Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôi có nên bỏ học nửa chừng không?

Tôi có nên bỏ học nửa chừng không?

Chương 17

Tôi có nên bỏ học nửa chừng không?

JACK là giám thị văn phòng tại một trường học đã hơn 25 năm. Thế nên, ít học sinh nào có thể tìm được một lý do trốn học mà qua mặt được Jack. Anh nói: “Bọn trẻ nêu đủ mọi lý do, thí dụ như ‘Em tưởng hôm nay em sẽ bệnh’... ‘Ông em ở Alaska qua đời’ ”. Jack “thích nhất” lý do nào ư? Đó là lời của ba cậu bé nói rằng chúng “chẳng cách nào tìm được trường vì sương mù quá dầy”.

Những lý do khó tin này cho thấy nhiều thiếu niên thiếu thiện cảm đối với học đường; có em thờ ơ (“Em nghĩ đi học thì cũng được”), có em có ác cảm rõ rệt (“Trường học chán ngấy! Em ghét đi học”). Thí dụ, khi Cang thức dậy để đi học, em thường lập tức cảm thấy buồn nôn. Em kể: “Khi gần đến trường, em thấy căng thẳng và toát mồ hôi... Em chỉ còn cách về nhà”. Tương tự, nhiều bạn trẻ bị ám ảnh bởi nỗi khiếp sợ học đường—được các bác sĩ gọi là chứng sợ hãi trường học. Nỗi ám ảnh này thường phát sinh bởi nạn bạo lực, sự hung dữ của bạn bè ở trường, và bởi áp lực phải đạt thứ hạng giỏi. Các em đến lớp (phần nào do sự thuyết phục của cha mẹ), nhưng luôn buồn bực trong lòng, và đôi khi đến mắc bệnh.

Thật chẳng ngạc nhiên chút nào khi số thiếu niên chọn bỏ học gia tăng đến mức đáng lo ngại! Chỉ riêng ở Hoa Kỳ, hai triệu rưởi học sinh tiểu học và trung học nghỉ học mỗi ngày! Một bài đăng trên tờ The New York Times thêm rằng có quá nhiều học sinh (khoảng một phần ba) “vắng mặt thường xuyên” ở các trường trung học trong thành phố New York, đến nỗi “gần như không thể nào giáo dục các em được”.

Nhiều thiếu niên khác còn hành động quyết liệt hơn. Một bạn trẻ tên Hoàng đã phát biểu: “Trường học tẻ nhạt và quá nghiêm khắc”. Cậu đã bỏ dở trung học. An cũng đã làm như thế. Cô đã gặp khó khăn trong việc làm bài tập. Cô nói: “Tôi chẳng hiểu điều mình đang đọc thì làm sao tôi có thể làm bài được? Tôi chỉ ngồi đấy, ngày một dốt hơn, thế nên tôi bỏ học”.

Đành rằng hệ thống giáo dục trên toàn thế giới có nhiều thiếu sót, nhưng đó có phải là lý do để chán học và bỏ học nửa chừng không? Bỏ học nửa chừng có thể ảnh hưởng thế nào đến cuộc đời bạn sau này? Có những lý do chính đáng để tiếp tục học cho đến khi tốt nghiệp không?

Giá trị của giáo dục

Minh đã đi học trở lại để lấy bằng tương đương tú tài. Khi được hỏi lý do, cậu cho biết: “Tôi hiểu ra rằng mình cần có học vấn”. Nhưng “học vấn” là gì? Là khả năng trả thuộc lòng hàng loạt các dữ kiện chăng? Điều này chẳng làm nên học vấn cũng như một đống gạch chẳng tự dựng thành ngôi nhà.

Giáo dục phải trang bị cho bạn đạt được cuộc sống thành công khi trưởng thành. Allen Austill, làm giám hiệu trong suốt 18 năm, đã nói đến “một nền giáo dục dạy cho bạn biết cách suy nghĩ, cách giải quyết vấn đề, biết điều gì là hợp lý và phi lý, đào luyện những khả năng cơ bản để suy luận rõ ràng, hiểu được dữ liệu là gì, và biết liên kết các phần riêng lẻ với tổng thể. Giáo dục dạy cho bạn biết phán đoán và phân biệt, và biết cách học”.

