Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự gian ác—Tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép?

Sự gian ác—Tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép?

Chương 14

Sự gian ác—Tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép?

NẾU bạn có một người bạn thân bị cướp giựt, hãm hiếp hay bị ám sát và kẻ phạm tội vẫn được thả cho đi tự do, thì liệu bạn có cảm thấy thất vọng, đau khổ và tức giận không? Thế mà những tội ác và bất công như thế chỉ là một phần rất nhỏ nhặt so với những cảnh đau khổ đè nặng trên nhân loại.

2 Lịch sử là một chuỗi dài những cuộc chiến tranh tàn bạo, những cảnh khốn cùng thê thảm, những tội ác và áp bức. Cho nên có một số người đã đi đến chỗ nghi ngờ cả sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Thế nhưng, chúng ta biết có những bằng chứng chắc chắn về sự hiện hữu của Ngài (Hê-bơ-rơ 3:4; Rô-ma 1:20). Nhưng sự gian ác cũng có thật nữa. Bởi thế, ngay cả nhiều người có tin nơi Đức Chúa Trời vẫn băn khoăn tự hỏi: “Đức Chúa Trời có thực sự quan tâm đến chúng ta không? Và nếu có thì tại sao Ngài lại cho phép sự gian ác kéo dài lâu đến thế?”

3 Các nhà triết học và giới chức giáo phẩm thường luận giải vấn đề này, nhưng không có được một lời đáp thỏa đáng nào cả. Còn chính Đức Chúa Trời thì Ngài nói gì?

ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÁP: ‘TA CÓ QUAN TÂM’

4 Dựa trên kinh nghiệm bản thân, chúng ta có thể hiểu được phản ứng của nhà tiên tri Hê-bơ-rơ là Ha-ba-cúc trước cảnh bạo lực và sự bất công. Ông sống trong thời mà người Do-thái đã rơi vào những sự thực hành đồi bại, khiến cho ông đau khổ vô cùng, đến mức mà ông đã hỏi Đức Chúa Trời:

“Nhơn sao Chúa khiến tôi thấy sự gian-ác, và Ngài nhìn-xem sự ngang-trái? Sự tàn-hại bạo-ngược ở trước mặt tôi; sự tranh-đấu cãi-lẫy dấy lên. Vậy nên luật-pháp không quyền, sự chánh-trực không hề tỏ ra. Kẻ hung-ác vây chung-quanh người công-bình, vì cớ đó sự xét-đoán ra trái-ngược” (Ha-ba-cúc 1:3, 4).

Mặc dù tin chắc vào sự công bình của Đức Giê-hô-va, Ha-ba-cúc vẫn cảm thấy đau lòng vô cùng vì sự hung bạo và cảnh bất công thịnh hành trong dân chúng. Thêm vào đó là quân Ba-by-lôn tung hoành cướp phá, khủng bố và bóc lột các nước chung quanh. Dường như sự gian ác có vẻ thắng thế khắp nơi. Nhà tiên tri Ha-ba-cúc tự hỏi không biết tại sao Đức Chúa Trời thấy mọi sự ấy mà Ngài dường như không phản ứng gì cả (Ha-ba-cúc 1:13).

5 Trong một sự hiện thấy, Đức Giê-hô-va quả quyết với Ha-ba-cúc rằng sự thạnh vượng của kẻ ác chỉ là tạm thời mà thôi. Không những Đức Chúa Trời thấy hết những gì xảy ra, mà Ngài có quan tâm nữa. Ngài đã ‘định một kỳ’ để thực thi sự công bình. Ha-ba-cúc cũng nhận được lời cam đoan rằng ngay khi loài người có nghĩ rằng ngày đó chậm đến chăng nữa, thì “nó chắc sẽ đến, không chậm-trễ đâu” (Ha-ba-cúc 2:3).

6 Đức Chúa Trời còn tỏ ra Ngài quan tâm bằng cách Ngài báo cho nhà tiên tri Ha-ba-cúc biết rằng loài người trong giai đoạn này phải chịu một sự thử thách. Ngài phán: “Song người công-bình thì sống bởi đức-tin mình” (Ha-ba-cúc 2:4). Liệu Ha-ba-cúc sẽ vượt qua được sự thử thách, luôn luôn làm điều ngay thẳng và công bình không—mặc dầu những người chung quanh có làm gì đi nữa? Ông phải chứng tỏ có đức tin nơi Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ can thiệp đúng vào “kỳ nhứt-định”.

