Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Học biết về những điều không nhìn thấy được

Học biết về những điều không nhìn thấy được

Chương 4

Học biết về những điều không nhìn thấy được

CÓ nhiều điều thật là kỳ diệu mà chúng ta không thể nhìn thấy được. Để thí dụ, đứa bé lớn lên trong bụng mẹ là một điều kỳ diệu mà người ta đã không thể nhìn thấy được trong một thời gian lâu lắm. Thế nên người ta đã sửng sốt khi thấy những tấm hình đầu tiên về “phép lạ” ấy.

2 Có những điều quan trọng khác mà chúng ta không thể nhìn thấy, tỉ như các lực từ trường và trọng lực chẳng hạn. Tuy vậy các lực ấy có thật. Chúng ta có thể học được nhiều về các lực ấy bằng cách quan sát các hiệu quả của chúng. Đối với Đức Chúa Trời cũng thế. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn học biết về Đấng Tạo hóa của chúng ta—điều này nên lắm—thì chúng ta cần phải chuyên tâm và cố gắng (So sánh Giăng 3:12).

3 Trước hết, chúng ta có hai phương pháp chính yếu để học biết về Đức Chúa Trời mà chúng ta không nhìn thấy được. Một sứ đồ của Chúa Giê-su là Phao-lô có lần đề cập đến một trong hai phương pháp ấy khi ông viết: “Những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền-phép đời đời và bổn-tánh Ngài, thì từ buổi sáng-thế vẫn sờ-sờ như mắt xem-thấy, khi người ta xem-xét công-việc của Ngài” (Rô-ma 1:20). Đúng vậy, công cuộc sáng tạo làm chứng về sự hiện hữu của một Đấng Tối thượng. Ngoài ra, công cuộc sáng tạo còn cho biết về các đức tính của Ngài, về bản ngã thực sự của Ngài. Phương pháp thứ hai quan trọng hơn nhiều vì giúp chúng ta có sự hiểu biết chính xác hơn về Đức Chúa Trời. Đó là sự mặc khải bằng lời viết trong Kinh-thánh.

NGÀI LÀ MỘT ĐẤNG NHƯ THẾ NÀO?

4 Như ghi trong Kinh-thánh, Chúa Giê-su đã nói: “Đức Chúa Trời là Thần” (Giăng 4:24). Điều ấy có nghĩa là Đấng Tạo hóa không có một thân thể xác thịt như chúng ta. Điều này không phải là điều khó chấp nhận đối với người nào đã từng quen với những thực tại không nhìn thấy được như trọng lực, từ tính hay làn sóng vô tuyến điện. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt then chốt: Đức Chúa Trời là một nhân vật, một Đấng sống và thông minh với những đức tính mà chúng ta có thể nhận rõ được. Một số các đức tính ấy là gì?

5 Bạn đã bao giờ có dịp ngắm cơn sóng khổng lồ đập vào ghềnh đá chưa? Hoặc bạn đã bao giờ mục kích sức mạnh khủng khiếp của một núi lửa chưa? Đấy chỉ là những sự thể hiện rất nhỏ của quyền năng mà Đấng Tạo hóa phải có, vì Ngài đã tạo dựng nên trái đất và các sức mạnh của trái đất.

6 Nhờ phương trình nổi tiếng E=mc2 của Einstein, các nhà bác học giải thích được rằng tất cả mọi hình thái của vật chất đều chỉ là năng lượng chứa trong các nguyên tử căn bản. Người ta đã chứng minh điều này là đúng bằng cách cho nổ những quả bom nguyên tử. Tuy nhiên, bạn có biết rằng những vụ nổ khủng khiếp ấy chỉ mới phóng thích chưa đầy một phần trăm năng lượng tiềm tàng trong các nguyên tử không? Bạn hãy thử tưởng tượng sức mạnh đáng kinh sợ của Đấng Tạo hóa là Đấng đã dựng nên tất cả các nguyên tử trong vũ trụ. Hàng ngàn năm trước khi Einstein ra đời, Kinh-thánh đã nhìn nhận Đấng Tối thượng là nguồn năng lượng mạnh mẽ phi thường (Ê-sai 40:29). Thật là chí lý khi Kinh-thánh nhiều lần gọi Ngài là “Đức Chúa Trời Toàn-năng” (Sáng-thế Ký 17:1; Khải-huyền 11:17).

