Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Tận thế” gần đến chưa?

“Tận thế” gần đến chưa?

Chương 15

“Tận thế” gần đến chưa?

“BẠN có chuẩn bị sẵn sàng cho tận thế chưa?” Câu hỏi này do báo Toronto Star đặt ra, làm nhiều người nghĩ đến những báo cáo như sau:

“Tin Sydney, Úc-đại-lợi.—Trong vùng hoang dã thuộc Úc Châu, có một nhóm dân thị tứ gồm 100 người đã bỏ nhà cửa và mọi sự xa hoa của đời sống để đến đây sinh sống và họ đang chuẩn bị cho ngày ‘tận thế’ mà họ tin là sắp xảy ra”.

2 Thực ra có nhiều người lo rằng “tận thế” sẽ xảy ra do chiến tranh hạch tâm, nạn ô nhiễm hay các mối nguy hiểm thực tế khác gây nên. Để thí dụ:

“Tác giả chuyên về khoa học Isaac Asimov đã liệt kê chừng hai mươi tai họa có thể làm cho sự sống bị biến mất khỏi trái đất; từ những sự như mặt trời nguội đi cho đến nạn đói kém” (Báo Toronto Star).

3 Thế nhưng chúng ta có một lý do nghiêm chỉnh hơn để quan tâm, dựa vào Lời đáng tin cậy của Đức Chúa Trời. Nhiều người đã đọc thấy Kinh-thánh nói về “tận thế” (Ma-thi-ơ 13:39, 40; 24:3). Vì biết rằng mọi điều Đức Chúa Trời hứa chắc chắn sẽ phải đến, cho nên chúng ta muốn xem Kinh-thánh nói gì về vấn đề này, và xem điều ấy có thể ảnh hưởng đến đời sống hiện tại và tương lai của chúng ta như thế nào.

SỰ TẬN CÙNGCỦA CÁI GÌ, VÀ KHI NÀO?

4 Kinh-thánh bảo đảm với chúng ta rằng Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt mọi kẻ gây ra điều ác và sự đau khổ (Thi-thiên 37:28; 145:20). Cả Chúa Giê-su Christ lẫn sứ đồ Phi-e-rơ đều đã so sánh việc thực thi sự phán xét sắp đến với sự hủy diệt có tính cách lựa chọn mà Đức Chúa Trời đã giáng trên thế gian thời Nô-ê. Chính trái đất không bị tiêu hủy, nhưng chỉ kẻ ác đã bị diệt bằng một trận nước lụt trên khắp đất. Đức Chúa Trời đã che chở cho Nô-ê và gia đình; họ hợp thành một xã hội công bình trên trái đất được tẩy sạch. Sau khi đề cập đến các biến cố ấy, sứ đồ Phi-e-rơ được Đức Chúa Trời soi dẫn đã nói tiên tri về ‘ngày phán xét đến để hủy diệt những kẻ không tin kính’. Sau đó sẽ có “trời mới đất mới”, là nơi “sự công-bình ăn-ở” (II Phi-e-rơ 3:5-7, 13; Truyền-đạo 1:4; Ê-sai 45:18).

5 Tất nhiên là chúng ta muốn biết khi nào thì sự hủy diệt hệ thống mọi sự hiện tại sẽ xảy ra. Chúa Giê-su nói rằng chỉ có một mình Cha trên trời biết “ngày và giờ đó” mà thôi (Ma-thi-ơ 24:36). Vậy thì có phải chúng ta hoàn toàn mù mờ không biết gì cả chăng? Không đâu, Đức Chúa Trời vì lòng nhân từ đã cho ghi chép trong Lời của Ngài những điều chỉ dẫn ngõ hầu các người trung thành thờ phượng Ngài biết lúc nào ngày tận thế gần đến. (So sánh A-mốt 3:7).