Nhà trường có thể đáp ứng các nhu cầu này như thế nào? Nhiều thế kỷ trước, Vua Sa-lô-môn đã viết châm ngôn “hầu cho người ngu-dốt được sự khôn-khéo, gã trai-trẻ được sự tri-thức và sự dẽ-dặt”. (Châm-ngôn 1:1-4) Đúng vậy, tuổi trẻ vốn thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, học đường có thể giúp bạn nuôi dưỡng và phát triển khả năng suy luận. Đây không chỉ là khả năng thuật lại các sự kiện mà còn biết phân tích và đưa ra những ý tưởng mới và hữu ích từ các sự kiện đó. Dù có nhiều người chỉ trích cách giáo dục của một số trường học, nhưng nó đúng là nơi thúc đẩy bạn phải vận dụng trí tuệ. Công nhận là giải được những bài toán hình học hoặc phải nhớ một loạt những ngày tháng lịch sử dường như không liên quan gì đến cuộc sống hàng ngày của bạn. Nhưng, như Barbara Mayer viết trong cuốn The High School Survival Guide (Hướng dẫn để tồn tại ở trung học): “Không phải ai cũng sẽ ghi nhớ tất cả các mảnh kiến thức li ti mà giáo viên thường đưa vào các bài kiểm tra, nhưng những kỹ năng như cách học tập, cách hoạch định chương trình sẽ không bao giờ bị quên”.

Ba giáo sư đại học nghiên cứu hiệu quả lâu dài của nền giáo dục đưa ra kết luận tương tự, rằng “những người được ăn học nhiều hơn thường có hiểu biết sâu rộng hơn không chỉ về những kiến thức trong sách vở mà còn về thế giới đương đại, và họ thường muốn được biết thêm cũng như làm quen với các nguồn thông tin hơn... Những sự khác biệt này tồn tại rất lâu, nhiều năm sau khi một người rời ghế nhà trường, ngay cả đến khi về già”.—The Enduring Effects of Education (Hiệu quả lâu dài của giáo dục).

Điều quan trọng nhất là nền giáo dục có thể trang bị cho bạn thực hiện những trách nhiệm của người tín đồ Đấng Christ. Nếu có thói quen học tập tốt và biết đọc lưu loát, bạn có thể học hỏi Lời Đức Chúa Trời dễ dàng hơn. (Thi-thiên 1:2) Nếu ở trường bạn đã học được cách trình bày ý kiến của mình, bạn có thể dễ dàng dạy lẽ thật của Kinh Thánh cho người khác hơn. Kiến thức về lịch sử, khoa học, địa lý vá toán học cũng rất hữu ích và sẽ giúp bạn giao tiếp với những người thuộc mọi tầng lớp, sở thích, và niềm tin khác nhau.

Trường học và việc làm

Học đường cũng có ảnh hưởng lớn đến triển vọng nghề nghiệp của bạn trong tương lai. Ảnh hưởng thế nào?

Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn đã nói về người thợ thủ công khéo léo: “Người ấy hẳn sẽ đứng ở trước mặt các vua, chớ chẳng phải ở trước mặt người hèn-hạ đâu”. (Châm-ngôn 22:29) Điều này ngày nay vẫn đúng. Ernest Green thuộc Bộ Lao Động Hoa Kỳ đã phát biểu như sau: “Không có kỹ năng, bạn có thể mất nhiều cơ hội trong cuộc sống”.

Vì thế, thật dễ hiểu là những người bỏ học sớm ít có cơ may tìm được việc làm. Hoàng (được nói đến ở trên) đã học bài học cay đắng này. “Đã nhiều lần tôi nộp đơn xin việc nhưng không được nhận chỉ vì không có bằng tốt nghiệp”. Cậu nói thêm: “Đôi khi người ta dùng những từ mà tôi chẳng hiểu, và tôi cảm thấy mình ngu dốt”.

