Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Người trẻ—Làm sao các bạn được hạnh phúc?

Người trẻ—Làm sao các bạn được hạnh phúc?

Chương 9

Người trẻ—Làm sao các bạn được hạnh phúc?

TUỔI TRẺ có thể là một trong những giai đoạn khích lệ nhất trong đời. Người trẻ tuổi có tương lai trước mặt mình. Vậy hỡi các bạn trẻ, các bạn hãy cố hết sức xây đắp tương lai sao cho được hạnh phúc.

2 Nhưng điều ấy không phải là dễ. Bác sĩ Robert S. Brown đã nghiên cứu trường hợp của một số người trưởng thành mà ít năm trước kia đã quyết định sống phù hợp với lý tưởng của họ về xã hội và chính phủ. Ông cho thấy rằng hơn một phần ba những người ấy rốt cuộc đều thất vọng, chán nản và lo lắng.

3 Chúng ta thường nghe nói rằng có học vấn cao thì sẽ được hạnh phúc. Nhưng ngày nay nhiều người trẻ có bằng cấp cao mà vẫn khó tìm được việc làm. Nhiều người khác tuy khá hơn về mặt tài chánh nhưng nhận thức được rằng việc làm với lương cao cũng chẳng giúp họ được gì mấy trong việc mưu cầu hạnh phúc. Ngoài ra, phần lớn những mối tình lãng mạn của tuổi thanh xuân cũng chẳng đem lại hạnh phúc. Thực vậy, tại nhiều nước có đến 80% những cuộc hôn nhân của người trẻ dưới 20 tuổi bị đổ vỡ trong vòng 5 năm đầu tiên.

4 Vậy bạn có thể làm gì để tránh được những sự ấy, hầu thật sự hưởng được hạnh phúc ngay từ bây giờ và có một tương lai mỹ mãn? Còn nếu bạn là bậc cha mẹ, làm sao bạn có thể giúp cho con cái bạn đạt đến mục tiêu ấy?

NHẬN BIẾT ĐẤNG TẠO HÓA

5 Người trẻ tuổi thường hay bị ảnh hưởng bởi người khác cùng lứa tuổi, tuy thật ra những người này không có mấy kinh nghiệm về đời sống. Kinh-thánh có nhận xét như sau:

“Người khôn-ngoan thấy điều tai-hại, và ẩn mình; nhưng kẻ ngu-muội [thiếu kinh nghiệm, NW] cứ đi luôn, và mắc phải vạ” (Châm-ngôn 22:3; 13:20).

Một người trẻ có tinh thần thực tế sẽ công nhận rằng hạnh phúc lâu dài của mình là điều ít có người bạn học hay bạn bè nào lại thật sự quan tâm đến. Bạn cứ thử tự hỏi: “Trong những năm tới đây, họ sẽ quan tâm không nếu như tôi không có hạnh phúc vì cớ những điều mà hiện giờ tôi đang làm?”

6 Nhưng ai thật sự quan tâm đến bạn và có thể ban cho bạn những lời khuyên tốt nhất? Đấng Tạo hóa của bạn! Ngài muốn những người trẻ vui hưởng sự sống. Ngài không chống lại tất cả những gì làm cho họ vui mắt và vui lòng. Tuy Ngài không che chở người trẻ khỏi các hậu quả cay đắng của những hành động liều lĩnh của họ, nhưng Ngài làm điều mà bạn có thể chờ đợi nơi một người thành thật quan tâm đến bạn: Ngài cảnh cáo bạn về những điều sẽ gây ra đau khổ và tai họa, và Ngài ban cho bạn những lời khuyên nhủ hầu tránh khỏi các cạm bẫy ấy (Châm-ngôn 27:5; Thi-thiên 119:9). Kinh-thánh tuyên bố về điều đó:

“Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui-mừng trong buổi thiếu-niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn [tuổi trẻ], hãy đi theo đường-lối lòng mình muốn, và nhìn-xem sự mắt mình ưa-thích, nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán-xét. Vậy khá giải sầu khỏi lòng ngươi, và cất điều tai-hại khỏi xác-thịt ngươi” (Truyền-đạo 11:9, 10).

