Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sức khỏe tốt hơn và sống lâu hơn—Làm sao được?

Sức khỏe tốt hơn và sống lâu hơn—Làm sao được?

Chương 10

Sức khỏe tốt hơn và sống lâu hơn—Làm sao được?

SỨC KHỎE tốt có thể góp phần nhiều cho đời sống hạnh phúc. Ấy thế mà hết thảy mọi người chúng ta đều bị đau ốm, không lúc này thì lúc khác. Và bệnh nặng có thể dẫn đến sự chết nữa. Kinh-thánh có nói đến những vấn đề này và còn cho chúng ta những nguyên tắc chỉ đạo để giúp cho chúng ta có được một sức khỏe tốt hơn và được sống lâu hơn.

2 Kinh-thánh nhắc cho chúng ta nhớ rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Nguồn của sự sống. Chính nhờ Ngài mà “chúng ta được sống, động và có” (Thi-thiên 36:9; Công-vụ các Sứ-đồ 17:25, 28). Ngài ban cho chúng ta nhiều lời khuyên về cách tự chăm sóc lấy mình. Chúng ta có thể tránh được những bệnh gây hao tốn tiền bạc và làm suy nhược cơ thể, bằng cách chú ý đến lời khuyên trong Lời của Ngài. Ai đã làm thế có lý do tốt để đồng ý với lời của một người viết Kinh-thánh đã nói: “Luật-pháp của miệng Chúa phán là quí cho tôi, hơn hàng ngàn đồng vàng và bạc” (Thi-thiên 119:72; 73:28; Châm-ngôn 4:20-22).

LỜI KHUYÊN CÓ ÍCH CHO SỨC KHỎE

3 Kinh-thánh không phải là một cuốn sách cốt để hướng dẫn về sức khỏe. Nhưng Kinh-thánh có những lời khuyến khích chúng ta giữ được sức khỏe tốt. Điều này thấy rõ khi đọc những điều lệ mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Để thí dụ, từ rất lâu trước thời y học tân tiến, luật pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên đòi hỏi người mắc bệnh hay có vẻ như bị bệnh truyền nhiễm phải đi kiểm dịch hoặc ở riêng ra (Lê-vi Ký 13:1-5). Phân phải chôn xa chỗ người ở, hầu tránh lây bệnh và làm ô nhiễm nước (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:12-14). Nếu quần áo hay chén dĩa mà đụng phải xác con vật nào chết tự nhiên (có lẽ do bệnh tật), thì phải đem giặt hay rửa trước khi dùng lại, hoặc phải đem hủy (Lê-vi Ký 11:27, 28, 32, 33). Các thầy tế lễ Y-sơ-ra-ên phải tắm rửa trước khi hầu việc ở bàn thờ, như vậy nêu gương tốt về việc giữ vệ sinh thân thể (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:18-21).

4 Từ đó đến nay, các y sĩ đã học biết giá trị thực tế của các biện pháp ấy, mà ngày nay vẫn còn được lợi ích khi áp dụng: Hạn chế tiếp xúc với người khác nếu chúng ta hoặc họ có vẻ mắc phải một bệnh truyền nhiễm nào đó. Cũng hãy cẩn thận đừng để phân người hay rác rến làm ô nhiễm thức ăn và nước uống. Giữ cho các vật dụng về bếp núc và ăn uống cho được sạch sẽ. Chăm sóc vệ sinh cá nhân bằng cách tắm rửa đều đặn, và cũng rửa tay sau khi dùng nhà vệ sinh.

5 Các bệnh phong tình thường là hậu quả của lối sống vô luân mà Đức Chúa Trời kết án (Hê-bơ-rơ 13:4; Ê-phê-sô 5:5). Bằng cách giữ tiết hạnh trước hôn nhân và nếu đã kết hôn thì chỉ giao hợp tình dục với người hôn phối của mình mà thôi, tín đồ đấng Christ được che chở khỏi các bệnh ghê sợ ấy.

