Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức tin họ qua được thử thách cam go

Đức tin họ qua được thử thách cam go

Chương Năm

Đức tin họ qua được thử thách cam go

1. Nhiều người cảm thấy thế nào về lòng trung thành của họ đối với Đức Chúa Trời và với quốc gia?

LÒNG trung thành của bạn nên dành cho Đức Chúa Trời hay là cho quốc gia nơi bạn sống? Nhiều người sẽ trả lời: ‘Tôi tôn trọng cả hai. Tôi thờ Đức Chúa Trời theo những gì đạo tôi bảo; đồng thời tôi cũng trung thành với tổ quốc của tôi nữa’.

2. Vua Ba-by-lôn có vai trò vừa về tôn giáo vừa về chính trị như thế nào?

2 Ngày nay giữa lòng mộ đạo và lòng ái quốc có lằn phân biệt lờ mờ, nhưng vào thời Ba-by-lôn cổ, thì không có lằn phân biệt nào. Chính quyền và tôn giáo bện vào với nhau đến độ cuối cùng không còn phân biệt được. Giáo sư Charles F. Pfeiffer viết: “Trong Ba-by-lôn cổ, vua vừa là Thầy Tế Lễ Cả vừa là nhà cai trị nước. Ông dâng của-lễ và ấn định sinh hoạt tôn giáo cho công dân”.

3. Điều gì cho thấy Nê-bu-cát-nết-sa là một người rất sùng đạo?

3 Chúng ta hãy xem trường hợp Vua Nê-bu-cát-nết-sa. Tên ông có nghĩa là “Hỡi Nê-bô, hãy bảo vệ người kế vị!” Nê-bô là thần khôn ngoan và thần nông nghiệp của Ba-by-lôn. Nê-bu-cát-nết-sa là một người rất sùng đạo. Như đã nói trước đây, ông ta xây cất và trang hoàng nhiều đền thờ cho vô số các thần Ba-by-lôn và ông đặc biệt tôn sùng Marduk, là thần mà ông quy cho mọi chiến thắng quân sự của ông. * Dường như Nê-bu-cát-nết-sa dựa rất nhiều vào bói khoa để lập kế hoạch quân sự.—Ê-xê-chi-ên 21:18-23.

4. Hãy mô tả bầu không khí về tôn giáo ở Ba-by-lôn.

4 Thật vậy, bầu không khí tôn giáo bao trùm khắp Ba-by-lôn. Thành này hãnh diện có hơn 50 ngôi đền, nơi họ thờ phượng vô số thần và nữ thần, gồm cả tam thần Anu (thần bầu trời), Enlil (thần đất, không khí và gió bão), và Ea (thần cai trị nước). Một thần bộ ba khác gồm Sin (thần mặt trăng), Shamash (thần mặt trời), và Ishtar (nữ thần sinh sản). Ma thuật, thuật phù thủy và chiêm tinh đóng vai trò quan trọng trong sự thờ phượng của Ba-by-lôn.

5. Khung cảnh về tôn giáo ở Ba-by-lôn đã gây ra thử thách nào cho những người Do Thái lưu đày?

5 Sống giữa những người tôn thờ nhiều thần như thế tạo ra một thử thách ghê gớm cho những người Do Thái lưu đày. Nhiều thế kỷ trước đó, Môi-se đã cảnh cáo người Y-sơ-ra-ên rằng họ sẽ lãnh hậu quả tàn hại nếu họ phản nghịch Đấng Lập Luật Tối Cao. Môi-se nói với họ: “Đức Giê-hô-va sẽ dẫn ngươi và vua mà ngươi đã lập trên mình, đến một nước mà ngươi và tổ-phụ ngươi chưa hề biết. Ở đó, ngươi sẽ hầu việc các thần khác bằng cây, bằng đá”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:15, 36.

6. Tại sao đời sống ở Ba-by-lôn đem lại một sự thử thách đặc biệt cho Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria?

