Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thời điểm Đấng Mê-si đến được tiết lộ

Thời điểm Đấng Mê-si đến được tiết lộ

Chương Mười Một

Thời điểm Đấng Mê-si đến được tiết lộ

1. Vì Đức Giê-hô-va là Đấng Đấng Vĩ Đại trong việc ấn định thời gian nên chúng ta có thể chắc chắn về điều gì?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là Đấng Vĩ Đại trong việc ấn định thời gian. Ngài kiểm soát toàn thể các kỳ và mùa liên hệ đến các công việc của Ngài. (Công-vụ các Sứ-đồ 1:7) Tất cả các biến cố mà Ngài định cho những kỳ và mùa này chắc chắn phải xảy ra, không thể sai được.

2, 3. Đa-ni-ên chú ý đến lời tiên tri nào, và đế quốc nào cai trị Ba-by-lôn vào lúc ấy?

2 Là một học viên Kinh Thánh siêng năng, nhà tiên tri Đa-ni-ên có đức tin nơi khả năng của Đức Giê-hô-va trong việc hoạch định các biến cố và khiến chúng xảy ra. Đa-ni-ên đặc biệt chú ý đến các lời tiên tri liên quan đến sự hoang vu của Giê-ru-sa-lem. Giê-rê-mi đã ghi lại sự mặc thị của Đức Chúa Trời về thời gian mà thành thánh sẽ bị hoang vu; và Đa-ni-ên xem xét cẩn thận lời tiên tri này. Ông viết: “Năm đầu Đa-ri-út, con trai A-suê-ru, về dòng người Mê-đi, đã được lập làm vua trị nước người Canh-đê; đương năm đầu về triều người, ta, Đa-ni-ên, bởi các sách biết rằng số năm mà lời Đức Giê-hô-va đã phán cùng đấng tiên-tri Giê-rê-mi, để cho trọn sự hoang-vu thành Giê-ru-sa-lem, là bảy mươi năm”.—Đa-ni-ên 9:1, 2; Giê-rê-mi 25:11.

3 Vào lúc đó, Đa-ri-út người Mê-đi đang cai trị “nước người Canh-đê”. Lời tiên đoán lúc trước của Đa-ni-ên khi thông giải chữ viết trên tường đã ứng nghiệm nhanh chóng. Đế Quốc Ba-by-lôn không còn nữa. Nó đã được “ban cho người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ” vào năm 539 TCN.—Đa-ni-ên 5:24-28, 30, 31.

ĐA-NI-ÊN KHIÊM NHƯỜNG CẦU XIN VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

4. (a) Điều gì là cần thiết để được Đức Giê-hô-va giải cứu? (b) Đa-ni-ên đến gần Đức Giê-hô-va như thế nào?

4 Đa-ni-ên ý thức là thời kỳ 70 năm thành Giê-ru-sa-lem bị hoang vu sắp chấm dứt. Biết vậy nên ông làm gì? Chính ông nói cho chúng ta biết: “Ta để mặt hướng về Chúa là Đức Chúa Trời, lấy sự khấn-nguyện, nài-xin, với sự kiêng-ăn, mặc bao gai, đội tro mà tìm. Vậy, ta cầu-nguyện Giê-hô-va Đức Chúa Trời ta, và ta xưng tội cùng Ngài”. (Đa-ni-ên 9:3, 4) Cần phải có lòng ngay mới hưởng được sự giải cứu đầy thương xót của Đức Chúa Trời. (Lê-vi Ký 26:31-46; 1 Các Vua 8:46-53) Cũng cần phải có đức tin, tinh thần khiêm nhường, và sự ăn năn thành thật về các tội lỗi khiến bị làm tôi mọi và phu tù. Do đó, thay mặt cho dân tộc tội lỗi của ông, Đa-ni-ên đến gần Đức Chúa Trời. Bằng cách nào? Bằng cách kiêng ăn, khóc lóc, và mặc áo gai, một dấu hiệu cho thấy sự ăn năn và thành thật trong lòng.

5. Tại sao Đa-ni-ên có thể tin chắc là người Do Thái sẽ được hồi hương?

5 Lời tiên tri của Giê-rê-mi cho Đa-ni-ên hy vọng, vì nó cho thấy người Do Thái sắp được trở lại quê hương Giu-đa của họ. (Giê-rê-mi 25:12; 29:10) Hiển nhiên, Đa-ni-ên cảm thấy tin chắc là người Do Thái sắp được thoát khỏi tình trạng nô lệ vì một người tên là Si-ru đã làm vua cai trị nước Phe-rơ-sơ. Ê-sai đã chẳng tiên tri là Si-ru sẽ được dùng để giải phóng dân Do Thái hầu tái thiết Giê-ru-sa-lem và đền thờ hay sao? (Ê-sai 44:28–45:3) Nhưng Đa-ni-ên không biết sự việc sẽ diễn tiến như thế nào. Vì thế ông tiếp tục cầu xin với Đức Giê-hô-va.

6. Đa-ni-ên thừa nhận điều gì trong lời cầu nguyện của ông?