6 Người ta cũng có thể có được sức khỏe tốt hơn bằng cách áp dụng các lời khuyên của Kinh-thánh liên quan đến lối sống nói chung. Để thí dụ, Kinh-thánh khen người làm lụng cần mẫn. Kinh-thánh nói người làm việc chăm chỉ trọn ngày sẽ ngủ ngon hơn. Và Kinh-thánh còn khuyến khích chúng ta nên vui mừng hưởng lấy những món ăn thức uống mà chúng ta có được nhờ ra sức làm việc, nhưng đồng thời phải tránh ăn uống quá độ. Chắc hẳn bạn đồng ý rằng nếu người nào làm việc khó nhọc, ngủ ngon giấc, ăn uống thích thú, đồng thời “có tiết-độ” trong nếp sống của mình, thì người đó sẽ có sức khỏe tốt hơn và hạnh phúc hơn, phải không? (Truyền-đạo 2:24; 5:12; 9:7-9; Ê-phê-sô 4:28; I Ti-mô-thê 3:2, 11).

THUỐC LÁ, RƯỢU VÀ MA TÚY

7 Theo báo cáo của bác sĩ Joel Posner thì ở Hoa Kỳ chẳng hạn có đến 60% chi phí y tế là để trị những bệnh liên quan đến việc dùng thuốc lá và rượu. Kinh-thánh giúp ích được gì trong vấn đề này?

8 Phù hợp với lời khuyên của Đức Chúa Trời về việc sống sạch sẽ và lành mạnh, sứ đồ Phao-lô đã viết thư dặn các tín đồ đấng Christ rằng: “Hỡi những kẻ rất yêu-dấu của tôi,... hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh [tinh thần]” (II Cô-rinh-tô 7:1). Nhiều người đã hiểu ra rằng hút thuốc lá là làm ngược với lời khuyên ấy. Hít khói vào trong phổi là một hành động phản tự nhiên, làm ô uế thân thể và làm giảm tuổi thọ của người hút thuốc. Các cuộc nghiên cứu đều đã xác định rằng người hút thuốc bị các trường hợp đau tim, ung thư phổi, huyết áp cao và sưng phổi gây tử vong nhiều hơn bình thường.

9 Chớ nên quên rằng những người ở gần người hút thuốc như gia đình người ấy và những người cùng làm việc đều phải chịu hậu quả của khói thuốc. Chúa Giê-su đã nói điều răn thứ hai trong luật pháp của Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên là: “Ngươi phải yêu kẻ lân-cận như mình” (Mác 12:31). Đây há không phải là điều bạn muốn thực hành hay sao? Nhưng hút thuốc có hiệu quả gì? Hút thuốc làm hại sức khỏe của người hút, và còn làm hại sức khỏe của cả những người hít phải khói thuốc lá nữa.

10 Còn các thức uống có chất rượu thì sao? Nhiều người thấy uống rượu là ngon miệng và làm cho con người được thoải mái. Kinh-thánh không cấm dùng các thức uống có chất rượu mà cơ thể có thể “đốt” đi như nhiên liệu hay thực phẩm (Thi-thiên 104:15; Truyền-đạo 9:7). Nhưng Kinh-thánh có cảnh cáo: “Rượu khiến người ta nhạo-báng, đồ uống say làm cho hỗn-hào; phàm ai dùng nó quá độ, chẳng phải là khôn-ngoan” (Châm-ngôn 20:1). Hơn nữa, Kinh-thánh còn rõ ràng lên án việc say sưa (I Cô-rinh-tô 6:9, 10; I Phi-e-rơ 4:3). Đúng như Kinh-thánh nói, ai uống rượu thường xuyên và uống quá nhiều chắc chắn chẳng phải là “khôn-ngoan”; vì với thời gian, lá gan của người đó có thể bị hư hỏng, đưa đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể chết được. Bao tử cũng có thể bị hư hại. Người lạm dụng rượu cũng dễ bị đau tim cấp tính và cơn đột quỵ hơn. Ngoài ra trí nhớ và sự phối hợp cơ bắp của người ấy cũng bị suy yếu đi.

