Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một đời sống hạnh phúc có thể được thật không?

Một đời sống hạnh phúc có thể được thật không?

Chương 1

Một đời sống hạnh phúc có thể được thật không?

“ĐỜI SỐNG thích thật!” Nhiều người thốt lên như thế khi họ cảm thấy sung sướng. Nhưng nếu là người thực tế, chúng ta biết rằng đời sống không luôn luôn tươi đẹp như thế. Đời sống có nhiều vấn đề, đôi khi nhiều và nghiêm trọng đến nỗi dường như hạnh phúc chỉ là một giấc mơ. Nhưng có bắt buộc phải như thế không?

2 Chúng ta biết một đời sống hạnh phúc là do nhiều yếu tố khác nhau. Để vui hưởng sự sống chúng ta cần có đủ ăn, đủ mặc. Chúng ta cũng cần có một mái nhà để nghỉ ngơi và trú náu. Nhưng đấy mới chỉ là những điều cơ bản. Tình bè bạn vui vẻ và sức khỏe tốt cũng là những yếu tố quan trọng.

3 Tuy nhiên, ngay cả những người có được phần nào những điều kể trên vẫn ao ước được hạnh phúc thật sự. Loại việc làm của một người, hoặc điều kiện làm việc, khiến người ấy mất đi sự hài lòng. Lại nữa, trong nhiều gia đình có sự bất hòa giữa người chồng và người vợ, hoặc giữa con cái và cha mẹ. Chúng ta cũng không thể bỏ qua sự kiện là tất cả chúng ta đều có thể bị bệnh tật và chết bất thình lình. Bạn có tin rằng chúng ta có thể đương đầu với tất cả những vấn đề ấy và cả những vấn đề khác nữa và giải quyết cách nào hầu được thỏa lòng thật sự không? Chúng ta có những lý do để tin tưởng như thế. Tuy nhiên, bất cứ ai muốn vui hưởng một đời sống hạnh phúc thì trước hết cần phải có một điều mà không phải tất cả mọi người đều có—một lý do để sống.

4 Bạn chỉ có được hạnh phúc thật sự khi nào đời sống của bạn có ý nghĩa. Giáo sư S. M. Jourard viết trong cuốn sách của ông nhan đề The Transparent Self như sau:

“Một người sống đến bao lâu mà người ấy còn cảm thấy rằng đời sống của mình có ý nghĩa và giá trị và người ấy còn có một lý do để sống... Khi nào thấy không còn ý nghĩa, giá trị và hy vọng gì nữa thì người ấy bắt đầu ngừng sống; người ấy bắt đầu chết”.

Ngày nay sự kiện ấy cũng được công nhận trong cả lãnh vực công nghiệp nữa. Một báo cáo Gia-nã-đại bình luận như sau về sự hay vắng mặt không có lý do chính đáng:

“Người ta tìm một ý nghĩa cho đời sống mình và không còn hài lòng làm những bánh xe không cần thiết trong guồng máy xã hội” (Atlas World Press Review).

5 Điều trên đây giúp giải thích tại sao nhiều người giàu có vẫn không được thật sự thỏa lòng. Thật vậy, họ ăn, uống, ngủ, có gia đình và cũng vui hưởng ít nhiều vui thú và khoái lạc ở đời. Thế nhưng có lẽ họ có cảm tưởng đời sống của nhiều thú vật cũng có thể được như thế. Đời sống con người phải hơn thế chứ!

6 Sống lâu cũng chưa hẳn là đủ để có hạnh phúc. Qua kinh nghiệm sống, nhiều người lớn tuổi biết rằng một đời sống lâu dài mà không có cảm nghĩ thỏa nguyện hoặc không cảm thấy mình có ích thì chán lắm. Bạn đã thấy ai như thế chưa?