7 Đức Chúa Trời đã thường sử dụng quyền năng của Ngài để ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Một thí dụ là khi Đức Chúa Trời giải cứu Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Có lẽ bạn sẽ thích thú đọc lớn tiếng sự tường thuật ngắn gọn ghi trong Xuất Ê-díp-tô Ký 13:21 đến 14:31. Hãy tưởng tượng chính bạn đang ở giữa đám đông những người được che chở ban ngày bằng một trụ mây đáng sợ và ban đêm bằng một trụ lửa sáng rực. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi đạo quân truy đuổi theo bạn có vẻ đã dồn bạn đến chỗ bí sát Biển Đỏ? Tuy nhiên, hãy tưởng tượng bạn được mục kích Đức Chúa Trời dùng quyền năng của Ngài để rẽ nước Biển Đỏ ra thành những bức tường cao ở hai bên để bạn có thể chạy thoát. Đức Chúa Trời quả là vĩ đại biết bao! (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:1, 2, 11; Đa-ni-ên 4:35).

8 Biến cố này cũng chứng minh rằng Đức Chúa Trời có khả năng thực hiện công việc của Ngài từ đằng xa. Để làm thế Ngài dùng sức mạnh hoạt động vô hình của Ngài, tức thánh linh hay sinh hoạt lực của Ngài. Mặc dù sinh hoạt lực này không phải là một nhân vật, nhưng nó có thể tạo ra tác động, tựa như một luồng không khí thổi mạnh. Đức Chúa Trời đã dùng thánh linh của Ngài để tạo dựng vũ trụ vật chất (Thi-thiên 33:6; Sáng-thế Ký 1:2). Nhưng Ngài cũng có thể dùng thánh linh của Ngài để giúp đỡ hay làm vững mạnh tôi tớ của Ngài (Các Quan Xét 14:5, 6; Thi-thiên 143:10).

9 Một người nào khi đã thiết kế và chế tạo ra một cái máy thì hẳn phải biết rõ cách cấu tạo và chức năng của nó. Vậy cảnh hùng vĩ của trái đất và các từng trời há không cam kết được với chúng ta rằng Đức Chúa Trời có sự hiểu biết vô biên hay sao? Nhiều nhà hóa học dùng cả đời để tìm hiểu sự cấu tạo của những chất trong thiên nhiên. Vậy Đấng đã tạo ra các chất ấy hẳn phải có sự hiểu biết rộng đến thế nào nữa! Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu tế bào và các hình thái nhỏ nhất của sự sống. Vậy Đấng Tạo hóa ắt phải hiểu biết về các lãnh vực này một cách thật hoàn hảo thì mới có thể tạo ra sự sống như thế!

10 Sự hiểu biết của Đức Chúa Trời bao trùm khắp vũ trụ. Ngài có thể gọi tên từng ngôi sao trong số hàng tỷ ngôi sao mà Ngài đã tạo ra (Ê-sai 40:26). Sau khi đã nghe thuật lại một ít khía cạnh của sự hiểu biết vô biên của Đức Chúa Trời, một người tên là Gióp đã khiêm nhường thú nhận: “Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý-chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm” (Gióp 42:2). Hẳn chúng ta cũng có nhiều lý do để cảm thấy như thế chứ?

11 Đức Chúa Trời cũng là hiện thân của sự khôn ngoan, vì Ngài áp dụng thành công sự hiểu biết của Ngài. Để thí dụ, Ngài đã tạo ra các loài cây cỏ sao cho chúng có thể tổng hợp được nước và thán khí trong không khí để làm hình thành chất đường và các loại tinh bột rất cần để làm đồ ăn cho loài người lẫn loài thú. Cây cỏ còn chế tạo ra được các chất béo phức tạp, các loại chất đạm và sinh tố cần thiết cho sức khỏe của chúng ta. Tất cả các loại đồ ăn của chúng ta đều tùy thuộc vào một chu trình đáng kinh ngạc liên quan đến ánh sáng mặt trời, mưa, sấm sét và các loại vi khuẩn trong đất (Giê-rê-mi 10:12; Ê-sai 40:12-15). Dần dần khi một người càng học biết về cách cư xử của Đức Chúa Trời hơn, thì người ấy sẽ hiểu được tự đáy lòng vì sao mà một người viết Kinh-thánh đã thốt lên: “Ôi! sâu-nhiệm thay là sự giàu-có, khôn-ngoan và thông-biết của Đức Chúa Trời!” (Rô-ma 11:33). Đấy há không phải là điều mà chính bạn cũng muốn cảm thấy đối với Đức Chúa Trời mà bạn thờ phượng hay sao?

