Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôi nên chọn nghề gì?

Tôi nên chọn nghề gì?

Chương 22

Tôi nên chọn nghề gì?

‘ĐỜI tôi sẽ làm gì đây?’ Không sớm thì muộn bạn cũng sẽ đương đầu với câu hỏi hóc búa này. Có lẽ bạn thấy bối rối trước quá nhiều lựa chọn: ngành y, kinh doanh, nghệ thuật, giáo dục, vi tính, kỹ sư, làm thợ. Có thể bạn có cùng cảm nghĩ với một bạn trẻ đã nói như sau: “Đối với tôi, thành công... tức là duy trì được mức sống tiện nghi như hồi mình lớn lên”. Hoặc như nhiều người khác, bạn mơ đến chuyện làm giàu.

Nhưng phải chăng thành công chỉ có nghĩa là giàu có về vật chất? Có nghề nghiệp nào ngoài đời có thể đem lại cho bạn sự thỏa mãn thật sự không?

‘Tất cả đều vô nghĩa’

Quyến rũ, hấp dẫn, nhiều quyền lợi! Đó là cách mà phim ảnh, truyền hình và sách báo thường miêu tả các nghề nghiệp ngoài đời. Nhưng, để đạt được cái gọi là thành công, những kẻ ham danh vọng thường phải đấu tranh sinh tử để chứng tỏ tài năng của mình. Tiến sĩ Douglas LaBier cho biết nhiều người mới trưởng thành “thăng tiến nhanh trong nghề nghiệp và có kỹ thuật nghiệp vụ cao, than thở họ cảm thấy bất mãn, lo âu, buồn nản, trống rỗng, đa nghi hoặc mắc đủ loại bệnh tật về thể chất”.

Thời xưa, Vua Sa-lô-môn đã từng phơi bày sự vô nghĩa của những thành công trong thế gian. Nhờ có một tài sản gần như bất tận, Sa-lô-môn đã thực hiện được cả một danh sách những thành tựu đáng kinh ngạc. (Đọc Truyền-đạo 2:4-10). Dẫu vậy, Sa-lô-môn kết luận: “Đoạn ta xem-xét các công-việc tay mình đã làm, và sự lao-khổ mình đã chịu để làm nó; kìa, mọi điều đó là sự hư-không [“tất cả đều vô nghĩa”, Bản Diễn Ý] và theo luồng gió thổi”.—Truyền-đạo 2:11.

Nghề nghiệp có thể đem lại sự giàu sang và danh vọng nhưng không thể thỏa mãn những ‘nhu cầu thiêng liêng’. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Do đó, những ai chỉ tạo dựng cuộc sống xoay quanh sự thành đạt trong thế gian sẽ không bao giờ nếm được sự thỏa lòng.

Một nghề nghiệp thỏa lòng

Vua Sa-lô-môn khuyên nhủ: “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý-thuyết nầy: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi”. (Truyền-đạo 12:13) Nhiệm vụ hàng đầu của người tín đồ Đấng Christ ngày nay là rao báo thông điệp về Nước Trời. (Ma-thi-ơ 24:14) Những người trẻ xem trọng trách nhiệm của họ trước mặt Đức Chúa Trời cảm thấy được thúc đẩy tham gia công việc chia sẻ tin mừng này càng nhiều càng tốt—dù rằng họ không tự nhiên mến thích công việc rao giảng. (So sánh 2 Cô-rinh-tô 5:14). Thay vì nhận việc làm trọn thời gian ở ngoài đời, hàng ngàn người đã chọn phụng sự với tư cách là người truyền giáo tiên phong trọn thời gian. Những người khác phụng sự với tư cách giáo sĩ ở nước ngoài hoặc làm việc tại các văn phòng chi nhánh của Hội Tháp Canh.

Ý Mai, đã bỏ nghề làm thư ký ban quản trị để trở thành người tiên phong, nói rằng: “Càng ngày tôi càng yêu mến công việc này”. Đúng vậy, thánh chức trọn thời gian quả là nghề nghiệp thỏa lòng và lý thú nhất! Vả lại, có đặc ân nào lớn hơn là được làm “bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời”?—1 Cô-rinh-tô 3:9.

Học đại học—Có lợi ích chăng?

Đa số người làm thánh chức tiên phong đều tự chu cấp cho bản thân bằng việc làm bán thời gian. Nhưng nếu sau này bạn cần cấp dưỡng cho gia đình thì sao? Chắc chắn một người sẽ chẳng bao giờ phải hối tiếc vì đã dành trọn tuổi trẻ để phụng sự Đức Chúa Trời! Tuy nhiên, chẳng phải khôn ngoan là nên học đại học trước rồi sau này mới theo đuổi công việc thánh chức hay sao?

Dĩ nhiên, Kinh Thánh không chỉ rõ một tín đồ Đấng Christ trẻ tuổi phải đi học bao nhiêu năm. Kinh Thánh cũng không lên án việc học hành. Đức ­Giê-hô-va, “Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại”, khuyến khích dân sự Ngài đọc thông thạo và phát biểu rõ ràng. (Ê-sai 30:20, NW; Thi-thiên 1:2; Hê-bơ-rơ 5:12) Hơn nữa, việc học hành có thể mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta về con người và thế giới mà chúng ta đang sống.

