Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cách ăn mặc có phản ảnh con người thật của tôi không?

Cách ăn mặc có phản ảnh con người thật của tôi không?

Chương 11

Cách ăn mặc có phản ảnh con người thật của tôi không?

“NÓ đâu có quá ngắn. Chỉ tại ba má lỗi thời thôi!”, Phụng hét lên rồi bỏ chạy về phòng—kết thúc cuộc tranh cãi về chiếc váy mà cô muốn mặc. Có lẽ bạn cũng đã từng là trung tâm của cuộc tranh cãi tương tự với cha mẹ, thầy giáo, hay ông chủ khi họ phê bình những trang phục mà bạn ưa thích. Cái bạn xem là thường phục thoải mái, họ lại cho là bê bối cẩu thả. Cái bạn xem là sang trọng, họ lại gọi là lòe loẹt hay hở hang.

Đúng là mỗi người có một sở thích khác nhau và bạn có quyền có quan điểm riêng của mình. Nhưng phải chăng điều này có nghĩa là bạn ăn mặc thế nào cũng được?

Thông điệp đúng chăng?

Một cô gái tên Pha nói: “Cách ăn mặc thật sự cho thấy bạn là người như thế nào và bạn đánh giá bản thân ra sao”. Thật vậy, cách phục sức của bạn chẳng khác nào một thông điệp về chính con người bạn. Quần áo có thể nói lên tính cẩn thận, sự chững chạc, những tiêu chuẩn đạo đức cao, hoặc phản ảnh sự nổi loạn và bất mãn. Nó cũng có thể là một hình thức để nhận diện. Một số thanh niên dùng quần áo rách, đồ kiểu ‘punk’, hoặc đồ hiệu đắt tiền để làm đặc điểm phân biệt. Một số khác dùng trang phục để hấp dẫn người khác phái hoặc để trông có vẻ già dặn hơn.

Vì thế, thật dễ hiểu vì sao nhiều bạn trẻ xem trọng cách ăn mặc đến thế. Tuy nhiên, John T. Molloy, tác giả của cuốn Dress for Success (Cách ăn mặc để thành công), lưu ý: “Cách chúng ta ăn mặc gây ấn tượng đáng kể đến những người chúng ta gặp và ảnh hưởng rất nhiều đến cách họ đối xử với chúng ta”.

Vì vậy, không ngạc nhiên gì khi cha mẹ bạn quan tâm nhiều đến cách ăn mặc của bạn! Đối với họ, đó không chỉ là vấn đề sở thích cá nhân. Họ muốn cách ăn mặc của bạn phải thể hiện một thông điệp đúng về bạn, phản ảnh một con người thăng bằng và có trách nhiệm. Cách ăn mặc của bạn có đạt được điều này không? Điều gì hướng dẫn bạn trong việc lựa chọn trang phục?

“Tôi làm bất cứ điều gì mà các bạn tôi muốn”

Đối với nhiều bạn trẻ, quần áo là một cách để khẳng định sự độc lập và tính cách riêng của mình. Nhưng, ở tuổi thanh thiếu niên, nhân cách của bạn chưa ổn định, nó vẫn còn phát triển và thay đổi. Do đó, khi muốn khẳng định bản thân mình, bạn có thể chưa biết chắc mình nên chứng tỏ điều gì và chứng tỏ như thế nào. Vì thế, một số thanh thiếu niên ăn mặc rất kỳ quái, khác người. Nhưng, thay vì khẳng định ‘tính cách riêng’ của mình, họ chỉ khiến người khác chú ý đến sự thiếu chín chắn của họ—đó là chưa nói đến việc làm xấu hổ cha mẹ.