6 Đa-ni-ên nhắm vào lòng thương xót và nhân từ của Đức Chúa Trời. Ông khiêm nhường nhận rằng dân Do Thái đã phạm tội vì phản nghịch, xây bỏ mạng lịnh của Đức Giê-hô-va và không thèm để ý đến các đấng tiên tri của Ngài. Đức Chúa Trời có lý do chính đáng để “làm cho họ tan-tác, vì cớ những sự gian-ác họ đã phạm”. Đa-ni-ên cầu nguyện: “Hỡi Chúa, sự hổ mặt thuộc về chúng tôi, về các vua, các quan-trưởng, các tổ-phụ chúng tôi, bởi chúng tôi đã phạm tội nghịch cùng Ngài. Những sự thương-xót và tha-thứ đều thuộc về Chúa là Đức Chúa Trời chúng tôi; bởi chúng tôi đã bạn-nghịch cùng Ngài. Chúng tôi đã chẳng nghe lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi, đặng bước đi trong luật-pháp mà Ngài đã cậy tôi-tớ Ngài là các đấng tiên-tri để trước mặt chúng tôi. Hết thảy người Y-sơ-ra-ên đã phạm luật-pháp Ngài và xây đi để không vâng theo tiếng Ngài. Vậy nên sự rủa-sả, và thề-nguyền chép trong luật-pháp Môi-se là tôi-tớ Đức Chúa Trời, đã đổ ra trên chúng tôi, vì chúng tôi đã phạm tội nghịch cùng Ngài”.—Đa-ni-ên 9:5-11; Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5-8; 24:3, 7, 8.

7. Tại sao chúng ta có thể nói rằng Đức Giê-hô-va đã hành động chính đáng trong việc để cho người Do Thái bị lưu đày?

7 Đức Chúa Trời đã cảnh cáo dân Y-sơ-ra-ên về hậu quả sẽ xảy ra nếu họ không vâng lời Ngài và khinh thường giao ước Ngài đã lập với họ. (Lê-vi Ký 26:31-33; Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:15; 31:17) Đa-ni-ên xác nhận các hành động của Đức Chúa Trời là chính đáng khi ông nói: “Ngài đã làm cho chắc các lời đã phán nghịch cùng chúng tôi, cùng các quan-án đã đoán-xét chúng tôi, mà khiến tai-vạ lớn đến trên chúng tôi; vì khắp dưới trời chẳng hề có tai-vạ nào giống như đã làm ra trên Giê-ru-sa-lem. Cả tai-vạ nầy đã đến trên chúng tôi như có chép trong luật-pháp Môi-se; mà chúng tôi cũng không nài-xin ơn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, đặng xây-bỏ khỏi sự gian-ác mình và thấu rõ đạo thật của Ngài. Bởi cớ đó, Đức Giê-hô-va ngắm xem và giáng tai-vạ ấy trên chúng tôi; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi là công-bình trong mọi việc Ngài làm, chỉn chúng tôi không vâng theo tiếng Ngài”.—Đa-ni-ên 9:12-14.

8. Đa-ni-ên cầu xin với Đức Giê-hô-va dựa trên căn bản nào?

8 Đa-ni-ên không tìm cách bào chữa cho các hành động của dân tộc ông. Việc họ bị phu tù là đáng lắm như ông thú nhận: “Chúng tôi đã phạm tội, đã làm việc ác”. (Đa-ni-ên 9:15) Mối quan tâm của ông cũng không phải chỉ là muốn thoát khỏi khổ đau. Không, nhưng ông nài xin vì sự tôn quý và vinh hiển của Đức Chúa Trời. Khi tha tội cho người Do Thái và đem họ trở lại quê hương, Đức Chúa Trời làm tròn lời hứa qua tiên tri Giê-rê-mi và đồng thời làm vinh hiển danh thánh của Ngài. Đa-ni-ên cầu xin: “Hỡi Chúa, tôi cầu-xin Chúa cứ mọi sự công-bình Ngài khiến cơn giận và thạnh-nộ của Ngài xây khỏi thành Giê-ru-sa-lem Ngài, tức là núi thánh Ngài; vì ấy là bởi tội-lỗi chúng tôi và sự gian-ác tổ-phụ chúng tôi mà Giê-ru-sa-lem và dân Ngài phải chịu những kẻ ở chung-quanh chúng tôi sỉ-nhục”.—Đa-ni-ên 9:16.

9. (a) Đa-ni-ên kết thúc lời cầu nguyện của ông bằng lời khẩn khoản nào? (b) Điều gì làm Đa-ni-ên buồn rầu, nhưng ông đã tỏ ra kính trọng danh của Đức Chúa Trời như thế nào?

9 Đa-ni-ên tiếp tục cầu nguyện tha thiết: “Cho nên bây giờ, hỡi Đức Chúa Trời chúng tôi, xin đoái nghe lời khấn-nguyện nài-xin của kẻ tôi-tớ Ngài! Xin vì cớ Chúa, hãy rạng mặt Ngài ra trên nơi thánh vắng-vẻ của Ngài! Hỡi Đức Chúa Trời tôi, xin ghé tai và nghe. Xin mở mắt nhìn-xem những nơi hoang-vu của chúng tôi, và thành đã được xưng bởi danh Ngài! Không phải cậy những sự công-bình mình mà chúng tôi nài-xin Ngài, nhưng cậy những sự thương-xót cả-thể của Ngài. Hỡi Chúa! Hãy dủ nghe; hỡi Chúa! Hãy tha-thứ; hỡi Chúa! Hãy để ý và làm đi. Hỡi Đức Chúa Trời tôi! Vì cớ chính Ngài, xin chớ trì-hoãn; vì thành Ngài và dân Ngài đã được xưng bằng danh Ngài!” (Đa-ni-ên 9:17-19) Nếu Đức Chúa Trời không tha thứ và bỏ mặc dân Ngài trong cảnh phu tù, và để cho thành thánh của Ngài là Giê-ru-sa-lem bị hoang vu bất tận thì các nước có còn coi Ngài là Chúa Tể Hoàn Vũ không? Phải chăng họ sẽ kết luận rằng Đức Giê-hô-va đã bất lực trong việc chống lại quyền năng của các thần Ba-by-lôn? Vâng, danh của Đức Giê-hô-va sẽ bị sỉ nhục, và điều này làm Đa-ni-ên buồn rầu. Trong số 19 lần danh Giê-hô-va xuất hiện trong sách Đa-ni-ên thì có đến 18 lần nằm trong lời cầu nguyện này!

