Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được mạnh sức nhờ một sứ giả Đức Chúa Trời gởi đến

Được mạnh sức nhờ một sứ giả Đức Chúa Trời gởi đến

Chương Mười Hai

Được mạnh sức nhờ một sứ giả Đức Chúa Trời gởi đến

1. Vì quan tâm đến việc hoàn thành ý định của Đức Giê-hô-va, Đa-ni-ên được ban phước như thế nào?

ĐA-NI-ÊN hết sức quan tâm đến việc hoàn thành ý định của Đức Giê-hô-va. Điều này đem lại cho ông phần thưởng lớn. Ông được ban cho lời tiên tri sôi nổi về 70 tuần lễ có liên hệ đến thời điểm Đấng Mê-si xuất hiện. Đa-ni-ên cũng được phước nhìn thấy những người trung thành còn sót lại thuộc dân tộc của ông được trở về quê hương. Biến cố này xảy ra vào năm 537 TCN, khoảng cuối “năm thứ nhứt đời Si-ru, vua nước Phe-rơ-sơ”.—E-xơ-ra 1:1-4.

2, 3. Tại sao Đa-ni-ên có thể đã không về xứ Giu-đa cùng với những người Do Thái còn sót lại?

2 Đa-ni-ên không nằm trong số những người trở về xứ Giu-đa. Có lẽ vì tuổi tác cao nên việc du hành không còn dễ nữa. Dù sao, Đức Chúa Trời vẫn còn dự trù công tác khác cho ông ở Ba-by-lôn. Hai năm trôi qua. Rồi lời tường thuật cho biết: “Năm thứ ba đời vua Si-ru nước Phe-rơ-sơ, có một sự tỏ ra cho Đa-ni-ên cũng gọi là Bên-tơ-xát-sa. Sự tỏ ra đó là thật, tức là sự chiến-tranh lớn. Đa-ni-ên hiểu sự đó, và rõ được ý của sự hiện-thấy”.—Đa-ni-ên 10:1.

3 “Năm thứ ba đời vua Si-ru” tương ứng với năm 536/535 TCN. Đối với Đa-ni-ên, đã hơn 80 năm kể từ khi bị đem sang Ba-by-lôn cùng với hoàng tộc và những người trai trẻ trong hàng quan sang của Giu-đa. (Đa-ni-ên 1:3) Nếu vào lúc sang Ba-by-lôn, Đa-ni-ên ở tuổi thiếu niên thì bây giờ ông đã gần 100 tuổi rồi. Thật là một quá trình phụng sự trung thành tuyệt vời!

4. Dẫu tuổi cao, Đa-ni-ên vẫn còn đóng vai trò quan trọng nào trong công tác phụng sự Đức Giê-hô-va?

4 Tuy nhiên, dẫu tuổi cao, vai trò của Đa-ni-ên trong công tác phụng sự Đức Giê-hô-va vẫn chưa hết. Qua ông, Đức Chúa Trời sẽ tuyên bố một thông điệp mang ý nghĩa tiên tri, có tầm mức quan trọng rộng lớn. Đó là một lời tiên tri vượt đến tận thời kỳ chúng ta và sau này nữa. Để chuẩn bị Đa-ni-ên lãnh nhiệm vụ mới này, Đức Giê-hô-va thấy cần thêm sức cho ông hầu thi hành công tác trước mắt.

MỘT CỚ ĐỂ LO ÂU

5. Phúc trình nào hình như khiến Đa-ni-ên quan tâm?

5 Mặc dầu Đa-ni-ên không trở về xứ Giu-đa với những người Do Thái còn sót lại, ông vẫn quan tâm đến những gì đang xảy ra bên quê nhà yêu dấu. Qua phúc trình nhận được, Đa-ni-ên biết sự việc ở đó không mấy tốt đẹp. Bàn thờ đã được xây dựng lại và nền đền thờ đã được đặt ở Giê-ru-sa-lem. (E-xơ-ra, chương 3) Nhưng các nước láng giềng chống lại dự án xây cất, và âm mưu làm hại những người Do Thái hồi hương. (E-xơ-ra 4:1-5) Thực vậy, Đa-ni-ên có lý do chánh đáng để lo âu về rất nhiều điều.

