Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đời sống gia đình—Làm sao cho được thành công?

Đời sống gia đình—Làm sao cho được thành công?

Chương 8

Đời sống gia đình—Làm sao cho được thành công?

ĐA SỐ người ta đều nhìn nhận rằng hạnh phúc có liên quan chặt chẽ với đời sống gia đình. Một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy 85% đàn ông nói họ nghĩ rằng “ ‘đời sống gia đình’ rất quan trọng để có được một đời sống hạnh phúc và mãn nguyện”. Vậy mà có lẽ bạn biết nhiều đàn ông đã chọn ly dị. Càng ngày càng có nhiều đàn bà cũng chọn cách ly dị để chấm dứt một cuộc hôn nhân đầy buồn chán, xung đột hoặc bị áp chế.

2 Chúng ta không thể nào thay đổi được những gì người khác làm. Nhưng chúng ta nên tìm cách cải thiện đời sống gia đình mình, nhất là cải thiện mối liên lạc giữa vợ chồng. Chúng ta nên tự đặt câu hỏi: ‘Mối liên lạc vợ chồng trong gia đình tôi thì sao?’

3 Đấng Tạo hóa là Đấng thiết lập sắp đặt về gia đình (Ê-phê-sô 3:14, 15). Ngài ban cho những lời khuyên thiết thực đã giúp cho nhiều cặp vợ chồng được thành công trong đời sống gia đình. Chính các lời khuyên đó cũng có thể đem lợi ích cho bạn.

CUỘC HÔN NHÂN ĐẦU TIÊN CHO TA NHỮNG BÀI HỌC THIẾT THỰC

4 Trong phần mở đầu của Kinh-thánh, lời tường thuật cho chúng ta biết việc Đức Chúa Trời đã sáng lập ra gia đình đầu tiên trong nhân loại như thế nào. Ít lâu sau khi dựng nên người đàn ông đầu tiên là A-đam, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán:

“Loài người ở một mình không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp-đỡ giống như nó... Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam. A-đam nói rằng: Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có. Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (Sáng-thế Ký 2:18, 22-24).

5 Xin lưu ý rằng gia đình đầu tiên không thành lập chỉ do ý hai người tự quyết định sống chung với nhau mà thôi. Chính Đức Chúa Trời đã cho phép cuộc hôn nhân này xảy ra, và hai vợ chồng ấy đã kết hôn vĩnh viễn với nhau. Trước mặt Đấng có Uy quyền tối cao của vũ trụ, A-đam đã nhận Ê-va làm vợ.

6 Khi một người nam và một người nữ làm những bước đòi hỏi để đi đến kết hôn một cách hợp pháp và được mọi người công nhận, thì họ công khai lập hôn ước với nhau (Sáng-thế Ký 24:4, 34-67; Ma-thi-ơ 25:1-10). Còn khi một cặp tình nhân thuận tình ăn ở với nhau mà không kết hôn thì kể như không có hôn ước. Thay vì thế, Kinh-thánh gọi cách chung sống ngoại hôn như vậy là “tà dâm” hoặc “ngoại tình” (Hê-bơ-rơ 13:4). Ngay dù họ có tuyên bố yêu nhau đi nữa, thì mối quan hệ của họ qua thời gian có lẽ sẽ bị tổn thương vì không có một sự hợp ước bền vững với nhau về hôn nhân, điều mà Kinh-thánh cho thấy là rất quan trọng. Để thí dụ:

Một phụ nữ 34 tuổi giải thích: “Có thể là tôi sống theo lối xưa, nhưng hợp ước hôn nhân khiến tôi cảm thấy an toàn hơn... Tôi quí trọng việc công khai thừa nhận với chính chúng tôi và với cả thế gian rằng chúng tôi có ý định sống gắn bó với nhau mãi mãi”.

Một giáo sư 28 tuổi chia xẻ điều ông đã nhận ra: “Sau vài năm [sống chung không kết hôn], tôi bắt đầu cảm thấy tôi sống một cuộc đời thật trống rỗng. Chỉ sống chung với nhau thôi [mà không kết hôn] thì không thấy có một định hướng rõ rệt nào về tương lai cả”.

