Vấn đề tình dục—Lời khuyên nào thật sự hữu ích?
Chương 7
Vấn đề tình dục—Lời khuyên nào thật sự hữu ích?
NẾU BẠN làm một cuộc thăm dò ý kiến về vấn đề “Cần gì để có được hạnh phúc?” thì sẽ có nhiều câu trả lời liên quan đến tình dục. Điều ấy cũng là thường, vì cảm giác và ham muốn về tình dục là một phần trong sự ban cho của Đức Chúa Trời cho con người khỏe mạnh bình thường.
2 Ngày nay người ta đề cập đến vấn đề tình dục một cách công khai hơn xưa nhiều. Các phong tục về tình dục cũng đã thay đổi nhiều. Càng ngày càng có nhiều người trẻ tuổi bắt đầu có giao hợp tình dục sớm hơn, ngay cả từ khi mới 13, 14 nữa. Hàng triệu cặp tình nhân, kể cả nhiều người đã về hưu, sống chung với nhau và có liên lạc tình dục mà không kết hôn hợp pháp. Giữa những cặp vợ chồng hợp pháp thì nhiều người thử những trò tình dục hợp đoàn, trao đổi người hôn phối cho nhau, hoặc hai vợ chồng thỏa thuận với nhau ai nấy được tự do giao hợp ngoài vòng hôn nhân.
3 Các lời khuyên về vấn đề tình dục xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau. Điều gì ngày nay được coi là nhiều người ưa thích thì trước kia đã được nhiều y sĩ, cố vấn hôn nhân và nhà lãnh đạo tôn giáo khuyến khích hay ít nhất tán thành. Một số người góp nhặt các ý kiến trong các sách báo hay những bài trong các tập san chuyên về tình dục.
Những người khác thì bị ảnh hưởng của những khóa học về tình dục tại học đường. Lại còn những người khác nữa lấy ý kiến trong các tiểu thuyết, phim ảnh hoặc các vở kịch truyền hình mô tả vấn đề tình dục một cách rõ rệt.4 Như phần đông người ta đều biết, Kinh-thánh cũng có nói đến vấn đề ấy. Nhiều người ngày nay có khuynh hướng lánh xa các tiêu chuẩn của Kinh-thánh vì họ cảm thấy các tiêu chuẩn ấy gò bó quá đáng. Nhưng có thật như vậy không? Hay trái lại, việc áp dụng các lời khuyên của Kinh-thánh thật ra sẽ che chở cho người ta khỏi bị nhiều nỗi đau thương, và giúp người ta có hạnh phúc hơn trong đời sống?
GIAO HỢP TRƯỚC HÔN NHÂN—TẠI SAO KHÔNG?
5 Lòng ham muốn và khả năng về tình dục thông thường phát sanh và lớn lên trong tuổi thanh thiếu niên. Vậy nên xưa nay có nhiều người trẻ tuổi đã giao hợp trước khi kết hôn (Sáng-thế Ký 34:1-4). Tuy nhiên, trong những năm gần đây việc giao hợp trước hôn nhân đã trở nên càng ngày càng phổ thông. Tại nhiều nơi, thực hành này hầu như trở thành qui luật chung. Tại sao thế?
6 Một lý do có sự gia tăng về việc giao hợp trước hôn nhân là vì phim ảnh và tiểu thuyết phổ thông thường tán tụng tình dục. Nhiều người trẻ hay tò mò và muốn thử “cho biết xem sao”. Rồi đến lượt họ, họ lại gây ảnh hưởng trên những người khác rồi một số người khác lại làm theo. Vì việc giao hợp trước hôn nhân và giao hợp ngoài hôn nhân đã trở nên rất phổ thông, nên nhiều giới chức giáo phẩm bây giờ tuyên bố rằng chuyện ấy chấp nhận được, miễn là cả hai người đều thuận tình “yêu nhau”. Cho nên càng ngày càng có nhiều người độc thân phải đương đầu với câu hỏi: “Tại sao không giao hợp, nhất là nếu chúng ta ngừa thai đàng hoàng?”
