Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sao mấy đứa trẻ khác không để tôi yên?

Sao mấy đứa trẻ khác không để tôi yên?

Chương 19

Sao mấy đứa trẻ khác không để tôi yên?

Tướng đi của cậu bé để lộ tất cả. Căng thẳng và thiếu tự tin, rõ ràng cậu bối rối trong môi trường mới. Những học sinh lớn lập tức nhận ra cậu là một thằng nhóc mới trong trường. Chúng vây ngay lấy cậu và tấn công bằng những lời thô tục Đỏ mặt tía tai, cậu chạy biến ngay đến nơi ẩn núp gần nhất—nhà vệ sinh. Tiếng cười vang lên, dội bốn bức tường.

QUẤY NHIỄU, trêu chọc, và nhục mạ người khác là những trò tiêu khiển độc ác của một số thanh thiếu niên. Ngay từ thời Kinh Thánh, một số thiếu niên đã bộc lộ tính xấu này. Chẳng hạn, có lần một đám trẻ đã quấy rối nhà tiên tri Ê-li-sê. Xem thường chức vụ của ông, bọn trẻ vô lễ la: “Ớ lão trọc, hãy lên! Ớ lão trọc, hãy lên!” (2 Các Vua 2:23-25) Ngày nay, một số thiếu niên cũng thích lăng mạ, xúc phạm người khác như thế.

Một trong các tác giả của cuốn Growing Pains in the Classroom nhớ lại: “Khi học lớp chín, tôi là đứa lùn nhất lớp. Thông minh nhất và lùn nhất lớp là hai thảm họa ở trường cấp hai: những đứa không muốn đánh tôi vì cái tội lùn thì đánh tôi vì tội thông minh”. Ngoài biệt danh ‘bốn mắt’, tôi còn bị gọi là ‘tự điển sống’ và 800 biệt danh tồi tệ khác nữa”. Tác giả cuốn The Loneliness of Children nói thêm: “Các trẻ khuyết tật, nói năng khó khăn, ngoại hình kỳ dị, hoặc có cử chỉ kỳ quặc, thường trở thành mục tiêu chọc ghẹo của những đứa trẻ khác”.

Một số thiếu niên tự bảo vệ bằng cách dự phần vào những cuộc xung đột dữ tợn: tuôn xối xả vào nhau những lời nhục mạ mỗi lúc một nặng hơn (thường đụng đến cả cha mẹ của đối phương). Nhưng nhiều bạn trẻ vô phương chống đỡ trước sự quấy nhiễu của bạn bè. Một thiếu niên kể lại nhiều lúc bị bạn cùng lớp quấy rầy và chọc ghẹo, cậu phát hoảng và khổ sở đến độ ‘cảm thấy buồn nôn’. Cậu không thể tập trung vào việc học vì lo lắng về những điều mà các học sinh khác sẽ làm đối với cậu.

Không phải là chuyện đùa

Bạn đã bao giờ là nạn nhân của những trò đùa độc ác của bạn bè chưa? Nếu thế, có lẽ bạn được an ủi khi biết rằng Đức Chúa Trời không coi đó là chuyện đùa. Hãy xem lời tường thuật trong Kinh Thánh về bữa tiệc mừng con trai Áp-ra-ham là Y-sác dứt sữa mẹ. Rõ ràng vì ghen tức với gia tài mà Y-sác sẽ được hưởng, con trai lớn của Áp-ra-ham là Ích-ma-ên bắt đầu “cười-cợt” Y-sác. Tuy nhiên, đây không phải là một sự chọc ghẹo có thiện ý mà là một sự ‘bắt-bớ’. (Ga-la-ti 4:29) Vì thế, Sa-ra, mẹ của Y-sác, đã cảm nhận được ác ý trong lời chọc ghẹo đó. Bà xem đó là một sự chống nghịch lại với ý định Đức Giê-hô-va, ấy là “dòng-dõi”, tức Đấng Mê-si, được sinh ra qua con trai bà là Y-sác. Theo yêu cầu của Sa-ra, hai mẹ con Ích-ma-ên đã bị đuổi khỏi nhà Áp-ra-ham.—Sáng-thế Ký 21:8-14.