7 Không phải chỉ những người lớn tuổi mới thấy thiếu một lý do cao quí để sống. Trường Đại học Daito Bunka ở Nhật Bản đã làm một cuộc nghiên cứu và cho biết trong 1.500 học sinh trung học có đến 50 phần trăm nữ sinh và 34 phần trăm nam sinh đã từng nghĩ đến chuyện tự tử. Tại sao? Lý do đầu tiên là vì “đời sống không có ý nghĩa”. Còn ở châu Phi, châu Âu hay châu Mỹ thì có khác nhiều không? Con số những người tự tử trên toàn thế giới tăng hẳn lên, chứng tỏ rằng càng ngày càng có thêm nhiều người bất hạnh và không muốn sống nữa.

8 Có thể riêng cá nhân chúng ta không cảm thấy tuyệt vọng đến thế. Có lẽ chúng ta thấy là vẫn có thể tìm được đôi chút hạnh phúc gì đó mặc dù gặp phải những vấn đề. Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn không thể nào tránh khỏi tự hỏi: Đời sống có ý nghĩa thật sự không? Làm sao tôi có thể hưởng được hạnh phúc lâu dài?

9 Cách đây nhiều thế kỷ, một vị vua đã kiểm điểm lại bao nhiêu việc mà người ta đeo đuổi trong đời sống: có một gia đình, thu góp của cải, mở mang về học vấn, ăn ngon và xây cất những tòa lâu đài nguy nga. Các việc ấy nghe có vẻ vui thú. Ấy vậy mà vị vua này thấy rằng những việc ấy cũng gây ra lắm điều khó chịu. Ông nêu câu hỏi:

“Vậy, ích chi cho người lao-khổ, cực lòng mà làm việc ở dưới mặt trời? Vì các ngày người chỉ là đau-đớn, công-lao người thành ra buồn-rầu; đến đỗi ban đêm lòng người cũng chẳng được an-nghỉ. Điều đó cũng là sự hư-không”. *

10 Ở một đoạn sau, vị vua này nhấn mạnh đến sự hư không của các việc ấy bằng cách mô tả những gì chờ đón người ta trong đời sống sau ít năm ngắn ngủi: mắt làng đi, chân tay suy yếu run rẩy, răng mục hay rụng đi, giấc ngủ chập chờn và sau cùng là sự chết. *

11 Cho nên dù chúng ta nghĩ rằng có thể tìm được hạnh phúc ở đời đi chăng nữa, thì vẫn còn những câu hỏi làm rối lòng và có liên hệ đến tất cả chúng ta. Nhất là vào thời kỳ ngày nay. Tại sao? Tác giả Vermont Royster bình luận rằng loài người đã mở rộng đáng kể tầm hiểu biết và phát triển các phương pháp kỹ thuật vượt bực trong vòng hơn năm mươi năm qua, nhưng ông nói thêm:

“Một điều kỳ lạ là đây. Vấn đề liên quan đến chính bản thân con người, tình trạng tiến thoái lưỡng nan của con người, vị trí của con người trong vũ trụ—về các vấn đề ấy thì chúng ta chẳng có tiến bộ được gì nhiều hơn thời kỳ khởi nguyên cả. Chúng ta vẫn còn đang tự hỏi chúng ta là ai, tại sao chúng ta hiện hữu và chúng ta sẽ đi về đâu” (Science Digest).

12 Tất nhiên chúng ta có thể lờ đi những câu hỏi ấy và “vui sống”. Người ta có thể bàn cãi nhiều về việc tìm thú vui trong đời sống mặc dù có nhiều vấn đề. Nhưng sống một cuộc đời giả tạo là cách sống không thực tế. * Đời sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa thật sự và có nền tảng cho hạnh phúc nếu chúng ta hiểu được “chúng ta là ai, tại sao chúng ta hiện hữu và chúng ta sẽ đi về đâu”. Liệu chúng ta có thể hiểu được không?

