Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ý nghĩa phép báp têm của bạn

Ý nghĩa phép báp têm của bạn

Chương 12

Ý nghĩa phép báp têm của bạn

1, 2. a) Tại sao mỗi cá nhân chúng ta nên chú ý đến phép báp têm trong nước? b) Nói cách vắn tắt, bạn sẽ trả lời các câu hỏi ghi nơi đoạn 2 như thế nào?

NĂM 29 tây lịch Giê-su được trầm mình dưới sông Giô-đanh. Chính Đức Giê-hô-va đã chứng kiến và biểu lộ sự tán thành của Ngài (Ma-thi-ơ 3:16, 17). Ba năm rưỡi sau đó, sau khi được sống lại, Giê-su ban chỉ thị cho các môn đồ, rằng: “Hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân,...làm phép báp-têm cho họ” (Ma-thi-ơ 28:18, 19). Bạn có làm báp têm thể theo chỉ thị của Giê-su ghi ở đây chưa? Hay bạn đang sửa soạn để làm thế?

2 Dù sao đi nữa, điều quan trọng là hiểu rõ ý nghĩa của phép báp têm. Trong số các câu hỏi đáng được xem xét có những câu này: Phép báp têm của tín đồ đấng Christ ngày nay có cùng ý nghĩa với phép báp têm của Giê-su không? Tất cả những gì Kinh-thánh nói về phép báp têm đều áp dụng cho bạn không? Sống phù hợp với ý nghĩa phép báp têm trong nước của người tín đồ đấng Christ bao hàm điều gì?

PHÉP BÁP TÊM DO GIĂNG

3. Phép báp têm của Giăng chỉ dành riêng cho ai?

3 Khoảng sáu tháng trước khi Giê-su làm báp têm, Giăng Báp-tít vào đồng vắng xứ Giu-đê giảng dạy rằng: “Các ngươi phải ăn-năn, vì nước thiên-đàng đã đến gần!” (Ma-thi-ơ 3:1, 2). Thiên hạ từ khắp vùng đó nghe điều Giăng nói, công khai thú nhận tội lỗi họ và được ông làm báp têm dưới sông Giô-đanh. Đó là phép báp têm cho người Do-thái (Công-vụ các Sứ-đồ 13:23, 24; Lu-ca 1:13-16).

4. a) Tại sao những người Do-thái cần phải khẩn cấp ăn năn? b) Để tránh chịu phép «báp têm bằng lửa» họ phải làm gì?

4 Những người Do-thái ấy cần phải khẩn cấp ăn năn. Vào năm 1513 trước tây lịch tại núi Si-na-i, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã lập một giao ước toàn quốc với tổ phụ của họ. Nhưng họ đã không làm tròn trách nhiệm của họ dưới giao ước đó nên bị giao ước này kết án là kẻ tội lỗi. Hoàn cảnh của họ thật nghiêm trọng. “Ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va” do Ma-la-chi tiên tri đã đến gần, và năm 70 tây lịch ngày ấy đã bủa xuống hủy phá chớp nhoáng thành Giê-ru-sa-lem. Giăng Báp-tít đầy lòng nhiệt thành đối với sự thờ phượng thật giống như Ê-li đã được sai đến, để “sửa-soạn cho Chúa [Đức Giê-hô-va] một dân sẵn lòng”, trước khi sự hủy diệt đó xảy đến. Họ cần phải ăn năn về tội lỗi đã phạm nghịch lại giao ước Luật pháp và sửa soạn lòng và trí để đón nhận Con Đức Chúa Trời, được Đức Giê-hô-va phái đến với họ (Ma-la-chi 4:4-6; Lu-ca 1:17; Công-vụ các Sứ-đồ 19:4). Như Giăng có giải thích, Con Đức Chúa Trời sẽ làm báp têm bằng thánh linh (các môn đồ trung thành chịu phép báp têm này lần đầu tiên vào ngày lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch) và bằng lửa (bủa xuống những kẻ không biết ăn năn bị hủy diệt năm 70 tây lịch) (Lu-ca 3:16). Để tránh chịu «phép báp têm bằng lửa» những người Do-thái sống vào thế kỷ thứ nhất ấy cần phải làm báp têm trong nước biểu hiệu sự ăn năn của họ và phải trở thành môn đồ của Giê-su Christ khi họ thấy cơ hội đó đến.

5. a) Khi Giê-su đến để chịu phép báp têm, tại sao Giăng chất vấn ngài về việc đó? b) Phép báp têm của Giê-su ở trong nước tượng trưng cho gì? c) Việc hoàn thành ý muốn Đức Chúa Trời đối với Giê-su là hệ trọng thế nào đối với ngài?