Khi nghiên cứu vấn đề này, nhà xã hội học tên Nancy M. Clatworthy thấy rằng những cặp nào đính ước kết hôn và không ăn ở với nhau trước khi kết hôn thường nói họ đã cảm thấy “một tình cảm đậm đà hơn về hạnh phúc và về sự thỏa lòng”.

7 Sự tường thuật của Kinh-thánh về cuộc hôn nhân đầu tiên cũng có thể giúp chúng ta tránh được những vấn đề liên quan đến cha mẹ ruột hoặc cha mẹ của người hôn phối mình. Theo lời của một nhà cố vấn hôn nhân, các vấn đề ấy rất thường xảy ra. Thế nhưng ngay trước khi các vấn đề ấy có thể xảy ra, Kinh-thánh đã nói về cuộc hôn nhân đầu tiên như sau: “Người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình” (Sáng-thế Ký 2:24).

8 Dĩ nhiên đa số chúng ta yêu mến cha mẹ mình. Kinh-thánh còn khuyến khích chúng ta giúp đỡ về vật chất cho cha mẹ mình khi họ về già nữa, nếu họ cần (I Ti-mô-thê 5:8; Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:16; Châm-ngôn 20:20). Tuy nhiên Kinh-thánh nhấn mạnh rằng khi đã kết hôn thì người hôn phối trở thành người thân yêu gần gũi nhất. Chính người hôn phối mới là người mà bạn phải yêu mến, chăm lo và hỏi ý kiến trước hết thảy mọi người.

9 Quan điểm này không khuyến khích người đã lập gia đình mỗi khi có vấn đề gì xảy ra liền “chạy về nhà cha mẹ mình”. Và quan điểm này còn giúp các bậc cha mẹ nhận thức rằng một khi con cái đã kết hôn, thì chúng “tách rời khỏi gia đình” để ra riêng lập thành những gia đình độc lập; ngay cả khi, vì phong tục hay vì lý do tài chính, chúng tạm thời sống gần cha mẹ hoặc với cha mẹ một thời gian đi nữa. Điều thích hợp là con cái nên tỏ ta quí trọng và nhờ cậy vào sự khôn ngoan và kinh nghiệm của cha mẹ mình (Gióp 12:12; 32:6, 7). Thế nhưng Sáng-thế Ký 2:24 nói lời cảnh giác các bậc cha mẹ không nên tìm cách điều khiển hay giám sát đời sống của con cái đã lập gia đình riêng. Thật vậy, áp dụng lời khuyên này của Kinh-thánh sẽ góp phần làm cho hôn nhân được thành công.

LẤY BAO NHIÊU NGƯỜI?

10 Lời tường thuật trong Sáng-thế Ký cũng cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời chỉ cho A-đam có một vợ mà thôi. Trong một vài xã hội, người đàn ông được quyền lấy nhiều vợ. Nhưng chế độ đa thê liệu có dẫn đến gia đình hạnh phúc không? Trái lại, kinh nghiệm cho thấy rằng chế độ đa thê thường gây ra ghen tuông, tranh cạnh và cảnh những người vợ lớn tuổi bị bạc đãi (Châm-ngôn 27:4; Sáng-thế Ký 30:1). Người Hê-bơ-rơ thời xưa thực hành cả chế độ đa thê lẫn bỏ vợ theo cách ly dị. Đức Chúa Trời nhân nhượng cho họ tiếp tục những thực hành đó, nhưng Ngài cũng đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên những luật pháp nhằm ngăn cản những sự lạm dụng trắng trợn. Tuy nhiên, trong một dịp thảo luận về đề tài này, Chúa Giê-su đã lưu ý đến ý định của Đức Chúa Trời bày tỏ trong sách Sáng-thế Ký. Khi người ta hỏi ngài về các nguyên nhân khác nhau để được ly dị, thì ngài trả lời:

“Các ngươi há chưa đọc lời chép về Đấng Tạo-Hóa, hồi ban đầu, dựng nên một người nam, một người nữ, và có phán rằng: Vì cớ đó người nam sẽ lìa cha mẹ, mà dính-díu với vợ mình... hay sao?... Vậy, loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!.. Vì cớ lòng các ngươi cứng-cỏi, nên Môi-se cho phép để vợ [ly dị]; nhưng lúc ban đầu không có như vậy đâu. Vả, ta phán cùng các ngươi, nếu ai để vợ mình không phải vì cớ ngoại-tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà-dâm” (Ma-thi-ơ 19:3-9).

