Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách NGÀI muốn không?

Bạn sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách NGÀI muốn không?

Chương 19

Bạn sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách NGÀI muốn không?

KINH-THÁNH đã báo trước là trong “ngày sau-rốt”, người ta đều “tư-kỷ..., khoe-khoang, xấc-xược,... bề ngoài giữ điều nhơn-đức, nhưng chối bỏ quyền-phép của nhơn-đức đó” (II Ti-mô-thê 3:1-5). Đó có phải là điều mà chúng ta đang thấy ở xung quanh chúng ta không?

2 Đúng, trong mọi khía cạnh của đời sống, người ta hành động cách ích kỷ, thái độ của họ là: “Tôi trước đã!”—khi đi mua bán hoặc khi lái xe, khi chăm lo đến cách phục sức, trang điểm, và chọn các điệu khiêu vũ. Nhưng mọi điều ấy không đem lại hạnh phúc thật sự.

3 Nhiều người thậm chí còn xem tôn giáo tùy theo điều họ muốn hoặc điều họ cảm thấy họ cần. Thật là sai lầm biết mấy! Chúng ta không có quyền tự ý nói phải thờ phượng Đức Chúa Trời như thế nào. Chính Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo hóa và là Đấng ban sự sống, mới là Đấng có quyền nói Ngài muốn được thờ phượng như thế nào (Rô-ma 9:20, 21). Hơn nữa, những điều Ngài đòi hỏi nơi chúng ta cũng là vì lợi ích của chúng ta. Những điều ấy đem đến cho chúng ta sự thỏa nguyện ngay từ bây giờ, đồng thời hướng tâm trí chúng ta vào niềm hy vọng tuyệt diệu về tương lai mà Ngài dành cho chúng ta (Ê-sai 48:17).

4 Đức Giê-hô-va không bắt tín đồ đấng Christ phải tuân giữ các nghi lễ vô ích, cũng không ép đặt trên họ những sự hạn chế vô nghĩa. Nhưng Ngài biết sự sống lâu dài tùy thuộc ở một mối quan hệ tốt với Ngài; và nếu chúng ta muốn có niềm vui thật sự trong đời sống thì chúng ta phải theo các nguyên tắc của Ngài và quan tâm đến những người xung quanh. Khi chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách Ngài muốn, thì đời mình thành có ý nghĩa và phong phú hơn.

LÀM MỌI VIỆC THEO CÁCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

5 Nô-ê nêu gương tốt về việc làm mọi sự theo đúng cách của Đức Chúa Trời. Kinh-thánh nói: “Nô-ê là một người công-bình và trọn-vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời”. Khi Ngài cho ông chỉ thị đóng một chiếc tàu lớn để gìn giữ sự sống của các tạo vật, thì “Nô-ê làm các điều này y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn” (Sáng-thế Ký 6:9, 22). Vì Nô-ê làm mọi việc theo cách của Đức Chúa Trời dạy bảo, nên đã cứu được mạng sống ông và của những người trong gia đình ông, là những người đã gắn bó với ông với tư cách là nhà tiên tri của Đức Chúa Trời ở trên đất (II Phi-e-rơ 2:5).

6 Áp-ra-ham là một người khác nữa cũng đã làm mọi việc theo cách của Đức Chúa Trời. Ngài bảo ông phải rời bỏ quê hương mình. Nếu là bạn thì bạn có làm theo lệnh ấy không? “Áp-ra-ham đi, theo như lời Đức Giê-hô-va đã phán dạy”, dù đi “mà không biết mình đi đâu” (Sáng-thế Ký 12:4; Hê-bơ-rơ 11:8). Vì ông đã trung thành làm mọi việc theo cách của Đức Chúa Trời, nên Áp-ra-ham đã được gọi là “bạn của Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 2:23; Rô-ma 4:11).

