Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự cuối cùng của các vua tranh chấp gần đến

Sự cuối cùng của các vua tranh chấp gần đến

Chương Mười Sáu

Sự cuối cùng của các vua tranh chấp gần đến

1, 2. Danh tánh của vua phương bắc thay đổi như thế nào sau thế chiến thứ hai?

VÀO năm 1835, triết gia kiêm sử gia Pháp là Alexis de Tocqueville nhận định như sau về bầu không khí chính trị của Hoa Kỳ và Nga Sô: “Một bên thì có tự do, coi như một phương tiện chính yếu để hành động; còn bên kia thì có nô lệ. Dù đường lối... của hai bên khác biệt, nhưng mỗi bên hình như được điều khiển bởi sự hoạch định bí mật nào đó của Thượng Đế nhằm một ngày kia nắm trong tay định mệnh của nửa thế giới”. Sự tiên đoán này đã tỏ ra chính xác như thế nào sau Thế Chiến II? Sử gia J. M. Roberts viết: “Thật vậy, vào cuối Thế Chiến II, định mệnh của thế giới cuối cùng dường như sẽ do hai hệ thống quyền lực vĩ đại và rất khác biệt kiểm soát, một hệ thống thuộc Nga, một hệ thống thuộc Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ”.

2 Trong hai thế chiến, Đức là kẻ thù chính của vua phương nam tức Cường Quốc Thế Giới Anh-Mỹ, và là nước đóng vai trò vua phương bắc. Tuy nhiên, sau Thế Chiến II, quốc gia đó bị phân chia. Tây Đức trở thành đồng minh của vua phương nam, và Đông Đức đồng minh với một thực thể hùng mạnh khác—đó là khối các nước Cộng Sản do Liên Bang Sô Viết lãnh đạo. Khối hay thực thể chính trị này đóng vai trò vua phương bắc, đối lập kịch liệt với liên minh Anh-Mỹ. Sự thù nghịch giữa hai vua trở thành một cuộc Chiến Tranh Lạnh kéo dài suốt từ năm 1948 đến năm 1989. Trước đó, vua phương bắc là Đức đã hành động “đối-địch cùng giao-ước thánh”. (Đa-ni-ên 11:28, 30) Khối Cộng Sản sẽ hành động ra sao với giao ước này?

TÍN ĐỒ THẬT CỦA ĐẤNG CHRIST DÙ NGÃ NHƯNG CHIẾN THẮNG

3, 4. Ai là “những kẻ làm sự dữ nghịch cùng giao-ước”, và họ có mối liên hệ nào với vua phương bắc?

3 Thiên sứ của Đức Chúa Trời nói: “Người [vua phương bắc] dùng lời nịnh-hót mà dỗ-dành những kẻ làm sự dữ nghịch cùng giao-ước”. Thiên sứ nói thêm: “Nhưng dân-sự biết Đức Chúa Trời mình sẽ mạnh-mẽ mà làm [“chiến thắng”, NW]. Những kẻ khôn-sáng trong dân sẽ dạy-dỗ nhiều người; nhưng họ sẽ phải ngã bởi gươm, bởi ngọn lửa, bởi sự phu-tù và sự cướp-bóc lâu ngày”.—Đa-ni-ên 11:32, 33.

4 “Những kẻ làm sự dữ nghịch cùng giao-ước” chỉ có thể là những nhà lãnh đạo tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ, những người nhận mình là tín đồ Đấng Christ nhưng qua hành động thì làm ô danh đạo ngài. Trong cuốn sách Religion in the Soviet Union (Tôn giáo ở Liên Bang Sô Viết), tác giả Walter Kolarz viết như sau: “[Trong thế chiến thứ hai], Chính Quyền Sô Viết nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ về vật chất cũng như về tinh thần nơi các Nhà Thờ để bảo vệ quê hương”. Sau chiến tranh, các nhà lãnh đạo giáo hội cố gắng duy trì mối giao hảo đó, dẫu quốc gia này lúc này trở thành vua phương bắc và theo đuổi chính sách vô thần. Do đó, hơn bao giờ hết, các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ trở thành một phần của thế gian này—một sự bội đạo ghê tởm trước mắt Đức Giê-hô-va.—Giăng 17:16; Gia-cơ 4:4.

