao để đạt điểm cao hơn?

Chương 18

Làm sao để đạt điểm cao hơn?

KHI người ta hỏi một số học sinh tiểu học: ‘Điều gì khiến em lo lắng nhất?’, thì 51 phần trăm các em đã trả lời: “Điểm”!

Không lạ gì khi các bạn trẻ lo lắng nhiều về điểm ở trường. Điểm có thể quyết định việc đậu hay rớt, được việc làm lương cao hay thấp, được cha mẹ tán thưởng hay quở trách. Quả thật, điểm và các bài kiểm tra có một tầm quan trọng nhất định của chúng. Chính Chúa Giê-su Christ cũng đã thường kiểm tra xem các môn đồ ngài hiểu thế nào về một số vấn đề. (Lu-ca 9:18) Và như cuốn Measurement and Evaluation in the Schools (Đo lường và đánh giá ở học đường) nói: “Kết quả kiểm tra có thể cho biết mặt mạnh và mặt yếu của từng học sinh, đồng thời là động lực thúc đẩy học sinh tiếp tục học”. Điểm cũng cho cha mẹ biết là bạn học hành ra sao—tiến bộ hay thụt lùi.

Đạt đến sự thăng bằng

Tuy nhiên, quá quan tâm về điểm có thể gây căng thẳng đến tê liệt và gây nên sự cạnh tranh gay gắt. Một sách về thiếu niên nhận xét rằng các học sinh có dự định lên đại học có thể đặc biệt “bị cuốn hút vào một cuộc cạnh tranh phức tạp trong đó điểm và thứ hạng được chú trọng đến nhiều hơn là việc học”. Theo tiến sĩ William Glasser, kết quả là học sinh “sớm biết cách dò xem bài kiểm tra sẽ gồm những gì và... chỉ học những phần đó”.

Vua Sa-lô-môn cảnh giác: “Ta cũng thấy mọi công-lao và mọi nghề khéo là điều gây cho người nầy kẻ khác ganh-ghét nhau. Điều đó cũng là sự hư-không, theo luồng gió thổi”. (Truyền-đạo 4:4) Sự cạnh tranh gay gắt, dù là về của cải vật chất hay giải thưởng ở học đường, đều vô ích. Những người trẻ kính sợ Đức Chúa Trời hiểu rằng họ cần phải học tập chăm chỉ ở trường. Nhưng thay vì xem học vấn là điều quan trọng nhất trong cuộc sống, họ theo đuổi những mục tiêu thiêng liêng, với sự tin cậy rằng Đức Chúa Trời sẽ chăm lo cho nhu cầu vật chất của họ.—Ma-thi-ơ 6:33; xem Chương 22 về việc chọn nghề.

Ngoài ra, học không chỉ có nghĩa là góp nhặt điểm trong các kỳ kiểm tra. Nó có nghĩa là phát triển cái mà Sa-lô-môn gọi là “khả năng suy luận”, tức kỹ năng thâu thập thông tin chưa được hiệu chỉnh rồi từ đó rút ra những kết luận hợp lý, thực tiễn. (Châm-ngôn 1:4, NW) Một người chỉ cố xoay sở để đủ điểm đậu bằng cách đoán mò, học gạo, hay quay cóp, không bao giờ thật sự học được cách suy luận. Và đạt điểm cao môn toán thì có ích gì nếu sau đó bạn không thể tự cân đối cuốn chi phiếu của mình?

Vì thế, điều quan trọng là bạn không nên xem điểm là cứu cánh mà là phương tiện hữu ích giúp đánh giá sự tiến bộ của bạn ở trường. Tuy nhiên, làm thế nào bạn có thể đạt được điểm phản ảnh khả năng của bạn?

Chịu trách nhiệm về việc học của mình!

Theo giáo viên Linda Nielsen, các học sinh kém thường hay “đổ thừa kết quả học kém của mình cho những yếu tố ngoài tầm kiểm soát như: các câu hỏi kiểm tra đánh đố, giáo viên thiên vị, xui xẻo, số phận, thời tiết”. Nhưng Kinh Thánh nói: “Lòng kẻ biếng-nhác mong-ước, mà chẳng có chi hết”. (Châm-ngôn 13:4) Thật vậy, sự lười biếng thường là lý do thật sự dẫn đến việc bị điểm thấp.