Tương tự như thế, đó không phải là chuyện đùa khi các thiếu niên khác quấy nhiễu bạn một cách ác ý—đặc biệt khi họ cố ý làm thế chỉ vì bạn cố gắng sống theo các tiêu chuẩn của Kinh Thánh. Những tín đồ Đấng Christ trẻ chẳng hạn, thường được biết đến qua việc chia sẻ đức tin của mình với người khác. Dẫu vậy, một nhóm Nhân Chứng Giê-hô-va trẻ đã phát biểu: “Bọn trẻ ở trường chọc phá và cười nhạo chúng tôi vì chúng tôi rao giảng từ nhà này sang nhà kia”. Vâng, như các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời thời xưa, nhiều tín đồ Đấng Christ trẻ tuổi ngày nay “chịu nhạo-cười”. (Hê-bơ-rơ 11:36) Họ xứng đáng được khen ngợi vì lòng can đảm chịu đựng sự sỉ nhục như thế!

Tại sao chúng làm thế?

Tuy nhiên, bạn có thể tự hỏi bạn phải làm gì để bọn hành hạ kia để bạn yên. Trước hết, hãy xem xét tại sao chúng lại chọc ghẹo bạn. Kinh Thánh nói nơi Châm-ngôn 14:13 như sau: “Dầu trong lúc cười-cợt lòng vẫn buồn-thảm”. Tiếng cười rộ lên khi một nhóm thiếu niên quấy phá một người nào đó. Nhưng họ không ‘hát mừng vì lòng đầy vui-vẻ’. (Ê-sai 65:14) Nhiều khi tiếng cười chỉ là chiếc mặt nạ che đậy sự dằn vặt bên trong. Đằng sau vẻ bạo dạn giả tạo đó, những kẻ hành hạ kia có thể thật ra đang lẩm bẩm: ‘Chúng ta chẳng ưa gì chính mình, nhưng hạ nhục kẻ khác khiến mình cảm thấy dễ chịu hơn’.

Lòng ghen ghét cũng có thể dẫn đến việc gây hấn. Hãy nhớ lại lời tường thuật của Kinh Thánh về chuyện chàng thiếu niên Giô-sép bị chính các anh mình tấn công vì được cha yêu quí. Lòng ghen ghét cay độc của họ không chỉ dẫn đến việc xúc phạm bằng lời nói mà ngay cả đưa đến hành động mưu sát nữa! (Sáng-thế Ký 37:4, 11, 20) Tương tự như thế, ngày nay một học sinh xuất sắc hoặc được thầy cô yêu mến có thể khơi dậy lòng ganh tị của bạn bè đồng lứa. Những lời nhục mạ dường như để “dằn mặt”.

Sự bất an, ghen ghét và thiếu tự trọng thường là những nguyên nhân của việc chế giễu người khác. Vậy tại sao để mất đi sự tự trọng đối với bản thân mình chỉ vì một kẻ thiếu tự tin nào đó đã đánh mất lòng tự trọng của hắn?

Chấm dứt sự quấy nhiễu

Người viết Thi-thiên nói: “Phước cho người nào... không ngồi chỗ của kẻ nhạo-báng”. (Thi-thiên 1:1) Dự phần vào việc nhạo báng để người khác ít chú ý đến mình, thật ra chỉ là rơi trở vào cái vòng luẩn quẩn này. “Chớ lấy ác trả ác cho ai... Hãy lấy điều thiện thắng điều ác” là lời khuyên đến từ Đức Chúa Trời.—Rô-ma 12:17-21.

Truyền-đạo 7:9 nói thêm: “Chớ vội giận; vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu-muội”. Vâng, tại sao lại quá chú ý đến những lời chọc ghẹo? Quả thật, chúng ta dễ tự ái khi ngoại hình hay nhược điểm khuôn mặt của mình bị đem ra giễu cợt. Tuy nhiên, những lời nhận xét đó, dù là vô vị, nhưng không nhất thiết là ác ý. Vì thế, nếu ai vô tình—hay ngay cả cố ý đi nữa—đụng đến một điểm bất hạnh của bạn, tại sao lại phải buồn? Nếu những lời họ nói không tục tĩu hay bất lịch sự, hãy cố gắng tìm ra sự khôi hài trong đó. Có “kỳ cười”, vả lại tự ái vì những lời chọc chơi có thể là phản ứng quá đáng.—Truyền-đạo 3:4.

Nhưng nếu những lời nói chơi đó độc ác hay có ác ý thì sao? Hãy nhớ là những kẻ nhạo báng muốn thấy bạn phản ứng, thỏa thích vì sự đau khổ của bạn. Trả miếng, luôn lo lắng tự vệ, hay bật khóc chẳng khác nào khuyến khích chúng tiếp tục chọc phá. Tại sao lại tạo cơ hội cho họ được thỏa mãn khi thấy bạn bối rối? Lắm khi cách tốt nhất để đối phó với những lời chế giễu là cứ làm lơ, chẳng thèm chú ý đến chúng nữa.