6 Người Do Thái giờ đây thấy mình ở ngay trong chính tình trạng này. Thật là khó để giữ trung kiên với Đức Giê-hô-va, đặc biệt trong trường hợp của Đa-ni-ên, Ha-na-nia, Mi-sa-ên, và A-xa-ria. Bốn người trai trẻ Hê-bơ-rơ này được tuyển lựa tham dự khóa huấn luyện để phục vụ trong triều đình. (Đa-ni-ên 1:3-5) Hãy nhớ là họ đã được đổi thành tên Ba-by-lôn—Bên-tơ-xát-sa, Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô—có lẽ khiến họ dễ hòa nhập với hoàn cảnh mới. * Vì có địa vị cao nên bất cứ hành vi nào của họ trong việc từ chối tham dự vào việc thờ phượng các thần của xứ lưu đày cũng dễ bị để ý—thậm chí mang vẻ phản quốc nữa.

PHO TƯỢNG VÀNG GÂY RA ĐE DỌA

7. (a) Hãy tả pho tượng do Nê-bu-cát-nết-sa dựng lên. (b) Pho tượng dựng lên với mục đích gì?

7 Việc Nê-bu-cát-nết-sa cho dựng lên pho tượng vàng trong đồng bằng Đu-ra rõ ràng là một nỗ lực nhằm thắt chặt sự hợp nhất của đế quốc. Pho tượng cao 60 cu-đê (27 mét) và ngang 6 cu-đê (2,7 mét). * Một số người tin rằng pho tượng chỉ là một cây cột thẳng, hoặc cây cột hình tháp. Có thể có một cái bệ rất cao và người ta để pho tượng khổng lồ giống như người lên trên, có lẽ tượng trưng cho chính Nê-bu-cát-nết-sa hoặc cho thần Nê-bô. Dù là trường hợp nào thì công trình xây dựng này là một biểu tượng của Đế Quốc Ba-by-lôn. Vì vậy, mọi người phải thừa nhận và tôn sùng nó.—Đa-ni-ên 3:1.

8. (a) Những ai được triệu đến dự lễ khánh thành pho tượng, và tất cả những người hiện diện phải làm gì? (b) Những ai từ chối cúi lạy pho tượng sẽ chịu hình phạt gì?

8 Sau đó Nê-bu-cát-nết-sa chuẩn bị một lễ khánh thành. Ông nhóm lại các tỉnh trưởng, quận trưởng, thống đốc, cố vấn, thủ quỹ, thẩm phán các loại tòa và các viên chức hành chánh cai trị các tỉnh. Một xướng ngôn viên kêu lớn tiếng: “Các dân, các nước, các thứ tiếng, đây nầy, lệnh truyền cho các ngươi. Khi nào các ngươi nghe tiếng còi, kèn, đàn cầm, đàn sắt, quyển, sáo và các thứ nhạc-khí, thì khá sấp mình xuống để thờ-lạy tượng vàng mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã dựng. Kẻ nào không sấp mình xuống và không thờ-lạy, tức thì sẽ phải quăng vào giữa lò lửa hực”.—Đa-ni-ên 3:2-6.

9. Việc quỳ lạy pho tượng mà Nê-bu-cát-nết-sa dựng lên xem ra mang ý nghĩa gì?

9 Một số người tin rằng Nê-bu-cát-nết-sa sắp đặt lễ này là nhằm ép người Do Thái nhượng bộ sự thờ phượng Đức Giê-hô-va của họ. Điều này dường như không đúng vì bằng chứng là chỉ có các viên chức chính quyền được triệu tập tham dự lễ mà thôi. Do đó, bất cứ người Do Thái nào hiện diện phải là người phục vụ trong chính quyền với cấp bậc nào đó. Vậy việc quỳ lạy pho tượng hình như là một nghi lễ nhằm mục đích thắt chặt tình đoàn kết của giai cấp cai trị. Học giả John F. Walvoord ghi nhận: “Sự tập họp các viên chức như thế một mặt là một sự biểu dương quyền lực của đế quốc Ba-by-lôn, và mặt khác nói lên việc thừa nhận các thần, mà theo họ nghĩ, đã ban cho họ chiến thắng”.

