Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thể tìm được sự hướng dẫn ở đâu?

Bạn có thể tìm được sự hướng dẫn ở đâu?

Chương 3

Bạn có thể tìm được sự hướng dẫn ở đâu?

ĐIỀU GÌ cản trở bạn có được hạnh phúc? Có phải là vì những vấn đề mà bạn gặp hay không? Các vấn đề ấy có thể thuộc loại cá nhân—tỉ như vấn đề sức khỏe, tài chánh, tình dục, hay gia đình. Các vấn đề ấy có thể bao gồm mối nguy hiểm về tội ác, sự thiếu thốn nhu yếu phẩm, bực tức về việc làm, các thành kiến, và mối đe dọa về chiến tranh. Thật vậy, phần đông người ta gặp phải những vấn đề khó khăn ngăn trở không cho người ta được hạnh phúc.

2 Bất kể nỗ lực của những người trí thức nhất và có kinh nghiệm nhất, các vấn đề của nhân loại vẫn cứ tồn tại và càng ngày càng trầm trọng thêm. Lời sau đây viết ra rất lâu rồi, mà vẫn tỏ ra đúng thật: “Đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn đưa bước của mình”. * Muốn hưởng được hạnh phúc lâu dài, há chẳng rõ ràng là chúng ta cần một sự hướng dẫn khôn ngoan bội phần hơn sự khôn ngoan của loài người, hay sao? Nhưng tìm đâu ra một sự hướng dẫn như thế?

3 Nhiều người nghĩ rằng hiểu theo một ý nghĩa nào đó thì vũ trụ quả là một “cuốn sách sáng tạo” làm chứng cho Đấng Tạo hóa. Đó cũng là ý kiến của một vị vua người Hê-bơ-rơ thời xưa khi ông viết: “Các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”. Ông cũng nói rằng Đấng Tạo hóa còn cho những lời chỉ dạy trong một cuốn sách và sách ấy có thể “làm cho kẻ ngu-dại trở nên khôn-ngoan” và vui mừng. *

4 Vì loài người có khả năng thông tin cho nhau—thậm chí truyền được những thông điệp từ không gian về trái đất—vậy thì nghĩ rằng Đấng Tạo hóa của loài người cũng có thể làm được như thế há chẳng phải là hợp lý sao? Vả lại, vì trái đất có rất nhiều điều chứng tỏ Đức Chúa Trời quan tâm đến loài người, vậy thì việc Ngài có ý muốn giúp đỡ loài người cũng là việc dễ hiểu mà thôi. Cách xử sự như thế sẽ phù hợp với những gì chúng ta thấy trong những gia đình yêu thương nhau: cha mẹ truyền cho con cái sự hiểu biết và kinh nghiệm. Nhưng bằng cách nào Đấng Tạo hóa của loài người sẽ truyền cho chúng ta sự hiểu biết và kinh nghiệm?

5 Từ thời xưa chữ viết vốn là một phương tiện tuyệt hảo để truyền đạt tin tức một cách chính xác và lâu bền. Một tài liệu viết trên giấy có thể có rất ít sai lầm so với một thông điệp phổ biến rộng rãi qua cách truyền miệng. Hơn nữa, một cuốn sách có thể sao chép lại và dịch ra hầu cho những người thuộc mọi thứ tiếng có thể đọc được. Đấng Tạo hóa chọn phương pháp ấy để truyền đạt tin tức cho chúng ta thì cũng là hợp lý, phải không?

6 Kinh-thánh hơn hẳn mọi thứ sách tôn giáo khác vì được xem là một bức thông điệp của Đấng Tạo hóa cho loài người, vì thế cho nên Kinh-thánh được phổ biến nhiều nhất. Đây là một điều rất có ý nghĩa. Vì nếu Đấng Tạo hóa có cho ghi trong một cuốn sách thông điệp của Ngài cho cả loài người, thì ắt là cuốn sách đó phải được phổ biến rộng rãi. Đó đúng là trường hợp của cuốn Kinh-thánh, vì đến 97% dân cư trên trái đất có thể đọc Kinh-thánh trong tiếng mẹ đẻ của mình. Không có một cuốn sách tôn giáo nào khác được xuất bản và phát hành đến hàng trăm triệu cuốn như Kinh-thánh.

7 Kinh-thánh thật đúng là cuốn sách tôn giáo cho cả nhân loại. Tại sao vậy? Vì Kinh-thánh đã bắt đầu được viết ra ở nơi gần vùng được coi là cái nôi của nền văn minh nhân loại. Kinh-thánh là cuốn thánh thư duy nhất có ghi về lịch sử nhân loại từ hồi ban đầu. Lại nữa, Kinh-thánh cho chúng ta biết ý định của Đức Chúa Trời là cho những người thuộc “mọi dân trên đất” có cơ hội hưởng những ân phước đời đời (Sáng-thế Ký 22:18, NW).