11 Chúa Giê-su đã cho thấy một cách rõ ràng rằng tiêu chuẩn giữa môn đồ ngài, không phải là đa thê, mà là một vợ một chồng, y như điều Đức Chúa Trời đã thiết lập từ thuở ban đầu (I Ti-mô-thê 3:2). Nhìn nhận sự khôn ngoan và thẩm quyền của Đức Chúa Trời trong lãnh vực này là một bước hướng tới hạnh phúc rồi.

12 Điều này cũng đúng với lời của Chúa Giê-su nói về ly dị. Khi người ta có thể dễ dàng ly dị thì các vụ ly dị càng nhiều, như chúng ta thấy nhan nhản ngày nay. Nhưng Đức Giê-hô-va xem hôn nhân là một sự đính ước vĩnh cửu. Thật ra, Chúa Giê-su có nói rằng nếu một người phạm tội “tà dâm” (tiếng Hy-lạp là por·neiʹa, có nghĩa một tội vô luân nghiêm trọng), thì như vậy người ấy đã trở nên “một thịt” với người khác, và người hôn phối vô tội kia có thể xin ly dị và tái hôn được. Ngoài trường hợp ấy ra, Đấng Tạo hóa xem mỗi cặp vợ chồng như kết hợp làm một với nhau suốt đời. Những ai nhìn nhận thẩm quyền của Đức Chúa Trời trong lãnh vực này càng có thêm lý do vững chắc để nỗ lực củng cố cho hôn nhân của mình và khắc phục bất cứ vấn đề gì mà họ gặp phải (Truyền-đạo 4:11, 12; Rô-ma 7:2, 3). Vậy thì quan điểm ấy không gây nên sự bất hạnh mà trái lại giúp cho hôn nhân được thành công. Kinh nghiệm chứng minh cho điều ấy.

13 Có người có lẽ sẽ nói: “Nhưng có những cặp vợ chồng gặp nhiều vấn đề hết sức nghiêm trọng, hoặc họ không thể nào hợp được với nhau nữa”. Vậy thì làm sao? Kinh-thánh còn có những lời khuyên thiết thực khác mà chúng ta có thể học được.

MỘT NGƯỜI CHỒNG THẬT SỰ YÊU VỢ

14 Một bí quyết để gia đình được thành công là cách người chồng xem vợ mình như thế nào và đối xử với vợ ra sao. Nhưng ai có thể nói cách xử sự nào là tốt nhất? Lời tường thuật của Kinh-thánh về cuộc hôn nhân đầu tiên lại giúp chúng ta về vấn đề này. Kinh-thánh giải thích cho chúng ta rằng Đức Chúa Trời đã dùng một phần của thân thể A-đam để làm thành một người vợ cho ông. Sau này, Kinh-thánh nói thêm về việc đó:

“Chồng phải YÊU VỢ NHƯ CHÍNH THÂN MÌNH. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi-nấng săn-sóc nó như Đấng Christ đối với hội-thánh”.

Sau khi trích Sáng-thế Ký 2:24, Phao-lô nói tiếp: “Thế thì mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình” (Ê-phê-sô 5:28-33).

15 Một số đàn ông có lẽ nghĩ họ phải tỏ ra cứng rắn hay giữ một khoảng cách nào đó với vợ mình. Nhưng Đấng Sáng lập hôn nhân thì phán rằng người chồng phải yêu vợ mình một cách sâu đậm và phải bày tỏ tình yêu ấy. Muốn có hạnh phúc thực sự thì người vợ cần được biết chắc là chồng thực sự yêu mến mình.

