Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va chỉ huy tổ chức của Ngài như thế nào?

Đức Giê-hô-va chỉ huy tổ chức của Ngài như thế nào?

Chương 15

Đức Giê-hô-va chỉ huy tổ chức của Ngài như thế nào?

1. Kinh-thánh tiết lộ điều gì về tổ chức Đức Giê-hô-va, và tại sao điều này quan trọng đối với chúng ta?

QUA TRUNG GIAN Kinh-thánh được soi dẫn, Đức Giê-hô-va cho chúng ta một khái niệm về tổ chức huyền diệu của Ngài ở trên trời (Ê-sai 6:2, 3; Ê-xê-chi-ên 1:1, 4-28; Đa-ni-ên 7:9, 10, 13, 14). Mặc dù chúng ta không thể thấy những tạo vật thần linh, Ngài báo cho chúng ta biết về cách mà hoạt động của các thiên sứ thánh ảnh hưởng đến những người thờ phượng thật trên đất (Sáng-thế Ký 28:12, 13; II Các Vua 6:15-17; Thi-thiên 34:7; Ma-thi-ơ 13:41, 42; 25:31, 32). Kinh-thánh cũng miêu tả tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va và giúp chúng ta hiểu cách Ngài chỉ huy tổ chức đó. Nếu chúng ta thật sự có sự hiểu biết thiêng liêng về những điều này, chúng ta sẽ được giúp để “ăn-ở cách xứng-đáng với Chúa [Đức Giê-hô-va], đặng đẹp lòng Ngài mọi đường” (Cô-lô-se 1:9, 10).

NHẬN DIỆN TỔ CHỨC HỮU HÌNH

2. Kể từ lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch hội-thánh Đức Chúa Trời là gì?

2 Suốt 1.545 năm nước Y-sơ-ra-ên đã từng là hội-thánh Đức Chúa Trời. Nhưng họ đã không giữ giao ước Luật pháp và chối bỏ chính Con Đức Chúa Trời. Do đó Đức Giê-hô-va thiết lập một hội-thánh mới, và Ngài lập một giao ước mới với hội-thánh này, được nhận diện trong Kinh-thánh như là người vợ mới của đấng Christ, gồm có 144.000 người được Đức Chúa Trời chọn để phối hợp với Con Ngài ở trên trời (Ê-phê-sô 5:22-32; Khải-huyền 14:1; 21:9, 10). Những người đầu tiên được xức dầu bằng thánh linh vào kỳ lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch. Qua trung gian thánh linh Đức Giê-hô-va cho thấy rõ cách không thể nhầm lẫn được rằng lúc bấy giờ Ngài dùng hội-thánh này để hoàn thành ý định của Ngài (Hê-bơ-rơ 2:2-4).

3. Tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va ngày nay gồm có ai?

3 Ngày nay trên đất chỉ còn một phần sót lại trong số 144.000 người. Nhưng, để ứng nghiệm lời tiên tri, một đám đông các “chiên khác” đã được đưa đến kết hợp tích cực với họ. Giê-su Christ, đấng Chăn chiên hiền lành đã phối hợp các “chiên khác” này với những người được xức dầu bằng thánh linh còn sót lại để lập thành chỉ “một bầy” dưới sự dìu dắt của ngài như “một người chăn mà thôi” (Giăng 10:11, 16; Khải-huyền 7:9, 10). Tất cả những người này hợp thành một tổ chức hợp nhất, tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va ngày nay.

CƠ CẤU CỦA TỔ CHỨC THẦN QUYỀN

4. Ai chỉ huy tổ chức, và thế nào?

4 Từ ngữ “Hội-thánh của Đức Chúa Trời hằng sống” được dùng trong Kinh-thánh biểu lộ rõ rệt ai chỉ huy tổ chức này. Đây là tổ chức thần quyền, hay do Đức Chúa Trời cai trị. Đức Giê-hô-va ban chỉ thị cho dân Ngài qua trung gian đấng mà Ngài đã bổ nhiệm làm đấng cầm đầu vô hình của hội-thánh, Chúa Giê-su Christ, và qua trung gian Lời được soi dẫn của Ngài, tức Kinh-thánh (I Ti-mô-thê 3:14, 15; Ê-phê-sô 1:22, 23; II Ti-mô-thê 3:16, 17).

