Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hai vua thay đổi danh tánh

Hai vua thay đổi danh tánh

Chương Mười Bốn

Hai vua thay đổi danh tánh

1, 2. (a) Điều gì đưa tới việc Antiochus IV phải làm theo đòi hỏi của La Mã? (b) Sy-ri trở thành một tỉnh của La Mã khi nào?

VUA Sy-ri là Antiochus IV xâm chiếm Ê-díp-tô và lên làm vua nước này. Do lời thỉnh cầu của Ptolemy VI, vua Ê-díp-tô, La Mã gởi Đại Sứ Caius Popilius Laenas tới Ê-díp-tô. Ông mang theo một hạm đội hùng hậu và những mệnh lệnh của Thượng Viện La Mã đòi Antiochus IV phải xuống ngôi vua Ê-díp-tô và rời khỏi nước này. Tại Eleusis, một khu ngoại ô của thành phố A-léc-xan-tri, vua Sy-ri và viên đại sứ La Mã gặp nhau, mặt đối mặt. Antiochus IV yêu cầu được có thời giờ để tham khảo với các cố vấn, nhưng Laenas dùng cây batoong vẽ một vòng tròn quanh vị vua và bảo vua phải trả lời trước khi bước ra khỏi vòng tròn. Bị hạ nhục, Antiochus IV làm theo đòi hỏi của La Mã và trở về Sy-ri vào năm 168 TCN. Sự đối đầu giữa vua phương bắc Sy-ri và vua phương nam Ê-díp-tô do đó chấm dứt.

2 Vốn đóng vai trò ưu thế trong các mối giao dịch vùng Trung Đông, La Mã tiếp tục chỉ huy Sy-ri. Bởi vậy, mặc dù cai trị Sy-ri sau khi Antiochus IV chết vào năm 163 TCN, các vua thuộc triều đại Seleucid không còn đóng vai trò “vua phương bắc” nữa. (Đa-ni-ên 11:15) Cuối cùng Sy-ri trở thành một tỉnh của La Mã vào năm 64 TCN.

3. La Mã chiếm được Ê-díp-tô khi nào và thế nào?

3 Triều đại Ptolemy của Ê-díp-tô tiếp tục đóng vai trò “vua phương nam” khoảng hơn 130 năm sau khi Antiochus IV chết. (Đa-ni-ên 11:14) Trong trận đánh ở Actium vào năm 31 TCN, Octavian, vua La Mã, đánh bại lực lượng hỗn hợp của Cleopatra VII—hoàng hậu cuối cùng của triều đại Ptolemy—và tình nhân người La Mã của bà là Mark Antony. Sau khi Cleopatra tự tử vào năm sau, Ê-díp-tô cũng trở thành một tỉnh của La Mã và không còn đóng vai trò vua phương nam nữa. Tới năm 30 TCN, La Mã hoàn toàn thống trị cả Sy-ri lẫn Ê-díp-tô. Với tình trạng này, chúng ta có nên chờ đợi là có những nước khác đảm nhiệm vai trò vua phương bắc và vua phương nam không?

MỘT VUA MỚI LÊN NGÔI SAI MỘT “KẺ BỨC-HIẾP” ĐI

4. Tại sao chúng ta nên chờ đợi một thực thể chính trị khác sẽ đảm nhiệm danh tánh của vua phương bắc?

4 Vào mùa xuân năm 33 CN, Chúa Giê-su Christ nói với các môn đồ ngài: “Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm-ghiếc tàn-nát [“gây ra tan hoang”, NW] lập ra trong nơi thánh, mà đấng tiên-tri Đa-ni-ên đã nói... thì ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi”. (Ma-thi-ơ 24:15, 16) Trích những lời này từ Đa-ni-ên 11:31, Chúa Giê-su cảnh giác môn đồ ngài về một ‘sự gớm-ghiếc gây ra tan hoang’ trong tương lai. Lời tiên tri liên hệ đến vua phương bắc này được ban ra khoảng 195 năm sau khi vua Sy-ri cuối cùng đóng vai trò đó là Antiochus IV chết. Chắc chắn, một thực thể chính trị khác sẽ phải đảm nhiệm danh tánh của vua phương bắc. Thực thể nào đây?

5. Ai dấy lên làm vua phương bắc, chiếm địa vị trước đây thuộc Antiochus IV?

5 Thiên sứ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời tiên tri: “Bấy giờ có một vua khác sẽ nối ngôi người [Antiochus IV], sai kẻ bức-hiếp đi qua nơi vinh-hiển của nước [“vương quốc huy hoàng”, NW]; nhưng trong mấy ngày người sẽ phải bại-hoại, chẳng vì cơn giận-dữ hay trận chiến-tranh nào cả”. (Đa-ni-ên 11:20) Vua “nối ngôi” theo cách này chứng tỏ là Octavian, hoàng đế La Mã đầu tiên, từng nổi tiếng với danh Sê-sa Au-gút-tơ.—Xin xem “Một vua được tôn trọng, một vua bị khinh dể”, nơi trang 248.

6. (a) Một “kẻ bức-hiếp” đi qua “vương quốc huy hoàng” khi nào, và điều này quan trọng như thế nào? (b) Tại sao có thể nói là Au-gút-tơ chết “chẳng vì cơn giận-dữ hay trận chiến-tranh”? (c) Danh tánh của vua phương bắc có sự thay đổi nào?

6 “Vương quốc huy hoàng” của Au-gút-tơ bao gồm “đất vinh-hiển”—tỉnh Giu-đa của La Mã. (Đa-ni-ên 11:16) Vào năm 2 TCN, Au-gút-tơ gởi một “kẻ bức-hiếp” đi bằng cách ra chiếu chỉ ghi sổ, hay là kiểm tra dân số, có lẽ là để biết số dân, dùng trong mục tiêu thuế khóa và quân vụ. Vì lệnh này mà Giô-sép và Ma-ri phải đi về Bết-lê-hem để ghi sổ; kết quả là Chúa Giê-su sinh ra tại nơi đã được báo trước. (Mi-chê 5:1; Ma-thi-ơ 2:1-12) Vào tháng 8 năm 14 CN—“trong mấy ngày” hay là không bao lâu sau khi lệnh ghi sổ được ban ra—Au-gút-tơ băng hà lúc 76 tuổi, không phải bởi “vì cơn giận-dữ” của kẻ ám sát, cũng không phải trong “trận chiến-tranh” nhưng chết vì bệnh. Vua phương bắc đã thật sự đổi danh tánh! Vào lúc này, vua ấy trở thành Đế Quốc La Mã, và được tượng trưng bởi các hoàng đế.