7 Vậy Đấng Tạo hóa rất quan tâm đến bạn, nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến bạn nên nghĩ đến Ngài. Chắc bạn đã để ý thấy nhiều người trẻ sống trôi giạt không có mục đích gì trong đời. Họ không có một mục đích nhất định nào, và cũng chẳng có tiêu chuẩn vững chắc nào để làm căn bản cho đời sống. Họ thường quay sang hút ma túy, thuốc lá hoặc làm những điều gây kích thích nhưng đầy nguy hiểm, hầu lấp đi sự trống trải trong đời sống họ hay để gây hào hứng trong đời sống vô vị của họ. Có thể bạn cũng đã từng làm ít nhiều những điều ấy rồi, dù biết có nguy hiểm hay không. Bạn có thấy thỏa mãn về đời sống của bạn cho đến lúc này và đời sống mà bạn nhìn thấy trong tương lai không? Phải chăng nay chính là lúc bạn nên dừng lại và suy nghĩ về cuộc đời của mình?

8 Như chúng ta đã xem xét trước đây, muốn cho đời sống một người có ý nghĩa và hòa hợp với các sự kiện thực tế, thì người ấy phải công nhận rằng có một Đấng Tạo hóa đã làm ra vũ trụ. Đấng đó là Đấng sáng tạo ra chúng ta và Ngài có những tiêu chuẩn (Thi-thiên 100:3). Các tiêu chuẩn này rất thích ứng với cách Ngài tạo ra chúng ta để sống. Các tiêu chuẩn ấy rất thiết thực và giúp đem lại hạnh phúc, như chúng ta đã thấy trong các chương trước bàn luận về các vấn đề như giao hợp tình dục trước hôn nhân, về uống rượu quá độ, và cờ bạc. * Do đó, muốn sống cho được hạnh phúc phải chăng bạn nên tỏ ra khôn ngoan và nhận biết Đấng Tạo hóa khi suy nghĩ về cách bạn sẽ sống, về các tiêu chuẩn mà bạn sẽ chọn theo và về hướng đi cho cuộc đời của bạn?

ĐỜI SỐNG CÓ MỤC ĐÍCH VÀ SỰ TỰ TRỌNG

9 Chúng ta thấy Kinh-thánh có vài lời đặc biệt nhắm vào người trẻ tuổi khi nói trong sách Truyền-đạo 11:9, 10 những lời kết luận như sau:

“Chúng ta hãy nghe lời kết của lý-thuyết này: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi” (Truyền-đạo 12:13).

10 Khắp nơi trên thế giới có hàng trăm ngàn người trẻ tuổi đã suy nghĩ nghiêm chỉnh về đời sống họ. Họ đã nhận biết Đấng Tạo hóa và học hỏi Lời của Ngài. Và họ đã thấy rằng muốn có hạnh phúc thì một trong những điều căn bản là phải sống hòa hợp với Đấng Tạo hóa của mình. Đó cũng nên là bổn phận và mục đích của đời sống bạn. Sống theo đường lối của Kinh-thánh đề ra không có gì là kỳ cục, cực đoan hay khó chịu gì cả. Đúng hơn đó là một lối sống thăng bằng và đầy ý nghĩa. Lối sống ấy giúp chúng ta đối phó được một cách khôn ngoan và thành công với các vấn đề về tiền bạc, việc làm, đạo đức, đời sống gia đình, giải trí và nhiều vấn đề khác nữa mà hiện nay bạn đang phải đương đầu hoặc sẽ gặp sau này. Kinh nghiệm của Nhân-chứng Giê-hô-va xác nhận rằng sự khôn ngoan căn cứ trên Kinh-thánh

“...là cây sự sống cho ai nắm lấy nó; người nào cầm-giữ đều được phước-hạnh” (Châm-ngôn 3:18).