5, 6. Ai là “dân-sự biết Đức Chúa Trời mình”, và điều gì xảy ra cho họ dưới sự cai trị của vua phương bắc?

5 Còn về tín đồ thật của Đấng Christ—tức “dân-sự biết Đức Chúa Trời mình” và “những kẻ khôn-sáng”—thì sao? Mặc dù họ “vâng-phục các đấng cầm quyền” một cách đúng đắn trong khi sống dưới sự cai trị của vua phương bắc, nhưng họ vẫn không thuộc về thế gian này. (Rô-ma 13:1; Giăng 18:36) Họ thận trọng trả cho “Sê-sa vật gì của Sê-sa”, và cũng trả “cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 22:21) Chính vì điều này, lòng trung kiên của họ bị thử thách.—2 Ti-mô-thê 3:12.

6 Kết quả là các tín đồ thật của Đấng Christ vừa “ngã” vừa “chiến thắng”. Họ ngã theo nghĩa họ bị bắt bớ dữ dội, một số thậm chí bị giết. Nhưng họ chiến thắng theo nghĩa đa số giữ được lòng trung thành. Họ đã thắng thế gian cũng như Chúa Giê-su đã thắng vậy. (Giăng 16:33) Hơn nữa, họ không bao giờ ngừng rao giảng, ngay cả khi ở trong tù hay trong trại tập trung. Làm thế, họ ‘dạy-dỗ nhiều người’. Bất chấp sự bắt bớ trong đa số các nước do vua phương bắc cai trị, số Nhân Chứng Giê-hô-va vẫn gia tăng. Nhờ sự trung thành của “những kẻ khôn-sáng” mà một đám đông “vô-số người” ngày một gia tăng đã xuất hiện trên các phần đất này.—Khải-huyền 7:9-14.

DÂN SỰ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐƯỢC LUYỆN LỌC

7. Các tín đồ Đấng Christ được xức dầu sống dưới sự cai trị của vua phương bắc nhận được sự “giúp đỡ chút ít” như thế nào?

7 Thiên sứ nói: “Khi họ [dân sự của Đức Chúa Trời] bị ngã, họ sẽ được giúp đỡ chút ít”. (Đa-ni-ên 11:34a, NW) Sự chiến thắng của vua phương nam trong thế chiến thứ hai đem lại sự dễ thở cho các tín đồ Đấng Christ sống dưới sự cai trị của vua đối nghịch. (So sánh Khải-huyền 12:15, 16). Cũng vậy, những người bị vua kế vị bắt bớ thỉnh thoảng được dễ thở. Khi Chiến Tranh Lạnh giảm dần, nhiều lãnh tụ ý thức là các tín đồ Đấng Christ trung thành không phải là mối đe dọa nên cho hợp pháp hóa. Họ cũng nhận được sự giúp đỡ từ đám đông đang gia tăng ào ạt; đó là những người hưởng ứng sự rao giảng kiên trì của những người xức dầu và đã giúp họ.—Ma-thi-ơ 25:34-40.

8. Một số người “lấy lời ngọt ngào” mà gia nhập với dân sự của Đức Chúa Trời như thế nào?

8 Không phải tất cả những người tự cho là mình quan tâm đến việc phụng sự Đức Chúa Trời trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh đều có động lực tốt. Thiên sứ cảnh cáo: “Nhiều kẻ sẽ lấy lời nịnh-hót [“ngọt ngào”, NW] mà theo họ”. (Đa-ni-ên 11:34b) Có nhiều người tỏ ra chú ý đến lẽ thật nhưng không muốn dâng mình cho Đức Chúa Trời. Những người khác có vẻ chấp nhận tin mừng nhưng thực sự là gián điệp của chính quyền. Một phúc trình từ một quốc gia viết: “Một số người vô lương tâm công khai thú nhận là Cộng Sản; họ đã len lỏi vào tổ chức của Chúa, làm ra vẻ hết sức nhiệt thành, và thậm chí được bổ nhiệm vào những chức vụ phụng sự có trách nhiệm cao”.