TÔI TỚ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA TỪ CHỐI THỎA HIỆP

10. Tại sao những ai không phải là người Do Thái không thấy khó tuân lệnh của Nê-bu-cát-nết-sa?

10 Bất kể thờ các thần khác nhau, phần lớn những người tụ họp lại trước pho tượng của Nê-bu-cát-nết-sa không thấy áy náy gì về việc thờ lạy pho tượng. Một học giả Kinh Thánh giải thích: “Tất cả bọn họ đều quen thờ hình tượng và việc thờ một thần không ngăn trở họ tôn kính thần khác”. Ông viết thêm: “Điều đó phù hợp với quan điểm thông thường của những người thờ lạy hình tượng là có nhiều thần... và không có gì sai khi tôn kính thần của bất cứ dân nào hay nước nào”.

11. Tại sao Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô từ chối cúi mình trước pho tượng?

11 Tuy nhiên, đối với người Do Thái, thì lại khác. Họ được Đức Chúa Trời của họ là Đức Giê-hô-va truyền lệnh: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quì lạy trước các hình-tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ-tà”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5) Do đó, khi nhạc trổi lên và mọi người đều cúi mình lạy pho tượng thì ba người trẻ Hê-bơ-rơ—Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô—vẫn đứng yên.—Đa-ni-ên 3:7.

12. Một số người Canh-đê cáo buộc ba người Hê-bơ-rơ tội gì và tại sao họ làm như vậy?

12 Việc ba viên chức người Hê-bơ-rơ từ chối thờ pho tượng làm cho một số người Canh-đê giận dữ. Ngay lập tức họ đến gặp vua và “tố-cáo những người Giu-đa”. * Họ không màng nghe giải thích. Vì muốn những người Hê-bơ-rơ bị trừng phạt về hành vi không trung thành và phản nghịch này, những kẻ buộc tội nói: “Ở đây có mấy người Giu-đa kia mà vua đã lập lên cai-trị tỉnh Ba-by-lôn, tức là Sa-đơ-rắc, Mê-sác, A-bết-Nê-gô; hỡi vua, những người ấy không kiêng-nể vua một chút nào. Họ chẳng thờ các thần của vua, và chẳng lạy tượng vàng vua đã dựng”.—Đa-ni-ên 3:8-12.

13, 14. Nê-bu-cát-nết-sa đã phản ứng thế nào trước quyết định của Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô?

13 Nê-bu-cát-nết-sa bực tức biết bao về việc ba người Hê-bơ-rơ bất tuân lệnh ông! Rõ ràng ông đã không thành công trong việc biến đổi Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô thành những người ủng hộ Đế Quốc Ba-by-lôn. Chẳng phải ông đã giáo dục họ theo sự khôn ngoan của người Canh-đê hay sao? Ông đã cải cả tên của họ rồi mà! Nhưng nếu Nê-bu-cát-nết-sa nghĩ rằng một nền giáo dục cao đẳng dạy họ cách thờ phượng mới hoặc sự đổi tên sẽ làm thay đổi con người của họ thì ông đã lầm lớn. Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô vẫn giữ trung thành với Đức Giê-hô-va.

14 Vua Nê-bu-cát-nết-sa nổi giận. Ngay lập tức, ông truyền điệu Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô đến. Ông hỏi: “Hỡi Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô, có phải các ngươi cố-ý không thờ thần ta và không lạy tượng vàng mà ta đã dựng lên chăng?” Hiển nhiên, Nê-bu-cát-nết-sa nói những lời này trong trạng thái ngờ vực làm sao lại như vậy được. Xét cho cùng, hẳn ông phải lý luận: ‘Làm sao mà ba người trai trẻ với đầu óc sáng suốt này lại xem thường một mệnh lệnh rõ ràng như thế—một mệnh lệnh mà người bất tuân sẽ bị trừng phạt nặng nề?’—Đa-ni-ên 3:13, 14.

15, 16. Nê-bu-cát-nết-sa cho ba người Hê-bơ-rơ thêm cơ hội nào?

