Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hai vua kình địch nhau

Hai vua kình địch nhau

Chương Mười Ba

Hai vua kình địch nhau

1, 2. Tại sao chúng ta nên chú ý đến lời tiên tri được ghi trong sách Đa-ni-ên chương 11?

HAI vua thù nghịch bị vướng chân trong một cuộc tranh chấp khốc liệt nhằm giành quyền bá chủ. Theo dòng thời gian, mỗi bên thay nhau nắm được ưu thế. Có thời, một vua làm bá chủ còn vua kia thì nằm bất động, và cũng có thời không có tranh chấp nào cả. Nhưng rồi một cuộc tranh chiến khác bỗng bùng nổ, và cuộc xung đột lại tiếp tục. Trong số những diễn viên trong vở kịch này có Seleucus I Nicator, vua Sy-ri; Ptolemy Lagus, vua Ê-díp-tô; Cleopatra I, công chúa nước Sy-ri và cũng là hoàng hậu xứ Ê-díp-tô; Au-gút-tơ và Ti-be-rơ, là các hoàng đế La Mã, và Zenobia, nữ hoàng xứ Palmyra. Khi cuộc tranh chấp gần đến hồi kết thúc thì có thêm Đức Quốc Xã, các quốc gia thuộc khối Cộng Sản, Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ, Hội Quốc Liên, và Liên Hiệp Quốc. Phần cuối của vở kịch là một hồi mà không một thực thể chính trị nào nói trên thấy trước được. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va công bố lời tiên tri đầy phấn khởi này cho nhà tiên tri Đa-ni-ên cách đây khoảng 2.500 năm.—Đa-ni-ên, chương 11.

2 Đa-ni-ên chắc hẳn đã hân hoan biết bao khi được nghe thiên sứ tiết lộ đầy đủ chi tiết về sự thù nghịch giữa hai vua sắp xuất hiện! Chúng ta cũng nên chú ý đến vở kịch này vì sự tranh chấp quyền lực giữa hai vua kéo dài tới tận thời kỳ của chúng ta. Lịch sử đã chứng tỏ phần đầu của lời tiên tri là đúng; và khi thấy được điều này, chúng ta sẽ được vững mạnh hơn và tin là phần cuối của sự tường thuật có tính cách tiên tri chắc chắn sẽ được ứng nghiệm. Việc chú ý đến lời tiên tri này sẽ giúp chúng ta thấy rõ chúng ta đang ở thời điểm nào trong dòng thời gian; đồng thời giúp chúng ta càng cương quyết giữ trung lập trong cuộc xung đột, trong khi kiên nhẫn chờ đợi Đức Chúa Trời hành động giải cứu chúng ta. (Thi-thiên 146:3, 5) Vậy với sự chú ý tận tình, chúng ta hãy lắng nghe thiên sứ của Đức Giê-hô-va nói với Đa-ni-ên.

CHỐNG LẠI NƯỚC GỜ-RÉC (HY LẠP)

3. Ai là người được thiên sứ hỗ trợ “trong năm đầu đời vua Đa-ri-út, người Mê-đi”?

3 Thiên sứ nói: “Trong năm đầu đời vua Đa-ri-út, người Mê-đi [539/538 TCN], ta đã dấy lên để giúp-đỡ người và làm cho mạnh”. (Đa-ni-ên 11:1) Đa-ri-út đã chết rồi, nhưng thiên sứ còn nhắc tới triều đại của ông như là khởi điểm của thông điệp có tính cách tiên tri. Chính vị vua này đã ra lệnh đưa Đa-ni-ên ra khỏi hang sư tử. Đa-ri-út cũng ban chiếu chỉ cho các thần dân của ông phải kính sợ Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên. (Đa-ni-ên 6:21-27) Tuy nhiên, người mà thiên sứ đến giúp đỡ không phải Đa-ri-út người Mê-đi, mà là Mi-ca-ên, bạn đồng sự với thiên sứ và là vua của dân sự Đa-ni-ên. (So sánh Đa-ni-ên 10:12-14). Thiên sứ của Đức Chúa Trời đến hỗ trợ trong khi Mi-ca-ên tranh chiến với quỉ sứ là vua của Mê-đi Phe-rơ-sơ.

4, 5. Bốn vua Phe-rơ-sơ được báo trước là những vua nào?

4 Thiên sứ của Đức Chúa Trời nói tiếp: “Nầy, còn có ba vua trong nước Phe-rơ-sơ sẽ dấy lên, lại vua thứ tư có nhiều của-cải hơn hết thảy; và khi của-cải làm cho vua đó nên mạnh, thì người xui-giục mọi người nghịch cùng nước Gờ-réc”. (Đa-ni-ên 11:2) Vậy ai là những vua Phe-rơ-sơ này?

5 Ba vua đầu là Si-ru Đại Đế, Cambyses II, và Đa-ri-út I. Vì Bardiya (hay có lẽ một kẻ giả mạo tên là Gaumata) cai trị có bảy tháng, nên lời tiên tri không nói đến triều đại ngắn ngủi này. Vào năm 490 TCN, vua thứ ba là Đa-ri-út I mưu tính xâm lăng Hy Lạp lần thứ hai. Tuy nhiên, quân Phe-rơ-sơ bị thảm bại tại Marathon và rút về Tiểu Á. Dù Đa-ri-út đã chuẩn bị cẩn thận một chiến dịch để xâm lăng Hy Lạp một lần nữa, nhưng ông không thực hiện được vì ông chết bốn năm sau đó. Con ông là Xerxes I, vua “thứ tư”, kế vị ông và tiếp tục kế hoạch mà ông bỏ dở. Vua này chính là A-suê-ru, người đã kết hôn với nàng Ê-xơ-tê.—Ê-xơ-tê 1:1; 2:15-17.