Nhưng trái lại, các học sinh giỏi rất có ý thức trách nhiệm về việc học của họ. Tạp chí ’Teen đã thăm dò một số học sinh trung học đạt kết quả cao. Bí quyết của họ là gì? Một em nói: “Động lực cá nhân giúp bạn tiếp tục học giỏi”. Em khác nói: “Sắp đặt giờ giấc của bạn và bắt mình phải theo sát thời khóa biểu”. “Bạn phải đặt mục tiêu cho mình”, một em khác nữa nói. Vâng, điểm của bạn cao hay thấp không tùy thuộc vào những yếu tố ngoài tầm kiểm soát của bạn, nhưng phần lớn vào chính BẠN—vào mức độ chăm chỉ học tập và làm việc của bạn.

‘Nhưng tôi có học mà’

Một số bạn trẻ có thể nói như thế. Họ thật sự cảm thấy mình đã làm việc rất cật lực nhưng kết quả lại không đến đâu. Tuy nhiên, một vài năm trước đây các nhà nghiên cứu ở Trường Đại Học Stanford (Hoa Kỳ) đã tiến hành một cuộc thăm dò trên 770 học sinh xem các em nghĩ mình đã dành bao nhiêu nỗ lực cho việc học ở trường. Lạ lùng thay, những học sinh đạt điểm thấp đều nghĩ là họ cũng học nhiều như ai! Tuy nhiên, khi xem xét thói quen học tập của họ, người ta nhận thấy rằng trên thực tế họ rất ít làm bài tập so với các bạn đạt điểm cao cùng lớp.

Bài học ở đây là gì? Có lẽ bạn cũng chưa chịu khó học nhiều như bạn tưởng, và cần phải có một số thay đổi thích đáng. Một bài báo đăng trong tờ Journal of Educational Psychology (Tạp chí về tâm lý giáo dục) cho thấy rằng chỉ cần “tăng thời gian làm bài tập là học sinh có thể đạt được kết quả tốt hơn ở trường”. Thật ra, “nếu làm bài tập từ 1 đến 3 giờ mỗi tuần, một học sinh hơi kém có thể đạt được điểm cao tương đương với một học sinh trung bình không làm bài tập”.

Sứ đồ Phao-lô đã phải ‘đánh xác mình một trận nên thân’ theo nghĩa bóng để đạt được mục đích của ông. (1 Cô-rinh-tô 9:27, An Sơn Vị) Tương tự như thế, có lẽ bạn cũng phải bắt đầu có kỷ luật cứng rắn với bản thân, đặc biệt nếu truyền hình hay những thú tiêu khiển khác có thể dễ dàng khiến bạn phân tâm. Bạn cũng có thể thử đặt trên ti-vi một tấm bảng ghi: “Không xem truyền hình khi chưa làm xong bài tập!”

Chỗ học của bạn

Phần lớn chúng ta đều được lợi ích nếu có một nơi yên tĩnh để dành cho việc học. Nếu bạn ở chung phòng với người khác hoặc nhà bạn không được rộng cho lắm, hãy ứng biến! Bạn có thể nói với mọi người là bạn sẽ dùng nhà bếp hay phòng ngủ của ai đó làm chỗ học trong một hoặc vài giờ mỗi tối. Cùng lắm thì hãy thử học ở thư viện hay nhà của bạn bè.

Nếu có thể, hãy dùng một cái bàn lớn để có thể bày các tài liệu của bạn. Nên có sẵn những vật dụng như viết chì và giấy để bạn khỏi phải thường xuyên đứng lên đi lấy. Và phải nói là mở ti-vi hay radio cũng như nói điện thoại hay có bạn bè đến thăm, thường cản trở sự tập trung tư tưởng.

Cũng hãy bảo đảm sao cho bạn có đủ ánh sáng và không bị chói mắt. Có đủ ánh sáng sẽ giúp bảo vệ mắt và làm bạn đỡ mệt. Và nếu có thể, hãy kiểm tra độ thông gió, cùng nhiệt độ trong phòng. Phòng mát mẻ tạo một môi trường học tập sảng khoái hơn phòng nóng bức.

