Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tin nơi Đức Chúa Trời có hợp lý không?

Tin nơi Đức Chúa Trời có hợp lý không?

Chương 2

Tin nơi Đức Chúa Trời có hợp lý không?

MỘT trong những câu hỏi quan trọng nhất mà bạn sẽ gặp là “Đức Chúa Trời có hiện hữu không?” Kết luận mà bạn đạt đến có thể ảnh hưởng tới quan điểm của bạn về gia đình, công việc làm, tiền bạc, luân lý và chính đời sống nữa.

2 Nhiều người khi được hỏi: “Đức Chúa Trời có hiện hữu không?” thì thường trả lời bằng cách lặp lại điều gì họ đã đọc được hay nghe người khác nói. Tuy nhiên, chính cá nhân bạn nên suy nghĩ về vấn đề này. Trong cuốn sách của ông nhan đề Man, God and Magic (Con người, Đức Chúa Trời và ma thuật), Tiến sĩ Ivar Lissner đã nhận định rằng một “điều khác biệt căn bản giữa người và thú” là ở chỗ “con người không phải chỉ thỏa lòng với việc ăn, ngủ và sưởi ấm mình”. Con người có một “sự thôi thúc cố hữu và kỳ lạ” có thể gọi là “thiêng liêng tính”. Tiến sĩ Lissner nói thêm rằng “mọi nền văn minh của nhân loại đều có gốc rễ trong việc tìm kiếm Đức Chúa Trời”. Vậy thì việc bạn nghiêm chỉnh suy xét về câu hỏi “Đức Chúa Trời có hiện hữu không?” là một bằng chứng cho thấy bạn không bỏ qua một thuộc tính quan trọng, thiêng liêng tính của bạn.

3 Làm sao bạn có thể xác định được là có hay không có một “Đấng tạo lập và cai quản vũ trụ, một Đấng Tối thượng” như một tự điển đã định nghĩa về từ “Đức Chúa Trời”? Lý trí cho chúng ta biết rằng nếu có một “đấng tạo lập ra vũ trụ”, thì ắt là phải có những chứng cớ về sự bắt đầu của vũ trụ, cũng như bằng chứng việc vũ trụ đã được hoạch định và có trật tự. Trong việc bạn tìm kiếm xem có hay không có các bằng chứng ấy, chúng tôi mời bạn xem xét những gì mà các nhà sinh vật học đã khám phá ra về sự sống và những gì mà các nhà vật lý học và thiên văn học đã học biết về vũ trụ của chúng ta bằng cách dùng những viễn vọng kính và các máy thăm dò không gian.

SỰ SỐNG CỦA BẠN —DO NGẪU NHIÊN MÀ CÓ CHĂNG?

4 Tại sao không bắt đầu với chính bạn? Sự sống của bạn từ đâu mà có? Đúng là do cha mẹ truyền lại cho bạn. Nhưng sự sống trên đất đã khởi sự thế nào?

5 Để cố gắng tạo ra sự sống ở phòng thí nghiệm và như thế giải thích nguồn gốc của sự sống, các nhà hóa học đã phóng những tia quang phổ vào các hỗn hợp nhiều chất khí đặc biệt. Kết quả là tạo ra được một vài loại a-xít a-min (tức là các phân tử thuộc loại hợp thành những “yếu tố căn bản” của các vật sống). Tuy nhiên các a-xít a-min này thì không sống. Hơn nữa, các a-xít a-min ấy không là kết quả của sự ngẫu nhiên; chúng đã do các nhà bác học nhiều kinh nghiệm làm ra trong những điều kiện được kiểm soát hẳn hòi và trong những phòng thí nghiệm tối tân.