GÁP-RI-ÊN ĐẾN MAU CHÓNG

10. (a) Ai được phái đến với Đa-ni-ên và tại sao? (b) Tại sao Đa-ni-ên gọi Gáp-ri-ên là “người”?

10 Trong khi Đa-ni-ên đang cầu nguyện, thiên sứ Gáp-ri-ên xuất hiện. Thiên sứ nói: “Hỡi Đa-ni-ên, bây giờ ta ra để ban sự khôn-ngoan và thông-sáng cho ngươi. Lời phán-dặn đã ra từ khi ngươi bắt đầu nài-xin; và ta đến để tỏ lời đó cho ngươi, vì ngươi đã được yêu-quí lắm. Vậy hãy suy-nghĩ sự đó và hãy hiểu-biết sự hiện-thấy”. Nhưng tại sao Đa-ni-ên dùng từ “Gáp-ri-ên, người” khi nói về thiên sứ? (Đa-ni-ên 9:20-23) Thật ra, khi Đa-ni-ên tìm cách hiểu sự hiện thấy trước đó về con dê đực và con chiên đực thì có một người “như hình-dạng người nam” xuất hiện trước mặt ông. Đó là thiên sứ Gáp-ri-ên, được phái đến để cho Đa-ni-ên sự thông sáng. (Đa-ni-ên 8:15-17) Tương tự như vậy, sau khi Đa-ni-ên cầu nguyện xong, thiên sứ này đến gần ông với hình dạng người và nói với ông như một người nói với một người khác.

11, 12. (a) Mặc dù không có đền hay bàn thờ của Đức Giê-hô-va ở Ba-by-lôn, những người Do Thái sùng đạo tỏ ra tôn trọng việc dâng của-lễ như Luật Pháp đòi hỏi như thế nào? (b) Tại sao Đa-ni-ên được gọi là người “được yêu-quí lắm”?

11 Thiên sứ Gáp-ri-ên đến vào “lúc dâng lễ chiều-hôm”. Bàn thờ của Đức Giê-hô-va bị phá hủy cùng với đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, và người Do Thái bị bắt làm phu tù cho nước Ba-by-lôn theo tà thần. Vì thế người Do Thái ở Ba-by-lôn cũng không dâng của-lễ cho Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, việc những người Do Thái sùng đạo ở Ba-by-lôn ca tụng và cầu nguyện với Đức Giê-hô-va vào những giờ dâng của-lễ do Luật Pháp Môi-se ấn định là điều thích hợp. Là một người tôn sùng Đức Giê-hô-va một cách sâu xa, Đa-ni-ên được gọi là người “được yêu-quí lắm”. Đức Giê-hô-va, “Đấng nghe lời cầu-nguyện”, hài lòng về ông, và thiên sứ Gáp-ri-ên được phái đến mau chóng để đáp lại lời cầu nguyện bằng đức tin của Đa-ni-ên.—Thi-thiên 65:2.

12 Mặc dù tính mạng sẽ bị đe dọa khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, Đa-ni-ên cứ cầu nguyện với Đức Chúa Trời ngày ba lần. (Đa-ni-ên 6:10, 11) Cho nên chẳng lạ gì khi Đức Giê-hô-va thấy ông đáng yêu quí! Việc cầu nguyện cùng với việc suy ngẫm về Lời của Đức Chúa Trời đã giúp Đa-ni-ên xác định được ý muốn của Đức Giê-hô-va. Đa-ni-ên không ngừng cầu nguyện và ông biết cầu nguyện thế nào để được Đức Giê-hô-va nhậm lời. Ông nhấn mạnh sự công bình của Đức Chúa Trời. (Đa-ni-ên 9:7, 14, 16) Và mặc dù kẻ thù không tìm được lỗi nào nơi ông, nhưng Đa-ni-ên biết rằng ông là người có tội dưới mắt của Đức Chúa Trời và ông sẵn sàng thú tội lỗi mình.—Đa-ni-ên 6:4; Rô-ma 3:23.

“BẢY MƯƠI TUẦN-LỄ” ĐỂ TRỪ TỘI LỖI

13, 14. (a) Thiên sứ Gáp-ri-ên đã tiết lộ cho Đa-ni-ên những thông tin quan trọng nào? (b) “Bảy mươi tuần-lễ” là bao lâu, và làm sao chúng ta biết được?