6 Kinh-thánh cho chúng ta lý do để tin cậy vào quyền năng của Đức Chúa Trời trong việc báo trước về các biến cố tương lai. Thí dụ, trong Đa-ni-ên 9:24-27, Ngài cho ghi chép một lời tiên tri báo trước khi nào đấng Mê-si tức Christ sẽ đến. Thầy thuốc Lu-ca ở thế kỷ thứ nhất tường thuật rằng vào năm 29 công nguyên, người Do-thái đã chờ đón đấng Mê-si, vì họ biết lời tiên tri của Đa-ni-ên (Lu-ca 3:1, 2, 15). Học giả Do-thái Abba Hillel Silver xác nhận điều này và viết: “Người ta chờ đợi đấng Mê-si xuất hiện vào phần tư thứ nhì của thế kỷ thứ nhất công nguyên”. Đúng trong năm mà lời tiên tri của Đa-ni-ên đã nói trước, Giê-su đã chịu phép báp têm và trở thành Đấng Christ vào năm 29 công nguyên.

7 Cũng lời tiên tri ấy của Đa-ni-ên còn báo trước là sau khi Đấng Mê-si bị giết chết thì ‘thành và nơi thánh sẽ bị tàn phá’. Đúng vậy, Đức Chúa Trời cho biết trước là thành phố Giê-ru-sa-lem và đền thờ thánh trong thành sẽ bị phá hủy, và hệ thống mọi sự của dân Do-thái sẽ chấm dứt (Đa-ni-ên 9:26).

8 Một ít lâu trước khi chết vào năm 33 công nguyên, Chúa Giê-su cho biết thêm chi tiết và nói rằng Đức Chúa Trời đã bỏ thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ ở đó. Ngài cũng nói thêm là ngài sẽ đi xa và rồi sau này sẽ trở lại (Ma-thi-ơ 23:37 đến 24:2). Nhưng khi môn đồ hỏi ngài:

“Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận-thế [sự kết liễu của hệ thống mọi sự, NW]?” (Ma-thi-ơ 24:3).

9 Lời đáp của Chúa Giê-su có tầm quan trọng sống chết đối với tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất. Đối với chúng ta ngày nay cũng vậy, vì như chúng ta sẽ thấy sau đây, lời đáp của Chúa Giê-su có ý nghĩa sâu xa hơn câu hỏi của các sứ đồ đặt ra, hay vượt quá tầm nhận thức của họ (Giăng 16:4, 12, 13).

10 Chúa Giê-su đã viện dẫn lời tiên tri của Đa-ni-ên (Ma-thi-ơ 24:15). Lời ấy không nói đích xác năm nào thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị hủy phá, và chính Chúa Giê-su cũng không nói rõ về năm đó. Nhưng ngài mô tả những biến cố hợp thành một “dấu hiệu” hay một “điềm” cho biết hệ thống Do-thái đang ở những ngày cuối cùng của nó. Bạn có thể đọc lời của ngài trong Ma-thi-ơ 24:4-21 và Lu-ca 21:10-24. Ngài báo trước sẽ có những Mê-si (Christ) giả xuất hiện, sẽ có chiến tranh, đói kém, động đất, dịch lệ, tín đồ đấng Christ bị bắt bớ và sẽ có một công cuộc rao giảng rộng lớn. Lịch sử xác nhận rằng những điều ấy quả đã thực sự xảy ra cho thế hệ sống cho tới lúc Giê-ru-sa-lem bị quân La-mã hủy diệt vào năm 70 công nguyên.

ĐẤNG CHRIST GIẢ: Sử gia Giô-sép ở thế kỷ thứ nhất có nói đến 3 nhân vật tự xưng là đấng Mê-si.

CHIẾN TRANH: Có chiến tranh ở vùng Bạt-thê (Parthes) ở miền Tây Nam Á; dấy loạn ở xứ Gô-lơ (Gaule) và Tây-ban-nha; nổi dậy của dân Do-thái tại nhiều vùng trong Đế-quốc [La-mã]; nổi dậy của dân Sy-ri và dân Sa-ma-ri chống lại dân Do-thái.