6 Có hơn 200 loại a-xít a-min thiên nhiên, nhưng chỉ có 20 loại đặc biệt trong các chất đạm (prô-tê-in) của những cơ thể sống. Dù cho là sét trời có thể tạo ra một số a-xít a-min nào đó, ai đã chọn lọc ra đúng 20 loại a-xít a-min cần thiết cho cơ thể sống? Và làm sao chúng đã được hướng dẫn để theo đúng một nối tiếp tuần tự chính xác cần thiết trong chất đạm? Nhà phân tích khảo cứu là Tiến sĩ J. F. Coppedge đã tính ra rằng “muốn có được chỉ một phân tử chất đạm do bởi sự ngẫu nhiên mà các a-xít a-min ấy sắp xếp thứ tự lại với nhau, thì cơ may để có được chuyện đó sẽ là: một trên 10287 (nghĩa là số một với 287 số không theo sau)”. Hơn nữa, ông lưu ý rằng “muốn có được một hình thái nhỏ nhất của sự sống theo lý thuyết thì cần phải có tối thiểu 239 phân tử chất đạm (protein) chứ không phải chỉ một phân tử”. Theo ý bạn thì các sự kiện này liệu có cho thấy rằng sự sống sở dĩ xuất hiện là do kết quả của sự ngẫu nhiên mù quáng không, hay bạn tin rằng sự sống phải do một hoạch định thông minh mới có?

7 Cũng nên xem xét một loại thí nghiệm khác đã được công bố trên báo chí như “sáng tạo ra sự sống”. Các nhà khoa học đã dùng các dụng cụ thí nghiệm phức tạp, để lấy một vi-rút do một cơ thể sống tạo thành và họ tách các thành tố của nó ra. Sau đó họ lại lấy chính các thành tố nầy để tái liên kết chúng lại thành một vi-rút. Tuy nhiên, nhà sinh vật học René Dubos giải thích trong cuốn Encyclopedia Britannica (Bách khoa Từ điển Anh quốc) rằng nếu gọi việc này là “sáng tạo ra sự sống” thì thật là sai hết sức. Các nhà khoa học này và những người khác nữa đều không thể nào dùng vật chất vô sinh mà làm ra được sự sống mới nào. Thay vì đưa ra giả thuyết là sự sống do ngẫu nhiên mà hình thành, thì cuộc thí nghiệm ấy lại chứng minh rằng “mọi cơ cấu sinh học” cần thiết cho sự sống “đều phải do một sự sống đã có trước cung cấp cho thì mới có được”.

8 Ngay cho dù các nhà khoa học có thể dùng vật chất vô sinh mà sản xuất ra được chất đạm sống đi nữa, thì điều ấy chỉ giản dị xác nhận rằng nhất thiết cần phải có một sự sống thông minh hiện hữu trước để mà điều khiển cái diễn tiến ấy. Tất nhiên là loài người lúc ấy chưa có để mà khởi tạo ra sự sống. Vậy mà sự sống, trong đó có sự sống của loài người, đã được tạo nên. Thế thì ai đã sáng tạo ra các sự sống ấy vậy? Những người viết Kinh-thánh từ lâu đã đi đến một kết luận đáng cho chúng ta suy nghĩ nghiêm chỉnh. Một người viết: “Hơi-thở của Đấng Toàn-năng ban cho tôi sự sống”. Một người khác thêm: “Ngài [Đức Chúa Trời] là Đấng ban sự sống... cho mọi loài”. *

9 Xem xét cặn kẽ hơn về thân thể của bạn sẽ giúp bạn lý luận thêm về vấn đề này.

TẾ BÀO CỦA BẠNBỘ ÓC CỦA BẠNCHÍNH BẠN

10 Sự sống rộn ràng trong cơ thể bạn; cơ thể bạn có khoảng chừng 100.000.000.000.000 (một trăm ngàn tỉ) tế bào nhỏ xíu. Tế bào là yếu tố căn bản của mọi vật sống trên đất. Càng nghiên cứu kỹ về tế bào, thì người ta càng thấy nó phức tạp hơn.