‘KẺ ĐÁNG KHINH-DỂ DẤY LÊN’

7, 8. (a) Ai dấy lên đứng vào địa vị của Au-gút-tơ là vua phương bắc? (b) Tại sao người kế vị Au-gút-tơ Sê-sa được ‘tôn làm vua’ một cách bất đắc dĩ?

7 Thiên sứ tiên tri tiếp: “Lại có kẻ đáng khinh-dể lên thay vì vua đó [Au-gút-tơ], mà người ta không tôn người làm vua; nhưng người sẽ đến lúc yên-ổn, dùng lời siểm-nịnh mà mưu chiếm lấy nước. Những cơ-binh đầy tràn [“như nước lũ”, NW], sẽ bị thua và vỡ tan trước người, cả đến vua của sự giao-ước cũng vậy”—Đa-ni-ên 11:21, 22.

8 “Kẻ đáng khinh-dể” chính là Sê-sa Ti-be-rơ, con riêng của Livia, vợ thứ ba của Au-gút-tơ. (Xin xem “Một vua được tôn trọng, một vua bị khinh dể”, nơi trang 248). Au-gút-tơ không ưa người con ghẻ này vì có nhiều tính xấu và ông không muốn nó trở thành Sê-sa tương lai. Người ta “tôn người làm vua” một cách bất đắc dĩ, sau khi những người kế vị khác đều chết hết. Au-gút-tơ nhận Ti-be-rơ làm con nuôi vào năm 4 CN và cho làm người kế vị. Sau khi Au-gút-tơ chết, Ti-be-rơ lúc này 54 tuổi—kẻ đáng bị khinh dể—‘dấy lên’ nắm quyền là hoàng đế La Mã và vua phương bắc.

9. Ti-be-rơ đã “dùng lời siểm-nịnh mà mưu chiếm lấy nước” như thế nào?

9 Sách The New Encyclopædia Britannica (Tân bách khoa tự điển Anh Quốc) nói: “Ti-be-rơ chơi trò chính trị với Thượng Viện và không để cơ quan này bổ nhiệm ông làm hoàng đế đến gần một tháng [sau khi Au-gút-tơ chết]”. Ông nói với Thượng Viện rằng không ai, ngoại trừ Au-gút-tơ, có thể gánh vác được trọng trách cai trị Đế Quốc La Mã và ông yêu cầu các nghị sĩ tái lập nền cộng hòa bằng cách giao phó quyền hành cho một nhóm người thay vì cho một người. Sử gia Will Durant viết: “Không ai dám chấp nhận lời ông nói, Thượng Viện tìm cách lấy lòng ông cho tới khi ông chấp nhận quyền hành”. Durant viết tiếp: “Cả hai bên đóng kịch thật khéo. Ti-be-rơ muốn thể chế cộng hòa hoặc tìm cách nào đó để tránh né nó; Thượng Viện vừa sợ vừa ghét ông, nhưng không dám lập lại một nền cộng hòa như trước, dựa trên các nghị viện tối cao chỉ có trên lý thuyết. Do đó, Ti-be-rơ đã “dùng lời siểm-nịnh mà mưu chiếm lấy nước”.

10. ‘Cơ-binh như nước lũ bị vỡ tan’ như thế nào?

10 Còn về “những cơ-binh như nước lũ”—tức các lực lượng quân đội của các nước chung quanh—thiên sứ nói: ‘Chúng sẽ bị thua và vỡ tan’. Khi Ti-be-rơ trở thành vua phương bắc thì Germanicus Sê-sa, cháu ông, là tư lệnh đạo quân La Mã ở Sông Rhine. Vào năm 15 CN, Germanicus đem quân đi đánh người hùng của Đức là Arminius và thắng không đáng kể. Tuy nhiên, ông đã phải chịu thiệt hại nặng nề để đổi lấy sự chiến thắng nhỏ nhoi này, và sau đó Ti-be-rơ đã bãi bỏ các hoạt động quân sự tại Đức. Thay vì thế, ông cố ngăn chặn sự thống nhất của các bộ lạc Đức bằng cách cổ xúy nội chiến. Nói chung, Ti-be-rơ nghiêng về chính sách đối ngoại có tính cách tự vệ và chú trọng đến việc củng cố biên giới. Chính sách này tương đối thành công. Bằng cách này, “cơ-binh như nước lũ” bị kiềm chế và “vỡ tan”.

11. ‘Vua của sự giao-ước bị vỡ tan’ như thế nào?

11 Cũng nằm trong số bị “vỡ tan” là “vua của sự giao-ước” mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã lập với Áp-ra-ham để ban phước cho toàn thể gia đình trên đất. Chúa Giê-su Christ là Dòng Dõi của Áp-ra-ham được hứa trong giao ước đó. (Sáng-thế Ký 22:18; Ga-la-ti 3:16) Vào ngày 14 tháng Ni-san năm 33 CN, Chúa Giê-su đứng trước Bôn-xơ Phi-lát trong dinh tổng đốc La Mã ở Giê-ru-sa-lem. Các thầy tế lễ Do Thái tố cáo Chúa Giê-su tội phản nghịch hoàng đế. Nhưng Chúa Giê-su nói với Phi-lát: “Nước của ta chẳng phải thuộc về thế-gian nầy... Nước ta chẳng thuộc về hạ-giới”. Để quan tổng đốc La Mã không thể nào tha Chúa Giê-su, một người vô tội, người Do Thái la lên: “Ví bằng quan tha người nầy, thì quan không phải là trung-thần của Sê-sa; vì hễ ai tự xưng là vua, ấy là xướng lên nghịch cùng Sê-sa vậy!” Sau khi la hét đòi xử tử Chúa Giê-su, họ nói: “Chúng tôi không có vua khác, chỉ Sê-sa mà thôi”. Theo luật “bất khả xâm phạm hoàng đế” mà Ti-be-rơ đã nới rộng bao hàm mọi xúc phạm đến Sê-sa, Phi-lát giao Chúa Giê-su để bị “vỡ tan”, tức bị đóng đinh trên cây khổ hình.—Giăng 18:36; 19:12-16; Mác 15:14-20.