7 Lịch sử cho chúng ta biết điều gì đã xảy ra. Đến đúng lúc Đức Chúa Trời đã định, Ngài liền ra tay chấm dứt cảnh bạo động và bất công do dân Do-thái gây ra. Xứ sở của họ bị quân Ba-by-lôn xâm chiếm và nhiều người đã bị bắt đi làm phu tù. Sau đó, chính Ba-by-lôn cũng đã phải khai trình với Đức Giê-hô-va. Như Ngài đã từng báo trước qua các nhà tiên tri của Ngài, quân Mê-đi Phe-rơ-sơ do Si-ru chỉ huy đã lật đổ đế quốc Ba-by-lôn, một đế quốc tưởng chừng như hùng cường vô hạn (Giê-rê-mi 51:11, 12; Ê-sai 45:1; Đa-ni-ên 5:22-31).

8 Những biến cố điển hình này dù xảy ra trong một vùng nhỏ hẹp nhưng đủ cho thấy rằng Đấng Tạo hóa của chúng ta không nhắm mắt trước sự gian ác. Ngài biết mọi sự xảy ra và Ngài quan tâm đến chúng ta. (So sánh Sáng-thế Ký 18:20, 21; 19:13). Dù thật là như thế, nhưng tại sao Ngài lại cho phép sự gian ác kéo dài đến tận ngày nay? Để hiểu lời giải thích hợp lý của Kinh-thánh, chúng ta cần phải trở lại thời kỳ mà loài người bắt đầu bị những sự đau khổ.

VẤN ĐỀ TRANH CHẤP TRONG VŨ TRỤ

9 Như tường thuật trong Sáng-thế Ký đoạn 3, Ma-quỉ đã hỏi Ê-va về việc bà phải vâng theo điều răn của Đức Chúa Trời cấm không được ăn trái của một cây đặc biệt mà Ngài đã chỉ định. Ê-va trả lời rằng nếu bất tuân thì sẽ phải lãnh án chết. Nhưng Sa-tan liền nói:

“Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào các ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác” (Sáng-thế Ký 3:1-5).

Qua những lời ấy, Sa-tan đã đặt ra nhiều sự thách thức hay nhiều mối tranh chấp liên quan đến mọi tạo vật của Đức Chúa Trời, cả loài người lẫn thiên sứ.

10 Trước tiên, Ma-quỉ nêu nghi vấn về tính chân thật của Đức Chúa Trời. Hãy suy nghĩ xem điều này ám chỉ gì. Nếu Đức Chúa Trời không nói sự thật trong vấn đề này thì liệu người ta có thể nào tin Ngài trong bất cứ các vấn đề nào khác không? Các tạo vật của Ngài dù ở dưới đất hay trên trời liệu sẽ phải thường xuyên nghi ngờ về lời nói của Ngài không? Ngày nay, chúng ta biết là người ta hay nghi ngờ các nhà chính trị, vì họ cai trị bằng sự nói dối. (So sánh Thi-thiên 5:9).

11 Sa-tan còn tố cáo Đức Chúa Trời đã lừa dối các tạo vật của Ngài và không cho họ được hưởng những điều tốt đẹp, do đó Sa-tan dấy lên một vấn đề khác nữa: Đức Chúa Trời có xứng đáng cai trị hay không? Vấn đề về sự cai trị chính đáng của Đức Chúa Trời có liên quan đến toàn thể vũ trụ.

12 Mặt khác, Sa-tan còn cho rằng loài người có thể không cần đến Đức Chúa Trời; họ có thể tự cai trị lấy mình và nên làm thế. Vấn đề này đã được đặt trước mặt loài người và thiên sứ. Loài người có khả năng tự cai trị thành công mà không cần đến Đức Chúa Trời không?

13 Các vấn đề đạo đức nghiêm trọng ấy đòi hỏi phải được giải quyết trọn vẹn. Phương cách mà Đức Chúa Trời chọn để giải quyết các vấn đề ấy cho thấy sự khôn ngoan của Ngài, và sự quan tâm của Ngài đối với hạnh phúc của chúng ta, ngày nay cũng như cho mai sau. Ngài cho phép thời hạn để các tạo vật thông minh của Ngài có thể nhìn thấy rõ kết quả thực tế. Để hiểu rõ hơn, bạn hãy tự hỏi xem bạn sẽ làm gì nếu như có ai tố cáo công khai rằng bạn là một người gia trưởng xấu, bạn nói dối, và bạn thực thi quyền hành bằng cách gieo sự sợ hãi? Người nào không an tâm có lẽ sẽ phản kháng mạnh mẽ, hoặc thậm chí đánh kẻ tố cáo mình. Nhưng nếu bạn có sự an tâm và biết chắc lời tố cáo là sai thì bạn có thể xua tan mọi vấn đề bằng cách giản dị là để cho thời gian trả lời cho mọi người quan sát cách hành động của bạn và các kết quả tốt đẹp của gia đình bạn (Ma-thi-ơ 12:33).