5 Trong số những người đến cùng Giăng để chịu phép báp têm thì có chính Giê-su. Nhưng tại sao? Giăng biết rằng Giê-su không có tội gì phải thú nhận cả, và vì vậy ông mới nói: “Chính tôi cần phải chịu ngài làm phép báp-têm, mà ngài lại trở đến cùng tôi sao?” Nhưng phép báp têm của Giê-su tượng trưng cho một điều gì khác. Bởi vậy ngài đáp lại: “Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công-bình như vậy” (Ma-thi-ơ 3:13-15). Phép báp têm của Giê-su không thể tượng trưng cho sự ăn năn tội lỗi; ngài cũng không cần phải dâng mình cho Đức Chúa Trời, vì ngài thuộc một dân tộc đã được hiến dâng cho Đức Giê-hô-va rồi. Thay vì thế, phép báp têm của ngài thực hiện lúc 30 tuổi là tuổi trưởng thành theo người Do-thái, tượng trưng việc ngài trình diện trước mặt Cha ngài ở trên trời để làm theo ý muốn kế tiếp của Cha ngài. Ý muốn của Đức Chúa Trời đối với “Giê-su Christ, là người” bao hàm hoạt động liên quan đến Nước Trời, cũng như sự hy sinh sự sống làm con người hoàn toàn của ngài để làm giá chuộc và căn bản cho một giao ước mới (Lu-ca 8:1; 17:20, 21; Hê-bơ-rơ 10:5-10; Ma-thi-ơ 20:28; 26:28; I Ti-mô-thê 2:5, 6). Giê-su coi rất trọng ý nghĩa tiêu biểu phép báp têm trong nước của ngài. Ngài đã không để cho những quyền lợi khác lôi cuốn ngài. Cho đến lúc cuối cùng đời sống trên đất, ngài cứ đeo đuổi việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời (Giăng 4:34).

PHÉP BÁP TÊM TRONG SỰ CHẾT

6. Giê-su còn phải chịu phép báp têm nào khác và trong khoảng thời gian bao lâu?

6 Phù hợp với ý nghĩa tiêu biểu của phép báp têm trong nước của Giê-su, ngài cũng chịu một phép báp têm khác. Ngài biết sứ mạng Đức Chúa Trời vạch sẵn cho ngài sẽ đưa ngài đến chỗ hiến dâng sự sống làm người để làm của-lễ hy sinh, nhưng rồi ngài sẽ được sống lại như một thần linh vào ngày thứ ba. Ngài nói đến điều này như là một phép báp têm. Phép “báp têm” này khởi sự năm 29 tây lịch và chỉ được hoàn tất khi ngài chết đi thật sự và được sống lại. Như thế khoảng ba năm sau khi làm lễ trầm mình trong nước ngài có thể nói cách thích hợp: “Có một phép báp-têm mà ta phải chịu, ta đau-đớn biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn-thành!” (Lu-ca 12:50).

7. a) Ai khác nữa cũng chịu phép báp têm trong sự chết? b) Ai thực hiện phép báp têm này?

7 Những người sẽ cai trị với đấng Christ trong Nước Trời ở trên trời cũng phải chịu phép báp têm trong sự chết (Mác 10:37-40; Cô-lô-se 2:12). Khi chết họ rời bỏ vĩnh viễn đời sống làm người, giống như Giê-su. Và lúc được sống lại họ đến cùng với ngài để cai trị ở trên trời. Đây là một phép báp têm không phải do loài người, mà do Đức Chúa Trời thực hiện qua trung gian Con trên trời của Ngài.

8. Việc họ cũng “chịu phép báp-têm trong Đức Chúa Giê-su Christ” có nghĩa gì?

8 Những người chịu phép báp têm trong sự chết của Giê-su cũng được nói là “chịu phép báp-têm trong Đức Chúa Giê-su Christ”. Nhờ có thánh linh được ban cho qua trung gian đấng Christ họ được hiệp một với ngài là đầu họ để trở nên thành viên của hội-thánh ngài, “thân-thể” ngài, được xức dầu bằng thánh linh. Vì thánh linh ấy khiến họ có khả năng phản ảnh nhân cách siêu việt của đấng Christ, nên có thể nói rằng hết thảy họ đều trở nên “một [người]” với Giê-su Christ (Rô-ma 6:3-5; I Cô-rinh-tô 12:13; Ga-la-ti 3:27, 28; Công-vụ các Sứ-đồ 2:32, 33).

PHÉP BÁP TÊM TRONG NƯỚC CỦA TÍN ĐỒ ĐẤNG CHRIST

9. a) Khi nào thì phép báp têm theo thể thức ghi nơi Ma-thi-ơ 28:19 đã diễn ra lần đầu tiên? b) Bằng cách dùng những câu hỏi và những câu Kinh-thánh được cung cấp trong đoạn này, hãy phân tích những điểm được Giê-su nêu ra mà các ứng viên báp têm phải nhìn nhận.