MỘT BẠO CHÚA ‘LẬP MƯU’

12. (a) Ai lập hòa ước với Ti-be-rơ? (b) Ti-be-rơ trở nên “mạnh bởi một dân ít người” như thế nào?

12 Thiên sứ tiếp tục tiên tri về Ti-be-rơ: “Dầu có lập hòa-ước với vua-kia, người cũng làm việc cách dối-trá; đem quân đến và được mạnh bởi một dân ít người”. (Đa-ni-ên 11:23) Các nghị viên của Thượng Viện La Mã, dựa vào hiến pháp, đã “lập hòa-ước” với Ti-be-rơ, và trên hình thức, ông tùy thuộc họ. Nhưng ông đã lừa dối, và lại còn trở nên “mạnh bởi một dân ít người”. Dân ít người hay nước nhỏ bé ấy chính là Đạo Quân Cận Vệ La Mã đóng gần tường thành Rô-ma. Việc trại lính kề cận khiến Thượng Viện sợ và giúp cho Ti-be-rơ kiểm soát được bất cứ sự nổi dậy nào của dân chúng chống lại quyền hành của ông. Do đó, nhờ khoảng 10.000 lính cận vệ, Ti-be-rơ được vững mạnh.

13. Bằng cách nào Ti-be-rơ vượt xa tổ phụ ông?

13 Thiên sứ tiên tri thêm: “Người sẽ nhân lúc yên-ổn chiếm lấy các khu đất tốt nhứt trong tỉnh, và sẽ làm điều mà tổ-phụ và liệt-tổ người chưa hề làm; lấy những đồ đã cướp đã giựt được và của-cải mà chia cho những người theo mình; lập mưu đánh các đồn-lũy, nhưng chỉ trong một thì mà thôi”. (Đa-ni-ên 11:24) Ti-be-rơ cực kỳ đa nghi, và trong triều đại của ông toàn là lệnh hạ sát. Tình trạng này phần lớn là do ảnh hưởng của Sejanus, chỉ huy trưởng Đạo Quân Cận Vệ; những ngày cuối của triều đại ông được đánh dấu bằng sự kinh hoàng. Cuối cùng, chính Sejanus cũng bị ngờ vực và bị hành quyết. Ti-be-rơ vượt xa tổ phụ ông trong việc áp bức dân chúng.

14. (a) Ti-be-rơ chia “những đồ đã cướp đã giựt được và của-cải” cho khắp các tỉnh La Mã như thế nào? (b) Người ta coi Ti-be-rơ như thế nào vào lúc ông chết?

14 Tuy nhiên, Ti-be-rơ chia “những đồ đã cướp đã giựt được và của-cải” cho khắp các tỉnh La Mã. Vào lúc ông chết, toàn thể thần dân của ông sống trong thịnh vượng. Ông đánh thuế nhẹ, và ông rộng lượng với dân chúng sống trong các vùng gặp thời kỳ khó khăn. Nếu quân lính hay công chức áp bức bất cứ ai hoặc đối xử bất công, họ sẽ không tránh khỏi sự trừng phạt của hoàng đế. Một sự cầm quyền vững chắc như vậy đã duy trì được an ninh công cộng, và một hệ thống thông tin được cải thiện giúp ích cho nền thương mại. Ti-be-rơ lo sao cho mọi công chuyện đều được quản lý một cách công bằng và đồng đều trong và ngoài La Mã. Luật pháp được hoàn chỉnh; các tiêu chuẩn về xã hội và đạo đức được nâng cao bằng cách khai triển những cải cách đã được Au-gút-tơ Sê-sa lập ra. Tuy vậy, Ti-be-rơ đã ‘lập mưu’, nên sử gia La Mã là Tacitus tả ông là người giả hình, có tài đóng kịch. Tới lúc Ti-be-rơ chết vào tháng 3 năm 37 CN, người ta coi ông là một bạo chúa.

15. Vào cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ hai CN, La Mã thành công như thế nào?

15 Những người kế vị Ti-be-rơ đóng vai trò vua phương bắc gồm cả Gai-út Sê-sa (Caligula), Cơ-lốt I, Nê-rô, Vespasian, Titus, Domitian, Nerva, Trajan và Hadrian. Cuốn The New Encyclopædia Britannica nói: “Nói chung, những người kế vị Au-gút-tơ tiếp tục chính sách cai trị và chương trình xây cất của ông; họ có ít sáng kiến nhưng phô trương thì nhiều”. Cuốn bách khoa trên cũng cho biết thêm: “Vào cuối thế kỷ thứ nhất và đầu thế kỷ thứ hai, La Mã đạt đến tột đỉnh về sự cường thịnh và dân số”. Mặc dù trong thời gian này, La Mã gặp một số khó khăn về biên giới của đế quốc, nhưng sự đối địch đầu tiên với vua phương nam, như đã được tiên tri, không xảy ra cho tới thế kỷ thứ ba CN.

HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG ĐỂ ĐÁNH VUA PHƯƠNG NAM

16, 17. (a) Ai chiếm vai trò vua phương bắc được nói đến nơi Đa-ni-ên 11:25? (b) Ai chiếm được địa vị vua phương nam, và điều này xảy ra như thế nào?

16 Thiên sứ của Đức Chúa Trời tiếp tục tiên tri như sau: “Y [vua phương bắc] sẽ huy động lực lượng và can đảm đánh vua phương Nam với một đạo binh lớn. Vua phương Nam cũng dấy binh sung trận với một đạo binh lớn, hùng hậu quá đỗi. Nhưng ông [vua phương bắc] sẽ không cầm cự được, vì người ta mưu phản ông. Và những kẻ ăn thịnh soạn của nhà vua sẽ bẻ gãy thế lực ông. Đạo binh của ông sẽ bị lút tràn. Thây ma ngã gục ngổn ngang”.—Đa-ni-ên 11:25, 26, Nguyễn thế Thuấn.