9. Tại sao Đức Giê-hô-va cho phép một số tín đồ Đấng Christ trung thành bị “sa-ngã” vì cớ những kẻ len lỏi?

9 Thiên sứ nói tiếp: “Trong những kẻ khôn-sáng sẽ có mấy người sa-ngã, hầu cho luyện-lọc chúng nó, làm cho tinh-sạch và trắng, cho đến kỳ sau-rốt, vì việc đó còn có kỳ nhứt-định”. (Đa-ni-ên 11:35) Những kẻ len lỏi này đã khiến một số người trung thành rơi vào tay các nhà cầm quyền. Đức Giê-hô-va cho phép điều đó xảy ra để luyện lọc và tẩy sạch dân sự của Ngài. Giống như Chúa Giê-su đã từng “học-tập vâng lời bởi những sự khốn-khổ mình đã chịu”, những người trung thành này cũng tập tính chịu đựng qua việc đức tin bị thử thách. (Hê-bơ-rơ 5:8; Gia-cơ 1:2, 3; so sánh Ma-la-chi 3:3). Do đó, họ được ‘luyện-lọc, làm cho tinh-sạch và trắng’.

10. Câu “cho đến kỳ sau-rốt” nghĩa là gì?

10 Dân sự Đức Giê-hô-va phải trải qua sự vấp ngã và sự luyện lọc “cho đến kỳ sau-rốt”. Dĩ nhiên, họ biết là sẽ bị bắt bớ cho đến khi hệ thống mọi sự gian ác này kết liễu. Tuy nhiên, sự xâm nhập của vua phương bắc đã đưa đến kết quả là dân sự của Đức Chúa Trời được làm nên tinh sạch và trắng và điều này phải xảy ra vào “kỳ nhứt-định”. Do đó, “kỳ sau-rốt” nơi Đa-ni-ên 11:35 phải liên hệ đến sự cuối cùng của một khoảng thời gian cần thiết để cho dân sự Đức Chúa Trời được luyện lọc trong khi chịu đựng sự tấn công của vua phương bắc. Bằng chứng cho thấy sự vấp ngã đã chấm dứt vào kỳ định của Đức Giê-hô-va.

VỊ VUA TÔN MÌNH LÊN CAO

11. Thiên sứ nói gì về thái độ của vua phương bắc đối với quyền thống trị của Đức Giê-hô-va?

11 Thiên sứ nói thêm về vua phương bắc: “Vua sẽ làm theo ý-muốn mình; kiêu-ngạo và lên mình cao hơn hết các thần; [từ chối công nhận quyền thống trị của Đức Giê-hô-va]; nói những lời lạ-lùng nghịch cùng Đức Chúa Trời của các thần. Người sẽ được may-mắn cho đến khi cơn thạnh-nộ Chúa được trọn, bởi vì điều gì đã có chỉ-định thì phải ứng-nghiệm. Người sẽ không đoái xem các thần [Đức Chúa Trời] của tổ-phụ mình, cùng kẻ mà đàn-bà vẫn mến [“ước muốn của đàn bà”, NW]. Người sẽ chẳng coi thần nào ra gì; bởi vì người tôn mình lên cao hơn hết cả”—Đa-ni-ên 11:36, 37.

12, 13. (a) Vua phương bắc đã chối bỏ “Đức Chúa Trời của tổ-phụ mình” bằng cách nào? (b) Ai là “đàn bà” có “ước muốn” mà vua phương bắc không đoái hoài gì đến? (c) Vua phương bắc tôn vinh “thần” nào?

12 Làm ứng nghiệm những lời tiên tri trên, vua phương bắc chối bỏ “Đức Chúa Trời của tổ-phụ mình”, như Chúa Ba Ngôi của các tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ. Khối Cộng Sản còn cổ võ thuyết vô thần. Do đó, vua phương bắc biến mình thành một thần, ‘tôn mình lên cao hơn mọi người’. Chẳng đoái hoài gì đến “ước muốn của đàn bà”—tức là các nước đàn em phục vụ chế độ của vua này như đầy tớ gái—vua “làm theo ý-muốn mình”.