MỘT NHÂN CÁCH RẤT DỄ MẾN

12 Chắc bạn sẽ dễ dàng công nhận rằng Đấng Tạo hóa đã cung cấp cho chúng ta một cách ân cần, chu đáo và rộng rãi. Chúng ta đã đề cập đến một vài điều mà Ngài đã làm để loài người có đồ ăn. Thế nhưng một người viết Thi-thiên trong Kinh-thánh nói:

“Ngài khiến các suối phun ra trong trũng, nó chảy giữa các núi. Nhờ các suối ấy hết thảy loài thú đồng được uống; các lừa rừng giải khát tại đó. Chim trời đều ở bên các suối ấy, trổi tiếng nó giữa nhánh cây... Ngài làm cho cỏ đâm lên cho súc-vật, cây-cối để dùng cho loài người, và khiến thực-vật sanh ra từ nơi đất. Rượu nho, là vật khiến hứng chí loài người, và dầu để dùng làm mặt-mày sáng-rỡ, cùng bánh để thêm sức cho lòng loài người” (Thi-thiên 104:10-15).

Đức Chúa Trời đã sửa soạn trái đất một cách khiến cho nó có thể sản xuất được nhiều đồ ăn hơn cả số lượng mà nhân loại cần. Những thảm họa khan hiếm lương thực gây ra bao đau khổ thường là do sự tham lam hay do cách quản lý tồi tệ của con người mà ra.

13 Đấng Tạo hóa không những chỉ cung cấp dồi dào những điều thiết yếu cho đời sống, mà Ngài còn làm cho đời sống có nhiều vui thú nữa. Đức Chúa Trời đã có thể chỉ cần cung cấp cho chúng ta những loại đồ ăn bổ dưỡng nhưng vô vị. Thế nhưng Ngài đã cho chúng ta vô vàn những đồ ăn bổ dưỡng với nhiều hương vị ngon ngọt tuyệt vời. Và chúng ta cũng chớ nên quên rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra chúng ta làm sao cho chúng ta có thể thưởng thức được vẻ đẹp của nhiều màu sắc, như màu sắc của những bông hoa và cây trái. Ngài cũng ban cho chúng ta khả năng thưởng thức âm nhạc nữa. Mọi điều này làm cho bạn có cảm nghĩ gì về Đức Chúa Trời?

14 Có nhiều người sau khi suy gẫm về mọi điều ấy, đã cảm động và kết luận rằng Đức Chúa Trời quả có nhiều yêu thương. Họ tin chắc rằng Ngài có tình yêu thương bao la. Kinh-thánh đồng ý vì sứ đồ Giăng viết: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” (I Giăng 4:8). Đấng Tạo hóa chính là hiện thân của tình yêu thương; đây là đức tính trội hơn hết của Ngài. Nếu có ai hỏi bạn Đức Chúa Trời là một Đấng như thế nào, có lẽ bạn sẽ đề cập trước tiên đến đức tính yêu thương của Ngài. Đức Chúa Trời bày tỏ một sự trìu mến nồng nhiệt đối với nhân loại. Ngài không phải là một ý niệm trừu tượng, cũng chẳng phải là một thần thánh xa vời. Ngài là một Đấng nhiệt thành mà chúng ta có thể có được một mối tương giao đầy yêu thương. Chúa Giê-su nói môn đồ ngài có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời như với Cha của họ, tức như với một Đấng gần gũi và quan tâm đến họ (Ma-thi-ơ 6:9).