17 Khoảng 300 năm sau khi Octavian biến Ê-díp-tô thành một tỉnh của La Mã, Hoàng Đế La Mã là Aurelian đảm nhiệm vai trò vua phương bắc. Trong thời gian đó, Nữ Hoàng Septimia Zenobia của Palmyra, thuộc địa của La Mã, đóng vai trò vua phương nam. * (Xin xem “Zenobia—Nữ Hoàng và Chiến Sĩ của Palmyra”, nơi trang 252). Đạo quân của Palmyra chiếm đóng Ê-díp-tô vào năm 269 CN dưới chiêu bài bảo vệ an ninh cho La Mã. Zenobia muốn biến Palmyra thành đô thị nổi bật ở đông phương và muốn cai trị các tỉnh phía đông thuộc La Mã. Lo sợ trước tham vọng của bà, Aurelian huy động “lực lượng và can đảm” đi đánh Zenobia.

18. Cuộc xung đột giữa Hoàng Đế Aurelian, vua phương bắc, và Nữ Hoàng Zenobia, vua phương nam, đưa đến kết quả nào?

18 Là một thực thể chính trị do Zenobia đứng đầu, vua phương nam “dấy binh” tranh chiến với vua phương bắc “với một đạo binh lớn, hùng hậu quá đỗi” dưới quyền chỉ huy của hai tướng Zabdas và Zabbai. Nhưng Aurelian chiếm được Ê-díp-tô, rồi xua quân như vũ bão vào Tiểu Á và Sy-ri. Zenobia bị đánh bại ở Emesa (nay là Homs), và từ nơi đây bà rút về Palmyra. Khi Aurelian bao vây thành đó, Zenobia chống cự kịch liệt để bảo vệ thành nhưng vẫn thất bại. Bà và con trai trốn về phía Phe-rơ-sơ, nhưng bị quân La Mã bắt được tại Sông Ơ-phơ-rát. Thành Palmyra đầu hàng vào năm 272 CN. Aurelian tha không giết Zenobia, và dùng bà như chiến tích trong cuộc diễu hành chiến thắng qua thành Rô-ma năm 274 CN. Bà sống cuộc đời còn lại như một mệnh phụ La Mã.

19. Aurelian đổ ‘vì người ta mưu phản ông’ như thế nào?

19 Còn chính Aurelian cũng ‘không cầm cự được, vì người ta mưu phản ông’. Vào năm 275 CN, ông đem quân đánh Phe-rơ-sơ. Trong lúc ở Thrace chờ cơ hội băng qua eo biển để vào Tiểu Á, ông bị những kẻ ‘ăn đồ ăn của ông’ mưu hại, “bẻ gãy thế lực” ông. Ông đang dự định trừng phạt Eros, thư ký của ông, vì hạnh kiểm bất lương. Tuy nhiên, Eros giả mạo một danh sách các sĩ quan sắp bị hành quyết. Khi thấy được danh sách này, các sĩ quan liền lập mưu ám sát và giết Aurelian.

20. “Đạo binh” của vua phương bắc bị “lút tràn” như thế nào?

20 Sự nghiệp của vua phương bắc không chấm dứt với cái chết của Hoàng Đế Aurelian, nhưng được tiếp tục bởi các vua La Mã khác. Có một thời, bên tây và bên đông, mỗi bên có một hoàng đế. Dưới sự cai trị của các vua này, “đạo binh” của vua phương bắc bị “lút tràn”, hay “tản mát”, * và nhiều người “ngã gục ngổn ngang” vì sự xâm lăng của các bộ lạc Đức từ phía bắc. Dân Goth đã chọc thủng biên giới La Mã vào thế kỷ thứ tư CN. Rồi từ đó, hết cuộc xâm lăng này đến cuộc xâm lăng khác. Vào năm 476 CN, lãnh tụ Odoacer của Đức truất ngôi hoàng đế cuối cùng của La Mã. Tới đầu thế kỷ thứ sáu, Đế Quốc La Mã về phía tây bị vỡ tan, và các vua nước Đức cai trị Bắc Phi, Britannia, Gaul, Tây Ban Nha và Ý. Phần phía đông của đế quốc còn tồn tại đến thế kỷ 15.

VƯƠNG QUỐC VĨ ĐẠI BỊ PHÂN CHIA

21, 22. Constantine đã đem lại sự thay đổi nào vào thế kỷ thứ tư CN?

21 Sự tan vỡ của Đế Quốc La Mã kéo dài qua nhiều thế kỷ, và thiên sứ của Đức Giê-hô-va không cho biết những chi tiết không cần thiết về sự tan vỡ này. Thiên sứ tiếp tục tiên tri về các hoạt động khác của vua phương bắc và vua phương nam. Tuy nhiên, việc duyệt sơ lại một số diễn biến trong Đế Quốc La Mã sẽ giúp chúng ta nhận diện được hai vua thù nghịch vào những thời kỳ sau này.

22 Vào thế kỷ thứ tư, Hoàng Đế La Mã Constantine công nhận tôn giáo bội đạo tự xưng theo Đấng Christ là quốc giáo. Thậm chí ông còn triệu tập và chủ tọa hội nghị của giáo hội tại Nicaea, Tiểu Á, vào năm 325 CN. Sau đó, Constantine dời tư dinh hoàng đế từ Rô-ma đến Byzantium, hay là Constantinople, và lập thành phố này là tân thủ đô của ông. Đế Quốc La Mã tiếp tục dưới sự cai trị của một hoàng đế đơn độc cho tới khi Hoàng Đế Theodosius I chết vào ngày 17 tháng 1 năm 395 CN.

23. (a) Sự phân chia Đế Quốc La Mã xảy ra như thế nào sau khi Theodosius chết? (b) Đế Quốc La Mã phía Đông chấm dứt khi nào? (c) Ai cai trị Ê-díp-tô vào năm 1517?