11 Mỗi tế bào của cơ thể bạn có thể ví như một cái thành rất nhỏ có tường rào quanh. Tế bào có những phần giống như những nhà máy điện sản xuất ra năng lượng. Các “cơ xưởng” trong tế bào chế tạo ra những chất đạm và những loại kích thích tố để vận chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể. Một mạng lưới phức tạp gồm những trục giao thông vận chuyển các hóa chất vào trong tế bào hay từ tế bào đem ra bên ngoài. Các “lính canh” đứng án ngữ để kiểm soát những gì nhập vào tế bào và để đẩy lui những kẻ xâm lăng. Tất cả mọi việc ấy do cái nhân điều khiển, cái nhân này là “tòa thị chính” của tế bào. Chính cái hạt nhân ấy điều khiển mọi hoạt động của tế bào và lưu trữ các đồ án di truyền. Một số bộ phận trong tế bào thật là nhỏ, nhỏ đến độ người ta không thể quan sát rõ ràng từng chi tiết mặc dù có dùng đến kính hiển vi điện tử với độ phóng đại 200.000 lần đi nữa. (Nếu phóng đại một con kiến đến độ này thì nó sẽ có chiều dài là hơn 800 mét). Điều gì có thể giải thích được sự phức tạp và tổ chức phi thường như vậy của mỗi một tế bào nhỏ xíu trong số 100.000.000.000.000 tế bào của cơ thể bạn?

12 Có một thời kỳ chính bạn chỉ là một tế bào đơn độc được thụ thai trong lòng mẹ của bạn. Tế bào này tự phân chia ra để thành hai tế bào, rồi thành bốn, và cứ thế tiếp tục. Sau đó một số tế bào trong các tế bào ấy trở thành những mô bắp thịt. Các tế bào khác thì trở thành mắt, thành xương và thành trái tim của bạn. Làm sao các tế bào ấy lại có thể hình thành ra được những cơ quan khác nhau trong cơ thể bạn đúng lúc và đúng chỗ như vậy? Thí dụ, tại sao những tế bào phát triển thành hai cái tai lại đặt đúng vị trí của chúng, chứ không đặt bừa bãi trên đầu gối hay cánh tay của bạn?

13 Hãy xem xét cặn kẽ hơn chút nữa. Trong mỗi tế bào của bạn có hàng chục ngàn “gen” và chất DNA trọng yếu có nhiệm vụ chỉ bảo cho từng tế bào phải giữ chức năng nào và sinh sôi thế nào. Người ta nói rằng chất DNA trong mỗi tế bào chứa đựng những lượng dữ kiện thông tin nhiều đến độ đủ để làm đầy cả một bộ bách khoa từ điển gồm đến 1.000 quyển. Chính chất DNA này ấn định màu tóc của bạn, nhịp lớn lên của cơ thể bạn, chiều rộng của nụ cười bạn và vô vàn chi tiết khác về con người bạn. Tất cả mọi đặc điểm ấy đều đã được “viết xuống” trong chất DNA của một tế bào trong lòng mẹ bạn.

14 Khi xem xét chỉ mấy điểm kể trên về tế bào, chúng ta tự hỏi: “Vì cha mẹ chúng ta không hề có ý thức làm sao sắp đặt cái đồ án về di truyền hoặc cái tế bào phi thường ấy, vậy thì ai đã làm việc đó? Có thể nào qui cho ai một cách hợp lý mà không kể đến một Đấng hoạch định thông minh không?”

15 Trong tất cả những cơ quan của cơ thể bạn, có lẽ cơ quan kỳ diệu nhất là cái mà bạn sẽ không bao giờ thấy được—bộ óc của bạn. Bộ óc do khoảng 10.000.000.000 (mười tỉ) tế bào thần kinh hợp thành, nghĩa là gần gấp đôi số dân hiện có trên mặt trái đất. Mỗi tế bào thần kinh ấy lại có hàng ngàn cầu nối với các tế bào khác, cho nên tổng số những cầu nối ấy thật nhiều quá sức tưởng tượng!