13 Thiên sứ tiên tri tiếp: “Người sẽ ở chỗ mình tôn kính thần của các đồn-lũy; người sẽ lấy vàng, bạc, đá quí, và những vật tốt-đẹp mà tôn kính thần tổ-phụ mình không biết”. (Đa-ni-ên 11:38) Thật vậy, vua phương bắc đặt tin cậy nơi chủ nghĩa quân phiệt dựa trên khoa học tân tiến, tức là “thần của các đồn-lũy”. Vua ấy tìm sự cứu rỗi qua “thần” này, cúng tế vô số của cải trên bàn thờ của thần.

14. Vua phương bắc “hành động hữu hiệu” như thế nào?

14 “Người sẽ cậy thần lạ giúp cho mà lấy [“hành động hữu hiệu chống lại”, NW] các đồn-lũy vững-bền, và người sẽ ban thêm sự vinh-hiển cho kẻ nào nhận mình. Người cho họ cai-trị nhiều người, và chịu tiền-bạc mà chia đất”. (Đa-ni-ên 11:39) Tin cậy nơi “thần lạ” quân sự, vua phương bắc hành động thật “hữu hiệu”, tỏ ra là một cường quốc quân sự đáng sợ trong “ngày sau-rốt”. (2 Ti-mô-thê 3:1) Những nước nào ủng hộ hệ tư tưởng của vua phương bắc sẽ được thưởng bằng sự trợ giúp về chính trị, tài chánh và đôi khi về quân sự nữa.

MỘT SỰ “GÂY HẤN” VÀO KỲ SAU RỐT

15. Vua phương nam “gây hấn” với vua phương bắc như thế nào?

15 Thiên sứ nói với Đa-ni-ên: “Đến kỳ sau-rốt, vua phương nam sẽ tranh-chiến [“gây hấn”, NW] cùng người”. (Đa-ni-ên 11:40a) Vua phương nam có ‘gây hấn’ với vua phương bắc vào “kỳ cuối-cùng” không? (Đa-ni-ên 12:4, 9) Thật ra có. Sau thế chiến thứ nhất, hiệp ước hòa bình có tính cách trừng phạt mà vua phương bắc lúc đó là Đức buộc phải ký quả là một sự “gây hấn”, một sự khiêu khích để trả thù lại. Sau chiến thắng trong thế chiến thứ hai, vua phương nam đặt các vũ khí nguyên tử đáng sợ nhắm về hướng kẻ thù và tổ chức một liên minh quân sự hùng hậu, đó là Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nghịch lại vua phương bắc. Về chức năng của NATO, một sử gia Anh Quốc phát biểu: “Đó là công cụ chính để kiềm chế Liên Bang Sô Viết. Giờ đây nước này được xem là mối đe dọa chính yếu cho nền hòa bình Âu Châu. Tổ chức đó tồn tại 40 năm và đạt được thành quả không ai có thể chối cãi được”. Trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, hành động “gây hấn” của vua phương nam bao gồm cả tình báo bằng kỹ thuật tân tiến cũng như các cuộc tấn công về quân sự và ngoại giao.

16. Vua phương bắc phản ứng như thế nào trước sự gây hấn của vua phương nam?

16 Vua phương bắc phản ứng như thế nào? “Vua phương bắc đem xe binh, lính kỵ và nhiều tàu, xông đến vua đó như cơn gió lốc. Người sẽ lấn vào các nước, tràn tới và đi qua”. (Đa-ni-ên 11:40b) Chủ nghĩa bành trướng của vua phương bắc là nét đặc trưng trong lịch sử của những ngày sau rốt. Trong thế chiến thứ hai, “vua” của Quốc Xã tràn qua biên giới, xâm nhập các nước láng giềng. Vào cuối cuộc chiến đó, “vua” kế vị đã lập được một đế quốc hùng mạnh. Trong thời Chiến Tranh Lạnh, vua phương bắc đã tranh chiến với phía thù nghịch qua các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và các cuộc nổi dậy ở Phi Châu, Á Châu và Châu Mỹ La Tinh. Vua ấy bắt bớ các tín đồ thật của Đấng Christ—chỉ cản trở chứ không thể làm họ ngưng hoạt động. Qua các cuộc tấn công về quân sự và chính trị, vua ấy đã chiếm được một số nước. Điều này đúng như thiên sứ đã tiên tri: “Người sẽ vào đến đất vinh-hiển [tình trạng thiêng liêng của dân sự Đức Giê-hô-va], và nhiều nước sẽ bị đổ”.—Đa-ni-ên 11:41a.

