Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một chính phủ để thiết lập hòa bình trên khắp đất

Một chính phủ để thiết lập hòa bình trên khắp đất

Chương 16

Một chính phủ để thiết lập hòa bình trên khắp đất

CÓ chính phủ nào có khả năng đem lại hòa bình lâu bền trên khắp đất không? Dẹp hết tội ác và bảo đảm được an ninh không? Bảo đảm có thực phẩm dồi dào và ngon lành cho mọi người không? Tẩy sạch được môi trường sinh sống và khắc phục được bệnh tật không?

2 Hãy xem xét các chính thể của loài người—chính thể quân chủ, dân chủ, xã hội chủ nghĩa hay cộng sản. Không một chính thể nào, và dù mọi chính thể liên kết với nhau đi nữa, cũng không thực hiện nổi những điều tốt đẹp vừa nêu trên, dù là trên bình diện nhỏ thôi cũng chẳng được, chứ nói chi đến khắp đất. Tuy nhiên bạn có lý do để nuôi hy vọng.

Ý ĐỊNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VỀ MỘT CHÍNH PHỦ—NƯỚC TRỜI

3 Chính Giê-hô-va Đức Chúa Trời hứa sẽ cung cấp điều chúng ta cần. Làm sao chúng ta có thể tin chắc được? Hãy nhớ là hồi ban đầu Ngài có ý định làm cho cả trái đất thành một địa đàng, nơi đó loài người sẽ vui hưởng hòa bình và hạnh phúc (Sáng-thế Ký 1:28; 2:8, 9). Nhưng sự phản nghịch đã xảy ra ở vườn Ê-đen. Bạn có nghĩ là Đức Chúa Trời sẽ để cho các tạo vật bội bạc làm cho ý định của Ngài thất bại không? Chắc chắn không! Thật ra, ngay sau khi A-đam và Ê-va phản nghịch, Đức Giê-hô-va đã báo trước là sẽ có một đấng giải cứu, một “dòng dõi” sẽ đè bẹp mọi kẻ gây phiến loạn trên trời và dưới đất (Sáng-thế Ký 3:15). Có lẽ bạn sẽ thắc mắc: “Nhưng “chính phủ” thì có liên quan gì?” Có chứ, “dòng dõi” ấy là Đấng Mê-si, là Chúa Bình-an mà nhà tiên tri Ê-sai dưới sự soi dẫn đã nói đến như sau: “Sự cai-trị và sự bình-an của Ngài cứ thêm mãi không thôi” (Ê-sai 9:5, 6).

4 Đúng vậy, Đức Giê-hô-va hứa sẽ lập một nền cai trị để thực thi sự công bình và mang lại hòa bình. Kinh-thánh gọi nền cai trị ấy là Nước của Đức Chúa Trời. Hàng triệu người đã cầu nguyện: “Lạy Cha chúng tôi... Nguyện Nước Cha được đến!” (Ma-thi-ơ 6:9, 10). Nếu bạn đã cầu xin như thế, tức là bạn đã cầu xin cho một chính phủ thật sự—Nước ở trên trời—hầu thiết lập hòa bình trên đất (Thi-thiên 72:1-8). Nhưng bao giờ thì Đức Chúa Trời mới thiết lập chính phủ ấy? Ngài sẽ chọn những ai như thế nào và đủ điều kiện thế nào để cai trị trong chính phủ đó?

5 Đức Chúa Trời đã tiết lộ ý định của Ngài qua bao thế kỷ. Thí dụ, Ngài cho biết Đấng Mê-si sẽ là dòng dõi của Áp-ra-ham và Gia-cốp, và sẽ thuộc chi phái Giu-đa (Sáng-thế Ký 22:18; 49:10). Rồi Ngài cũng lập trên dân Y-sơ-ra-ên một nước trị vì làm hình mẫu tiên tri cho những điều sẽ phải đến. Nước Y-sơ-ra-ên có một thể chế thần quyền, vì vua ngồi trên “ngôi của Đức Giê-hô-va” (I Sử-ký 29:23). Đức Chúa Trời nắm giữ uy quyền tối thượng, và nước Y-sơ-ra-ên được điều khiển bằng luật pháp và các nguyên tắc do Ngài đặt ra. Rồi Ngài báo cho Đa-vít biết rằng từ gia hệ ông sẽ ra một người để làm vua trị vì vĩnh viễn (Thi-thiên 89:20, 21, 29).