14 Thời gian trôi qua đã chứng minh gì về các vấn đề tranh chấp dấy lên ở vườn Ê-đen? Đúng như Đức Chúa Trời đã cảnh cáo, sự bất tuân của con người đã dẫn họ tới sự chết, và trước đó là bệnh tật và già yếu. Vậy thì Đức Chúa Trời không hề nói dối khi Ngài nói lời cảnh cáo ấy, và người ta không có căn bản nào để có thể phủ nhận sự chánh đáng của quyền cai trị của Ngài. Bằng chứng cũng rất hiển nhiên là con người không thể nào tự đặt ra những tiêu chuẩn cho chính mình và tự cai trị mà không cần tùy thuộc vào Đức Chúa Trời. Không một chánh thể nào của loài người đã có thể ngăn ngừa được chiến tranh, tham nhũng, áp bức, tội ác và bất công. Thật đúng như Kinh-thánh nói: “Đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình” (Giê-rê-mi 10:23). Hơn nữa, thời gian cũng đã chứng minh rằng loài người không thể chấm dứt được sự đau khổ; thay vì thế, chính họ còn thường gây ra sự đau khổ nữa là khác.

15 Ngay cả những người thành thật, sẵn lòng chấp nhận sự cai trị của Đức Chúa Trời và các tiêu chuẩn của Ngài cũng phải chịu những sự đau khổ. Vì nghĩ đến họ cho nên Đức Chúa Trời sắp ra tay hành động chống lại mọi kẻ thực hành việc ác, giống như Ngài đã làm trong một phạm vi nhỏ, như sự tường thuật trong sách Ha-ba-cúc có nói. Đức Giê-hô-va sẽ loại trừ mọi kẻ nào trên trời và dưới đất chịu trách nhiệm về sự gian ác và đau khổ. Như Ngài đã phán với Ha-ba-cúc, Ngài đã “định một kỳ” cho việc ấy. Vậy chúng ta có thể tin chắc rằng ngày ấy “chắc sẽ đến, không chậm-trễ” (Ha-ba-cúc 2:3).

HÃY LỢI DỤNG THỜI GIAN

16 Về việc Đức Chúa Trời cho phép sự gian ác tiếp diễn, nhiều người chỉ nghĩ đến sự đau khổ của nhân loại. Họ không biết rằng có những vấn đề tranh chấp quan trọng đang được giải quyết. Hơn nữa, có thể họ không chú ý tới nhiều lợi ích mà họ có thể nhận được vì Đức Chúa Trời cho phép một thời hạn để giải quyết vấn đề (II Phi-e-rơ 3:9).

17 Thời gian mà Đức Chúa Trời dành cho việc giải quyết các vấn đề này cũng khá dài, đủ để cho phép chúng ta được sanh ra đời. Những sự vui thú mà chúng ta hưởng cũng chính là nhờ có kỳ hạn ấy. Ngoài ra chúng ta có cơ hội chứng tỏ lòng yêu mến Đức Chúa Trời và sự trung kiên với Ngài. Sa-tan nêu ra một sự thách đố khi hắn nói rằng chẳng có một người nào sẽ trung thành với Đức Chúa Trời đâu, ngay cả người mà Đức Chúa Trời khen rằng: “Nơi thế-gian chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn-vẹn và ngay-thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và lánh-khỏi điều ác”. Chúng ta đọc thấy sự thách đố ấy trong sách Gióp, đoạn 1 và 2. Ma-quỉ đã nói về người ngay thẳng Gióp: “Gióp há kính-sợ Đức Chúa Trời luống-công sao?” Sa-tan cho rằng Gióp kính sợ Đức Chúa Trời chẳng qua cũng vì những lý do ích kỷ, vì Đức Chúa Trời ban cho ông được giàu có, nhưng nếu Gióp mất hết của cải thì sẽ rủa sả Ngài ngay (Gióp 1:7-12). Liệu Sa-tan có thể làm cho mọi người quay lưng từ bỏ Đức Chúa Trời không?