5. a) Sự chỉ huy hội-thánh từ trên trời được thể hiện rõ thế nào vào thế kỷ thứ nhất? b) Điều gì cho thấy Giê-su vẫn còn là đầu hội-thánh?

5 Sự chỉ huy thần quyền như thế được thể hiện rõ rệt khi những thành viên đầu tiên của hội-thánh được thánh linh thúc đẩy hành động vào lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4, 32, 33). Điều này biểu lộ rõ khi thiên sứ Đức Giê-hô-va hướng dẫn sự việc đưa đến việc truyền bá tin mừng đến tận Phi Châu (Công-vụ các Sứ-đồ 8:26-39). Cũng thế, khi Giê-su lên tiếng ra chỉ thị lúc Sau-lơ người đất Tạt-sơ cải đạo và một lần nữa khi công việc giáo sĩ được khởi sự giữa dân ngoại (Công-vụ các Sứ-đồ 9:3-7, 10-17; 10:9-16, 19-23; 11:12). Nhưng chỉ thị cần thiết không phải lúc nào cũng được ban ra cách phi thường như thế. Rồi đến lúc không còn nghe thấy tiếng nói gì từ trên trời, cũng không còn có thiên sứ hiện ra cho người ta thấy và cũng không còn có các sự ban cho mầu nhiệm của thánh linh. Tuy thế Giê-su có hứa với các môn đồ trung thành của ngài: “Nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế”, và quả thật như lời (Ma-thi-ơ 28:20; I Cô-rinh-tô 13:8). Không những các Nhân-chứng Giê-hô-va thừa nhận quyền lãnh đạo của Giê-su, nhưng họ cũng thấy hiển nhiên là nếu không có sự giúp đỡ của ngài, họ không thể nào tiếp tục rao truyền thông điệp Nước Trời trước sự chống đối kịch liệt của người khác.

6. a) Ai hợp thành “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”, và tại sao? b) Giê-su đã giao phó cho “đầy-tớ” đó trách nhiệm nào?

6 Ít lâu trước khi chết Giê-su nói với các môn đồ về một “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” sẽ được ngài lấy quyền làm Chủ mà giao phó cho trách nhiệm đặc biệt. Người “đầy-tớ” đó, theo lời miêu tả của Giê-su, sẽ có mặt khi Chúa lên trời và vẫn còn sống vào thời kỳ đấng Christ trở lại. Một lời miêu tả như thế không thể xứng hợp cho một cá nhân nào trong nhân loại. Nhưng lời đó xứng hợp cho hội-thánh được xức dầu và trung thành của đấng Christ nói chung. Giê-su biết ngài sắp sửa chuộc họ lại bằng huyết của chính ngài, như thế ngài nói chung về họ cách xứng hợp như “đầy-tớ” của ngài. Ngài giao phó việc làm cho họ, truyền bảo tất cả họ đào tạo môn đồ và rồi dần dần nuôi dưỡng những người này về thiêng liêng, ban cho họ “đồ-ăn [thiêng liêng] đúng giờ”. Thánh linh đã xác nhận sự bổ nhiệm của họ vào lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch. (Ma-thi-ơ 24:45-47; 28:19, 20; I Cô-rinh-tô 6:19, 20; so sánh Ê-sai 43:10).

7. a) Người “đầy-tớ” hiện có trách nhiệm lớn hơn nào? b) Tại sao phản ứng của chúng ta trước sự giáo huấn nhận được qua trung gian cơ quan này là quan trọng?

7 Khi Chủ trở lại, nếu người “đầy-tớ” trung kiên làm công việc mình, ngài sẽ giao phó trách nhiệm lớn hơn. Những năm sau đó sẽ là thời kỳ rao giảng làm chứng về Nước Trời khắp đất, và một “đám đông” những người thờ phượng Đức Giê-hô-va sẽ được gom góp lại với triển vọng được cứu thoát qua khỏi “cơn đại-nạn” (Ma-thi-ơ 24:14; Khải-huyền 7:9, 10). Những người này cũng cần đến đồ ăn thiêng liêng, và đồ ăn đó được dọn ra cho họ bởi lớp người “đầy-tớ” tổng hợp, các tôi tớ của đấng Christ được thánh linh xức dầu. Để làm vui lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta cần phải đón nhận sự giáo huấn Ngài cung cấp qua trung gian cơ quan này và hành động hoàn toàn phù hợp với cơ quan ấy.