6 Những chi tiết ấy cùng với các điều chỉ dẫn khác trong Kinh-thánh về lịch sử dân Y-sơ-ra-ên là rất quan trọng, vì nhờ đó chúng ta thấy là Đức Chúa Trời đã đặt một nền tảng hợp pháp và vững chắc cho Nước Ngài trong tương lai. Phù hợp với điều đó, sau này Ngài đã sai một thiên sứ đến báo cho một trinh nữ thuộc dòng vua Đa-vít rằng:

“Ngươi sẽ sanh một con trai mà đặt tên là Giê-su. Con trai ấy sẽ nên tôn-trọng, được xưng là Con của Đấng Rất-Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị-vì đời đời nhà Gia-cốp, và nước ngài vô-cùng” (Lu-ca 1:28-33).

7 Đấy chính là Đấng Mê-si đã được báo trước, Đấng mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho ngài quyền cai trị đời đời trên nhân loại. Chúng ta có thể mong đợi gì nơi vua Giê-su, với tư cách là đấng Cai trị? Chúng ta hãy xem xét những gì mà Chúa Giê-su đã thực hiện trong quá khứ.

8 Chúa Giê-su đã tỏ ra luôn luôn sốt sắng phụng sự Đức Chúa Trời và làm theo ý muốn của Ngài (Hê-bơ-rơ 10:9; Ê-sai 11:3). Một cách mà Chúa Giê-su đã chứng tỏ trung thành với Đức Chúa Trời là từ chối không bị mua chuộc bởi sự giàu sang và vinh hiển, trái hẳn với thái độ của nhiều nhà lãnh đạo loài người (Lu-ca 4:5-8). Ngài luôn luôn can đảm đứng về phía lẽ thật, và không ngần ngại tố cáo những hành vi đạo đức giả về tôn giáo (Giăng 2:13-17; Mác 7:1-13).

9 Chúa Giê-su cũng có một tình yêu thương phi thường đối với nhân loại, như ngài đã chứng tỏ qua việc hy sinh mạng sống mình cho chúng ta (Giăng 13:34; 15:12, 13). Lòng thương xót đã thúc đẩy ngài chữa lành cho người bệnh, làm người chết sống lại và cung cấp thức ăn cho người thiếu ăn (Lu-ca 7:11-15, 22; 9:11-17). Ngài cũng có quyền lực trên các sức mạnh thiên nhiên và ngài dùng quyền đó để làm lợi ích cho người ta (Ma-thi-ơ 8:23-27). Vậy mà ngài lại là người dễ gần gũi; ngay cả trẻ con cũng cảm thấy thoải mái khi ở gần con người có tính tình dịu dàng, ôn hòa này (Ma-thi-ơ 11:28-30; 19:13-15).

10 Hãy tưởng tượng đến ân phước được ngài làm Đấng Cai trị với những đức tính và khả năng của ngài! Đấy là niềm hy vọng tuyệt vời của những người thờ phượng Đức Giê-hô-va.

CAI TRỊ TỪ TRÊN TRỜI

11 Khi quan tổng đốc La-mã hỏi Chúa Giê-su về vương quyền của ngài, thì ngài trả lời: “Nước của ta chẳng thuộc về thế-gian này” (Giăng 18:36). Ngài triệt để trung lập đối với mọi việc chính trị của các nước; ngài nêu gương cho môn đồ ngài về phương diện này (Giăng 6:15; II Cô-rinh-tô 5:20). Vả lại, Đức Chúa Trời không hề có ý định cho Con Ngài cai trị từ một nơi nào trên trái đất. Không, Con Ngài phải trị vì từ trên trời hầu có thể thực thi một uy quyền siêu phàm và trên khắp vũ trụ.

12 Bởi vậy, sau khi Chúa Giê-su chết trong sự trung thành với Đức Chúa Trời, thì Cha ngài đã làm cho ngài được sống lại như một tạo vật thần linh bất tử (Công-vụ các Sứ-đồ 10:39-43; I Cô-rinh-tô 15:45). Đấng Christ đã hiện ra cho môn đồ ngài thấy để bảo đảm với họ rằng ngài đang sống và vẫn hoạt động. Rồi Chúa Giê-su lên trời. Sứ đồ Phi-e-rơ đã viết về việc này như sau: “Đấng đã được lên trời, nay ngự bên hữu Đức Chúa Trời, các thiên-sứ, các vương-hầu, các quyền-thế thảy đều phục Ngài” (I Phi-e-rơ 3:22; Ma-thi-ơ 28:18).