6, 7. (a) Vua thứ tư đã “xui-giục mọi người nghịch cùng nước Gờ-réc” như thế nào? (b) Chiến dịch của Xerxes chống lại Hy Lạp đưa lại kết quả nào?

6 Xerxes I đã thực sự “xui-giục mọi người nghịch cùng nước Gờ-réc”, nghĩa là toàn thể các tiểu bang độc lập của Gờ-réc. Sách The Medes and Persians—Conquerors and Diplomats (Người Mê-đi và Phe-rơ-sơChinh phục và ngoại giao) nói: “Bị các cận thần đầy tham vọng của vua thôi thúc, Xerxes mở một cuộc tấn công bằng đường bộ và đường biển”. Sử gia Hy Lạp vào thế kỷ thứ năm TCN là Herodotus viết rằng: “Không cuộc viễn chinh nào có thể sánh với cuộc viễn chinh này”. Sử gia này cho biết lực lượng hải quân “tổng cộng lên tới 517.610 người. Bộ binh là 1.700.000 người; thêm 80.000 kỵ binh, không kể những người Ả-rập cưỡi lạc đà và người Li-by ngồi trên song mã mà tôi phỏng tính là 20.000 quân. Do đó, tổng số lực lượng lục quân và hải quân cộng lại lên đến 2.317.610 người”.

7 Vì dự định một cuộc chinh phục toàn diện, Xerxes I đã huy động lực lượng khổng lồ để đánh Hy Lạp vào năm 480 TCN. Thắng được kế hoãn binh của Hy Lạp tại Thermopylae, quân Phe-rơ-sơ tàn phá A-thên. Dù vậy tại Salamis, quân Phe-rơ-sơ bị thua trận nặng nề. Hy Lạp lại chiến thắng một lần nữa tại Plataea vào năm 479 TCN. Trong số bảy vua lần lượt kế vị Xerxes cai trị Đế Quốc Phe-rơ-sơ trong thời gian 143 năm tiếp đó không vua nào xâm lăng Hy Lạp nữa. Nhưng rồi có một vua hùng mạnh dấy lên ở Hy Lạp.

MỘT VƯƠNG QUỐC VĨ ĐẠI BỊ CHIA THÀNH BỐN

8. Vua “mạnh” nào đã dấy lên, và ông “lấy quyền lớn cai-trị” như thế nào?

8 Thiên sứ nói: “Song sẽ có một vua mạnh dấy lên, lấy quyền lớn cai-trị và làm theo ý mình”. (Đa-ni-ên 11:3) A-léc-xan-đơ trong tuổi thanh xuân 20 đã ‘dấy lên’ làm vua Macedonia vào năm 336 TCN. Ông thật sự trở thành “một vua mạnh”—A-léc-xan-đơ Đại Đế. Được thúc đẩy bởi kế hoạch của cha ông là Phi-líp II, ông đánh chiếm các tỉnh của Phe-rơ-sơ trong vùng Trung Đông. Băng qua sông Ơ-phơ-rát và sông Tigris, đạo quân của ông gồm 47.000 người đã phá tan lực lượng 250.000 người của Đa-ri-út III tại Gaugamela. Sau đó, Đa-ri-út tháo chạy và bị sát hại. Triều đại Phe-rơ-sơ chấm dứt. Bây giờ Hy Lạp trở thành cường quốc thế giới, và A-léc-xan-đơ “lấy quyền lớn cai-trị và làm theo ý mình”.

9, 10. Lời tiên tri nói rằng nước của A-léc-xan-đơ không được để lại cho con cháu thành sự thật như thế nào?

9 Thời gian A-léc-xan-đơ cai trị thế giới ngắn ngủi, vì thiên sứ của Đức Chúa Trời nói thêm: “Khi vua ấy đã dấy lên, thì nước người bị xé và chia ra theo bốn gió của trời, nhưng không truyền lại cho con cháu, cũng không như quyền đã dùng mà cai-trị trước nữa; vì nước người sẽ bị nhổ và phó cho người khác ngoài những người đó”. (Đa-ni-ên 11:4) A-léc-xan-đơ chưa tròn 33 tuổi thì cơn bệnh bất thình lình đến cướp đời ông vào năm 323 TCN tại Ba-by-lôn.

10 Đế quốc rộng lớn của A-léc-xan-đơ không được để lại cho “con cháu”. Em ông là Phi-líp III Arrhidaeus cai trị chưa tới bảy năm và bị giết chết vào năm 317 TCN thể theo đòi hỏi của Olympias, mẹ của A-léc-xan-đơ. Con của A-léc-xan-đơ là A-léc-xan-đơ IV cai trị tới năm 311 TCN rồi bị một trong các tướng của cha mình là Cassander giết. Con ngoại hôn của A-léc-xan-đơ là Heracles tìm cách nhân danh cha cai trị, nhưng bị giết vào năm 309 TCN. Do đó, dòng của A-léc-xan-đơ chấm dứt, và sự “cai-trị” lìa khỏi dòng tộc ông.

11. Nước của A-léc-xan-đơ bị “chia ra theo bốn gió của trời” như thế nào?

11 Sau khi A-léc-xan-đơ chết, vương quốc của ông bị “chia ra theo bốn gió”. Các tướng của ông tranh chấp lẫn nhau và giành giật lãnh thổ. Tướng độc nhãn Antigonus I cố tìm cách thống trị toàn thể đế quốc của A-léc-xan-đơ. Nhưng ông bị tử trận tại Ipsus ở Phrygia. Tới năm 301 TCN, bốn tướng của A-léc-xan-đơ nắm quyền cai trị lãnh thổ rộng lớn mà vị chỉ huy họ đã để lại. Cassander cai trị Macedonia và Hy Lạp. Lysimachus kiểm soát Tiểu Á và Thrace. Seleucus I Nicator chiếm được Mê-sô-bô-ta-mi và Sy-ri. Còn Ptolemy Lagus làm chủ Ê-díp-tô và Pha-lê-tin. Đúng như lời tiên tri, đế quốc vĩ đại của A-léc-xan-đơ bị chia ra làm bốn vương quốc Hy Lạp.