Ở GIỮA DÂN SỰ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

7 Rồi đến thời điểm Đức Chúa Trời quyết định liên lạc với một nhóm lớn: dân Y-sơ-ra-ên. Dân ấy trở thành ‘được chọn trong các dân trên mặt đất, làm dân riêng của Ngài’ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 14:2). Tất nhiên, mỗi người Y-sơ-ra-ên cần cầu nguyện với Đức Chúa Trời và có mối quan hệ cá nhân chặt chẽ với Ngài. Nhưng họ cũng phải thừa nhận rằng Đức Chúa Trời hướng dẫn cả hội chúng; họ phải thực hành sự thờ phượng đúng như Đức Chúa Trời đã chỉ dạy trong luật pháp mà Ngài ban cho họ là dân của Ngài. Làm thế họ được sự che chở và ân phước mà Đức Chúa Trời ban cho hội chúng của Ngài (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:9-14). Thật là một đặc ân lớn được ở trong vòng những người mà Đấng Toàn năng gọi là “dân Y-sơ-ra-ên của ta”! (II Sa-mu-ên 7:8).

8 Còn những người không phải là dân Y-sơ-ra-ên nhưng cũng muốn thờ phượng Đức Chúa Trời thật thì sao? Những người như thế hợp thành “vô-số người ngoại-bang”, đã chọn đi theo dân Y-sơ-ra-ên lúc Môi-se dắt dân này ra khỏi xứ Ê-díp-tô (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:38). Nếu bạn sống ở xứ cổ Ai-cập vào thời ấy, thì liệu bạn có nghĩ rằng mình có thể cứ ở lại trong xứ ấy và thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách riêng của mình được chăng?

9 Khi dân Y-sơ-ra-ên đã vào định cư trong Đất Hứa, người dân ngoại nào công nhận Đức Giê-hô-va và muốn thờ phượng Ngài đều có thể được. Tuy nhiên họ phải thừa nhận rằng Đức Chúa Trời liên lạc với một dân tộc nhóm lại và sự thờ phượng Ngài tập trung tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem (I Các Vua 8:41-43; Dân-số Ký 9:14). Đức Chúa Trời không chấp nhận những ai vì tánh kiêu ngạo hay vì tinh thần độc lập mà cứ muốn thờ phượng Ngài theo cách riêng của họ đặt ra.

THAY ĐỔI TRONG CÁC HỘI THÁNH

10 Khi Chúa Giê-su bắt đầu làm thánh chức của ngài trên đất, Đức Chúa Trời vẫn còn liên lạc với dân Y-sơ-ra-ên mà Ngài xem như dân đã dâng mình cho Ngài. Thế cho nên người nào chấp nhận đấng Mê-si thì không cần thiết phải nhóm lại đều đặn với ngài và theo ngài đi đây đi đó như các sứ đồ (Mác 5:18-20; 9:38-40). Nhưng nói chung thì dân ấy đã chối bỏ đấng Mê-si của Đức Giê-hô-va, khiến Chúa Giê-su đã phải nói trước khi ngài chết ít lâu: “Nước Đức Chúa Trời sẽ cất khỏi các ngươi, và cho một dân khác là dân sẽ có kết-quả của nước ấy” (Ma-thi-ơ 21:43).

11 Dân mới ấy sẽ là dân nào, một khi cách thờ phượng qui định trong luật pháp của Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên không còn hiệu lực nữa? (Cô-lô-se 2:13, 14; Ga-la-ti 3:24, 25). Đó là hội thánh đấng Christ được thành lập vào ngày lễ Ngũ tuần năm 33 công nguyên, và Đức Chúa Trời đã cho những người thành thật có mặt nhân dịp ấy biết rằng chính Ngài đã làm thế (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4, 43-47; Hê-bơ-rơ 2:2-4). Trước tiên là người Do-thái và người dân ngoại theo đạo Do-thái, rồi sau đó mới đến người dân ngoại hay gọi là dân của các nước, tất cả đều đã trở thành “một dân cho danh Ngài”. Đức Chúa Trời xem họ bây giờ là “dòng-giống được lựa-chọn, là chức tế-lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:14-18; I Phi-e-rơ 2:9, 10).