16 Để ‘nuôi nấng và chăm sóc vợ như chính thân mình’, thì người chồng phải cố gắng cung cấp tốt cho mọi nhu cầu của vợ mình. Thế nhưng người chồng không nên chú tâm quá đến công việc làm ăn, đến nỗi không còn thì giờ cho vợ và không còn thiết tỏ quan tâm nồng nàn đến vợ nữa. Ngoài ra, chẳng có người đàn ông lành mạnh nào, ngay dù có tức giận đi nữa, lại đi ghét hay hành hạ chính thân mình. Thế cho nên điều Kinh-thánh nói loại ra việc người đàn ông nổi giận mà hành hung vợ mình (Thi-thiên 11:5; 37:8).

17 Người đàn bà đầu tiên được tạo ra để làm ‘một phần bổ túc cho chồng’ (Sáng-thế Ký 2:18, NW). Đức Chúa Trời công nhận là người nam và người nữ có sự cấu tạo khác nhau, và điều ấy đến nay vẫn còn đúng. Đàn bà thường có tánh tình và cách hành động khác đàn ông. Đàn ông có thể là cương nghị, trong khi đàn bà thì tỏ ra nhân đạo và kiên nhẫn hơn. Nàng có thể thích đám đông, chàng thì thích ở yên tịnh một mình hơn. Chàng có thể coi trọng sự đúng giờ giấc, trong khi nàng thì “thoải mái” về giờ giấc hơn. Kinh-thánh nói rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra Ê-va để làm “phần bổ túc”, vậy điều này nên giúp người chồng hiểu được các sự khác biệt ấy.

18 Sứ đồ Phi-e-rơ khuyến khích các người làm chồng hãy ‘ăn ở với vợ mình theo sự hiểu biết, tôn trọng họ như bình yếu đuối hơn’ (I Phi-e-rơ 3:7, NW). “Tôn trọng” vợ như thế gồm cả việc dung hợp theo các sở thích của vợ. Có thể là người chồng thích thể thao, trong khi người vợ lại thích đi xem các cửa hàng hoặc đi xem ca kịch chẳng hạn. Các sở thích của nàng cũng có giá trị y như của chàng vậy. Tôn trọng tức là cho phép có các điểm khác biệt ấy.

19 Tánh tình hay thay đổi của người vợ, do ảnh hưởng của kỳ kinh nguyệt của nàng, đôi khi làm người chồng thấy khó hiểu được, và có khi ngay cả người vợ cũng thấy khó hiểu nữa. Nhưng người chồng có thể góp phần vào hạnh phúc lứa đôi bằng cách cố gắng hiểu vợ mình và ‘ăn ở với vợ mình theo sự hiểu biết’. Thường thường người vợ cần nhất là được chồng dịu dàng ôm mình trong vòng tay và dùng lời yêu thương tha thiết nói chuyện với nàng.

MỘT NGƯỜI VỢ KÍNH TRỌNG CHỒNG MÌNH

20 Vì người vợ cũng phải góp phần làm cho gia đình được hạnh phúc, cho nên Đấng Tạo hóa cũng ban những lời khuyên cho người vợ nữa.

21 Ngay sau khi bảo người chồng phải yêu thương vợ mình, Kinh-thánh nói thêm: “Còn vợ thì phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33). Trong cuộc hôn nhân đầu tiên, một số yếu tố có lẽ đương nhiên thúc đẩy Ê-va kính trọng chồng nàng. A-đam được dựng nên trước Ê-va. Ông có hiểu biết và kinh nghiệm sống nhiều hơn, ngay cả đã nhận được những lời chỉ bảo trực tiếp của Đức Chúa Trời nữa.

22 Còn về hôn nhân thời nay thì sao? Nếu người chồng thành thực cố gắng áp dụng các lời khuyên của Kinh-thánh bàn đến trên đây, thì người vợ chắc hẳn sẽ được thúc đẩy để tỏ lòng kính trọng ông. Ngay khi người vợ có thể là tài giỏi hơn trong những lãnh vực nào đó hoặc người chồng tỏ ra thiếu khả năng đi nữa, thì nàng vẫn có lý do để vun trồng sự kính trọng đối với chồng—bởi vì muốn tôn trọng sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va, và gia đình là một phần trong sự sắp đặt của Ngài vậy. Sứ đồ Phao-lô viết:

“Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng-phục chồng mình như vâng-phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội-thánh” (Ê-phê-sô 5:22, 23).

