Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn sẽ tuân theo luật pháp của ai trước nhất?

Bạn sẽ tuân theo luật pháp của ai trước nhất?

Chương 17

Bạn sẽ tuân theo luật pháp của ai trước nhất?

CHÚNG TA sống phải theo các luật pháp—luật trong thiên nhiên; luật của Đức Chúa Trời về đạo đức và cách ăn ở; luật của loài người. Chúng ta dễ dàng chấp nhận và hưởng lợi ích do một số những luật ấy. Nhưng nếu một luật nào có vẻ quá khắt khe thì sao? Hay nếu có sự mâu thuẫn giữa hai luật pháp có ảnh hưởng đến cá nhân chúng ta thì sao?

2 Bởi vì các luật thiên nhiên có vẻ không nhắm đến riêng ai cả, nên người ta chấp nhận cách không mấy khó khăn. Ai dám thách thức định luật về trọng lực bằng cách đánh liều mà nhảy từ trên một ghềnh đá cao xuống? Vả lại, luật về trọng lực có lợi cho chúng ta; luật ấy giữ hai chân chúng ta đứng trên mặt đất và giữ thức ăn của chúng ta nằm yên trong dĩa. Những định luật thiên nhiên khác về di truyền điều khiển cho con cái chúng ta sau này sẽ ra sao. Khi ý thức về các luật di truyền và tránh kết hôn với bà con gần, chúng ta sẽ tránh được sự nguy hiểm truyền lại cho con cái một số khuyết tật. (So sánh Lê-vi Ký 18:6-17). Nhưng còn những luật pháp về hạnh kiểm hay đạo đức thì sao?

3 Có nhiều người phẫn uất đối với các luật lệ. Một lý do là vì loài người có khuynh hướng lập ra những luật lệ không cần thiết và dùng các luật lệ ấy để áp bức người khác (Ma-thi-ơ 15:2; 23:4). Tuy nhiên, thật nguy hiểm thay nếu xem mọi luật lệ đều là tệ hại và nếu tập thói quen coi thường luật pháp.

4 Bản án tử hình giáng trên nhân loại có nguyên nhân là một sự phản nghịch chống lại luật pháp. Đức Chúa Trời cấm A-đam và Ê-va ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác. Nhưng Sa-tan gợi ý cho Ê-va rằng luật pháp ấy của Đức Chúa Trời quá khắt khe (Sáng-thế Ký 3:1-6). Sa-tan có ý nói: ‘Khỏi cần luật lệ. Cứ tự đặt tiêu chuẩn cho mình đi!’. Tinh thần chống đối luật pháp ấy đã trở thành phổ thông trong suốt lịch sử nhân loại, cho đến tận ngày nay.

5 Đức Giê-hô-va không áp chế dân Ngài bằng những luật lệ nghiêm khắc không cần thiết hay nặng nề, vì “thánh-linh của Đức Giê-hô-va ở đâu thì sự tự-do cũng ở đó” (II Cô-rinh-tô 3:17; Gia-cơ 1:25). Trái hẳn với điều Sa-tan muốn người ta tin, Đức Giê-hô-va là Đấng Thống trị Hoàn vũ. Ngài là Đấng Tạo hóa cùng là Đấng ban sự sống và cung cấp mọi sự (Công-vụ các Sứ-đồ 4:24; 14:15-17). Bởi vậy Ngài có quyền hướng dẫn chúng ta và lập ra những luật về cách ăn ở của chúng ta.

6 Đức Chúa Trời là Đấng có uy quyền tối thượng nên nhiều người đồng ý rằng Ngài có quyền ấn định điều gì loài người có thể làm hoặc không được làm. Nhưng họ chỉ đồng ý như thế cho đến khi họ có ham muốn mãnh liệt làm điều gì đó mà Đức Chúa Trời cấm đoán. Hiển nhiên thái độ ấy rất nguy hiểm. Có nhiều bằng chứng cho thấy các điều răn của Đức Chúa Trời đặt ra là nhằm đem lợi ích cho chúng ta. Thí dụ, tránh thói say sưa, tính nóng giận và lòng tham lam sẽ giúp chúng ta có một sức khỏe tốt hơn và được thỏa lòng hơn (Thi-thiên 119:1-9, 105). Luật pháp của Đức Chúa Trời cũng giúp chúng ta được Ngài chấp nhận và được cứu rỗi (Châm-ngôn 21:30, 31). Do đó, ngay như người ta không hiểu tại sao Đức Giê-hô-va đặt ra một luật lệ nào đó, nhưng nếu vì thế mà người ta không chịu tuân theo—có lẽ do tinh thần độc lập kiêu căng—thì quả là dại dột thay.