6. Tại sao Đa-ni-ên không yên lòng về tình trạng tại Giê-ru-sa-lem?

6 Đa-ni-ên quen thuộc với lời tiên tri của Giê-rê-mi. (Đa-ni-ên 9:2) Ông biết rằng công việc tái thiết đền thờ ở Giê-ru-sa-lem và việc phục hồi sự thờ phượng thật tại đó có liên hệ mật thiết với ý định của Đức Giê-hô-va về dân sự của Ngài. Ông cũng biết tất cả những điều này phải xảy ra trước khi Đấng Mê-si, mà Kinh Thánh hứa, xuất hiện. Thật ra, Đa-ni-ên có đặc ân cao cả khi nhận được từ Đức Giê-hô-va lời tiên tri về “bảy mươi tuần-lễ”. Qua lời tiên tri ấy, ông hiểu rằng Đấng Mê-si sẽ đến sau khi lệnh phục hồi và tái thiết Giê-ru-sa-lem được ban ra 69 “tuần-lễ. (Đa-ni-ên 9:24-27) Tuy nhiên, trước tình trạng tan hoang của thành Giê-ru-sa-lem và sự chậm trễ trong công việc xây dựng đền thờ, chúng ta thấy dễ hiểu tại sao Đa-ni-ên chán nản, nhụt chí và xuống tinh thần.

7. Đa-ni-ên làm gì trong ba tuần lễ?

7 Lời tường thuật kể: “Trong những ngày đó, ta, Đa-ni-ên, đương buồn-rầu trải ba tuần-lễ trọn. Ta chẳng ăn bánh ngon, thịt và rượu chẳng vào miệng ta, và ta không xức dầu chi hết cho đến chừng ba tuần đã mãn”. (Đa-ni-ên 10:2, 3) Buồn bã và kiêng ăn trong “ba tuần-lễ trọn”, tức 21 ngày, một khoảng thời gian dài khác thường. Dường như khoảng thời gian này chấm dứt vào “ngày thứ hai mươi bốn tháng giêng”. (Đa-ni-ên 10:4) Do đó, khoảng thời gian mà Đa-ni-ên kiêng ăn bao gồm cả Lễ Vượt Qua được cử hành vào ngày thứ 14 tháng giêng, tức tháng Ni-san, và tiếp đó là lễ bánh không men kéo dài bảy ngày.

8. Đa-ni-ên khẩn khoản kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va trong dịp nào trước đây, và kết quả là gì?

8 Đa-ni-ên có một kinh nghiệm tương tự vào một dịp trước đây. Lúc ấy ông đang bối rối về sự ứng nghiệm của lời tiên tri của Đức Giê-hô-va về thời kỳ 70 năm thành Giê-ru-sa-lem bị hoang vu. Rồi Đa-ni-ên làm gì? Ông nói: “Ta để mặt hướng về Chúa là Đức Chúa Trời, lấy sự khấn-nguyện, nài-xin, với sự kiêng-ăn, mặc bao gai, đội tro mà tìm”. Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của Đa-ni-ên bằng cách sai thiên sứ Gáp-ri-ên mang đến cho ông một thông điệp khiến ông được khích lệ rất nhiều. (Đa-ni-ên 9:3, 21, 22) Bây giờ Đức Giê-hô-va có hành động như thế không? Ngài có cung cấp cho Đa-ni-ên sự khích lệ mà ông đang rất cần không?

MỘT SỰ HIỆN THẤY HÃI HÙNG

9, 10. (a) Đa-ni-ên ở đâu khi nhận được sự hiện thấy? (b) Hãy tả những gì Đa-ni-ên thấy trong sự hiện thấy.

9 Đa-ni-ên không thất vọng. Ông kể tiếp cho chúng ta những điều xảy ra sau đó. Ông nói: “Ta ở kề bờ sông lớn Hi-đê-ke. Ta nhướng mắt nhìn-xem, nầy, một người mặc vải gai, chung-quanh lưng thắt đai bằng vàng ròng U-pha”. (Đa-ni-ên 10:4, 5) Hi-đê-ke là một trong bốn con sông bắt nguồn từ vườn Ê-đen. (Sáng-thế Ký 2:10-14) Trong tiếng Ba Tư Cổ, người ta gọi sông này là Tigra, từ đó mới có tên Hy Lạp là Tigris. Vùng giữa sông này và sông Ơ-phơ-rát được gọi là Mê-sô-bô-ta-mi, nghĩa là “Vùng đất giữa các sông”. Điều này xác định là khi nhận được sự hiện thấy này, Đa-ni-ên vẫn còn ở bên Ba-by-lôn, mặc dù có lẽ không ở trong thành Ba-by-lôn.