16 Bạn đã chất chứa trong bộ óc của bạn hàng trăm triệu sự kiện và hình ảnh, thế nhưng nó không phải chỉ là một kho chứa các sự kiện đâu. Nhờ bộ óc mà bạn có thể học cách thắt nút dây, nói một ngoại ngữ, nướng bánh hay huýt gió nữa. Bạn có thể tưởng tượng nghỉ hè sắp tới của bạn sẽ như thế nào hoặc mùi vị của một thứ trái cây nhiều nước đó sẽ ra sao. Bạn có thể phân tích và sáng chế. Bạn cũng có thể hoạch định chương trình, quí mến, yêu thương và liên tưởng ý kiến của bạn đến quá khứ, hiện tại và tương lai. Thế thì Đấng đã chế tạo ra bộ óc hiển nhiên phải có một sự khôn ngoan vượt xa bất cứ sự khôn ngoan của một người nào trong nhân loại, bởi vì chính các khoa học gia cũng phải nhìn nhận:

“Bộ máy cực kỳ phức tạp này (đã được hoạch định và tổ chức đến mức tinh xảo tuyệt vời) thực hiện được những chức năng mà người ta vẫn chưa hiểu làm sao nó có thể làm được... Loài người có lẽ sẽ chẳng bao giờ giải quyết nổi mọi vấn đề rắc rối riêng rẽ của não bộ” (Scientific American).

17 Trong khi suy xét xem có một Đấng Tạo hóa là Đấng Tối thượng hay không, xin bạn đừng quên những cơ quan khác của cơ thể mình nữa. Đôi mắt của bạn—chính xác hơn và có thể thích ứng tốt hơn bất cứ một loại máy chụp hình nào. Tai bạn—có thể nhận định được rất nhiều âm thanh khác nhau và giúp bạn nhận ra phương hướng và giữ thăng bằng. Tim bạn—một cái máy bơm kỳ diệu có năng suất cao đến nỗi các kỹ sư giỏi nhất vẫn chưa thể nào bắt chước được. Còn bao nhiêu cơ quan kỳ diệu nữa, thí dụ như cái lưỡi của bạn, bộ máy tiêu hóa và bàn tay của bạn. Một viên kỹ sư nọ được thuê để vẽ kiểu và chế tạo một máy điện toán cỡ lớn đã suy luận:

“Nếu cái máy điện toán của tôi mà cần phải có người thiết kế ra, thì huống chi cơ thể của tôi là một bộ máy sinh lý hóa phức tạp, tuy thế so với khoảng không gian thăm thẳm vô tận kia thì chỉ là một phần tử cực kỳ nhỏ bé; vậy há cơ thể của tôi lại chẳng đòi hỏi bội phần là phải có một Đấng đã vẽ kiểu sao?”

“KHỞI NGUYÊN” CỦA VŨ TRỤ

18 Cách đây chừng 3.000 năm, có một người tên là Ê-li-hu sống ở vùng Trung Đông đã nói: “Hãy ngước mắt lên xem các từng trời”. *

19 Bạn đã bao giờ ngắm nhìn bầu trời vào một đêm tối không mây chưa? Hết thảy chúng ta nên làm thế. Mắt thường chúng ta thì chỉ có thể nhìn thấy khoảng 5.000 ngôi sao. Tuy nhiên, dải Ngân hà của chúng ta có đến hơn 100.000.000.000 (một trăm tỉ) ngôi sao. Và có bao nhiêu thiên hà? Các nhà thiên văn học nói rằng có hàng tỉ... không phải hàng tỉ ngôi sao, mà là hàng tỉ thiên hà, mỗi thiên hà lại có hàng tỉ ngôi sao! So với những điều ấy con người thật nhỏ bé biết bao! Nhưng cả cái vũ trụ ấy do đâu mà có vậy?