ĐÓI KÉM: nạn đói hoành hành ở Rô-ma, Hy-lạp và Giu-đê. Công-vụ các Sứ-đồ 11:28 có nói đến một trong những vụ đói kém ấy.

ĐỘNG ĐẤT: đã xảy ra ở đảo Cơ-rết, ở Si-miệc-nơ, Hi-ra-pô-lít, Cô-lô-se, Khi-ốt, Mi-lê, Sa-mô, Rô-ma và Giu-đê.

TÍN ĐỒ ĐẤNG CHRIST BỊ BẮT BỚ nhưng họ đã RAO GIẢNG TRÊN MỘT PHẠM VI RỘNG LỚN: xem Công-vụ các Sứ-đồ 8:1, 14; 9:1, 2; 24:5; 28:22.

11 Nhờ tin vào lời tiên tri của Chúa Giê-su cho nên tín đồ đấng Christ đã có thể hành động và cứu được mạng sống. Đấng Christ đã cảnh giác rằng: ‘Khi nào các ngươi thấy quân đội vây thành Giê-ru-sa-lem thì hãy trốn đi’ (Lu-ca 21:20-24). Đúng như ngài báo trước, quân đội La-mã do tướng Ga-lút (Gallus) chỉ huy đã đến bao vây Giê-ru-sa-lem vào tháng 10 năm 66 công nguyên. Vậy làm sao các tín đồ có thể trốn đi được? Bất ngờ chẳng hiểu vì lý do nào các đội quân ấy bỗng rút đi. Thế là tín đồ đấng Christ tuân theo lời cảnh giác của Chúa Giê-su đã lập tức rời khỏi thành Giê-ru-sa-lem. Vào năm 70 công nguyên, quân La-mã lần này do tướng Ti-tút (Titus) chỉ huy, đã trở lại Giê-ru-sa-lem và phá hủy Giê-ru-sa-lem thành bình địa, giết hơn một triệu người Do-thái. Ngày nay tại Rô-ma người ta vẫn còn có thể thấy dấu tích kỷ niệm cuộc chiến thắng này của quân La-mã ghi khắc tại Khải hoàn môn Ti-tút.

12 Mọi sự xảy ra trong những ngày cuối cùng của hệ thống Do-thái chứng minh tầm xác thực tuyệt đối của “điềm” mà Chúa Giê-su đã báo. Điều này quan trọng cho chúng ta ngày nay, vì lời tiên tri của ngài về “sự kết liễu của hệ thống mọi sự” (NW) còn mang một ý nghĩa rộng lớn hơn nữa trong thời kỳ chúng ta ngày nay.

MỘT SỰ ỨNG NGHIỆM KHÁC NỮA CỦA LỜI TIÊN TRI CỦA GIÊ-SU

13 Lời của Giê-su báo trước về các đấng Christ giả, chiến tranh, đói kém, động đất và tín đồ đấng Christ bị bắt bớ đã ứng nghiệm trước năm 70 công nguyên. Nhưng ngài còn báo trước các điều khác nữa mà hiển nhiên phải sau này mới xảy ra. Ngài nói rằng “mọi dân tộc” sẽ buộc phải nhìn nhận sự hiện diện của ngài trong sự vinh hiển ở trên trời (Ma-thi-ơ 24:30). Ngài cũng báo trước là trong các nước sẽ có sự phân chia những người giống như ‘chiên tách ra khỏi dê’ và ‘chiên’ sẽ nhận được sự sống đời đời (Ma-thi-ơ 25:32, 46). Những việc này không xảy ra trong năm 70, hoặc trước đó.