Những bạn trẻ khác chỉ đơn giản chọn cách ăn mặc giống bạn bè; điều đó dường như cho họ cảm giác an toàn và thuộc về một nhóm. Dĩ nhiên, việc muốn hòa mình với người khác không nhất thiết là sai. (So sánh 1 Cô-rinh-tô 9:22). Nhưng một tín đồ Đấng Christ có thật sự muốn giống những người trẻ không tin đạo không? Và có khôn ngoan không khi tìm kiếm sự chấp nhận của bạn bè với bất cứ giá nào? Một cô gái trẻ thú nhận: “Tôi làm bất cứ điều gì mà các bạn tôi muốn, để họ khỏi gièm chê”. Nhưng bạn gọi một người hoàn toàn chịu người khác sai khiến, nhượng bộ những ý thích kỳ quái của người khác, là gì? Kinh Thánh trả lời: “Anh em há chẳng biết rằng nếu anh em đã nộp mình... đặng vâng-phục kẻ nào, thì là tôi-mọi của kẻ mình vâng-phục sao?”—Rô-ma 6:16, chúng tôi viết nghiêng.

Giữa những người trẻ, “áp lực phải làm đúng theo nhóm có thể mạnh đến nỗi các thành viên trong nhóm hầu như bị cầm tù trong các tiêu chuẩn của nhóm, lệ thuộc vào chúng [bạn bè] để biết nên ăn mặc, nói năng, hành động như thế nào, và thậm chí nên nghĩ gì và tin gì nữa”.—Cuốn Adolescence: Transition From Childhood to Maturity (Tuổi thiếu niên: Giai đoạn chuyển tiếp từ thơ ấu sang trưởng thành).

Nhưng liệu bạn bè của bạn có đủ tư cách để cho những lời khuyên như thế không? (So sánh Ma-thi-ơ 15:14). Chẳng phải họ cũng đang trải qua những khó khăn về cảm xúc của tuổi đang lớn như bạn sao? Vậy có khôn ngoan không, khi bạn ngoan ngoãn để họ lập các chuẩn mực cho mình, nhất là khi các chuẩn mực đó đi ngược lại lẽ phải thông thường hoặc các tiêu chuẩn và ý muốn của cha mẹ bạn?

“Hợp thời” hôm nay, “lỗi thời” ngày mai

Những thanh thiếu niên khác theo chiều gió thời trang. Nhưng những ngọn gió đó chóng qua biết chừng nào! Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta: “Hình-trạng thế-gian nầy qua đi”. (1 Cô-rinh-tô 7:31) Như thế, cái gì hợp thời hôm nay có thể trở nên lỗi thời ngày mai một cách bất ngờ đáng kinh ngạc (chưa nói là còn gây tốn kém). Váy ngắn rồi váy dài, quần loe rồi quần bó, tất cả chỉ nhằm phục vụ quyền lợi của các nhà sản xuất và nhà thiết kế thời trang, là những người thu lợi lớn từ đám đông dân chúng dễ bị lôi kéo.

Chẳng hạn, hãy xem xét thời trang quần jean hiệu của vài năm trước. Quần jean đột nhiên trở thành mốt thời thượng. Người ta sẵn sàng trả giá cắt cổ để được làm những bảng quảng cáo di động cho các tên hiệu như Calvin Klein và Gloria Vanderbilt. Eli Kaplan, chủ tịch công ty sản xuất quần jean “Sergio Valente”, giải thích: “Người ta chuộng nhãn hiệu”. Nhưng ông Valente này là ai mà danh tánh được đính lồ lộ trên các túi quần jean như thế? Tuần báo Newsweek cho biết: “Chẳng hề có ông Valente nào cả”. Và trong lời giải thích, chính ông Kaplan hỏi: “Ai sẽ mua quần jean hiệu Eli Kaplan chứ?”

Bạn có thể hỏi: ‘Nhưng hợp thời thì có gì sai?’ Không nhất thiết là sai. Vào thời Kinh Thánh, các tôi tớ của Đức Chúa Trời cũng ăn mặc theo đúng kiểu cách của địa phương. Ví dụ, Kinh Thánh nói Ta-ma mặc một cái áo trong dài, vì vào thời đó “các công-chúa đều mặc áo như thế đương khi còn đồng-trinh”.—2 Sa-mu-ên 13:18.