23 Sau khi Theodosius chết, Đế Quốc La Mã bị phân chia cho các con của ông. Honorius được phần phía tây, và Arcadius được phần phía đông với thủ đô là Constantinople. Bắc Phi, Britannia, Gaul, Ý, và Tây Ban Nha nằm trong số những tỉnh thuộc phía tây. Macedonia, Thrace, Tiểu Á, Sy-ri, và Ê-díp-tô là những tỉnh thuộc phía đông. Vào năm 642 CN, thủ đô A-léc-xan-tri của Ê-díp-tô rơi vào tay người Saracen (Ả-rập), và Ê-díp-tô trở thành một tỉnh của các lãnh tụ Hồi Giáo. Vào tháng Giêng năm 1449, Constantine XI trở thành hoàng đế cuối cùng của đế quốc phía đông. Những người Ottoman ở vùng Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền chỉ huy của Vua Mehmed II chiếm được Constantinople vào ngày 29-5-1453, chấm dứt Đế Quốc La Mã phía Đông. Ê-díp-tô trở thành một tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1517. Dù vậy, với thời gian, phần đất của vua phương nam xưa đã rơi vào vòng cai trị của đế quốc khác đến từ phía tây.

24, 25. (a) Theo một số sử gia, điều gì đánh dấu sự khởi đầu của Đế Quốc La Mã Thánh? (b) Cuối cùng điều gì xảy ra cho tước hiệu “hoàng đế” của Đế Quốc La Mã Thánh?

24 Về cánh phía tây của Đế Quốc La Mã, nổi lên một giám mục Công Giáo đáng chú ý tại Rô-ma; đó là Giáo Hoàng Leo I, người nổi tiếng vì đã mạnh dạn công bố thẩm quyền của giáo hoàng vào thế kỷ thứ năm CN. Cuối cùng, giáo hoàng tự cho mình quyền tấn phong hoàng đế phần đất phía tây. Điều này xảy ra tại Rô-ma vào ngày Lễ Giáng Sinh năm 800 CN, khi Giáo Hoàng Leo III tấn phong cho Vua Charles (Charlemagne) của dân Frank làm hoàng đế của tân Đế Quốc La Mã phía Tây. Sự tấn phong này làm sống lại chức hoàng đế tại Rô-ma và, theo một số sử gia, nó đánh dấu sự bắt đầu của Đế Quốc La Mã Thánh. Từ đó trở đi, Đế Quốc phía Đông và Đế Quốc La Mã Thánh về phía tây cùng hiện hữu và cả hai đều tự nhận là theo đạo Đấng Christ.

25 Với thời gian trôi qua, những người kế vị Charlemagne tỏ ra là những vua bất lực. Thậm chí có một thời chức hoàng đế bị bỏ trống. Trong thời gian đó, Vua Otto I của Đức đã kiểm soát được phần lớn miền bắc và miền trung nước Ý. Ông tự tuyên bố là vua nước Ý. Vào ngày 2 tháng 2 năm 962 CN, Giáo Hoàng John XII phong Otto I làm hoàng đế của Đế Quốc La Mã Thánh. Đế quốc có thủ đô ở Đức, và hoàng đế cũng như phần lớn thần dân đều là người Đức. Năm thế kỷ sau, hoàng gia Hapsburg của Áo chiếm được tước hiệu “hoàng đế” và duy trì mãi cho đến khi Đế Quốc La Mã Thánh suy tàn.

HAI VUA ĐƯỢC NHẬN DIỆN RÕ RÀNG MỘT LẦN NỮA

26. (a) Người ta có thể nói gì về sự chấm dứt của Đế Quốc La Mã Thánh? (b) Ai nổi lên làm vua phương bắc?

26 Napoléon I giáng cho Đế Quốc La Mã Thánh một đòn chí tử khi ông từ chối thừa nhận đế quốc này sau khi ông chiến thắng tại Đức vào năm 1805. Vì không thể bảo vệ vương miện, Francis II từ chức hoàng đế La Mã vào ngày 6-8-1806, và lui về quốc gia mình làm hoàng đế Áo. Sau 1.006 năm, Đế Quốc La Mã Thánh—được thành lập bởi Leo III, một Giáo Hoàng Công Giáo La Mã, và Charlemagne, vua nước Frank—đi tới chỗ chấm dứt. Vào năm 1870, Rô-ma trở thành thủ đô của Ý, độc lập với Vatican. Vào năm sau, đế quốc Đức khởi đầu với Wilhelm I được phong làm sê-sa, hay hoàng đế. Do đó, vua phương bắc tân thời là Đức xuất hiện trên sân khấu thế giới.

27. (a) Ê-díp-tô trở thành một thuộc địa của Anh Quốc như thế nào? (b) Nước nào chiếm địa vị vua phương nam?

27 Còn về danh tánh của vua phương nam tân thời thì sao? Lịch sử cho thấy Anh Quốc nắm được quyền hoàng đế vào thế kỷ 17. Vì muốn phá vỡ tuyến đường thương mại của Anh, Napoléon I xâm chiếm Ê-díp-tô vào năm 1798. Chiến tranh bùng nổ, và liên minh Anh Quốc-Ottoman đã buộc Pháp rút lui khỏi Ê-díp-tô, một nước được nhận diện là vua phương nam ngay từ lúc đầu của cuộc xung đột. Trong thế kỷ kế tiếp, ảnh hưởng của Anh Quốc tại Ê-díp-tô gia tăng. Từ năm 1882, Ê-díp-tô thực sự là một nước phụ thuộc của Anh Quốc. Khi Thế Chiến I bùng nổ vào năm 1914, Ê-díp-tô trực thuộc Thổ Nhĩ Kỳ và do một phó vương, hay tổng đốc của nước này cai trị. Tuy nhiên, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đồng minh với Đức trong thế chiến, Anh Quốc cách chức tổng đốc ấy và tuyên bố Ê-díp-tô là một thuộc địa của Anh. Mối liên hệ càng ngày càng chặt chẽ, Anh Quốc và Hoa Kỳ trở thành Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ, và cùng nhau chiếm địa vị vua phương nam.

[Chú thích]

^ đ. 17 Vì danh xưng “vua phương bắc” và “vua phương nam” là những tước hiệu nên chúng ám chỉ bất cứ thực thể chính trị nào gồm cả vua, nữ hoàng hay một khối quốc gia.

^ đ. 20 Xin xem cước chú câu Đa-ni-ên 11:26 trong bản dịch New World Translation of the Holy Scriptures—With References, do Hội Tháp Canh xuất bản.

BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?

• Hoàng đế La Mã nào dấy lên đầu tiên làm vua phương bắc, và ông sai “kẻ bức-hiếp” đi khi nào?

• Ai chiếm địa vị vua phương bắc sau Au-gút-tơ, và ‘vua của sự giao-ước bị vỡ tan’ như thế nào?

• Cuộc xung đột giữa Aurelian, vua phương bắc, và Zenobia, vua phương nam, đưa đến kết quả nào?

• Sau này điều gì xảy ra cho Đế Quốc La Mã, và những cường quốc nào chiếm vị trí của hai vua vào cuối thế kỷ 19?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 248-251]

MỘT VUA ĐƯỢC TÔN TRỌNG, MỘT VUA BỊ KHINH DỂ

MỘT người đã biến một cộng hòa đầy xung đột thành một đế quốc thế giới. Người kia làm cho đế quốc giàu gấp 20 lần trong vòng 23 năm. Lúc chết, một người được tôn trọng, còn người kia bị khinh dể. Đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su nằm trong triều đại của hai hoàng đế La Mã này. Họ là ai? Và tại sao một người được tôn trọng còn một người lại không?

“RÔ-MA BẰNG GẠCH LÚC ÔNG ĐẾN; BẰNG CẨM THẠCH LÚC ÔNG ĐI”

Khi Giu-lơ Sê-sa bị ám sát vào năm 44 TCN thì Gaius Octavian, cháu nội của chị ông, mới 18 tuổi. Là con nuôi và đồng thời là người kế vị chính của Giu-lơ Sê-sa, chàng trai trẻ Octavian đến Rô-ma ngay để nhận di sản. Tại đây, ông gặp phải một địch thủ lợi hại—đó là Mark Antony, phụ tá trưởng của Sê-sa cũng nuôi hy vọng là người thừa kế chính. Âm mưu chính trị và tranh giành quyền lực giữa hai người kéo dài tới 13 năm.

Chỉ sau khi đánh bại lực lượng hỗn hợp của Cleopatra, Nữ Hoàng Ê-díp-tô, và người tình của bà là Mark Antony (vào năm 31 TCN), Octavian mới nổi bật là vua duy nhất của Đế Quốc La Mã. Năm sau, Antony và Cleopatra tự vẫn, và Octavian sáp nhập luôn cả Ê-díp-tô. Vết tích cuối cùng của Đế Quốc Hy Lạp bị xóa bỏ, và La Mã trở thành cường quốc thế giới.

Vì nhớ lại Giu-lơ Sê-sa bị ám sát là vì chuyên quyền nên Octavian cẩn thận tránh lỗi lầm ấy. Để không làm tổn thương tình cảm của dân La Mã vốn thiên về một cộng hòa, ông đã mặc cho chế độ quân chủ của ông một cái áo cộng hòa. Ông từ chối nhận tước hiệu “vua” và “toàn quyền”. Tiến thêm một bước nữa, ông tuyên bố ý định trao quyền kiểm soát toàn thể các tỉnh cho Thượng Viện La Mã và sẽ từ chức. Thủ đoạn này thành công. Tán thưởng hành động của ông, Thượng Viện yêu cầu Octavian ở lại chức vụ và cai trị một số tỉnh.

Ngoài ra, vào ngày 16 tháng 1 năm 27 TCN, Thượng Viện ban cho Octavian tước hiệu “Au-gút-tơ”, nghĩa là “Cao Cả và Thiêng Liêng”. Octavian không những chấp nhận tước hiệu đó mà còn đặt lại tên một tháng theo tên mình và mượn một ngày từ tháng Hai để tháng Tám có cùng số ngày như tháng Bảy, tháng mang tên Giu-lơ Sê-sa. Do đó, Octavian trở thành hoàng đế đầu tiên của đế quốc La Mã và từ đó về sau nổi tiếng với danh Sê-sa Au-gút-tơ hay “Ngài Cao Cả”. Sau này ông cũng chiếm luôn danh hiệu “pontifex maximus” (thầy tế lễ thượng phẩm), và vào năm 2 TCN—năm Chúa Giê-su sinh ra—Thượng Viện cho ông tước hiệu Pater Patriae tức là “Người Cha của Tổ Quốc”.

Trong cùng năm đó, “Sê-sa Au-gút-tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên-hạ... Ai nấy đều đến thành mình khai tên vào sổ”. (Lu-ca 2:1-3) Chiếu chỉ này đưa đến kết quả là Chúa Giê-su sinh ra tại Bết-lê-hem, làm ứng nghiệm lời tiên tri của Kinh Thánh.—Đa-ni-ên 11:20; Mi-chê 5:1.

Chính quyền dưới sự lãnh đạo của Au-gút-tơ cai trị khá lương thiện và tiền tệ ổn định dưới triều đại của ông. Au-gút-tơ cũng thiết lập một hệ thống bưu điện hữu hiệu và xây cất đường xá và cầu cống. Ông tái tổ chức quân đội, thiết lập một hải lực thường trực, và thành lập một toán cận vệ tinh nhuệ cho hoàng đế có tên là Đạo Quân Cận Vệ. (Phi-líp 1:13) Dưới sự bảo trợ của ông, nhiều văn hào như Virgil và Horace sáng tác nhiều văn phẩm và nhiều nhà điêu khắc thực hiện được những công trình tuyệt mỹ mà ngày nay được gọi là nghệ thuật cổ điển. Au-gút-tơ hoàn tất các công trình xây cất dở dang mà Giu-lơ Sê-sa để lại và tái thiết nhiều đền thờ. Phong trào Pax Romana (“Hòa Bình Rô-ma”) do ông sáng lập tồn tại hơn 200 năm. Vào ngày 19 tháng 8 năm 14 CN, Au-gút-tơ chết lúc 76 tuổi và sau đó được phong thánh.

Au-gút-tơ tự hào là “Rô-ma bằng gạch lúc ông đến; bằng cẩm thạch lúc ông đi”. Vì không muốn La Mã trở lại những ngày đầy xung đột của chế độ cộng hòa cũ, ông có ý chuẩn bị cho hoàng đế kế vị. Nhưng về người kế vị, sự lựa chọn của ông thật giới hạn. Cháu trai, hai cháu ngoại, một con rể, và một con ghẻ, tất cả đều chết, chỉ còn lại Ti-be-rơ, con ghẻ ông lên nối nghiệp mà thôi.