HAI VUA THÙ NGHỊCH LỘ DẠNG

12, 13. (a) Bốn vương quốc Hy Lạp bị giảm xuống lại còn hai như thế nào? (b) Seleucus lập ra triều đại nào ở Sy-ri?

12 Sau khi nắm quyền được vài năm, Cassander chết, còn Lysimachus vào năm 285 TCN chiếm hữu phần đất Âu Châu của Đế Quốc Hy Lạp. Vào năm 281 TCN, Lysimachus tử thương khi tranh chiến với Seleucus I Nicator và do đó Seleucus kiểm soát được phần lớn các lãnh thổ thuộc Á Châu. Antigonus II Gonatas, cháu của một trong những tướng của A-léc-xan-đơ, lên ngôi cai trị Macedonia vào năm 276 TCN. Với thời gian, Macedonia thành lệ thuộc La Mã và cuối cùng là một tỉnh của La Mã vào năm 146 TCN.

13 Bây giờ trong số bốn vương quốc Hy Lạp, chỉ còn hai nước nổi bật mà thôi—một nước do Seleucus I Nicator cai trị và nước kia nằm dưới quyền của Ptolemy Lagus. Seleucus thiết lập triều đại Seleucid ở Sy-ri. Trong số những thành mà ông lập là An-ti-ốt—thủ đô mới của Sy-ri—và hải cảng Seleucia. Sau này sứ đồ Phao-lô giảng dạy ở An-ti-ốt, nơi mà lần đầu tiên những người theo Chúa Giê-su được gọi là tín đồ Đấng Christ. (Công-vụ các Sứ-đồ 11:25, 26; 13:1-4) Seleucus bị ám sát vào năm 281 TCN, nhưng triều đại của ông vẫn còn cầm quyền cho tới khi Tướng La Mã là Gnaeus Pompey biến Sy-ri thành một tỉnh của La Mã vào năm 64 TCN.

14. Triều đại Ptolemy được thiết lập ở Ê-díp-tô khi nào?

14 Vương quốc Hy Lạp tồn tại lâu nhất là vương quốc của Ptolemy Lagus, hay Ptolemy I. Ông lên ngôi vua vào năm 305 TCN. Triều đại của Ptolemy tiếp tục cai trị Ê-díp-tô cho tới khi bị rơi vào tay La Mã vào năm 30 TCN.

15. Hai vua hùng mạnh nào trồi lên từ bốn vương quốc Hy Lạp, và họ bắt đầu cuộc tranh chấp nào?

15 Do đó, từ bốn vương quốc Hy Lạp, đã trồi lên hai vua hùng mạnh—Seleucus I Nicator cai trị Sy-ri và Ptolemy I cai trị Ê-díp-tô. Cuộc tranh chấp lâu dài giữa “vua phương bắc” và “vua phương nam”, mà sách Đa-ni-ên chương 11 diễn tả, bắt đầu từ hai vua này. Thiên sứ của Đức Giê-hô-va không nói tới tên của các vua, vì danh tánh và quốc tịch của hai vua này thay đổi qua các thế kỷ. Bỏ qua các chi tiết không cần thiết, thiên sứ chỉ nói đến những vua và những biến cố liên quan đến cuộc xung đột mà thôi.

SỰ KÌNH ĐỊCH BẮT ĐẦU

16. (a) Danh xưng vua phương bắc và vua phương nam ám chỉ điều gì? (b) Hai vua đầu tiên đóng vai trò “vua phương bắc” và “vua phương nam” là ai?

16 Hãy lắng nghe! Thiên sứ của Đức Giê-hô-va tả sự khởi đầu của cuộc xung đột gây cấn này như sau: “Vua phương nam sẽ được mạnh; nhưng một trong các tướng của vua [A-léc-xan-đơ] sẽ được mạnh hơn vua, và có quyền cai-trị; quyền người [vua phương bắc] sẽ lớn lắm”. (Đa-ni-ên 11:5) Danh xưng “vua phương bắc” và “vua phương nam” ám chỉ những vua nằm về phía bắc và phía nam của dân sự Đa-ni-ên, lúc ấy đã được giải phóng khỏi sự tù đày ở Ba-by-lôn và trở về xứ Giu-đa. “Vua phương nam” tiên khởi là Ptolemy I của Ê-díp-tô. Một trong những “tướng” của A-léc-xan-đơ thắng Ptolemy I và có ‘quyền cai-trị lớn lắm’ là Vua Seleucus I Nicator của Sy-ri. Ông đóng vai trò “vua phương bắc”.

17. Vào lúc khởi đầu cuộc xung đột giữa vua phương bắc và vua phương nam thì xứ Giu-đa nằm dưới sự thống trị của vua nào?

17 Vào lúc cuộc xung đột bắt đầu, xứ Giu-đa nằm dưới sự thống trị của vua phương nam. Từ khoảng năm 320 TCN, Ptolemy I thuyết phục dân Do Thái tới định cư ở Ê-díp-tô. Một thuộc địa người Do Thái rất thịnh vượng ở A-léc-xan-tri, nơi mà Ptolemy I đã thành lập một thư viện nổi tiếng. Người Do Thái ở Giu-đa tiếp tục nằm dưới sự cai trị của triều đại Ptolemy của Ê-díp-tô, tức vua phương nam, cho tới năm 198 TCN.