7 Bác sĩ Saul Kapel phụ trách mục y học trên báo đã liệt kê những lý do khác thúc đẩy việc giao hợp trước hôn nhân, và ông nhận xét về các hiệu quả của việc ấy:
‘Tình dục được thực hành sai bậy để làm phương cách chống đối cha mẹ; để gợi sự lưu tâm của mọi người theo kiểu một ‘lời kêu cứu’; để chứng tỏ nam tính hay nữ tính của mình; để coi đó như một phương cách trong nỗ lực vô vọng hầu tìm kiếm sự chấp nhận của xã hội.
‘Khi tình dục bị sử dụng sai bậy như vậy thì nó chẳng bao giờ giải quyết được các vấn đề thúc đẩy nó. Thường thì nó chỉ làm cho các vấn đề thêm trầm trọng’.
8 Bất kể lý do vì sao mà người ta thực hành việc giao hợp trước hôn nhân, bất kể việc ấy phổ thông đến đâu, và cũng bất kể bao nhiêu cố vấn và giới chức giáo phẩm tán thành việc ấy đi nữa, Kinh-thánh khuyên:
“Vì ý-muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô-uế [tà dâm]... Chớ có ai phỉnh-phờ anh em mình, hay là làm hại anh em bất kỳ việc gì” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-6).
Có lẽ nhiều người cho rằng ở đây Đức Chúa Trời quá khắt khe. Tuy nhiên, chớ nên quên rằng chính tình dục là do Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho; chính Ngài đã tạo ra loài người với khả năng sanh sản (Sáng-thế Ký 1:28). Thế thì hợp lý là Đấng sáng tạo ra cơ năng tình dục của nhân loại có đủ tư cách để cho chúng ta những lời khuyên tốt nhất về vấn đề tình dục, những lời khuyên đó thật ra có thể giúp chúng ta tránh được nhiều đau buồn, phải không?
HIỆU QUẢ—VUI THÚ HAY ĐAU BUỒN?
9 Sự ham muốn và hấp dẫn về tình dục, trong phạm vi chính đáng, đem lại kết quả tốt. Một kết quả dĩ nhiên là con cái. Kinh-thánh nói lần đầu tiên về việc giao hợp như sau: “A-đam ăn-ở với Ê-va, là vợ mình; người thọ-thai” Sáng-thế Ký 4:1). Trong một gia đình, con cái sanh ra có thể là một nguồn hạnh phúc thật sự. Nhưng khi những người chưa kết hôn với nhau mà đã giao hợp, thì sao? Kết quả nói chung thường giống nhau—thụ thai và sanh con.
(10 Nhiều người giao hợp trước hôn nhân nghĩ rằng chuyện ấy cũng chẳng cần lo lắng quá đáng làm chi. Họ nghĩ thuốc ngừa thai sẵn có. Tại một số nước, những người trong tuổi dậy thì có thể có được những thứ thuốc ấy mà khỏi cần cho cha mẹ họ biết. Mặc dầu vậy nhiều thiếu nữ mới lớn lên bị mang thai là thường, ngay cả những cô cho mình là thạo đời và nói: “Chuyện ấy không khi nào xảy đến cho mình đâu”. Và các tin tức trong báo chí cho thấy sự thật:
“Ở Tân Tây Lan, năm ngoái cứ năm trẻ sanh ra thì có hơn một đứa là do mẹ độc thân”.
“Ở Anh Quốc, cứ trong ba thiếu nữ dưới 20 tuổi lấy chồng thì một cô đã có chửa trong ngày cưới”.
“[Tại Hoa Kỳ], cứ năm cô gái trong tuổi dậy thì có một cô sẽ mang thai trước khi học xong trung học”.
11 Hiệu quả đau buồn của việc giao hợp trước hôn nhân đã gây áp lực trên nhiều người nam nữ trẻ tuổi. Một số tìm cách phá thai. Tuy nhiên những người nhạy cảm thường hết sức bối rối trước ý tưởng giết chết đứa bé đang lớn dần trong lòng mẹ (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13). Cảm xúc của người phụ nữ cũng như lương tâm bị chi phối cách mạnh mẽ và dai dẳng, đến nỗi nhiều người đã bằng lòng phá thai rồi, nhưng sau đó ân hận vô cùng (Rô-ma 2:14, 15).
