Làm sao tôi có thể tìm (và giữ!) được việc làm?
Chương 21
Làm sao tôi có thể tìm (và giữ!) được việc làm?
THEO một cuộc nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Senior Scholastic, khi một số học sinh năm cuối bậc trung học ở Mỹ được hỏi họ xem mục tiêu nào là “rất quan trọng” trong đời sống, thì 84 phần trăm đã trả lời: “Tìm được một việc làm ổn định”.
Có lẽ bạn đang muốn tìm một việc làm sau giờ học để giải quyết nhu cầu cá nhân hay trang trải chi phí trong gia đình. Hoặc bạn muốn tìm một công việc bán thời gian để làm người truyền giáo trọn thời gian. (Xem Chương 22). Dù sao đi nữa, do nạn lạm phát trên toàn thế giới, và do nhu cầu lao động phổ thông (không có chuyên môn) rất hạn chế, nên người trẻ như bạn sẽ khó tìm được việc làm. Thế thì, bằng cách nào bạn có thể bước vào thị trường lao động cách suôn sẻ đây?
Trường học—Nền đào tạo nghề nghiệp
Cleveland Jones, một người chuyên tuyển nhân viên đã có nhiều năm kinh nghiệm, đưa ra lời khuyên: “Hãy học thật giỏi ở phổ thông. Tôi không thể diễn tả hết tầm quan trọng của việc biết đọc, viết, và nói trôi chảy. Hãy học cách cư xử đúng phép để bạn có thể giao tiếp với các đồng nghiệp”.
Một tài xế xe buýt phải đọc được thời gian biểu nơi đến và nơi khởi hành. Công nhân nhà máy phải biết điền vào phiếu hoàn thành công tác hoặc các báo cáo tương tự. Nhân viên bán hàng phải biết tính toán. Và hầu như
nghề nào cũng cần đến khả năng giao tiếp. Đó là những kỹ năng mà bạn có thể học được ở trường.Sự kiên trì sẽ được tưởng thưởng
Ông Jones nói: “Nếu bạn đã rời ghế nhà trường và đang tìm một việc làm, đừng bao giờ bỏ cuộc. Không nên chỉ đi đến hai hoặc ba cuộc phỏng vấn rồi về nhà ngồi chờ. Sẽ chẳng bao giờ bạn tìm được việc làm theo cách ấy”. Sang đã phải lặn lội suốt bảy tháng ròng mới tìm được việc làm. Anh ấy giải thích: “Tôi luôn tự nhủ: ‘Việc của mình là tìm việc. Tôi bỏ ra tám giờ mỗi ngày trong tuần, ròng rã suốt bảy tháng để tìm việc. Mỗi buổi sáng, tôi bắt đầu thật sớm và ‘làm việc’ đến bốn giờ chiều. Nhiều đêm chân tôi sưng phồng lên. Sáng hôm sau, tôi phải ‘động viên chính mình’ để lại bắt đầu tìm việc nữa”.
Điều gì đã giúp Sang không bỏ cuộc? Anh trả lời: “Mỗi khi ở trong phòng nhân sự, tôi nhớ lại lời Chúa Giê-su nói: ‘Hãy gắng sức’. Tôi luôn nghĩ đến một ngày nào đó tôi sẽ có việc làm và thời kỳ gian khổ này sẽ qua đi”.—Lu-ca 13:24.
Tìm việc ở đâu?
Nếu sống ở nông thôn, bạn có thể bắt đầu tìm việc ở các trang trại địa phương và vườn cây ăn quả, hoặc giúp quét dọn sân. Nếu sống trong các thị trấn lớn hoặc thành phố, hãy thử tìm trong các mục quảng cáo “Tìm việc—Tìm người” trên báo. Những quảng cáo này có nêu rõ những điều kiện cần thiết cho công việc, vì thế có thể giúp bạn trình bày với chủ cách bạn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đó. Cha mẹ, thầy cô, các văn phòng giới thiệu việc làm, phòng nhân sự, bạn bè, hàng xóm là những nguồn thông tin mà bạn có thể khai thác.
Giữ được việc làm
Điều đáng buồn là khi các áp lực kinh tế buộc các công ty phải sa thải nhân viên, thì nhân viên trẻ thường là những nạn nhân đầu tiên. Nhưng điều này không nhất thiết phải xảy đến với bạn. Ông Jones nói: “Những người vẫn giữ được việc làm là những người làm việc cần mẫn và cho thấy rõ họ sẵn lòng làm bất cứ công việc nào người chủ yêu cầu”.