Kinh-thánh khuyên: “Hỡi con, chớ quên sự khuyên-dạy ta, lòng con khá giữ các mạng-lịnh ta; vì nó sẽ thêm cho con lâu ngày, số năm mạng-sống, và sự bình-an” (Châm-ngôn 3:1, 2).

11 Khi bạn theo các lời khuyên của Kinh-thánh, có lẽ người ta sẽ chú ý đến bạn và thấy bạn có vẻ hơi khác những người trẻ khác. Thật ra, bạn có thể sẽ bị một số người chê trách nữa (I Phi-e-rơ 2:20; 4:4). Nhưng liệu bạn có để cho những lời chỉ trích ấy khiến bạn phải bỏ con đường sẽ làm cho đời bạn tươi đẹp hơn không?

12 Có nhiều người trẻ nói họ thích giữ theo ý kiến riêng của mình, tuy vậy sự kiện thực tế cho thấy thực ra họ sợ khác người chung quanh. Tuy nhiên Kinh-thánh có ghi lại nhiều gương mẫu thật hay của những người trẻ đã không đi theo lối sống của đa số. Họ cũng là những người trẻ bình thường với những điều quan tâm, những mối lo lắng, ưu tư và niềm hy vọng như bạn vậy, nhưng họ đã để cho những lời khuyên khôn ngoan của Đức Chúa Trời hướng dẫn ý tưởng và hành động của họ.

13 Thí dụ, bạn có thể đọc sự tường thuật nơi Đa-ni-ên 1:6-20 và 3:1-30 về ba chàng trẻ tuổi người Hê-bơ-rơ bạn của Đa-ni-ên; họ đã tự nguyện làm khác mọi người chung quanh mình. Khi được lệnh phải quì lạy trước một pho tượng, điều mà Lời của Đức Chúa Trời cấm ngặt, thì họ đã mạnh dạn khước từ. Nếu ở trong cảnh ấy, liệu bạn có thể làm được như họ không? Người ta muốn giết ba chàng trẻ tuổi ấy vì lập trường của họ. Nhưng họ vẫn giữ trung thành với các nguyên tắc của mình, và lời tường thuật tiếp theo cho thấy là Đức Chúa Trời đã bằng lòng với họ và Ngài đã che chở họ. Cuối cùng, vua Ba-by-lôn ban vinh dự cho họ, điều này xác nhận lời của Sa-lô-môn viết: “Dầu vậy, ta biết rằng kẻ kính-sợ Đức Chúa Trời, sau rốt ắt sẽ được phước” (Truyền-đạo 8:12, Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5).

14 Những người trẻ tuổi ấy đã được người khác quí trọng, nhưng họ cũng có sự tự trọng. Đấy cũng là trường hợp của nhiều Nhân-chứng Giê-hô-va trẻ tuổi trong thời nay. Một số người trẻ cùng học đã cảm phục lòng tin chắc của họ và sự kiện họ có một mục đích rõ rệt trong đời sống. Bạn đồng ý là cuộc đời sẽ có ý nghĩa hơn khi người ta có sự tự trọng và được mọi người quí trọng, phải không?

HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

15 Những lời khuyên trong Kinh-thánh còn có lợi ích khác nữa cho giới trẻ bằng cách giúp họ thắt chặt các mối quan hệ trong gia đình.

16 Chắc hẳn bạn biết có những gia đình mà giữa cha mẹ và con cái có một vực sâu chia rẽ, dù con cái còn nhỏ tuổi hay đã đến tuổi thanh thiếu niên rồi. Hố sâu chia rẽ này thường phát triển khi cha mẹ toan điều khiển con cái làm mọi sự theo ý mình, trong khi chúng lại không thích ai bảo mình phải làm điều này hoặc không được làm điều nọ.

17 Kinh-thánh giúp chúng ta giải quyết vấn đề ấy bằng những lời khuyên hữu lý cho cả cha mẹ lẫn con cái, chẳng hạn như:

“Hỡi kẻ làm con-cái, hãy vâng-phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn-kính cha mẹ ngươi (ấy là điều-răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên mặt đất. Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con-cái mình giận-dữ, hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa [Đức Giê-hô-va] mà nuôi-nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:1-4).