12 Việc thai nghén đối với thiếu nữ trong tuổi dậy thì thường nhiều nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con hơn là đối với phụ nữ đã trưởng thành. Có nhiều nguy hiểm hơn về chứng thiếu máu, nhiễm độc máu, băng huyết, đau đẻ kéo dài, dùng kẹp kéo thai nhi, cũng như bị chết trong khi đẻ nữa. Đứa trẻ do người mẹ dưới 16 tuổi sanh ra thì có nguy hiểm bị chết trong năm đầu tiên gấp hai lần những trẻ khác. Ngoài ra, những vụ sanh đẻ bất hợp pháp còn gây ra cho các bậc cha mẹ nhiều vấn đề về phương diện cá nhân, xã
hội và tài chánh. Hơn nữa, một đứa trẻ rất cần có khung cảnh gia đình ổn định để có thể phát triển và cảm thấy an toàn. Những trẻ nào không có được như thế vì là con đẻ hoang thì có thể sẽ bị một sự thiệt hại nghiêm trọng suốt đời. Vậy thì bạn nói sao, khi nhìn những hiệu quả tổng quát của việc giao hợp trước hôn nhân, bạn thấy việc đó đem lại vui thú hay đau buồn? Khi Kinh-thánh khuyên “chớ tà-dâm” thì há đó không phải là một sự che chở khôn ngoan hay sao?13 Vì xem thường những lời khuyên của Kinh-thánh cho nên nhiều người đã chuốc lấy một hậu quả đau thương khác—bệnh tật. Thật vậy, nhiều phụ nữ bắt đầu giao hợp trong tuổi dậy thì và với nhiều tình nhân khác nhau thường bị bệnh ung thư cổ tử cung hơn mức độ bình thường rất nhiều. Lại còn mối nguy hiểm thật sự là bị bệnh phong tình. Một số người tự dối mình với ý nghĩ là bệnh giang mai và bệnh lậu dễ phát hiện và dễ chữa trị. Thế nhưng các chuyên viên của Tổ chức Y tế Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc báo cáo rằng một số vi khuẩn gây ra các bệnh phong tình nay có sức chống lại những loại thuốc trụ sinh. Các y sĩ tỏ ra lo ngại về việc chứng bệnh mụn giộp ở bộ phận sinh dục gia tăng dữ dội. Bệnh này thường gây nguy hại cho đứa trẻ do người mẹ mang bệnh ấy sanh ra. Thật vậy, nhiều người trẻ tuổi đang trải qua nhiều điều cay đắng để học biết sự xác thật của lời cảnh cáo trong Kinh-thánh:
“Mặc dầu người ta phạm tội gì, tội ấy còn là ngoài thân-thể, nhưng kẻ buông mình vào sự dâm-dục, thì phạm đến chính thân-thể mình” (I Cô-rinh-tô 6:18).
14 Một số người nghĩ rằng giao hợp trước hôn nhân giúp cho người ta đạt được kinh nghiệm, hầu sau này trong hôn nhân sẽ dễ có được sự hòa hợp về tình dục hơn. Tại một số quốc gia, người cha thuộc hạng giàu có thường dẫn con trai mình đi đến gái điếm để được “dạy dỗ”. Có lẽ người ta
nghĩ rằng làm thế có ích lợi. Nhưng thật sự thì không thế, theo ý kiến của Đấng Tạo hóa là Đấng đã thấu suốt mọi kinh nghiệm của loài người. Giữ sự trinh tiết trước hôn nhân là đặt một nền tảng tốt hơn nhiều cho hôn nhân được hạnh phúc. Những cuộc nghiên cứu ở Gia-nã-đại cho thấy rằng những người trẻ tuổi sớm có giao hợp trước hôn nhân thì sau này khi đã kết hôn thường dễ lừa đảo người hôn phối mình hơn. Trái lại, ai giữ được sự trinh tiết trước hôn nhân thì thường sẽ là những người chung thủy trong hôn nhân; ấy là vì trước ngày cưới họ có lòng kính trọng và sự tôn kính đối với hôn nhân thì sau ngày cưới nhau vẫn còn giữ được.CÒN VIỆC NGOẠI TÌNH THÌ SAO?