9 Những môn đồ đầu tiên của Giê-su đã được Giăng làm báp têm trong nước và rồi được hướng dẫn đến Giê-su để trở nên những thành viên tương lai của vợ ngài theo nghĩa thiêng liêng (Giăng 3:25-30). Theo chỉ thị của Giê-su họ cũng đã làm báp têm cho một số người, phép báp têm này có cùng ý nghĩa với phép báp têm của Giăng (Giăng 4:1-3). Tuy nhiên, kể từ ngày lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch họ khởi sự thực hiện công việc được giao phó là “nhơn danh Cha, Con và thánh-linh” để làm báp têm (Ma-thi-ơ 28:19). Bạn sẽ thấy rất có ích khi ôn lại ý nghĩa của điều này dựa vào những câu Kinh-thánh được dẫn chứng cùng với những câu hỏi sau đây:

Để chịu phép báp têm “nhơn danh Cha”, một người phải nhìn nhận điều gì liên quan đến Cha? (II Các Vua 19:15; Thi-thiên 3:8; 73:28; Ê-sai 6:3; Rô-ma 15:6; Hê-bơ-rơ 12:9; Gia-cơ 1:17).

Phép báp têm nhân danh “Con” đòi hỏi phải nhìn nhận điều gì? (Ma-thi-ơ 16:16, 24; Phi-líp 2:9-11; Hê-bơ-rơ 5:9, 10).

Một người phải tin gì để được làm báp têm nhân danh “thánh linh”? (Lu-ca 11:13; Giăng 14:16, 17; Công-vụ các Sứ-đồ 1:8; 10:38; Ga-la-ti 5:22, 23; II Phi-e-rơ 1:21).

10. a) Phép báp têm trong nước của tín đồ đấng Christ ngày nay tượng trưng cho gì? b) Phép báp têm này khác với phép báp têm của Giê-su ra sao? c) Khi những người đã hội đủ điều kiện theo Kinh-thánh chịu phép báp têm, họ trở thành gì?

10 Những người đầu tiên chịu phép báp têm thể theo những chỉ thị ấy của Giê-su là những người Do-thái (và những người nhập đạo Do-thái) đã được dâng hiến cho Đức Chúa Trời với tư cách một quốc gia và được Ngài đối xử đặc biệt cho đến năm 36 tây lịch. Tuy nhiên, khi đặc ân được làm môn đồ của đấng Christ mở rộng cho người Sa-ma-ri và những người ngoại, trước khi làm báp têm những người này cần phải tự dâng mình vô điều kiện cho Đức Giê-hô-va để phụng sự Ngài với tư cách môn đồ của Con Ngài. Đối với tất cả mọi người, kể cả người Do-thái, đó vẫn còn là ý nghĩa của phép báp têm trong nước của tín đồ đấng Christ cho đến ngày nay. Đối với tất cả những ai trở thành tín đồ thật của đấng Christ chỉ có “một phép báp-têm” này. Vậy họ trở thành tín đồ đấng Christ và Nhân-chứng của Đức Giê-hô-va, những tôi tớ được Đức Chúa Trời bổ nhiệm (Ê-phê-sô 4:5; II Cô-rinh-tô 6:3, 4).

11. a) Phép báp têm trong nước của người tín đồ đấng Christ tương ứng với gì, và thế nào? b) Vậy người tín đồ đấng Christ được cứu thoát khỏi điều gì?

11 Phép báp têm ấy có giá trị lớn trước mắt Đức Chúa Trời. Sau khi đề cập đến việc Nô-ê đóng tàu ngõ hầu bảo toàn sự sống cho ông và gia đình ông qua khỏi trận Nước Lụt, sứ đồ Phi-e-rơ lưu ý điều này. Ông viết: “Phép báp-têm bây giờ bèn là ảnh-tượng của sự ấy để cứu anh em, phép ấy chẳng phải sự làm sạch ô-uế của thân-thể, nhưng một sự liên-lạc lương-tâm tốt với Đức Chúa Trời, bởi sự sống lại của Đức Chúa Giê-su Christ” (I Phi-e-rơ 3:21). Chiếc tàu thuở xưa đó là một bằng chứng cụ thể của việc Nô-ê đã dâng mình làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và sau đó đã trung thành làm tròn công việc do Đức Chúa Trời giao phó. Bởi thế ông đã được cứu thoát. Tương tự như thế, những ai dâng mình cho Đức Giê-hô-va dựa vào đức tin nơi đấng Christ được sống lại, đoạn chịu phép báp têm tiêu biểu cho việc dâng mình và rồi làm theo ý muốn Đức Chúa Trời đối với các tôi tớ Ngài thời nay được cứu khỏi thế gian hung ác hiện tại (Ga-la-ti 1:3, 4). Họ không còn phải đi đến sự hủy diệt cùng với những người khác thuộc thế gian. Họ đã được cứu thoát khỏi điều này và đã được Đức Chúa Trời ban cho một lương tâm tốt.