8 Cuốn Encyclopædia Britannica (Bách khoa Tự điển Anh quốc) gọi cuốn Kinh-thánh là “bộ sách có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhân loại”. Kinh-thánh có một ảnh hưởng trên lịch sử sâu rộng hơn của bất cứ thánh thư nào khác. Như vậy chẳng phải là sai khi người ta nói rằng không một người nào được coi là có học thức đầy đủ nếu không đọc Kinh-thánh.

9 Tuy nhiên có một số người lại tránh né cuốn sách này. Vì sao vậy? Thông thường nguyên do là vì cách ăn ở xấu của những người hay những dân tộc tự xưng là noi theo Kinh-thánh. Trong một số quốc gia, người ta còn cho rằng Kinh-thánh là một cuốn sách dẫn đến chiến tranh, rằng Kinh-thánh là cuốn sách của chế độ thực dân, hay Kinh-thánh là “cuốn sách của người da trắng”. Nhưng đó là những quan điểm sai lầm. Thật ra Kinh-thánh được viết ra tại vùng Trung Đông. Kinh-thánh không hề tán thành các cuộc chiến tranh thực dân và việc bóc lột tham lam dưới danh nghĩa đạo đấng Christ. Trái lại, khi đọc Kinh-thánh bạn sẽ thấy rằng Kinh-thánh kết án gắt gao các cuộc chiến tranh ích kỷ, sự vô luân và sự bóc lột người khác. Trách nhiệm là ở chính những người tham lam chứ không phải tại Kinh-thánh (Gia-cơ 4:1-3; 5:1-6). Vậy bạn chớ để cho cách ăn ở của những kẻ ích kỷ ấy, những kẻ sống nghịch với các lời khuyên của Kinh-thánh, ngăn trở bạn hưởng lợi ích của những kho tàng trong Kinh-thánh.

BẠN SẼ TÌM THẤY GÌ TRONG KINH-THÁNH?

10 Nhiều người ngạc nhiên khi đọc Kinh-thánh lần đầu tiên. Họ thấy rằng đó không phải là một cuốn sách chuyên về phép tắc tôn giáo hay tín điều, cũng lại không phải là một quyển sưu tập các câu cách ngôn mơ hồ hoặc những tư tưởng triết lý khó hiểu đối với người dân trung bình. Kinh-thánh nói đến những nhân vật có thật, họ cũng có những nỗi lo lắng và những vấn đề tương tự như chúng ta. Ngoài ra, khi Kinh-thánh tường thuật cho chúng ta biết về cách Đức Chúa Trời đã cư xử thế nào đối với nhân loại trong quá khứ, thì Kinh-thánh giúp chúng ta nhận thức rõ được ý định của Đức Chúa Trời đối với chúng ta ngày nay. Chúng tôi khuyến khích bạn hãy đọc Sáng-thế Ký, cuốn sách đầu tiên trong Kinh-thánh. Những lời tường thuật thú vị trong sách này sẽ giúp bạn học biết nhiều về ý định của Đức Chúa Trời đối với toàn thể nhân loại. Bạn sẽ học biết những gì có thể làm cho bạn mất hạnh phúc. Ngoài ra, bạn cũng học biết những đức tính và hành động nào sẽ giúp bạn thành công và làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.

11 Kinh-thánh có tất cả 66 cuốn sách, một số nói về lịch sử và các hoạt động tôn giáo của dân Y- sơ-ra-ên thời xưa (thí dụ như Xuất Ê-díp-tô Ký, Giô-suê và I Sa-mu-ên mà chắc chắn bạn đọc sẽ thấy rất thích thú). Phần lịch sử này được ghi lại để cho chúng ta được lợi ích (I Cô-rinh-tô 10:11). Do đó mặc dù Đức Chúa Trời không còn cai trị trên một dân tộc đặc biệt nào, và Ngài cũng chẳng đòi hỏi người nào phải tuân theo các luật pháp mà Ngài đã ban riêng cho dân Y-sơ-ra-ên thời xưa, nhưng chúng ta vẫn có thể học biết được nhiều trong các sách kể trên của Kinh-thánh. Vả lại, như chúng ta sẽ thấy ở phần sau, những điều mà Đức Chúa Trời làm cho dân Y-sơ-ra-ên (cũng như các của-lễ hy sinh bằng thú vật mà dân này dâng lên cho Ngài) thảy đều có ý nghĩa cho đời sống chúng ta.