14 Hơn 25 năm sau khi Giê-ru-sa-lem sụp đổ, Đức Chúa Trời đã soi dẫn cho sứ đồ Giăng để viết trong sách Khải-huyền về những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai. Trong Khải-huyền đoạn 6, Giăng đã thấy trước “các người cỡi ngựa” sẽ đem tai họa đến cho trái đất. Đọc trong Khải-huyền 6:3-8 thì bạn sẽ thấy Giăng báo trước là sẽ có: 1) chiến tranh, 2) đói kém, và 3) dịch lệ. Đó chính là một số trong các điều mà Chúa Giê-su đã báo trước trong “điềm”. Vậy chúng ta có thêm bằng chứng cho thấy rằng lời tiên tri của ngài còn phải có một lần ứng nghiệm thứ hai quan trọng hơn trước. Về vấn đề này, giáo sư A. T. Robertson có bình luận:

“Về phần chúng ta, chỉ cần nghĩ đến chuyện Chúa Giê-su đã sử dụng việc hủy phá đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem trong thế hệ năm 70 công nguyên, để làm một điển hình tượng trưng cho lần đến thứ hai của ngài và sự tận thế hoặc cuộc kết thúc thời đại” (Word Pictures in the New Testament, tập I, trang 188).

15 Có người sẽ thắc mắc: “Nhưng từ xưa tới nay bao giờ mà chẳng có chiến tranh, đói kém và dịch lệ. Thế thì làm sao mà biết được sự ứng nghiệm thứ hai của ‘điềm’?”

16 Hiển nhiên, đấy sẽ phải là những sự kiện rất đặc biệt, khác với một cuộc chiến tranh địa phương, một nạn dịch lệ lẻ tẻ, hoặc một trận động đất đơn lẻ nào đó. Chúng ta lưu ý là Khải-huyền 6:4 nói rằng chiến tranh sẽ “cất lấy cuộc hòa-bình khỏi [không phải một quốc gia hay một vùng, mà là cả] thế gian”. Mặt khác Chúa Giê-su cho thấy đó sẽ là một điềm tổng hợp. Do đó kèm theo các cuộc chiến tranh rộng lớn sẽ có các trận đói kém, động đất và dịch lệ đáng kể. Và tất cả mọi điều ấy sẽ xảy ra trong một thế hệ (Ma-thi-ơ 24:32-34). Khi hiểu được điều ấy và xem xét lịch sử, nhiều người nhận thức rõ ràng là “điềm” của “sự kết liễu hệ thống mọi sự” ngày nay đã xuất hiện rồi.

“ĐIỀM” TRONG THỜI KỲ CHÚNG TA

17 Khải-huyền 6:4 nói sẽ có chiến tranh rộng lớn trên khắp đất. Có đúng thế không? Có, bắt đầu với cuộc chiến tranh 1914-1918. Ký giả Sydney J. Harris viết rằng “trong Thế chiến thứ nhất tổng số các nước tham chiến có 90% dân số trên thế giới”. Theo “Bách khoa Tự điển Hoa kỳ”, trong trận chiến ấy đã có hơn 8.000.000 binh sĩ bị giết và hơn 12.000.000 thường dân chết vì bị giết, bị đói hay vì rét.

18 Một số người cố tìm cách gạt bỏ điều ấy bằng cách nói rằng ấy là vì thời trước kia người ta chưa có các phương tiện chuyên chở và những kỹ thuật để gây ra chiến tranh thế giới như vậy. Nhưng nói thế lại càng nhấn mạnh tính chất vô song của trận Thế Chiến thứ nhất mà thôi.

“Với thời gian trôi qua kể từ tháng 8 năm 1914, càng ngày người ta lại càng thấy rõ rằng sự bộc phát của Thế chiến thứ nhất có nghĩa một thời đại đã kết thúc” (The Norton History of Modern Europe)

“Thế Chiến thứ nhất quả là cuộc Đại Chiến đối với những người sống sót, trong tâm trí mọi người thì là một khúc quanh của lịch sử hiện đại... Có phần nào sự thật trong niềm tin tưởng vô thức của đa số loài người cho rằng thời kỳ hiện đại đã khởi đầu bằng cuộc Thế chiến thứ nhất. Chính vào lúc ấy mà chúng ta đã bị mất đi tình trạng vô tư lự của mình” (Montreal Gazette).