8, 9. a) Vào thế kỷ thứ nhất có sự sắp đặt nào để giải quyết các vấn đề về giáo lý và ban chỉ thị cần thiết liên hệ đến việc rao giảng tin mừng? b) Có sự sắp đặt tương tự nào ngày nay?

8 Dĩ nhiên, đôi khi có những vấn đề được nêu ra về giáo lý và phương pháp làm việc. Vậy thì làm gì? Đoạn 15 của sách Công-vụ các Sứ-đồ 15 cho biết cách thức giải quyết một vụ tranh chấp về điều kiện dành cho những người dân ngoại vào đạo. Nơi đó có nói về các sứ đồ và trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem, phục vụ với tư cách một hội đồng lãnh đạo trung ương. Các trưởng lão ấy không phải là tuyệt đối không thể lầm lẫn; họ không phải là những người không bao giờ sai lầm. (So sánh Ga-la-ti 2:11-14). Nhưng Đức Chúa Trời dùng họ. Họ xem xét Kinh-thánh được soi dẫn nói gì về đề tài đang thảo luận cũng như các bằng chứng rõ rệt về tác dụng của thánh linh Đức Chúa Trời khi mở đường cho việc rao giảng giữa dân ngoại, và rồi họ đi đến quyết định. Đức Chúa Trời ban phước cho sự sắp đặt đó (Công-vụ các Sứ-đồ 15:1-29; 16:4, 5). Có những người được hội đồng trung ương đó phái đi để bành trướng việc rao giảng tin mừng phù hợp với sự cho phép của Chúa (Công-vụ các Sứ-đồ 8:14; Ga-la-ti 2:9).

9 Ngày nay Hội đồng Lãnh đạo Trung ương gồm có các anh được thánh linh xức dầu đến từ nhiều nước khác nhau. Hội đồng đó hoạt động tại trụ sở trung ương của các Nhân-chứng Giê-hô-va. Hội đồng này trung thành phục vụ quyền lợi của sự thờ phượng trong sạch dưới quyền lãnh đạo của Giê-su Christ. Các anh này có cùng quan điểm với sứ đồ Phao-lô; khi đưa ra lời khuyên bảo cho anh em cùng đạo Phao-lô viết: “Không phải chúng tôi muốn cai-trị đức-tin anh em, nhưng chúng tôi muốn giúp thêm sự vui của anh em, vì anh em đứng vững-vàng trong đức-tin” (II Cô-rinh-tô 1:24).

10. a) Làm thế nào xác định được ai sẽ làm trưởng lão hoặc tôi tớ chức vụ? b) Tại sao chúng ta nên hợp tác chặt chẽ với những người được bổ nhiệm vào các chức vụ ấy?

10 Các Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới nhìn nhận sự sắp đặt thần quyền này. Tất cả các hội-thánh địa phương của họ hợp tác chặt chẽ với tổ chức thần quyền. Họ trông cậy vào Hội đồng Lãnh đạo Trung ương để bổ nhiệm các trưởng lão và tôi tớ chức vụ để chăm sóc cho hội thánh hoạt động trôi chảy. Những người này được lựa chọn trên căn bản nào để được bổ nhiệm như thế? Những điều kiện được ghi chép rõ ràng trong Kinh-thánh. Cả các trưởng lão đưa ra các sự đề cử lẫn những người có thẩm quyền bổ nhiệm có trách nhiệm nặng trước mặt Đức Chúa Trời là phải theo sát các điều kiện ấy (I Ti-mô-thê 3:1-10, 12, 13; 5:22; Tít 1:5-9). Không có cuộc vận đồng bầu cử nào giữa những người ở trong hội-thánh cũng không có cuộc tuyển cử nào xảy ra. Thay vì thế, phù hợp với điều các sứ đồ đã làm khi thực hiện các sự bổ nhiệm vào thế kỷ thứ nhất, các trưởng lão phụ trách việc đề cử, và những người sau đó thực hiện sự bổ nhiệm, dâng lời cầu nguyện để có sự giúp đỡ của thánh linh Đức Chúa Trời và tìm kiếm sự hướng dẫn của Lời được soi dẫn của Ngài. (Công-vụ các Sứ-đồ 6:2-4, 6; 14:23; so sánh Thi-thiên 75:6, 7). Bằng cách hưởng ứng sự hướng dẫn của các trưởng lão, chúng ta có thể tỏ ra quí trọng sự sắp đặt đầy yêu thương của đấng Christ về “các ơn [dưới hình thức những người đàn ông]” để giúp chúng ta đạt đến sự “hiệp một trong đức-tin” (Ê-phê-sô 4:8, 11-16).