13 Kể từ lúc ấy, năm 33 công nguyên, đấng Christ đã bắt đầu cai trị trên hội thánh tín đồ đấng Christ, và môn đồ ngài vui mừng nhìn nhận uy quyền và địa vị của ngài trên trời (Cô-lô-se 1:13, 14). Song le, Đức Chúa Trời không có ý định để cho Chúa Giê-su lúc bấy giờ khởi sự cai trị trên toàn thể nhân loại và vũ trụ.

14 Đức Giê-hô-va cho phép loài người có đủ thời gian để chính họ nhìn thấy kết quả của sự cai trị của loài người. Bởi vậy Đấng Christ đã phải đợi đến đúng kỳ ấn định cho Nước Trời cai trị trên toàn thế gian. Sứ đồ Phao-lô viết: “Đấng này đã vì tội-lỗi dâng chỉ một của-lễ, rồi ngồi đời đời bên hữu Đức Chúa Trời, từ rày về sau đương đợi những kẻ thù-nghịch Ngài bị để làm bệ chơn Ngài” (Hê-bơ-rơ 10:12, 13).

15 Nhưng nếu Chúa Giê-su vô hình ở trên trời, thì làm sao chúng ta có thể biết được lúc nào ngài bắt đầu cai trị? Như đã bàn luận ở chương trước, ngài đã cho một “điềm” thấy được hầu giúp cho môn đồ ngài ở trên đất có thể biết được lúc nào ngài bắt đầu cai trị (Ma-thi-ơ 24:3-31). Chiến tranh, đói kém, động đất, tín đồ đấng Christ bị bắt bớ và công cuộc rao giảng tin mừng về Nước Trời trên khắp thế giới mà chúng ta đã thấy được kể từ Thế chiến thứ nhất (1914-1918) chứng thực rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ kết liễu của hệ thống mọi sự hiện tại. Những biến cố ấy cũng là bằng chứng cho thấy Chúa Giê-su ngày nay đang cai trị ở trên trời rồi, bởi vì sau khi mô tả trận chiến trên trời chống lại Sa-tan, Kinh-thánh nói tiếp:

“Bây giờ sự cứu-rỗi, quyền-năng, và nước Đức Chúa Trời chúng ta đã đến cùng quyền-phép của Đấng Christ Ngài nữa;... Bởi vậy, hỡi các từng trời và các đấng ở đó, hãy vui-mừng đi! Khốn-nạn cho đất và biển! vì Ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi” (Khải-huyền 12:7-12).

16 Như vậy là hiện nay Chúa Giê-su đang trị vì rồi. Điều này có nghĩa là chẳng bao lâu nữa ngài sẽ thực thi uy quyền để quét sạch tất cả những kẻ chống đối Nước Trời, kể cả Ma-quỉ và các chính phủ loài người (Đa-ni-ên 2:44). Lúc bấy giờ chúng ta sẽ có thể hoan hỉ sống trong một vương quốc thần quyền đem lại hòa bình vĩnh cửu.

NHỮNG NGƯỜI CÙNG CAI TRỊ TRONG NƯỚC TRỜI

17 Kinh-thánh còn tiết lộ một khía cạnh khác thật hấp dẫn về Nước Trời. Đa-ni-ên 7:13, 14 mô tả cho chúng ta thấy Con của Đức Chúa Trời nhận được “quyền-thế, vinh-hiển và nước”. Rồi sự hiện thấy ấy nói tiếp:

“Bấy giờ nước, quyền-thế, và sự tôn-đại của muôn nước ở dưới cả trời, sẽ được ban cho dân các thánh của Đấng Rất Cao. Nước Ngài là nước đời đời, và hết thảy các quyền-thế đều hầu-việc và vâng lời Ngài” (Đa-ni-ên 7:27).

Như vậy là Đức Chúa Trời có ý định cho Con Ngài một số người để cùng cai trị với ngài. Điều ấy có nghĩa là một số người sẽ lên trời. Khi còn ở trên đất, Chúa Giê-su đã bắt đầu chọn những người nam và nữ để họ sẽ cùng trị vì với ngài. Ngài nói với họ rằng ngài lên trời để chuẩn bị một chỗ cho họ (Giăng 14:1-3).