18, 19. Theo dòng thời gian, hai vua thù nghịch “kết hòa-hảo” như thế nào?

18 Về hai vua, thiên sứ tiên tri: “Đến cuối-cùng mấy năm, các vua đó sẽ đồng-minh với nhau; công-chúa vua phương nam đến cùng vua phương bắc để kết hòa-hảo. Nhưng sức của cánh tay công-chúa chắc không được lâu; quyền của vua phương bắc và cánh tay người cũng chẳng còn; nhưng công-chúa và những kẻ đã dẫn [nàng] đến, và người sanh ra [nàng], cùng kẻ đã giúp-đỡ [nàng] trong lúc đó đều sẽ bị nộp”. (Đa-ni-ên 11:6) Điều này xảy ra như thế nào?

19 Lời tiên tri không nhắc đến Antiochus I, con và người kế vị Seleucus I Nicator, vì ông ta không tham dự trận chiến quyết liệt nào với vua phương nam. Nhưng người kế vị ông là Antiochus II đã đánh nhau dai dẳng với Ptolemy II, con của Ptolemy I. Antiochus II và Ptolemy II tạo thành vua phương bắc và vua phương nam. Antiochus II kết hôn với Laodice. Họ sinh được một con trai đặt tên là Seleucus II, trong khi Ptolemy II có một con gái tên là Berenice. Vào năm 250 TCN, hai vua “kết hòa-hảo” với nhau. Để trả cho cái giá đồng minh này, Antiochus II ly dị vợ là Laodice và cưới Berenice, “công-chúa vua phương nam”. Bernice sinh cho ông một con trai, và người con này trở thành người thừa kế ngôi vua Sy-ri thay vì các con trai của Laodice.

20. (a) “Cánh tay” của Berenice không còn giữ được nữa như thế nào? (b) Berenice, “những kẻ đã dẫn nàng đến”, và người đã “giúp-đỡ” nàng “bị nộp” như thế nào? (c) Ai trở thành vua Sy-ri sau khi Antiochus mất đi “cánh tay” hay sức mạnh của ông?

20 “Cánh tay” của Berenice, hay quyền lực hỗ trợ bà, là Ptolemy II, cha của bà. Khi cha chết vào năm 246 TCN, thì bà không còn giữ được quyền lực của “cánh tay công-chúa” với chồng bà nữa. Antiochus II bỏ bà và lấy lại Laodice, và đặt con của họ làm người thừa kế ngôi vua. Berenice và con của bà bị thảm sát theo ý đồ của Laodice. Người ta được biết là những người hầu cận đã đem Berenice từ Ê-díp-tô đến Sy-ri—tức là “những kẻ đã dẫn nàng đến”—cũng chịu cùng số phận. Laodice thậm chí đầu độc Antiochus II và vì vậy “cánh tay” hay sức mạnh của ông cũng “chẳng còn”. Do đó, cha của Berenice—“người sanh ra nàng”—và chồng bà người Sy-ri là người đã “giúp-đỡ nàng”, cả hai đều chết. Tình trạng này khiến chỉ còn lại một mình Seleucus II, con của Laodice, là vua Sy-ri mà thôi. Vua kế tiếp thuộc dòng Ptolemy sẽ phản ứng thế nào trước tình huống này?

MỘT VUA TRẢ THÙ NHỮNG KẺ GIẾT CHỊ MÌNH

21. (a) “Một chồi ra từ rễ” Berenice là ai, và ông “dấy lên” như thế nào? (b) Ptolemy III đã đánh “đồn-lũy vua phương bắc” và thắng vua này như thế nào?

21 Thiên sứ nói: “Một chồi ra từ rễ công-chúa, dấy lên để nối ngôi nó, mà đến cùng cơ-binh, vào trong đồn-lũy vua phương bắc, đánh và thắng được”. (Đa-ni-ên 11:7) “Một chồi ra từ” cha mẹ Berenice, hay “rễ”, là em nàng. Khi cha chết, người em ấy đã ‘dấy lên’ để làm vua phương nam, tức là Pha-ra-ôn Ptolemy III của Ê-díp-tô. Ngay lập tức, ông lập kế hoạch trả thù những kẻ đã giết chị mình. Kéo quân lên đánh Vua Seleucus II của Sy-ri là người mà Laodice đã dùng để giết Berenice và con bà, Ptolemy III đã đánh “đồn-lũy vua phương bắc”. Ông chiếm được nơi phòng thủ kiên cố của An-ti-ốt và giết được Laodice. Tiến về hướng đông, xuyên qua lãnh thổ của vua phương bắc, ông chiếm được Ba-by-lôn và tiến vào Ấn Độ.

22. Ptolemy III đem những gì về Ê-díp-tô, và tại sao “trong vài năm... [ông] không đánh vua phương bắc”?

22 Điều gì xảy ra kế tiếp? Thiên sứ của Đức Chúa Trời cho biết: “Người bắt cả các thần họ làm phu-tù đem sang nước Ê-díp-tô, cả các tượng đúc và các khí-mạnh bằng vàng bằng bạc nữa; đoạn trong vài năm, người sẽ không đánh vua phương bắc”. (Đa-ni-ên 11:8) Trước đó hơn 200 năm, vua Phe-rơ-sơ là Cambyses II đã chinh phục Ê-díp-tô và mang về xứ những thần, tức “các tượng đúc” của Ê-díp-tô. Chiếm được Su-san, cựu kinh đô của Phe-rơ-sơ, Ptolemy III lấy lại được các thần này và đem sang Ê-díp-tô ‘bắt làm phu-tù’. Ông cũng thâu hồi một số lượng khổng lồ “các khí-mạnh bằng vàng bằng bạc” coi như những chiến lợi phẩm. Vì buộc phải trở về nước dẹp nội loạn, Ptolemy III ‘không đánh vua phương bắc’, không giáng cho vua này những đòn chí tử khác nữa.