12 Để có được một cái nhìn bao quát về Kinh-thánh, bạn cũng nên đọc ít nhất một trong các sách tường thuật về đời của Chúa Giê-su, chẳng hạn như cuốn Phúc âm ngắn gọn của Mác. Kế đến, hãy đọc lời tường thuật lý thú trong sách Công-vụ các Sứ-đồ về thời kỳ sáng lập đạo đấng Christ. Rồi bạn hãy thử đọc các lời khuyên thiết thực cho tín đồ đấng Christ trong bức thơ của Gia-cơ. Một sự khảo sát căn bản qua tất cả các phần khác nhau trong Kinh-thánh sẽ giúp bạn hiểu tại sao trải qua bao thế kỷ Kinh-thánh lại được coi trọng đến thế.

13 Nếu một vài điều mà bạn đọc trong Kinh-thánh làm cho bạn bối rối, thì bạn hãy kiên nhẫn. Cuốn sách này có nhiều điều uyên thâm, việc này không có gì là lạ vì sách ấy do Đấng Tạo hóa cung cấp cho nhân loại học hỏi trong nhiều thế kỷ (II Phi-e-rơ 3:15, 16). Với thời gian, bạn sẽ tìm được lời giải đáp cho nhiều câu hỏi, vì các phần tường thuật khác nhau trong Kinh-thánh đều hỗ tương lẫn nhau. Những câu hỏi về một đoạn nào thường có lời giải đáp trong những đoạn khác của Kinh-thánh. Càng đọc thì bạn sẽ càng thấy Kinh-thánh giúp ích nhiều và làm thỏa lòng. Không mấy chốc bạn cũng sẽ nhận ra rằng những gì Kinh-thánh nói thật khác xa so với những điều mà phần lớn các giáo hội đang giảng dạy và thực hành. Điều ấy sẽ khích lệ bạn đọc trọn cả cuốn Kinh-thánh, và rồi lại đọc đi đọc lại nữa.

NGUỒN GỐC CỦA KINH-THÁNH

14 Bạn có lẽ biết nhiều người quí trọng Kinh-thánh như một tác phẩm văn chương hoặc như một cuốn sách khôn ngoan thời cổ, nhưng họ nghĩ Kinh-thánh chỉ là một sản phẩm của loài người, chứ không phải là Lời của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên các sự kiện đã cho thấy điều gì?

15 Khi đọc Kinh-thánh, bạn sẽ nhận thấy rằng Kinh-thánh thật ra do nhiều người viết ra. Người đầu tiên là Môi-se bắt đầu viết vào năm 1513 trước công nguyên. Người cuối cùng là Giăng, sứ đồ của Chúa Giê-su, viết vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất công nguyên. Có cả thảy khoảng 40 người đã viết ra các sách khác nhau trong Kinh-thánh. Họ là những người như thế nào? Họ là những người khiêm nhường, sẵn sàng tiết lộ những khuyết điểm của chính mình và của dân tộc mình. Tính ngay thẳng của họ là điều đáng chú ý, vì họ cũng nhìn nhận rằng họ viết lại những gì Đức Chúa Trời bảo họ viết. Để thí dụ, bạn có thể đọc II Sa-mu-ên 23:1, 2; Giê-rê-mi 1:1, 2 và Ê-xê-chi-ên 13:1, 2. Điều ấy há không khuyến khích chúng ta nên xem xét một cách nghiêm chỉnh về lời khẳng quyết của Kinh-thánh nói rằng: “Cả Kinh-thánh đều bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích...” hay sao? (II Ti-mô-thê 3:16; II Phi-e-rơ 1:20, 21)

16 Những điều viết trong Kinh-thánh khác xa với đa số các ghi chép thời cổ ở nhiều phương diện. Như bất cứ ai đã nghiên cứu cổ sử đều biết rõ, các tài liệu của Ai-cập, Ba-tư, Ba-by-lôn và những xứ cổ khác đầy dẫy chuyện thần thoại và sự việc phóng đại trắng trợn về các vua chúa và chiến công của họ. Trái lại, đặc điểm của Kinh-thánh là sự chân thật và chính xác. Kinh-thánh nêu lên nhiều tên tuổi và chi tiết rõ rệt mà người ta có thể kiểm chứng được và lại còn có thể xác định được niên hiệu nữa. Chẳng hạn như sách Đa-ni-ên đoạn 5 nói đến một vua Ba-by-lôn có tên là Bên-xát-sa. Trong một thời gian rất lâu, những người ưa chỉ trích Kinh-thánh vẫn khẳng định rằng không hề có vị vua tên Bên-xát-sa, mà chẳng qua chỉ do Đa-ni-ên bịa đặt ra mà thôi. Tuy nhiên, những năm gần đây, người ta đã khai quật được những tấm bảng đất sét và khi dịch thì thấy tương hợp với các chi tiết trong sự tường thuật của Đa-ni-ên. Chính vì lý do này mà giáo sư R. P. Dougherty (Đại học Yale) đã viết rằng Kinh-thánh chính xác hơn mọi tài liệu khác, và Kinh-thánh chứng minh rằng sách Đa-ni-ên quả đã được viết ra đúng vào thời như Kinh-thánh đã nói (Nabonidus and Belshazzar).