“KẺ ĐÁNG KHINH-DỂ”

Sau khi Au-gút-tơ chết được gần một tháng, Thượng Viện La Mã bổ nhiệm Ti-be-rơ, 54 tuổi, làm hoàng đế. Ti-be-rơ sống và cai trị tới tháng 3 năm 37 CN. Vì vậy, ông là hoàng đế của La Mã trong suốt thời gian Chúa Giê-su làm thánh chức.

Là một hoàng đế, Ti-be-rơ có những tính tốt lẫn sự tồi bại. Một trong các tính tốt của ông là không thích tiêu xài xa hoa. Nhờ vậy, đế quốc được thịnh vượng và ông có ngân khoản giúp dân chúng hồi phục sau mỗi tai ương và thời kỳ khó khăn. Ti-be-rơ đáng khen ở chỗ ông coi mình chỉ là một người; ông từ chối những tước hiệu vinh dự, và thường hướng sự thờ phượng hoàng đế tới Au-gút-tơ thay vì chính mình. Ông không lấy tên mình đặt tên cho một tháng như Au-gút-tơ và Giu-lơ Sê-sa đã làm, ông cũng không cho phép người ta tôn vinh ông theo cách đó.

Tuy nhiên, sự tồi bại của Ti-be-rơ lại vượt quá nhân đức của ông. Ông nghi ngờ và giả hình tột độ khi giao dịch với người khác, và triều đại của ông đầy dẫy lệnh hạ sát. Trong số nạn nhân, có nhiều bạn hữu của ông. Ông nới rộng luật lèse-majesté (xúc phạm hoàng đế) để bao gồm không những các hành động xúi giục nổi loạn mà còn cả các lời nói phỉ báng cá nhân ông nữa. Hình như người Do Thái dựa vào sức mạnh của luật này để gây áp lực cho quan Tổng Đốc La Mã là Bôn-xơ Phi-lát giết Chúa Giê-su.—Giăng 19:12-16.

Ti-be-rơ tập trung Đạo Quân Cận Vệ gần Rô-ma bằng cách xây một doanh trại kiên cố về phía bắc tường thành. Sự có mặt của Quân Cận Vệ là một sự thị uy đối với Thượng Viện vốn là một sự đe dọa cho quyền hành của ông, đồng thời giúp kiểm soát được bất cứ hành động gây rối nào của dân chúng. Ti-be-rơ cũng cho lập hệ thống chỉ điểm, và những ngày cuối của triều đại ông được đánh dấu bằng sự kinh hoàng.

Vào lúc chết, người ta coi Ti-be-rơ là một bạo chúa. Khi ông chết, dân La Mã vui mừng và Thượng Viện từ chối phong thánh ông. Vì những lý do này và các lý do khác, chúng ta thấy lời tiên tri được ứng nghiệm nơi Ti-be-rơ khi nói rằng “kẻ đáng khinh-dể” sẽ nổi lên làm “vua phương bắc”.—Đa-ni-ên 11:15, 21.

BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?

• Octavian trở thành hoàng đế đầu tiên của La Mã như thế nào?

• Người ta có thể nói gì về công trạng của chính quyền của Au-gút-tơ?

• Ti-be-rơ có những tính tốt và sự tồi bại nào?

• Lời tiên tri về “kẻ đáng khinh-dể” được ứng nghiệm nơi Ti-be-rơ như thế nào?

[Hình]

Ti-be-rơ

[Khung/​Hình nơi trang 252-255]

ZENOBIA—NỮ HOÀNG VÀ CHIẾN SĨ CỦA PALMYRA

“NƯỚC da bà ngăm đen... Hàm răng trắng như ngọc trai, và cặp mắt to đen láy, phát ra ánh long lanh lạ thường, nhưng dịu đi nhờ sự ngọt ngào đầy quyến rũ của bà. Giọng nói oang oang và nhịp nhàng. Sự hiểu biết của bà sâu rộng chẳng kém người nam nào, được trau dồi thêm nhờ học hỏi. Bà biết tiếng La-tinh, thông thạo tiếng Hy Lạp, A-ram và Ê-díp-tô”. Đó là những lời khen ngợi mà sử gia Edward Gibbon dành cho Zenobia—nữ hoàng và chiến sĩ của thành Palmyra nước Sy-ri.

Chồng của Zenobia là nhà quí tộc Odaenathus, người thành Palmyra. Vào năm 258 CN, ông được ân thưởng cấp bậc quan chấp chính tối cao của La Mã, vì đã thành công trong việc điều động chiến dịch chống Ba Tư nhân danh Đế Quốc La Mã. Hai năm sau, Odaenathus được Hoàng Đế La Mã Gallienus ban cho tước hiệu corrector totius Orientis (toàn quyền Phương Đông). Đây là phần thưởng cho công trạng chiến thắng Shāpūr I, vua của Ba Tư. Dần dần Odaenathus tự cho mình tước hiệu “vua của các vua”. Lòng can đảm và sự sáng suốt của Zenobia đã đóng góp rất nhiều vào sự thành công của Odaenathus.

ZENOBIA KHAO KHÁT MUỐN LẬP MỘT ĐẾ QUỐC

Vào năm 267 CN, trong lúc sự nghiệp lên tới tột đỉnh, Odaenathus và trưởng nam của ông bị ám sát. Zenobia lên nắm quyền thay chồng, vì con còn quá nhỏ. Vừa đẹp, có tham vọng, vừa là một nhà cai trị có khả năng từng quen điều khiển với chồng trong các chiến dịch và lại thông thạo nhiều thứ tiếng nữa, bà được dân chúng kính trọng và ủng hộ. Zenobia ham học và quanh bà toàn là giới trí thức. Một trong những cố vấn của bà là triết gia kiêm nhà tu từ học Cassius Longinus mà người ta nói là “một thư viện sống và một bảo tàng viện di động”. Trong cuốn sách Palmyra and Its Empire—Zenobia’s Revolt Against Rome (Đế quốc Palmyra—Cuộc nổi dậy của Zenobia chống lại La Mã), tác giả Richard Stoneman ghi nhận: “Trong vòng năm năm sau khi Odaenathus chết..., Zenobia đã củng cố được địa vị là bà chúa của Phương Đông trong trí của người dân”.