VUA SY-RI TRẢ THÙ

23. Tại sao vua phương bắc “trở về xứ mình” sau khi xâm nhập vương quốc của vua phương nam?

23 Vua phương bắc phản ứng như thế nào? Đa-ni-ên được cho biết: “Vua nầy sẽ tiến vào nước vua phương nam, nhưng lại trở về xứ mình”. (Đa-ni-ên 11:9) Vua phương bắc—Vua Seleucus II của Sy-ri—phản công lại. Ông xâm nhập “nước”, hay lãnh thổ của vua phương nam Ê-díp-tô nhưng bị bại trận. Với một số tàn quân nhỏ nhoi, Seleucus II ‘trở về xứ mình’, rút lui về An-ti-ốt, thủ đô của Sy-ri, vào khoảng năm 242 TCN. Sau khi ông qua đời, con ông là Seleucus III lên nối ngôi.

24. (a) Điều gì đã xảy ra cho Seleucus III? (b) Vua Antiochus III của Sy-ri ‘đến, tràn ra và đi qua’ lãnh thổ của vua phương nam như thế nào?

24 Lời tiên tri nói gì về dòng dõi của Vua Seleucus II của Sy-ri? Thiên sứ nói với Đa-ni-ên: “[Các] con trai vua phương bắc đi chiến trận, nhóm một đoàn cơ-binh lớn, sẽ đến, sẽ tràn ra và đi qua; chúng nó sẽ trở về và chiến trận cho đến đồn-lũy vua phương nam”. (Đa-ni-ên 11:10) Không đầy ba năm, một cuộc ám sát đã chấm dứt triều đại của Seleucus III. Em ông là Antiochus III lên ngôi vua Sy-ri thay cho ông. Người con này của Seleucus II huy động một lực lượng hùng hậu để tấn công vua phương nam lúc đó là Ptolemy IV. Vua mới lên ngôi của Sy-ri, vua phương bắc, đã đánh bại Ê-díp-tô và chiếm lại hải cảng Seleucia, tỉnh Coele-Syria, các thành Ty-rơ và Bê-tô-lê-mai, cùng các thị trấn lân cận. Ông cũng đánh tan một đạo quân của Vua Ptolemy IV và chiếm được rất nhiều thành của Giu-đa. Vào mùa xuân năm 217 TCN, Antiochus III rời Bê-tô-lê-mai và đi về hướng bắc, “đến tận đồn-lũy của người” ở Sy-ri. Nhưng sắp có một sự thay đổi.

TÌNH THẾ ĐẢO NGƯỢC

25. Ptolemy IV đụng trận với Antiochus III ở đâu, và cái gì bị “phó vào tay” vua phương nam Ê-díp-tô?

25 Giống như Đa-ni-ên, chúng ta mong đợi được nghe thiên sứ của Đức Giê-hô-va tiên tri tiếp: “Bấy giờ vua phương nam tức giận, ra ngoài để đánh nhau cùng vua phương bắc, sắp sẵn-sàng một cơ-binh đông, và cơ-binh của vua phương bắc phải phó vào tay người”. (Đa-ni-ên 11:11) Với một lực lượng 75.000 quân, vua phương nam, Ptolemy IV, tiến về phía bắc tấn công nước thù nghịch. Vua Sy-ri của phương bắc, Antiochus III, huy động “một cơ-binh đông” gồm 68.000 quân để chống lại vua phương nam. Nhưng “cơ-binh” bị “phó vào tay” vua phương nam trong trận chiến tại thành phố Raphia bên bờ biển, cách biên giới Ê-díp-tô không mấy xa.

26. (a) “Cơ-binh” nào bị vua phương nam đánh tan trong trận chiến tại Raphia, và tại đây, hòa ước được ký với những điều khoản nào? (b) Ptolemy IV đã “không dùng đến vị thế mạnh mẽ của mình” như thế nào? (c) Ai trở thành vua phương nam kế tiếp?

26 Lời tiên tri nói tiếp: “Cơ-binh đó tan rồi, thì lòng vua phương nam sẽ lên kiêu-ngạo. Người sẽ làm cho ngã xuống bấy nhiêu vạn người, nhưng không được thắng [“người lại không dùng đến vị thế mạnh mẽ của mình”, NW]”. (Đa-ni-ên 11:12) Vua phương nam, Ptolemy IV, giết hay làm “tan” 10.000 bộ binh, 300 kỵ binh và bắt được 4.000 tù binh của Sy-ri. Rồi hai vua ký thỏa ước, trong đó Antiochus III giữ lại hải cảng Seleucia của Sy-ri nhưng phải nhường Phoenicia và Coele-Syria. Với chiến thắng này, lòng của vua phương nam Ê-díp-tô “sẽ lên kiêu-ngạo”, đặc biệt đối với Đức Giê-hô-va. Nước Giu-đa tiếp tục ở dưới quyền kiểm soát của Ptolemy IV. Tuy nhiên, sau khi chiến thắng vua phương bắc Sy-ri, ông đã không “dùng đến vị thế mạnh mẽ của mình” để tiếp tục khai thác sự chiến thắng. Thay vì thế, Ptolemy IV lại quay sang một lối sống đồi trụy, và con trai mới năm tuổi của ông là Ptolemy V trở thành vua phương nam kế tiếp nhiều năm trước khi Antiochus III qua đời.