15 Ngày nay, những lời khuyên phóng khoáng về tình dục cũng đã dẫn đến tình trạng có nhiều vụ ngoại tình hơn. Những báo cáo từ Âu Châu và Bắc Mỹ cho thấy rằng khoảng phân nửa số người chồng đã lường gạt vợ và càng ngày càng có nhiều người vợ tán thành và tham dự vào việc ngoại tình, thường là với hy vọng có được thêm lãng mạn cho đời sống.
16 Kinh-thánh đưa ra lời khuyên răn rất rõ ràng về việc này: “Chồng phải làm hết bổn-phận [về tình dục] đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy” (I Cô-rinh-tô 7:3). Bạn cũng có thể đọc Châm-ngôn 5:15-20, nơi đây dùng lối diễn tả bóng bảy để nói rằng những người đã kết hôn nên tìm niềm vui về tình dục với người hôn phối mình, chứ không phải với ai khác. Kinh nghiệm trải qua hằng bao thế kỷ đã chứng thật rằng lời khuyên răn ấy là một sự che chở, không những giúp tránh cho khỏi bị bệnh tật và chửa hoang, mà còn giúp tránh khỏi những nỗi đau đớn và phiền muộn mà việc ngoại tình thường gây ra.
17 Khi người nam và người nữ kết hôn thì họ lập giao ước với nhau. Điều gì xảy ra khi một trong hai người bội ước bằng cách lừa dối người hôn phối mình? Một cuộc nghiên cứu về các vụ gian díu ngoài vòng hôn nhân cho biết:
“Người hôn phối nào bội ước thì cảm thấy tội lỗi nặng nề. Tội ngoại tình là một tội cá nhân vì mình biết rất đích xác là mình lừa dối ai và xúc phạm đến ai”.
Điều này được chứng minh rõ ràng sau khi có nhiều cặp vợ chồng nghe theo lời cố vấn dạy họ thử nghiệm về “hôn nhân mở rộng”, nghĩa là hai bên đồng ý để cho nhau tha hồ giao hợp với bất cứ ai khác. Với thời gian, chính những người ủng hộ các cuộc “hôn nhân mở rộng” ấy đã hoàn toàn đổi ý. Những hậu quả bi thảm đã buộc họ phải công nhận rằng “sự bảo đảm có sự chung thủy về tình dục vẫn là một điều kiện quan trọng và thiết yếu đối với phần lớn các cuộc hôn nhân”.
18 Việc ngoại tình thường sinh ra ghen tuông và trạng thái bất an. Đức Chúa Trời đã khôn ngoan cho chúng ta biết trước về những điều tai hại (Châm-ngôn 14:30; 27:4). Thế nên mặc dù một số người tưởng mình khôn và cho rằng việc ngoại tình là chánh đáng, nhưng các sự kiện chứng tỏ trái ngược lại. Bác sĩ Milton Matz thẳng thắn nhìn nhận:
“Đa số chúng ta bị vỡ mộng nặng nề khi việc ngoại tình xảy ra trong đời sống chúng ta, dù chúng ta là người phạm tội hay là nạn nhân cũng vậy...”.
“Qua kinh nghiệm, tôi đã thấy rằng việc giao hợp ngoài vòng hôn nhân gây khổ não ghê gớm cho mọi người trong cuộc. Chắc chắn đó không phải là phương thuốc đem lại hạnh phúc đâu”.
GIAO HỢP GIỮA VỢ CHỒNG
19 Trong lãnh vực tình dục, Kinh-thánh không phải chỉ nói về những điều chúng ta cần tránh, mà còn chỉ dẫn cho chúng ta biết những điều phải tích cực làm để góp phần đem hạnh phúc cho đời sống.