18 Đức Chúa Trời đã cho phép Sa-tan làm nhiều điều để hành hại Gióp. Gióp mất hết của cải. Các con ông bị giết hết. Ông thì bị một chứng bịnh ghê tởm. Thế nhưng mặc dù Gióp không hề hay biết rằng ông là mục tiêu của một cuộc tấn công đặc biệt của Sa-tan, nhưng ông vẫn giữ được sự trung thành với Đức Chúa Trời (Gióp 27:5). Ông tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ không quên ông, và Đấng Tạo hóa sẽ làm cho ông sống lại nếu như ông chết (Gióp 14:13-15). Đức Giê-hô-va không bao giờ bỏ các tôi tớ trung thành của Ngài. Cuối cùng, Ngài đã can thiệp và bồi lại những thiệt hại mà Sa-tan đã gây ra cho Gióp. Gióp được phục hồi sức khỏe; ông có được 10 người con khác, đẹp hơn những con trước kia; ông còn được thạnh vượng và sống lâu. Bạn có thể đọc thấy những chi tiết thật khích lệ nơi Gióp 42:10-17.

19 Câu chuyện này cũng giúp chúng ta hiểu tại sao Đức Chúa Trời đã cho phép sự gian ác kéo dài. Sự thực đã chứng minh rằng mặc dù phải bị những khó khăn của đời sống vây hãm, người ta vẫn có thể yêu mến Đức Chúa Trời và giữ vững lòng trung thành với Ngài trong bất cứ thử thách nào. Chúng ta nên tự hỏi rằng: “Tôi có hành động được như thế bất chấp sự đau khổ không? Có phải tôi ước muốn hành động như vậy hầu trả lời cho sự thách đố của Sa-tan hay không?” (Châm-ngôn 27:11). Sách Gióp cũng cho chúng ta lý do để tin chắc là Đức Chúa Trời có thể xóa bỏ hẳn mọi điều đau khổ mà loài người phải gánh chịu trong khi sự gian ác được cho phép tồn tại. (So sánh II Cô-rinh-tô 4:16, 17).

20 Như Đức Chúa Trời đã quan sát và chấp nhận Gióp và Ha-ba-cúc, ngày nay Ngài cũng vẫn thấy hết những người đang giữ vẹn lòng trung thành với Ngài trong những tình thế khó khăn nhất, và chắc chắn Ngài sẽ ban thưởng cho họ (Ma-la-chi 3:16-18).

BẠN CÓ MUỐN ĐƯỢC SỐNG KHI KHÔNG CÒN SỰ GIAN ÁC NỮA KHÔNG?

21 Kinh-thánh bảo đảm với chúng ta rằng Đức Chúa Trời đã trù định phục hưng tình trạng địa đàng trên khắp trái đất, tình trạng mà xưa kia A-đam và Ê-va từng được hưởng trước khi họ cãi lời (Lu-ca 23:43; Khải-huyền 21:4, 5). Bấy giờ thì các lời hứa trong Kinh-thánh sẽ được thực hiện trọn vẹn, chẳng hạn như lời sau đây:

“Một chút nữa kẻ ác không còn. Ngươi sẽ xem-xét chỗ hắn, thật không còn nữa. Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật” (Thi-thiên 37:10, 11; Châm-ngôn 24:1, 20).

22 Nhiều người than vãn về điều ác và sự đau khổ, ngay cả oán trách Đức Chúa Trời về những điều ấy. Nhưng họ có thực sự mong muốn sự gian ác bị loại trừ không, hay họ chỉ mong muốn cho các hậu quả của sự gian ác bị loại đi mà thôi? Phần lớn những sự đau khổ là do chính con người tự gây ra cho mình; họ gặt điều họ gieo (Ga-la-ti 6:7; Châm-ngôn 19:3). Sự vô luân gây ra các bệnh phong tình, phá thai, ly dị. Hút thuốc lá gây ra bệnh ung thư phổi. Say sưa, lạm dụng ma túy thì làm hại gan và não bộ. Không tôn trọng luật đi đường là nguyên do gây ra nhiều tai nạn chết người. Những ai nói: “Tại sao Đức Chúa Trời lại cho phép sự gian ác? Khi nào Ngài mới chấm dứt sự gian ác?” có thành thực mong muốn Đức Chúa Trời chấm dứt mọi sự ác không? Nếu Ngài thực hiện việc đó ngay bây giờ bằng cách ngăn cấm mọi sự thực hành kể trên, thì nhiều người có lẽ sẽ lại than phiền rằng Đức Chúa Trời bó buộc họ quá, bắt họ phải theo bao nhiêu là điều hạn chế.