15 Nê-bu-cát-nết-sa muốn cho ba người Hê-bơ-rơ một cơ hội nữa. Ông nói: “Vậy bây giờ, khi các ngươi nghe tiếng còi, kèn, đàn cầm, đàn sắt, quyển, sáo và các thứ nhạc-khí, mà các ngươi sẵn-sàng sấp mình xuống đất để quì-lạy pho tượng mà ta đã làm nên, thì được; nhưng nếu các ngươi không quì-lạy, thì chính giờ đó các ngươi sẽ phải quăng vào giữa lò lửa hực. Rồi thần nào có thể giải-cứu các ngươi khỏi tay ta?”.—Đa-ni-ên 3:15.

16 Hình như bài học về pho tượng trong giấc chiêm bao (được ghi lại trong chương 2 sách Đa-ni-ên) không còn âm hưởng nào trong lòng và trí của Nê-bu-cát-nết-sa. Có lẽ ông đã quên mất lời của chính ông nói với Đa-ni-ên: “Đức Chúa Trời các ngươi là Đức Chúa Trời của các thần, và là Chúa của các vua”. (Đa-ni-ên 2:47) Bây giờ Nê-bu-cát-nết-sa có vẻ như dám thách thức với Đức Giê-hô-va, nói rằng ngay cả Ngài cũng không có thể cứu những người Hê-bơ-rơ khỏi hình phạt đang chờ họ.

17. Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô phản ứng thế nào trước cơ hội vua cho?

17 Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô không cần nghĩ ngợi thêm. Họ trả lời ngay: “Hỡi Nê-bu-cát-nết-sa, về sự nầy, không cần chi chúng tôi tâu lại cho vua. Nầy, hỡi vua! Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu-việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực, và chắc cứu chúng tôi khỏi tay vua. Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu-việc các thần của vua, và không thờ-phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng”.—Đa-ni-ên 3:16-18.

BỊ QUĂNG VÀO LÒ LỬA HỰC!

18, 19. Điều gì xảy ra khi ba người Hê-bơ-rơ bị quăng vào lò lửa hực?

18 Giận dữ, Nê-bu-cát-nết-sa ra lệnh cho thuộc hạ hun lò nóng gấp bảy lần hơn lúc bình thường. Rồi ông hạ lệnh cho “mấy người mạnh bạo kia” trói Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô và quăng vào “giữa lò lửa hực”. Họ làm theo lệnh vua, quăng ba người Hê-bơ-rơ bị trói còn mặc nguyên quần áo vào lò lửa—có lẽ để cho cháy thiêu đi lẹ hơn. Tuy nhiên, chính những người hầu cận thi hành lệnh của Nê-bu-cát-nết-sa mới là những người bị ngọn lửa thiêu.—Đa-ni-ên 3:19-22.

19 Nhưng một điều lạ lùng đang xảy ra. Mặc dù Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô ở giữa lò lửa hực, ngọn lửa không làm hại họ. Hãy tưởng tượng sự kinh ngạc của Nê-bu-cát-nết-sa! Ba người bị trói hẳn hoi và bị quăng vào lò lửa cháy bừng bừng, nhưng họ vẫn sống. Làm sao họ có thể bước đi tự do như thế kia! Nhưng Nê-bu-cát-nết-sa để ý thấy một điều gì đó. Vua hỏi các viên chức cao cấp trong triều đình: “Những kẻ bị ta trói mà quăng vào giữa lửa có phải là ba người không?” Họ trả lời: “Tâu vua, phải”. Nê-bu-cát-nết-sa la lên: “Nầy, ta thấy bốn người không có bị trói, bước đi giữa lửa mà chẳng bị thương; và hình-dung của người thứ tư giống như một con trai của các thần”.—Đa-ni-ên 3:23-25.

20, 21. (a) Nê-bu-cát-nết-sa để ý thấy gì về Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô khi họ ra khỏi lò lửa? (b) Nê-bu-cát-nết-sa buộc phải công nhận điều gì?