17. Chủ nghĩa bành trướng của vua phương bắc bị giới hạn ra sao?

17 Dù vậy, vua phương bắc không chinh phục được cả thế giới. Thiên sứ báo trước: “Những người Ê-đôm, người Mô-áp và những kẻ làm đầu trong dân Am-môn sẽ thoát khỏi tay người”. (Đa-ni-ên 11:41b) Thời xưa, các nước Ê-đôm, Mô-áp và Am-môn nằm ở giữa lãnh địa của Ê-díp-tô, vua phương nam, và của Sy-ri, vua phương bắc. Ngày nay, những nước này tiêu biểu cho những quốc gia và tổ chức mà vua phương bắc nhắm vào nhưng không đưa vào vòng ảnh hưởng của mình được.

Ê-DÍP-TÔ CŨNG KHÔNG THOÁT KHỎI

18, 19. Vua đối nghịch đã gây ảnh hưởng trên vua phương nam như thế nào?

18 Thiên sứ của Đức Giê-hô-va nói tiếp: “Người [vua phương bắc] sẽ dang tay ra trên các nước, và đất Ê-díp-tô sẽ không thoát khỏi. Người sẽ chiếm lấy các của-báu, vàng và bạc, cùng hết thảy đồ quí-báu của Ê-díp-tô. Dân Li-by và dân Ê-thi-ô-bi sẽ theo sau người”. (Đa-ni-ên 11:42, 43) Ngay cả vua phương nam, “Ê-díp-tô”, cũng không thoát khỏi hậu quả của chính sách bành trướng của vua phương bắc. Chẳng hạn, vua phương nam bị đánh bại tại Việt Nam. Còn phần “dân Li-by và dân Ê-thi-ô-bi” thì sao? Nói theo địa lý, những nước láng giềng này của Ê-díp-tô xưa có thể là hình bóng cho các nước láng giềng của “Ê-díp-tô” tân thời (vua phương nam). Có thời những nước này là đồ đệ—hay là ‘theo sau’—vua phương bắc.

19 Vua phương bắc đã cai trị trên ‘đồ quí-báu của Ê-díp-tô’ chưa? Thực ra chúng ta thấy vua này đã gây được một ảnh hưởng mạnh mẽ khi nhìn vào cách vua phương nam dùng nguồn tài chánh của mình. Vì sợ đối phương, vua phương nam phải dành ra ngân khoản khổng lồ để duy trì một lực lượng quân đội, hải quân và không quân hùng hậu. Về lãnh vực này, người ta có thể nói vua phương bắc ‘chiếm lấy’ hay kiểm soát cách vua phương nam sử dụng tài sản của mình.

CHIẾN DỊCH CUỐI CÙNG

20. Thiên sứ tả thế nào về chiến dịch cuối cùng của vua phương bắc?

20 Sự thù nghịch giữa vua phương bắc và vua phương nam—dù về quân sự, kinh tế hay về những phương diện khác—sắp sửa chấm dứt. Tiết lộ những chi tiết về cuộc xung đột sắp tới, thiên sứ của Đức Giê-hô-va nói: “Những tin-tức từ phương đông và phương bắc sẽ đến làm cho người [vua phương bắc] bối-rối; người sẽ giận lắm mà đi ra để tàn-phá và hủy-diệt nhiều người. Người sẽ đặt các trại của cung mình ở khoảng giữa biển cùng núi vinh-hiển và thánh. Song người sẽ đến sự cuối-cùng mình, và chẳng có ai đến giúp-đỡ người cả”.—Đa-ni-ên 11:44, 45.