12 Nếu bạn sống vào thời đó và muốn được liên lạc với Đức Chúa Trời, thì hẳn bạn sẽ được hướng dẫn đến với hội thánh đấng Christ, giống như trường hợp của một người Ý-đại-lợi tên là Cọt-nây và gia đình ông vậy (Công-vụ các Sứ-đồ 10:1-48). Tín đồ trên khắp thế giới đã hợp thành hội thánh đấng Christ (I Phi-e-rơ 5:9). Còn các hội thánh địa phương nhóm họp rải rác tại nhà riêng hay tại nơi công cộng, thì đều là những thành phần của một hội thánh duy nhất mà Đức Chúa Trời dùng từ đó về sau (Công-vụ các Sứ-đồ 15:41; Rô-ma 16:5).

13 Vì Ngài là Đức Chúa Trời của sự trật tự, nên Đức Giê-hô-va làm sắp đặt để có một sự tổ chức trong các hội thánh. Ngài bổ nhiệm các người chăn chiên hay giám thị để chăm lo cho các hội viên khác trong hội thánh khi cần. Đó là những người có kinh nghiệm, có đủ tư cách và có thể dạy dỗ Lời của Đức Chúa Trời cùng huấn luyện cho mọi người trong hội thánh về cách truyền đạt các lẽ thật Kinh-thánh cho người khác, và họ cũng giúp trong công việc rất quan trọng là rao giảng “tin mừng” (II Ti-mô-thê 2:1, 2; Ê-phê-sô 4:11-15; Ma-thi-ơ 24:14; Công-vụ các Sứ-đồ 20:28).

14 Các giám thị ấy cũng đem lại nhiều lợi ích cho các hội thánh bằng nhiều cách khác nữa. Họ không được đối xử với anh em một cách quan liêu hay hà khắc. Vai trò của họ đúng ra là lấy tình yêu thương giúp các anh em mình củng cố mối quan hệ của họ với Đức Giê-hô-va (Công-vụ các Sứ-đồ 14:21-23; I Phi-e-rơ 5:2, 3). Ai gặp vấn đề khó khăn đều có thể đến với các trưởng lão thiêng liêng ấy để được giúp đỡ cách đầy yêu thương và căn cứ theo Kinh-thánh (Gia-cơ 5:13-16; Ê-sai 32:1, 2). Bởi vì tín đồ đấng Christ vẫn còn bất toàn, nên đôi khi có những vấn đề nẩy sinh trong các hội thánh. Vậy, những người giám thị phải mau mắn giúp đỡ anh em mình và phải đề phòng các phần tử có thể đe dọa tình trạng thiêng liêng của hội thánh (Phi-líp 4:2, 3; II Ti-mô-thê 4:2-5).

15 Các hội thánh thời xưa đã nhận được những lời chỉ dẫn cần thiết do một hội đồng lãnh đạo trung ương gồm các sứ đồ và trưởng lão của hội thánh Giê-ru-sa-lem. Họ nghiên cứu và giải quyết các vấn đề của các hội thánh trình bày cho họ. Và hội đồng lãnh đạo trung ương ấy đã phái các người đại diện đi thăm các hội thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 15:1-3).

16 Ngày nay, Đức Giê-hô-va vẫn còn liên lạc với dân của Ngài nhóm lại thành hội thánh. Hiện giờ có hàng ngàn hội thánh Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Nếu bạn muốn hợp nhất thờ phượng Đức Chúa Trời theo đúng cách mà Ngài đã qui định thì bạn phải theo lời khuyên của Ngài là phải nhóm họp đều đặn với anh em tín đồ đấng Christ:

“Ai nấy hãy coi-sóc nhau để khuyên-giục về lòng yêu-thương và việc tốt-lành, chớ bỏ sự nhóm lại... nhưng phải khuyên-bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê-bơ-rơ 10:24, 25).