Lãnh địa của Zenobia nằm giữa một bên là Ba Tư mà bà và chồng bà đã làm cho tê liệt, và phía bên kia là La Mã đang suy sụp. Về tình trạng Đế Quốc La Mã vào thời đó, sử gia J. M. Roberts cho biết: “Thế kỷ thứ ba... là một giai đoạn cực kỳ khó khăn cho La Mã ở biên giới phía đông cũng như phía tây, trong khi ngay trên phần đất nhà, bắt đầu có nội chiến và sự tranh giành quyền kế vị. Hai mươi hai hoàng đế (không kể những kẻ giả mạo) thay nhau lên cai trị”. Mặt khác, bà chúa Sy-ri là nữ hoàng một vương quốc chuyên chế, vững chắc trong lãnh thổ của bà. Stoneman nhận xét: “Nhờ kiểm soát được sự thăng bằng giữa hai đế quốc [Ba Tư và La Mã], bà có điều kiện để khao khát thành lập một đế quốc thứ ba thống trị cả hai đế quốc kia”.

Vào năm 269 CN, một cơ hội đến với Zenobia để mở rộng vương quyền khi một kẻ tranh ngôi vua La Mã nổi lên ở Ê-díp-tô. Quân của Zenobia ào ạt tiến vào Ê-díp-tô, dẹp tan kẻ phản loạn và chiếm được nước này. Tự tuyên bố mình là nữ hoàng Ê-díp-tô, bà cho đúc đồng tiền mang tên bà. Vương quốc của bà bây giờ trải dài từ sông Ni-lơ tới sông Ơ-phơ-rát. Chính vào thời điểm này trong đời, Zenobia đóng vai trò “vua phương nam”.—Đa-ni-ên 11:25, 26.

KINH ĐÔ CỦA ZENOBIA

Zenobia củng cố và tô điểm kinh đô Palmyra của bà đến độ thành phố này được xếp ngang hàng với các thành phố lớn hơn trong thế giới La Mã. Dân số ước lượng hơn 150.000 người. Công ốc, đền thờ, công viên, trụ đài và đài kỷ niệm lộng lẫy đầy dẫy trong thành Palmyra. Thành có tường bao bọc và người ta nói chu vi thành khoảng 21 kilômét. Dọc theo hai bên đại lộ chính có khoảng 1.500 trụ đài kiểu Cô-rinh-tô cao hơn 15 mét. Tượng và tượng bán thân của các anh hùng và các ân nhân giàu có nhan nhản khắp thành. Và vào năm 271 CN, Zenobia cho dựng lên tượng của bà và của người chồng quá cố.

Đền Thờ Mặt Trời là một trong những kiến trúc mỹ thuật nhất ở Palmyra và hiển nhiên chiếm ưu thế trong khung cảnh tôn giáo của thành. Còn Zenobia, rất có thể bà thờ một thần liên hệ đến thần mặt trời. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ ba, Sy-ri là xứ có nhiều tôn giáo. Trong lãnh địa của Zenobia, có những người theo đạo Đấng Christ, đạo Do Thái và những người thờ mặt trời và mặt trăng. Bà có thái độ gì về các hình thức thờ phượng khác nhau này? Tác giả Stoneman nhận xét: “Một nhà cai trị khôn ngoan sẽ không thờ ơ với bất cứ phong tục nào xem ra thích hợp với dân của mình... Người ta hy vọng là các thần đã được tập hợp bên phía Palmyra”. Rõ ràng Zenobia khoan dung về phương diện tôn giáo.

Với cá tính hấp dẫn, Zenobia thu phục được lòng nhiều người. Dù vậy, điều quan trọng nhất là vai trò của bà tiêu biểu cho thực thể chính trị được nói trước trong lời tiên tri của Đa-ni-ên. Tuy nhiên, triều đại của bà kéo dài không quá năm năm. Hoàng Đế La Mã Aurelian đánh bại Zenobia vào năm 272 CN và cuối cùng phá tan hoang thành Palmyra đến độ không còn sửa chữa được nữa. Zenobia được ân xá. Người ta nói là bà đã kết hôn với một nghị sĩ La Mã và có lẽ sống hưu trí trong suốt cuộc đời còn lại.

BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?

• Cá tính của Zenobia được mô tả như thế nào?

• Một số thành tích của Zenobia là gì?

• Zenobia có thái độ nào về tôn giáo?

[Hình]

Nữ hoàng Zenobia nói với lính của bà

[Biểu đồ/​Các hình nơi trang 246]

CÁC VUA NƠI ĐA-NI-ÊN 11:20-26

Vua Vua

Phương Bắc Phương Nam

Đa-ni-ên 11:20 Au-gút-tơ

Đa-ni-ên 11:21-24 Ti-be-rơ

Đa-ni-ên 11:25, 26 Aurelian Nữ Hoàng Zenobia

Sự tan vỡ của Đế Quốc Đức Anh và sau đó là

Đế Quốc La Mã Cường Quốc

như đã được tiên Thế Giới

tri dẫn đến sự Anh-Mỹ

hình thành

[Hình]

Ti-be-rơ

[Hình]

Aurelian

[Hình]

Tượng nhỏ Charlemagne

[Hình]

Au-gút-tơ

[Hình]

Chiến hạm Anh Quốc vào thế kỷ 17

[Trang hình ảnh nơi trang 230]

[Hình nơi trang 233]

Au-gút-tơ

[Hình nơi trang 234]

Ti-be-rơ

[Hình nơi trang 235]

Vì chiếu chỉ của Au-gút-tơ, Giô-sép và Ma-ri phải đi về Bết-lê-hem

[Hình nơi trang 237]

Như đã được báo trước, Chúa Giê-su bị “vỡ tan” trong sự chết

[Hình nơi trang 245]

1. Charlemagne 2. Napoleon I 3. Wilhelm I 4. Lính Đức, Thế Chiến I