Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thể đương đầu với các vấn đề của đời sống

Bạn có thể đương đầu với các vấn đề của đời sống

Chương 5

Bạn có thể đương đầu với các vấn đề của đời sống

NGƯỜI TA thường nói: “Đời sống chỉ toàn là những vấn đề”. Có lẽ bạn cũng đồng ý như vậy.

2 Nhiều người bị khổ về các vấn đề tiền bạc—nào là hóa đơn phải trả, nạn lạm phát, công việc bấp bênh, khó tìm được chỗ ở tử tế. Các vấn đề nghiêm trọng về hôn nhân và gia đình cũng hay xảy ra. Nhiều người trẻ tuổi gặp phải những vấn đề về tình dục, rượu chè và ma túy. Người lớn tuổi thì gặp nhiều khó khăn về sức khỏe suy nhược. Tất cả những điều này gây ra những căng thẳng tai hại về cảm xúc.

3 Bạn đương đầu với những vấn đề của đời sống giỏi đến mức nào? Các tin tức về sự lan rộng của bệnh buồn chán và những vụ tự tử cho thấy rằng nhiều người không thể đương đầu nổi. Tuy nhiên, có hàng triệu người không bị mất thăng bằng dù gặp nghịch cảnh. Tại sao?

4 Chính vì họ đã tập nương tựa vào các lời khuyên của Đấng Tạo hóa loài người như ghi trong Kinh-thánh. Không một nhà tâm lý học nào, một cố vấn hôn nhân nào, hay một ký giả mục ‘gỡ rối tơ lòng’ nào lại có thể hiểu biết tường tận về đời sống hơn Đức Chúa Trời. Vì Ngài đã tạo ra những người đầu tiên, nên Ngài hiểu biết trọn vẹn về sự cấu tạo thể chất, tinh thần và tình cảm của chúng ta (Thi-thiên 100:3; Sáng-thế Ký 1:27). So với bất cứ người nào mà đời sống thật ngắn ngủi, thì Đức Giê-hô-va biết rõ hơn nhiều những gì xảy ra trong con người chúng ta và tại sao chúng ta lại hành động như thế (I Sa-mu-ên 16:7).

5 Hơn nữa, Ngài biết rõ hơn bất cứ ai trong chúng ta về những vấn đề mà chúng ta thường gặp phải trong thế gian này. Vì Ngài không phải chỉ mới quan sát tất cả những vấn đề của loài người trong ít năm gần đây thôi, nhưng ngay từ thời có người đàn ông đầu tiên. Kinh-thánh cho biết: “Đức Giê-hô-va từ trên trời ngó xuống, nhìn thấy hết thảy con-cái loài người. Ngài... xem-xét hết thảy người ở thế-gian... xem-xét mọi việc của chúng nó” (Thi-thiên 33:13-15). Điều này có nghĩa là Ngài biết cách nào thành công và cách nào thất bại trong việc đương đầu với bất cứ những vấn đề nào của chúng ta.

6 Với lòng quảng đại, Ngài cho chúng ta có thể được hưởng lợi ích của sự hiểu biết và kinh nghiệm của Ngài. Kinh-thánh có ghi những lời khuyên của Ngài và trình bày theo một cách thích hợp với các nhu cầu của chúng ta, bất kể hoàn cảnh của chúng ta như thế nào trong đời sống và chúng ta sống ở nơi nào đi nữa. Như Thi-thiên 19:7-11 nói: “Luật-pháp của Đức Giê-hô-va là trọn-vẹn, bổ linh-hồn lại. Sự chứng-cớ của Đức Giê-hô-va là chắc-chắn, làm cho kẻ ngu-dại trở nên khôn-ngoan”.