10 Sự hiện thấy mà Đa-ni-ên nhận được tuyệt diệu làm sao! Hiển nhiên, khi ngước mắt lên nhìn, người mà ông thấy không phải là người thường. Đa-ni-ên mô tả sống động như sau: “Mình người như bích-ngọc; mặt người như chớp, và mắt như đuốc cháy; tay và chân như đồng đánh bóng, và tiếng nói như tiếng đám đông”.—Đa-ni-ên 10:6.

11. Sự hiện thấy ảnh hưởng thế nào đến Đa-ni-ên và những người ở với ông?

11 Mặc dù sự hiện thấy thật rực rỡ, nhưng Đa-ni-ên nói: “Những kẻ ở cùng ta không thấy sự hiện-thấy đó”. Vì một lý do nào đó không được giải thích, “họ run-rẩy quá, chạy trốn để ẩn mình”. Do đó, Đa-ni-ên bị bỏ lại một mình trên bờ sông. Cảnh “sự hiện-thấy lớn đó” uy nghi đến nỗi ông thú nhận: “Ta... chẳng còn sức nữa. Mặt ta biến sắc cho đến tái đi, và ta không còn sức nữa”.—Đa-ni-ên 10:7, 8.

12, 13. Chúng ta biết được gì về sứ giả qua (a) quần áo? (b) diện mạo?

12 Chúng ta hãy xem xét tỉ mỉ hơn về sứ giả uy nghi này, người đã làm cho Đa-ni-ên kinh hãi. Sứ giả ấy “mặc vải gai, chung-quanh lưng thắt đai bằng vàng ròng U-pha”. Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, cái đai, ê-phót và bảng đeo ngực của thầy tế lễ thượng phẩm cũng như áo của các thầy tế lễ khác được làm bằng vải gai dệt thật mịn và được trang sức bằng vàng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:4-8; 39:27-29) Do đó, quần áo của sứ giả cho thấy ông có địa vị cao trọng và thánh khiết.

13 Đa-ni-ên cũng sợ hãi diện mạo của sứ giả—thân hình giống như ngọc chiếu ra ánh sáng long lanh, mặt sáng láng chói lòa, cặp mắt nảy lửa có năng lực nhìn thấu suốt, cánh tay và bàn chân lực lưỡng sáng ngời. Thậm chí giọng ra lệnh cũng gây khiếp đảm. Tất cả những điều này cho thấy rõ sứ giả này là siêu nhân. “Người mặc vải gai” này không ai khác hơn là một thiên sứ cao cấp phụng sự tại nơi thánh khiết của Đức Giê-hô-va mà từ nơi đây thông điệp được gởi đi. *

“NGƯỜI RẤT ĐƯỢC YÊU-QUÍ” ĐƯỢC THÊM SỨC

14. Đa-ni-ên cần sự giúp đỡ nào để đón nhận thông điệp thiên sứ truyền cho?

14 Thông điệp mà thiên sứ của Đức Giê-hô-va đem đến cho Đa-ni-ên rất quan trọng và phức tạp. Trước khi đủ sức để nhận thông điệp này, Đa-ni-ên cần được giúp để khôi phục khỏi tình trạng mệt mỏi về tinh thần lẫn thể chất. Hình như biết được tình trạng này, thiên sứ đã giúp đỡ và khích lệ Đa-ni-ên một cách yêu thương. Chúng ta hãy theo dõi những gì xảy ra do chính Đa-ni-ên thuật lại.

15. Thiên sứ đã làm gì để giúp Đa-ni-ên?

15 “Song ta còn nghe tiếng của những lời người, và vừa nghe xong, ta ngủ mê đi, nằm sấp mặt xuống đất”. Có lẽ sự kinh khiếp và lo sợ đã khiến Đa-ni-ên rơi vào một tình trạng bàng hoàng. Thiên sứ đã làm gì để giúp ông? Đa-ni-ên nói: “Bấy giờ có một bàn tay rờ đến ta, khiến ta dậy, chống đầu-gối và bàn tay trên đất”. Ngoài ra thiên sứ còn khích lệ nhà tiên tri bằng những lời sau: “Hỡi Đa-ni-ên, là người rất được yêu-quí, hãy hiểu những lời ta nói cùng ngươi, và hãy đứng thẳng lên, vì bây giờ ta đã được sai đến cùng ngươi”. Bàn tay giúp đỡ và những lời an ủi ấy đã làm cho Đa-ni-ên tỉnh lại. Mặc dù “run-rẩy” nhưng Đa-ni-ên đã “đứng lên”.—Đa-ni-ên 10:9-11.