Thái độ của bạn nói lên tâm trạng, hay cảm nghĩ của bạn về công việc cũng như về chủ và những người cùng làm việc. Thái độ của bạn sẽ được phản ảnh qua chất lượng công việc bạn làm. Người chủ sẽ đánh giá năng lực
của bạn không chỉ dựa trên thành quả công việc mà còn trên thái độ của bạn.Ông Jones cho biết thêm: “Hãy cho chủ thấy rằng chẳng những bạn có thể làm đúng theo mọi chỉ thị mà còn có thể làm nhiều hơn yêu cầu dù không có sự giám sát thường xuyên. Vì trong cơ chế thị trường lao động khó khăn như hiện nay, những nhân viên được giữ lại không nhất thiết phải là những người lâu năm nhất mà là những người có năng suất”.
Sang nhận thấy điều này rất đúng. Anh nói: “Tôi luôn cố gắng điều chỉnh theo ý chủ. Tôi tự nguyện thay đổi thời khóa biểu khi cần thiết, tuân theo các hướng dẫn, và luôn kính trọng cấp trên”. Điều này nhắc chúng ta nhớ đến lời khuyên của Kinh Thánh “phải vâng-phục kẻ làm chủ mình về phần xác, không những hầu việc trước mặt họ, như mình tìm cách cho đẹp lòng người ta, nhưng vì kính sợ Chúa, hãy lấy lòng thật thà mà hầu việc”.—Cô-lô-se 3:22.
Vượt qua nỗi lo sợ
Khi mới vào làm, bạn thường thấy lo sợ trong những ngày đầu. Đây là điều bình thường. Bạn có lẽ tự hỏi: ‘Họ sẽ thích tôi không? Liệu tôi có kham nổi công việc không? Họ sẽ hài lòng về công việc của tôi không? Mong rằng trông tôi không có vẻ ngu ngốc quá!’ Phải thận trọng, đừng để sự lo sợ bào mòn quan điểm tích cực của bạn.
Bằng cách tìm hiểu nhiều hơn về công ty, bạn có thể nhanh chóng thích nghi và lấy lại bình tĩnh. Hãy quan sát, lắng nghe, và đọc. Vào thời điểm thích hợp, hãy hỏi cấp trên về việc làm và thành quả công việc của bạn bằng những câu hỏi hợp lý—điều này không làm cho bạn có vẻ ngu dốt đâu. Hãy tự hỏi: ‘Công việc của tôi ăn khớp thế nào với bộ phận của tôi, và với mục tiêu chung của công ty?’ Lời giải đáp sẽ giúp bạn phát triển một thói quen làm việc tốt và có được sự thỏa lòng trong nghề nghiệp.
Quan hệ tốt với đồng nghiệp
Thực chất trong nghề nào cũng có sự giao tiếp. Vì vậy, để giữ được việc làm cần phải biết cách duy trì quan hệ tốt với mọi người. “Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa-thuận với mọi người”. (Rô-ma 12:18) Làm thế có thể giúp bạn tránh được những cuộc tranh cãi không cần thiết hay những va chạm nẩy lửa trong công việc.
Đôi khi đồng nghiệp có lai lịch và cá tính hầu như hoàn toàn khác bạn. Nhưng đừng cho rằng người ấy thấp kém hơn mình chỉ vì anh ta khác mình. Hãy tôn trọng quyền được khác biệt của người ấy. Không ai thích bị đối xử thiếu tôn trọng, vì điều đó khiến người ấy bị mặc cảm là mình chẳng ra gì. Ai cũng muốn được yêu mến và được xem là cần thiết—là một người có giá trị. Bạn sẽ được đồng nghiệp và chủ tôn trọng nếu bạn tỏ ra tôn trọng họ qua cách cư xử.
Tránh thói ngồi lê đôi mách
Sang nói: “Đó là một cạm bẫy tệ hại vì ngồi lê đôi mách khiến bạn nghĩ xấu về chủ hoặc về những người khác”. Tin đồn không phải là nguồn thông tin tốt nhất và nó có thể có tác dụng ngược cho chính bạn. Những lời xì xầm xuất phát từ những tin đồn thường là những lời phóng đại thiếu tế nhị làm phương hại đến thanh danh của người khác cũng như của chính bạn. Do đó, hãy dập tắt ngay mọi khuynh hướng ngồi lê đôi mách.