7 Chúng ta hãy thử xem xét vắn tắt làm sao các lời khuyên này có thể giúp một người đương đầu với hai vấn đề cá nhân nghiêm trọng là sự căng thẳng thần kinh nghiêm trọng và sự cô đơn. Sau khi đã xem xét sự giúp đỡ thiết thực mà Kinh-thánh ban cho về hai vấn đề này, chúng ta sẽ xem xét thêm những vấn đề cũng rất phổ biến khác, là các vấn đề liên quan đến tiền bạc, hôn nhân và ma túy.

LÀM SAO ĐƯƠNG ĐẦU VỚI SỰ CĂNG THẲNG THẦN KINH

8 Ít người có thể nói mình không bao giờ bị căng thẳng thần kinh nghiêm trọng. Chúng ta càng lo âu—về tiền bạc, về gia đình, về tình dục, về tội ác—thì sự căng thẳng thần kinh càng nghiêm trọng. Một bài báo mới đây nói rằng đặc điểm rõ nhất của thời đại chúng ta không phải là ở cách xử sự nào hay cách phục sức nào, mà là “một cảm giác kinh khủng về căng thẳng thần kinh”.

9 Bạn có biết rằng sự căng thẳng thần kinh có thể rút ngắn đời sống của bạn không? Xin lưu ý:

“Sự căng thẳng thần kinh được gọi là ‘kẻ sát nhân của thế kỷ 20’, chính yếu gây ra bởi những nhu cầu tâm lý của đời sống hiện đại. Hiện giờ, chứng căng thẳng này gây ra những căn bệnh góp phần khiến cho hàng năm có rất nhiều người phải vào bệnh viện và phải chết—ít nhất hàng chục triệu người” (Tập san thông tin Phi Châu To the Point).

“Chứng căng thẳng thần kinh nghiêm trọng hay dai dẳng có thể khiến cho cơ thể dễ mắc phải nhiều thứ bệnh khác, từ bệnh nổi mụn trên da và cảm gió đến những cơn đau tim và bệnh ung thư” (The Wall Street Journal, Hoa Kỳ).

Cả những thai nhi cũng có thể bị ảnh hưởng. Sự căng thẳng thần kinh nơi phụ nữ mang thai, chẳng hạn vì bất đồng ý kiến giữa vợ chồng hay lo sợ bị thất nghiệp, có thể gây ra tai hại về thể chất, tinh thần hay tình cảm cho đứa bé trong bụng mẹ.

10 Sự căng thẳng thần kinh cũng còn tai hại vì gây ra nhiều vấn đề khác. Vì bị chứng ấy nên nhiều người phải mất giờ làm việc, do đó làm tăng thêm khó khăn về tiền bạc nữa. Chứng ấy còn gây ra sự hung bạo, ngay cả trong hôn nhân. Một người chồng viết:

“Mỗi ngày tôi càng bị căng thẳng hơn và cáu kỉnh hơn. Tôi muốn gây hấn với mọi người, và thường thì chính vợ tôi lại là người phải lãnh đủ. Tôi muốn say ma túy, nhưng cũng chẳng giúp gì cho tôi”.

11 Căng thẳng tinh thần chút ít là chuyện thường và không nhất thiết là xấu. Sáng dậy bước ra khỏi giường cũng gây ra chút ít căng thẳng nào đó, cũng như khi theo dõi một trận cầu gây cấn. Nhưng khi có sự căng thẳng thần kinh quá độ hoặc dai dẳng thì có hại. Hiển nhiên một số áp lực mà chúng ta phải chịu dường như không thể tránh được, vì chúng liên quan đến người khác hay đến những hoàn cảnh trong đời sống chúng ta. Dầu sao đi nữa, chúng ta có thể làm gì để chế ngự những sự căng thẳng có hại? Nếu chúng ta có thể đương đầu tốt hơn trước sự căng thẳng thần kinh, thì những vấn đề khác sẽ nhẹ bớt phần nào, chẳng hạn những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta.

