Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đấng mà tất cả các nhà tiên tri đều làm chứng

Đấng mà tất cả các nhà tiên tri đều làm chứng

Chương 4

Đấng mà tất cả các nhà tiên tri đều làm chứng

1. Những dữ kiện về sự hiện hữu của Giê-su trước khi xuống đất làm người cho thấy gì về sự liên hệ của ngài với Đức Giê-hô-va?

ĐỂ DIỄN TẢ sự liên hệ đậm đà của chính mình với Đức Giê-hô-va, Giê-su nói: “Cha yêu Con và tỏ cho mọi điều Cha làm” (Giăng 5:19, 20). Sự liên hệ mật thiết đó đã bắt đầu từ lúc ngài được sáng tạo, không biết bao nhiêu ngàn năm trước khi ngài sanh ra làm người. Giê-su là Con một của Đức Chúa Trời, đấng duy nhất được Đức Giê-hô-va đích thân sáng tạo. Tất cả mọi vật khác trên trời và dưới đất đều được sáng tạo qua trung gian Con đầu lòng yêu dấu đó. Ngài cũng phụng sự với nhiệm vụ Ngôi Lời hay Phát ngôn viên của Đức Chúa Trời, tức là qua trung gian ngài ý muốn của Đức Chúa Trời được truyền đến những tạo vật khác. Chính người Con này mà Đức Chúa Trời đặc biệt yêu quí, đã trở thành con người, Giê-su Christ (Cô-lô-se 1:15, 16; Giăng 1:14; 12:49, 50).

2. Những lời tiên tri của Kinh-thánh nói nhiều về Giê-su tới mức độ nào?

2 Trước khi Giê-su sanh ra làm người bằng phép lạ, có rất nhiều lời tiên tri được soi dẫn nói về ngài đã được ghi chép. Như sứ đồ Phi-e-rơ chứng thật với Cọt-nây, “hết thảy các đấng tiên-tri đều làm chứng nầy về ngài” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:43). Vai trò của Giê-su liên quan đến sự thờ phượng thánh sạch được trình bày trong Kinh-thánh một cách sâu rộng đến nỗi một thiên sứ nói với sứ đồ Giăng: “Hãy thờ-lạy Đức Chúa Trời. Vì sự làm chứng cho Đức Chúa Giê-su là đại-ý của lời tiên-tri” (Khải-huyền 19:10). Những lời tiên tri đó nhận diện ngài cách rõ rệt và gợi sự chú ý đến những khía cạnh của ý định của Đức Chúa Trời liên quan đến ngài mà ngày nay chúng ta ân cần quan tâm tới.

SỰ TIẾT LỘ CỦA NHỮNG LỜI TIÊN TRI

3. a) “Con rắn” tượng trưng cho ai trong lời tiên tri ở Sáng-thế Ký 3:14, 15? “Người nữ” tượng trưng cho ai? «Dòng-dõi con rắn» tượng trưng cho ai? b) Tại sao tôi tớ của Đức Giê-hô-va quan tâm nhiều tới việc «giày-đạp đầu con rắn»?

3 Lời tiên tri đầu nhất trong số đó đã được phán ra sau cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen, được bao hàm trong lời phán xét của Đức Giê-hô-va đối với con rắn. Đức Giê-hô-va nói: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chơn người” (Sáng-thế Ký 3:14, 15). Điều đó có nghĩa gì? Khi đến kỳ Đức Chúa Trời đã định, những lời tiên tri khác làm sáng tỏ và bổ túc thêm cho lời tiên tri đó. Bởi vậy chúng ta biết lời tiên tri ấy dành cho Sa-tan Ma-quỉ, được tượng trưng bởi con rắn. “Người nữ” là tổ chức trung tín ở trên trời của Đức Giê-hô-va; Ngài xem tổ chức ấy như một người vợ trung thành với Ngài. «Dòng-dõi của con rắn» gồm cả những thiên sứ và những người biểu lộ tinh thần của Ma-quỉ, tức những kẻ chống lại Đức Giê-hô-va và dân Ngài. Dựa theo cách Ma-quỉ dùng con rắn trong vườn Ê-đen, ta có thể nhận định rằng khi lời tiên tri nói về việc «giày đạp đầu con rắn» điều này có nghĩa là sau rốt đứa con phản nghịch ấy của Đức Chúa Trời, đã vu khống Đức Giê-hô-va và đem lại khổ ải cho loài người, sẽ bị hủy diệt. Nhưng “dòng-dõi” sẽ đạp đầu con rắn là ai? Suốt một thời gian dài bí mật thánh đó đã được giữ kín (Rô-ma 16:25, 26).