18 Tất nhiên chẳng có cha mẹ nào hoàn toàn cả. Dù thế những người trẻ tuổi kính trọng cha mẹ mình vẫn là điều “phải lắm”. Tại sao vậy? Một phần là vì những điều mà cha mẹ chúng ta đã làm cho chúng ta: nuôi dưỡng chúng ta, chăm sóc chúng ta khi chúng ta bị đau ốm, làm việc để cho chúng ta có một mái nhà và để thỏa mãn mọi nhu cầu thiết yếu của chúng ta. Chúng ta không thể mướn một người nào sẵn lòng làm mọi điều cho chúng ta như cha mẹ chúng ta đã làm và với một lòng yêu thương như cha mẹ đã yêu thương chúng ta. Vậy thì xét về mặt đạo đức chúng ta kính trọng cha mẹ cũng là điều “phải lắm” mà thôi, như chúng ta mong ước một ngày kia sẽ được con cái mình kính trọng mình vậy.

19 Những người trẻ nào thành thực cố gắng theo các lời khuyên ấy của Kinh-thánh sẽ cảm thấy an ổn hơn. Họ sẽ góp phần thắt chặt các mối quan hệ trong gia đình, và do đó đời sống của họ được bình an và hạnh phúc hơn. Ngoài ra, họ sẽ được che chở khỏi một số vấn đề mà cha mẹ họ có thể tiên liệu được nhờ có nhiều kinh nghiệm đời hơn họ (Châm-ngôn 30:17). Cũng chớ nên quên rằng họ sẽ cảm nhận được sự thỏa mãn khi biết mình đã hành động phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo hóa.

20 Chấp nhận các lời khuyên của Kinh-thánh còn đem lại cho người trẻ thêm nhiều lợi ích khác nữa. Khi hiểu rõ giá trị của việc hợp tác với người khác và việc tôn trọng các bậc có uy quyền, thì họ sẽ dễ dàng tránh được các sự va chạm nơi học đường và cả sau này nữa trong các quan hệ giữa chủ với người làm công, cũng như trong các quan hệ của họ với nhà cầm quyền (Ma-thi-ơ 5:41). Hơn nữa, nếu hết lòng theo các lời khuyên của Kinh-thánh thì họ sẽ được hạnh phúc sau này, khi họ lập gia đình và có con cái.

CHA MẸ CÓ MỘT VAI TRÒ TRỌNG YẾU

21 Khi xem xét vấn đề hạnh phúc của giới trẻ, chúng ta không thể nào bỏ qua vai trò trọng yếu của các cha mẹ. Phần đông các cha mẹ đều ý thức được bổn phận của họ phải cố gắng cung cấp thức ăn bổ dưỡng, quần áo tốt và nhà ở thoải mái cho con cái mình. Thế nhưng, để trở thành những người tốt lành thì chúng còn cần được cha mẹ dạy dỗ, sửa trị và hướng dẫn về luân lý. Kinh-thánh đã tỏ ra là một nền tảng tốt nhất cho việc ấy (Ma-thi-ơ 11:19). Sách Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7 có giải thích là việc dạy dỗ như vậy không phải chỉ thỉnh thoảng mới thực hiện một lần, mà phải là một sự dạy dỗ thường xuyên trong gia đình. Lại nữa, sự giáo dục ấy có thể, và nên, bắt đầu khi con cái còn thơ ấu (II Ti-mô-thê 3:15; Mác 10:13-16).

22 Ít cha mẹ nào có con nhỏ lại ngạc nhiên khi đọc thấy các lời này: “Sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ; song roi răn-phạt sẽ làm cho sự ấy lìa xa nó” (Châm-ngôn 22:15). Điều ấy có nghĩa gì? Một số cha mẹ quá khắc nghiệt đã đánh con đến nỗi gây thương tích cho chúng. Ngược lại, một số cha mẹ khác lại cho rằng phải để cho con cái tự do phát triển tùy ý chúng. Cả hai thái độ cực đoan ấy đều không đúng.