12 Một người mà cả thế giới đều xem như một trong những thầy dạy vĩ đại đã từng sống là Chúa Giê-su đã cho biết bí quyết để đương đầu với sự căng thẳng thần kinh. Khi người ta hỏi ngài điều răn nào của Đức Chúa Trời là quan trọng nhất, thì ngài đáp: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh-hồn, hết ý mà yêu-mến Chúa [Đức Giê-hô-va]... và yêu kẻ lân-cận như mình” (Ma-thi-ơ 22:37-39). Hãy áp dụng qui tắc này, và bạn sẽ được giúp để đương đầu với sự căng thẳng thần kinh.

13 Thí dụ, nếu bạn cư xử đầy yêu thương với người hôn phối hay với bà con thân thuộc, thì bạn hẳn sẽ được bình an hơn. Một bầu không khí ấm cúng và hạnh phúc sẽ phát triển. Mối căng thẳng sẽ giảm đi. Thật vậy, làm theo lời khuyên này của Kinh-thánh có thể đem lại kết quả tốt trong việc làm giảm thiểu sự căng thẳng.

14 Lời khuyên của Kinh-thánh không chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình. Nếu bạn áp dụng lời khuyên này và bày tỏ yêu thương với người khác—kể cả áp dụng “Luật Vàng” là ‘làm cho người khác những gì mình mong họ làm cho mình—thì người ta sẽ ưa thích bạn nhiều hơn (Lu-ca 6:31). Điều này đã chứng tỏ đúng tại sở làm, ở trường học và trong cộng đồng. Dù cho có thể hãy còn một vài sự va chạm, nhưng chắc chắn sẽ có ít hơn. Do đó bạn sẽ dễ dàng thấy kết quả là bạn sẽ ít bị căng thẳng hơn.

15 Việc áp dụng lời khuyên của Kinh-thánh còn được ngay cả các giới khoa học nhìn nhận là yếu tố góp phần làm giảm bớt và giúp đương đầu được với sự căng thẳng thần kinh. Một trong những người có thẩm quyền nhất về việc nghiên cứu ảnh hưởng của sự căng thẳng thần kinh là giáo sư Hans Selye (Đại học Montreal), đã cho lời khuyên này:

“Thay vì cậy vào thuốc men hay các kỹ thuật khác để chữa trị chứng căng thẳng thần kinh, tôi nghĩ rằng có một phương pháp hữu hiệu hơn, đó là có một thái độ khác đối với các biến cố trong đời sống chúng ta”.

Ông nhấn mạnh việc cần phải có một thứ “triết lý về cách xử thế để sống”, mà nếu người ta chọn theo thì “sẽ đem lại nhiều điều hay cho nhân loại nói chung, hơn bất cứ sự phát minh nào”. Cái “triết lý” ấy là gì? Sau 40 năm nghiên cứu về chứng căng thẳng thần kinh, ông nói rằng giải pháp chủ yếu nằm trong hai chữ—yêu thương.

16 Tại sao mà, ngay cả trong đời sống hằng ngày, bày tỏ yêu thương như Kinh-thánh khuyên, lại là điều thiết thực đến thế? Tại sao bày tỏ yêu thương đem lại kết quả tốt đến thế? Giáo sư Selye nói:

“Hai cảm xúc trọng yếu nhất gây ra hoặc làm giảm thiểu sự căng thẳng thần kinh là lòng oán ghét và tình yêu thương. Kinh-thánh nhấn mạnh điểm này rất nhiều lần. Điều mà Kinh-thánh muốn truyền đạt là: nếu chúng ta không chịu sửa tánh ích kỷ bẩm sinh thì chúng ta sẽ làm người khác sợ và ghét mình... Chúng ta càng làm cho người khác yêu mình thay vì ghét mình bao nhiêu, thì chúng ta lại càng được an toàn hơn và càng ít bị căng thẳng thần kinh hơn bấy nhiêu”.