20 Nê-bu-cát-nết-sa tiến lại gần cửa lò và cất tiếng kêu: “Hỡi Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô, là tôi-tớ của Đức Chúa Trời Rất Cao, hãy ra và lại đây!” Ba người Hê-bơ-rơ từ giữa lò lửa hực bước ra. Hiển nhiên tất cả những người được chứng kiến tận mắt phép lạ này—gồm các tỉnh trưởng, quận trưởng, thống đốc, và các viên chức cao cấp—đều kinh ngạc. Vì như thể ba người trai trẻ này không hề ở trong lò lửa hực! Ngay hơi lửa cũng không ám vào họ, và không một sợi tóc trên đầu họ bị sém.—Đa-ni-ên 3:26, 27.

21 Bây giờ Vua Nê-bu-cát-nết-sa buộc phải công nhận Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời Tối Cao. Ông tuyên bố: “Đáng ngợi-khen Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô! Ngài đã sai thiên-sứ Ngài và giải-cứu các tôi-tớ Ngài nhờ-cậy Ngài, họ đã trái mạng vua, và liều-bỏ thân-thể mình, hầu để không hầu-việc và không thờ-phượng thần nào khác ngoài Đức Chúa Trời mình”. Rồi vua cảnh cáo nghiêm ngặt: “Ta ban chiếu-chỉ nầy: Bất-kỳ dân nào, nước nào, thứ tiếng nào, hễ có người nói xấu đến Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô, thì sẽ bị phân thây, nhà nó sẽ phải thành ra đống phân, vì không có thần nào khác có thể giải-cứu được thể nầy”. Sau đó, ba người Hê-bơ-rơ được khôi phục thanh thế với vua và được ‘thăng chức trong tỉnh Ba-by-lôn’.—Đa-ni-ên 3:28-30.

ĐỨC TIN VÀ THỬ THÁCH CAM GO NGÀY NAY

22. Tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày nay phải đối diện với những hoàn cảnh tương tự như Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô như thế nào?

22 Ngày nay, những người thờ phượng Đức Giê-hô-va cũng phải đối diện với những hoàn cảnh tương tự như Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô. Đành rằng dân của Đức Chúa Trời không bị lưu đày theo nghĩa đen, nhưng Chúa Giê-su đã nói với các môn đồ ngài rằng họ “không thuộc về thế-gian”. (Giăng 17:14) Họ là “người ngoại kiều” theo nghĩa là họ không làm theo những phong tục, thái độ, và thực hành trái với Kinh Thánh của những người sống quanh họ. Như sứ đồ Phao-lô đã viết, các tín đồ Đấng Christ phải “đừng làm theo đời nầy”.—Rô-ma 12:2.

23. Ba người Hê-bơ-rơ đã đứng vững như thế nào, và tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể noi gương của họ như thế nào?

23 Ba người Hê-bơ-rơ từ chối rập khuôn theo hệ thống của Ba-by-lôn. Ngay cả việc dạy kỹ càng về sự khôn ngoan của người Canh-đê cũng không chuyển lay được họ. Lập trường của họ trong vấn đề thờ phượng không thể thương lượng, và lòng trung kiên của họ chỉ dành cho Đức Giê-hô-va. Tín đồ Đấng Christ ngày nay cũng cần phải đứng vững. Họ không xấu hổ vì khác biệt với người trong thế gian. Thật vậy, “thế-gian với sự tham-dục nó đều qua đi”. (1 Giăng 2:17) Vậy thật là điên rồ và luống công để rập theo hệ thống mọi sự đang tàn này.

24. Lập trường của tín đồ thật của Đấng Christ có thể so sánh với lập trường của ba người Hê-bơ-rơ như thế nào?

24 Tín đồ Đấng Christ cần phải canh chừng sự thờ lạy hình tượng dưới mọi hình thức, kể cả những hình thức tinh tế. * (1 Giăng 5:21) Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô đã tỏ ra vâng phục và kính cẩn đứng trước pho tượng vàng, nhưng họ ý thức là việc cúi mình lạy tượng ấy không chỉ là một cử chỉ kính trọng. Ấy là một hành động thờ phượng, và việc cúi lạy sẽ khiến Đức Giê-hô-va thịnh nộ. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:8-10) Ông John F. Walvoord viết: “Thật ra đó là chào lá cờ, nhưng cũng có thể bao hàm ý nghĩa về tôn giáo nữa vì có sự tương quan giữa lòng trung thành với quốc gia và lòng trung thành với tôn giáo”. Ngày nay, tín đồ thật của Đấng Christ cũng giữ lập trường vững chắc chống lại sự thờ hình tượng y như vậy.