Vua Sa-lô-môn nói thêm: “Chớ để lòng về mọi lời người ta nói [“Đừng chú tâm đến lời nhỏ to của thiên hạ”, Bản Diễn Ý], e ngươi nghe kẻ tôi-tớ mình chưởi-rủa mình chăng. Vì thường khi lòng ngươi cũng biết mình đã rủa kẻ khác”. (Truyền-đạo 7:21, 22) “Để lòng” về những lời thâm độc của những kẻ nhạo báng có nghĩa là quá quan tâm đến sự đánh giá của họ về bạn. Họ đánh giá có đúng không? Sứ đồ Phao-lô bị những người bạn ganh ghét nói xấu một cách bất công, nhưng ông trả lời: “Về phần tôi, hoặc bị anh em xử-đoán, hoặc bị tòa-án nào của loài người xử-đoán, tôi cũng chẳng lấy làm quan-hệ gì... Đấng xử-đoán tôi, ấy là Chúa”. (1 Cô-rinh-tô 4:3, 4) Mối liên lạc của Phao-lô với Đức Chúa Trời mạnh mẽ đến độ ông có được sự tự tin và sức mạnh trong lòng để vượt qua những sự công kích bất công.

Hãy để sự sáng của bạn chiếu ngời

Đôi khi bạn có thể bị chế nhạo vì sống theo đạo Đấng Christ. Chính Chúa ­Giê-su Christ đã phải chịu “sự đối-nghịch” như thế. (Hê-bơ-rơ 12:3) ­Giê-rê-mi cũng “trọn ngày... cứ làm trò cười” vì đã dạn dĩ nói thông điệp của Đức Giê-hô-va. Sự quấy nhiễu dai dẳng này khiến ­Giê-rê-mi có lúc bị nhụt chí. Ông đã quyết định: “Tôi sẽ chẳng nói đến Ngài [­Giê-hô-va] nữa; tôi sẽ chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa”. Tuy nhiên, tình yêu thương của ông đối với Đức Chúa Trời và lẽ thật cuối cùng đã giúp ông vượt qua nỗi sợ hãi.—Giê-rê-mi 20:7-9.

Một số tín đồ Đấng Christ trẻ tuổi ngày nay cũng đã từng rơi vào tình trạng nhụt chí như thế. Vì mong mỏi thoát khỏi sự chọc ghẹo, một số đã cố gắng che giấu sự kiện họ là tín đồ Đấng Christ. Nhưng cuối cùng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời thường giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi và để ‘sự sáng của họ soi chiếu’! (Ma-thi-ơ 5:16) Chẳng hạn một cậu thiếu niên đã nói: “Tôi thay đổi thái độ. Tôi không còn xem việc là tín đồ Đấng Christ là một gánh nặng phải mang, và bắt đầu xem đó là một điều đáng tự hào”. Bạn cũng có thể “khoe” đặc ân được biết Đức Chúa Trời và được Ngài dùng để giúp đỡ người khác.—1 Cô-rinh-tô 1:31.

Tuy nhiên, đừng gây ác cảm bằng cách luôn phê bình người khác hay khiến người khác có ấn tượng là bạn tự cao. Khi có cơ hội chia sẻ niềm tin, hãy làm, nhưng với sự “hiền-hòa và kính-sợ”. (1 Phi-e-rơ 3:15) Danh tiếng về hạnh kiểm tốt của bạn có thể là sự bảo vệ tốt nhất cho bạn ở trường. Mặc dù người khác có thể không thích sự can đảm của bạn, nhưng họ sẽ phải nể phục bạn vì chính điều này.

Một cô gái tên là Viên bị một số cô gái quấy nhiễu, đánh, xô đẩy, hất sách khỏi tay cô để khiêu khích. Họ thậm chí đổ cả sữa sô-cô-la lên đầu và lên chiếc áo đầm trắng sạch của cô. Tuy nhiên, cô không bao giờ để mình bị khích. Sau này, Viên gặp lại cô gái cầm đầu trong nhóm ở một hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va! Cô gái hay bắt nạt trước đây nói: “Hồi đó tôi ghét chị... Tôi muốn nhìn thấy chị mất bình tĩnh, dù chỉ một lần”. Tuy nhiên, lòng hiếu kỳ muốn biết làm thế nào Viên vẫn giữ được bình tĩnh đã khiến cô chấp nhận học hỏi Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Cô nói tiếp: “Tôi yêu quí những điều mình đã học, và ngày mai tôi sẽ làm báp têm”.