NGƯỜI HÙNG TRỞ LẠI

27. “Đến cuối-cùng các kỳ”, vua phương bắc sẽ trở lại để thu hồi lãnh thổ từ Ê-díp-tô như thế nào?

27 Vì các chiến thắng lẫy lừng của ông, Antiochus III được gọi là Antiochus Đại Đế. Thiên sứ nói về ông như sau: “Vua phương bắc sẽ trở về, thâu-nhóm cơ-binh đông hơn nữa; và đến cuối-cùng các kỳ tức là các năm, người sẽ đến với một cơ-binh lớn và đồ rất nhiều”. (Đa-ni-ên 11:13) “Các kỳ” này xảy ra ít nhất 16 năm sau khi Ê-díp-tô đánh bại Sy-ri tại Raphia. Khi Ptolemy V lên ngôi vua phương nam lúc còn non nớt thì Antiochus III bắt đầu “thâu-nhóm cơ-binh đông hơn nữa” để chiếm lại những vùng đất mà trước đây bị mất vào tay vua phương nam Ê-díp-tô. Nhằm mục đích đó, ông hợp tác với Phi-líp V, vua Macedonia.

28. Vị vua trẻ tuổi của phương nam gặp phải những khó khăn gì?

28 Vua phương nam cũng gặp rối ren nội bộ. Thiên sứ nói: “Trong khi ấy nhiều người nổi lên nghịch cùng vua phương nam”. (Đa-ni-ên 11:14a) Nhiều người đã thật sự “nổi lên nghịch cùng vua phương nam”. Ngoài việc phải đương đầu với lực lượng của Antiochus III cùng đồng minh Macedonia của vua này, vị vua trẻ tuổi của phương nam còn phải đối diện với nhiều khó khăn nội bộ ở Ê-díp-tô. Vì Agathocles, người ông đặt cai trị thế, đối xử hách dịch với dân Ê-díp-tô khiến nhiều người nổi lên chống lại. Thiên sứ nói tiếp: “Và các con-cái của kẻ hung-dữ trong dân ngươi sẽ dấy lên, hầu cho ứng-nghiệm sự hiện-thấy [“làm thành ước mơ”, NW], nhưng họ sẽ ngã xuống”. (Đa-ni-ên 11:14b) Ngay cả một số người trong dân sự của Đa-ni-ên cũng trở thành “con-cái của kẻ hung-dữ” hay những người làm cách mạng. Nhưng dù những người Do Thái này “ước mơ” rằng quê hương của họ sẽ được giải phóng khỏi ách đô hộ của Dân Ngoại, điều này chỉ là giả dối, và họ sẽ thất bại, hay là “ngã xuống”.

29, 30. (a) “Cánh tay của vua phương nam” không chống nổi sự tấn công của quân phương bắc như thế nào? (b) Vua phương bắc “đứng trong đất vinh-hiển” như thế nào?

29 Thiên sứ của Đức Giê-hô-va tiên tri thêm: “Vậy vua phương bắc sẽ đến; dựng đồn-lũy, lấy một thành vững-bền; và quân phương nam, dầu cho đến quân tinh-nhuệ nữa, cũng không thể đứng vững được. Vì chẳng có sức nào chống lại được. Nhưng kẻ đến đánh nó sẽ làm tùy ý mình, và chẳng có ai đương lại với người. Người sẽ đứng trong đất vinh-hiển, cầm sự hủy-phá trong tay”.—Đa-ni-ên 11:15, 16.

30 Lực lượng quân đội dưới quyền của Ptolemy V, hay “quân phương nam”, không chống nổi sự tấn công của quân phương bắc. Tại Paneas (Caesarea Philippi), Antiochus III đẩy Tướng Scopas của Ê-díp-tô cùng 10.000 quân thiện chiến, hay “quân tinh-nhuệ”, phải rút vào thành Si-đôn, “một thành vững-bền”. Tại đó, Antiochus III ‘dựng đồn-lũy’, chiếm được hải cảng ấy của Phoenicia vào năm 198 TCN. Ông hành động “tùy ý mình” vì lực lượng của vua phương nam Ê-díp-tô bất lực trước sức mạnh của ông. Sau đó, Antiochus III tiến chiếm thành Giê-ru-sa-lem, thủ đô của “đất vinh-hiển”, tức nước Giu-đa. Vào năm 198 TCN, Giê-ru-sa-lem và Giu-đa phải chịu sự chuyển tiếp từ sự thống trị của vua phương nam Ê-díp-tô sang sự thống trị của vua phương bắc Sy-ri. Và Antiochus III, vua phương bắc, bắt đầu “đứng trong đất vinh-hiển”. Ông “cầm sự hủy-phá trong tay” đối với tất cả những người Do Thái hay người Ê-díp-tô nào dám chống lại. Vua phương bắc này được tự do hoành hành trong bao lâu?

LA MÃ CHẾ NGỰ NGƯỜI HÙNG

31, 32. Tại sao vua phương bắc cuối cùng lại kết “giao-hòa” với vua phương nam?

31 Thiên sứ của Đức Giê-hô-va cho chúng ta câu trả lời: “Người [vua phương bắc] quyết lòng lấy sức của cả nước mình mà đến; đoạn, người sẽ giao-hòa với nó, và sẽ làm ứng-nghiệm; nó sẽ đem con gái của đàn-bà cho nó, để làm bại-hoại; nhưng nó sẽ không đứng được và cũng không thuộc về người”.—Đa-ni-ên 11:17.