7 Một thí dụ về các luật lệ của Đức Chúa Trời ban cho tín đồ đấng Christ là một nghị định của một hội đồng gồm các sứ đồ và trưởng lão họp tại Giê-ru-sa-lem ban hành; hội đồng ấy hợp thành một hội đồng lãnh đạo trung ương của hội thánh tín đồ đấng Christ thời ban đầu. Nghị định ấy là:

“Ấy là [thánh linh] và chúng ta đã ưng rằng chẳng gán gánh nặng nào khác cho anh em ngoài những điều cần-dùng, tức là anh em phải kiêng cữ của cúng thần-tượng, huyết, thú-vật chết ngộp và gian dâm” (Công-vụ các Sứ-đồ 15:22-29).

8 Chúng ta có những lý do chính đáng để tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời cấm sự tà dâm. Luật ấy là một sự che chở khỏi bị bệnh phong tình, đẻ con hoang, và gia đình tan vỡ. Theo luật ấy có nghĩa là không được tham gia vào đồng tính luyến ái hay các sự tình dục vô luân nào, tức là mọi hình thức dâm ô bao hàm trong nghĩa của chữ Hy-lạp porneia (tà dâm) dùng ở Công-vụ các Sứ-đồ 15:29. (Rô-ma 1:24-27, 32). Nhưng nếu có thể tránh được các mối nguy hại của sự tà dâm thì sao? Lúc đó còn cần phải tuân theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời bởi vì Ngài là Đấng Cai trị Tối cao của chúng ta hay không? Nếu có thì chúng ta sẽ góp phần chứng tỏ rằng Sa-tan là kẻ nói dối, và có những người vâng theo Đức Giê-hô-va vì họ yêu thương Ngài (Gióp 2:3-5; 27:5; Thi-thiên 26:1, 11).

9 Nghị định ghi nơi Công-vụ các Sứ-đồ 15:22-29 còn nói đến một lãnh vực khác mà chúng ta phải bày tỏ sự vâng phục. Đó là điều răn của Đức Chúa Trời bảo phải “kiêng huyết” và thịt của thú vật bị chết ngộp nên huyết còn lại trong con vật. Đức Chúa Trời đã bảo Nô-ê, tổ phụ của chúng ta, rằng loài người có thể ăn thịt của các thú vật, nhưng họ không được giữ gìn sự sống của mình bằng cách dùng huyết của tạo vật khác (Sáng-thế Ký 9:3-6). Sau đó, khi nhắc lại luật pháp ấy cho dân Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời nói: “Vì linh-hồn [hay sự sống] của xác thịt ở trong máu” (NW). Họ chỉ được phép dùng máu với mục đích duy nhất là dâng trên bàn thờ để chuộc tội. Nếu không thì phải đổ máu của con vật xuống đất để tượng trưng việc trả máu ấy lại cho Đức Chúa Trời. Việc tuân theo luật này hay không có nghĩa là sống hay chết (Lê-vi Ký 17:10-14).

10 Các của-lễ hy sinh ấy hình dung trước huyết của Chúa Giê-su đổ ra vì nhân loại (Ê-phê-sô 1:7; Khải-huyền 1:5; Hê-bơ-rơ 9:12, 23-28). Ngay cả sau khi đấng Christ đã trở về trời, Đức Chúa Trời vẫn ra lệnh cho tín đồ đấng Christ phải tiếp tục “kiêng huyết”. Nhưng bao nhiêu người tự xưng là tín đồ đấng Christ có tuân theo hay không điều răn ấy của Đức Chúa Trời, Đấng Lập pháp và cũng là Đấng ban sự sống? Trong nhiều xứ, người ta thường ăn thịt của những con vật chưa lấy huyết ra, ăn dồi và các thức ăn khác có huyết.

11 Tương tự thế, nhiều người đã nhận tiếp máu vì muốn sống thêm một chút nữa. Thường là họ không ý thức rằng tiếp máu như thế có thể gây ra những nguy hiểm trầm trọng, và thực tế thì hầu hết mọi cuộc giải phẫu đều có thể thực hiện được mà không cần phải tiếp máu, khi dùng đến các phương pháp trị liệu khác. * Nhưng ngay khi sự sống dường như bị đe dọa đi nữa thì vâng lời Đức Chúa Trời há có phải là sai lầm sao? Ngay trong trường hợp nguy cấp đi nữa cũng không nên lờ đi luật pháp của Đức Chúa Trời (I Sa-mu-ên 14:31-35).