23 Chúng ta đã đọc ở một đoạn trên rằng các cha mẹ phải “dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4). Sự hung bạo không hề nằm trong kỷ luật theo đạo đấng Christ (Châm-ngôn 16:32; 25:28). Một sự kỷ luật đượm tình yêu thương có thể được bày tỏ bằng một lời nói cương quyết. Điều này đặc biệt đúng nếu cha mẹ giải thích rõ ràng luật lệ và luôn luôn hành động phù hợp với lời đã nói. Khi sự ngu dại ở trong lòng đứa trẻ vẫn cứ thúc đẩy nó không vâng lời—và chuyện ấy thường xảy ra—thì khi ấy mới nên áp dụng một hình thức trừng phạt nào đó để giúp cho nó ghi nhớ lời dạy. Có khi chỉ cần không cho nó hưởng một đặc ân nào đó là đủ. Thế nhưng, Lời của Đức Chúa Trời phán rằng trong ít nhiều trường hợp thì một sự trừng phạt về thể xác có thể rõ ràng là điều cần thiết—chẳng hạn như đánh đòn, nhưng không được giận dữ (Châm-ngôn 23:13, 14; 13:24).

24 Dần dần khi con cái lớn lên, thì cách đối đãi với chúng cũng cần phải thay đổi. Trong khi đánh đòn trước đây có những kết quả tốt nhất là đối với một con trai nhỏ, thì nay khi con trai đó đã lớn hơn, có lẽ những phương pháp khác tỏ ra hữu hiệu và thích hợp hơn. Cũng thế, các cha mẹ nên dần dần cho phép con trai hay con gái mình có nhiều tự do hơn về hành động và trách nhiệm (I Cô-rinh-tô 13:11).

25 Tình yêu thương đối với con cái là điều cốt yếu để các cha mẹ có thể giúp con cái giải quyết các vấn đề của chúng. Tình yêu thương phải là động lực thúc đẩy cha mẹ khi sửa trị con cái mình; như thế sẽ giúp chúng dễ tiếp nhận sự sửa trị hơn. Không hướng dẫn con cái và cũng không sửa trị chúng, thì chẳng khác nào từ bỏ chúng vậy. Đó là điều mà Hê-bơ-rơ 12:5-11 đã giải thích, và đoạn này cũng nhấn mạnh rằng chính Đức Giê-hô-va cũng sửa trị vì yêu thương.

26 Yêu mến Đức Chúa Trời cũng là rất quan trọng, vì tình yêu ấy sẽ thúc đẩy các cha mẹ ghét những điều mà Ngài kết án như sự nói dối, tham lam, trộm cắp, đồng tính luyến ái và tà dâm (I Cô-rinh-tô 6:9, 10; Thi-thiên 97:10). Các cha mẹ nào bày tỏ tình yêu thương của họ đối với Đức Chúa Trời, thì sẽ nêu gương tốt cho con cái mình, và điều này quả là quan trọng. Đồng thời họ nên vun trồng cho con cái mình biết ghét điều ác, cũng như phải vun trồng cho chúng tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và lòng mến chuộng điều lành.

27 Vì gia đình là thế giới đầu tiên của con trẻ cho nên các bậc cha mẹ phải gắng sức làm cho cái thế giới ấy thành một nơi an toàn. Người ta đã từng nói rằng một trong những điều tốt đẹp nhất mà người cha có thể làm được cho con cái mình, ấy là yêu thương mẹ chúng. Nếu đời sống gia đình chan hòa tình yêu thương và sự khôn ngoan của đạo đấng Christ thì những người trẻ sẽ có được một nền tảng vững chắc để mà tiến bước. Họ sẽ có những tiêu chuẩn hợp lý để đi theo và sẽ học tập nhận biết Đấng Tạo hóa của mình kể từ khi còn trẻ tuổi (Truyền-đạo 12:1, 13, 14).