Nhưng một người có nên làm nô lệ cho thời trang không? Một cô gái trẻ than thở: “Bạn thấy trong tiệm có cái quần rất đẹp mà ai cũng đang mặc, và bạn nói: ‘Mẹ, mua cho con cái quần đó đi’, nhưng mẹ nói: ‘Mẹ có thể may cái quần đó ở nhà’. Tôi nói: ‘Mẹ không hiểu. Con chỉ muốn cái quần này thôi’ ”. Chẳng phải khi là con tốt trên bàn cờ của các nhà thiết kế thời trang, bạn đã đánh mất tính cách riêng của mình và làm lu mờ con người thật của mình đó sao? Tại sao bạn lại phải để mình bị điều khiển bởi những quảng cáo dụ dỗ, khẩu hiệu, và tên tuổi các nhà thiết kế?

Kinh Thánh khuyên chúng ta nơi Rô-ma 12:2: “Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình, để thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. Trong việc lựa chọn quần áo, ‘ý muốn đẹp lòng của Đức Chúa Trời’ là gì?

‘Khiêm tốn và gọn-ghẽ’

Trong 1 Ti-mô-thê 2:9, tín đồ Đấng Christ được khuyến khích “ăn-mặc một cách gọn-ghẽ, lấy nết-na [“khiêm tốn”, NW] và đức-hạnh giồi mình”. “Ăn-mặc một cách gọn-ghẽ” tất nhiên có nghĩa là dễ coi và sạch sẽ. Ăn mặc một cách “khiêm tốn” thì phải xét đến bối cảnh. Một bộ đồ trang trọng có thể thích hợp ở chỗ làm, nhưng lại không thích hợp ở bãi biển! Trái lại, một bộ đồ tắm sẽ bị xem là quái dị ở sở làm.

Vì thế các Nhân Chứng Giê-hô-va trẻ tuổi nên lưu ý sao cho quần áo họ mặc tại các buổi nhóm họp của tín đồ Đấng Christ hay khi đi rao giảng không quá xuềnh xoàng, nhưng có thể giúp nhận diện họ là những người truyền giáo của Đức Chúa Trời. Hãy nhớ đến lời khuyên của Phao-lô ở 2 Cô-rinh-tô 6:3, 4: “Chúng tôi chẳng làm cho ai vấp-phạm, hầu cho chức-vụ của mình khỏi bị một tiếng chê-bai nào. Nhưng chúng tôi làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời”.

Sự khiêm tốn cũng có nghĩa là phải quan tâm đến cảm nghĩ của người khác. Như sứ đồ Phao-lô nói, trong mọi hành động người tín đồ Đấng Christ không chỉ xem xét lương tâm mình mà cả “lương tâm của người kia”. (1 Cô-rinh-tô 10:29, Nguyễn Thế Thuấn) Vậy, chẳng phải bạn nên đặc biệt quan tâm đến lương tâm của cha mẹ bạn sao?

Lợi ích của việc ăn mặc đứng đắn

Kinh Thánh tường thuật lại chuyện có một lần Hoàng Hậu Ê-xơ-tê cần yết kiến nhà vua, là phu quân của mình. Tuy nhiên, nếu vào yết kiến vua mà không được lệnh mời thì có thể bị xử tử. Chắc chắn Ê-xơ-tê đã khẩn thiết cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Nhưng bà cũng đã chú ý đến bề ngoài của mình và “mặc đồ triều-phục”, phù hợp với dịp trang trọng này. Và “vừa khi vua thấy hoàng-hậu Ê-xơ-tê đứng chầu nơi nội-viện, thì bà được ơn trước mặt vua”.—Ê-xơ-tê 5:1, 2.

Ăn mặc lịch sự nhưng khiêm tốn có thể giúp bạn tạo ấn tượng tốt tại một cuộc phỏng vấn xin việc. Bà Vicki L. Baum, giám đốc Trung Tâm Xúc Tiến Việc Làm, nhận xét: “Nhiều phụ nữ có quan niệm sai lầm khi đi phỏng vấn. Họ nghĩ nó giống như là cuộc hẹn hò với bạn trai vậy. Trông họ thật quyến rũ”. Kết quả là gì? “Điều đó làm giảm giá trị trình độ nghiệp vụ của họ”. Bà khuyên không nên mặc “quần áo bó sát hay khêu gợi”.