Tuy nhiên, bằng cấp đại học có luôn luôn tương xứng với phí tổn lớn về thời giờ và tiền bạc phải bỏ ra cho nó không? * Mặc dù theo các thống kê, những người tốt nghiệp đại học được hưởng mức lương cao hơn và ít chịu cảnh thất nghiệp hơn những người tốt nghiệp trung học, sách Planning Your College Education (Dự tính việc học đại học) nhắc chúng ta nhớ rằng những thống kê này chỉ là tỉ lệ bình quân. Chỉ một số ít những người tốt nghiệp đại học có thu nhập thật cao, phần còn lại có mức lương thấp hơn nhiều. Ngoài ra, thu nhập cao của những người tốt nghiệp đại học không chỉ đơn thuần tùy thuộc vào trình độ học vấn của họ, mà còn do một số yếu tố khác như “khả năng khác thường, động lực cá nhân, cơ hội tìm việc trong khu vực,... năng khiếu đặc biệt”.

Bộ Lao Động Hoa Kỳ cho biết: “Bằng cấp đại học không còn đảm bảo cho sự thành công trong thị trường lao động. Tỷ lệ [những người tốt nghiệp đại học] được nhận vào những công việc chuyên môn, kỹ thuật và quản lý... giảm đi bởi vì những nghề này phát triển quá chậm không tương xứng với số lượng người tốt nghiệp ngày càng gia tăng. Kết quả là cứ khoảng 5 người tốt nghiệp [đại học] thâm nhập thị trường lao động từ năm 1970 đến 1984, thì có 1 người phải nhận loại việc làm thường không đòi hỏi bằng cấp. Sự thặng dư về số lượng người tốt nghiệp này có lẽ sẽ tiếp tục cho đến giữa thập niên 1990”.

Những điều khác cần cân nhắc

Bằng cấp đại học có thể hoặc có thể không cải tiến triển vọng tìm việc của bạn. Nhưng có một điều chắc chắn không thể phủ nhận được, đó là: “Thì-giờ [“còn lại”, NW] ngắn-ngủi”! (1 Cô-rinh-tô 7:29) Bất luận người ta cho rằng trường đại học có thể cung cấp cho bạn những lợi ích nào chăng nữa, liệu bốn năm đại học, hoặc hơn nữa, có phải là cách sử dụng tốt nhất thì giờ còn lại không?—Ê-phê-sô 5:16.

Nền giáo dục đại học sẽ hướng bạn đến, hay đẩy bạn xa rời những mục tiêu thiêng liêng? Hãy nhớ rằng công việc hàng đầu của người tín đồ Đấng Christ không phải là tìm kiếm nguồn thu nhập cao. (1 Ti-mô-thê 6:7, 8) Thế mà, theo một nghiên cứu của các nhà điều hành đại học ở Hoa Kỳ cho biết, sinh viên ngày nay ‘chỉ chú tâm đến sự nghiệp, thành công về vật chất, và chính bản thân họ’. Một nhóm sinh viên nói rằng: “Tiền. Hầu như tất cả đề tài chúng tôi thảo luận đều là tiền”. Sống trong bầu không khí ganh đua quyết liệt và chủ nghĩa vật chất ích kỷ như thế, bạn sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Các trường đại học có thể không còn những cảnh hỗn loạn của thập niên 1960. Nhưng khó có thể kết luận rằng môi trường đại học đã trở nên lành mạnh sau khi những hỗn loạn này đã giảm đi. Một nghiên cứu về cuộc sống ở trường đại học kết luận: “Sinh viên vẫn được tự do gần như không giới hạn trong các vấn đề thuộc lãnh vực cá nhân và xã hội”. Ma túy và rượu được sử dụng thoải mái, còn tình dục vô luân thì trở thành thông lệ—chứ không phải ngoại lệ. Nếu điều ấy xảy ra trong các trường đại học tại quốc gia bạn, liệu các cố gắng của bạn để gìn giữ đạo đức trong sạch có thể thành công chăng khi sống trong khung cảnh đó?—1 Cô-rinh-tô 6:18.

Các cuộc nghiên cứu cho thấy một điều đáng ngại khác là nền học vấn cao thường đi đôi với việc bớt “gắn bó với các giáo lý cơ bản của tôn giáo”. (The Sacred in a Secular Age) Áp lực muốn duy trì thứ hạng cao đã khiến một số tín đồ Đấng Christ trẻ sao lãng các hoạt động thiêng liêng, và do đó dễ bị thương tổn trước sự tấn công dữ dội của lối suy nghĩ thế gian được các trường đại học cổ vũ. Đức tin của một số người đã bị chìm đắm.—Cô-lô-se 2:8.