17 Sự nóng giận là một nguyên nhân khác gây ra sự căng thẳng thần kinh. Tất cả chúng ta đôi lúc cũng nóng giận, như Kinh-thánh công nhận. Thế nhưng Kinh-thánh khuyên: “Người chậm nóng-giận thắng hơn người dõng-sĩ; và ai cai-trị lòng mình thắng hơn kẻ chiếm-lấy thành” (Châm-ngôn 16:32; Ê-phê-sô 4:26). Vậy khi nào chúng ta nóng giận, thì hãy nhớ lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời là phải tránh phẫn nộ hay ‘sôi gan điên tiết’. Những ai không theo lời khuyên này thì nhiều khi dễ đi đến chỗ tuôn ra những lời nói ác nghiệt hay ẩu đả hung bạo. Hậu quả là bị tai hại về thể chất hay tinh thần và sự căng thẳng kéo dài dai dẳng. Cho nên, bạn càng áp dụng đến mức độ nào lời khuyên khôn ngoan và thiết thực của Kinh-thánh về sự nóng giận, thì bạn càng thành công trong việc đương đầu với sự căng thẳng thần kinh.

18 Có một lời khuyên khác của Kinh-thánh cũng giúp chúng ta làm giảm thiểu sự căng thẳng thần kinh, ấy là chúng ta nên có một đời sống nhiều thay đổi và thăng bằng. Một số người luôn luôn miệt mài làm việc, còn một số khác lại chẳng mấy khi làm việc. Có người luôn luôn nghiêm nghị, người khác lại chẳng bao giờ nghiêm trang được cả. Bất cứ thái độ cực đoan nào như thế hầu như tất nhiên gây ra những vấn đề và hậu quả là sự căng thẳng thần kinh. Tuy nhiên, hãy đọc trong sách Truyền-đạo 3:1-8, thì bạn sẽ thấy Đức Chúa Trời phán rằng có từng kỳ cho mỗi loại hoạt động. Bạn thấy không, Kinh-thánh đưa ra một quan điểm vừa thực tế lại vừa thăng bằng về đời sống. Làm việc là tốt, trái với lười biếng. Song le, Kinh-thánh cũng khuyến khích người ta nghỉ ngơi, giải trí và hưởng lấy những thành quả của công lao mình (Truyền-đạo 3:12, 13; 10:18; Châm-ngôn 6:9-11). Chúng ta có lợi ích khi dùng thời giờ để suy nghĩ nghiêm chỉnh về ý nghĩa cuộc đời và cách chúng ta phải sống như thế nào. Tuy nhiên cũng nên nghỉ ngơi giải trí với gia đình hay bạn bè. Chúng ta càng áp dụng đến mức độ nào lời khuyên của Kinh-thánh về sự thăng bằng, thì chúng ta càng có ít vấn đề về sự căng thẳng thần kinh.

LÀM SAO ĐƯƠNG ĐẦU VỚI SỰ CÔ ĐƠN KHẮC KHOẢI?

19 Một nhân viên xã hội ở Toronto tên là Henry Regehr nói: “Sự cô đơn có khắp nơi. Hãy thử chặn bất cứ người nào ở ngoài đường và hỏi: ‘Xin hãy cho tôi biết về tình cảnh cô đơn của bạn’. Và bạn sẽ được nghe rất nhiều chuyện về sự cô đơn”. Trong một cuộc thăm dò ý kiến của 52.000 người, thì có hơn 40% công nhận rằng họ “thường cảm thấy cô đơn”. Chính tình cảm ấy thường luôn luôn gây ra sự khó chịu và làm hại cho hạnh phúc. Sự cô đơn không chừa một ai hết, dù lớn tuổi hay trẻ tuổi, dù nam hay nữ. Người ta có thể nghĩ rằng nạn nhân điển hình của sự cô đơn hẳn phải là một người sống độc thân, như một đàn bà góa chẳng hạn; thế nhưng trong số những người cô đơn tuyệt vọng nhất lại có nhiều người có vợ có chồng mà không thể nói chuyện với người hôn phối được.