13 Lời cầu nguyện của Đa-ni-ên được nhậm cách tuyệt diệu! Đức Giê-hô-va không những bảo đảm với ông rằng dân Do Thái sẽ được hồi hương mà còn cho ông thông hiểu một điều hệ trọng hơn nhiều—đó là sự xuất hiện của Đấng Mê-si đã được hứa trước. (Sáng-thế Ký 22:17, 18; Ê-sai 9:5, 6) Thiên sứ Gáp-ri-ên nói với Đa-ni-ên: “Có bảy mươi tuần-lễ định trên dân ngươi và thành thánh ngươi, đặng ngăn sự phạm-phép, trừ tội-lỗi, làm sạch sự gian-ác, và đem sự công-bình đời đời vào, đặng đặt ấn-tín nơi sự hiện-thấy và lời tiên-tri, và xức dầu cho Đấng rất thánh. Ngươi khá biết và hiểu rằng từ khi ra lệnh tu-bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem, cho đến Đấng chịu xức dầu [“Đấng Mê-si”, NW], tức là vua, thì được bảy tuần-lễ, và sáu mươi hai tuần-lễ; thành đó sẽ được xây lại, có đường-phố và hào, trong kỳ khó-khăn”.—Đa-ni-ên 9:24, 25.

14 Đây quả là tin mừng! Chẳng những thành Giê-ru-sa-lem được tái thiết và sự thờ phượng được lập lại nơi một đền thờ mới, mà “Đấng Mê-si, tức là vua” sẽ xuất hiện vào một thời điểm nhất định. Sự xuất hiện này sẽ xảy ra trong vòng “bảy mươi tuần-lễ”. Thiên sứ Gáp-ri-ên không nói đến ngày, nên bảy mươi tuần lễ không phải là những tuần lễ có bảy ngày mỗi tuần, vì nếu vậy thì thời gian chỉ là 490 ngày—hay khoảng một năm bốn tháng mà thôi. Công việc tái thiết Giê-ru-sa-lem như đã tiên tri, với “đường-phố và hào”, phải mất một thời gian lâu hơn. Bảy mươi tuần lễ là những tuần lễ năm. Nhiều bản dịch hiện đại đề nghị là mỗi tuần lễ đó là bảy năm. Chẳng hạn, bản dịch Trịnh Văn Căn dùng “bảy mươi tuần năm” nơi Đa-ni-ên 9:24, và “bảy tuần năm” và “sáu mươi hai tuần năm” nơi Đa-ni-ên 9:25. Những bản Kinh Thánh Anh ngữ như của Moffat và Rotherham cũng dịch tương tự.

15. “Bảy mươi tuần-lễ” được chia ra thành ba giai đoạn nào, và bắt đầu khi nào?

15 Theo lời của thiên sứ, “bảy mươi tuần-lễ” được chia ra làm ba giai đoạn: (1) “bảy tuần”, (2) “sáu mươi hai tuần”, và (3) một tuần. Các giai đoạn đó sẽ là 49 năm, 434 năm, và 7 năm—tổng cộng 490 năm. Điều đáng chú ý là Bản Diễn Ý nói: “Chúa đã ấn định một thời gian 490 năm để hoàn tất sự đoán phạt tội lỗi của dân Giu-đa và Giê-ru-sa-lem”. Sau thời gian 70 năm bị phu tù và đầy đọa ở Ba-by-lôn, người Do Thái sẽ được hưởng ân huệ đặc biệt của Đức Chúa Trời trong 490 năm, hay 70 năm nhân với 7. Thời gian này bắt đầu “khi ra lệnh tu-bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem”. Vậy vào năm nào?

“BẢY MƯƠI TUẦN-LỄ” BẮT ĐẦU

16. Như được nói trong chiếu chỉ, Si-ru cho dân Do Thái hồi hương với mục đích gì?

16 Có ba diễn biến đáng chú ý liên quan đến điểm bắt đầu “bảy mươi tuần-lễ”. Diễn biến thứ nhất xảy ra vào năm 537 TCN khi Si-ru ra chiếu chỉ cho người Do Thái hồi hương. Lệnh ấy đọc: “Si-ru, vua Phe-rơ-sơ, nói như vầy: Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban các nước thế-gian cho ta, và chính Ngài có biểu ta xây-cất cho Ngài một đền-thờ tại Giê-ru-sa-lem, trong xứ Giu-đa. Trong các ngươi, phàm ai thuộc về dân-sự Ngài, khá trở lên Giê-ru-sa-lem trong xứ Giu-đa, đặng cất lại đền-thờ Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vẫn ngự tại Giê-ru-sa-lem. Nguyện Đức Chúa Trời người ấy ở cùng người! Hễ dân Giu-đa còn sót lại, mặc dầu ở đâu, thì bổn-dân của nơi họ ở, phải tiếp-trợ họ bằng bạc, vàng, của-cải, súc-vật, không kể những của-lễ lạc-hiến về đền của Đức Chúa Trời ở tại Giê-ru-sa-lem”. (E-xơ-ra 1:2-4) Rõ ràng chiếu chỉ này có mục đích đặc biệt là cho tái thiết “đền-thờ Giê-hô-va” trên nền cũ của nó.

17. Lá thư mà E-xơ-ra mang theo cho thấy cuộc hành trình về Giê-ru-sa-lem của ông có mục đích gì?

17 Diễn biến thứ hai xảy ra vào năm thứ bảy đời Vua Ạt-ta-xét-xe người Phe-rơ-sơ (Ạt-ta-xét-xe Longimanus, con trai của Xerxes I). Vào lúc đó, người sao chép E-xơ-ra khởi đầu chuyến đi dài bốn tháng từ Ba-by-lôn đến Giê-ru-sa-lem. Ông mang theo một lá thư đặc biệt của vua, nhưng lá thư này lại không cho phép tái thiết Giê-ru-sa-lem. Thay vì thế, sứ mạng của E-xơ-ra giới hạn trong việc “trang-điểm đền-thờ của Đức Giê-hô-va” mà thôi. Đó là lý do tại sao lá thư nói đến vàng, bạc, khí dụng thánh, và việc góp lúa mì, rượu, dầu và muối để ủng hộ vào việc thờ phượng tại đền thờ, cũng như việc miễn thuế cho những người phụng sự tại đây.—E-xơ-ra 7:6-27.