“Năm 1918 không mở đầu thời kỳ một ngàn năm, mà mở màn cho một nửa thế kỷ xung đột—rối loạn, chiến tranh, cách mạng, tàn phá và suy đồi, trên một tầm mức chưa bao giờ thấy hoặc tưởng tượng nổi trước đó” (Giáo sư H. S. Commager).

19 Thật vậy chiến tranh đã bột phát ‘trên một tầm mức chưa bao giờ tưởng tượng nổi’, đúng y như Kinh-thánh đã báo trước. Ít lâu sau lại có trận chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra, khiến cho “từ 35.000.000 đến 60.000.000 người” bị thiệt mạng.

“Thế chiến thứ hai gieo rắc sự chết và sự tàn phá hầu hết khắp thế giới trên một qui mô chưa từng thấy trước đó... Nếu muốn thử ước lượng giá trị bằng tiền của những tài sản và của cải bị tổn thất thì vô ích: tổng giá trị ấy sẽ lên đến những con số lớn quá mức tưởng tượng” (Encyclopedia Americana).

Và hẳn bạn cũng biết là ngoài vô số các cuộc chiến tranh xảy ra từ 1945, lại còn mối đe dọa về chiến tranh hạch tâm nữa.

20 Một làn sóng bệnh tật như chưa từng có trước đây cũng là một bằng chứng khác nữa cho thấy rằng sự ứng nghiệm chính của “điềm” đã bắt đầu với trận Thế chiến thứ nhất (Lu-ca 21:11). Sau khi nhìn nhận là trong quá khứ cũng có các trận dịch lệ gây ra rất nhiều nạn nhân trong khoảng thời gian nhiều thập niên, tạp chí Science Digest (Khoa học Giản yếu) cho thấy rằng bệnh cúm Tây-ban-nha vào năm 1918 giết hại nhiều nạn nhân gấp bội lần hơn thế:

“Chiến tranh đã giết hơn 21 triệu người trong vòng bốn năm kịch chiến; dịch cúm đã gây một số nạn nhân xấp xỉ như thế trong chừng có bốn tháng. Trong suốt lịch sử chưa bao giờ có chết chóc tàn bạo đến thế, nhanh như thế... Một bác sĩ đã gọi bệnh dịch ấy là thảm họa y học kinh khủng nhất lịch sử”.

“Người ta thường cho là có 21.000.000 người đã chết, nhưng con số ấy ‘có lẽ còn ở dưới mức thực tế nhiều’. Có thể chỉ riêng tiểu lục địa Ấn Độ thôi cũng đã có bấy nhiêu người chết; nơi đó vào tháng 10 năm 1918, con số tử vong được kể là ‘chưa từng thấy trong lịch sử về bệnh tật’ ” (Scientific American).

Các nhà khoa học không sao chặn được làn sóng các dịch lệ đem lại sự chết. Khi có vẻ “thắng được” một bệnh nào, thì một bệnh khác lại khởi phát. Loài người phóng được phi thuyền lên mặt trăng, nhưng không đủ khả năng để thắng được bệnh sốt rét rừng, bệnh ung thư và đau tim.

21 Một phần của “điềm” mà Giê-su đã báo trước là “nhiều chỗ sẽ có... động đất” (Ma-thi-ơ 24:7; Lu-ca 21:11). Trong suốt lịch sử đã có những vụ động đất xảy ra. Nhưng so sánh với thời kỳ bắt đầu từ Thế chiến thứ nhất thì sao? Ký giả Geo Malagoli viết trong tờ Il Piccolo như sau:

“Thống kê cho thấy thế hệ chúng ta đang sống trong một thời kỳ nguy hiểm vì các địa chấn đang hoạt động mãnh liệt. Thật vậy, trong khoảng thời gian 1059 năm (từ năm 856 đến 1914), những nguồn tin đánh tin cậy chỉ liệt kê có 24 trận động đất lớn gây cho 1.973.000 người chết. Nhưng trong các tai họa gần đây, đã có 1.600.000 người chết chỉ trong khoảng 63 năm, từ 1915 đến 1978, vì hậu quả của 43 trận động đất. Sự gia tăng bi thảm ấy còn nhấn mạnh thêm một sự thật khác nữa mà người ta phải công nhận—thế hệ của chúng ta là một thế hệ bất hạnh dưới nhiều khía cạnh”.