Những lựa chọn khác thay cho việc học đại học

Vì những lý do trên, nhiều tín đồ Đấng Christ trẻ đã quyết định không học lên đại học. Nhiều người nhận thấy rằng sự rèn luyện trong các hội thánh Nhân Chứng ­Giê-hô-va—đặc biệt là Trường Thánh Chức Thần Quyền hàng tuần—là một lợi thế thật sự khi tìm việc làm. Dù không có bằng đại học, nhưng những người trẻ này biết tự tin, diễn đạt tư tưởng rõ ràng rành mạch, và hoàn toàn có đủ năng lực để đảm nhận trách nhiệm. Hơn nữa, khi còn ở trung học, một số đã theo học các khóa về đánh máy, lập chương trình vi tính, sửa chữa ô-tô, công việc ở cửa hàng máy móc, v.v... Những kỹ năng này có thể giúp họ tìm việc làm bán thời gian, và xã hội thường có nhiều nhu cầu về những loại kỹ năng như thế. Ngoài ra, dù nhiều người trẻ xem thường ‘công việc tay chân’, nhưng Kinh Thánh đề cao việc “chịu khó” làm việc. (Ê-phê-sô 4:28; so sánh Châm-ngôn 22:29). Chính Chúa Giê-su Christ đã học thành thạo một nghề thủ công và được gọi là “thợ mộc”!—Mác 6:3.

Đúng là tại một số quốc gia, số người tốt nghiệp đại học tràn ngập thị trường lao động đến nỗi nếu không học nghề thêm, thì ngay cả một việc làm thông thường cũng khó mà tìm được. Nhưng thường có những chương trình học nghề theo kiểu vừa học vừa làm, trường hướng nghiệp hay kỹ thuật, và các chương trình đại học ngắn hạn dạy những kỹ năng có thể ứng dụng trong việc mưu sinh với lượng đầu tư tối thiểu về thời gian và tiền bạc. Đừng quên rằng còn có một yếu tố mà các thống kê về việc làm không ghi vào: Đó là lời hứa của Đức Chúa Trời cung cấp cho những ai đặt lợi ích thiêng liêng lên hàng đầu.—Ma-thi-ơ 6:33.

Viễn cảnh về việc làm và hệ thống giáo dục thay đổi từ nơi này sang nơi khác. Các bạn trẻ cũng có những khả năng và thiên hướng khác nhau. Dù chúng tôi đề cao các lợi ích của sự nghiệp làm thánh chức đạo Đấng Christ, đây vẫn là vấn đề lựa chọn cá nhân. Do đó, bạn và cha mẹ phải cẩn thận cân nhắc tất cả các yếu tố liên quan để quyết định một trình độ học vấn thích hợp cho bạn. ‘Ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy’ trong quyết định này.—Ga-la-ti 6:5.

Nếu cha mẹ cố nài ép bạn đi đại học, và bạn đang sống dưới sự bảo hộ của họ, thì bạn không còn sự chọn lựa nào khác hơn là vâng lời. * (Ê-phê-sô 6:1-3) Có lẽ bạn có thể tiếp tục sống ở nhà để tránh bị tiêm nhiễm lối sống ở đại học. Hãy cân nhắc kỹ khi lựa chọn các môn học, chẳng hạn nên tập trung học các kỹ năng cho nghề nghiệp thay vì các triết lý thế gian. Cũng hãy cẩn thận trong các mối giao tiếp của bạn. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Hãy tự giữ mình mạnh mẽ về thiêng liêng bằng cách tham dự nhóm họp, rao giảng và học hỏi cá nhân. Một số bạn trẻ buộc phải đi học đại học thậm chí còn cố gắng xoay xở làm tiên phong bằng cách lựa chọn một thời gian biểu thích hợp.

Hãy cẩn thận và cầu nguyện khi lựa chọn nghề nghiệp của bạn, vì điều này không những mang lại hạnh phúc cá nhân mà còn có thể giúp bạn ‘chất chứa của-cải ở trên trời’.—Ma-thi-ơ 6:20.

[Chú thích]

^ đ. 15 Tại Hoa Kỳ, học phí đại học trung bình là hơn 10.000 đô la một năm! Sinh viên thường phải mất nhiều năm mới trả hết nợ.

^ đ. 26 Có thể không nhất thiết phải đạt bằng tốt nghiệp bốn năm để làm vừa lòng cha mẹ bạn. Tại Hoa Kỳ có loại bằng tốt nghiệp dành cho công nhân thuộc nhiều ngành nghề khác nhau mà thời gian đào tạo chỉ có hai năm.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Tại sao nghề nghiệp ngoài đời thường không mang lại hạnh phúc cá nhân?

◻ Tại sao những người trẻ kính sợ Đức Chúa Trời nên cân nhắc về sự nghiệp làm thánh chức trọn thời gian?

◻ Người ta cho rằng nền giáo dục đại học có thể đem lại những lợi ích nào, và những điều đó có luôn luôn đúng không?

◻ Học đại học có thể gặp những nguy hiểm nào?

◻ Một người trẻ có thể xem xét những lựa chọn nào khác thay cho việc học đại học?

[Câu nổi bật nơi trang 175]

Nghề nghiệp có thể đem lại sự giàu sang và danh vọng nhưng không thể thỏa mãn những ‘nhu cầu thiêng liêng’

[Câu nổi bật nơi trang 177]

“Bằng cấp đại học không còn đảm bảo cho sự thành công trong thị trường lao động”