Tỉ lệ thất nghiệp của những người bỏ dở bậc trung học, ở lứa tuổi từ 16 đến 24, cao “gần gấp đôi tỉ lệ thất nghiệp của những người đồng trang lứa đã tốt nghiệp; và gần gấp ba tỉ lệ thất nghiệp chung”. (The New York Times) Trong sách The Adolescent, tác giả F. Philip Rice phát biểu thêm: “Những ai không tiếp tục con đường học vấn là đang tự đánh mất cơ hội của mình”. Một số người bỏ học nửa chừng có thể còn chưa nắm được những kỹ năng cơ bản cần thiết để làm những công việc đơn giản nhất.

Paul Copperman viết trong sách The Literacy Hoax: “Một nghiên cứu gần đây cho biết muốn làm người nấu ăn cần có trình độ đọc hiểu tương đương lớp 7, thợ cơ khí cần trình độ tương đương lớp 8, thư ký tiếp liệu đòi hỏi trình độ lớp 9 hoặc lớp 10”. Ông nói tiếp: “Tôi tin rằng từ đó chúng ta có thể đi đến kết luận hợp lý là các nghề như giáo viên, y tá, kế toán, hoặc kỹ sư chắc chắn đòi hỏi phải có một trình độ đọc hiểu tối thiểu cao hơn nữa”.

Vậy thì hiển nhiên, những học sinh nào chú tâm rèn ­luyện các kỹ năng cơ bản, như kỹ năng đọc, sẽ có nhiều cơ hội tìm được việc làm hơn. Nhưng đi học còn đem lại một lợi ích lâu dài nào nữa?

Con người bạn được hoàn thiện hơn

Lợi ích lâu dài đó là bạn biết được điểm mạnh và điểm yếu của mình. Minh Châu, vừa nhận được việc làm trong lĩnh vực vi tính, nhận xét: “Ở trường tôi đã được rèn ­luyện để làm việc dưới áp lực, được học cách làm bài kiểm tra, và trình bày ý kiến của mình”.

Một bạn trẻ khác cho biết: ‘Học đường đã dạy tôi có cái nhìn đúng về sự thất bại’. Trước đây, cô đã có khuynh hướng xem người khác, thay vì chính mình, là nguyên nhân của những thất bại của cô. Nhiều người khác nhận được lợi ích từ kỷ luật hàng ngày ở trường. Có nhiều người chỉ trích nhà trường về vấn đề này, cho rằng kỷ luật làm tê liệt tâm trí non trẻ của học sinh. Nhưng Sa-lô-môn khuyến khích các bạn trẻ nên “hiểu-biết sự khôn-ngoan và điều khuyên-dạy”. (Châm-ngôn 1:2) Những trường có kỷ luật chặt chẽ đã thật sự đào tạo được những khối óc có kỷ luật mà vẫn có khả năng sáng tạo.

Vì thế, điều khôn ngoan là bạn nên tận dụng những năm còn đi học. Bạn phải vận dụng như thế nào? Hãy bắt đầu với chính các bài làm ở trường.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Tại sao nhiều người trẻ có quan điểm tiêu cực về nhà trường? Bạn nghĩ thế nào về vấn đề này?

◻ Nhà trường có thể giúp một người phát triển khả năng suy nghĩ như thế nào?

◻ Bỏ học nửa chừng có thể ảnh hưởng thế nào đến khả năng tìm việc làm trong tương lai của bạn, và tại sao?

◻ Những lợi ích cá nhân nào khác có thể đạt được nhờ theo đuổi việc học tập ở trường?

[Câu nổi bật nơi trang 135]

“Tôi chỉ ngồi đấy, ngày một dốt hơn, thế nên tôi bỏ học”

[Câu nổi bật nơi trang 138]

“Một nghiên cứu gần đây cho biết muốn làm người nấu ăn cần có trình độ đọc hiểu tương đương lớp 7, thợ cơ khí cần trình độ tương đương lớp 8, thư ký tiếp liệu đòi hỏi trình độ lớp 9 hoặc lớp 10”.

[Các hình nơi trang 136]

Việc tôn trọng kỷ luật ở trường có thể mang lại lợi ích cho cuộc đời bạn sau này

[Các hình nơi trang 137]

Triển vọng có việc làm thật mờ mịt đối với những người không nắm vững được những kỹ năng cơ bản đã được dạy ở trường