11 Lời khuyên của Kinh-thánh nói về thói say sưa cũng có giá trị đối với cả việc dùng các chất ma túy như hê-rô-in, cô-ca-in, cần sa, LSD và việc ăn trầu nữa. Các chất ấy ngày nay được sử dụng rộng rãi, không phải như “thực phẩm” hay thuốc trị bệnh, mà chỉ là để tạo một trạng thái kích thích ngây ngất hay những ảo giác, hoặc là để trốn chạy khỏi thực tế mà thôi. Vào thời Kinh-thánh được viết ra thì có lẽ người ta không dùng các loại ma túy ấy. Tuy nhiên Kinh-thánh có lên án mạnh mẽ việc say sưa và sự “luông-tuồng” kèm theo. Vậy thì chính lời khuyên này cũng áp dụng đối với bất cứ thứ gì có thể gây ra say sưa hoặc khiến chúng ta hành động một cách thiếu kềm chế hay trụy lạc chứ, phải không? (Ê-phê-sô 5:18). Những người đang bị ảnh hưởng của ma túy thường tự gây thương tích cho chính mình hoặc bị người khác gây thương tích cho mình (So sánh Châm-ngôn 23:29, 35). Các chất ma túy này còn gây ra nhiều mối nguy hiểm khác nữa về sức khỏe, kể cả các bệnh phổi, tổn thương trong não bộ hay về di truyền, suy dinh dưỡng và sưng gan. Như vậy thì việc áp dụng các lời khuyên của Kinh-thánh chắc chắn là có lợi cho sức khỏe.

ÁP DỤNG LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI —TẠI SAO VÀ THẾ NÀO?

12 Mọi người bình thường đều muốn có sức khỏe tốt hơn và sống lâu hơn. Đấy là một lý do tốt để chúng ta chấp nhận và áp dụng lời khuyên của Kinh-thánh mà chúng ta mới xem xét trên đây (Thi-thiên 16:11). Nhưng lý do ấy có đủ chăng? Chắc bạn cũng biết có những người chấp nhận liều thân để mua lấy sự khoái lạc hay mua những cảm giác mạnh. Thế nhưng ai có đức tin nơi Đức Chúa Trời và công nhận Kinh-thánh là phương tiện mà Ngài dùng để tỏ mình ra cho nhân loại biết, thì phải khác vậy. Vì sự sống của chúng ta từ Đức Chúa Trời mà đến nên chúng ta phải mong muốn sử dụng đời sống mình phù hợp với sự hướng dẫn mà Ngài ban cho chúng ta qua Kinh-thánh. Chúng ta sẽ là rất vô ơn, nếu đã nhận sự sống do Đức Giê-hô-va ban cho mà rồi cố ý khinh thường các lời khuyên đầy yêu thương và khôn ngoan của Ngài về cách sử dụng sự sống của chúng ta.

13 Hơn nữa, Đức Chúa Trời là Đấng ban sự sống thì há Ngài lại chẳng có quyền chỉ bảo cho chúng ta cách phải sống như thế nào hay sao? Ngài là Đấng có Uy quyền Tối thượng trong vũ trụ. Người viết Kinh-thánh là Gia-cơ đã gọi Ngài là ‘Đấng lập ra luật-pháp và Đấng xét-đoán’ (Gia-cơ 4:12; so sánh Ê-sai 45:9). Do đó, chúng ta nên sẵn sàng điều chỉnh các thói quen cá nhân để áp dụng những gì Đức Chúa Trời dạy bảo bởi vì Ngài phán thế.