23 Điều ấy không có nghĩa là trong gia đình, người chồng được phép xử sự như một nhà độc tài chuyên chế, cái gì cũng biết hết. Như thế là trái với gương mẫu của Chúa Giê-su đầy yêu thương, ân cần và thông cảm. Đức Chúa Trời khuyến khích người vợ nên theo sự dẫn dắt của chồng mình. Khi có những vấn đề quan trọng trong gia đình, vợ chồng có thể hội ý với nhau, giống như các phần trong cùng một thân thể phải tương thuộc với nhau vậy. Tuy nhiên, dưới mắt Đức Chúa Trời, người chồng là người chịu trách nhiệm chính yếu trong gia đình (Cô-lô-se 3:18, 19).

24 Kinh nghiệm cho thấy những gì Kinh-thánh nói về vấn đề này là khôn ngoan. Vì khi người vợ cố gắng tỏ ra xứng đáng với tình thương yêu và sự chăm sóc ân cần của chồng, và sẵn sàng theo sự dẫn dắt của chồng trong các công việc của gia đình, thì người vợ sẽ thấy là chồng mình sẽ vui lòng gánh vác và làm tròn các trách nhiệm của chàng một cách đầy yêu thương (Châm-ngôn 31:26-28; Tít 2:4, 5).

HỢP TÁC ĐỂ LÀM CHO GIA ĐÌNH ĐƯỢC THÀNH CÔNG

25 Nói chuyện với nhau là điều rất quan trọng, vậy mà có quá nhiều gia đình lại thường thiếu sót về việc này. Một chuyên gia xã hội học nhận xét: “Phần đông các cặp vợ chồng không chịu lắng nghe nhau, do đó sanh ra lắm mối xung khắc”. Trong đời sống, chúng ta chắc chắn có những khi bực tức, trái ý và thất vọng. Vậy làm sao chúng ta có thể tránh cho các điều ấy không làm tổn thương đến hôn nhân của mình? Chính sự thông tri tốt đẹp sẽ giúp ích nhiều. Hãy tránh coi thường sự thông tri giữa vợ chồng, nếu không vợ chồng sẽ càng ngày càng ít nói chuyện với nhau.

26 Hãy cố gắng trong việc thông tri với nhau. Bạn có thật sự làm cho có thói quen bàn luận về các sanh hoạt và tình cảm của bạn không? Thường thì chúng ta hay vội nói quá, và không để ý nghe những gì người kia đang nói (Châm-ngôn 10:19, 20; Gia-cơ 1:19, 26). Thay vì nóng lòng chờ cho đến phiên mình nói, bạn hãy cố nghe, cố hiểu ý của người nói; có lẽ bạn có thể hỏi: “Có phải anh/em nói thế nghĩa là...?” hay “Có phải anh/em muốn nói là...?” (Châm-ngôn 15:30, 31; 20:5; 21:28). Người chồng hay người vợ mà thành thật lắng nghe các ý tưởng và tình cảm của người hôn phối mình thì chắc sẽ không hành động một cách ích kỷ hoặc quá cứng rắn.

27 Sự thông tri giữa vợ chồng sẽ càng giá trị hơn nữa nếu họ bàn luận về các vấn đề của mình dưới ánh sáng của các lời khuyên trong Kinh-thánh. Để thí dụ, các đoạn I Ti-mô-thê 6:6-10, 17-19 và Ma-thi-ơ 6:24-34 sẽ cung cấp cho họ một căn bản tốt nhất để bàn luận về khoản thu nhập của gia đình hay các kế hoạch tài chánh. Bạn sẽ có thể tìm được nhiều lời khuyên của Kinh-thánh về các khía cạnh thông thường của đời sống gia đình trong cuốn sách nhan đề Xây dựng Đời sống Gia đình Hạnh phúc. *

28 Vì các lời khuyên của Kinh-thánh đều do Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng có thẩm quyền nhất về hôn nhân và đời sống gia đình truyền dạy, cho nên hợp lý là nếu chúng ta luôn luôn kiên nhẫn làm theo, thì các lời khuyên bảo ấy sẽ giúp chúng ta trong việc làm cho hôn nhân được thành công. Hàng ngàn cặp vợ chồng tín đồ đấng Christ trên khắp thế giới đã làm thế và được nhiều kết quả tốt đẹp trong hôn nhân.