15 Khi bạn thật sự yêu mến ai, bạn mong muốn người ấy hưởng được điều tốt lành. Đức Chúa Trời cũng cảm thấy như thế đối với loài người. Vì yêu thương chúng ta, Ngài cảnh cáo chúng ta về những điều có thể làm hại cho chúng ta. Những lời cảnh cáo ấy là một sự che chở cho chúng ta. Đồng thời chúng cũng giúp chúng ta hiểu các tiêu chuẩn của Ngài và cách Ngài sẽ hành động hay phản ứng thế nào. Để thí dụ, Kinh-thánh nói với chúng ta rằng Ngài ghét sự dối trá (Châm-ngôn 6:16-19; 8:13; Xa-cha-ri 8:17). Điều này bảo đảm với chúng ta rằng chính Đức Chúa Trời không thể nói dối được; chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy vào mọi điều Ngài nói (Tít 1:2; Hê-bơ-rơ 6:18). Do đó nếu chúng ta thấy trong Kinh-thánh có những lời nào có vẻ khắt khe quá, thì chúng ta phải nhìn nhận rằng thật ra các lời ấy phản ảnh nhân cách của Đức Chúa Trời với sự yêu thương, công bình và sự quan tâm mà Ngài dành cho chúng ta.

16 Ngoài việc giúp chúng ta xem Đức Chúa Trời như một Đấng mà chúng ta có thể đến gần được, Kinh-thánh còn cho thấy Ngài cũng có những tình cảm khác nữa ngoài tình yêu thương. Chẳng hạn như Ngài “buồn rầu” khi con người chống lại các đường lối công bình của Ngài (Thi-thiên 78:8-12, 32, 41). Ngài “vui mừng” khi thấy loài người làm điều thiện (Châm-ngôn 27:11; Lu-ca 15:10). Khi chúng ta phạm phải những điều lầm lỗi thì Ngài tỏ lòng trắc ẩn, thương xót và thông cảm. Chắc chắn bạn sẽ thấy khích lệ khi đọc điều này nơi Thi-thiên 103:8-14. Và Đấng Tạo hóa không thiên vị; Ngài ban mưa, nắng cho mọi người, và Ngài chấp nhận về sự thờ phượng của mọi hạng người bất kể họ thuộc chủng tộc hay quốc tịch nào (Công-vụ các Sứ-đồ 14:16, 17; 10:34, 35).

17 Phần lớn chúng ta đều muốn có hạnh phúc. Cho nên chúng ta có những lý do chánh đáng để học biết về Đấng Chí cao. Kinh-thánh mô tả Ngài là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”, và cho thấy là Ngài cũng muốn chúng ta được hạnh phúc (I Ti-mô-thê 1:11; Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:7). Ngài luôn luôn ban thưởng cho những ai thực hành đức tin nơi Ngài (Hê-bơ-rơ 11:6; 13:5). Và Đức Chúa Trời cũng đã làm một phương cách để loài người có được sức khỏe và hạnh phúc đời đời, như chúng ta sẽ thảo luận trong các chương sau của sách này.

ĐỨC CHÚA TRỜI DUY NHẤT

18 Kinh-thánh còn tiết lộ cho chúng ta một điều quan trọng khác về Đấng Tạo hóa, là Ngài có một tên riêng. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, tên Ngài viết ra bằng bốn phụ âm như sau: יהוה. Phần lớn các ngôn ngữ hiện đại đều chuyển âm danh của Đức Chúa Trời ra; trong tiếng Việt, danh ấy là Giê-hô-va. Thi-thiên 83:18 nói rằng người ta cần phải biết rằng “chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-cao trên khắp trái đất”. (So sánh Giăng 17:6). Hãy lưu ý rằng chỉ một mình Ngài là Đấng Chí cao. Chỉ có một Thượng Đế mà thôi. Người Y-sơ-ra-ên thuở xưa thường diễn tả ý tưởng đó như sau: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai. Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4, 5; so sánh Giăng 17:3).