Nếu bạn cảm thấy không hứng học thì sao? Chiều theo ý muốn mình là điều hiếm khi làm được trong cuộc sống. Trong việc làm ngoài đời, cho dù có muốn hay không, bạn vẫn phải làm việc mỗi ngày. Vậy hãy xem việc làm bài tập như một cách để tập kỷ luật tự giác, một sự chuẩn bị cho kinh nghiệm làm việc sau này. Hãy làm việc nghiêm túc. Một nhà giáo dục khuyên: “Nếu có thể được nên học tại một chỗ và vào một giờ nhất định mỗi ngày. Như thế, việc học đều đặn sẽ dần dần trở thành một thói quen, và... cảm giác không muốn học sẽ giảm bớt”.

Thói quen học tập của bạn

Trong Phi-líp 3:16 (NW), Phao-lô khuyên các tín đồ Đấng Christ “hãy bước đi đều đặn trong cùng lề lối đó”. Ở đây, Phao-lô muốn nói đến lề lối sinh hoạt của tín đồ Đấng Christ. Tuy nhiên, lề lối, hay nếp làm việc, cũng hữu ích về mặt phương pháp học tập. Chẳng hạn hãy cố gắng sắp xếp thứ tự các môn học. Tránh học các môn tương tự (như hai môn ngoại ngữ) liên tiếp nhau. Sắp xếp giờ nghỉ xả hơi giữa các môn học, đặc biệt nếu bạn phải làm nhiều bài tập.

Nếu bài tập đòi hỏi bạn phải đọc nhiều, bạn có thể thử phương pháp sau. Trước hết, hãy XEM KHÁI QUÁT tài liệu. Liếc qua bài, đọc các tiêu đề, biểu đồ, v.v... để nắm ý chung của bài. Kế đến, hãy đặt CÂU HỎI dựa trên tựa đề của chương hay các câu then chốt nói về chủ đề. (Điều này giúp bạn tập trung vào tài liệu đang đọc). Bây giờ, hãy ĐỌC, đồng thời tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên. Khi bạn đã đọc xong một đoạn hay một phần, hãy KỂ hay nhẩm lại trong trí những điều bạn đã đọc, đừng nhìn sách. Và khi bạn đã đọc xong toàn bộ tài liệu, hãy ÔN LẠI bằng cách xem qua các đầu đề và thử trí nhớ của bạn ở từng phần. Một số người đồng ý rằng phương pháp này giúp học sinh nắm được đến 80 phần trăm những điều họ đọc!

Một nhà giáo dục nói thêm: “Điều trọng yếu là giúp học sinh nhận ra rằng các sự kiện không đứng biệt lập nhưng luôn có liên quan đến các sự kiện khác”. Vì thế, hãy cố gắng liên kết những điều bạn học với những điều đã biết, đã gặp. Cố gắng tìm ra giá trị thực tiễn trong những điều đang học.

Vui mừng thay, những người trẻ kính sợ Đức Chúa Trời thật sự có ưu thế về mặt này. Vì Kinh Thánh nói: “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va là khởi-đầu sự tri-thức”. (Châm-ngôn 1:7) Chẳng hạn việc học các qui luật vật lý có thể có vẻ khô khan nhàm chán. Nhưng những điều đó có ý nghĩa hơn khi bạn biết rằng mình có thể nhận thấy “những sự trọn lành của Ngài [Đức Chúa Trời] mắt không thấy được”, qua sự sáng tạo của Ngài. (Rô-ma 1:20) Tương tự, môn lịch sử đôi khi cho biết ý định của Đức Giê-hô-va được thành tựu như thế nào. Bảy cường quốc thế giới (kể cả cường quốc đôi Anh-Mỹ hiện tại) đều được nói đến ngay trong Kinh Thánh!—Khải-huyền 17:10; Đa-ni-ên, chương 7.

Bằng cách liên kết những điều đang học với những gì đã biết hoặc với niềm tin của tín đồ Đấng Christ, các sự kiện bắt đầu có ý nghĩa đối với bạn, và rồi sự hiểu biết sẽ phát triển thành tri thức. Và như Sa-lô-môn nhận xét: “Sự tri-thức lấy làm dễ cho người thông-sáng”.—Châm-ngôn 14:6.