18 Điều ấy giúp làm sáng tỏ một điểm mà nhiều người suốt đời đi nhà thờ mà vẫn không hiểu: Một mặt, Kinh-thánh cho biết ý định của Đức Chúa Trời là muốn cho nhân loại sống trên đất; mặt khác, Kinh-thánh lại nói đến một số người lên trời. Làm thế nào dung hợp được hai điều ấy? Đức Chúa Trời đã hứa cho một số người lên trời để họ cộng tác với Con Ngài trong chính phủ Nước Trời. Nhưng trái đất thì sẽ biến thành một địa đàng để cho loài người sống hạnh phúc và thanh bình (Xem Thi-thiên 37:29; Ê-sai 65:17, 20-25).

19 Có bao nhiêu người sẽ lên trời để dự phần vào chính phủ Nước Trời? Chúa Giê-su nói cho biết như sau: “Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi, vì Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi Nước thiên-đàng” (Lu-ca 12:32). Như vậy thì con số những người ấy là một con số có hạn. Sách Khải-huyền cho thấy là những kẻ “được chuộc từ đất” để trị vì với “Chiên Con” (Giê-su Christ) gồm có 144.000 người (Khải-huyền 14:1-5). Điều này không khó hiểu. Ngay như các chính phủ loài người cũng có một số người đàn ông và đàn bà được lựa chọn để đến thủ đô làm thành phần của chính phủ.

20 Nhưng Đức Chúa Trời đã không để cho loài người quyết định ai sẽ lên trời. Chính Ngài lựa chọn các thành viên của chính phủ này (I Phi-e-rơ 2:4, 5, 9; Rô-ma 8:28-30; 9:16). Khi Đức Chúa Trời chọn sứ đồ Phao-lô, Ngài đã đổ thánh linh trên ông, như vậy đã ban cho ông niềm tin chắc là ông sẽ được dự vào “nước trên trời” (II Ti-mô-thê 4:18). Phao-lô viết: “Chính [thánh linh] làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con-cái Đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con-cái, thì cũng là những kẻ kế-tự: kẻ kế-tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế-tự với Đấng Christ” (Rô-ma 8:16, 17; II Cô-rinh-tô 1:22; 5:5).

21 Đức Chúa Trời chỉ chọn tương đối ít người trong số những người thờ phượng Ngài để cho sống trên trời, vì ý định của Ngài là muốn cho loài người sống hạnh phúc trên đất. Chúa Giê-su là người đầu tiên được cất lên trời (Hê-bơ-rơ 6:19, 20; Ma-thi-ơ 11:11). Sau đó, Đức Chúa Trời tiếp tục lựa chọn 144.000 người khác. Khi số người ấy đủ rồi thì chuyện gì sẽ xảy ra?

22 Sau khi được ban cho sự hiện thấy về con số có hạn (144.000) người ở trên trời với đấng Christ, sứ đồ Giăng lại được chỉ cho xem một đám đông “vô-số người, không ai đếm được” (Khải-huyền 7:4, 9, 10). Những người này sẽ được Đức Chúa Trời che chở qua khỏi lúc hệ thống mọi sự hiện tại bị hủy diệt. Họ có hy vọng tuyệt diệu là sẽ được sống đời đời trên đất, cùng một hy vọng với những người có đức tin thời xưa như Nô-ê, Áp-ra-ham và Đa-vít, những người đã chết trước khi Đức Chúa Trời mở đường vào sự sống trên trời cho 144.000 người (Công-vụ các Sứ-đồ 2:34).

LÝ DO ĐỂ TIN CẬY NHỮNG NGƯỜI CAI TRỊ

23 Ngày nay phần đông người ta đều không mấy tin cậy những người cai trị họ. Tuy nhiên, những người sẽ cai trị trong Nước Đức Chúa Trời sẽ khác hẳn những người cai trị trong thế gian hiện tại. Trải qua nhiều thế kỷ, Đức Chúa Trời đã lựa chọn những người nào chứng tỏ đức tin của họ. Dù phải trải qua đủ mọi thử thách và cám dỗ, họ luôn luôn gắn bó với điều gì là thiện và công bình. Họ đã được sự tin cậy của Đức Chúa Trời, vậy há chúng ta lại chẳng có thể tin cậy họ hay sao?