19 Đức Chúa Trời của chúng ta, Đức Giê-hô-va, là vĩnh cửu, và điều này là hợp lý. Các nhà khoa học nói rằng vũ trụ này đã có từ hằng tỷ năm rồi. Vậy dĩ nhiên Đấng Tạo hóa của vũ trụ phải hiện hữu từ lâu hơn thế nhiều. Điều này phù hợp với lời của Kinh-thánh gọi Ngài là “Vua đời đời”, tức là không có bắt đầu và không có cuối cùng (I Ti-mô-thê 1:17; Khải-huyền 4:11; 10:6). Vài ngàn năm mà loài người đã trải qua trên đất chỉ là một thoáng ngắn ngủi so với sự đời đời vô tận của Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 90:2, 4).

NHỮNG ĐẤNG VÔ HÌNH KHÁC

20 Kinh-thánh cho biết là cũng có những đấng khác là những thần linh. Sau khi sống một mình khá lâu, Đấng Toàn năng quyết định tạo ra những nhân vật thần linh khác. Trước tiên, Ngài tạo ra Con đầu lòng là “Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên” hay “Đấng làm đầu cội-rễ cuộc sáng-thế của Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 1:15; Khải-huyền 3:14). Con đầu lòng này đã ở bên Đức Chúa Trời Toàn năng từ hồi bắt đầu cuộc sáng tạo, và sau này Đức Giê-hô-va đã dùng Con này làm phát ngôn viên cho Ngài gọi là “Lời”, để liên lạc với các tạo vật khác của Ngài (Giăng 1:1-3; Cô-lô-se 1:16, 17). Cuối cùng, Con đầu lòng này được sai xuống trái đất để trở thành một người. Con người ấy được biết đến dưới danh là Giê-su Christ (Ga-la-ti 4:4; Lu-ca 1:30-35).

21 Qua trung gian người Con đầu lòng này, Đức Chúa Trời tạo ra những tạo vật thần linh khác, thường gọi là thiên sứ. Các tạo vật này hầu việc Đức Chúa Trời với tư cách sứ giả và làm nhiều phận sự khác nhau trong vũ trụ, kể cả làm các việc để giúp những người (II Phi-e-rơ 2:11; Hê-bơ-rơ 2:6, 7; Thi-thiên 34:7; 103:20).

22 Cả Kinh-thánh lẫn sự suy luận đều cho chúng ta thấy rằng Con đầu lòng mà Đức Chúa Trời đã tạo ra và sai xuống trái đất không thể nào ngang hàng với Cha ngài được. Có nhiều người nói tin Kinh-thánh nhưng lại dạy rằng Chúa Giê-su và Cha ngài là những phần tử bằng nhau trong một Đức Chúa Trời tổng hợp. Đây không phải là một ý tưởng mới mẻ, vì nhiều tôn giáo thời cổ đã từng thờ phượng nhiều nhóm thần thánh như thế. Nhưng trái lại, Kinh-thánh nói rõ ràng rằng Chúa Giê-su là một cá thể riêng biệt và đã nhận lãnh quyền lực từ nơi Cha Toàn năng của ngài. Kinh-thánh còn khẳng định rằng có những điều mà chỉ Đấng Toàn năng biết chứ Giê-su không biết và Giê-su không khi nào bằng Cha ngài được, dù khi ở trên đất hay ngay cả sau khi trở về trời cũng vậy (Giăng 5:30; 8:28; 14:10, 28; Mác 13:32).

23 Trong khoảng thời gian hàng ngàn năm sống trên trời, Con ấy đã có một mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời Toàn năng, do đó ngài có thể học được nơi Cha ngài, và bắt chước các đường lối của Cha ngài. Bởi thế nên khi môn đồ hỏi: “Xin chỉ Cha cho chúng tôi”, thì Chúa Giê-su đã trả lời: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:8, 9; 1:18). Bằng cách học những sự tường thuật của Kinh-thánh về đời sống trên đất của Chúa Giê-su, chúng ta có thể hiểu được nhiều điều về Đức Chúa Cha, chẳng hạn như tại sao Đức Chúa Trời lại hành động như thế ấy, và Ngài muốn chúng ta là hạng người như thế nào. Một lần nọ, Chúa Giê-su phán: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống” (Giăng 14:6). Vậy điều thiết yếu là chúng ta phải học biết hơn về Chúa Giê-su, và bởi đó cũng hiểu biết về Đức Chúa Cha. Đọc sách Tin Mừng theo Giăng sẽ giúp ích rất nhiều. Khi đọc sách này, bạn đừng tập trung chú ý vào những sự kiện đơn thuần hoặc những chi tiết, nhưng hãy cố suy nghĩ để hiểu thấu nhân cách của Đấng Christ nữa. Ngài là một con người quan trọng nhất mà chúng ta có thể học biết.