[Chú thích]

^ đ. 8 Những vấn đề như âm nhạc, nam nữ hẹn hò, ăn mặc, thể thao, học đường và những vấn đề khác mà những người trẻ tuổi muốn tìm hiểu đều được bàn luận căn cứ trên Kinh-thánh trong sách nhan đề Your Youth—Getting the Best out of It do Hội Tháp Canh (Watchtower Bible and Tract Society) xuất bản.

[Câu hỏi thảo luận]

Tại sao theo đuổi hạnh phúc không phải là dễ đối với người trẻ tuổi? (1-4)

Tại sao bạn nên nhận biết Đấng Tạo hóa? (5-8)

Tại sao tìm biết ý muốn của Đức Chúa Trời là điều tự nhiên đối với bạn? (Thi-thiên 128:1, 2). (9, 10)

Nếu sống mà nhận biết Đức Chúa Trời làm bạn thành ra khác lạ với người chung quanh, thì như thế có phải là xấu không? (11-14)

Có những lý do nào thúc đẩy bạn nên làm theo các lời khuyên của Kinh-thánh trong phạm vi gia đình? (15-20)

Các cha mẹ có thể làm gì để giúp cho con cái theo một đường lối khôn ngoan? (21)

Các cha mẹ nên ban cho con cái mình loại kỷ luật nào? (22-24)

Tình yêu thương trong gia đình có thể giúp giải quyết các vấn đề của người trẻ tuổi như thế nào? (25-27)

[Khung nơi trang 89]

TÌM ĐƯỢC MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI

Một ban thuộc Văn phòng Thủ tướng Nhật đã mở một cuộc thăm dò ý kiến trong nhiều xứ, cốt để xác định quan niệm của giới trẻ về mục đích cuộc đời và về tương lai. Sau khi nghiên cứu các kết quả thu lượm được, giáo sư Sanshiro Shirakashi kết luận: “Giới trẻ khắp thế giới có thái độ thật bi quan” về tương lai, điều ấy đã ảnh hưởng đến cách ăn ở và nhân sinh quan của họ. Nhưng điều ấy có thể thay đổi”.

Một nữ sinh viên tên Linda kể lại: “Với những điều học được ở trường đại học, tôi đã nhận thức rằng lối sống thuở trước mà tôi được dưỡng dục thì nay đang biến mất. Tình trạng ở khắp nơi trên thế giới ngày một xấu thêm; tôi không sao tìm ra được lời đáp cho các câu hỏi của mình, và tôi không còn biết phải tìm lời giải đáp ấy ở đâu nữa.

Rồi trong khi về nhà nghỉ hè tại California, có hai Nhân-chứng Giê-hô-va đến gõ cửa nhà cô. Cô kể tiếp: “Họ nói với tôi rằng lời giải đáp đều có trong Kinh-thánh. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau về địa đàng trên trái đất này mà Đức Chúa Trời sắp thành lập trong hệ thống mới và về lời hứa là Ngài sẽ hủy diệt hết kẻ ác. Tôi chưa từng có ai dạy cho biết những lẽ thật tuyệt diệu như thế trong Kinh-thánh”.

Khi trở lại Arizona, Linda đã tiếp xúc với hội thánh Nhân-chứng Giê-hô-va tại địa phương và nhận lời học hỏi Kinh-thánh miễn phí mỗi tuần. Nhờ sự học hỏi ấy, cô đã biết được các tiêu chuẩn giúp cho đời sống được ổn định hơn. Ngoài ra, vì cô đã tìm được mục đích của đời sống, cho nên bây giờ đời sống cô có hạnh phúc và cô sung sướng hơn.

[Hình nơi trang 92]

Ai đã chăm sóc bạn khi bạn bị đau ốm?

[Hình nơi trang 93]

Học Lời của Đức Chúa Trời giúp cho con cái tìm được hạnh phúc