32 Vua phương bắc, Antiochus III, “quyết lòng” thống trị Ê-díp-tô với “sức của cả nước mình”. Nhưng cuối cùng ông lại “giao-hòa” với Ptolemy V, vua phương nam. Yêu sách của La Mã khiến ông thay đổi kế hoạch. Khi ông và Phi-líp V, vua Macedonia, liên minh với nhau để đánh vua Ê-díp-tô còn non nớt nhằm chiếm lấy các lãnh thổ của vua này, thì các quan nhiếp chính của Ptolemy V đã chạy đến La Mã để cầu cứu. Lợi dụng cơ hội để mở rộng ảnh hưởng, La Mã dương oai sức mạnh của mình.

33. (a) Những điều khoản hòa bình giữa Antiochus III và Ptolemy V là gì? (b) Cuộc hôn nhân giữa Cleopatra I và Ptolemy V nhằm mục đích gì, và tại sao âm mưu ấy không thành?

33 Dưới áp lực của La Mã, Antiochus III buộc phải hòa hoãn với vua phương nam. Thay vì trả lại những lãnh thổ chiếm được như La Mã đòi, Antiochus III chỉ chuyển hoàn trên danh nghĩa bằng cách để con gái mình là Cleopatra I—“con gái của đàn-bà”—kết hôn với Ptolemy V. Ông cho nàng các tỉnh trong đó gồm cả Giu-đa, “đất vinh-hiển”, làm của hồi môn. Tuy nhiên, tại hôn lễ vào năm 193 TCN, vua Sy-ri không trả những tỉnh này cho Ptolemy V. Đây là một cuộc hôn nhân nhằm mục tiêu chính trị là biến Ê-díp-tô thành chư hầu của Sy-ri. Nhưng âm mưu ấy không thành vì Cleopatra I “không thuộc về người” nữa, bởi sau đó nàng đứng về phía chồng. Khi chiến tranh bùng nổ giữa Antiochus III và La Mã thì Ê-díp-tô đứng về phía La Mã.

34, 35. (a) Vua phương bắc xoay mặt về “các vùng gần bờ biển” nào? (b) La Mã chấm dứt “sự sỉ-nhục” mà vua phương bắc mang lại như thế nào? (c) Antiochus III chết như thế nào, và ai là vua phương bắc kế tiếp?

34 Ám chỉ những lần thất trận của vua phương bắc, thiên sứ nói thêm: “Đoạn, người [Antiochus III] quay sang các cù-lao [“các vùng gần bờ biển”, NW] và chiếm lấy nhiều nơi. Nhưng một vua [La Mã] sẽ làm cho thôi sự sỉ-nhục người [Antiochus III] làm ra, và còn làm cho sự đó lại đổ trên người. Đoạn người [Antiochus III] sẽ trở mặt về các đồn-lũy đất mình; nhưng chắc phải vấp và ngã, và chẳng được tìm thấy nữa.—Đa-ni-ên 11:18, 19.

35 “Các vùng gần bờ biển” là các vùng đất Macedonia, Hy Lạp và Tiểu Á. Một cuộc chiến tranh đã bùng nổ ở Hy Lạp vào năm 192 TCN và Antiochus III đã bị nhử đến Hy Lạp. Bất bình với vua Sy-ri cứ cố chiếm thêm lãnh thổ, La Mã chính thức tuyên chiến với Sy-ri. Tại Thermopylae, Sy-ri bị La Mã đánh bại. Ông cũng thất trận ở Magnesia vào năm 190 TCN, và khoảng một năm sau đó Sy-ri buộc phải nhả ra tất cả các lãnh thổ ở Hy Lạp, Tiểu Á và những vùng phía tây của dãy núi Taurus. La Mã đòi triều cống nặng nề và đặt sự thống trị trên Sy-ri, vua phương bắc. Bị đuổi khỏi Hy Lạp và Tiểu Á và mất hầu như toàn hạm đội, Antiochus III ‘trở mặt về các đồn-lũy đất mình’, tức là Sy-ri. La Mã đã ‘làm cho sự sỉ-nhục mà người gây cho họ, lại đổ trên người’. Antiochus III chết trong khi cố cướp một đền thờ tại Elymaïs ở Phe-rơ-sơ vào năm 187 TCN. Do đó, ông đã “ngã” trong sự chết và con ông là Seleucus IV, vua phương bắc kế tiếp, lên kế vị.

SỰ KÌNH ĐỊCH TIẾP TỤC

36. (a) Vua phương nam cố gắng tiếp tục tranh giành như thế nào, nhưng chuyện gì xảy ra cho ông? (b) Seleucus IV bị đổ như thế nào, và ai kế vị ông?

36 Vua phương nam, Ptolemy V, cố gắng chiếm các tỉnh mà đáng lẽ thuộc quyền sở hữu của ông vốn là của hồi môn của Cleopatra, nhưng ông bị đầu độc chết. Ptolemy VI lên kế ngôi ông. Còn Seleucus IV thì sao? Vì cần tiền để trả gánh nặng triều cống cho La Mã, ông sai quan coi kho của ông là Heliodorus tới tịch thu các báu vật nghe nói là chứa trong đền thờ Giê-ru-sa-lem. Vì tham vọng muốn làm vua, Heliodorus giết Seleucus IV. Tuy nhiên, Vua Eumenes của Pergamum và em là Attalus lại đặt Antiochus IV, em của vua mà Heliodorus sát hại, lên làm vua.

37. (a) Antiochus IV cố tỏ ra mạnh hơn Giê-hô-va Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Việc Antiochus IV mạo phạm đền thờ Giê-ru-sa-lem đã đưa đến điều gì?