13 Những ai suy nghĩ chín chắn thường kết luận rằng lời đáp cho những câu hỏi ấy tùy thuộc vào câu hỏi chủ yếu: “Đức Chúa Trời có hiện hữu không?” Nếu có một Đức Chúa Trời thì tất nhiên Ngài phải biết chúng ta từ đâu mà đến, tại sao chúng ta lại ở trên trái đất này và chúng ta sẽ đi về đâu. Hơn nữa, Ngài cũng phải biết vì sao có sự gian ác tồn tại, nó sẽ chấm dứt hay không, và nếu chấm dứt thì sẽ do cách nào. Và Ngài hẳn biết chúng ta có thể làm gì để có một đời sống hạnh phúc hơn và có ý nghĩa hơn. Vậy thì “Đức Chúa Trời có hiện hữu không?”

[Chú thích]

^ đ. 9 Sách Truyền-đạo 2:22, 23, trong Kinh-thánh.

[Câu hỏi thảo luận]

Người ta cần những gì để được hạnh phúc trong đời sống? (1-10)

Chúng ta thường có những câu hỏi nào về đời sống, và niềm tin nơi Đức Chúa Trời có liên quan thế nào với các câu hỏi ấy? (11-13)

[Khung nơi trang 7]

‘ĐỜI CÓ ĐÁNG SỐNG KHÔNG?’

Michèle, một thiếu nữ người Pháp, kể lại rằng nàng đã rời bỏ gia đình và cộng đồng “để thoát khỏi cái thế giới đạo đức giả và khỏi nỗi thất vọng về những người chung quanh”. Sau đó—

“Tôi đã trải qua nếp sống vô luân, dùng ma túy, và sống với loại bạn bè nguy hiểm. Tôi đã bị cảnh sát và cảnh sát quốc tế lùng bắt. Suýt chút nữa, tôi đã trở thành nạn nhân của bọn buôn bán phụ nữ da trắng. Khi đi lang thang khắp nơi để tìm lời giải đáp cho sự hiện hữu của chúng ta, tôi đã liên hệ với nhiều giáo phái khác nhau. Nhưng đời sống dường như không đáng sống. Tôi cảm thấy vô dụng và chỉ nghĩ đến sự chết”.

[Khung nơi trang 9]

MỘT NGƯỜI BỐI RỐI

Một người Nhật tên là Yamamoto kể lại:

“Cách đây vài năm, trong khi chuẩn bị thi vào đại học, tôi đã bỏ ra rất nhiều thì giờ để suy gẫm về ý nghĩa và mục đích của đời sống. Càng nghiên cứu về triết học, tôi càng thấy thất vọng. Sau khi thi đậu, tôi gia nhập một đảng chính trị. Nhưng khi thấy cảnh gian ác chung quanh, tôi lại tự hỏi: ‘Mục đích của đời sống là gì?’ ”

Người ấy không tìm được câu trả lời thỏa đáng trong các triết thuyết của loài người, vì những triết thuyết đó rõ ràng không giải quyết được mọi vấn đề của nhân loại. Rồi việc nghiên cứu sử học và kinh nghiệm của ông về chính trị cho thấy là cũng chẳng có một chính phủ nào nắm được lời giải đáp cho câu hỏi ấy. Loài người đã thử nghiệm qua mọi thứ chính thể, nhưng câu hỏi về ý nghĩa của đời sống vẫn luôn luôn còn đó. Ông người Nhật nói thêm:

“Tôi đã bắt đầu một cuộc sống ăn chơi phóng túng, một phần cũng vì thất vọng. Nhưng rồi tôi đã kịp hiểu ra rằng đây là một sự điên rồ. Cuối cùng, tôi đi đến kết luận là lời giải đáp cho câu hỏi đã từng làm cho tôi bối rối bấy lâu nay, tức câu hỏi về lý do hoặc mục đích của đời sống, tùy thuộc vào sự kiện Đức Chúa Trời có hiện hữu hay không”.

[Trang hình ảnh nơi trang 4]