11. a) Trong phạm vi sự sắp đặt thần quyền những người đàn bà thực hiện những việc quí báu nào? b) Khi nào họ cần trùm đầu lại, và tại sao?

11 Kinh-thánh chỉ bảo rằng cương vị giám thị trong hội-thánh phải được các người đàn ông chăm sóc. Điều này không hạ thấp phẩm giá các người đàn bà, vì nhiều chị có mặt trong số những người thừa kế Nước Trời ở trên trời. Qua đức hạnh khiêm tốn, trinh tiết và tánh siêng năng chăm nom gia đình, các nữ tín đồ cũng góp phần vào danh tiếng tốt của hội-thánh (Tít 2:3-5). Họ thường thực hiện một phần lớn của công việc bằng cách tìm ra những người mới chú ý đến lẽ thật và đưa họ đến tiếp xúc với tổ chức (Thi-thiên 68:11). Nhưng việc giảng dạy trong hội-thánh là phận sự của những người đàn ông được bổ nhiệm (I Ti-mô-thê 2:12, 13). Và nếu không có người đàn ông nào có khả năng tại một buổi nhóm họp do hội-thánh sắp đặt, thì một người đàn bà có thể trùm đầu lại khi chủ tọa hay cầu nguyện. * Như vậy chị tỏ ra tôn trọng sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va, như chính Giê-su nêu gương mẫu cho tất cả trong việc phục tùng Cha ngài (I Cô-rinh-tô 11:3-16; Giăng 8:28, 29).

12. a) Kinh-thánh khuyên các trưởng lão nên có quan điểm nào về chức vụ của họ? b) Tất cả chúng ta có thể dự phần vào đặc ân rực rỡ nào?

12 Trong thế gian một người nào có địa vị cao được xem là quan trọng, nhưng trong tổ chức Đức Chúa Trời qui tắc là: “Kẻ nào hèn-mọn hơn hết trong vòng các ngươi, ấy chính người đó là kẻ cao-trọng” (Lu-ca 9:46-48; 22:24-26). Như thế Kinh-thánh khuyên các trưởng lão nên cẩn thận để đừng cai quản khắc nghiệt trên những người là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, nhưng thay vì thế, trở nên gương mẫu cho bầy chiên (I Phi-e-rơ 5:2, 3). Không phải chỉ một số ít người được chọn, nhưng tất cả các Nhân-chứng Giê-hô-va, đàn ông và đàn bà, có đặc ân rực rỡ được đại diện Đấng Tối thượng toàn vũ, bằng cách khiêm nhường nói về danh Ngài và Nước Trời của Ngài cho mọi người ở khắp nơi.

13. Hãy dùng các câu Kinh-thánh được dẫn chứng để thảo luận các câu hỏi ở cuối đoạn này.

13 Chúng ta nên tự hỏi: “Chúng ta có thật sự quí trọng cách Đức Giê-hô-va chỉ huy tổ chức hữu hình của Ngài không? Thái độ, lời nói và hành động của chúng ta có phản ảnh điều đó không?” Lý luận về các điểm sau đây có thể giúp mỗi người trong chúng ta phân tích điều đó:

Nếu chúng ta thật sự phục tùng đấng Christ như đấng cầm đầu hội-thánh, thì chúng ta sẽ làm gì chiếu theo những câu Kinh-thánh sau đây? (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20; Lu-ca 21:34-36; Giăng 13:34, 35).

Trong khi cố gắng sanh bông trái của tín đồ đấng Christ, tất cả những ai thuộc vào tổ chức nên cảm thấy mình tùy thuộc vào Đức Chúa Trời và đấng Christ tới mức độ nào? (Giăng 15:5; I Cô-rinh-tô 3:5-7).