14 Quan điểm ấy đã là một động lực mạnh mẽ cho nhiều người từ lâu đã cố bỏ các thói quen nguy hại nhưng vô hiệu. Vấn đề nghiện ngập của họ trở nên nghiêm trọng khi họ thấy rằng họ cần phải thay đổi, không những chỉ vì sức khỏe của họ mà thôi, nhưng vì để làm đúng theo ý muốn của Đức Chúa Trời nữa. Chúa Giê-su nói với môn đồ ngài rằng điều răn lớn nhất là phải yêu mến Đức Giê-hô-va “hết lòng, hết linh-hồn, hết ý” (Ma-thi-ơ 22:37). Muốn yêu mến Đức Chúa Trời như thế, thì cần phải được giải thoát khỏi những thứ làm đê mê tâm thần, gây hại cho trí óc hoặc làm ô uế thân thể.

15 Một sự giúp đỡ thêm nữa là đến kết hợp với những người đang cố gắng sống phù hợp với lời khuyên của Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phi-e-rơ có viết rằng trước khi trở thành tín đồ đấng Christ thì một số anh em đã “ăn-ở theo tà-tịch, tư-dục, say rượu, ăn-uống quá độ, chơi-bời, và thờ hình-tượng đáng gớm-ghiếc” (I Phi-e-rơ 4:3). Khi cố gắng thay đổi lối sống, họ có thể được vững mạnh nhờ đến nhóm họp với anh em tín đồ đấng Christ. Như thế họ sẽ được khích lệ để học hỏi và áp dụng Lời của Đức Chúa Trời. Và nếu như trong khi đang làm những thay đổi cần thiết trong nếp sống mà họ bị suy yếu hoặc phải đương đầu với những sự căng thẳng dữ dội, thì họ có thể nhận được sự giúp đỡ. Như thế nào? Bằng cách tìm đến với các tín đồ đấng Christ thành thục là những người có lòng nhân ái, sự thông cảm và tinh thần xây dựng (Truyền-đạo 4:9, 10; Gióp 16:5).

16 Nếu bạn ước mong được sự giúp đỡ như vậy, thì chúng tôi mời bạn đến tham dự các buổi họp của Nhân-chứng Giê-hô-va. Tại đó bạn sẽ được gặp các tín đồ đấng Christ có kinh nghiệm, họ sẽ sung sướng giúp bạn học biết và áp dụng các lời khuyên của Kinh-thánh. Khi bạn tiến bộ trong sự học hỏi, bạn sẽ thấy thỏa nguyện khi biết rằng bạn đang cố gắng làm đẹp lòng Đấng Tạo hóa của bạn. Ngoài ra, bạn sẽ bước đi trên đường dẫn đến sức khỏe dồi dào hơn, đời sống lâu hơn, với hạnh phúc.

[Câu hỏi thảo luận]

Bạn có những lý do nào để tin rằng Đức Chúa Trời thực sự quan tâm đến sức khỏe của bạn? (1-6)

Kinh-thánh có lời khuyên nào liên quan đến việc dùng thuốc lá? (7-9)

Kinh-thánh giúp chúng ta như thế nào trong quan điểm về rượu? về ma túy? (10, 11)

Bạn có những lý do nào để áp dụng lời khuyên của Đức Chúa Trời trong đời sống? Bạn có thể nhận được sự giúp đỡ nào? (12-16)

[Khung nơi trang 99]

“Nay có thêm bằng cớ rằng khói thuốc lá rất hại, không những cho người hút, mà cho cả những người chung quanh... Nếu bạn hút thuốc, thì bạn nên nghĩ đến tác hại về thể chất và tâm lý mà khói thuốc gây cho con bạn cũng như cho chính bạn. Khói thuốc của bạn rất nguy hại cho sức khỏe của con bạn” (Bác sĩ Saul Kapel, ký giả mục y học).

[Khung nơi trang 101]

“Các cuộc nghiên cứu khẳng định cần sa có liên quan đến nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Trong số đó có bệnh phổi và có thể là ung thư, chứng rối loạn thần kinh và các bệnh tâm thần, suy nhược trong khả năng của cơ thể chống các chứng bệnh, suy nhược về khả năng tình dục và nguy cơ nhiễm sắc thể bị tổn thương và tật bẩm sinh cho thai nhi” (“Newsweek”).

[Hình nơi trang 97]

Sự sạch sẽ giúp có sức khỏe tốt