20 Các khoa học gia đã khám phá ra rằng các dải thiên hà dường như bay khỏi một điểm trung tâm. Theo giả thuyết của nhiều nhà thiên văn học thì cách đây hàng tỉ năm, có một vụ nổ rất lớn, thường gọi là “big bang”, đã khởi phát nên một cuộc phân tán năng lượng và vật chất trải rộng ra để hình thành nên cái vũ trụ mà chúng ta thấy ngày nay. Thuyết ấy của họ không giải thích nguyên nhân của vụ nổ. Nhưng thuyết ấy bao hàm một điều đáng chú ý là: vũ trụ có một điểm khởi đầu, tức lúc vũ trụ đã sinh ra.

“Ngày nay người ta có cảm tưởng rằng thế giới khoa học đang lo sợ trước các bằng chứng ngày càng chồng chất thêm để minh chứng rằng vũ trụ khởi đầu bằng vụ nổ “big bang”. Điều ấy gợi lên câu hỏi rằng trước đó thì có cái gì, và niềm tin căn bản nhất của các nhà khoa học cũng bị lung lay khi họ phải đối diện với sự bất lực của chính mình là không sao trả lời được các câu hỏi cốt yếu” (The Wall Street Journal).

21 Thật vậy, đối với những người không tin nơi Đức Chúa Trời thì họ phải đương đầu với những câu hỏi gây khá nhiều lúng túng, tỉ như: ai hay cái gì đã đưa vật chất vào vũ trụ? Chẳng lẽ vũ trụ đã được tạo nên từ sự trống không hay sao? Vì vật chất được xem là một hình thái của năng lượng, vậy thì nguồn gốc của năng lượng ấy ở đâu mà ra?

22 Tiến sĩ Robert Jastrow, giám đốc Viện nghiên cứu không gian Goddard thuộc cơ quan NASA đã nhận định như sau: “Trước những bằng chứng như thế, ý niệm cho rằng có một Đức Chúa Trời đã tạo ra vũ trụ là ý niệm xét theo khía cạnh khoa học, có thể chấp nhận được y như nhiều ý niệm khác”.

23 Trong mọi thế hệ, những người hiểu biết nhiều đều đi đến kết luận rằng nhất định phải có một Đấng Khởi sự thông minh, một Đấng Tạo hóa hay Đấng Tối cao. Kinh-thánh đã diễn tả ý nghĩ ấy của họ qua câu sau đây: “Các từng trời rao-truyền sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giãi-tỏ công-việc tay Ngài làm”. *

24 Dù bạn đã đi đến kết luận rằng có Đức Chúa Trời hay chưa kết luận được, thì những gì chúng ta đã xem xét về sự sống, về chính con người chúng ta và về vũ trụ, ít nhất cũng giúp chúng ta hiểu được vì sao nhiều người có trí suy xét lại tin chắc rằng có một Đức Chúa Trời. Điều ấy dẫn chúng ta đến một vấn đề có liên quan sau đây: Nếu thực sự có một Đấng Tạo hóa hiện hữu thì việc Ngài liên lạc với các tạo vật của Ngài há chẳng phải là một việc hợp lý sao? Và tất nhiên là Ngài cũng sẽ giải đáp những câu hỏi của chúng ta: Tại sao chúng ta có mặt trên đất này? Tại sao có nhiều sự gian ác đến thế? Tương lai sẽ ra sao? Làm sao chúng ta có thể tìm được hạnh phúc?

[Chú thích]

[Câu hỏi thảo luận]

Tại sao chúng ta nên xem xét vấn đề “Đức Chúa Trời có hiện hữu hay không”? (1-3)

Việc sự sống hiện hữu trên trái đất chứng minh điều gì? (4-9)

Chúng ta học được gì về các tế bào, và các điều này giúp gì trong việc xem xét về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời? (10-14)

Những bằng chứng nào cho thấy bộ óc của con người ắt phải do một Đấng tuyệt thông minh đã thiết kế? (15-17)

Vì những lý do nào mà nhiều người đã đi đến kết luận rằng Đức Chúa Trời sáng tạo ra vũ trụ? (18-24)

[Khung nơi trang 13]

“Ngày nay ít nhất có đến 80% các nhà sinh vật học chắc phải thừa nhận rằng toàn thể sinh giới và sự sống đều do một sức mạnh siêu nhiên nào đó hoạch định”.