Khi các trưởng lão tìm cách chỉnh đốn tư tưởng của một số người để họ có quan điểm phù hợp với những người khác trong tổ chức, chúng ta nên nhận ra đó là sự lo lắng nhân từ của ai? (Ê-phê-sô 4:7, 8, 11-13; II Cô-rinh-tô 13:11).

Khi chúng ta chấp nhận với lòng biết ơn những điều thiêng liêng được cung cấp qua trung gian lớp người “đầy-tớ” và Hội đồng Lãnh đạo Trung ương thuộc lớp người này, chúng ta tỏ ra tôn trọng ai? Nhưng nói gì nếu chúng ta nói lời gièm pha xúc phạm tới họ? (Lu-ca 10:16; so sánh III Giăng 9, 10).

Tại sao chúng ta không nên chỉ trích gay gắt các trưởng lão được bổ nhiệm? (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28; Rô-ma 12:10).

14. a) Qua thái độ của chúng ta đối với tổ chức thần quyền, chúng ta chứng tỏ gì? b) Về phương diện này, chúng ta có cơ hội nào để chứng minh Ma-quỉ là kẻ nói dối và làm vui lòng Đức Giê-hô-va?

14 Ngày nay Đức Giê-hô-va liên lạc với chúng ta qua trung gian tổ chức hữu hình của Ngài dưới quyền của đấng Christ là đấng được bổ nhiệm làm đầu. Do đó thái độ của chúng ta đối với tổ chức này chứng tỏ trên thực tế chúng ta đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp về quyền tối thượng (Hê-bơ-rơ 13:17). Sa-tan chủ trương rằng tất cả chúng ta đều do sự ham muốn được lợi ích riêng tư thúc đẩy, rằng chúng ta chỉ lo nghĩ đến chính mình mà thôi. Nhưng nếu chúng ta tình nguyện phụng sự cách vui lòng trong bất cứ phạm vi nơi nào cần thiết, và đồng thời tránh nói và làm những việc khiến người khác chú ý cách quá đáng đến chúng ta, chúng ta chứng minh rằng Ma-quỉ là kẻ nói dối. Nếu chúng ta yêu mến và tôn trọng những người “dắt-dẫn” ở giữa chúng ta, bắt chước đức tin của họ nhưng từ chối làm hạng người “vì lợi mà nịnh-hót người ta [ngưỡng mộ những người có danh tiếng]”, chúng ta sẽ làm vui lòng Đức Giê-hô-va (Hê-bơ-rơ 13:7; Giu-đe 16). Bằng cách vun trồng sự tôn trọng lành mạnh đối với tổ chức của Đức Giê-hô-va và hết lòng làm công việc do Ngài chỉ huy, chúng ta chứng tỏ cách hiển nhiên rằng Đức Giê-hô-va thật sự là Đức Chúa Trời của chúng ta và chúng ta hợp nhất trong sự thờ phượng Ngài (I Cô-rinh-tô 15:58).

[Chú thích]

^ đ. 11 Tuy nhiên, chị không cần trùm đầu lại khi rao giảng từ nhà này sang nhà kia, vì trách nhiệm rao giảng tin mừng dành cho tất cả tín đồ đấng Christ. Nhưng nếu hoàn cảnh đòi hỏi chị điều khiển một học hỏi Kinh-thánh tại nhà với sự có mặt của chồng chị (người cầm đầu chị, ngay dù ông không tin đạo), chị phải trùm đầu lại. Cũng vậy, trong một hoàn cảnh phi thường, nếu một nam Nhân-chứng đã dâng mình có mặt khi chị điều khiển một học hỏi Kinh-thánh tại nhà và việc này đã được sắp đặt trước, chị phải trùm đầu lại, nhưng nên để cho anh đó dâng lời cầu nguyện.

Thảo Luận Để Ôn Lại

● Tổ chức hữu hình của Đức Giê-hô-va ngày nay là gì? Mục tiêu của tổ chức đó là gì?

● Ai được bổ nhiệm làm đầu hội-thánh? Qua trung gian những sự sắp đặt hữu hình nào ngài cung cấp chỉ thị đầy yêu thương cho chúng ta?

● Chúng ta nên vun trồng thái độ lành mạnh nào đối với trách nhiệm và những người trong tổ chức?

[Câu hỏi thảo luận]