Hãy nhớ rằng không ai thích người hay than phiền. Trong công việc nếu có điều gì khiến bạn bực mình, đừng loan truyền nó qua tin đồn. Hãy trình bày thẳng với cấp trên của bạn. Tuy nhiên, đừng xông vào văn phòng ông ta trong cơn nóng giận để rồi sau đó phải ân hận vì những lời thiếu suy nghĩ. Cũng nên tránh cạm bẫy muốn chỉ trích cá nhân. Hãy kể sự kiện. Hãy trình bày vấn đề càng minh bạch và trung thực càng tốt. Bạn có thể mở đầu với lời lẽ như sau: ‘Tôi cần sự giúp đỡ của ông...’ hoặc ‘Có thể là tôi sai, nhưng theo tôi nghĩ...’
Tầm quan trọng của việc đúng giờ
Hai nguyên nhân chính khiến người ta mất việc là đi làm trễ và nghỉ nhiều. Một giám đốc phụ trách tuyển và đào tạo nhân sự cho một thành phố công nghiệp lớn nói về những nhân viên trẻ như sau: “Họ cần phải tập thức dậy sớm và học tuân lệnh. Nếu không biết những điều này thì họ sẽ phải ở mãi trong tình trạng thất nghiệp”.
Sang đã phải trả giá đắt để học bài học đúng giờ. Anh thở dài: “Tôi mất việc làm đầu tiên chỉ sau ba tháng vì đi trễ, và vì vậy tìm việc khác lại càng khó hơn”.
Giá trị của sự trung thực
Ông Jones, người phụ trách tuyển nhân sự, nói: “Tính trung thực sẽ giúp một người duy trì được việc làm”. Trung thực không chỉ có nghĩa là tránh ăn cắp các vật dụng mà còn tránh cả việc ăn cắp thời gian bằng cách nghỉ giải lao quá giờ. Một người làm công trung thực là người có giá trị và đáng tin cậy. Chẳng hạn như một Nhân Chứng Giê-hô-va trẻ làm việc tại một cửa hàng quần áo cao cấp đã được tiếng tốt nhờ sự trung thực.
Anh nhớ lại: “Một ngày nọ, giám đốc tìm thấy một món hàng trong kho, được giấu bên trong các quần áo khác. Một nhân viên nào đó đã ăn cắp và giấu ở trong kho. Đến giờ đóng cửa, tôi lên phòng giám đốc và kinh ngạc khi thấy tất cả nhân viên đều ở đấy. Tất cả đều bị giữ lại để khám xét. Tôi là người duy nhất được miễn”.
Nhiều tín đồ Đấng Christ trẻ tuổi cũng có kinh nghiệm tương tự và đã trở nên những công nhân có uy tín. Vậy hãy gắng sức tìm việc làm. Hãy kiên trì. Đừng bỏ cuộc. Và khi đã khổ công tìm được việc làm thì hãy cố gắng hết sức để giữ nó!
Câu hỏi để thảo luận
◻ Việc học ở trường ảnh hưởng thế nào đến khả năng tìm việc làm của bạn?
◻ Tại sao kiên trì là điều kiện thiết yếu để tìm được việc làm?
◻ Bạn có thể tìm việc ở những nơi nào và tham khảo ý kiến những ai?
◻ Hãy kể một vài bí quyết chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn xin việc.
◻ Bạn có thể làm gì để tránh bị sa thải?
[Câu nổi bật nơi trang 166]
“Tôi không thể diễn tả hết tầm quan trọng của việc biết đọc, viết, và nói trôi chảy”
[Câu nổi bật nơi trang 170]
“Tôi luôn tự nhủ: ‘Việc của mình là tìm việc’ ”
[Khung/Hình nơi trang 168, 169]
Chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn xin việc
“Trước khi bạn đến trình diện tại buổi phỏng vấn xin việc, đừng quên rằng ấn tượng ban đầu cũng chính là ấn tượng sâu đậm nhất”. Cố vấn tìm việc làm, Cleveland Jones, khuyên như vậy. Theo ông không nên mặc quần jean và đi giày thể thao đến trình diện tại buổi phỏng vấn, và nhấn mạnh là nên sạch sẽ, tươm tất. Các người chủ thường đánh giá phong cách làm việc của một người qua cách ăn mặc của người đó.
Khi đến xin việc làm văn phòng, hãy ăn mặc như một doanh nhân. Khi đến xin việc tại nhà máy, hãy mặc quần tây và áo sơ-mi sạch, ủi thẳng, mang giày phù hợp với trang phục. Nếu bạn là phái nữ, hãy phục sức và trang điểm nhã nhặn, và nếu đến xin việc làm văn phòng, hãy mang vớ dài, và đi giày thích hợp.