20 Nhiều người cố tránh sự cô đơn bằng cách sống một cuộc đời phóng đãng về tình dục, hay đắm chìm trong men rượu hoặc quên lãng trong những cuộc ăn uống quá độ. Nhưng rồi các nguyên nhân vẫn còn đó. Trong những đô thị lớn, người ta có thể ở giữa đám đông mà vẫn cảm thấy cô đơn đến cực độ. Nhiều hôn nhân bị tan vỡ làm tăng thêm vấn đề. Và dường như ngay cả vô truyến truyền hình cũng khiến người ta thêm cô đơn vì nó làm cho người ta ít trò chuyện với nhau.

21 Điều gì có thể giúp chúng ta đương đầu với sự đơn? Trong khi không cố tình giản dị hóa vấn đề, người ta có thể nói rằng Kinh-thánh có thể giúp bất cứ ai để đương đầu tốt hơn với sự cô đơn. Tạo sao vậy? Một lý do là sự cô đơn thường dẫn một người đến sự buồn chán và mất tự trọng. Do đó vun trồng một mối liên lạc tốt với Đấng Tạo hóa sẽ giúp người ấy hồi phục tinh thần. Người ấy có thể phát triển sự tự trọng khi biết rằng Đức Chúa Trời có quan tâm đến mình, và điều này có thể giúp người ấy có một quan điểm tích cực hơn về đời sống (Ma-thi-ơ 18:10). Ngoài ra Kinh-thánh còn vạch rõ cho tín đồ đấng Christ một lối sống có thể giúp làm giảm bớt được sự cô đơn.

22 Những người bị cô đơn thường được khuyên: “Hãy bận rộn”. Ý kiến ấy cũng hay. Nhưng Kinh-thánh còn cho một lời khuyên thực tế và thực dụng hơn. Kinh-thánh khuyến khích tín đồ đấng Christ nên tích cực làm điều tốt cho kẻ khác, rồi chính việc này sẽ đem lại hạnh phúc (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Chúng ta có một gương tốt là Đô-ca; bà này dành thì giờ để làm nhiều điều cho các tín đồ khác, trong đó có nhiều phụ nữ góa bụa. Bà đã cố giúp họ về mặt vật chất, và chắc hẳn cũng giúp họ vượt qua được nỗi cô đơn của họ. Đồng thời bà Đô-ca không cảm thấy cô đơn, mà lại còn được yêu mến nữa. Hẳn bạn sẽ thấy vui thích khi đọc về bà nơi Công-vụ các Sứ-đồ 9:36-42.

23 Một hoạt động đem nhiều thỏa thích cho tín đồ đấng Christ là việc đi giúp những người khác biết về Đức Chúa Trời và Kinh-thánh. Thật ra, sứ đồ Phao-lô nói rằng những người độc thân được thuận lợi để làm việc này trong một mức độ lớn hơn, và hiển nhiên điều này cũng giúp cho họ đương đầu được với sự cô đơn (I Cô-rinh-tô 7:32-35). Chính Phao-lô là một gương tốt về mặt ấy. Hãy đọc trong Công-vụ các Sứ-đồ 17:1-14 để xem ông đã làm thế nào để luôn luôn bận rộn trong công việc và giúp được nhiều người ở thành Tê-sa-lô-ni-ca, mặc dù gặp phải sự chống đối dị thường. Rồi hãy lưu ý đến kết quả là tình cảm gắn bó họ với nhau, như ghi nơi I Tê-sa-lô-ni-ca 2:8. Ngày nay, hàng trăm ngàn Nhân-chứng Giê-hô-va có thể chứng thực rằng bận rộn dạy Kinh-thánh cho người khác là một công việc đem lại thỏa thích.