LÀM TRÒN TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA

12. Tại sao việc một người làm báp têm không đương nhiên bảo đảm cho sự cứu rỗi?

12 Nếu kết luận rằng hễ làm báp têm là đương nhiên được cứu rỗi hẳn là sai lầm. Phép báp têm chỉ có giá trị khi nào một người thật sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua trung gian Giê-su Christ và sau đó tiếp tục làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, giữ trung thành cho đến cuối cùng (Ma-thi-ơ 24:13).

13. a) Đức Chúa Trời muốn cho những tín đồ đấng Christ đã làm báp têm phải dùng đời sống của họ thế nào? b) Chúng ta nên xem việc làm môn đồ của đấng Christ quan trọng thế nào trong đời sống?

13 Ý muốn Đức Chúa Trời đối với Giê-su bao gồm cách ngài sử dụng sự sống làm người. Giê-su phải từ bỏ sự sống đó khi chịu chết để làm của-lễ hy sinh. Trong trường hợp chúng ta, chúng ta dâng thân thể cho Đức Chúa Trời để sống một đời sống đầy hy sinh. Thân thể chúng ta chỉ được dùng cách chuyên độc cho việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời (Rô-ma 12:1, 2). Chắc hẳn chúng ta không làm thế nếu chúng ta cố ý, ngay dù chỉ thỉnh thoảng, cư xử như người thế gian sống chung quanh chúng ta, hay nếu chúng ta xây dựng đời sống trên việc đeo đuổi những điều tư kỷ, trong khi chỉ phụng sự Đức Chúa Trời cho có lệ thôi (I Phi-e-rơ 4:1-3; I Giăng 2:15-17). Khi một người Do-thái nọ hỏi y phải làm gì để được sự sống đời đời, Giê-su nhắc nhở y nhớ tới tầm quan trọng của việc sống một đời sống đạo đức trong sạch, và rồi ngài nêu rõ là cần phải xem việc làm môn đồ ngài là việc quan trọng nhất trong đời. Không thể để cho việc đeo đuổi những điều vật chất lấn áp việc làm môn đồ của Giê-su (Ma-thi-ơ 19:16-21).

14. a) Tất cả các tín đồ đấng Christ có trách nhiệm gì liên quan đến Nước Trời? b) Như được dẫn chứng bằng hình vẽ nơi trang 101, một vài cách hữu hiệu để làm công việc này là gì? c) Nếu chúng ta thật sự tham gia vào hoạt động ấy hết lòng, đó là bằng chứng cụ thể của điều gì?

14 Cũng nên nhớ rằng ý muốn Đức Chúa Trời đối với Giê-su bao hàm hoạt động trọng yếu liên quan đến Nước Trời. Chính Giê-su đã được xức dầu để làm Vua. Nhưng khi còn ở trên đất ngài cũng là một nhân-chứng nhiệt thành cho Nước Trời. Chúng ta cũng có một công việc làm chứng tương tự như thế và có mọi lý do để hết lòng làm công việc này. Khi làm thế chúng ta chứng tỏ sự biết ơn đối với quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và lòng yêu thương của chúng ta đối với người đồng loại. Chúng ta cũng cho thấy rằng chúng ta hợp nhất với những anh em cùng đạo sống trên khắp thế giới, tất cả những người đó là nhân-chứng cho Nước Trời, hết thảy chúng ta đều tiến đến mục tiêu là sự sống đời đời trong lãnh vực nằm dưới quyền cai trị của Nước Trời đó.

Thảo Luận Để Ôn Lại

● Giữa phép báp têm của Giê-su và phép báp têm trong nước ngày nay có những điểm giống nhau và những điểm khác nhau nào?

● Phép báp têm của Giăng dành cho ai? Ai chịu phép báp têm trong sự chết? Và ai “chịu phép báp-têm trong Đức Chúa Giê-su Christ”?

● Làm tròn trách nhiệm về phép báp têm trong nước của tín đồ đấng Christ bao hàm điều gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Các hình nơi trang 101]

Bạn Tuyên Bố Về Nước Trời Bằng Những Cách Nào?

Từ nhà này sang nhà kia

Bằng cách trở lại viếng thăm những người chú ý

Ở các học hỏi Kinh-thánh tại nhà

Ngoài đường phố

Cho bạn học

Cho bạn đồng nghiệp