16. (a) Chúng ta có thể thấy Đức Giê-hô-va nhanh chóng đáp lại lời cầu nguyện của các tôi tớ Ngài như thế nào? (b) Tại sao thiên sứ chậm trễ trong việc đến giúp Đa-ni-ên? (Gồm cả khung). (c) Thiên sứ đem cho Đa-ni-ên thông điệp gì?

16 Thiên sứ cho biết ông đến với chủ ý thêm sức cho Đa-ni-ên. Thiên sứ nói: “Hỡi Đa-ni-ên, đừng sợ; vì kể từ ngày đầu mà ngươi đã chuyên lòng hiểu, hạ mình ngươi xuống trước mặt Đức Chúa Trời ngươi, thì những lời ngươi đã được nghe, và vì cớ những lời ngươi mà ta đã đến”. Rồi thiên sứ giải thích tại sao có sự chậm trễ. Thiên sứ nói: “Song vua nước Phe-rơ-sơ đã ngăn-trở ta trong hai mươi mốt ngày; nhưng, nầy, Mi-ca-ên là một trong các quan-trưởng đầu nhứt, đã đến mà giúp-đỡ ta, và ta ở lại đó với các vua Phe-rơ-sơ”. Với sự giúp đỡ của Mi-ca-ên, thiên sứ ấy có thể hoàn tất sứ mạng của mình là đem đến cho Đa-ni-ên một thông điệp thượng khẩn: “Ta đến để bảo ngươi hiểu sự sẽ xảy đến cho dân ngươi trong những ngày sau-rốt; vì sự hiện-thấy nầy chỉ về nhiều ngày lâu về sau”.—Đa-ni-ên 10:12-14.

17, 18. Đa-ni-ên được giúp đỡ lần thứ hai như thế nào, và với sự giúp đỡ này, ông làm được điều gì?

17 Đáng lẽ Đa-ni-ên phải phấn khởi do triển vọng được nhận một thông điệp hấp dẫn lạ thường như thế, nhưng dường như những gì ông nghe lại có tác dụng ngược lại. Lời tường thuật kể: “Trong khi người nói cùng ta những lời đó, ta cúi mặt xuống đất, và làm thinh”. Nhưng thiên sứ sẵn sàng giúp đỡ một cách yêu thương—lần thứ hai. Đa-ni-ên nói: “Nầy, có đấng bộ-dạng như các con trai loài người rờ đến môi ta. Ta bèn mở miệng”. *Đa-ni-ên 10:15-16a.

18 Đa-ni-ên được mạnh sức khi thiên sứ rờ tới môi ông. (So sánh Ê-sai 6:7). Mở miệng nói được, Đa-ni-ên có thể giải thích cho thiên sứ là sứ giả về tình trạng khổ sở mà ông đang phải chịu. Đa-ni-ên nói: “Hỡi chúa tôi, sự buồn-rầu trở lại trên tôi vì cớ sự hiện-thấy nầy, tôi không còn sức nữa. Thể nào đầy-tớ chúa tôi nói được cùng chúa tôi? Vì về phần tôi, tức thì không còn một chút sức-lực nào trong tôi, và cũng không còn hơi-thở trong tôi nữa!”—Đa-ni-ên 10:16b, 17.

19. Đa-ni-ên được giúp đỡ lần thứ ba như thế nào, và với kết quả gì?