18. Tin tức nào làm Nê-hê-mi buồn rầu, và làm sao Vua Ạt-ta-xét-xe biết được chuyện đó?

18 Diễn biến thứ ba xảy ra 13 năm sau, vào năm thứ 20 đời Vua Ạt-ta-xét-xe người Phe-rơ-sơ. Lúc đó, Nê-hê-mi đang là quan dâng rượu cho nhà vua tại “kinh-đô Su-sơ”. Thành Giê-ru-sa-lem đã được những người còn sót lại từ Ba-by-lôn trở về sửa lại ít nhiều. Nhưng tình trạng không mấy tốt đẹp. Nê-hê-mi hay là “vách-thành của Giê-ru-sa-lem thì hư-nát và các cửa nó đã bị lửa cháy”. Điều này khiến ông bất an và buồn bực trong lòng rất nhiều. Khi vua hỏi tại sao ông buồn rầu, Nê-hê-mi trả lời: “Nguyện vua vạn tuế! Lẽ nào mặt tôi không buồn, khi cái thành, là nơi có mồ-mả của tổ-phụ tôi, bị phá hoang, và các cửa thành bị lửa thiêu đốt?”.—Nê-hê-mi 1:1-3; 2:1-3.

19. (a) Khi được Vua Ạt-ta-xét-xe hỏi, Nê-hê-mi làm gì trước hết? (b) Nê-hê-mi thỉnh cầu điều gì và ông thừa nhận vai trò của Đức Chúa Trời trong sự việc như thế nào?

19 Sự tường thuật về Nê-hê-mi tiếp tục: “Vua hỏi tôi rằng: Ngươi cầu-xin cái gì? Tôi bèn cầu-nguyện cùng Đức Chúa của các từng trời, rồi tâu với vua rằng: Nếu vua thấy điều đó là tốt-lành, nếu kẻ tôi-tớ vua được ơn trước mặt vua, xin vua hãy sai tôi về Giu-đa, đến thành có mồ-mả của tổ-phụ tôi, để tôi xây-cất thành ấy lại”. Ạt-ta-xét-xe hài lòng về đề nghị này; vua cũng chấp nhận lời thỉnh cầu khác nữa của Nê-hê-mi: “Nếu điều nầy được đẹp lòng vua, xin vua hãy trao cho tôi những bức thơ truyền các quan tổng-trấn bên kia sông [Ơ-phơ-rát] cho phép tôi đi ngang qua cho đến khi tôi tới Giu-đa; lại ban chiếu-chỉ cho A-sáp, kẻ giữ rừng vua, truyền người cho tôi gỗ làm khuôn cửa của thành-điện giáp với đền, và làm vách-thành, cùng nhà mà tôi phải vào ở”. Thừa nhận vai trò của Đức Giê-hô-va trong mọi việc này, Nê-hê-mi nói: “Vua bèn ban cho tôi các [lá thư] đó, tùy theo tay nhân-lành của Đức Chúa Trời tôi giúp-đỡ tôi”.—Nê-hê-mi 2:4-8.

20. (a) Khi nào lệnh “tu-bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem” có hiệu lực? (b) “Bảy mươi tuần-lễ” bắt đầu, và chấm dứt khi nào? (c) Bằng chứng nào cho thấy sự chính xác về năm khởi đầu và năm kết thúc của “bảy mươi tuần-lễ”?

20 Mặc dù vua cho phép vào tháng Ni-san, khoảng đầu năm thứ 20 đời Ạt-ta-xét-xe, nhưng nhiều tháng sau thì “lệnh tu-bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem” mới thực sự có hiệu lực. Việc này xảy ra khi Nê-hê-mi tới Giê-ru-sa-lem và bắt đầu công việc tái thiết. Cuộc hành trình của E-xơ-ra mất bốn tháng (từ Ba-by-lôn tới Giê-ru-sa-lem), nhưng Su-sơ lại cách Ba-by-lôn về phía đông đến hơn 322 kilômét và do đó đến Giê-ru-sa-lem còn xa hơn nhiều. Vậy rất có thể là Nê-hê-mi tới Giê-ru-sa-lem vào khoảng gần cuối năm thứ 20 đời Ạt-ta-xét-xe, hay là năm 455 TCN. Do đó, thời kỳ “bảy mươi tuần-lễ” hay 490 năm đã được tiên tri bắt đầu vào năm này. Thời kỳ này sẽ chấm dứt vào cuối năm 36 CN.—Xin xem “Triều đại của Ạt-ta-xét-xe bắt đầu khi nào?” nơi trang 197.

“ĐẤNG MÊ-SI, TỨC LÀ VUA” XUẤT HIỆN

21. (a) Trong “bảy tuần-lễ” đầu, điều gì phải được hoàn tất, và bất chấp hoàn cảnh nào? (b) Đấng Mê-si phải xuất hiện năm nào, và sách Phúc Âm Lu-ca nói điều gì xảy ra vào năm ấy?