17 Nếu bạn có dịp đến thăm Giê-ru-sa-lem, bạn sẽ có thể lội ngang qua một đường hầm đục trong đá cứng. Người ta đã khám phá ra và dọn sạch đường hầm này mới trong thế kỷ qua. Tại sao điều này là đáng chú ý? Ấy là bởi vì nó đã chứng thực điều mà Kinh-thánh ghi chép cách đây hơn 2.000 năm về việc vua Ê-xê-chia đã đưa được nước vào thành Giê-ru-sa-lem (II Các Vua 20:20; II Sử-ký 32:30).

18 Đó chỉ là hai trong rất nhiều thí dụ chứng minh rằng Kinh-thánh đáng được tin cậy về phương diện lịch sử và địa lý. Nhưng chỉ chính xác thôi thì chưa đủ vì nhiều cuốn sách lịch sử ngày nay cũng chính xác vậy. Tuy nhiên Kinh-thánh còn cung cấp những chi tiết mà người ta không thể nào giải thích nổi nếu như Kinh-thánh chỉ là một cuốn sách thuần túy do loài người viết ra. Những chi tiết này đã khiến cho nhiều người cẩn thận xem xét Kinh-thánh tin rằng Kinh-thánh đến từ Đấng Tối thượng.

19 Mặc dù Kinh-thánh không phải là một cuốn sách về khoa học, nhưng khi Kinh-thánh đề cập đến vấn đề khoa học thì mọi lời đều chính xác và phản ảnh một tầm kiến thức mà những người sống vào thời Kinh-thánh được viết ra không thể nào có được. Để thí dụ, Tiến sĩ Arno Penzias (người đoạt giải Nobel năm 1978) đã nói về nguồn gốc vũ trụ:

“Theo ý tôi, những dữ kiện đặc sắc nhất mà chúng ta có được đều tương hợp một cách chính xác với những gì tôi đã dự đoán dù cho tôi không dựa vào sách nào cả ngoại trừ năm cuốn sách của Môi-se, cuốn Thi-thiên và toàn bộ Kinh-thánh”.

Ngoài ra, sách Sáng-thế Ký mô tả việc các hình thái khác nhau của sự sống dần dần xuất hiện như thế nào theo đúng thứ tự mà ngày nay các nhà khoa học nói chung đều chấp nhận (Sáng-thế Ký 1:1-27). Hơn nữa, trong khi các dân tộc khác thời bấy giờ truyền dạy những chuyện thần thoại, tỉ như trái đất là do nhiều con voi hay một người khổng lồ nâng đỡ, thì Kinh-thánh đã tuyên bố chính xác rằng hành tinh này lơ lửng giữa không trung và có dạng tròn (Gióp 26:7; Ê-sai 40:22). Làm sao mà những người viết Kinh-thánh lại biết được những điều mà các nhà bác học chỉ mới “khám phá” ra gần đây thôi? Chắc chắn sự hiểu biết đó phải đến từ một nguồn cao siêu hơn họ.

20 Có một điều còn đáng chú ý hơn nữa cũng làm sáng tỏ nguồn gốc của Kinh-thánh. Đó là các lời tiên tri. Con người có thể đoán trước được các biến cố tương lai, nhưng họ không có khả năng báo trước cách kiên định về tương lai với một độ chính xác nào cả (Gia-cơ 4:13, 14). Ấy vậy mà Kinh-thánh làm được. Từ rất lâu trước khi Ba-by-lôn trở thành một cường quốc thế giới và sau đó hủy phá thành Giê-ru-sa-lem, thì Đức Chúa Trời đã dùng nhà tiên tri Ê-sai để nói trước rằng Ba-by-lôn rồi cũng sẽ bị bại trận. Khoảng hai thế kỷ trước đó, Đức Chúa Trời đã nêu đích danh Si-ru là người sẽ chinh phục Ba-by-lôn, đồng thời Ngài còn mô tả trước thành Ba-by-lôn sẽ bị chiếm như thế nào nữa. Ê-sai cũng đã ghi chép những chi tiết chính xác về cảnh hoang vu hoàn toàn của Ba-by-lôn khi việc này phải xảy ra hơn một ngàn năm trong tương lai (Ê-sai 13:17-22; 44:24 đến 45:3). Tất cả những lời tiên tri này đều đã ứng nghiệm, cũng như những lời tiên tri của Kinh-thánh nói về Ty-rơ và về Ni-ni-ve vậy (Ê-xê-chi-ên 26:1-5; Sô-phô-ni 2:13-15). Bạn có thể đến thăm các di tích cổ tại vùng Trung Đông và nhìn tận mắt các chứng cớ nói trên.