“Trật tự và cơ cấu điều hành phi thường chi phối những nét thể hiện khác nhau của sự sống và sự tiến triển căn bản cỡ mức tế bào và phân tử đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến niềm tin vào sự hiện hữu của một năng lực siêu phàm” (Journal of the American Medical Association)

[Khung nơi trang 19]

TRẬT TỰ DO ĐÂU MÀ CÓ?

Tiến sĩ Paul Davies, giảng viên môn toán học ứng dụng của học viện King’s College ở Luân-đôn viết trong tập san New Scientist như sau:

“Dù chúng ta có nhìn vào đâu trong vũ trụ, từ những dải thiên hà xa xăm nhất cho đến những ngõ ngách sâu cùng tận nhất của nguyên tử, thì chúng ta đều thấy sự trật tự... Vì sự hiểu biết và trật tự là những điều luôn luôn có khuynh hướng tự nhiên là biến đi, vậy thì cái nguồn hiểu biết đã khiến cho thế gian này thành một nơi đặc biệt đến thế bắt đầu từ đâu mà ra?”

Ông Bernard Lovell thuộc đài thiên văn Jodrell Bank danh tiếng của Anh-quốc viết rằng ông cũng đồng ý với nhà bác học Albert Einstein:

“Người ta sững sờ và kinh ngạc trước sự hài hòa của các luật thiên nhiên, điều này chứng tỏ một sự thông minh siêu đẳng đến độ nếu đem so sánh thì mọi ý tưởng và hành động có hệ thống của loài người chẳng qua chỉ hoàn toàn là một sự phản chiếu hết sức vô nghĩa lý của sự thông minh ấy mà thôi” (Centre of Immensities).

[Hình nơi trang 13]

TY LẠP THỂ (mitochondria) chế biến các hóa chất để cung cấp năng lượng

CÁI NHÂN điều khiển mọi hoạt động của tế bào

HỆ THỐNG GIAO THÔNG vận chuyển các hóa chất từ trong tế bào ra và từ ngoài vào trong tế bào

CÁC RI-BÔ-THE (Ribosome) chế tạo các chất đạm và kích thích tố để chuyển tới các bộ phận trong cơ thể

CÁI MÀNG TẾ BÀO VÀ CHẤT ĐẠM kiểm soát những gì được đưa vào tế bào và chiến đấu chống lại kẻ xâm lăng

[Hình nơi trang 15]

NHỜ BỘ ÓC

cô bé có thể—

giữ cho xe đạp thăng bằng

nghe tiếng xe hơi đang đến gần

ngửi các bông hoa

cảm thấy gió hiu hiu

trông chừng con chó

nhớ đường về nhà

[Hình nơi trang 17]

AI ĐÃ THIẾT KẾ CƠ THỂ CON NGƯỜI?

NÃO BỘ: Vượt xa máy điện toán, với tiềm lực ước lượng gấp một tỷ lần hiện nay đang dùng tới trong một đời người.

MẮT: Máy quay phim màu hoàn toàn tự động, tự bắt mục tiêu và điều chỉnh cho hình ảnh rõ nét.

TIM: Một máy bơm hiệu quả hơn hẳn bất cứ bộ máy nào do loài người tạo ra. Mổi ngày bơm khoảng 5.700 lít hay hơn nữa.

GAN: Một phòng thí nghiệm hóa chất với hơn 500 chức năng. Sản xuất hơn 1000 chất phân hóa tố (enzyme).

XƯƠNG: Bộ khung kết cấu nặng chỉ có 9 kg thôi nhưng mạnh tương đương với những cây đà bằng sắt.

HỆ THẦN KINH: Một mạng lưới thông tin tiếp nhận và/hoặc tác động trên khoảng 100 triệu tín hiệu cảm giác mỗi giây đồng hồ.

[Hình nơi trang 20]

Vũ trụ với hàng tỉ thiên hà làm sao mà có được?