THỜ PHƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI HẾT LINH HỒN

17 Bạn nên suy gẫm về mọi điều mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm cho bạn. Nhờ Ngài mà bạn có sự sống và có những thứ cần thiết hằng ngày để duy trì sự sống. Điều quí hơn hết là Ngài đã sai Con Ngài xuống thế gian để hy sinh chịu chết. Tình yêu thương sâu đậm của Đức Chúa Trời đã được thể hiện như thế đó, một tình yêu thương chắc chắn và không bao giờ thay đổi! (Rô-ma 8:32, 38, 39). Chính bằng cách ấy, Đức Chúa Trời đã làm cho tội lỗi chúng ta có thể được tha thứ và ban cho chúng ta niềm hy vọng được sống đời đời trong hạnh phúc (Giăng 3:17; 17:3).

18 Chúng ta sẽ đáp lại tình yêu thương ấy của Ngài như thế nào? Chắc chắn chúng ta không nên quay lưng bỏ Ngài và tình yêu thương của Ngài. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên chúng ta:

“Vậy các ngươi hãy ăn-năn và trở lại, đặng cho tội-lỗi mình được xóa đi, hầu cho kỳ thơ-thái đến từ Chúa” (Công-vụ các Sứ-đồ 3:19, 20).

19 Mọi người chúng ta đều phải “ăn năn”, vì chúng ta tất cả đều đã phạm tội, không theo đúng các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời trong cách cư xử, lời nói và tư tưởng của chúng ta (Rô-ma 2:4; 7:14-21; Gia-cơ 3:2). Ăn năn có nghĩa nhìn nhận chúng ta là những kẻ tội lỗi và cảm thấy buồn rầu vì đã không sống hoàn toàn phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va. Đó có phải là cảm nghĩ của bạn không? Tiếp đó, chúng ta phải “quay trở lại”, tức là thay đổi lối sống của mình bằng cách từ nay trở đi cố gắng phản ảnh các đức tính của Đức Giê-hô-va và làm mọi sự theo cách của Ngài. Nếu làm như thế, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ và chấp nhận chúng ta (Thi-thiên 103:8-14; II Phi-e-rơ 3:9).

20 Khi nhìn nhận Chúa Giê-su là gương mẫu phải theo trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ cố gắng noi gương ngài (I Phi-e-rơ 2:21). Hê-bơ-rơ 10:7 cho ta biết thái độ của Chúa Giê-su là như thế này: “Hỡi Đức Chúa Trời, này tôi đến... để làm theo ý-muốn Chúa!” Cũng thế, tình yêu thương và lòng biết ơn của chúng ta đối với Đức Chúa Trời phải thúc đẩy chúng ta dâng đời sống mình cho Ngài để làm theo ý muốn của Ngài bằng trọn linh hồn mình. Tất nhiên là chúng ta vẫn sẽ ăn, ngủ, chăm sóc và yêu thương gia đình mình, có những sự giải trí vui vẻ và vẫn có những sinh hoạt bình thường trong đời sống. Nhưng dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va có nghĩa là đặt ý muốn và sự thờ phượng Ngài lên hàng đầu trong đời sống chúng ta. Dù cho chúng ta ở đâu và làm gì, chúng ta cũng sẽ cố gắng áp dụng các lời khuyên của Ngài và noi gương của Chúa Giê-su (Cô-lô-se 3:23, 24).

21 Kinh-thánh cho biết rõ rằng người nào dâng mình cho Đức Giê-hô-va nên công khai bày tỏ điều ấy bằng cách làm báp têm. Chúa Giê-su nói với môn đồ ngài:

“Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh-Linh mà làm báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế” (Ma-thi-ơ 28:19, 20).