24 Hơn nữa, vì họ đã từng là những con người nên họ sẽ có thể hiểu được chúng ta và tỏ lòng thông cảm với chúng ta. (So sánh Hê-bơ-rơ 4:15, 16). Họ biết thế nào là mệt mỏi, lo lắng và ngã lòng. Họ biết phải cố gắng thế nào để trở nên kiên nhẫn hơn, nhơn từ hơn và thương xót hơn. Một số trong họ đã từng là phụ nữ, cho nên họ cũng hiểu những tình cảm và nhu cầu đặc biệt của người nữ trên đất (Ga-la-ti 3:28).

25 Ngày nay, hàng triệu Nhân-chứng Giê-hô-va đang chứng tỏ rằng họ tin cậy nơi đấng Christ và những người cùng cai trị với ngài, và họ cho thấy rằng Nước của Đức Chúa Trời là một điều thực tế đối với họ. Họ làm thế bằng cách chứng tỏ là thần dân trung thành của Nước Trời (Châm-ngôn 14:28). Họ chấp nhận luật pháp của Nước ấy ghi trong Kinh-thánh và khuyến khích người khác cũng làm thế, vì họ thành thực tin chắc rằng tôn giáo thật của đấng Christ là cách sống tốt nhất. Họ tham gia vào chương trình dạy dỗ của chính phủ ấy. Kinh-thánh là sách giáo khoa chính yếu mà họ dùng, và họ cũng dùng cả các sách tham khảo và các sách giúp học hỏi Kinh-thánh nữa. Ở các buổi họp của hội thánh, họ học biết thêm về Nước Trời và về nếp sống của người tín đồ đấng Christ. Ngoài ra, họ còn giúp cho những người khác được hưởng lợi ích của chương trình giảng dạy Kinh-thánh ấy bằng cách dạy Kinh-thánh cho công chúng và tại nhà riêng (Công-vụ các Sứ-đồ 20:20).

26 Chúa Giê-su nói rằng một trong những nét hợp thành “điềm” của “ngày sau rốt” sẽ là: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14). Trước khi lên trời, ngài đã nhấn mạnh với môn đồ ngài rằng họ phải tham gia tích cực vào công việc rao truyền tin mừng này (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Công-vụ các Sứ-đồ 1:8).

27 Ngày nay, tín đồ đấng Christ nhận thức rõ rằng việc tham gia vào công tác rao truyền và dạy dỗ này là cách quan trọng nhất để chứng minh tình yêu thương của họ đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại (Mác 12:28-31). Vì có liên can đến tính mạng người ta, nên đây thật là một trách nhiệm quan trọng (Công-vụ các Sứ-đồ 20:26, 27; I Cô-rinh-tô 9:16). Nhưng cũng là một nguồn hạnh phúc và thỏa lòng đáng kể (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Nhân-chứng Giê-hô-va sẽ vui lòng giúp đỡ bạn hầu bạn cũng có thể giúp được người khác biết về Nước của Đức Chúa Trời hiện đang cai trị.

[Câu hỏi thảo luận]

Có những điều đáng mong muốn nào mà các chính phủ loài người không thực hiện được? (1, 2)

Làm sao chúng ta biết là Đức Chúa Trời có ý định thành lập một chính phủ đem lại hòa bình? (3, 4)

Đức Chúa Trời đã sắp đặt những gì để thành lập Nước Trời? (5, 6)

Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Chúa Giê-su sẽ là một đấng cai trị tuyệt hảo? (7-10)

Vì những lý do nào mà chúng ta lại tin rằng Chúa Giê-su sẽ không cai trị ở trên đất? (11, 12)

Có những bằng chứng nào cho thấy khi nào Chúa Giê-su đã bắt đầu cai trị trên nhân loại? (13-16)

Sẽ có những ai cùng cai trị với Chúa Giê-su trong Nước Trời? (17, 18)

Có bao nhiêu người sẽ lên trời, và tại sao không phải cả nhân loại? (19-22)

Chúng ta có những lý do nào để tin cậy những người cùng cai trị với đấng Christ? (23, 24)

Chúng ta có thể làm thế nào để chứng tỏ chúng ta ủng hộ Nước Trời? (25-27)

[Khung nơi trang 151]

“Sự thất bại trong việc thiết lập một nền tảng thực sự cho hòa bình thế giới... chính là tại các quốc gia, đặc biệt các đại cường quốc, đã từ chối không chịu chấp nhận một uy quyền mà có thể chỉ bảo cho họ những điều phải làm trên trường quốc tế”.