21. Chúng ta sẽ còn học được gì về vua phương bắc?

21 Với việc Liên Bang Sô Viết bị tan rã vào tháng 12 năm 1991, vua phương bắc bị thất bại nghiêm trọng. Ai sẽ là vua này khi Đa-ni-ên 11:44, 45 được ứng nghiệm? Phải chăng một trong các nước từng là một phần của cựu Liên Bang Sô Viết sẽ đóng vai trò vua ấy? Hay là vua sẽ hoàn toàn thay đổi danh tánh như đã xảy ra một số lần trong quá khứ? Việc có thêm các quốc gia phát triển vũ khí hạch tâm sẽ đưa đến cuộc thi đua võ trang mới không, và có liên quan đến danh tánh của vua đó không? Chỉ thời gian mới có thể trả lời những câu hỏi này. Điều khôn ngoan là chúng ta đừng nên suy đoán. Khi vua phương bắc khởi sự chiến dịch cuối cùng, tất cả những ai có sự thông sáng dựa trên Kinh Thánh sẽ hiểu rõ ràng sự ứng nghiệm của lời tiên tri.—Xem “Các vua nơi Đa-ni-ên Chương 11”, trang 284.

22. Về cuộc tấn công cuối cùng của vua phương bắc, những câu hỏi nào được nêu lên?

22 Tuy nhiên, chúng ta biết một ngày gần đây vua phương bắc sẽ có hành động nào. Những tin tức “từ phương đông và phương bắc sẽ đến” làm cho vua mở một chiến dịch ‘để hủy-diệt nhiều người’. Chiến dịch này nhắm vào ai? Và “tin-tức” nào gây ra một cuộc tấn công như thế?

TIN TỨC GÂY HOẢNG SỢ

23. (a) Biến cố quan trọng nào phải xảy ra trước Ha-ma-ghê-đôn? (b) Ai là “các vua từ Đông-phương”?

23 Chúng ta hãy xem xét sách Khải-huyền nói gì về sự cuối cùng của Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo giả thế giới. Trước “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng”, Ha-ma-ghê-đôn, kẻ thù lớn của sự thờ phượng thật “sẽ bị lửa thiêu”. (Khải-huyền 16:14, 16; 18:2-8) Sự hủy diệt y thị được hình bóng trước bằng việc trút bát thứ sáu của cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời xuống sông Ơ-phơ-rát tượng trưng. Con sông này khô cạn đi “đặng sửa-soạn cho các vua từ Đông-phương đến có lối đi được”. (Khải-huyền 16:12) Các vua này là ai? Không ai khác hơn là Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ!—So sánh Ê-sai 41:2; 46:10, 11.

24. Hành động nào của Đức Giê-hô-va có thể làm vua phương bắc bối rối?

24 Sự hủy diệt của Ba-by-lôn Lớn được mô tả một cách sống động trong sách Khải-huyền: “Mười cái sừng ngươi đã thấy [các vua cai trị trong thời kỳ sau rốt], và chính mình con thú [Liên Hiệp Quốc] sẽ ghét dâm-phụ, sẽ bóc-lột cho nó lỏa-lồ, ăn thịt nó và thiêu nó bằng lửa”. (Khải-huyền 17:16) Nhưng tại sao các nhà cai trị lại hủy diệt Ba-by-lôn Lớn? Đó là vì ‘Đức Chúa Trời để cho chúng có lòng vâng làm theo ý-muốn Ngài’. (Khải-huyền 17:17) Vua phương bắc nằm trong số những nhà cai trị này. Những gì ông nghe được “từ phương đông” rất có thể ám chỉ hành động này của Đức Giê-hô-va khi Ngài đặt nó vào lòng các nhà cai trị loài người để hủy diệt con đại dâm phụ về tôn giáo này.

25. (a) Vua phương bắc có mục tiêu đặc biệt nào? (b) Vua phương bắc sẽ “đặt các trại của cung mình” ở đâu?