24 Các Nhân-chứng Giê-hô-va cũng nhóm lại đều đặn với nhau để học hỏi Kinh-thánh. Khi học như vậy họ cũng vui hưởng tình bè bạn nồng nàn của tín đồ đấng Christ. Đành rằng không phải cứ có nhiều người xung quanh là tự nhiên giải quyết được vấn đề cô đơn, điểm này nhiều người dân thành thị đã biết rõ. Nhưng những người đến tham dự các buổi họp như thế được ở giữa các tín đồ đấng Christ cố gắng sống theo lời của Kinh-thánh khuyên phải thành thật quan tâm đến người khác (Phi-líp 2:4). Cho nên, những buổi họp này là những dịp vui sướng và đầy khích lệ. Những người tham dự đồng tâm dâng lời cầu nguyện ngắn gọn lên Đức Chúa Trời, điều này khiến cho nhiều người thấy là đã giúp họ nhận thức rằng họ không bao giờ cô đơn cả (Giăng 16:32). Chúng tôi mời bạn đến tham dự một buổi họp của Nhân-chứng Giê-hô-va. Ở đó bạn sẽ có thể quan sát thấy việc áp dụng các lời khuyên của Kinh-thánh đã giúp cho nhiều người đương đầu với sự cô đơn và các vấn đề khác như thế nào, chẳng hạn như các vấn đề về tiền bạc hay về gia đình.

[Câu hỏi thảo luận]

Chúng ta có những lý do nào để giữ lạc quan khi phải đương đầu với những vấn đề của đời sống? Đức Chúa Trời có can dự ra sao trong vấn đề này? (1-7)

Chứng căng 1 thẳng thần kinh đã trở nên nghiêm trọng đến độ nào? (8-11)

Các lời khuyên của Kinh-thánh có thể giúp chúng ta để đương đầu với sự căng thẳng thần kinh thế nào? (12-14)

Các nhà khoa học đã khám phá ra điều gì về lời khuyên của Kinh-thánh về tình yêu thương? (15, 16)

Những lời khuyên của Kinh-thánh còn có thể giúp chúng ta thế nào nữa để đối phó với sự căng thẳng thần kinh? (17, 18)

Vấn đề cô đơn nghiêm trọng đến thế nào? (19, 20)

Lời khuyên nào của Kinh-thánh có thể giúp chống lại sự cô đơn? Và như thế nào? (21-23)

Sự kết hợp của tín đồ đấng Christ tại các buổi họp có giá trị thế nào? (Truyền-đạo 4:9, 10). (24)

[Khung nơi trang 45]

NHỮNG HOÀN CẢNH GÂY CĂNG THẲNG THẦN KINH NHẤT TRONG ĐỜI SỐNG

THỨ BẬC BIẾN CỐ TRONG ĐỜI SỐNG

1 Người hôn phối chết đi

2 Ly dị

3 Ly thân

4 Bị tù

5 Một người bà con gần chết đi

6 Bị thương hay bị bệnh hoạn

7 Kết hôn

8 Bị mất việc

9 Vợ chồng làm hòa lại

10 Về hưu

11 Thay đổi về sức khỏe của một người trong gia đình

12 Có thai

13 Khó khăn về tình dục

14 Một người mới đến trong gia đình

15 Điều chỉnh về kinh doanh

Căn cứ vào bài nghiên cứu của các bác sĩ T. Holmes và R. H. Rahne—“Modern Maturity”.

[Khung nơi trang 50]

“Trong đời sống ở hội thánh của họ, các Nhân-chứng thực sự hợp thành một cộng đồng có sự tin cậy và chấp nhận... Nhân-chứng Giê-hô-va đề nghị một cách sống khác có thể giúp cho những ai chọn theo cách sống ấy tìm thấy nhân vị của mình và đạt được sự tự trọng, một cộng đồng nơi đó họ được chấp nhận, có hy vọng vào tương lai”—(“Religious Movements in Contemporary America”).

[Hình nơi trang 41]

LẠM PHÁT

BỆNH TẬT

VIỆC LÀM BẤP BÊNH

VẤN ĐỀ TRONG GIA ĐÌNH

CHỖ Ở

[Hình nơi trang 49]

Làm điều tốt cho người khác, như bà Đô-ca đã làm, có thể giúp tránh được sự cô độc.