“Đây là điểm thách đố chính đối với loài người ngày nay—Làm sao tạo được một uy quyền thế giới để bảo vệ hòa bình và thu phục được lòng tin cậy của mọi dân trên khắp thế giới?” (Norman Cousins, chủ bút báo Saturday Review).

[Khung nơi trang 159]

QUAN ĐIỂM THỰC TẾ VỀ CHÁNH PHỦ

Anh Stelvio kể lại: “Vũ khí của chúng tôi là dùi cui, gậy bọc chì, dây xích và súng ống”. Anh là đoàn viên của một phong trào chính trị cực đoan ở Nam Âu Châu trong thập niên 1970. Tại các trại huấn luyện bí mật tương tự như của quân đội, anh đã học cách tổ chức các cuộc bạo động và hoạt động du kích chiến trong thành thị.

Nhưng sau vài năm có một sự thay đổi xảy ra. Một Nhân-chứng Giê-hô-va đã đến nhà và dạy cho anh về Kinh-thánh. Kết quả ra sao? “Điều ấy đã mở mắt cho tôi, và tôi hiểu rằng chủ nghĩa ái quốc và các đảng phái chính trị chỉ gây chia rẽ loài người mà thôi. Tôi học biết trong Kinh-thánh rằng Đức Chúa Trời đã từ một người mà làm ra mọi dân sanh sống trên khắp trái đất (Công-vụ các Sứ-đồ 17:26). Hiểu ra điều ấy tạo nên một mãnh lực đoàn kết. Nó đã giải thoát tôi khỏi thù ghét người khác chỉ vì họ có chính kiến khác với tôi”.

Con người trước kia rất hung bạo ấy nói thêm: “Tôi hằng tự hỏi mình: Loài người làm thế nào giải quyết được các vấn đề của họ bằng chính trị, khi chính trị chính là nguyên nhân gây ra chia rẽ trong nhân loại? Để hợp nhất được với nhau thì cần phải dẹp bỏ mọi nguyên nhân gây chia rẽ đã. Trong cộng đồng của Nhân-chứng Giê-hô-va, tôi đã thấy được cảnh người da đen và người da trắng chịu phép báp têm trong cùng một hồ nước. Ở Ái-nhĩ-lan, tôi đã thấy những người xưa theo đạo Tin lành và đạo Công giáo, nay không còn thù ghét nhau nữa. Trong cuộc chiến sáu ngày, tôi đã thấy những người Do-thái và Ả-rập họp lại với nhau một cách an hòa. Tôi đã học yêu thương những kẻ mà trước đây tôi thù ghét.

“Không ai có thể nói rằng Nước Đức Chúa Trời, Nước mà các Nhân-chứng Giê-hô-va mong đợi, lại chỉ là một giấc mơ không tưởng; vì ngay lúc này đã thực sự có một cộng đồng quốc tế hợp nhất dưới Nước Trời ấy. Áp dụng các nguyên tắc Kinh-thánh đã đem lại những kết quả mà không một nhóm tôn giáo, chính trị hay xã hội nào khác từng đạt được.

“Với những ai, như tôi ngày trước, đang còn tranh đấu cho hòa bình, cho công lý và trật tự xã hội, tôi xin nói: ‘Xin các bạn hãy thực tế và hãy nhìn nhận rằng loài người không đủ khả năng để thực hiện những lý tưởng ấy đâu. Tuy thế, xin bạn hãy quan sát các Nhân-chứng Giê-hô-va. Chẳng phải họ đã giải quyết mọi vấn đề về chiến tranh, các chia rẽ chính trị, sự kỳ thị chủng tộc để đạt được hòa bình và sự hợp nhất đấy sao? Người ta tin cậy nơi loài người thì chỉ sanh nhiều vấn đề. Còn Nhân-chứng Giê-hô-va phục tùng Nước Đức Chúa Trời và họ đã giải quyết được những nỗi khó khăn chính của đời sống.’ ”