20 Thay vì trình bày việc giao hợp như một cơ năng đơn thuần về sinh lý, Kinh-thánh tỏ ra rất chánh đáng khi cho thấy là việc giao hợp có thể là một nguồn khoái lạc cho cả vợ lẫn chồng. Kinh-thánh nói đến ‘sự thỏa lòng’ và ‘say mê’ trong việc tỏ tình ân ái trong hôn nhân (Châm-ngôn 5:19). Cách diễn tả thẳng thắn ấy giúp chúng ta dẹp bỏ đi được mọi sự làm bộ đoan trang kiểu cách hoặc sự xấu hổ đối với việc ân ái bình thường giữa vợ chồng.
21 Đấng Tạo hóa khuyên người làm chồng: “Hãy yêu vợ mình, chớ hề ở cay-nghiệt với người” (Cô-lô-se 3:19). Muốn cho việc giao hợp được thật sự thỏa mãn thì vợ chồng phải không có điều gì cay đắng hoặc căm giận đối với nhau. Lúc bấy giờ họ sẽ vui hưởng đúng mức việc giao hợp giữa vợ chồng, tức là một cách bày tỏ sự ân cần nồng nàn và tình yêu sâu đậm cùng với sự cam kết ở đời với nhau.
22 Ngoài ra, Đức Chúa Trời còn khuyên răn người chồng phải ăn ở với vợ mình “theo sự hiểu biết” (I Phi-e-rơ 3:7). Vậy thì, người chồng phải quan tâm đến các cảm xúc và các chu kỳ sinh lý của vợ mình. Thay vì đòi hỏi một cách vô tâm, người chồng hãy để ý đến các nhu cầu và tình cảm của vợ, và nếu người làm thế thì có lẽ nàng sẽ nhạy cảm hơn với nhu cầu và tình cảm của chồng. Điều này sẽ làm cho cả hai người đều thỏa mãn nhau.
23 Nhiều người chồng than phiền là vợ mình lạnh nhạt hoặc hờ hững. Nhưng sở dĩ điều này xảy ra có thể là vì người chồng lúc thường tỏ ra xa cách, trầm lặng hoặc nghiêm nghị, chỉ trừ khi người muốn giao hoan mà thôi. Chắc hẳn bạn cũng đồng ý rằng người vợ sẽ bớt lạnh nhạt hơn nếu người chồng luôn luôn nhiệt thành và gần gũi với nàng, phải không? Lẽ tự nhiên là nàng sẽ tỏ ra sẵn sàng hơn với chồng, nếu người chồng theo lời khuyên của Kinh-thánh mà mặc lấy “sự nhơn-từ, khiêm-nhường, mềm-mại, nhịn-nhục” (Cô-lô-se 3:12, 13).
24 Kinh-thánh nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Điều này áp dụng trong nhiều lãnh vực, và theo nguyên tắc điều này cũng tỏ ra rất hữu ích để đạt được sự thỏa mãn về tình dục. Làm sao thế? Người vợ có sự khoái cảm về ân ái với chồng hay không là tùy thuộc phần lớn vào trạng thái của lòng và trí. Mới đây người ta đã không ngớt nhấn mạnh đến việc người phụ nữ phải hết sức chú trọng đến cảm giác về thể xác của họ và coi trọng sự khoái lạc thể chất, vậy mà nhiều người phụ nữ dường như vẫn không đạt được sự thỏa mãn. Tuy nhiên, bác sĩ Marie Robinson nghiên cứu về vấn đề này và cho thấy rằng khi nào người vợ vun trồng lòng kính trọng đối với chồng và xem việc giao hợp ân ái như một dịp để ‘ban cho’ thay vì để nhận lãnh, thì khi ấy chính nàng có lẽ sẽ được thỏa mãn. Vị bác sĩ này bình luận:
“Dần dần [người vợ] nhận thấy rằng việc nàng tỏ ra âu yếm và quan tâm đối với chồng sẽ trở thành một phần trong ý nghĩa của việc chăn gối giao hoan. Nàng sẽ nhìn thấy và cảm thấy rằng vì nàng bớt lạnh nhạt mà nàng đã đem lại khoái lạc cho chồng; và ngược lại, chính sự gia tăng thỏa mãn nơi người chồng sẽ đem đến cho nàng nhiều khoái cảm hơn”.