21 Sách Đa-ni-ên trong Kinh-thánh đã tiên tri rất lâu về trước và một cách rõ rệt về những biến cố quốc tế khác nữa. Ba-by-lôn sẽ bị cường quốc Mê-đi—Phe-rơ-sơ chinh phục, rồi đến phiên Mê-đi—Phe-rơ-sơ sẽ bị Hy-lạp đánh bại. Sau cái chết của hoàng đế lỗi lạc của Hy-lạp (A-lịch-sơn Đại đế) thì có bốn vị tướng dưới trướng của ông sẽ chia nhau cai trị đế quốc cũ (Đa-ni-ên 8:3-8, 20-22). Đây là một thời kỳ lâu dài trong lịch sử đã được viết ra từ lâu trước, và các biến cố diễn ra đúng y như lời tiên tri đã nói. Làm sao Đa-ni-ên lại có thể biết được? Câu trả lời duy nhất thỏa đáng là điều mà chính Kinh-thánh tuyên bố: “Cả Kinh-thánh đều bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn”. Vấn đề này có quan hệ đến chúng ta vì lẽ Kinh-thánh có nói tiên tri về những biến cố xảy ra trong thời kỳ ngày nay, như chúng ta sẽ thấy trong một chương sau đây. Ngoài ra, Kinh-thánh còn mô tả một cách sống động những điều hãy còn trong tương lai. *

22 Kinh-thánh không những chỉ bàn luận về tương lai thôi, mà còn giúp chúng ta đối phó một cách thành công với những hoàn cảnh hiện tại nữa. Kinh-thánh giải thích cho chúng ta hiểu tại sao lại có nhiều đau khổ đến thế, và cũng giúp chúng ta hiểu mục đích của đời sống là gì. Kinh-thánh giúp chúng ta có được sự hướng dẫn của Đấng Tạo hóa để làm sao chúng ta có thể giải quyết những vấn đề của chính chúng ta và để đạt được hạnh phúc đến mức tối đa trong đời sống, ngay bây giờ và trong tương lai. Các chương sau đây sẽ xem xét về một số vấn đề trong đời sống và đồng thời những lời khuyên thiết thực của Kinh-thánh. Nhưng trước hết, chúng ta cần phải quen thuộc hơn với Đấng đã ban những lời khuyên đó.

[Chú thích]

^ đ. 21 Nếu bạn muốn học biết hơn nữa về Kinh-thánh như một cuốn sách mà tác giả là do chính Đức Chúa Trời, xin bạn tìm đọc cuốn sách nhan đề Kinh-thánh có thật sự là Lời Đức Chúa Trời không? do Hội Tháp Canh xuất bản.

[Câu hỏi thảo luận]

Tại sao nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã ban cho loài người một cuốn sách để hướng dẫn họ là điều hợp lý? (1-5)

Chúng ta nên xem xét Kinh-thánh vì những lý do nào? (6-9)

Chúng ta có thể tìm thấy gì trong Kinh-thánh? (10-13)

Có những bằng chứng nào cho thấy Kinh-thánh không phải là một cuốn sách thuần túy do loài người viết ra? (14-19)

Các lời tuyên bố của Kinh-thánh về tương lai đáng được chú ý ở điểm nào? (20-22)

[Hình nơi trang 22]

Những vệ tinh của loài người có thể truyền những thông điệp về trái đất. Há Đấng Tạo hóa không thể làm được hơn sao?

[Hình nơi trang 23]

Đức Chúa Trời ban cho loài người một cuốn sách, ấy cũng là điều hợp lý, phải không?

[Hình nơi trang 27]

ĐƯỜNG HẦM CỦA Ê-XÊ-CHIA

Bạn có thể lội ngang qua đường hầm cổ này ở Giê-ru-sa-lem. Điều này xác nhận sự chính xác của Kinh-thánh.