21 Trước khi thành Giê-ru-sa-lem thực sự được xây dựng lại thì bao nhiêu năm đã trôi qua? Công cuộc trùng tu thành này được hoàn tất “trong kỳ khó-khăn” vì những khó khăn nội bộ người Do Thái và sự chống đối từ phía người Sa-ma-ri và những người khác. Bằng chứng cho thấy công trình tái thiết coi như được hoàn tất vào khoảng năm 406 TCN—trong vòng “bảy tuần-lễ” hay 49 năm. (Đa-ni-ên 9:25) Một thời kỳ 62 tuần lễ, hay 434 năm, sẽ nối tiếp theo. Sau thời kỳ ấy, Đấng Mê-si mà người ta chờ đợi từ lâu sẽ xuất hiện. Đếm 483 năm (49 cộng với 434) kể từ năm 455 TCN sẽ đưa chúng ta đến năm 29 CN. Điều gì xảy ra vào thời điểm này? Người viết sách Phúc Âm là Lu-ca cho chúng ta biết: “Năm thứ mười lăm đời Sê-sa Ti-be-rơ,—khi Bôn-xơ Phi-lát làm quan tổng-đốc xứ Giu-đê, Hê-rốt làm vua chư-hầu xứ Ga-li-lê,... thì có lời Đức Chúa Trời truyền cho Giăng, con Xa-cha-ri, ở nơi đồng vắng. Giăng bèn dạo qua hết thảy miền lân-cận sông Giô-đanh, giảng-dạy phép báp-têm về sự ăn-năn để được tha tội”. Vào lúc đó, “dân-chúng vẫn trông-đợi” Đấng Mê-si.—Lu-ca 3:1-3, 15.

22. Khi nào và bằng cách nào Chúa Giê-su trở thành Đấng Mê-si như đã được tiên tri?

22 Giăng không phải là Đấng Mê-si được hứa trước. Nhưng ông nói về những điều ông được chứng kiến lúc Chúa Giê-su, người Na-xa-rét, làm báp têm vào mùa thu năm 29 CN, như sau: “Ta đã thấy Thánh-Linh từ trời giáng xuống như chim bò-câu, đậu trên mình Ngài. Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép báp-têm bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh-Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép báp-têm bằng Đức Thánh-Linh. Ta đã thấy, nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Đức Chúa Trời”. (Giăng 1:32-34) Lúc làm báp têm, Chúa Giê-su đã trở thành Đấng được xức dầu—Đấng Mê-si hay là Đấng Christ. Một thời gian ngắn sau đó, môn đồ của Giăng là Anh-rê gặp Chúa Giê-su, Đấng đã được xức dầu; rồi ông nói với Si-môn Phi-e-rơ: “Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si”. (Giăng 1:41) Do đó, “Đấng Mê-si, tức là vua” xuất hiện đúng lúc và chính xác—vào cuối 69 tuần lễ!

NHỮNG BIẾN CỐ VÀO TUẦN LỄ CUỐI CÙNG

23. Tại sao “Đấng Mê-si, tức là vua” phải chịu chết, và điều này xảy ra khi nào?

23 Những gì được thực hiện trong tuần lễ thứ 70? Thiên sứ Gáp-ri-ên nói là thời kỳ “bảy mươi tuần-lễ” đã được định để “ngăn sự phạm-phép, trừ tội-lỗi, làm sạch sự gian-ác, và đem sự công-bình đời đời vào, đặng đặt ấn-tín nơi sự hiện-thấy và lời tiên-tri, và xức dầu cho Đấng [“Nơi”, NW] rất thánh”. Để thực hiện được điều này, “Đấng Mê-si, tức là vua” phải chịu chết. Khi nào? Gáp-ri-ên nói: “Sau sáu mươi hai tuần-lễ đó, Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi, và sẽ không có chi hết... Người sẽ lập giao-ước vững-bền với nhiều người trong một tuần-lễ, và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của-lễ và của-lễ chay dứt đi”. (Đa-ni-ên 9:26a, 27a) Thời gian trọng đại là vào “giữa tuần”, nghĩa là vào giữa tuần lễ năm cuối cùng.

24, 25. (a) Như đã được tiên tri, Đấng Christ chết khi nào, và sự chết và sự sống lại của ngài khiến cái gì chấm dứt? (b) Sự chết của Chúa Giê-su đưa lại những cơ hội nào?

24 Thánh chức rao giảng công khai của Chúa Giê-su Christ bắt đầu vào cuối năm 29 CN và kéo dài ba năm rưỡi. Như đã được tiên tri, vào khoảng đầu năm 33 CN, Đấng Christ bị “trừ đi” khi ngài chết trên cây khổ hình, dâng mạng sống làm người của ngài để làm giá chuộc cho nhân loại. (Ê-sai 53:8; Ma-thi-ơ 20:28) Việc tế lễ bằng thú vật và việc dâng của-lễ do Luật Pháp qui định không còn cần thiết nữa khi Chúa Giê-su phục sinh đệ trình giá trị của sự hy sinh mạng sống làm người của ngài cho Đức Chúa Trời ở trên trời. Mặc dù các thầy tế lễ Do Thái tiếp tục dâng của-lễ cho đến khi đền thờ Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 70 CN, nhưng những của tế lễ đó không còn được Đức Chúa Trời chấp nhận nữa. Các của-lễ đó đã được thay thế bằng của-lễ tốt hơn, một của-lễ không bao giờ cần phải dâng lại. Sứ đồ Phao-lô viết: “[Đấng Christ] đã vì tội-lỗi dâng chỉ một của-lễ... Vì nhờ dâng chỉ một của tế-lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn-vẹn đời đời”.—Hê-bơ-rơ 10:12, 14.