Nếu những người làm báp têm đã phải học hỏi Lời của Đức Chúa Trời và trở thành môn đồ của đấng Christ, thì rõ ràng họ không thể là những đứa trẻ nhỏ được. Mặt khác, phép báp têm là biểu hiệu của sự dâng mình cho Đức Chúa Trời, phải được thực hiện bằng cách trầm hẳn người xuống nước, giống như phép báp têm của Chúa Giê-su tại sông Giô-đanh vậy (Mác 1:9-11; Công-vụ các Sứ-đồ 8:36-39).

22 Khi trở thành môn đồ đã làm báp têm theo Chúa Giê-su rồi, bạn sẽ có thể sống một đời trọn vẹn và hạnh phúc theo đạo thật của đấng Christ. Đó không phải là một đời sống bị ràng buộc bởi hàng chuỗi mệnh lệnh và những điều cấm đoán, mà đúng hơn là một đời sống đầy sự tiến bộ ngày càng thêm vừa ý. Bạn có thể luôn luôn trau giồi thiêng liêng tính và áp dụng Lời Đức Chúa Trời hầu cho càng ngày càng dẫn bạn đến gần hơn với gương mẫu mà Chúa Giê-su đã để lại (Phi-líp 1:9-11; Ê-phê-sô 1:15-19).

23 Điều ấy cũng sẽ tác động đến tư tưởng và hạnh kiểm hằng ngày của bạn. Càng theo đuổi đường lối của đạo đấng Christ bao nhiêu, thì bạn lại càng vững tin hơn về việc Đức Chúa Trời sắp hủy diệt mọi sự gian ác hầu mở đường cho ‘trời mới và đất mới là nơi có sự công bình ngự trị’. Và chính niềm tin vững chắc ấy sẽ là động lực thúc đẩy bạn phát triển nhân cách của người tín đồ đấng Christ và theo đuổi lối sống khiến bạn có thể xứng đáng được vào hệ thống mọi sự mới sắp tới (Ê-phê-sô 4:17, 22-24). Sứ đồ Phi-e-rơ được soi dẫn đã viết:

“Anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào. Vì anh em trông-đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được” (II Phi-e-rơ 3:11, 14).

24 Quả là một ân phước lớn khi cả đời sống của một người phản ảnh sự kiện người ấy thờ phượng Đức Chúa Trời Giê-hô-va! Mặc dù ngày nay nhiều người chỉ sống cốt cho chính mình mà thôi và để hưởng thụ một cách ích kỷ mọi vui thú có thể được, nhưng bạn thì có thể sống và thờ phượng Đức Chúa Trời thật theo cách Ngài muốn. Đó chính là lối sống tốt nhất vậy.

[Câu hỏi thảo luận]

Đối với phần đông người ta ngày nay thì ai là người đáng được quan tâm trước tiên, và vì sao thái độ ấy lại là không khôn ngoan? (1-4)

Nô-ê và Áp-ra-ham đã tỏ ra khác biệt với phần đông người ta thời nay như thế nào? (5, 6)

Vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Chúa Trời đã đối đãi với người ta như thế nào? (7-9)

Đức Chúa Trời đã làm sự thay đổi gì trong việc đối xử với loài người? (10-12)

Đức Chúa Trời đã tổ chức và dẫn dắt tín đồ đấng Christ như thế nào? (13-15)

Cách mà Đức Chúa Trời đối xử với tín đồ đấng Christ ngày nay có ý nghĩa gì đối với bạn? (16)

Tình yêu thương của Đức Chúa Trời nên thúc đẩy chúng ta làm gì? (17-19)

Tại sao làm báp têm lại là một bước quan trọng, và báp têm biểu hiệu cho điều gì? (20, 21)

Bạn đã dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời chưa, và bạn có muốn làm báp têm không? Điều ấy sẽ có ý nghĩa gì đối với bạn? (22-24)