25 Nhưng vua phương bắc sẽ trút cơn giận trên một đối tượng đặc biệt. Thiên sứ nói: “Người sẽ đặt các trại của cung mình ở khoảng giữa biển [“đại dương”, NW] cùng núi vinh-hiển và thánh”. Vào thời Đa-ni-ên, đại dương là Địa Trung Hải và núi thánh là Si-ôn, từng là nơi có đền thờ của Đức Chúa Trời. Như vậy, trong sự ứng nghiệm của lời tiên tri, vua phương bắc trong cơn giận dữ sẽ huy động một chiến dịch chống lại dân sự của Đức Chúa Trời. Theo nghĩa thiêng liêng, vị trí “giữa đại dương cùng núi vinh-hiển và thánh” tiêu biểu cho tình trạng thiêng liêng của các tôi tớ được xức dầu của Đức Giê-hô-va. Họ đã ra khỏi “biển”, tức loài người xa cách Đức Chúa Trời, và họ có hy vọng cai trị trên Núi Si-ôn ở trên trời với Chúa Giê-su Christ.—Ê-sai 57:20; Hê-bơ-rơ 12:22; Khải-huyền 14:1.

26. Như lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên cho thấy, tin tức ‘từ phương bắc’ có thể ra từ đâu?

26 Ê-xê-chi-ên, người cùng thời với Đa-ni-ên, cũng tiên tri về cuộc tấn công trên dân sự Đức Chúa Trời “trong những ngày sau-rốt”. Ông nói rằng Gót ở đất Ma-gốc, chính là Sa-tan Ma-quỉ, sẽ khởi xướng trận chiến này. (Ê-xê-chi-ên 38:14, 16) Nói theo nghĩa bóng, Gót đến từ hướng nào? Qua Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va nói: “Từ phương cực-bắc”. (Ê-xê-chi-ên 38:15) Tuy nhiên, cuộc tấn công dù ác liệt, nhưng không hủy diệt được dân sự của Đức Chúa Trời. Cuộc chạm trán nẩy lửa này là kết quả của một nước cờ có tính cách chiến lược của Đức Giê-hô-va để tiêu diệt các lực lượng của Gót. Do đó, Đức Giê-hô-va nói với Sa-tan: “Ta sẽ... đặt những móc trong hàm ngươi, khiến ngươi ra”. “Ta sẽ... khiến ngươi đến từ phía cực-bắc, và đem ngươi lên trên các núi của Y-sơ-ra-ên”. (Ê-xê-chi-ên 38:4; 39:2) Như thế, tin tức đến ‘từ phương bắc’ làm cho vua phương bắc nổi giận, phải phát xuất từ Đức Giê-hô-va. Nhưng tin tức “từ phương đông và phương bắc” cuối cùng sẽ chứa đựng những gì, chỉ Đức Chúa Trời mới quyết định và thời gian sẽ trả lời.

27. (a) Tại sao Gót sẽ xúi giục các nước, gồm cả vua phương bắc, tấn công dân sự của Đức Giê-hô-va? (b) Cuộc tấn công của Gót có kết quả nào?

27 Đối với Gót, hắn tổ chức cuộc tấn công mãnh liệt này vì thấy sự thịnh vượng của “Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, cùng với “vô-số” các “chiên khác”, tách biệt khỏi thế gian của hắn. (Ga-la-ti 6:16; Khải-huyền 7:9; Giăng 10:16; 17:15, 16; 1 Giăng 5:19) Gót khinh bỉ “một dân đã được đem về từ giữa các nước, có những súc-vật và của-cải [thiêng liêng]”. (Ê-xê-chi-ên 38:12) Coi tình trạng thiêng liêng của tín đồ Đấng Christ như “đất có làng không có thành-quách”, tức dễ thôn tính, Gót dốc toàn lực để dẹp bỏ chướng ngại vật này vốn cản trở hắn kiểm soát trọn vẹn loài người. Nhưng hắn thất bại. (Ê-xê-chi-ên 38:11, 18; 39:4) Khi các vua thế gian gồm cả vua phương bắc tấn công dân sự của Đức Giê-hô-va, họ sẽ ‘đến sự cuối-cùng mình’.