4. Làm thế nào dòng họ tổ tiên của Giê-su giúp nhận diện ngài như là Dòng dõi đã hứa?

4 Sau khoảng 2.000 năm lịch sử nhân loại Đức Giê-hô-va đã cung cấp thêm chi tiết. Ngài cho thấy rằng Dòng dõi sẽ xuất hiện trong dòng họ của Áp-ra-ham (Sáng-thế Ký 22:15-18). Tuy nhiên, dòng họ dẫn đến Dòng dõi không chỉ tùy thuộc vào liên hệ xác thịt nhưng tùy thuộc nơi sự chọn lựa của Đức Chúa Trời. Dù Áp-ra-ham yêu thương con mình là Ích-ma-ên do nàng hầu A-ga sanh ra, Đức Giê-hô-va nói thẳng: “Ta sẽ lập giao-ước ta cùng Y-sác, độ khoảng nầy năm tới Sa-ra phải sanh cho ngươi” (Sáng-thế Ký 17:18-21; 21:8-12). Sau đó giao ước ấy được xác nhận lại không phải với con đầu lòng của Y-sác là Ê-sau, nhưng với Gia-cốp, tổ phụ 12 chi phái Y-sơ-ra-ên (Sáng-thế Ký 28:10-14). Dần dần chúng ta được thấy là Dòng dõi sẽ sanh ra trong chi phái Giu-đa, trong nhà Đa-vít (Sáng-thế Ký 49:10; I Sử-ký 17:3, 4, 11-14).

5. Ngay từ buổi đầu của thánh chức trên đất của Giê-su, điều gì khác cũng cho thấy rõ ngài là đấng Mê-si?

5 Hơn 700 năm trước khi Dòng dõi sanh ra, Kinh-thánh cho biết nơi sanh của ngài sẽ là Bết-lê-hem, nhưng cũng tiết lộ rằng ngài là đấng đã có rồi “từ đời xưa, từ trước vô-cùng”, từ khi ngài đã được tạo ra ở trên trời (Mi-chê 5:1). Nhà tiên tri Đa-ni-ên báo trước về thời kỳ ngài sẽ xuất hiện trên đất để làm đấng Mê-si, đấng được Xức dầu của Đức Giê-hô-va (Đa-ni-ên 9:24-26). Và khi ngài được xức dầu bằng thánh linh, một tiếng nói từ trên trời nhận diện ngài (Ma-thi-ơ 3:16, 17). Vì thế, sau khi trở thành môn đồ của Giê-su, Phi-líp có thể nói với sự tin chắc: “Chúng ta đã gặp đấng mà Môi-se có chép trong Luật-pháp, và các tiên-tri cũng có nói đến; ấy là Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét, con [nuôi] của Giô-sép” (Giăng 1:45).

6. a) Sau khi Giê-su chết, các môn đồ của ngài nhận thức được điều gì? b) Ai là “dòng-dõi người nữ”, dòng dõi chính, và việc ngài chà đạp đầu con rắn có nghĩa gì?

6 Sau đó, các môn đồ của Giê-su nhận thức rằng rất nhiều lời tiên tri chỉ về ngài đã được ghi chép trong các thánh thư được soi dẫn. Sau khi chết và sống lại, ngài đã đích thân “cắt-nghĩa cho [họ] những lời chỉ về ngài trong cả Kinh-thánh” (Lu-ca 24:27). Giờ đây rõ ràng Giê-su là “dòng-dõi người nữ”, dòng dõi chính sẽ chà đạp đầu “con rắn” để rồi sau cùng Sa-tan sẽ bị hủy diệt hoàn toàn. Qua trung gian Giê-su tất cả những lời hứa của Đức Chúa Trời cho nhân loại, tất cả những điều mà chúng ta hằng nóng lòng mong đợi, sẽ thành tựu (II Cô-rinh-tô 1:20).