Bạn nên luôn luôn đi đến buổi phỏng vấn một mình, theo lời khuyên của ông Jones. Nếu để mẹ hoặc bạn bè đi kèm, người chủ có thể đánh giá bạn chưa trưởng thành.
Bạn có thể tự hỏi: ‘Giả sử người chủ hỏi tôi đã có kinh nghiệm làm việc trước đây chưa, tôi nên trả lời thế nào?’ Đừng nói gạt. Chủ sẽ mau chóng nhận ra là bạn đã nói ngoa. Hãy trung thực.
Có thể bạn không ý thức được điều này, nhưng rất có thể bạn đã có kinh nghiệm làm việc trước đây, dù đây mới là lần đầu tiên bạn tìm việc làm “đúng nghĩa”. Bạn đã bao giờ làm việc trong kỳ nghỉ hè chưa? Trước đây bạn có giữ trẻ không? Cha mẹ bạn có thường nhờ bạn làm công việc nào trong nhà không? Bạn đã từng được giao nhiệm vụ nào ở nơi thờ phượng của bạn chưa? Bạn có được luyện tập để nói trước công chúng không? Nếu có, đó là những điều bạn có thể đề cập tại buổi phỏng vấn hoặc nêu ra trong bản tóm tắt lý lịch bản thân để chứng minh rằng bạn có thể đảm nhận trách nhiệm.
Điều quan trọng nữa đối với các người chủ là bạn thích công ty của họ và công việc đang xin đến mức nào. Bạn phải thuyết phục họ tin rằng bạn muốn làm công việc đó và bạn đủ khả năng làm tròn nhiệm vụ. Thái độ “đòi hỏi quyền lợi cá nhân” sẽ chóng làm tan biến sự chú ý của người chủ dành cho bạn.
Xin và nhận được việc làm bán thời gian hoặc trọn thời gian là một thách đố mà bạn có thể vượt qua. Và nếu việc làm ấy là phương tiện để bạn giúp đỡ người khác, chứ không chỉ để lo cho riêng bạn, thì hẳn bạn sẽ có thêm sự thỏa lòng.
[Khung nơi trang 171]
Phải làm gì ở buổi phỏng vấn
Hãy tỏ ra chững chạc và nghiêm túc. Chào hỏi người chủ với sự kính trọng đúng mức. Đừng xưng hô quá thân mật, phải thưa gửi cách lễ độ.
Ngồi thẳng trên ghế, chân đặt vững trên đất; ánh mắt năng động. Chuẩn bị trước sẽ giúp bạn bình tĩnh, điềm đạm, và thoải mái.
Suy nghĩ trước khi trả lời. Hãy lễ phép, chính xác, trung thực, và thẳng thắn. Cung cấp thông tin đầy đủ. Đừng khoác lác.
Phải giữ bên mình một bản tóm tắt tất cả công việc của bạn trước đây, thời gian làm việc, mức lương, loại công việc mà bạn đã làm, và lý do thôi việc.
Hãy sẵn sàng chứng tỏ rằng nhờ đã được đào tạo và qua kinh nghiệm cá nhân, bạn sẽ có khả năng đảm nhiệm được công việc mà bạn đang xin.
Để chủ tham khảo, hãy cho biết danh tánh (và địa chỉ đầy đủ) của ba người đáng tin cậy đã từng biết bạn và công việc bạn đã làm.
Hãy tự tin, hăng hái nhưng chớ khoe khoang. Phát âm chuẩn và rõ ràng. Đừng nói quá nhiều.
Hãy cẩn thận lắng nghe, lịch sự, và tế nhị. Nhất là đừng bao giờ tranh cãi với người chủ tương lai.
Người chủ chỉ muốn biết bạn có thích hợp với công việc hay không. Đừng đề cập đến vấn đề cá nhân, gia đình, hay tài chánh.
Nếu cảm thấy mình sẽ bị từ chối, hãy nhờ người chủ cho ý kiến về những công việc khác mà có thể công ty sẽ cần người.
Gửi đến người chủ một lá thư cám ơn ngắn ngay sau buổi phỏng vấn. *
[Chú thích]
^ đ. 65 Trích theo sách mỏng How to “Sell Yourself” to an Employer (Làm thế nào để “tự quảng cáo mình” với chủ) do Văn Phòng Giới Thiệu Việc Làm Tiểu Bang Nữu Ước xuất bản.
[Các hình nơi trang 167]
Những kỹ năng học được ở trường một ngày nào đó sẽ rất hữu dụng cho công việc của bạn