‘VỊ VUA SẼ ĐẾN SỰ CUỐI-CÙNG MÌNH’

28. Chúng ta biết gì về tương lai của vua phương bắc và vua phương nam?

28 Chiến dịch chót của vua phương bắc không nhắm vào vua phương nam. Do đó, vua phương bắc không đi đến sự cuối cùng bởi tay của vua đối nghịch. Cũng vậy, vua phương nam không bị hủy diệt bởi vua phương bắc. Vua phương nam bị hủy diệt “chẳng bởi tay người ta” nhưng bởi Nước Đức Chúa Trời. * (Đa-ni-ên 8:25) Thật ra, các vua trên đất sẽ bị Nước Đức Chúa Trời hủy diệt tại trận chiến Ha-ma-ghê-đôn, và hiển nhiên đây cũng là điều sẽ xảy ra cho vua phương bắc. (Đa-ni-ên 2:44) Đa-ni-ên 11:44, 45 diễn tả những biến cố dẫn đến trận chiến cuối cùng đó. Thảo nào “chẳng có ai đến giúp-đỡ” khi vua phương bắc đi đến sự cuối cùng!

[Chú thích]

^ đ. 28 Xin xem Chương 10 sách này.

BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?

• Danh tánh của vua phương bắc thay đổi như thế nào sau thế chiến thứ hai?

• Cuối cùng điều gì xảy ra cho vua phương bắc và vua phương nam?

• Bạn được lợi ích gì khi chú ý đến lời tiên tri trong sách Đa-ni-ên về sự thù nghịch giữa hai vua?

[Câu hỏi thảo luận]

[Biểu đồ/Hình nơi trang 284]

CÁC VUA NƠI ĐA-NI-ÊN CHƯƠNG 11

Vua Vua

Phương Bắc Phương Nam

Đa-ni-ên 11:5 Seleucus I Nicator Ptolemy I

Đa-ni-ên 11:6 Antiochus II Ptolemy II

(vợ Laodice) (con gái Berenice)

Đa-ni-ên 11:7-9 Seleucus II Ptolemy III

Đa-ni-ên 11:10-12 Antiochus II Ptolemy IV

Đa-ni-ên 11:13-19 Antiochus III Ptolemy V

(con gái Cleopatra I) Người kế vị:

Những người kế vị: Ptolemy VI

Seleucus IV và

Antiochus IV

Đa-ni-ên 11:20 Au-gút-tơ

Đa-ni-ên 11:21-24 Ti-be-rơ

Đa-ni-ên 11:25, 26 Aurelian Nữ Hoàng Zenobia

Đế Quốc La Mã

sụp đổ

Đa-ni-ên 11:27-30a Đế Quốc Đức Anh Quốc, kế tiếp là

(Thế Chiến I) Cường Quốc Thế Giới

Anh-Mỹ

Đa-ni-ên 11:30b, 31 Đệ Tam Quốc Xã của Cường Quốc

Hitler (Thế Chiến II) Thế Giới Anh-Mỹ

Đa-ni-ên 11:32-43 Khối Cộng Sản Cường Quốc

(Chiến Tranh Lạnh) Thế Giới Anh-Mỹ

Đa-ni-ên 11:44, 45 Chưa nổi lên * Cường Quốc

Thế Giới Anh-Mỹ

[Chú thích]

^ đ. 83 Lời tiên tri nơi Đa-ni-ên chương 11 không báo trước tên của các thực thể chính trị đóng vai trò vua phương bắc và vua phương nam vào các thời điểm khác nhau. Chỉ khi nào biến cố bắt đầu xảy ra thì các vua này mới được nhận diện. Hơn nữa, vì cuộc xung đột xảy ra từng hồi nên có những giai đoạn không có xung đột—một vua thì nắm quyền còn vua kia thì nằm bất động.

[Trang hình ảnh nơi trang 271]

[Hình nơi trang 279]

Hành động “gây hấn” của vua phương nam bao gồm cả tình báo bằng kỹ thuật tân tiến và sự đe dọa dùng quân sự