25. Bạn học được bài học nào qua câu chuyện có thật về Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô?

25 Sự tường thuật của Kinh Thánh về Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô cung cấp một gương tuyệt hảo cho tất cả những ai cương quyết dành cho Đức Giê-hô-va sự thờ phượng chuyên độc. Sứ đồ Phao-lô chắc hẳn đã nghĩ đến ba người Hê-bơ-rơ này khi ông nói đến nhiều người đã thực hành đức tin, gồm cả những người “tắt ngọn lửa hừng”. (Hê-bơ-rơ 11:33, 34) Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng cho những người bắt chước đức tin như thế. Ba người Hê-bơ-rơ được cứu khỏi lò lửa hực, nhưng chúng ta có thể chắc chắn là Ngài sẽ làm sống lại tất cả những tôi tớ trung thành đã mất mạng sống vì trung kiên với Ngài, và Ngài sẽ ban cho họ sự sống đời đời. Dù bằng cách nào thì Đức Giê-hô-va cũng “bảo-hộ linh-hồn của các thánh Ngài, và giải-cứu họ khỏi tay kẻ dữ”.—Thi-thiên 97:10.

[Chú thích]

^ đ. 3 Một số người tin rằng Marduk, thần được coi là đã sáng lập Đế Quốc Ba-by-lôn, tượng trưng cho Nim-rốt được thần thánh hóa. Tuy nhiên, điều này không thể nói chắc.

^ đ. 6 “Bên-tơ-xát-sa” có nghĩa là “Bảo vệ mạng sống của Vua”. “Sa-đơ-rắc” có thể có nghĩa là “Mệnh lệnh của Aku”, thần mặt trăng của dân Sumer. “Mê-sác” hàm ý một thần nào đó của dân này, và “A-bết-Nê-gô” nghĩa là “Tôi tớ của Nê-gô” hoặc Nê-bô.

^ đ. 7 Vì kích thước quá lớn của pho tượng nên một số học giả Kinh Thánh cho là pho tượng làm bằng gỗ rồi được bọc vàng.

^ đ. 12 Chữ A-ram dịch là “tố-cáo” có nghĩa là “xẻ từng miếng” thịt của một người hoặc nhai nghiến một người bằng sự nói hành.

^ đ. 24 Chẳng hạn, Kinh Thánh liên kết sự mê ăn và tham lam với sự thờ hình tượng.—Phi-líp 3:18, 19; Cô-lô-se 3:5.

BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?

• Tại sao Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô từ chối cúi lạy pho tượng do Nê-bu-cát-nết-sa dựng lên?

• Nê-bu-cát-nết-sa đã phản ứng thế nào trước lập trường của ba người Hê-bơ-rơ?

• Đức Giê-hô-va đã thưởng cho ba người Hê-bơ-rơ vì đức tin của họ như thế nào?

• Bạn học được gì khi chú ý đến câu chuyện có thật của Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết-Nê-gô?

[Câu hỏi thảo luận]

[Trang hình ảnh nơi trang 68]

[Hình nơi trang 70]

1. Đền thờ giống cây tháp (ziggurat) ở Ba-by-lôn

2. Đền thờ thần Marduk

3. Tấm lắc bằng đồng khắc hình thần Marduk (bên trái) và thần Nê-bô (bên phải) đứng trên những con rồng

4. Tượng Nê-bu-cát-nết-sa chạm trên đá; ông nổi tiếng về các công trình xây cất

[Trang hình ảnh nơi trang 76]

[Trang hình ảnh nơi trang 78]