22 Một số người có thể sẽ nói rằng sở dĩ có nhiều người chết hơn kể từ Thế Chiến thứ nhất, do các vụ động đất, thì đó là vì dân số thế giới đông thêm và các thành phố lớn thêm. Nhưng dù đó là nguyên nhân đi nữa, thì điều ấy cũng không thay đổi được sự kiện đã xảy ra. Về nạn đói cũng thế. Mặc dù có những sự tiến bộ trong lãnh vực sản xuất thực phẩm, chẳng hạn như cuộc cách mạng xanh, nhưng chúng ta vẫn thấy các bản tin báo cáo như sau:

“Ít nhất là cứ một trong tám người dân trên trái đất đang bị thiếu ăn trầm trọng dưới một hình thức nào đó”.

“Hội đồng Thực phẩm Thế giới của Liên Hiệp Quốc hội họp vào mùa thu năm nay tại Ottawa đã xác nhận là có 50 triệu người chết đói mỗi năm”.

“Các cơ quan thực phẩm thế giới ước lượng là trong năm nay sẽ có hơn một tỉ người thiếu ăn”.

23 Sự gia tăng nạn “miệt pháp” và sự suy giảm lòng yêu thương cũng đánh dấu “sự kết liễu hệ thống mọi sự” (Ma-thi-ơ 24:3, 12, NW). Chắc là bạn chẳng cần xem các bản thống kê về tội ác và khủng bố mới tin rằng ngày nay điều ấy đang ứng nghiệm. Nhưng hãy đọc lời tiên tri mô tả “những ngày sau rốt” trong II Ti-mô-thê 3:1-5, để thấy đoạn ấy trình bày về tình trạng thế giới ngày nay chính xác đến mức nào.

ĐIỀU ẤY CÓ NGHĨA GÌ ĐỐI VỚI BẠN?

24 Chúa Giê-su báo trước rằng sẽ có nhiều người lo âu khi “điềm” ứng nghiệm. “Người ta nhơn trong khi đợi việc hung-dữ xảy ra cho thế-gian, thì thất-kinh mất vía”. Thế nhưng đối với môn đồ của Giê-su thì khác hẳn. Đấng Christ bảo họ: “Chừng nào các việc đó khởi xảy đến, hãy đứng thẳng lên, ngước đầu lên, vì sự giải-cứu của các ngươi gần tới” (Lu-ca 21:26, 28). Chúng ta không nên lờ đi những gì đang xảy ra, cũng chớ gạt đi và coi là ngẫu nhiên. Những người ở Giê-ru-sa-lem thời xưa coi thường sự ứng nghiệm lời tiên tri của Giê-su trong thời họ đã thiệt mạng. Chúa Giê-su bảo chúng ta: “Vậy, hãy tỉnh-thức luôn... để các ngươi được tránh khỏi” (Lu-ca 21:34-36).

25 Đúng vậy, chúng ta có thể sống sót qua khỏi sự kết liễu của hệ thống mọi sự gian ác hiện tại. Không người nào biết được “ngày và giờ” chính xác của sự cuối cùng sắp đến, nhưng các biến cố đã xảy ra trên đất trong thế hệ chúng ta chứng tỏ rằng sự cuối cùng ấy nay rất gần kề. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ “tỉnh-thức” thôi thì cũng chưa đủ (Ma-thi-ơ 24:36-42). Chúng ta còn phải thay đổi cách suy nghĩ và hạnh kiểm. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự-ăn ở của mình là dường nào, trong khi chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến... Phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em... không dấu-vít, chẳng chỗ trách được” (II Phi-e-rơ 3:11-14).