Các nam thanh niên cũng nên cố gắng ăn mặc gọn ghẽ khi đi xin việc. Ông John T. Molloy nhận thấy rằng các nhà doanh nghiệp “chải tóc gọn và đi giày bóng lộn. Và họ chờ đợi người khác cũng có phong cách như thế”.

Ăn mặc thiếu khiêm tốn có thể làm tổn hại đến mối quan hệ của bạn với những người khác. Cuốn Psychology Today (Tâm lý ngày nay) nói đến một cuộc thăm dò trong giới thiếu niên cho thấy “áo hở ngực, quần đùi, quần jean bó, hay không mặc áo ngực” sẽ bị đàn ông xem như là một lời mời gọi nhục dục. Một nam thanh niên thú nhận: “Bản thân tôi nhiều khi thấy khó có tư tưởng hoàn toàn trong sạch đối với các phụ nữ trẻ khi tôi nhìn cách ăn mặc của họ”. Ăn mặc khiêm tốn sẽ khiến người khác chú ý đến phẩm chất của bạn. Nếu bạn không chắc một bộ đồ nào đó có thật sự khiêm tốn hay không, hãy hỏi ý kiến cha mẹ bạn.

Trang sức “người bề trong”

Sứ đồ Phi-e-rơ khuyến khích các tín đồ Đấng Christ trang sức “[con người] bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh-sạch chẳng hư-nát của tâm-thần dịu-dàng im-lặng ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời”, và cả trước mặt người khác nữa! (1 Phi-e-rơ 3:4) Ăn mặc theo thời trang có thể làm lóa mắt bạn bè nhưng không thể giúp bạn đạt được lòng yêu thương của ai, hay tìm được những người bạn thật. Bạn chỉ có thể đạt được những điều này bằng cách trang sức “người bề trong”, tức là trau dồi con người bên trong của mình. (2 Cô-rinh-tô 4:16) Một người có phẩm chất cao quí sẽ luôn thu hút người khác, ngay dù quần áo của mình không phải là đồ thời trang mới nhất hay không mang những tên hiệu vô nghĩa.

Không ai biết được các cô cậu thanh thiếu niên lại sẽ hùa nhau chạy theo thời trang nào nữa. Tuy nhiên, bạn có thể tự quyết định lấy. Hãy giữ tiêu chuẩn cao về cách ăn mặc. Hãy tránh cách ăn mặc theo phong trào quá đáng và quần áo khêu gợi. Hãy dè dặt, không là người đầu tiên—và cũng không nhất thiết là người cuối cùng—chạy theo một thời trang nào đó. Hãy chọn những quần áo tốt có thể dùng lâu, chứ đừng chọn những thứ sẽ chóng trở thành lỗi thời. Hãy đảm bảo sao cho cách phục sức của bạn nói lên thông điệp đúng, phản ảnh chính con người thật của bạn, thay vì là một sản phẩm nhào nặn bởi bạn bè hay các phương tiện thông tin đại chúng.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Trang phục có thể phát ra một thông điệp thế nào?

◻ Tại sao một số thanh niên có khuynh hướng chọn cách ăn mặc kỳ quái?

◻ Bạn bè ảnh hưởng đến cách ăn mặc của bạn đến mức nào?

◻ Những điều không hay của việc chạy theo thời trang là gì?

◻ Điều gì quyết định một cách ăn mặc có phải là ‘khiêm tốn và gọn-ghẽ’ hay không?

[Câu nổi bật nơi trang 94]

“Cách ăn mặc thật sự cho thấy bạn là người như thế nào và bạn đánh giá bản thân ra sao”

[Hình nơi trang 91]

Cha mẹ thường bất đồng quan điểm với con cái về cách ăn mặc của chúng. Có phải vì họ lỗi thời không?

[Hình nơi trang 92]

Nhiều thanh niên cố gắng khẳng định tính cách riêng của mình bằng cách ăn mặc khác người

[Hình nơi trang 93]

Hãy ăn mặc phù hợp với bối cảnh. Quần áo thể hiện con người bạn!