‘Sẽ có bài kiểm tra vào tuần tới’

Những lời này không nhất thiết phải khiến bạn hoảng hốt. Trước hết, từ thông báo của giáo viên hãy cố gắng xác định bài kiểm tra sẽ thuộc loại nào, chẳng hạn như bài viết hay trắc nghiệm. Ngoài ra, vào những ngày trước kiểm tra, hãy lưu ý những lời của thầy cô để biết bài kiểm sẽ gồm những gì. (Theo tạp chí Senior Scholastic, những câu như: “Điểm này đây rất quan trọng” hay “Cần phải nhớ phần đó” là những đầu mối tiêu biểu). Kế đó, hãy xem lại những ghi chú, sách giáo khoa và bài tập của bạn.

Sa-lô-môn nhắc nhở chúng ta: “Sắt mài nhọn sắt. Cũng vậy người bổ-dưỡng diện-mạo bạn-hữu mình”. (Châm-ngôn 27:17) Có lẽ một người bạn hay cha mẹ sẽ vui lòng dò qua các câu hỏi với bạn hoặc nghe bạn trả bài. Và đêm trước ngày kiểm tra, hãy thư giãn và cố gắng ngủ một giấc thật ngon. Chúa Giê-su nói: “Có ai trong vòng các ngươi lo-lắng mà làm cho đời mình được dài thêm một khắc không?”.—Ma-thi-ơ 6:27.

Rớt

Rớt một bài kiểm—đặc biệt là sau khi đã cố gắng nhiều—có thể làm tiêu tan lòng tự trọng của bạn. Nhưng nhà giáo dục Max Rafferty nhắc nhở chúng ta: “Trong suốt cuộc đời, chúng ta được đánh giá dựa trên những gì chúng ta biết, những thành quả chúng ta đạt được... Một trường học khiến học sinh lầm tưởng rằng cuộc đời chỉ toàn một màu hồng không phải là một trường học. Đó là một xí nghiệp sản xuất giấc mơ”. Nỗi xấu hổ bị rớt một bài kiểm có thể trở nên giá trị nếu nó khiến bạn rút kinh nghiệm từ những lỗi lầm đã qua và tiến bộ.

Nhưng làm sao đối diện với nỗi thất vọng của cha mẹ với một học bạ kém đây? Đôi khi vì muốn tránh né điều này các bạn trẻ đã nghĩ ra nhiều trò lừa bịp tinh vi. Một bạn nhớ lại: “Tôi thường để học bạ trên bàn nhà bếp rồi lên lầu, cố ngủ một giấc cho đến hôm sau”. Bạn khác nói: “Điều tôi thường làm là chờ đến phút cuối mới đưa học bạ ra. Tôi đưa cho mẹ vào buổi sáng, ngay khi mẹ sắp sửa đi làm và nói: ‘Mẹ ký ở đây này’. Mẹ không có thời gian để mắng tôi”—ít nhất là vào lúc đó. Có bạn thậm chí còn sửa học bạ của mình!

Tuy nhiên, cha mẹ có quyền được biết bạn học hành thế nào ở trường. Đương nhiên họ mong đợi rằng điểm phải phản ảnh khả năng học tập của bạn, nên nếu bị điểm dưới trung bình, bạn hẳn sẽ nhận kỷ luật đích đáng. Vậy, hãy thành thật với cha mẹ. Và “hãy nghe lời khuyên-dạy của cha, chớ bỏ phép-tắc của mẹ con”. (Châm-ngôn 1:8) Nếu bạn nghĩ rằng họ trông chờ quá nhiều nơi bạn, hãy trình bày điều đó với họ.—Xem phần khung có tựa đề “Làm thế nào tôi có thể nói cho cha mẹ biết?” ở Chương 2.

Mặc dù quan trọng, nhưng điểm không phải là chuẩn mực tối hậu đánh giá con người bạn. Tuy nhiên, hãy tận dụng thời gian ở trường để học càng nhiều càng tốt. Thường những nỗ lực đó sẽ được phản ảnh qua điểm, là điều sẽ làm cho bạn—và cha mẹ—vui sướng và thỏa lòng.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Mục đích của điểm là gì, và tại sao cần phải có quan điểm thăng bằng về nó?

◻ Tại sao chịu trách nhiệm về việc học của chính mình là điều quan trọng?

◻ Cần xem xét điều gì khi tham gia các hoạt động ngoại khóa?

◻ Bạn có thể làm gì để đạt điểm cao hơn?

◻ Bạn có thể chuẩn bị như thế nào cho các bài kiểm tra?