37 Vua phương bắc mới là Antiochus IV muốn tỏ ra mạnh hơn Đức Chúa Trời bằng cách cố tận diệt sự thờ phượng của Đức Giê-hô-va. Nhằm thách thức Đức Giê-hô-va, ông ta dâng hiến đền thờ Giê-ru-sa-lem cho thần Zeus, hay thần Giu-bi-tê. Vào tháng 12 năm 167 TCN, một bàn thờ cho tà thần được dựng lên trên bàn thờ lớn trong hành lang của đền thờ, nơi mà hàng ngày của-lễ thiêu được dâng lên cho Đức Giê-hô-va. Mười ngày sau, người ta dâng của tế lễ cho thần Giu-bi-tê trên bàn thờ tà thần này. Sự mạo phạm này đã đưa tới cuộc nổi dậy của người Do Thái dưới sự lãnh đạo của người Macabê. Antiochus IV đánh nhau với họ trong ba năm. Vào năm 164 TCN, kỷ niệm ngày mạo phạm, Judas Maccaeus tái dâng hiến đền thờ cho Đức Giê-hô-va và lễ dâng hiến—Hanukkah—được thiết lập.—Giăng 10:22.

38. Sự cai trị của người Macabê đi đến chỗ chấm dứt như thế nào?

38 Người Macabê có lẽ đã lập hòa ước với La Mã vào năm 161 TCN và thiết lập một vương quốc vào năm 104 TCN. Nhưng sự va chạm giữa họ và vua phương bắc Sy-ri cứ tiếp diễn. Cuối cùng La Mã bắt buộc phải can thiệp. Tướng La Mã là Gnaeus Pompey chiếm Giê-ru-sa-lem vào năm 63 TCN sau một cuộc vây hãm kéo dài ba tháng. Vào năm 39 TCN, Thượng Viện La Mã bổ nhiệm Hê-rốt—một người Ê-đôm—làm vua Giu-đê. Sự cai trị của người Macabê chấm dứt và Hê-rốt chiếm Giê-ru-sa-lem vào năm 37 TCN.

39. Bạn được lợi ích thế nào khi xem xét Đa-ni-ên 11:1-19?

39 Thật phấn khởi làm sao khi được thấy phần đầu của lời tiên tri về sự xung đột giữa hai vua được ứng nghiệm từng chi tiết! Thật vậy, chúng ta hào hứng biết bao khi đi sâu vào lịch sử, khoảng 500 năm sau khi thông điệp có tính cách tiên tri được gởi đến cho Đa-ni-ên, và nhận diện các vua chúa đóng vai trò vua phương bắc và vua phương nam! Tuy nhiên, hai vua này thay đổi danh tánh nhiều lần khi họ tiếp tục tranh chấp trong suốt thời gian Chúa Giê-su Christ sống trên đất và cho tới tận thời kỳ chúng ta. Bằng cách đối chiếu các diễn tiến lịch sử với các chi tiết tuyệt vời mà lời tiên tri này tiết lộ, chúng ta có thể nhận diện hai vua đang tranh chấp này.

BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?

• Hai dòng vua hùng mạnh nào trồi lên từ các vương quốc Hy Lạp, và các vua này bắt đầu cuộc tranh chấp nào?

• Như đã được tiên tri nơi Đa-ni-ên 11:6, hai vua đã “kết hòa-hảo” như thế nào?

• Cuộc xung đột tiếp tục như thế nào giữa:

Seleucus II và Ptolemy III (Đa-ni-ên 11:7-9)?

Antiochus III và Ptolemy IV (Đa-ni-ên 11:10-12)?

Antiochus III và Ptolemy V (Đa-ni-ên 11:13-16)?

• Cuộc hôn nhân giữa Cleopatra I và Ptolemy V nhằm mục đích gì, và tại sao âm mưu ấy không thành (Đa-ni-ên 11:17-19)?

• Việc xem xét Đa-ni-ên 11:1-19 đem lại cho bạn lợi ích gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Biểu đồ/​Các hình nơi trang 228]

CÁC VUA NƠI ĐA-NI-ÊN 11:5-19

Vua Vua

Phương Bắc Phương Nam

Đa-ni-ên 11:5 Seleucus I Nicator Ptolemy I

Đa-ni-ên 11:6 Antiochus II Ptolemy II

(vợ Laodice) (con gái Berenice)

Đa-ni-ên 11:7-9 Seleucus II Ptolemy III

Đa-ni-ên 11:10-12 Antiochus II Ptolemy IV

Đa-ni-ên 11:13-19 Antiochus III Ptolemy V

(con gái Cleopatra I) Người kế vị:

Những người kế vị: Ptolemy VI

Seleucus IV và

Antiochus IV

[Hình]

Đồng tiền có khắc hình Ptolemy II và vợ ông

[Hình]

Seleucus I Nicator

[Hình]

Antiochus III

[Hình]

Ptolemy VI

[Hình]

Ptolemy III và những người kế vị xây cất đền thờ này cho thần Horus tại Idfu, Thượng Ai Cập

[Bản đồ/Hình nơi trang 216, 217]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Danh xưng “vua phương bắc” và “vua phương nam” ám chỉ những vua nằm về phía bắc và phía nam quốc gia của dân sự Đa-ni-ên

MACEDONIA

HY LẠP

TIỂU Á

Y-SƠ-RA-ÊN

LI-BY

Ê-DÍP-TÔ

Ê-THI-Ô-BI

SY-RI

Ba-by-lôn

A-RA-BI

[Hình]

Ptolemy II

[Hình]

Antiochus Đại Đế

[Hình]

Tấm bia đá khắc chiếu chỉ chính thức do Antiochus Đại Đế ban hành

[Hình]

Đồng tiền mang hình hiệu Ptolemy V

[Hình]

Cửa Ptolemy III, tại Karnak, Ê-díp-tô

[Trang hình ảnh nơi trang 210]

[Hình nơi trang 215]

Seleucus I Nicator

[Hình nơi trang 218]

Ptolemy I