[Chú thích]

^ đ. 27 Do Hội Tháp Canh (Watchtower Bible and Tract Society) xuất bản.

[Câu hỏi thảo luận]

Chúng ta có thể làm gì để thành công hơn trong đời sống gia đình? (1-3)

Sự đính ước trong cuộc hôn nhân đầu tiên có tầm quan trọng ra sao, và ngày nay tại sao một hôn ước như vậy là rất quan trọng? (4-6)

Cuộc hôn nhân đầu tiên có thể dạy cho chúng ta hiểu điều gì về cha mẹ ruột và cha mẹ của người hôn phối? (7-9)

Sách Sáng-thế Ký có bài học thiết thực nào về việc một người được lấy bao nhiêu vợ hay chồng? (10, 11)

Kinh-thánh khuyến khích quan điểm nào về sự ly dị? (12, 13)

Người chồng có thể áp dụng lời khuyên của Kinh-thánh cho mình như thế nào? (14-16)

Sự kiện người vợ là “phần bổ túc” cho chồng phải có nghĩa gì đối với người chồng? (17-19)

Kinh-thánh khuyến khích người vợ phải có quan niệm nào về chồng mình? (20-22)

Tại sao người vợ có thể tin cậy rằng lời khuyên ấy sẽ giúp ích? (23, 24)

Sự thông tri góp phần thế nào trong việc làm cho đời sống gia đình được thành công? (25-28)

[Khung nơi trang 80]

Một người ở miền tây Hoa Kỳ kể lại: “Trong cuộc đời làm chồng của tôi, tôi đã mua được mọi thứ của cải vật chất mà tôi muốn—một ngôi nhà đẹp, nhiều xe hơi, du thuyền, và ngựa. Tuy nhiên những thứ ấy không đem lại hạnh phúc cho tôi. Vợ tôi không thích những thứ mà tôi ưa thích. Chúng tôi thường xuyên cãi nhau. Tôi hút cần sa để tìm chút yên tĩnh cho tâm hồn”.

“Phần lớn những ngày nghỉ cuối tuần là tôi đi săn bắn xa nhà. Công việc làm ăn cũng buộc tôi đôi khi phải đi xa nhà, do đó tôi đã ngoại tình. Tôi nghĩ vợ tôi không yêu tôi, nên tôi đã dọn ra khỏi nhà và lang chạ với hết người đàn bà này đến người đàn bà khác, cho đến lúc đời tôi có vẻ như bế tắc”.

“Vào lúc đó tôi có đọc Kinh-thánh chút ít. Sách Ê-phê-sô đoạn 5 đã thuyết phục tôi phải trở về với vợ tôi. Tôi nhận thức được rằng vợ tôi đã không phục tùng tôi, mà tôi thì cũng đã chẳng làm đúng vai trò gia trưởng của mình. Thế nhưng vào tuần sau đó, trong chuyến đi xa vì công việc, tôi lại phạm tội ngoại tình”.

Rồi một người bạn nói với ông ấy rằng nếu ông ta thật sự chú ý đến Đức Chúa Trời, thì Nhân-chứng Giê-hô-va có thể giúp ông. Ông ấy kể tiếp: “Các Nhân-chứng quả đã giúp tôi. Một giám thị của hội thánh đã dành thì giờ để học hỏi Kinh-thánh với tôi. Vì nhận thấy cách sống của tôi có thay đổi nhiều, nên vợ tôi đã cùng tham dự học hỏi. Ngày nay, và lần đầu tiên trong đời, chúng tôi có được một đời sống gia đình hạnh phúc, và ngay cả hai đứa con gái của chúng tôi cũng thấy rõ sự khác biệt. Tôi không có lời nào để diễn tả hết niềm hạnh phúc tuyệt vời mà tôi và vợ tôi đã tìm được khi áp dụng Kinh-thánh trong đời sống mình”.

[Hình nơi trang 85]

Sự thông tri—yếu tố thiết yếu để có hôn nhân hạnh phúc