7. Ngoài việc nhận diện đấng được những lời tiên tri nói đến, xem xét điều gì khác cũng có ích?

7 Lần đầu tiên khi bạn đọc những lời tiên tri này có lẽ bạn đã tự hỏi, giống như viên hoạn quan người Ê-thi-ô-bi: “Đấng tiên-tri đã nói điều đó về ai?” Nhưng viên hoạn quan đã không ngừng lại tại đó, khi nhận được câu trả lời. Sau khi lắng nghe cẩn thận lời giải thích của Phi-líp, người hiểu rằng lòng biết ơn đối với việc Giê-su đã làm ứng nghiệm lời tiên tri khiến ông phải hành động bằng cách chịu báp têm (Công-vụ các Sứ-đồ 8:32-38; Ê-sai 53:3-9). Chúng ta có phản ứng giống thế không? Đôi khi cách thức trình bày một lời tiên tri khiến chúng ta được cảm kích sâu đậm, hoặc khi chính Kinh-thánh cho thấy sự ứng nghiệm của lời tiên tri và đưa đến một số kết luận, khiến chúng ta cảm động trong lòng.

8. Trong đoạn này chúng ta xem xét bốn hình ảnh tiên tri liên quan đến Giê-su. Hãy lý luận dựa trên các câu hỏi và câu Kinh-thánh dẫn chứng để cho thấy những lời tiên tri này có ảnh hưởng gì đến chúng ta. Chỉ xem xét từng lời tiên tri một.

8 Hãy lưu ý điều này đúng ra sao qua những lời hứa và những hình bóng tiên tri chỉ về Giê-su Christ. Những câu hỏi đặt ra để cho bạn trả lời với sự giúp đỡ của những câu Kinh-thánh được dẫn chứng.

(1) Lời tường thuật về việc Áp-ra-ham toan dâng Y-sác làm của-lễ giúp chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va về việc Ngài cung cấp giá chuộc qua trung gian Con Ngài như thế nào? (Giăng 3:16; Sáng-thế Ký 22:1-18 [lưu ý Y-sác được mô tả thế nào ở Sáng-thế Ký 22 câu 2]).

Điều này nên cho chúng ta sự tin cậy nào? (Rô-ma 8:32, 38, 39)

Nhưng chúng ta được đòi hỏi phải làm gì? (Sáng-thế Ký 22:18; Giăng 3:36)

(2) Khi nhận diện Giê-su là nhà tiên tri giống như Môi-se, Kinh-thánh nhắc nhở chúng ta trách nhiệm hệ trọng nào? (Công-vụ các Sứ-đồ 3:22, 23; Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:15-19)

Giê-su đã nói với chúng ta một số điều gì, và tại sao những điều đó hiện nay vẫn còn hợp thời? (Ma-thi-ơ 28:18-20; 19:4-9; 18:3-6)

(3) Khi giải thích chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm của A-rôn làm hình bóng trước cho điều gì, Kinh-thánh hướng sự chú ý tới những đức tính hấp dẫn nào của thầy tế lễ thượng phẩm Giê-su? (Hê-bơ-rơ 4:15 đến 5:3; 7:26-28)

Vậy chúng ta nên cảm thấy thế nào về việc đến gần Đức Chúa Trời để cầu nguyện qua trung gian đấng Christ để xin Ngài giúp chúng ta thắng được những yếu kém của chúng ta?

(4) Xét rằng sự hy sinh của Giê-su cao quí hơn (thay thế tất cả những của-lễ theo Luật Môi-se), tại sao chúng ta nên rất cẩn thận hầu tránh có thói quen làm bất cứ điều gì chúng ta biết là làm buồn lòng Đức Chúa Trời? (Hê-bơ-rơ 10:26, 27)

Nếu chúng ta thật sự quí trọng hy vọng về sự sống có được nhờ sự hy sinh của Giê-su, chúng ta sẽ siêng năng làm gì? (Hê-bơ-rơ 10:19-25)

CHÚNG TA CÓ THỂ BÀY TỎ ĐỨC TIN NƠI ĐẤNG CHRIST NHƯ THẾ NÀO?