25 Tuy tội lỗi và sự chết tiếp tục gây khốn khổ cho nhân loại, việc Chúa Giê-su chết và sống lại trên trời đã làm ứng nghiệm lời tiên tri. Đó là ‘đặng ngăn sự phạm-phép, trừ tội-lỗi, làm sạch sự gian-ác, và đem sự công-bình vào’. Đức Chúa Trời đã bỏ đi giao ước Luật Pháp vốn cho người Do Thái thấy họ là người có tội và bị kết án. (Rô-ma 5:12, 19, 20; Ga-la-ti 3:13, 19; Ê-phê-sô 2:15; Cô-lô-se 2:13, 14) Bây giờ tội lỗi của những người biết ăn năn có thể được xóa bỏ, và hình phạt liên hệ được thu hồi. Nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của Đấng Mê-si mà những người thực hành đức tin mới có thể được hòa lại với Đức Chúa Trời. Họ có thể trông chờ nhận được sự ban cho của Đức Chúa Trời là “sự sống đời đời trong Đức Chúa Giê-su Christ”.—Rô-ma 3:21-26; 6:22, 23; 1 Giăng 2:1, 2.

26. (a) Mặc dù giao ước Luật Pháp bị hủy đi, giao ước nào được ‘vững-bền trong một tuần-lễ’? (b) Điều gì xảy ra vào cuối tuần lễ thứ 70?

26 Như thế Đức Giê-hô-va đã hủy bỏ giao ước Luật Pháp bằng cái chết của Đấng Christ vào năm 33 CN. Vậy làm sao có thể nói rằng Đấng Mê-si “sẽ lập giao-ước vững-bền với nhiều người trong một tuần-lễ”? Bởi vì ngài giữ giao ước Áp-ra-ham đang còn hiệu lực. Cho đến khi tuần lễ thứ 70 chấm dứt, Đức Chúa Trời nới rộng ân phước của giao ước ấy cho con cháu người Hê-bơ-rơ của Áp-ra-ham. Nhưng vào cuối “bảy mươi tuần-lễ” năm, tức vào năm 36 CN, sứ đồ Phi-e-rơ giảng cho Cọt-nây, một người Ý mộ đạo, gia đình ông và những người ngoại khác. Và kể từ ngày đó trở đi, tin mừng bắt đầu được công bố cho dân các nước.—Công-vụ các Sứ-đồ 3:25, 26; 10:1-48; Ga-la-ti 3:8, 9, 14.

27. “Nơi rất thánh” nào được xức dầu, và xức dầu như thế nào?

27 Lời tiên tri cũng nói trước việc xức dầu cho “Nơi rất thánh”. Điều này không có ý nói đến việc xức dầu cho Nơi Chí Thánh, hay là gian trong cùng của đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Từ “Nơi rất thánh” dùng nơi đây ám chỉ nơi thánh trên trời của Đức Chúa Trời. Tại nơi đó, Chúa Giê-su đệ trình cho Cha ngài giá trị của sự hy sinh mạng sống ngài làm của-lễ. Phép báp têm của Chúa Giê-su vào năm 29 CN đã xức dầu cho, hay biệt riêng ra, thực tại thiêng liêng ở trên trời được tượng trưng bởi Nơi Chí Thánh của đền tạm trên đất và của đền thờ sau này.—Hê-bơ-rơ 9:11, 12.

LỜI TIÊN TRI ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI PHÊ CHUẨN

28. ‘Đặt ấn-tín nơi sự hiện-thấy và lời tiên-tri’ nghĩa là gì?

28 Lời tiên tri về Đấng Mê-si do thiên sứ Gáp-ri-ên công bố cũng nói đến việc ‘đặt ấn-tín nơi sự hiện-thấy và lời tiên-tri’. Điều này có nghĩa là tất cả những gì tiên tri về Đấng Mê-si—tất cả những gì ngài đã hoàn thành qua việc ngài hy sinh, sống lại và về trời trình diện cũng như những việc khác xảy ra trong tuần lễ thứ 70—được Đức Chúa Trời đóng ấn phê chuẩn, sẽ thành sự thật và đáng tin cậy. Sự hiện thấy được đóng ấn, dành riêng cho Đấng Mê-si mà thôi. Sự hiện thấy được ứng nghiệm nơi ngài và nơi công việc của Đức Chúa Trời thực hiện qua ngài. Chúng ta chỉ có thể thông giải đúng sự hiện thấy khi liên kết với Đấng Mê-si mà Kinh Thánh đã tiên tri. Không có điều chi khác có thể mở ấn ý nghĩa của sự hiện thấy.

29. Điều gì xảy ra cho thành Giê-ru-sa-lem đã được tái thiết, và vì lý do gì?

29 Thiên sứ Gáp-ri-ên tiên tri trước đó là thành Giê-ru-sa-lem sẽ được tái thiết. Bây giờ, thiên sứ lại tiên tri về sự hủy diệt của thành và đền thờ đã được tái thiết ấy như sau: “Có dân của vua hầu đến sẽ hủy-phá thành và nơi thánh; cuối-cùng nó sẽ như bị nước lụt ngập, có sự tranh-chiến cho đến cuối-cùng; những sự hoang-vu đã định... Kẻ hủy-phá sẽ đến bởi cánh gớm-ghiếc, và sẽ có sự giận-dữ đổ trên nơi bị hoang-vu”. (Đa-ni-ên 9:26b, 27b) Mặc dù sự hoang vu này sẽ xảy ra sau “bảy mươi tuần-lễ”, nó là hậu quả trực tiếp của những gì xảy ra trong “tuần-lễ” cuối cùng, khi người Do Thái từ bỏ Đấng Christ và xử tử ngài.—Ma-thi-ơ 23:37, 38.