CHÚNG TA CẦN ĐẾN ĐỨC CHÚA TRỜI

24 Dần dần, khi càng học biết thêm về Đấng Toàn năng bằng cách quan sát công việc sáng tạo của Ngài và bằng cách học hỏi Kinh-thánh, chúng ta càng hiểu rõ là loài người không được tạo ra để sống độc lập, không tùy thuộc vào Đức Chúa Trời. Chúng ta được tạo ra để có mối liên lạc với Ngài, là Đấng ban sự sống cho chúng ta và làm những sắp đặt hàng ngày để duy trì sự sống cho chúng ta. Thử sống độc lập, không tùy thuộc vào Đức Chúa Trời và vào Lời của Ngài, tức Kinh-thánh, thì chẳng khác nào một người cố tự tìm lấy lối đi trong bãi sa mạc mà mình chưa từng quen biết mà không dùng một bản đồ chính xác. Nếu làm thế thì cuối cùng người đó sẽ hoàn toàn lạc đường và chết vì thiếu những sắp đặt để duy trì sự sống. Cũng vậy, những ai sống mà không thèm biết đến Đức Chúa Trời và sự dẫn dắt của Ngài thì cũng giống như thế. Kinh-thánh và lịch sử dạy cho chúng ta biết rằng nếu muốn sống cách hạnh phúc nhất thì không phải chỉ có cơm ăn, áo mặc và nhà cửa là đủ đâu. Để được thật sự hạnh phúc, chúng ta cần được sự dẫn dắt và giúp đỡ của Đấng Tạo hóa của chúng ta (Ma-thi-ơ 4:4; Giăng 4:34).

25 Rất nhiều người hầu như là không biết gì về Đấng Tạo hóa. Vậy thì khi bạn gặp những người như thế, và nếu hoàn cảnh cho phép, tại sao bạn lại không chia sẻ với họ một số những điều hay mà chúng ta đã xem xét trong sách này? Thật tốt thay khi người ta vui thích được chia sẻ với người khác những lẽ thật quan trọng về Đức Giê-hô-va, Cha yêu thương của chúng ta ở trên trời (Thi-thiên 40:5).

[Câu hỏi thảo luận]

Làm sao có thể học biết về một Đức Chúa Trời không nhìn thấy được? (1-3)

Tại sao chúng ta có thể biết chắc Đức Chúa Trời có một sức mạnh kinh khủng và Ngài có khả năng sử dụng sức mạnh ấy? (4-8)

Chúng ta nên biết gì về tầm hiểu biết của Đức Chúa Trời? Và về sự khôn ngoan của Ngài? (9-11)

Những sự bày tỏ của nhân cách Đức Chúa Trời đem lại cho chúng ta những lợi ích gì? (12-14)

Đức Chúa Trời làm gì để tỏ ra rằng Ngài có lòng quan tâm ưu ái đến bạn? Điều ấy khiến bạn có cảm nghĩ gì? (Thi-thiên 30:4, 5). (15-17)

Chúng ta có thể học biết gì về danh của Đức Chúa Trời và về thời gian Ngài hiện hữu? (18, 19)

Tại sao không phải chỉ có một mình Đức Chúa Trời ở trên trời mà thôi? (20, 21)

Giữa Đức Chúa Cha và Con Ngài có mối tương quan nào? (22, 23)

Tại sao Đức Chúa Trời phải là rất quan trọng trong đời sống bạn? (24, 25)

[Hình nơi trang 33]

Đức Chúa Trời đã rẽ nước Biển Đỏ bằng quyền năng Ngài.

[Hình nơi trang 36]

Ánh sáng mặt trời, mưa và đất đai màu mỡ nói gì về Đức Chúa Trời?

Há chẳng phải Ngài là Đấng cung cấp rộng rãi và đầy yêu thương sao?