12 Nhiều người đã liều mạng sống của họ để bênh vực cho quyền tự do tín ngưỡng, hoặc cho một lý tưởng chính trị. Họ đã vâng lệnh một nhà lãnh đạo hoặc một tướng lãnh quân sự mà không màng đến nguy hiểm. Chẳng lẽ chúng ta không có những lý do khẩn yếu hơn nhiều để vâng lời Đấng Thống trị hoàn vũ hay sao? Các chứng cớ về lòng trung thành của nhiều người có đức tin trong thời xưa trả lời cách hùng hồn: “Có chứ!” (Đa-ni-ên 3:8-18; Hê-bơ-rơ 11:35-38). Họ biết—và chúng ta cũng nên biết như vậy—rằng chính Đức Giê-hô-va là Đấng ban sự sống và Ngài sẽ ghi nhớ và thưởng cho những người vâng lời Ngài. Nếu cần, Ngài sẽ làm cho họ sống lại khi đến kỳ Ngài đã định (Hê-bơ-rơ 5:9; 6:10; Giăng 11:25). Chúng ta có thể chắc chắn rằng vâng lời Đức Giê-hô-va trong mọi tình thế là đường lối đúng và luôn luôn tốt nhất (Mác 8:35).

VÂNG PHỤC LUẬT PHÁP CHÍNH PHỦ

13 Nhiều luật lệ khác có ảnh hưởng đến chúng ta là do chính phủ ban hành. Tín đồ đấng Christ nên có quan điểm nào đối với các luật lệ này, và họ phải phản ứng như thế nào? Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy nhắc lại cho các tín-đồ phải vâng-phục những bậc cầm quyền chấp-chánh, phải vâng lời các bậc ấy” (Tít 3:1).

14 Trong thế kỷ thứ nhất, chính quyền La-mã không phải lúc nào cũng công bằng, và một số nhà cầm quyền La-mã là những người vô luân và bất lương nữa. Nhưng sứ đồ Phao-lô vẫn căn dặn: “Mọi người phải vâng-phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời”. “Các đấng cầm quyền trên mình” nói ở đây là các chính phủ đương thời (Rô-ma 13:1).

15 Đức Giê-hô-va nhìn nhận rằng ngày nào mà sự cai trị của Ngài chưa hoàn toàn được tái lập trên khắp đất thì khi ấy các chính phủ loài người còn phục vụ một số điều tiện lợi. Họ giúp duy trì trật tự xã hội và cung cấp nhiều dịch vụ hữu ích, trong đó có việc lập giá thú và giữ sổ sách hộ tịch. (So sánh Lu-ca 2:1-5). Nhờ vậy mà tín đồ đấng Christ nói chung có thể “lấy điều nhơn-đức và thành-thật mà ở đời cho bình-tịnh yên-ổn” (I Ti-mô-thê 2:2).

16 Trong khi chờ đợi cho đến lúc Nước Đức Chúa Trời giải quyết mọi vấn đề như chiến tranh, bất công và áp bức, thì tín đồ đấng Christ không được “chống đối uy quyền” các chính phủ. Họ phải trả đầy đủ các thứ thuế má đòi hỏi, phải vâng phục các luật lệ và tôn trọng nhà cầm quyền. Nhờ làm thế nên tín đồ thật của đấng Christ thường được các viên chức nhà nước khen ngợi và giúp đỡ, và cũng ít khi họ bị phạt bằng “gươm” mà các nhà cầm quyền thường dùng để trừng trị kẻ phạm pháp (Rô-ma 13:2-7).

MỘT SỰ VÂNG PHỤC TƯƠNG ĐỐI

17 Đôi khi có sự xung đột giữa các luật pháp. Một chính phủ có thể đòi hỏi người dân làm một điều gì mà Đức Chúa Trời cấm đoán, hoặc ngược lại, họ cấm làm một điều gì mà Đức Chúa Trời bảo phải làm. Lúc ấy thì sao?

18 Một tình trạng như vậy đã xảy ra cho các sứ đồ thời xưa, khi nhà cầm quyền cấm họ rao giảng về việc đấng Christ được sống lại. Bạn hãy đọc sự tường thuật làm vững mạnh đức tin như ghi nơi Công-vụ các Sứ-đồ 4:1-23 và 5:12-42. Mặc dù bị cầm tù và bị đánh đập, các sứ đồ vẫn không ngừng rao giảng, và Phi-e-rơ đã tuyên bố: “Thà vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29).

19 Như vậy là tín đồ đấng Christ vâng phục các nhà cầm quyền một cách tương đối thôi. Bổn phận trước nhất của người tín đồ là vâng lời Đấng Cầm quyền tối thượng. Nếu làm thế mà người tín đồ có bị hình phạt gì đi nữa, thì người cũng sẽ được an ủi khi nghĩ đến việc Đức Chúa Trời hài lòng với điều mình làm (I Phi-e-rơ 2:20-23).