◻ Bạn nên xem việc thi rớt như thế nào? Và bạn có nên giấu cha mẹ những thất bại đó chăng?

[Câu nổi bật nơi trang 141]

Một người chỉ cố xoay sở để đủ điểm đậu bằng cách đoán mò, học gạo hay thậm chí quay cóp, không bao giờ thật sự học được cách suy luận

[Khung/​Hình nơi trang 144, 145]

Còn những hoạt động ngoại khóa thì sao?

Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng các hoạt động ngoại khóa cho họ cảm giác hoàn thiện. Một cậu học sinh ở Baltimore, Maryland (Hoa Kỳ) nhớ lại: “Tôi tham gia hầu như tất cả các câu lạc bộ ở trường. Được làm những điều mình thích khiến tôi thấy thoải mái. Tôi gia nhập câu lạc bộ ô-tô vì thích sửa xe. Thích vi tính, tôi tham gia câu lạc bộ vi tính. Thích âm thanh, tôi cũng gia nhập câu lạc bộ âm thanh”. Những học sinh có ý định lên đại học đặc biệt được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Tuy nhiên, một viên chức của chính quyền liên bang ở Hoa Kỳ, trước đây từng là giáo viên, phát biểu với tạp chí Tỉnh Thức!: “Có lẽ học sinh dành nhiều thời gian cho hoạt động ngoại khóa hơn là bài vở ở trường, bởi thế mà các em khó giữ được điểm cao”. Vâng, thật khó giữ thăng bằng đối với các hoạt động ngoại khóa. Một cô gái tên Thu Thủy, từng chơi trong đội tuyển bóng chày của trường, nói: “Sau giờ luyện tập, tôi mệt đến nỗi không làm gì được. Bài vở ở trường bị ảnh hưởng. Vì thế, năm nay tôi không tham gia nữa”.

Ngoài ra, phải kể đến những nguy hiểm về mặt thiêng liêng. Một nam tín đồ Đấng Christ thuật lại tuổi niên thiếu của anh như sau: “Tôi nghĩ tôi có thể dung hòa ba hoạt động: Học tập, tập dượt cùng đội điền kinh của trường và hoạt động thiêng liêng. Nhưng đời sống thiêng liêng của tôi luôn chịu thiệt thòi khi ba hoạt động này trùng giờ nhau”.

Bạn trẻ Thanh, từng tham gia hai đội tuyển thể thao ở trường, cũng đồng tình: “Tôi không thể đến dự các buổi nhóm họp ở Phòng Nước Trời [để được hướng dẫn về thiêng liêng] vì mỗi Thứ Ba, Năm, Bảy chúng tôi đều phải đi xa mãi tới hai giờ sáng hôm sau mới về”. Mặc dù “luyện tập thân thể ích lợi một phần”, nhưng cần nhớ rằng “lòng tin kính ích lợi mọi mặt”.—1 Ti-mô-thê 4:8, Bản Diễn Ý.

Cũng hãy nghĩ đến những nguy hiểm về mặt đạo đức. Bạn có kết hợp với những người bạn tốt có ảnh hưởng lành mạnh về mặt đạo đức không? Đề tài của các cuộc nói chuyện là gì? Liệu đồng đội hay các thành viên của câu lạc bộ có thể ảnh hưởng xấu đến bạn không? Một Cô-rinh-tô 15:33 nói: “Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”.

Đáng chú ý là nhiều bạn trẻ Nhân Chứng Giê-hô-va đã chọn dùng thời gian ngoài giờ học của họ để làm một việc có ích hơn việc chơi thể thao rất nhiều: đó là đi giúp người khác biết về Đấng Tạo Hóa. Cô-lô-se 4:5 khuyên: “Hãy lấy sự khôn-ngoan ăn-ở với những người ngoại và lợi-dụng thì-giờ”.

[Các hình nơi trang 143]

Những học sinh học hành lơ là thường... bị điểm thấp

[Các hình nơi trang 146]

Giữ thăng bằng giữa việc làm bài tập với các hoạt động ngoại khóa không phải là điều dễ

[Các hình nơi trang 148]

Cha mẹ chắc chắn sẽ khó chịu khi thấy một học bạ kém. Nhưng nếu bạn cảm thấy họ trông chờ quá nhiều nơi bạn, hãy trình bày điều đó với họ