23 Như vậy thì bằng cách tạm cho phép sự gian ác kéo dài, Đức Chúa Trời đã cho chúng ta cơ hội để chứng tỏ chúng ta thực sự là hạng người nào, và cũng để biểu lộ rõ được những điều chúng ta để trong lòng. Đức Chúa Trời đã phán với Ha-ba-cúc rằng: “Người công-bình thì sống bởi đức-tin mình”. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tập luyện ghét những gì mà Đức Chúa Trời xét là xấu xa (Ha-ba-cúc 2:4; Thi-thiên 97:10). Sống theo cách này có lẽ sẽ làm cho người láng giềng hay đồng nghiệp đâm ra mất thiện cảm đối với chúng ta (I Phi-e-rơ 4:3-5). Gióp và Ha-ba-cúc đã sẵn sàng tỏ ra khác biệt với các người cùng thời với họ, hầu chứng tỏ có lòng trung thành với Đức Chúa Trời và được Ngài chấp nhận. Ngày nay, hàng triệu Nhân-chứng Giê-hô-va cũng đang chứng minh rằng điều ấy có thể thực hiện được, và họ đang vui hưởng một đời sống phong phú và mãn nguyện hơn.

24 Những người chọn theo đường lối này, đã góp thêm bằng chứng cho thấy rằng Sa-tan là một kẻ nói dối trắng trợn. Họ chứng tỏ được rằng loài người có thể giữ vẹn lòng trung thành với Đức Chúa Trời, họ tin quyết rằng cách thống trị của Ngài là công bình và chánh đáng. Về phía Ngài, Đức Chúa Trời biết rằng Ngài sẽ có thể giao cho họ công việc chăm sóc địa đàng mà Ngài sắp tái lập trên trái đất này. Đời sống trong địa đàng bấy giờ sẽ rất là tuyệt diệu. Các sự đau khổ và gian ác trong quá khứ sẽ chẳng còn nhớ lại nữa. Người ta sẽ quên hết những điều đó, giống như chúng ta đã quên hết những sự đau đớn hay buồn phiền mà mình cảm thấy nhiều năm trước, khi chúng ta còn là con trẻ bị trầy đầu gối (Ê-sai 65:17; Giăng 16:21).

25 Đấy là một triển vọng kỳ diệu giúp chúng ta hiểu rằng việc Đức Chúa Trời cho phép sự gian ác tồn tại chỉ là một thời kỳ ngắn ngủi chuyển tiếp trong việc thực hiện ý định đời đời của Ngài. Các vấn đề về pháp lý và đạo đức đưa đến việc cho phép sự gian ác sẽ được giải quyết vĩnh viễn.

26 Nhưng ngay cả khi chúng ta hiểu vì sao Đức Chúa Trời đã cho phép sự gian ác tồn tại, chúng ta đúng lý cũng muốn biết thêm lời giải đáp cho những câu hỏi khác như: Bao giờ sự gian ác sẽ chấm dứt? “Kỳ nhứt-định” của Đức Chúa Trời khi nào mới đến để chấm dứt sự gian ác trên khắp đất? Chúng ta sẽ thấy trong chương kế tiếp.

[Câu hỏi thảo luận]

Tại sao hợp lý là nên xem xét những điều Kinh-thánh nói liên quan đến sự gian ác? (1-3)

Ha-ba-cúc cho chúng ta biết gì về vấn đề này? (4-8)

Các vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng khắp vũ trụ đã được dấy lên tại Ê-đen như thế nào? Đó là những vấn đề nào? (9-12)

Các vấn đề ấy phải được giải quyết như thế nào? (13-15)

Chính chúng ta cũng có liên quan như thế nào trong một vấn đề tranh chấp khác cần phải được giải quyết? (16-20)

Kinh-thánh ban cho chúng ta niềm hy vọng nào? Niềm hy vọng ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta? (21-23)

Làm sao chúng ta có thể được lợi ích lâu dài nhờ Đức Chúa Trời đã cho phép sự gian ác trong một thời gian? (24-26)

[Khung nơi trang 131]

Tiến sĩ William R. Inge, cựu viện trưởng của Đại giáo đường Thánh Phao-lồ (St. Paul’s Cathedral) tại Luân-đôn, ít năm trước đây có nói:

“Suốt đời tôi đã gắng hết sức để kiếm ra mục đích đời sống. Tôi đã thử trả lời cho ba vấn đề mà đối với tôi luôn luôn có vẻ là những điều căn bản: vấn đề vĩnh cửu; vấn đề nhân cách con người; vấn đề tội ác. Tôi đã thất bại. Tôi không có lời giải đáp nào cả”.

[Hình nơi trang 137]

Sự đau khổ đã không làm cho Gióp chống lại Đức Chúa Trời; ông đã chịu đựng và được ban phước