20 Tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất còn phải đối phó với những quyết định trong một lãnh vực khác nữa liên quan đến điều Đức Chúa Trời bảo làm và điều mà chính phủ La-mã đòi hỏi họ phải làm. Đó là điều liên quan đến việc ủng hộ hoặc gia nhập quân đội La-mã. Đức Chúa Trời nói về dân của Ngài: “Họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi-cày, lấy giáo rèn lưỡi-liềm. Nước này sẽ chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến-tranh” (Ê-sai 2:4; Ma-thi-ơ 26:52). Vậy khi chính quyền La-mã đòi hỏi một tín đồ đấng Christ phải gia nhập quân đội, hay phải ủng hộ các nỗ lực chiến tranh, thì như thế là có sự xung đột giữa luật pháp của Sê-sa và luật pháp của Đức Chúa Trời.

21 Tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất cũng đã đặt luật pháp của Đức Chúa Trời lên hàng đầu khi người ta ra lệnh cho họ phải dâng hương cho Sê-sa, vị hoàng đế mà dân La-mã xem như một vị thần. Người khác có lẽ cho rằng đấy chỉ là một hành động yêu nước mà thôi. Nhưng lịch sử ghi lại là tín đồ đấng Christ đã xem việc đó là một hình thức thờ hình tượng. Họ không làm những hành động tôn thờ thần tượng đối với bất cứ một người hoặc một vật nào, vì họ dâng sự thờ phượng của họ cho một mình Đức Giê-hô-va mà thôi (Ma-thi-ơ 22:21; I Giăng 5:21). Thay vì xen vào việc chính trị hay hô to lời tán tụng có tánh cách tôn sùng thần tượng cho một nhà lãnh đạo, thì họ đã giữ vị thế trung lập để “không thuộc về thế gian”, theo đúng lời căn dặn của Chúa Giê-su (Giăng 15:19; Công-vụ các Sứ-đồ 12:21-23).

22 Bạn có sẵn sàng chấp nhận quan điểm của Đức Chúa Trời và sự hướng dẫn của Ngài liên quan đến vấn đề luật pháp hay không? Nếu có, thì bạn sẽ tránh được rất nhiều nỗi đau khổ mà những ai coi thường luật pháp của Đức Chúa Trời về hạnh kiểm và đạo đức thường phải gánh chịu. Và bạn cũng sẽ không bị các nhà cầm quyền đương thời bắt phạt một cách không cần thiết. Nhưng trên hết, Đức Chúa Trời đòi hỏi người ta phải thừa nhận Ngài là Đấng Chủ tể tối thượng. Nếu bạn thừa nhận Ngài như vậy trong mọi trường hợp, thì bạn sẽ sống phù hợp với luật pháp của Nước Đức Chúa Trời khi ngày gần đây luật pháp ấy sẽ thắng trên khắp đất (Đa-ni-ên 7:27).

[Chú thích]

^ đ. 11 Các phương diện tôn giáo, đạo đức và y học của vấn đề này đã được bàn đến trong sách mỏng Jehovah’s Witnesses and the Question of Blood” (Nhân-chứng Giê-hô-va và vấn đề máu) do Hội Tháp Canh xuất bản.

[Câu hỏi thảo luận]

Tại sao chúng ta nên suy nghĩ về thái độ của chúng ta đối với luật pháp? (1-4)

Nói về các luật pháp của Đức Chúa Trời thì chúng ta phải nhìn nhận điều gì? (5, 6)

Vì những lý do gì mà chúng ta phải tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời cấm sự “tà dâm”? (7, 8)

Làm sao chúng ta có thể tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời về vấn đề máu? (9-11)

Tại sao chúng ta phải vâng lời Đức Chúa Trời, ngay cả khi sự sống của chúng ta bị đe dọa? (12)

Tín đồ đấng Christ nên có quan điểm thế nào về nhà cầm quyền thế gian, và tại sao? (Ma-thi-ơ 22:19-21). (13-16)

Khi có sự xung đột giữa luật pháp của Đức Chúa Trời và luật pháp của nhà cầm quyền thế gian thì hành động đúng là gì? Xin cho thí dụ. (17-21)

Ngày nay chúng ta phải đối phó với sự thử thách nào? (22)

[Khung nơi trang 167]

“Một cuộc nghiên cứu kỹ càng mọi tài liệu sẵn có cho thấy rằng cho đến tận thời của Marcus Aurelius [Hoàng đế trị vì từ năm 161 đến năm 180 công nguyên], không có một tín đồ nào của đấng Christ gia nhập quân đội cả; và cũng chẳng có một người lính nào ở lại trong quân đội một khi đã trở thành tín đồ đấng Christ” (“The Rise of Christianity”).

[Hình nơi trang 165]

Thuế bạn trả dùng cho

Cảnh sát bảo vệ

Vệ sinh

Giáo dục

Bưu điện

Cấp nước

Cứu hỏa