Như vậy, lời khuyên của Kinh-thánh bảo chúng ta phải ban cho và chú ý đến người khác hầu góp phần đem lại hạnh phúc, cũng áp dụng ngay cả trong khía cạnh mật thiết của đời sống vợ chồng (Phi-líp 2:4).
25 Áp dụng lời khuyên này đem lợi ích cho chúng ta trong một lãnh vực khác nữa. Quan điểm của chúng ta về tình dục, kể cả việc sanh sản, sẽ ảnh hưởng đến mối liên lạc của chúng ta với Đức Chúa Trời, là Đấng ban sự sống. Vậy, điều khôn ngoan là phải tránh sự tà dâm và ngoại tình, không phải chỉ vì như thế sẽ được lợi ích về mặt thể chất, tinh thần và tình cảm, nhưng vì cách ăn ở thể ấy là “tội cùng Đức Chúa Trời” (Sáng-thế Ký 39:9). Và Hê-bơ-rơ 13:4 có nói về lòng chung thủy đối với người hôn phối như sau:
“Mọi người phải kính-trọng sự hôn-nhân, chốn [khuê phòng] chớ có ô-uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán-phạt kẻ dâm-dục cùng kẻ phạm tội ngoại-tình”.
26 Khi xem xét vấn đề tình dục có liên quan thế nào với hạnh phúc cá nhân, chúng ta không nên chỉ nghĩ đến hiện tại mà thôi. Kinh-thánh quan tâm đến hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta, cho nên giúp chúng ta hiểu rằng hành vi của chúng ta ngày hôm nay sẽ có ảnh hưởng cho chính chúng ta và người khác vào ngày mai, năm tới và đến suốt cả đời chúng ta.
[Câu hỏi thảo luận]
Vì lý do gì mà chúng ta nên xem xét lời khuyên của Kinh-thánh về vấn đề tình dục? (Châm-ngôn 2:6-12). (1-4)
Tại sao việc giao hợp trước hôn nhân đã gia tăng rất nhiều? (5-7)
Quan điểm của Đức Chúa Trời về việc giao hợp trước hôn nhân là gì? (8)
Giao hợp trước hôn nhân mang lại những hậu quả nào? (9-12)
Bạn có thể nêu thêm những lý do nào khác để cho thấy rõ giá trị của lời khuyên của Kinh-thánh về vấn đề tình dục? (13, 14)
Các sự kiện cho thấy gì về lời khuyên răn của Kinh-thánh đối với việc ngoại tình? (15-18)
Kinh-thánh nói gì về việc giao hợp giữa vợ chồng? (19-22)
Áp dụng các lời khuyên răn ấy đem lại những lợi ích nào? (23-26)
[Khung nơi trang 70]
“Có thể trào lưu mới về “tự do ân ái” là ‘giải phóng’ đấy... Nhưng đâu đâu và lúc nào tôi cũng đều nghe thấy khác hẳn. Điều tôi nghe thấy là sự tự do ân ái trên thực tế đang làm một điều cho mọi người: gây đau khổ” (Ký giả G. A. Geyer trong “The Oregonian”).
[Khung nơi trang 71]
“Sự bất trung giữa vợ chồng phát sinh ra tội lỗi, khổ não và sự hoài nghi; trong khi sự chung thủy nuôi dưỡng sự an toàn và niềm vui sâu đậm” (Bác sĩ C. B. Broderick, giám đốc một trung tâm cố vấn về hôn nhân và gia đình).
[Hình nơi trang 69]
Lời khuyên của Kinh-thánh giúp người ta tránh khỏi những hậu quả đau thương của sự vô luân—chửa hoang và bệnh phong tình