9. Tại sao không có sự cứu rỗi nào cho chúng ta ngoài sự cứu rỗi do Giê-su Christ?

9 Sau khi chỉ rõ cho tòa án Do-thái tối cao tại Giê-ru-sa-lem cách Giê-su đã làm ứng nghiệm lời tiên tri, sứ đồ Phi-e-rơ kết luận cách hùng hồn: “Chẳng có sự cứu-rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:11, 12; Thi-thiên 118:22). Tất cả các con cháu của A-đam đều là người tội lỗi, vậy vì tội lỗi họ bị kết án phải chết và sự chết của họ không thể chuộc lại bất cứ người nào vì không có giá trị gì. Nhưng Giê-su đã là người hoàn toàn, và việc phó sự sống của ngài có giá trị của một sự hy sinh (Thi-thiên 49:6-9; Hê-bơ-rơ 2:9). Ngài đã dâng cho Đức Chúa Trời một giá chuộc có giá trị tương đương chính xác với điều mà A-đam đã đánh mất, không truyền lại được cho con cháu. Điều này đem lại lợi ích gì cho chúng ta? (I Ti-mô-thê 2:5, 6).

10. Hãy giải thích một trong những lợi ích lớn do sự hy sinh của Giê-su đem lại cho chúng ta.

10 Nhờ có giá chuộc của Giê-su chúng ta có thể được tha tội và có được một lương tâm trong sạch—còn hơn là điều mà các của-lễ thú vật dưới Luật pháp Môi-se đã đem lại cho dân Y-sơ-ra-ên (Công-vụ các Sứ-đồ 13:38, 39; Hê-bơ-rơ 9:13, 14). Dĩ nhiên, muốn được thế chúng ta cần phải tỏ ra lương thiện với chính mình và thật sự tin nơi Giê-su Christ. Cá nhân chúng ta có hiểu rõ là mình cần đến sự hy sinh của đấng Christ tới độ nào không? “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa-dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành-tín công-bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian-ác” (I Giăng 1:8, 9).

11. Tại sao sự trầm mình trong nước là một yếu tố quan trọng để có được một lương tâm tốt đối với Đức Chúa Trời?

11 Dĩ nhiên, một số người nói là họ nhìn nhận mình là người tội lỗi và tự xưng tin nơi đấng Christ, ngay cả chia xẻ ít nhiều với người khác tin mừng về Nước Đức Chúa Trời như Giê-su đã làm, tuy vậy, họ không hẳn có đức tin hoàn toàn nơi đấng Christ. Như thế nào? Như Kinh-thánh cho biết, vào thế kỷ thứ nhất khi người ta thật sự trở nên tín đồ, họ đã công khai chứng tỏ điều đó như thế nào? Họ đã làm báp têm. Tại sao? Bởi vì Giê-su có ra lệnh là những ai làm môn đồ ngài phải chịu báp têm (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Công-vụ các Sứ-đồ 8:12; 18:8). Khi lòng một người thật sự được cảm kích vì sự sắp đặt đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va qua trung gian Giê-su Christ, người đó sẽ không lưỡng lự, nhưng sẽ làm những sửa đổi cần thiết trong đời sống, dâng mình cho Đức Chúa Trời và biểu hiệu việc đó bằng sự trầm mình trong nước. Như Kinh-thánh cho thấy, nhờ chứng tỏ đức tin bằng cách này, người đó cầu xin để có được “lương-tâm tốt với Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 3:21).

12. Nếu chúng ta ý thức được là đã phạm tội, chúng ta nên làm gì, và tại sao?

12 Dĩ nhiên là ngay cả sau đó, bản tính tội lỗi vẫn còn thể hiện. Vậy thì phải làm gì? Sứ đồ Giăng nói: “Ta viết cho các con những điều nầy, hầu cho các con khỏi phạm tội”. Như thế chúng ta không nên coi nhẹ tội lỗi của chúng ta, dù thể hiện qua hành động, lời nói hoặc thái độ. “Nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có đấng cầu thay ở nơi Đức Chúa Cha, là Đức Chúa Giê-su Christ, tức là đấng công-bình. Ấy chính ngài làm của-lễ chuộc tội-lỗi chúng ta, không những vì tội-lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội-lỗi cả thế-gian nữa” (I Giăng 2:1, 2). Phải chăng điều đó có nghĩa là, dù chúng ta làm bất cứ điều gì, nếu chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời: «Xin Ngài tha tội cho chúng con» thì mọi việc đều ổn thỏa? Không. Phải có sự ăn năn thật sự mới có sự tha thứ. Cũng có thể cần có sự giúp đỡ của các trưởng lão trong hội-thánh tín đồ đấng Christ. Chúng ta cần phải nhìn nhận việc sai lầm đã phạm và cảm thấy thành thật hối tiếc để rồi hết lòng cố gắng để tránh tái phạm (Công-vụ các Sứ-đồ 3:19; Gia-cơ 5:13-16). Nếu chúng ta làm thế, chúng ta có thể tin chắc được Giê-su giúp đỡ. Dựa trên căn bản đức tin nơi giá trị của sự hy sinh chuộc tội của ngài, chúng ta có thể nhận được ân huệ của Đức Giê-hô-va trở lại, và điều này rất cần thiết nếu muốn cho sự thờ phượng của chúng ta làm đẹp lòng Ngài.