19 Đa-ni-ên không cất tiếng than van hay bào chữa. Ông chỉ kể lại tình trạng khó khăn của mình và thiên sứ chấp nhận lời ông nói. Do đó, đây là lần thứ ba Đa-ni-ên được thiên sứ là sứ giả giúp đỡ. Nhà tiên tri nói: “Đấng có bộ-dạng người nam lại rờ đến ta và khiến ta nên mạnh”. Sau cái đụng có tác dụng truyền sinh lực, thiên sứ nói những lời an ủi này: “Hỡi người rất được yêu-quí, đừng sợ-hãi; nguyền cho sự bình-an ở với ngươi! Hãy mạnh-bạo! Phải, hãy mạnh-bạo đi!” Hình như cái đụng đầy yêu thương và những lời khích lệ ấy chính là những gì mà Đa-ni-ên đang cần. Kết quả là gì? Đa-ni-ên tuyên bố: “Khi người đương nói cùng ta, ta lại được sức, mà nói rằng: Hỡi chúa, xin hãy nói, vì chúa đã khiến tôi nên mạnh”. Bây giờ Đa-ni-ên sẵn sàng để lãnh một công tác đầy thử thách khác.—Đa-ni-ên 10:18, 19.

20. Tại sao thiên sứ phải gắng sức để thực hiện công việc được giao phó?

20 Sau khi thêm sức cho Đa-ni-ên và giúp ông hồi phục năng lực tinh thần và thể chất, thiên sứ lặp lại mục đích sứ mạng của mình. Thiên sứ nói: “Ngươi có biết tại sao ta đến cùng ngươi chăng? Bây giờ ta trở về để đánh trận cùng vua của Phe-rơ-sơ, và khi ta đi, kìa, vua của Gờ-réc sẽ đến. Nhưng ta sẽ truyền-bảo cho ngươi biết mọi điều đã ghi-chép trong sách chân-thật. Không có ai giúp ta để chống với chúng nó, ngoài Mi-ca-ên, là vua các ngươi”.—Đa-ni-ên 10:20, 21.

21, 22. (a) Qua kinh nghiệm của Đa-ni-ên, chúng ta có thể học được gì về cách Đức Giê-hô-va đối xử với các tôi tớ của Ngài? (b) Bây giờ Đa-ni-ên được mạnh sức để làm gì?

21 Đức Giê-hô-va quả yêu thương và ân cần! Ngài luôn luôn đối xử với các tôi tớ Ngài tùy theo khả năng và giới hạn của họ. Một mặt, Ngài giao cho họ công việc mà Ngài biết họ có thể hoàn thành được, dù đôi khi họ cảm thấy không đủ khả năng. Mặt khác, Ngài sẵn sàng lắng nghe họ và rồi cung cấp những gì họ cần để giúp họ thực thi công việc được giao phó. Mong sao chúng ta luôn luôn bắt chước Đức Giê-hô-va, Cha trên trời của chúng ta, bằng cách yêu thương khích lệ và làm vững mạnh anh em cùng đạo.—Hê-bơ-rơ 10:24.

22 Thông điệp đầy an ủi của thiên sứ là một sự khích lệ lớn cho Đa-ni-ên. Dù cao niên, bây giờ ông được mạnh sức và được chuẩn bị để nhận và ghi lại lời tiên tri quan trọng khác nữa vì lợi ích của chúng ta.

[Chú thích]

^ đ. 13 Mặc dù tên của thiên sứ này không được nói đến, nhưng dường như ông cũng là thiên sứ cất tiếng bảo Gáp-ri-ên đến giúp Đa-ni-ên trong sự hiện thấy mà Đa-ni-ên vừa thấy trước đó. (So sánh Đa-ni-ên 8:2, 15, 16 với 12:7, 8). Hơn nữa, Đa-ni-ên 10:13 cho thấy Mi-ca-ên, “một trong các quan-trưởng đầu nhứt”, đến trợ giúp thiên sứ này. Do đó, thiên sứ mà tên không được tiết lộ này hẳn sung sướng về đặc ân được làm việc thân cận với Gáp-ri-ên và Mi-ca-ên.

^ đ. 17 Mặc dù chính thiên sứ nói với Đa-ni-ên có thể là thiên sứ đã rờ tới môi của ông và làm ông tỉnh lại, nhưng cách diễn tả ở đây cho thấy rất có thể là một thiên sứ khác, có lẽ Gáp-ri-ên, đã làm hành động này. Dù thế nào chăng nữa, Đa-ni-ên được mạnh sức nhờ thiên sứ là sứ giả đó.

BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?

• Tại sao thiên sứ của Đức Giê-hô-va chậm trễ trong việc đến trợ giúp Đa-ni-ên vào năm 536/535 TCN?

• Quần áo và diện mạo của thiên sứ của Đức Chúa Trời cho biết gì về thiên sứ này?