Vậy đừng để “sự đối-nghịch” của bạn bè làm bạn lung lay. Khi có dịp, hãy tỏ ra khôi hài. Đáp lại điều ác với sự tử tế. Đừng làm trầm trọng thêm sự bất đồng, rồi với thời gian những kẻ quấy rối bạn có thể không còn thấy hứng thú chút nào trong việc nhạo báng bạn, vì “lửa tắt tại thiếu củi”.—Châm-ngôn 26:20.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Đức Chúa Trời quan niệm thế nào về những kẻ ác ý chọc phá người khác?

◻ Điều gì thường ẩn nấp đằng sau những sự quấy nhiễu của các thiếu niên?

◻ Làm thế nào để giảm thiểu hoặc chấm dứt sự chế nhạo?

◻ Ngay cả khi bị trêu chọc, tại sao việc để ‘sự sáng của bạn soi chiếu’ ở trường là điều quan trọng?

◻ Những bước nào có thể giúp bạn tự bảo vệ khỏi những cuộc xung đột ở trường?

[Câu nổi bật nơi trang 155]

Đằng sau vẻ bạo dạn giả tạo đó, những kẻ hành hạ kia có thể thật ra đang lẩm bẩm: ‘Chúng ta chẳng ưa gì chính mình, nhưng hạ nhục kẻ khác khiến mình cảm thấy dễ chịu hơn’

[Khung nơi trang 152]

Làm thế nào để khỏi bị đánh?

‘Khi đến trường, bạn nắm mạng sống mình trong tay’. Nhiều học sinh nói thế. Nhưng mang theo vũ khí là điều dại dột và rước họa vào thân. (Châm-ngôn 11:27) Vậy, làm thế nào để có thể tự vệ?

Biết và tránh những chỗ nguy hiểm. Các hành lang, gầm cầu thang và phòng thay đồ là những chỗ thường xảy ra rắc rối ở một số trường học. Còn nhà vệ sinh thì khét tiếng là nơi tụ tập đánh nhau và chích ma túy, đến nỗi nhiều bạn trẻ thà nín còn hơn phải sử dụng các phương tiện này.

Hãy khéo chọn bạn bè. Thường một bạn trẻ bị lôi kéo vào một cuộc đánh nhau chỉ vì kết bạn với một nhóm xấu. (Xem Châm-ngôn 22:24, 25). Dĩ nhiên, tỏ ra lạnh nhạt với bạn cùng lớp có thể khiến họ xa lánh hoặc có ác cảm với bạn. Nhưng nếu tỏ ra thân thiện và lịch sự đối với họ, có thể bạn sẽ được yên.

Tránh xa các cuộc đánh nhau. Tránh “khiêu khích nhau”. (Ga-la-ti 5:26, Bản Diễn Ý) Cho dù bạn có thắng cuộc đánh nhau, kẻ kia có lẽ sẽ chờ dịp tốt để trả đũa. Vì thế, trước hết hãy cố gắng nói chuyện hòa giải. (Châm-ngôn 15:1) Nếu nói chuyện không có kết quả, hãy tránh—thậm chí bỏ chạy—để khỏi đụng độ xô xát. Hãy nhớ: “Con chó sống hơn là sư-tử chết”. (Truyền-đạo 9:4) Biện pháp cuối cùng là dùng bất cứ phương tiện nào hợp lý và cần thiết để tự vệ.—Rô-ma 12:18.

Hãy nói chuyện với cha mẹ bạn. Thiếu niên “ít khi cho cha mẹ biết về những nỗi kinh hoàng của họ ở trường vì sợ rằng cha mẹ sẽ cho họ là hèn nhát, hoặc quở trách họ vì không dám chống chọi với những kẻ hiếp đáp mình”. (The Loneliness of Children) Tuy vậy, thông thường sự can thiệp của cha mẹ là giải pháp duy nhất có thể chấm dứt sự rắc rối.

Cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không đảm bảo bạn sẽ không bị hành hung. Nhưng Ngài có thể cho bạn sự can đảm để đương đầu với mọi đụng độ, và sự khôn ngoan cần thiết để làm dịu tình thế.—Gia-cơ 1:5.

[Hình nơi trang 151]

Nhiều người trẻ là mục tiêu quấy rối của bạn bè đồng lứa

[Hình nơi trang 154]

Những kẻ chế nhạo vui sướng khi thấy bạn đau khổ. Trả miếng hay bật khóc chẳng khác nào khuyến khích chúng tiếp tục quấy rối

[Hình nơi trang 156]

Hãy cố gắng tỏ ra khôi hài khi bị chọc ghẹo