30. Như lịch sử cho thấy, lệnh của Đấng vĩ đại trong việc ấn định thời gian được thi hành như thế nào?

30 Lịch sử cho thấy vào năm 66 CN, quân La Mã dưới quyền chỉ huy của Thống Đốc người Sy-ri là Cestius Gallus bao vây Giê-ru-sa-lem. Mặc dù người Do Thái chống cự lại, quân La Mã mang phù hiệu hay cờ hiệu có hình tượng xâm nhập thành và khởi sự phá thủng vách tường đền thờ về hướng bắc. Việc họ đứng tại đó khiến họ thành một “sự gớm-ghiếc” có khả năng gây ra sự hoang vu hoàn toàn. (Ma-thi-ơ 24:15, 16) Vào năm 70 CN, quân La Mã dưới quyền chỉ huy của Tướng Titus đến, giống như một trận “nước lụt ngập”, phá tan hoang thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ. Không gì ngăn được họ vì điều này đã được Đức Chúa Trời ra lệnh hay “đã định”. Một lần nữa, Đấng Vĩ Đại trong việc ấn định thời gian, Đức Giê-hô-va, đã làm ứng nghiệm lời của Ngài!

BẠN HỌC ĐƯỢC GÌ?

• Khi thời kỳ 70 năm Giê-ru-sa-lem bị hoang vu tới lúc chấm dứt, Đa-ni-ên khẩn khoản xin gì với Đức Giê-hô-va?

• “Bảy mươi tuần-lễ” là bao lâu, và bắt đầu và chấm dứt khi nào?

• “Đấng Mê-si, tức là Vua” xuất hiện khi nào, và bị “trừ đi” vào thời điểm trọng đại nào?

• Giao ước nào được “vững-bền với nhiều người trong một tuần-lễ”?

• Điều gì xảy ra tiếp theo “bảy mươi tuần-lễ”?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Hình nơi trang 197]

Triều đại của Ạt-ta-xét-xe bắt đầu khi nào?

CÁC sử gia bất đồng về năm Ạt-ta-xét-xe, vua Phe-rơ-sơ, bắt đầu cai trị. Một số cho rằng ông lên ngôi vào năm 465 TCN vì cha ông là Xerxes bắt đầu cai trị vào năm 486 TCN và chết vào năm thứ 21. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy Ạt-ta-xét-xe lên ngôi vào năm 475 TCN và đã bắt đầu cai trị vào năm 474 TCN.

Những bản khắc và hình chạm trổ mà người ta khai quật được tại thủ đô Persepolis của Phe-rơ-sơ cổ xưa cho thấy Xerxes đồng cai trị với cha là Đa-ri-út I. Nếu họ đồng cai trị 10 năm và Xerxes một mình cai trị 11 năm sau khi Đa-ri-út chết vào năm 486 TCN, thì có thể nói năm cai trị đầu tiên của Ạt-ta-xét-xe là năm 474 TCN.

Bằng chứng thứ hai liên hệ đến Tướng Themistocles, một người A-thên đã đánh bại lực lượng của Xerxes vào năm 480 TCN. Sau này ông không còn được dân Hy Lạp ưa chuộng nữa và bị buộc tội phản quốc. Themistocles bỏ trốn đến nương náu nơi triều đình Phe-rơ-sơ và được tiếp đón nồng hậu. Theo Thucydides, sử gia Hy Lạp, điều này xảy ra khi Ạt-ta-xét-xe “mới được lên ngôi”. Sử gia Hy Lạp Diodorus Siculus cho là Tướng Themistocles chết vào năm 471 TCN. Vì Themistocles xin được học tiếng Phe-rơ-sơ một năm trước khi yết kiến Vua Ạt-ta-xét-xe, ông hẳn đã đến Tiểu Á trễ lắm là vào năm 473 TCN. Trong tác phẩm Chronicle of Eusebius, Jerome cũng ủng hộ niên đại này. Vì Ạt-ta-xét-xe “mới được lên ngôi” vào lúc Themistocles đến Á Châu vào năm 473 TCN nên trong sách Christology of the Old Testament (Giáo lý đạo Đấng Christ trong Cựu Ước), học giả người Đức là Ernst Hengstenberg cũng nói, như các nguồn tài liệu khác, là triều đại của Ạt-ta-xét-xe bắt đầu vào năm 474 TCN. Ông nói thêm: “Năm thứ hai mươi triều đại Ạt-ta-xét-xe là năm 455 trước Đấng Christ”.

[Hình nơi trang 197]

Tượng bán thân của Themistocles

[Biểu đồ/Hình nơi trang 188, 189]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

“BẢY MƯƠI TUẦN-LỄ”

455 TCN 406 TCN 29 CN 33 CN 36 CN

“Lệnh tu-bổ... “Bảy mươi tuần-lễ” Đấng Mê-si Đấng Mê-si “Bảy mươi tuần-lễ”

Giê-ru-sa-lem” Giê-ru-sa-lem tái thiết xong xuất hiện bị trừ đi chấm dứt

7 tuần lễ 62 tuần lễ 1 tuần lễ

49 năm 434 năm 7 năm

[Trang hình ảnh nơi trang 180]

[Trang hình ảnh nơi trang 193]