• Đa-ni-ên cần sự giúp đỡ nào, và thiên sứ đã giúp đỡ ba lần như thế nào?

• Thiên sứ mang cho Đa-ni-ên thông điệp nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 204, 205]

Thiên sứ hộ vệ hay quỉ sứ cầm quyền?

QUA sách Đa-ni-ên, chúng ta học được rất nhiều về thiên sứ. Sách này cho chúng ta biết vai trò của các thiên sứ trong việc thực thi lệnh của Đức Giê-hô-va và họ phải cố gắng như thế nào để chu toàn công việc được giao phó.

Thiên sứ của Đức Chúa Trời nói là trên đường đi đến nói chuyện với Đa-ni-ên, thiên sứ bị “vua nước Phe-rơ-sơ” ngăn trở. Sau khi tranh chiến với vua này 21 ngày, thiên sứ tiếp tục công tác nhưng chỉ có thể làm được với sự giúp đỡ của “Mi-ca-ên là một trong các quan-trưởng đầu nhứt”. Thiên sứ cũng nói rằng thiên sứ lại phải tranh chiến với kẻ thù đó một lần nữa và có thể với “vua của Gờ-réc”. (Đa-ni-ên 10:13, 20) Công tác không phải là dễ, ngay đối với một thiên sứ! Vậy thì ai là những vua Phe-rơ-sơ và Gờ-réc này?

Trước nhất, chúng ta ghi nhận rằng Mi-ca-ên được gọi là “một trong các quan-trưởng đầu nhứt” và là “vua các ngươi”. Sau này Mi-ca-ên được nói đến là “đấng đứng thay mặt con-cái dân [Đa-ni-ên]”. (Đa-ni-ên 10:21; 12:1) Điều này cho thấy Mi-ca-ên chính là thiên sứ được Đức Chúa Trời chỉ định dẫn dân Y-sơ-ra-ên qua đồng vắng.—Xuất Ê-díp-tô Ký 23:20-23; 32:34; 33:2.

Kết luận này được hỗ trợ thêm qua lời của môn đồ Giu-đe là “thiên-sứ-trưởng Mi-chen [Mi-ca-ên] chống với ma-quỉ giành xác Môi-se”. (Giu-đe 9) Với địa vị, quyền năng và thẩm quyền của Mi-ca-ên, thiên sứ này thật sự là “thiên-sứ-trưởng”. Địa vị cao cả này được áp dụng một cách thích hợp cho không ai khác hơn là Chúa Giê-su Christ, Con Đức Chúa Trời, trước và sau khi sống làm người trên đất.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:16; Khải-huyền 12:7-9.

Phải chăng điều này có nghĩa là Đức Giê-hô-va cũng bổ nhiệm các thiên sứ trông coi các nước như Phe-rơ-sơ và Gờ-réc? Chúa Giê-su Christ, Con Đức Chúa Trời, đã công khai tuyên bố: “Vua-chúa thế-gian nầy... chẳng có chi hết nơi ta”. Chúa Giê-su cũng nói: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy... nước ta chẳng thuộc về hạ-giới”. (Giăng 14:30; 18:36) Sứ đồ Giăng tuyên bố rằng “cả thế-gian đều phục dưới quyền ma-quỉ”. (1 Giăng 5:19) Rõ ràng các quốc gia trên thế giới, trong quá khứ cũng như hiện tại, không hề nằm dưới sự hướng dẫn hay cai trị của Đức Chúa Trời hay của Đấng Christ. Trong khi cho phép “các đấng cầm quyền” hiện hữu và điều hòa công việc cai trị trên đất, Đức Giê-hô-va không hề bổ nhiệm thiên sứ của Ngài trông coi họ. (Rô-ma 13:1-7) Bất cứ “vua” nào trông coi họ phải là do Sa-tan Ma-quỉ, “vua-chúa thế-gian này”, đặt lên mà thôi. Chúng phải là những quỉ sứ cầm quyền chứ không phải là thiên sứ hộ vệ. Vậy có những lực lượng quỉ sứ, hay “vua”, đứng đằng sau các nhà cai trị hữu hình, và các cuộc xung đột giữa các quốc gia không phải chỉ liên hệ đến con người mà thôi đâu.

[Trang hình ảnh nơi trang 199]

[Trang hình ảnh nơi trang 207]