13. a) Hãy giải thích một lợi ích khác mà sự hy sinh của Giê-su đem lại cho chúng ta. b) Tại sao đây không phải là giải thưởng mà chúng ta nhận được nhờ phụng sự Đức Chúa Trời? c) Nhưng nếu chúng ta thật sự có đức tin, chúng ta sẽ làm gì?

13 Sự hy sinh của Giê-su cũng mở đường cho chúng ta cơ hội sống đời đời—ở trên trời cho một “bầy nhỏ”, và trong Địa-đàng trên đất cho hàng tỷ người khác trong nhân loại (Lu-ca 12:32; Khải-huyền 20:11, 12; 21:3, 4). Đó không phải là để thưởng công cho chúng ta. Dù cho chúng ta có phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều đến đâu, chúng ta vẫn không thể tạo được công trạng đáng để Đức Chúa Trời phải thưởng cho sự sống. Sự sống đời đời là “sự ban cho của Đức Chúa Trời...trong Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23; Ê-phê-sô 2:8-10). Tuy nhiên, nếu chúng ta có đức tin nơi sự ban cho đó và quí trọng cách thức mà Đức Chúa Trời dùng để ban cho sự sống, chúng ta sẽ biểu lộ đức tin ấy. Nếu chúng ta nhận thức được việc Đức Giê-hô-va dùng Giê-su để hoàn thành ý muốn của Ngài cách kỳ diệu làm sao và việc tất cả chúng ta cần phải theo sát gương mẫu của Giê-su là trọng yếu thế nào, thì đối với chúng ta việc quan trọng nhất trong đời sống sẽ là công việc rao giảng của tín đồ đấng Christ. Đức tin của chúng ta sẽ được thấy rõ qua sự nhiệt tâm của chúng ta khi nói với người khác về sự ban cho tuyệt diệu này của Đức Chúa Trời. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 20:24).

14. Đức tin như thế nơi Giê-su Christ có hiệu quả hợp nhất như thế nào?

14 Đức tin như thế thật có một hiệu quả hợp nhất tốt biết bao! Nhờ có đức tin chúng ta tiến đến gần Đức Giê-hô-va, gần Con Ngài và gần gũi với nhau trong hội-thánh tín đồ đấng Christ (I Giăng 3:23, 24). Đức tin khiến chúng ta vui mừng thấy Đức Giê-hô-va ban cho Con Ngài cách nhân từ “danh trên hết mọi danh [ngoại trừ danh của Đức Chúa Trời], hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Giê-su, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-su Christ là Chúa, mà tôn-vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Phi-líp 2:9-11).

Thảo Luận Để Ôn Lại

● Khi đấng Mê-si xuất hiện, tại sao những ai thật sự tin nơi Lời Đức Chúa Trời đã nhận diện ngài cách rõ ràng?

● Những hình bóng tiên tri nêu ra nơi trang 34, được ứng nghiệm nơi Giê-su, nên có ảnh hưởng nào đối với chúng ta?

● Của-lễ hy sinh của Giê-su đã đem lại những lợi ích nào cho chúng ta rồi? Làm sao chúng ta có thể bày tỏ sự biết ơn về điều đó?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung/​Các hình nơi trang 34]

Những Hình Bóng Tiên Tri Về Giê-su—Nên có ảnh hưởng nào đối với bạn?

Áp-ra-ham dâng Y-sác làm của-lễ

Môi-se làm phát ngôn viên cho Đức Chúa Trời

A-rôn làm thầy tế lễ thượng phẩm

Các của-lễ hy sinh bằng thú vật