26 Chúa Giê-su đã báo trước về một phần khác của “điềm” khi ngài phán: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến” (Ma-thi-ơ 24:14). Để góp phần tham gia vào công cuộc rao giảng này thì chúng ta cần phải biết “Nước Trời” là gì, và tại sao ngày nay nước ấy lại quan trọng đến thế khi sự cuối cùng gần đến. Vậy bây giờ chúng ta hãy xem xét vấn đề ấy.

[Câu hỏi thảo luận]

Tại sao chúng ta nên chú ý đến “tận thế”? (1-3)

Theo Kinh-thánh thì cái gì sắp tận cùng? (4)

Tại sao chúng ta tin chắc “sự cuối cùng” sẽ đến? (5, 6)

Chúa Giê-su đã báo trước điều gì về hệ thống mọi sự của người Do-thái? Và điều gì đã xảy ra? (7-10)

Tại sao hiểu được “điềm” là điều rất quan trọng? (11, 12)

Làm sao chúng ta biết “điềm” còn phải có một lần ứng nghiệm khác nữa, và sự ứng nghiệm ấy khác với lần đầu tiên ở điểm nào? (13-16)

Bạn có thể nói gì về chiến tranh được báo trước và đã xảy ra trong thời đại của chúng ta? (17-19)

Lời tiên tri về dịch lệ đã ứng nghiệm ra sao? (20)

Bạn có thể cho biết những sự kiện nào khác làm bằng chứng cho thấy “điềm” đang được ứng nghiệm? (21-23)

Sự ứng nghiệm của “điềm” có tác động gì trên đời sống bạn? (24-26)

[Khung nơi trang 140]

“Người ta đã đưa ra những lời tiên đoán về tận thế ngay từ thời xa xưa... Tuy nhiên ngày nay có những điềm xấu khó thể làm lơ được; các ‘vấn đề của nhân loại’ mà ngay cả các chánh trị gia tinh khôn nhất dường như không sao giải quyết nổi; một thế giới nguyên tử đứng trước bờ vực thẳm, và loài người tàn phá như những con mối chỗ ở của mình mà họ không sao thay thế được” (“The Spectator,Ontario, Canada).

[Khung nơi trang 146]

“Chiến tranh chưa bao giờ là chuyện dễ giải thích, mà đệ nhất Thế chiến có lẽ lại khó giải thích nhất. Đằng sau những sự tường thuật khô khan về các sự kình địch và các sự đồng minh mà những sử gia đã dùng để giải thích trận chiến đó, người ta nhận thức thấy có một cái gì tiềm ẩn sâu đậm hơn nhiều, một sự hiếu động làm rối loạn thế giới... Trận chiến đó vừa kết thúc thì thế giới lại bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc chiến kế tiếp” (Barry Renfrew, Associated Press).

“Các biến cố bùng nổ vào ngày 4 tháng 8 năm 1914... đã tiêu hủy một nền trật tự đạo đức và chánh trị, phá vỡ thế quân bình lực lượng quốc tế, chấm dứt vai trò trọng tài quốc tế của Âu Châu, và kéo theo cái chết của mấy chục triệu người... Vào năm 1914, thế giới đã mất sự mạch lạc mà từ đó không sao vãn hồi lại được” (London, “The Economist”).

[Khung nơi trang 149]

SỐ NGƯỜI CHẾT DO ĐỘNG ĐẤT

(Ước lượng căn cứ trong khoảng 1.122 năm)

Tính đến năm 1914—1.800 người chết mỗi năm

Từ 1914 trở đi—25.300 người chết mỗi năm

[Hình nơi trang 144]

Tuân theo lời cảnh giác của Chúa Giê-su, tín đồ đấng Christ trốn khỏi Giê-ru-sa-lem trước khi thành này bị quân La-mã phá hủy.